Bài Phân tích truyện cười Treo biển dưới đây không chỉ giúp các em phân tích những chi tiết gây cười trong truyện mà qua đó còn thấy được bài học ứng xử sâu sắc mà tác giả dân gian muốn gửi gắm qua tác phẩm.
Đề bài: Phân tích truyện cười Treo biển
Phân tích truyện cười Treo biển
I. Dàn ý Phân tích truyện cười Treo biển (Chuẩn)
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về đặc trưng của thể loại truyện cười dân gian
- Giới thiệu về truyện cười Treo biển
2. Thân bài
- Khái quát tình huống truyện: Anh chàng bán cá treo lên cửa tiệm tấm biển "Ở đây có bán cá tươi", nghe những lời góp ý, phàn nàn của người qua đường anh ta liên tục thay đổi nội dung, cuối cùng là cất luôn tấm biển.
- Những lời góp ý:
+ Người thứ nhất: "Nhà này ngày xưa quen bán cá ươn hay sao mà giờ phải đề biển là cá tươi".
+ Người thứ hai: "Người ta chẳng nhẽ ra hàng hoa mua cá hay sao, mà phải đề ở đây"
+ Người thứ ba: "Ở đây chẳng bán cá thì bày cá ra để khoe hay sao mà phải đề là có bán"
+ Người thứ tư: "Chưa đi đến đầu phố đã ngửi mùi tanh, đến gần nhà thấy đầy những cá, ai chẳng biết là bán cá, còn đề biển làm gì nữa".
→ Những lời góp ý mang tính chủ quan, phiến diện, không mang tính đóng góp.
- Hành động của anh chàng bán cá:
+ Liên tục thay đổi nội dung tấm biển theo lời góp ý của người qua đường.
· Lần 1: Bỏ đi chữ "tươi"
· Lần 2: Bỏ đi chữ "ở đây"
· Lần 3: Bỏ đi chữ "có bán"
· Lần 4: Bỏ đi chữ "cá" và cất luôn tấm biển.
+ Làm theo ý của người khác mà không có chính kiến của bản thân.
- Ý nghĩa: Phê phán những người không có chính kiến, không biết suy xét thấu đáo khi nghe những ý kiến của người khác.
3. Kết bài
- Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm
II. Bài văn mẫu Phân tích truyện cười Treo biển (Chuẩn)
Truyện cười là một "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong xã hội xưa. Sau thời gian lao động mệt mỏi, căng thẳng, trở về với cuộc sống sinh hoạt đời thường, người xưa thường tìm đến truyện cười như một "thú vui" để thư giãn, giải trí. Giá trị của truyện cười không chỉ nằm ở tiếng cười sảng khoái mà còn bởi ý nghĩa phê phán, bài học về cách đối nhân xử thế được gửi gắm trong mỗi tác phẩm. Một trong những truyện cười nổi tiếng được lưu truyền rộng rãi trong dân gian có thể kể đến là "Treo biển".
Treo biển về một anh chàng bán cá, một ngày nọ anh ta treo lên trước cửa tiệm cá tấm biển "Ở đây có bán cá tươi". Có thể thấy tấm biển đã hoàn thành rất tốt vai trò và nhiệm vụ của nó khi đã giới thiệu cụ thể về địa điểm (có bán), hoạt động buôn bán (có bán), đối tượng và chất lượng của sản phẩm (cá tươi). Câu chuyện sẽ không có gì để nói nếu anh chàng bán cá không nghe hết những lời bình phẩm, "buột miệng" góp ý của những người qua đường mà lược bỏ hết những từ trên tấm biển và cuối cùng là cất luôn tấm biển giới thiệu. Người thứ nhất nhận xét "Nhà này ngày xưa quen bán cá ươn hay sao mà giờ phải đề biển là cá tươi", anh chàng bỏ đi chữ "tươi". Người thứ hai góp ý "Người ta chẳng nhẽ ra hàng hoa mua cá hay sao, mà phải đề ở đây" anh chàng bỏ đi chữ "ở đây". Người qua đường thứ ba bình phẩm "Ở đây chẳng bán cá thì bày cá ra để khoe hay sao mà phải đề là có bán", anh chàng bỏ đi từ "có bán". Người cuối cùng chỉ vào tấm biển và nói "Chưa đi đến đầu phố đã ngửi mùi tanh, đến gần nhà thấy đầy những cá, ai chẳng biết là bán cá, còn đề biển làm gì nữa", anh chàng bỏ luôn đi chữ "cá" cuối cùng trên tấm biển.
Có thể thấy ở đây anh chàng bán cá rất có tinh thần lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của người qua đường. Đây vốn là một điều tốt vì nó thể hiện sự để tâm, tôn trọng với mọi người, mặt khác những góp ý có thể làm cho công việc của anh chàng trở nên tốt hơn. Thế nhưng, điều đáng trách ở đây chính là việc anh ta tiếp thu một cách máy móc, ai nói gì cũng làm theo mà không có một chút chính kiến với quyết định của bản thân nên mới gây ra một tình huống dở khóc dở cười. Nếu tiếp thu một cách tỉnh táo và có chính kiến của bản thân thì anh ta sẽ nhận ra những lời góp ý của bốn người qua đường đều mang ý chủ quan, phiến diện và không có thành ý đóng góp.
Tiếng cười được bật ra từ sự ngây ngô, cả tin lại có chút nóng vội của anh chàng bán cá. Chỉ vì những lời nhận xét vu vơ của người qua đường mà cất luôn tấm biển mà anh ta đã bỏ công sức ra làm và treo lên trước cửa.
Thông qua câu chuyện "Treo biển", tác giả dân gian đã phê phán những con người không có chính kiến, không có chủ ý và thiếu đi sự cân nhắc trong suy nghĩ và hành động. Câu chuyện cũng mang đến bài học sâu sắc: Làm bất cứ việc gì cũng phải suy nghĩ trước sau, cần tiếp thu một cách tỉnh táo và có chủ ý trước những lời nhận xét, góp ý, bình phẩm của những người xung quanh.
--------------HẾT----------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-truyen-cuoi-treo-bien-65958n.aspx
Bên cạnh bài văn mẫu Phân tích truyện cười Treo biển trên đây, các em có thể khám phá thêm những đặc sắc về nội dung, ý nghĩa tác phẩm qua việc tìm đọc: Bài học rút ra từ câu chuyện Treo biển, Sơ đồ tư duy bài Treo biển, Khái quát giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc truyện Treo biển, Tóm tắt Treo biển.