Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2, Văn kể chuyện là tài liệu hướng dẫn làm các đề: đề 1, đề 2, đề 3, đề 4, đề 5 trong SGK Ngữ văn cụ thể và chi tiết nhất. Các em tham khảo tài liệu này dễ dàng làm bài tập cũng như trau dồi được kiến thức về văn kể chuyện.
Trong phần soạn văn Viết bài văn biểu cảm tuần 7 của Ngữ Văn lớp 10, chúng ta sẽ thực hành viết các bài văn. Các em chọn các đề tài sau để làm.
Đề bài 1: Hãy ghi lại cảm nghĩ chân thực của anh (chị) về những ngày đầu tiên bước vào trường Trung học phổ thông
Đã chín lần tôi được dự lễ khai giảng năm học mới, vậy mà trước lễ khai giảng năm nay – năm thứ mười, tôi vẫn không khỏi hồi hộp và lo lắng. Bố mẹ cũng phải ngạc nhiên về sự hồi hộp của tôi, về một đứa vốn nghịch ngợm và mạnh bạo như tôi mà cũng bồn chồn như thế. Không nôn nao sao được khi niềm mong ước và mục tiêu phấn đấu của tôi đã trở thành hiện thực. Với tôi, ngôi trường mới xa lạ đấy nhưng cũng quen thuộc như một cố nhân.
Suốt bốn năm học Trung học cơ sở, ngày nào đi học tôi cũng đi qua ngôi trường ấy. Đã nhiều lần tôi dừng lại để nhìn vào, để mong ước và để quyết tâm. Từ ngoài cổng, tôi nhận thấy sự đổi thay sắc lá của những hàng cây to thẳng tắp trong sân trường. Ngôi trường cũng duyên dáng hơn cùng với sự đổi thay của dòng sông Hưng Long quen thuộc, nơi mà tất cả lũ trẻ chúng tôi chẳng lạ lẫm gì. Đặc biệt truyền thống học tập của nhà trường là điều cuốn hút đối với chúng tôi. Tôi mơ ước, rồi kiêu hãnh, tự hào khi được trở thành một phần thân yêu của ngôi trường ấy. Lòng tôi vẫn hồi hộp không yên. Những môn học sẽ khó hơn, có nhiều quy định mới của nhà trường mà tôi sẽ phải nghiêm túc thực hiện. Các thầy cô thì có khi tôi đã quen gương mặt nhưng chưa được trực tiếp học bao giờ, bởi thế mà chắc có nhiều điều lạ lắm! Và lại thêm bạn bè nữa chứ. Có một số bạn học cùng lớp 9 với tôi nhưng còn biết bao nhiêu là bạn mới. Có chơi vui như lớp cũ của mình không? Có đoàn kết và thân thiện?… Lại nữa, ai cũng bảo học Trung học phổ thông là quan trọng. Nó bước đệm để bắt đầu định hướng cho tương lai. Thế đấy, đầu óc tôi cứ hoa lên bao nhiêu ý nghĩ. Những ý nghĩ làm tôi phấp phỏng không yên. Tôi mang theo tất cả những cảm xúc tự hào, hãnh diện, hồi hộp, băn khoăn ấy đến trường trong buổi lễ khai giảng đầu tiên.
Buổi lễ hôm ấy ngắn ngọn mà sâu sắc. Tôi đặc biệt ấn tượng với bài diễn văn của thầy Hiệu trưởng. Tôi lắng nghe và ngấm trọn những lời của thầy về trách nhiệm của mỗi học sinh khi được học tập ở một ngôi trường giàu truyền thống. Tôi xúc động và bâng khuâng man mác khi nghe một học sinh lớp mới phát biểu những cảm xúc đầu tiên. Buổi lễ tan, chúng tôi học ngay những bài học mới. Đúng như chúng tôi cảm nhận, kiến thức mới, lạ và khá khó. Thế nhưng sự trầm lắng chỉ thấy ở lớp tôi trong buổi học đầu tiên. Những ngày sau đó, quen bạn, quen thầy, chúng tôi tự nhiên đã sôi nổi hẳn lên. Lớp học háo hức và thân thuộc chẳng khác gì khi đang học trong lớp chín. Cuối tuần, chúng tôi bắt đầu tham gia lao động. Phải góp một cái gì đó cho ngôi trường mới, ta mới thêm quý thêm yêu. Ngày lao động tuần đầu tiên thật là thích thú. Sân trường có nhiều cây to nên có bao nhiêu lá rụng. Hôm trước trời lại mới mưa nên lá rụng càng nhiều. Lá ướt lẹp chẹp. Cả lớp mang chổi đi mà không dùng được bèn cứ thế thi nhau nhặt lá bằng tay! Có cậu con trai hí hửng mang đến tặng cô bạn gái chiếc lá vàng thật đẹp, cô bạn xúc động cảm ơn, chẳng ngờ đằng sau mặt lá có chú sâu đang ngoan ngoãn ẩn mình. Đám con gái kêu ré lên sợ hãi, còn bọn con trai ha hả cười đắc chí, rồi lại xin lỗi, lại bắt đền bằng những chiếc kẹo thủ sẵn từ ở nhà đi! Giờ lao động vì thế mà chẳng thấy mệt nhọc, chỉ thấy vui nhộn, chỉ nghe thấy tiếng cười. Đám con trai mới lớn thích “làm anh” thiên hạ nên chỉ cần một giọng con gái thỏ thẻ “anh ơi” là cả Thế Anh, Tuấn Anh, Hải Anh, Ngọc Anh đều quay lại và xoắn xuýt. Tôi cũng hân hạnh được tặng một cái tên mới “Diệp còi”! Những trận cười giòn giã bật ra. Cả lớp vui và thân thiện, gắn bó như một gia đình nhanh không kể nổi.
Những hồi hộp, lo lắng, băn khoăn, lạ lẫm nhanh chóng bị khoả lấp đi. Không khí học tập của lớp tôi ngày càng tốt. Một cách rất tự nhiên và rất âm thầm, tôi và cậu bạn “hàng xóm” ngồi bên bắt đầu “đua sức” trong học tập. Đứa nào cũng cố gắng tìm ra lời giải nhanh nhất, làm bài tập đầy đủ và chính xác nhất để đến lớp trao đổi cho nhau và lại học thêm ở bạn một điều mới lạ.
Tuổi mười sáu chóng buồn và cũng nhanh vui. Mới học cùng nhau tôi cũng chưa thật hiểu hết về hoàn cảnh và tính cách của từng người trong lớp. Nhưng tôi tin, thời gian sẽ giúp cả lớp tôi ngày một gắn bó hơn và học tập cùng sẽ tiến bộ hơn. Những ngày đầu bỡ ngỡ bước vào Trường trung học phổ thông của tôi là như thế. Đối với tôi, nó sẽ là những ngày đáng nhớ, là những kỉ niệm ngọt ngào không thể nào quên.
Để bài 2: Thơ thiên nhiên trong Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi
Nói đến thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi, trước hết chúng ta cần đặt trong mối quan hệ qui chiếu với cuộc đời của nhà thơ để giải mã rõ hơn cảm hứng cụ thể trong từng tác phẩm ở hai tập thơ. Đây là vấn đề đòi hỏi quá trình khảo cứu công phu và thuộc phạm vi nghiên cứu của một công trình lớn.
Người viết chỉ xin được so sánh mảng thơ thiên nhiên của Nguyễn Trãi ở thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm của ông ở những khía cạnh cơ bản nhất, trên cơ sở phân tích một số tác phẩm tiêu biểu và tương đối quen thuộc với chúng ta lâu nay. Theo một truyền thống thi ca trung đại “cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ” (Hồ Chí Minh), những bài thơ của Nguyễn Trãi dành một số lượng khá lớn viết về thiên nhiên.
Thiên nhiên gắn với cuộc đời thăng trầm đầy bi kịch của người anh hùng, như cũng soi chiếu tâm tư của chính nhà thơ trong những hoàn cảnh khác nhau.
Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày
Có thuốc trường sinh càng khỏe thay
Hổ phách phục linh nhìn mấy biết
Dành, còn để trợ dân này
Những câu thơ Nguyễn Trãi viết về Tùng như sự khẳng định nhân cách của chính ông, một con người cả đời canh cánh nỗi lòng “ưu quốc ái dân”. Nguyễn Trãi tìm về thiên nhiên và để lại hàng trăm bài thơ chữ Hán và chữ Nôm, hầu như bài thơ nào cũng toát lên vẻ đẹp lồng lộng thanh cao và cứng cỏi như dáng tùng vững chãi giữa tuyết sương.
Trong buổi đầu của nền thi ca trung đại Việt Nam, Nguyễn Trãi đã tạo dựng nên một kiểu nhà nho – nghệ sĩ đích thực, khi tâm hồn ông hoà quyện với từng vẻ đẹp đất nước, rung động trước non nước mây trời, cỏ cây hoa lá để người đời sau hình dung đầy đủ diện mạo của con người có tấm lòng sáng tựa “sao Khuê buổi sớm” ấy. Lúc làm quan giữa triều, khi về ở ẩn sống đời thanh bần giữa núi rừng, dù ở đâu thiên nhiên vẫn chiếm một địa vị quan trọng, một người bạn tâm giao để Nguyễn Trãi kí thác nỗi lòng luôn quặn thắt những ưu tư thời thế:
Non cao non thấp mây thuộc
Cây cứng cây mềm gió hay
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết
Bui một lòng người cực hiểm thay
Đề tài thiên nhiên trong thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi vô cùng phong phú như phản chiếu cuộc đời lắm thăng trầm của chính ông. Nếu như trong thơ chữ Hán, ta gặp nhiều địa danh gắn với quãng đời sôi nổi, với hoài bão “trí quân trạch dân”, với tầm nhìn bao quát lịch sử, chiêm nghiệm thời thế một cách cụ thể thì ở thơ chữ Nôm lại là những cảm xúc tinh lọc thăng hoa trong những đề tài tưởng như mòn cũ vì ước lệ « tùng, trúc, cúc, mai “, “phong, hoa tuyết nguyệt”. Nhưng dù cho đề tài cụ thể hay trừu tượng thì Nguyễn Trãi đều thể hiện con người đầy cá tính của ông một cách rõ nét trước thiên nhiên. Cảm hứng bao trùm trong những bài thơ chữ Hán viết về thiên nhiên phải chăng có thể khái quát trong hai câu thơ này của Nguyễn Trãi:
Kim cổ vô cùng giang mạc mạc
Anh hùng hữu hạn diệp tiêu tiêu
Ngay cả những bài thơ chữ Hán thấm đẫm phong vị trữ tình cũng phảng phất nỗi niềm người anh hùng trước lẽ hưng phế, đọng lại những hoài niệm về các triều đại đã qua. Dù cho đó là cảnh đã bao nhiêu lần thưởng ngoạn thì vào thơ, Nguyễn Trãi vẫn tạo được những rung động khác thường. một Dục Thuý sơn qua cảm xúc của ông hiện rõ là nơi “tiên cảnh trụy trần gian “với vẻ đẹp thật diễm lệ:
Tháp ảnh trâm thanh ngọc
Ba quang kính thúy hoàn
Vẻ diễm kiều như một nàng thiếu nữ của núi Dục Thúy cũng không làm ông nguôi ngoai hoài niệm về bậc tài danh tiền bối Trương Hán Siêu, trong mối đồng cảm của người đề thơ núi Thuý. Đó không chỉ là gặp gỡ của hồn thơ yêu cảnh đẹp, mà còn là nhớ bậc tiền nhân đã cống hiến tài trí phò vua giúp nước: Hữu hoài Trương Thiếu bảo – Bi khắc tiển hoa ban. Nhiều bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi thường khắc hoạ những phong cảnh hùng vĩ của đất nước với bút lực cuồn cuộn, với hơi văn dào dạt như thuở Bình Ngô một Thần Phù hải khẩu:
Kình phun lãng hống thôi nam bắc
Sóc ủng sơn liên ngọc hậu tiền
Hay một Vân Đồn “thiên khôi địa thiết phó kì quan”, một Bạch Đằng hải khẩu:
Sóc phong xuy hải khí lăng lăng
Khinh khởi ngâm phàm quá Bạch Đằng
Ngạc đoạn kình khoa sơn khúc khúc
Qua trầm kích chiết ngạn tằng tằng
Cảnh ấy, tình ấy gắn với niềm tự hào dân tộc lớn lao, bởi những danh thắng cũng đồng thời gắn với những anh hùng mà bản thân nhà thơ ngưỡng vọng: Thần Phù là nơi anh hùng Hồ Quí Ly chống sự xâm lăng của vua Chiêm Chế Bồng Nga, Vân Đồn vang danh chiến công của Trần Khánh Dư và bao triều đại anh hùng vùi thây quân giặc cướp trên sóng Bạch Đằng. Nhưng đồng thời, Nguyễn Trãi còn nhận ra những mối tương quan trời đất và con người khi suy ngẫm trước cảnh trời đất vô cùng, để ngậm ngùi cho mối hận anh hùng, để suy ngẫm về gốc rễ vững bền của đất nước:
Phúc chu thủy tín dân do thuỷ
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỉ thiên niên
(Quan hải)
Có lẽ chưa ai nhìn thiên nhiên đất trời mà luận anh hùng sâu sắc như Nguyễn Trãi, anh hùng là phẩm chất cá nhân, nhưng muốn thành nghiệp lớn phải gắn với nhân dân như thuyền với nước.
Tiếp xúc với thiên nhiên trong thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi trong Ức Trai thi tập, chúng ta có thể nhận thấy ý kiến đánh giá của PSG.TS Lã Nhâm Thìn thật xác đáng: Đó là một thiên nhiên kỳ vĩ, hoành tráng nhưng cũng đồng thời mĩ lệ, thi vị; thiên nhiên gắn với những địa danh như một cuốn nhật kí gắn với cuộc đời phong phú từng trải của Nguyễn Trãi; qua đó ta nhận ra một tâm hồn cao rộng, khoáng đạt, phong tình và tinh tế.
Phần lớn những bài thơ của Nguyễn Trãi viết về thiên nhiên bằng chữ Hán đều tuân thủ nghiêm ngặt thể loại Đường luật nhưng không hề gò bó cảm xúc. Thơ thiên nhiên gắn với tâm hồn trí tuệ của một con người lừng danh “viết thư, thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời” cũng mang theo cái mạnh mẽ phóng khoáng của một tấm lòng nặng niềm “ưu ái”, bao giờ cũng phảng phất bóng dáng con người hăm hở gánh vác giang sơn, trổ tài kinh bang tế thế để thực hiện hoài bão trí quân trạch dân. Bên cạnh đó là một thiên nhiên chất chứa ưu tư.
Cùng chung cảm hứng này, trong những bài thơ Nôm, Nguyễn Trãi lại có dịp bộc bạch nhiều ưu tư hơn. Ông tìm thấy trong thiên nhiên những bài học lớn, đặc biệt là thiên nhiên trong chùm thơ Bảo kính cảnh giới ở Quốc âm thi tập.
Quãng đời lui về ẩn cư quê ngoại Côn Sơn giúp Nguyễn Trãi có dịp hoà nhập với thiên nhiên hết mình hơn, khi “công danh đã được hợp về nhàn”, những cảm xúc thiên nhiên trong chùm thơ Mạn thuật, Thuật hứng, những cảm nhận về hoa cỏ trong Hoa mộc môn…cũng bộc lộ con người ông thật bình dị gần gũi. Ta cũng nhận ra chân dung tâm hồn Nguyễn Trãi sinh động tự nhiên hơn trong những vần thơ dân dã nôm na.
Thiên nhiên trong thơ Nôm Nguyễn Trãi là cả một không gian bát ngát tình người, tràn căng sức sống “thế giới đông lên ngập một bầu”. Điểm khác biệt về cảm hứng giữa thơ chữ Nôm và thơ chữ Hán xuất phát từ chính những nét đặc biệt trong hoàn cảnh của nhà thơ khi về ẩn cư:
Ao cạn vớt bèo cấy muống
Đìa thanh phát cỏ ương sen
Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc
Thuyền chở yên hà nặng vạy then…
(Thuật hứng)
Vẫn là “phong nguyệt yên hà” nhưng có cái mềm mại lung linh trong cảm xúc của một hồn thơ nhạy cảm. Trong cuộc sống của vị hưu quan, vẫn còn ắp đầy những hoài bão hướng về cuộc đời trăn trở niềm “tiên ưu”. Cuộc sống thanh bình của dân gian cũng tạo nên niềm vui giúp ông vượt lên nỗi niềm riêng:
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ, khắp đòi phương
(Bảo kính cảnh giới, 43)
Thiên nhiên đến với nhà thơ trong tư cách “Núi láng giềng, chim bầu bạn, mây khách khức, nguyệt anh tam”, nên ông cũng thả lòng mình thật tự nhiên không rào đón. Nếu như đọc thơ chữ Hán, ta đã gặp một Nguyễn Trãi với Côn Sơn ca thật tiêu dao:
Côn Sơn hữu tuyền
Kỳ thanh linh linh nhiên
Ngô dĩ vi cầm huyền
Côn Sơn hữu thạch
Vũ tẩy đài phô bích
Ngô dĩ vi đạm tịch
Nham trung hữu tùng
Vạn cái thuý đồng đồng
Ngô ư thị hồ yên tức kỳ trung…
Thì trong thơ chữ Nôm, ông còn thoải mái viết những câu vượt ra khỏi mọi ràng buộc câu thúc lễ nghi để thật sự hoà đồng cùng cây cỏ đất trời:
Già chơi dầu có của no dùng,
Chén rượu câu thơ ấy hứng nồng.
Ngỏ tênh hênh nằm cửa trúc,
Say lểu thểu đứng đường thông…
(Thuật hứng, 16)
Ta nhận ra một Nguyễn Trãi thật tự do phóng khoáng giữa đất trời, thật táo bạo với những từ ngữ thuần Việt đắt giá “tênh hênh”, “lểu thểu” mà vẫn không suồng sã, tưởng khó thành thơ mà vẫn lộ rõ cốt cách thanh cao nhưng giản dị của Nguyễn Trãi. Thơ chữ Nôm Nguyễn Trãi thường nói về cảnh nhàn, cuộc sống nhàn rỗi bất đắc dĩ nhưng không vì thế làm mất đi vẻ thư thái tự tin của nhà thơ: “Quét trúc bước qua lòng suối – Thưởng mai về đạp bóng trăng”. Bên cạnh những bài thơ vịnh cảnh theo truyền thống với những biểu tượng thiên nhiên gắn với người quân tử như “tùng trúc cúc mai” còn là những loài hoa cỏ bình thường nhưng lại toả ra phẩm chất thi nhân của Nguyễn Trãi tinh tế nhất. Thưởng thức lại những vần thơ cô đọng mà thấm đượm vẻ tình tứ trong bài Cây chuối, ta mới thấy Nguyễn Trãi đã vượt trước thời đại mình biết bao nhiêu:
Tự bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem
Hồn thơ ấy cũng không gò bó câu thúc trong khuôn khổ thơ luật Đường mà tìm cách thể hiện cá tính của mình trong những phá cách lục ngôn. Nghiêm cẩn trong thơ chữ Hán bao nhiêu thì ông lại phóng túng trong thơ chữ Nôm bấy nhiêu, đó cũng là dấu ấn đặc sắc của Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập. Người đọc có thể hình dung một Nguyễn Trãi “Cơm ăn chẳng quản dưa muối – Áo mặc nài chi gấm thêu” giữa một thiên nhiên rất giàu cảm xúc và đậm nét đời thường:
Quê cũ nhà ta thiếu của nào,
Rau trong nội, cá trong ao.
Cách song mai tỉnh hồn Cô Dịch,
Kề nước cầm đưa tiếng Cửu Cao
Khách đến vườn còn hoa lạc,
Thơ nên cửa thấy nguyệt vào.
Cảnh thanh dường ấy chăng về nghỉ,
Lẩn thẩn làm chi áng mận đào
(Mạn thuật, 35)
Bản thân nhà thơ dẫu chán ngán cảnh quan trường, nhưng không hề run sợ khuất phục trước cường quyền, không phải lánh đời theo triết lý “độc thiện kỳ thân” mà chính thiên nhiên tiếp cho ông sức mạnh, tìm ra cách ứng xử với bọn quyền thần một cách đầy dũng khí. Thiên nhiên ấy hun đúc nên một Nguyễn Trãi đầy khí phách:
Mai chăng bẻ thương cành ngọc,
Trúc nhặt vun tiếc cháu rồng
Bui một tấc lòng ưu ái cũ,
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.
(Ngôn chí, 50)
Qua những bài thơ viết về thiên nhiên của Nguyễn Trãi, ta có thể nhận ra đầy đủ về chân dung một con người hội tụ “khí phách của dân tộc, tinh hoa của thời đại”. Thiên nhiên mà ông tìm đến cũng là một thiên nhiên đầy sức sống, thanh cao như tâm hồn ông luôn cuồn cuộn hoài bão lo cho dân cho nước. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những vần thơ của ông vẫn toát lên vẻ đẹp của con người chân chính và “tài năng làm hay làm đẹp cho nước xưa nay chưa từng thấy” đúng như những lời ca ngợi hậu thế dành cho ông.
Đề bài 3: Cảm tưởng của anh (chị) về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão
Tỏ lòng là bài thơ nói về chí làm trai theo quan niệm Nho giáo xưa. Bài thơ đã xây dựng nên một hình tượng đẹp về người anh hùng thời loạn: một tráng sĩ hiên ngang tay cắp ngang ngọn giáo, đánh đông dẹp bắc để lập công danh. Bài thơ khiến ta nhớ đến bài ca dao:
Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai đã từng
Đó là tiêu chuẩn lí tưởng của người đàn ông trong bất cứ thời đại nào. Trong thời loạn, chí khí ấy lại càng cần thiết. Phạm Ngũ Lão đã hình tượng hoá quan niệm của Nho gia về đáng nam nhi. Đây là một quan niệm dúng đắn và cao đẹp. Là con người, dù là đàn ông hay đàn bà, dù là già hay trẻ đều phải có trách nhiệm với đất nước, với quê hương, với cộng đồng, huống chi là người tráng sĩ sinh ra trong thời loạn. Họ phải biết mang sức lực, tài trí của mình ra giúp dân, giúp nước, bảo vệ sự ổn định của xã hội. Với những bậc quân tử xưa, đền nợ nước, báo ơn vua là lí tưởng và mục đích sống của họ. Như Nguyễn Công Trứ từng nói:
Đã sinh ra ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Nếu họ không thực hiện được con đường công danh ấy, họ sẽ cảm thấy hổ thẹn với mọi người. Cả cuộc đời người quân tử chỉ có một lí tưởng duy nhất để theo đuổi đó là lập công danh. Con đường mà Nho giáo đã vạch sẵn cho tất cả các đấng nam nhi là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Tư tưởng này đã trở thành một động lực thôi thúc các nhà Nho phát huy tài trí của mình ra giúp nước. Nhà Nho tiến bộ của thế kỉ XX – Phan Bội Châu- cũng đã từng thể hiện một cách hùng hồn và đầy nhiệt huyết cái chí khí ấy của người anh hùng thời loạn:
Làm trai phải lạ ở trên đời
Há để càn khôn tự chuyển rời
Trong khoảng trăm năm cần có tớ
Sau này muôn thủa há không ai?
Tư tưởng ấy đã làm nên một hình tượng đẹp thể hiện khát vọng cứu nước trong văn học Việt Nam:
Muốn vượt biển đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi
Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, đất nước ta đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc. Một đất nước nhỏ bé luôn đứng trước nguy cơ bị xâm lược nên ý thức giữ nước đã trở thành ý thức có tính chất bản năng của mỗi người dân. Vì thế mà hình tượng đẹp nhất về người anh hùng bao giờ cũng là người anh hùng thời loạn. Trong đó hình tượng người tráng sĩ trong Tỏ lòng là một hình tượng có vẻ đẹp lí tưởng, bởi thời kì lịch sử ấy, nhà Trần với ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông đã viết lên những trang sử vô cùng chói lọi trong thiên sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Sau người tráng sĩ ấy còn biết bao hình tượng đẹp nữa, trong đó không thể không kể đến những anh bộ đội cụ Hồ, những anh vệ quốc quân trong kháng chiến chống Pháp, những anh giải phóng quân – chàng Thạch Sanh của thế kỉ XX – trong kháng chiến chống Mĩ…
Người anh hùng với lí tưởng cao đẹp đã từng đánh đông dẹp bắc, từng làm nên cái khí thế “nuốt sao Ngưu” dũng mãnh ấy, khi nhìn lại sự nghiệp của mình vẫn mang những niềm trăn trở day dứt:
Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu
Đây là cái thẹn của một nhân cách cao đẹp. Như thế vẫn chưa thoả mộng công danh, người quân tử không có điểm dừng trong sự nghiệp công danh của mình. Phạm Ngũ Lão với Tỏ lòng đã thể hiện một nhân cách cao đẹp của người tướng lĩnh, con người suốt cuộc đời khao khát lập công, khao khát mang sức lực và tài trí của mình ra giúp nước. Bài thơ là niềm tự hào của mỗi chúng ta về truyền thống đạo đức, truyền thống yêu nước của cha ông ta.
Đề bài 4: Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong ca dao
Không phải quá tự hào, nhưng có lẽ trên thế giới, hiếm có dân tộc nào kiên cường bất khuất, mà lại nặng tình, nặng nghĩa như người dân Việt. Dòng máu Lạc Hồng luôn nóng ấm ân tình, chảy trong tâm hồn những con người bé nhỏ nghèo khó ấy, đã cho họ một sức sống anh dũng phi thường. Dòng máu ấy không chỉ làm nên một Việt Nam anh hùng, mà còn làm nên một Việt Nam mượt mà tình cảm qua những làn điệu dân ca, ca dao.
Không ai có thể thống kê hết những sắc màu tình cảm trong muôn ngàn những mối quan hệ của người dân Việt. Bao thế hệ đi qua đã để lại một khối lượng lớn ca dao dân ca ăm ắp ân tình làm nên trái tim ấm áp trong lòng văn hóa Đại Việt. Trong muôn ngàn những ân tình; Tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước, yêu lao động…thì số lượng những câu ca dao nói về tình cảm gia đình cha con, chồng vợ… chiếm một vị trí rất quan trọng và vô cùng phong phú.
Vốn dĩ mang dòng dõi con Lạc cháu Hồng, người Việt rất yêu quý tổ tông, nòi giống, vì thế tình cảm gia đình yêu thương gắn bó chính là nét truyền thống muôn đời của người Việt.
Trong gia đình Việt Nam có khi lên đến “Tứ đại đồng đường”, nó chính là một Xã hội thu nhỏ. Chính các mối quan hệ rắc rối, chằng chịt của nó, cùng với tâm hồn dạt dào tình cảm của người dân Việt làm cho ca dao dân ca về tình cảm gia đình vô cùng phong phú, nhiều màu sắc. Ca dao dân ca thể hiện rất hoàn hảo nét đẹp cao quý của tình cảm thiêng liêng này.
Nói đến nhân tố đầu tiên, cốt tỉ làm nên gia đình, phải nói đến vợ chồng. Tình cảm vợ chồng yêu thương gắn bó, chính là cơ sở của một gia đình tốt đẹp, là một tế bào lành mạnh của xã hội.
Trên đồng cạn dưới đồng sâu,
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.
Vợ chồng hòa thuận chính là sức mạnh cho họ cùng vượt qua khó khăn gian khổ, làm lợi ích cho xã hội.
Họ có thể cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng xây dựng mái ấm, nuôi dưỡng con cái tốt, khiến xã hội giàu mạnh an vui.
Nhưng không phải lúc nào cũng “Phu sướng phụ tùy” đẹp đôi tốt lứa, trong ấm ngoài êm. Trong những gia đình phong kiến ngày xưa, truyền thống gia đình “tam đại”, “tứ đại”, hay năm thê bảy thiếp, thì sẽ có nhiều xung đột tình cảm giữa các mối quan hệ xảy ra. Nhưng nó chỉ làm cho các cung bậc tình cảm của con người thêm phong phú, làm cho ca dao dân ca thêm nhiều màu sắc, có khi hóm hỉnh cười ra nước mắt.
Sống với chồng họ hết lòng chăm lo cho chồng, cho con và gia đình chồng.
Lấy chồng từ thuở mười ba,
Đến khi mười tám thiếp đà năm con.
Ra đường người tưởng còn son,
Về nhà thiếp đã năm con với chàng.
Cho dù cha mẹ anh em nhà chồng có phụ rẫy, họ cũng phải vì chồng vì con mà cam chịu.
Bởi vì con heo nên phải đèo khúc chuối,
Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan.
Bởi vì chàng nên thiếp phải chịu đòn oan,
Phụ mẫu nhà đay nghiến, thế gian chê cười.
Nhưng rồi thì “năm tháng trôi đi lòng người thay đổi”, đến cả người chồng mình chăm sóc yêu thương cũng thay dạ đổi lòng.
Ngày xưa anh bủng anh xanh,
Tay tôi nâng chén thuốc, tay tôi đèo múi chanh.
Bây giờ anh khỏi anh lành,
Anh mê nhan sắc, anh tình phụ tôi.
Nhưng vì con cái họ lại một lần nữa cam chịu hẩm hiu.
Chàng ơi phụ thiếp làm chi,
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.
Ca dao dân ca trở thành người bạn tâm tình cho họ thở than nỗi lòng. Nhưng chỉ là thở than cho khuây khỏa mà thôi, còn cả tâm tư hi vọng, hạnh phúc của họ đều dành cho con cái.
Có thể nói trong đề tài ca dao tình cảm gia đình thì mảng thiêng liêng cao đẹp nhất chính là tình cảm cha mẹ và con cái. Trong đó không có gì đẹp bằng tình mẫu tử. Con ơi con ngủ cho yên,
Hết gạo hết tiền mẹ kiếm mẹ nuôi.
Công trình kể biết mấy mươi,
Mai sau con lớn con đền bồi mẹ cha.
Hình tượng người mẹ Việt nam chính là vẻ đẹp tuyệt vời của ca dao tình cảm gia đình.
Mẹ già như áng mây trôi,
Như sương trên cỏ, như lời hát ru.
Lời hát ru vi vu trong gió,
Sương trên cỏ khó vỡ dễ tan.
Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con
Mẹ chính là nhịp cầu ân tình cho con gắn bó yêu thương với mọi người trong gia đình. Mẹ chính là nhân tố nền tảng tạo lập tính cách nhân phẩm đầu đời cho con. Mẹ thổi vào tâm hồn thơ bé của con những tình cảm yêu thương trong sáng ngọt ngào nhất. “Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn.” Mẹ ru rằng:
Cái cò đi đón cơn mưa,
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về.
Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha thăm mẹ cò về thăm anh.
Cò bay xuống vũng trâu đằm,
Lấy rơm làm tổ cho con cò nằm.
Trong lời ru của mẹ chứa đựng tất cả những thăng trầm nắng mưa, những hoàn cảnh xã hội. Mẹ vẽ vào tâm hồn con mình từ cảnh sắc non sông gấm vóc đến những ước mơ khát vọng sống.
Thời giờ ngựa chạy, tên bay,
Hết trưa lại tối, hết ngày lại đêm.
Đông qua Xuân lại đến liền,
Hè về rực rỡ, êm đềm Thu sang.
Giờ con chăm học, chăm làm,
Thì mai sau sẽ giỏi dang giúp đời.
Nước nhà mong đợi con ơi,
Hãy luôn ghi nhớ những lời thầy khuyên.
Lời mẹ ru con thấu tình đạt lý, mong muốn con hướng tới đời sống tinh thần tốt đẹp hơn…
Qua những bài dân ca - ca dao về tình cảm gia đình, cho chúng ta thấy người phụ nữ, người mẹ là nhân vật trữ tình nhất và cũng là nhân vật chịu đựng nhất, quan trọng nhất. Người phụ nữ là hạt nhân trung tâm gánh vác mọi mối quan hệ trong gia đình. Họ chính là những người vợ đảm đang, là người con dâu hiếu thảo, là người chị chăm chỉ, là người mẹ dịu hiền. Tục ngữ có một câu rất chí tình dành cho họ: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.” Có thể nói nếu không có họ thì không hình thành nên gia đình, cũng không có tổ ấm yêu thương với những đứa con tương lai cho đất nước. Đặc biệt là nếu không có họ thì không có ca dao dân ca phong phú truyền tải cho đến hôm nay và mai sau.
Đề bài 5: Hãy viết bài văn tả quang cảnh nhà tù trưởng Đăm Săn sau khi chiến thắng Mtao Mxây
Sau khi chiến thắng Mtao Mxây, kẻ đã cướp vợ mình, Đăm Săn trở về nhà Hàng ngàn tôi tớ và dân làng của Mtao Mxây đi theo chàng. Họ mang theo của cải nhiều như ong đi chuyển nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, như bầy trai gái đi giếng làng cõng nước.
Đăm Săn hào hứng hô to: “ơ các con, hãy đi lấy rượu, bắt trâu! Rượu năm ché, trâu dâng một con để cúng thần linh, cáo tổ tiên, cầu sức khỏe cho ta mới đi đánh kẻ thù, bắt tù binh, xéo nát đất đai một tù trưởng nhà giàu về. Rượu bảy ché, trâu bảy con, lợn thiến bảy con để dâng thần, cầu cho ta binh yên vô sự, nạn khỏi tai qua, lớn lên như sông nước, cao lên như cây rừng, không ai bì kịp! Hỡi anh em trong nhà, bà con trong làng, xin mời tất cả đến với ta! Chúng ta sẽ mở tiệc ăn mừng năm mới, chúng ta sẽ ăn lợn ăn trâu, đánh lên các chiêng trống to, đánh lên các cồng hlong hoà nhịp cùng chũm chọe xoa sao cho kêu lên rộn rã, để voi đực voi cái ra vào sàn hiên không ngớt, dây cồng dây chiêng không lúc nào vắng bớt trên giá treo chiêng, các chuỗi thịt trâu thịt bò treo đen nhà, chậu thau, âu đồng nhiều không còn chỗ để".
Đám tôi tớ kính cẩn hỏi chàng nên đánh chiêng nào, Đăm Săn bảo hãy đánh các chiêng có tiếng âm vang, những chiêng có tiếng đồng, tiếng bạc. Ba con kéo đến xem, nhà Đam Săn đông nghịt khách khứa. Các tù trưởng ở phương xa cũng kéo đến chúc mừng.
Đăm Săn nằm trên võng, tóc thả xuống sàn, hứng tóc chàng là một cái nong hoa. Chàng mở tiệc linh đình, thịt lợn, thịt trâu, thịt dê nhiều không kể xiết. Máu bò máu trâu đọng đen khắp sàn hiên. Dây cồng dây chiêng giăng giăng như mạng nhện. Chỉ vàng, chỉ đỏ như hoa dam biết nở rộ ngoài rừng. Trai gái đi đi lại lại rộn ràng tấp nập
Cảnh nhà của tù trưởng Đăm Săn giàu có và hùng mạnh thật là vui vẻ, tưng bừng. Rõ ràng, tù trưởng Đăm Săn đang giàu lên, chiêng lắm, với nhiều, bạn bè đông khống kể xiết. Dũng tướng Đăm Săn ngực quấn chéo một tấm mền chiến, mình khoác một tấm áo chiến, tai đeo nụ, sát bên mình nghênh ngang đủ thứ giáo gươm, đôi mắt sáng long lanh như mắt chim ghếch, thân thể tràn đầy sức trai. Bắp chân chàng to như cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức khỏe chàng ngang sức voi đực, hơi thở của chàng ầm ầm như sấm dậy.
Yêu mến và kính phục Đăm Săn, người từ muôn nơi nườm nượp khiêng rượu, khiêng lợn đến nhà chàng. Đăm Săn trở thành vị tù trưởng nổi tiếng đến mức thần linh cũng biết tới chàng.
Đề bài 6: Hãy viết một bài văn trong đó nói lên những suy nghĩ của em về mẹ
Sài Gòn chiều nay lại mưa, cơn mưa chiều bất chợt như muốn xóa nhòa mọi thứ. Giờ tan tầm ai cũng hối hả về với tổ ấm của mình. Tôi chợt nhìn thấy hình ảnh người mẹ đón con đi học về, cây dù như nhỏ bé hơn trong cơn mưa chiều xối xả, người mẹ đã nghiên cây dù cố che cho con khỏi ướt. Hình ảnh đó làm tôi thấy chạnh lòng, bất chợt tôi nhớ mẹ da diết.
Tôi lớn lên ở một thị trấn nhỏ chì có hai mùa mưa và nắng với những cơn mưa bất chợt cũng như Sài Gòn chiều nay. Ngôi nhà nhỏ nằm trong khu vườn vắng lặng, cây cối bao quanh, một chốn bình yên với những tiếng dế kêu ra rả hàng đêm. Tôi không bao giờ quên những buổi tối cúp điện - cái tối ở quê mới thật sự là tối, ngoài trời một màu đen bao phủ, mây chị em tôi ngồi thu mình trên giường sợ hãi bám vào mẹ. Có nhiều đêm khi giật mình thức giấc tôi hoảng hốt gọi: “Mẹ ơi! mẹ ơi!”. Không gian xung quanh tôi như đông cứng lại, tôi chơi vơi như kẻ lạc vào bến bờ xa lắm, lạ lẫm vô cùng... Ngay lúc đó mẹ đến bên tôi kéo lại chăn cho tôi và tôi lập tức thấy một cảm giác thật bình yên.
Tốt nghiệp 12, rời xa gia đình, tôi bước chân lên thành phố học hành mang theo biết bao hoài bão và cả sự lo âu của cha mẹ. Tôi hiểu và cố gắng thật nhiều để không phụ lòng cha mẹ. Mỗi lần tôi được nghỉ về nhà là sau mỗi lần trở lại thành phố với bao hành trang lỉnh kỉnh mà mẹ đã cất công sắp xếp suốt từ đêm hôm trước nào là gạo, trứng, xà bông... Những thứ tưởng chừng rất bình thường ấy nhưng nó chứa đựng bao nhiêu tình cảm của cha mẹ tôi gửi gắm vì cha mẹ tôi nghĩ rằng những thứ tự tay mình làm ra thì sẽ an toàn và bổ dưỡng hơn. Hình ảnh mẹ tôi cẩn thận gói ghém từng cái trứng làm tôi cay xè nơi sống mũi, tôi cố kìm lòng cho mình không khóc và luôn tỏ ra mạnh mẽ cho cha mẹ khỏi lo.
Những ngày đầu sống tự lập nơi thành thị quả thật là một thứ thách lớn với tôi, nó khác xa so với nơi tôi đã sống, cuộc sống chốn thành thị luôn ồn ào náo nhiệt và đầy bon chen. Cảm giác cô đơn lúc nào cũng bủa vây lấy con người tôi, không lúc nào tôi nguôi nhớ nhà, nhớ mẹ. Tôi muốn chạy thật nhanh về với mẹ, về với gia đình, về với những bữa cơm gia đình tuy đạm bạc nhưng đầm ấm.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi, từ một cô gái tỉnh lẻ ngày nào còn đầy bỡ ngỡ giờ đây tôi đã quen và thích nghi với cuộc sống đô thị luôn hối hả, bận rộn đôi khi làm con người ta quên đi quá khứ. Ra trường, tôi quyết định ở lại thành phố lập nghiệp, xây dựng gia đình và sinh con. Nhịp sống bận rộn hàng ngày đã cuốn, tôi đi, sợi dây tình cảm giữa tôi với gia đình cứ lỏng lẻo, mong manh dần. Và ngày hôm nay khi cơn mưa bất chợt làm tôi thấy chạnh lòng nhớ mẹ da diết, cảm giác đó đã làm trái tim tôi đau nhói. Ngày 8/3 muốn gọi điện cho mẹ muốn nói thật nhiều, muốn chúc thật nhiều nhưng sao không nói lên lời, vẫn nhưng lời dặn dò, thăm hỏi, mẹ cứ nghĩ rằng tôi luôn còn bé dại. Nhưng mẹ có biết không, giờ đây con cũng đã là mẹ nên cũng thấu hiểu được những khó khăn vất vả, những tình cảm bao la của mẹ dành cho con mà không có gì có thể đong đếm được. Tôi nhận ra một chân lí trong cuộc đời mọi thứ đều thay đổi, trừ mẹ.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Ngày Của Mẹ, tôi muốn nói lên điều tôi luôn cất giấu trong lòng “Mẹ ơi! Con xin lỗi, con yêu mẹ nhiều lắm!”. Dẫu cuộc sống có bao nhiêu bộn bề lo toan nhưng mỗi lần nghĩ về mẹ lòng tôi lại cảm thấy bình yên và ấm áp đến lạ lùng. Mẹ là tấm gương về sự tần tảo, tấm lòng bao dung và đức hi sinh cho chồng cho con mà suốt cuộc đời này tôi phải noi theo và học tập.
Cảm ơn tạo hóa đã ban tặng cho tôi người mẹ tuyệt vời, cảm ơn cha mẹ đã sinh thành dưỡng dục con nên người.
Đề bài 7: Chiếc nón lá là một sản phẩm thủ công mĩ nghệ của Việt Nam. Em hãy viết bài giới thiệu chiếc nón ấy cho bạn bè thế giới biết
Ở Hà Tây có làng nón chuông thuộc huyện Thanh Oai nối tiếng về nghề nón:
Muốn ăn cơm trắng, cá mè
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông.
Nghề làm nón lá ở làng Chuông có từ lâu lắm không ai còn nhớ vào thời nào. Lúc đầu làm để dùng trong làng, sau này càng nổi tiếng, được tiến dâng vào tận cung vua cho hoàng hậu, công chúa dùng. Nón trở thành đồ trang sức của các cô gái. Nón đi dự hội chợ, nón vượt biển ra nước ngoài đến với bạn bề quốc tế. Nón Chuông được mọi người biết đến như một biểu tượng của Việt Nam.
Vật liệu làm nón tre, nứa, lá, móc. Lá chở từ Quảng Bình, Thanh Hóa ra, tre nứa, móc từ miền trung du về. Nhưng điều quyết định làm nên chiếc nón xinh đẹp lại là đôi tay thon thả, mềm mại của những cô gái làng Chuông.
Lá, móc... có rồi, giờ mới đến lúc bàn tay khéo léo đến mức như có khuôn, có thước bắt đầu biến nó thành cái nón. Nhìn một chiếc nón Chuông, mặt phẳng tựa như đúc bầng nhựa dẻo và trắng nõn nà, khó ai có thể cho là nón được làm bằng những tàu lá xanh răn reo, co cụm. Đầu tiên những tàu lá đó được xem là: Một chiếc lưỡi cày chìa vôi cũ hoặc một miếng sắt phẳng đốt nóng, đặt lá lên, lấy nắm giẻ vuốt cho phẳng. Lửa phải vừa tay, nóng quá lá bị giòn, vàng cháy, nguội quá là chỉ phẳng lúc đầu, sau “đâu lại hoàn đấy”. Là xong, lá được qua một phản ứng hóa học. Người thợ cứ làm, cứ truyền nghề một cách “cha truyền con nối” nhưng thật rất khoa học: mấy miếng diêm sinh được đốt lên để hơ lá. Lá lột xác trắng thêm ra, đồng thời lại tránh được mốc khi đang làm cũng như khi thành chiếc nón để sử dụng.
Vật liệu thứ hai là vòng. Bạn hãy lật ngửa chiếc nón lên và thấy 16 lớp vòng tinh xảo ấy, 16 đây là số lớp vòng vừa phải, tạo nên một giáng đẹp của nón Chuông, một sô' nón khác như nón Thanh Hóa, số vòng lại lên đến con số 20! Vòng cót đều chằn chặn, tròn không một vết gợn và ngay chỗ nối cũng cứ thành một đường. Việc làm vòng vừa đòi hỏi sức lực, vừa phải khéo tay.
Vật liệu đã dược chuẩn bị, đến khâu chính là “thắt” và khâu nón. Từng chiếc vòng được đặt lên khuôn có sẵn. “Đẹp nón nhờ thắt, đẹp mặt nhờ khuôn”, “Mặt” đây là mặt nón. Khuôn tốt làm cho mái phẳng lá lót không gồ ghề, vòng thêm tròn, khoảng cách đều nhau, chiếc nón như thế mới xinh. Xếp lá phải biết chọn lá: lá to trắng, phăng để ngoài, lá mảnh nhỏ ken xen vào giữa không bỏ phí một li. Ở những nơi sẵn lá như Thanh Hóa, Quảng Bình, nón lót 3 lần lá. Nón tuy nhẹ nhàng thanh thoát nhưng có phần tốn nguyên liệu. Nón Chuông - loại nón đội khi đi làm - ở giữa lót một lượt nang, vừa cứng lại vừa bền và đỡ tôn nguyên liệu, rẻ tiền. Lá xếp trên khuôn xong, mấy sợi mây nhỏ chằng ngang, chéo, giữa lá phẳng phiu, sau đó là “thắt”. Con mắt người khâu nón giờ như con mắt thợ. thêu. Bàn tay lanh lẹ xâu một sợi móc ngắn (hoặc một sợi tơ dứa dài hơn) rồi đưa những mũi kim khâu từ những móc trắng rất nhỏ rồi to dần tới cạp nón. Mũi khâu ước lượng mà đều đặn như đo; cách giấu đầu nối sợi móc lại quá khéo léo, mới nhìn tưởng sợi móc dài vô hạn! Từng mũi, từng mũi kim một lớp, lớp nón duyên dáng dần thành hình. Một câu đối cổ đã khái quát, ca ngợi quá trình này:
Ngọn lá xuân phong khuôn khéo “lựa”
Sợi vàng tạo hóa nắn nên “chuông”
Lựa là làng Lựa mà còn có nghĩa là khéo lựa. Làng Lựa trước làm khuôn nón cung cấp cho Chuông. Chuông có nghĩa là làng Chuông lại có nghĩa nón đeo, làm công phu như đúc chuông.
Việc khâu, thắt nón quá kì công, có nghệ thuật. Tuy nhiên tùy loại nón mà việc thắt phải “lựa” phải “nắn” khác nhau. Nón được phân loại tùy công dụng, tùy vật liệu. Có loại ở chuông đã làm ra, có loại cùng “họ hàng” với nón chuông, ở chuông cũng làm theo kiểu mẫu, cách thức ở nơi khác. Trước tiên phải kể đến loại nón đội khi đi làm. Nón này cũng như nón “đội chơi" nhưng thường nông hơn, bầu hơn, khâu bằng sợi móc đen. Nón dầu dãi nắng mưa cùng người trên đồng ruộng, khi đi lại trên đường. Giữa buổi làm, lúc nghĩ, nón thay quạt phe phẩy làn gió mát. Khi qua chợ mua rau dưa không có rổ, nón làm thêm nhiệm vụ này. Cùng loại còn có nón thuyền chài ngoài bọc một lần cót mỏng, cứng, nón “mũ chảo” - đúng như cái chảo - đồng bào xứ Đoài đi làm ruộng hay đội.
Nón Chuông ngoài công dụng che mưa, che nắng còn là vật biểu hiện tình cảm:
Nón này che nắng che mưa,
Nón này để đội cho vừa đôi ta.
Nón này khâu những móc già,
Em đi thử nón đã ba năm chầy.
Muốn em chung mẹ chung thầy.
Thì anh đưa cái nón này em xin.
(Ca dao)
Nghề làm nón Chuông đã được nâng từ một nghề thủ công thành một mĩ nghệ. Nếu chiếc mũ rộng vành là biểu tượng để nhận ra người Mỹ La tinh thì chiếc nón là hình ảnh để nhận ra người Việt Nam, nhất là người phụ nữ Việt Nam.
Đề bài 8: Em hãy phát biểu cảm nghĩ về một người thân yêu nhất
Trong cuộc sống hằng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thế là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tầm hồn tôi mãi tận sau này.
Bố tôi không may mắn như những người đàn ông. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ. 40 tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ. Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay; thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình.
Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hằng ngày. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bô" cô' gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cô' gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.
Hằng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngả bóng từ lâu. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương sớm. Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất khó khăn và gian khổ. Bởi có những lúc phải chở khách đi đường xa, đường xóc thì những cơn đau dạ dày của bố lại tái phát. Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 38 – 40 ˚C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả tháng bảy, tháng tám, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá. Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hi sinh, chịu thương, chịu khó như vậy.
Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Nhìn thây bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy! Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không?
Những lúc ấy tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi chỉ muốn nói với bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm. Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn chiến đấu. Chiến đấu cho tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi lại được, bố luôn dạy cho mấy chị em học bài.
Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng mấy nghìn câu kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng...
Chính vì vậy, tôi lụôn luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố và đi tiếp những bước đường dở dang trong tuổi trẻ của bố. Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tòi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo.
Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố. Mặc dù thời gian rảnh rỗi cúa bô còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho nó bao giờ cũng xanh tươi. Những giỏ phong lan có bao giờ bố quên cho uống nước vào mỗi buổi sáng; những cây thiết mộc lan có bao giờ mang trên mình một cái lá héo nào? Những cây hoa lan, hoa nhài có bao giờ không tỏa hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che, chăm sóc. Không những yêu hoa mà bò còn rất thích nuôi động vật. Tuy nhà tôi bao giờ cũng có hai chú chú con và một chú mèo, có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp nữa. Và hơn thế, trong suốt hơn năm năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với “tử thần”, bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.
Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại. Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa. Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hằng ngày chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho bố của mình, tha thứ cho bố khi bố nóng giận và nỡ mắng mình bởi bố luôn là người yêu thương nhất của chúng ta.
Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi. Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỉ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng nó như chính linh hồn của mình.
Đề bài 9: Cảm nghĩ khi xa nhà
Mưa! Lại mùa mưa. Tôi lặng lẽ đứng ngoài lan can phòng học buồn bã nhìn những cơn mưa ồn ào đổ xuống... Vậy là tôi đã xa quê thật rồi!
Trường mới, bạn bè mới, cuộc sống mới... càng làm cho những hình ảnh tuổi thơ lại hiện về trong tôi da diết. Sân trường kia đâu có những hàng cây nở hoa vàng rực rỡ, đâu có những trò chơi dân dã của quê tôi. Chỉ có hàng phượng già và những cây bằng lăng hết mùa hoa nở, xanh nhẫn nại trong chiều. Tất cả lạ lẫm trước tôi, làm cho tôi lẻ loi, lạc lõng. Thầy có cùng khác, giọng giảng bài nghe lạ quá! Tiếng thầy vẫn ấm, nhưng không xua tan được những bỡ ngỡ ban đầu trong tôi. Tôi chỉ thấy nhớ nhà, nhớ lớp, nhớ quê... Tất cả cứ hiện về trong tôi ập ào và da diết!
Tôi nhớ lớp nhớ lũ bạn, cùng bạn thường rủ nhau hái hoa dại ép, màu tím thủy chung của loài hoa trinh nữ khô giòn trong trang sách, có hôm tranh nhau làm từng bông vỡ vụn, tiếc ngẩn ngơ rồi lại cười giòn tan! Nhớ những ngày dong duổi đạp xe, con đường tới trường thơm mùi cỏ ướt, tôi thường hít và thích thú trước ánh mắt tròn xoe của bọn bạn. Hình như chỉ mình tôi cảm nhận được cái mùi của ban mai ấy. Giờ con đường tôi đi, chỉ toàn bê tông vững chắc đâu còn chỗ cho cỏ nữa đâu. Bạn bè tôi chắc giờ đang nhớ tôi nhiều lắm, có khi còn khóc nữa; chúng nó ép hộ hoa cho tôi không? Có chờ tôi trở về để đi tiếp con đường tuổi nhỏ, để dệt những buổi chiều chăn trâu, cắt cỏ, cỏ may cứa vào chân ran rát. Tan chiều, thường ngồi lại gỡ cỏ cho nhau, rồi chọc nhau cười vang cả đồng quê. Tôi nhớ dòng sông nhỏ cạnh nhà tôi, nơi tôi và em gái thường thả thuyền tre, và tin thuyền sẽ trôi ra biển. Xa tôi rồi, em tôi có còn thả nữa, hay sẽ viết thư vào lá, thả xuống dòng nước trong: Lá thư cầu nguyện! Em cầu nguyện cho tôi bình yên nơi phố phường xa lạ, để sớm trở về thăm em và chơi cùng kể cho em nghe về vùng đất mới, về bạn mới, trường mới…
Những bờ hoa dại trắng nơi tôi và em thường dắt nhau ra hái bây giờ có nờ nữa không? Bây giờ chỉ mình em ngồi bên bàn học, chẳng có ai la rầy em nữa, chẳng có ai giúp em giải những bài tập khó, em có buồn không! Ôi, những buổi chiều, được cùng em mang diều chạy trên bờ đê lộng gió. Sao vui đến thế? Bây giờ ai giúp em thả vầng trăng xanh ấy mỗi chiều? Em có tự làm không?
Bạn bè tôi giờ ra sao? Tôi nhớ tiếng cười, nhớ giọng nói, ánh mắt của từng đứa. Nhớ cả những giờ phút chia tay, bạn bè chúc nhau thi đậu. Vậy mà nay không còn đi chung trên con đường tới lớp, không được học chung dưới một mái trường. Mười lăm tuổi đầu, tôi khăn gói lên đường, xa tất cả để đến một Thành phố lạ. Đã bắt đầu một cuộc sống phải lo toan. Chiều tan học, tôi một mình lang thang đạp xe trên phố. Mưa tầm tã suốt những ngày qua, tiếng ồn ào không đủ làm cho thành phố bớt ưu tư, lòng tôi trĩu nặng. Mưa hắt vào mặt ran rát, buồn đến phát khóc. Nhớ bố mẹ, nhớ bà, và nhớ em quá đỗi! Chiều nay, không có Mai, có Hồng đạp xe bên tôi nữa, không được bỏ áo mưa ra để tắm trọn một đường mưa. Bây giờ, lỡ xe tôi hư hỏng, ai sẽ vác giùm tôi như Hồng? Lỡ tôi khóc, ai dỗ tôi như Mai? Không ai cả, chi mình tôi đi trong chiều giá lạnh. Tôi cũng không được sà vào bếp với bà, để được bà xoa dầu âu yếm, không được mẹ vồn vã, lo lắng đưa cho chiếc khăn lau những giọt nước mưa đọng trên mặt, không được tắm nồi nước lá thơm bà nấu nữa, bữa cơm chiều cũng vắng tôi, cả nhà sẽ nhắc tôi thật nhiều hay mẹ lại khóc? Em chẳng còn ai tranh ti vi nữa, mẹ cũng không phải làm trọng tài phân xử. Tôi đi rồi, mọi thứ cũng đổi thay...
Chiều nay tôi không được trốn mẹ ra bờ sông đứng nhìn cánh đồng quê lênh láng nước; nhưng tôi vẫn biết, lúa quê mình đã chìm dưới biển nước mất rồi. Thương những bác nông dân cần cù, chăm chỉ để đến ngày này lũ lụt ùa về mất trắng một mùa vui. Chiều nay, nước lên đến ngõ nhà tôi chưa? Mẹ có ngồi bần thần bên cửa nữa? Mất mùa rồi... lại tháng ba ám ảnh. Mắt bố đầy âu lo.
Mưa ơi! Chiều nay không được trùm chăn chờ bố đi giăng lưới về nữa. Những con cá vẫn quẫy một vùng ký ức của tôi, ký ức có tiếng cười của bố lẫn vào mưa, có dáng bà lưng còng bên bếp lửa, khói chiều nghiêng trên mái bếp bình yên. Không được hái cho bà những lá trầu vàng rộm nữa, vườn trầu mưa này có run rẩy tàn đi? Thành phố ơi, sao lạ nhiều đến vậy, mưa thật nhiều và chỉ có mình tôi.
Con đường tôi đi, xe cộ tấp nập qua, hối hả quá, và cũng vô tình quá! Tôi chạnh lòng thấy bác xe ôm, lặng lẽ đứng chờ khách dưới mưa. Giờ này ai cũng được trở về sum họp với gia đình, mà bác như cây cột đến nhẫn nại bám trụ các ngả đường dù nắng, dù mưa, dù ngày hay tối. Tôi lại nhớ bố, nhớ những đêm bố đi gác, căn nhà như trống trải hơn, tôi thường nằm thấp thỏm, chỉ chờ tiếng bước chân nặng nề quen thuộc bước vào nhà, tôi mới bình yên chìm vào giấc ngủ. Giờ này, các cô, các bác bán hàng rong cũng vội vã đi về trên những vỉa hè. Nhìn đế dép mòn vẹt tôi tự hỏi những bàn chân này đã đi không biết bao nhiêu nẻo đường, qua bao nhiêu con phố, qua bao nhiêu ngày đòn gánh trên vai? Tôi lại nhớ bờ vai của mẹ, của bà, cái bờ vai suốt một đời gồng gánh, giờ đã thành chai. Bờ vai ấy đã cho tôi những giấc ngủ bình yên, cho tôi sự chở che lúc vui, buồn trẻ dại. Tôi thấy lòng nhẹ hơn, khi bên mình không có người thân bè bạn, nhưng vẫn có những con người tôi rất đỗi tin yêu. Tôi thấy được hình ảnh bố mẹ tôi trong hình dáng những con người lao động nơi này; thấy như được đồng cảm, sẻ chia. Xa nhà rồi, không còn được bà, bố mẹ cưng chiều chăm bẵm mới hiểu được tình yêu thương vô hạn mà mình được đón nhận, mới thấm thìa nỗi vất vả, khó khăn của gia đình. Mới thấy mình còn bé nhỏ biết bao nhiêu.
Mải miên man trong suy nghĩ, chợt thấy tiếng cười quen quen của ai đó cất lên. Tôi giật, mình ngoái lại, các bạn trường tôi đang cười nói vui vẻ, hồn nhiên, tiếng cười sao thân thương quá! Tôi bỗng thèm khát sự vô tư kia, thèm được nô đùa, thèm được cùng nhau đi dạo dưới sân trường, chia sẻ cho nhau nỗi nhớ quê nhà. Tôi nhớ lại lớp mới của tôi, chỉ vẻn vẹn ba mươi đứa con gái, nhiều khi nhìn nhau còn lúng túng. Nhưng có những nhóm bạn đã hòa nhập thân quen, trò chuyện rôm rả làm rộn lớp học buổi chiều. Sao tôi lại chưa làm điều đó, tất cả cũng đều như tôi mới từ giã mái trường cấp hai quê nhà đầy kỉ niệm, sao không cười với nhau và hỏi thăm nhau, tâm sự cùng nhau? Tôi muốn ùa nhanh vào lớp, để hỏi thăm từng bạn, kết thân và góp một tiếng cười vào không khí lớp. Nhưng chiều sắp tàn rồi, tôi phải về, chú dì đang chờ tôi, phố núi đang chờ tôi. Nhất định ngày mai tôi sẽ trò chuyện cùng các bạn, không đứng ngoài lan can một mình nữa! Tôi thấy bà, bố mẹ hình như đang cười với tôi. Tuy xa nhà nhưng tôi vẫn thấy như lúc nào mọi người cũng ở bên tôi, ai cũng muốn tôi vui, tôi hòa nhập nhanh vào cuộc sống mới.
Ùa nhanh ra sân, những giọt mưa vẫn còn nặng, bong bóng vỡ đều trên nền xi măng trắng xóa. Bà ơi, bố mẹ ơi con sẽ tập trưởng thành.
Đề bài 10: Hãy viết về mùa thu
Trong năm, có lẽ mùa thu là đẹp nhất. Thu dịu dàng mà lại thanh tao, lịch lãm. Thu không cháy bỏng gắt gao như hạ, không lạnh lùng buốt giá như đông và cũng chẳng ướt át sụt sùi như xuân diễm lệ.
Lối cũ em về, nay đã thu.
(Xuân Quỳnh)
Đã vào thu, bầu trời dường như cao hơn, xanh hơn, trong hơn và lộng lẫy hơn. Những đám mây vần vũ chứa đầy nước của những cơn mưa mùa hạ đã nhường chỗ cho những mảng mây xốp trắng như bông thảnh thơi trôi giữa bầu trời xanh thẳm. Trong gió, chẳng còn đâu những vị oi nồng khó chịu, mà chỉ thấy một không gian mát mẻ tràn ngập khắp chốn muôn nơi.
Mùa thu, với những bước chân nhẹ nhàng đến tự khi nào mà không ai hay biết. Chỉ khi một sớm mai thức dậy, ta khoan khoái trong cái se sẽ lạnh riêng biệt của mùa thu, và kìa... những hạt ngọc sương đang long lanh treo trên đầu ngọn cỏ còn mặt trời thì tỏa những tia nắng hết sức dịu êm mơn man vạn vật. Đấy chính là khi mùa thu đã về.
Thu là thu với hương hoa sữa nồng nàn nơi góc phố, với cúc vàng rực nấng, với cốm xanh - hồng thắm và một màu trắng như pha lê.
Thu đi vào lòng và bất tử trong âm nhạc của Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn..., trong thơ của Xuân Diệu, Xuân Quỳnh và rất nhiều thi nhân khác nữa. Sống giữa mùa thu, người ta cảm thấy như thêm yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống. Hẳn nhiên, trong một buổi sớm mai nào đó, khi tắm mình trong làn nắng thủy tinh tinh khiết (mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gọi là Nắng thủy tinh) với những làn gió thơm mát như vừa được ướp hương đất trời, bạn sẽ khòng khỏi ngỡ ngàng mà thốt lên rằng: “Ôi! Màu trắng pha lê!”.
Nắng vàng, nhưng hình như lại không màu sắc. Ta chỉ thấy nó lung linh thắp sáng đất trời, làm rực rỡ lên màu biếc xanh của lá, rộn rã thêm tiếng hót của muông chim và nồng nàn thêm hương thơm sắc thắm của những bông hoa nở đúng thu vàng. Trưa đến, nắng rộm vàng sóng sánh như mật ong đổ tràn lên vạn vật.
Cánh đồng mùa thu được nắng nhuộm thành một màu vàng tươi óng ả và no ấm. Nắng uốn cong và làm mẩy những nhành lúa thơm, đưa vào tay người nông dân hai sương một nắng cái phần thưởng quý giá nhất trong một mùa thu vàng. Trong vườn, nắng tô thắm và làm mượt mà làn tóc của hàng cau, thắp đốm lửa đỏ giữa lùm lá xanh cho những trái hồng trứng đang mùa trẩy hái. Những bông hoa hồng nhung đỏ thắm, cúc vạn thọ rực vàng được nắng và gió mùa thu trang điểm cho càng thêm đẹp lạ thường.
Chiều thu, nắng trở nên kém phần rực rỡ, nắng mờ nhạt phía chân trời xa, những dải voan trắng nhẹ nhàng hư ảo như dải khăn làm duyên của cô thiếu nữ hờ hững vắt ngang nền trời xanh biếc. Những cánh diều no gió mùa thu vi vút của các em thơ thả âm thanh dìu dặt vào giữa thinh không. Trước lúc đi ngủ, mặt trời còn cố hắt lên nền trời những tia nắng óng à hình dẻ quạt, tô điểm cho chiều thu êm ả thêm phần lộng lẫy và quyến rũ.
Thu đẹp nhường ấy, thanh tao nhường ấy, dịu dàng nhường ấy nhưng cũng thật sôi động và rộn ràng nhịp sống. Tiếng trống trường mùa thu ngân vang trong nắng sớm như thúc giục bước chân em thơ tới trường. Đất trời mùa thu như đang trả lại sức sống bất diệt cho vạn vật xung quanh. Những tà áo dài thiếu nữ cũng bởi mùa thu mà thướt tha, dịu dàng, quyến rũ hơn. Giữa làn nắng thanh khiết ấy, tà áo dài của các cô trở nên ngàn lần đẹp hơn, sống động hơn. Quả thực, còn gì thú vị bằng được thung thăng dạo bước giữa mùa thu trong mùi hương hoa sữa cùng với một người bạn tâm giao. Biết bao nhiêu văn nghệ sĩ đã trải lòng mình với mùa thu mà vẫn chưa nói đù những xúc cảm trong lòng với khoảng thời gian tuyệt đẹp trong suốt mùa thu này.
Và rồi trong một buổi chiều nào lang thang cùng những vạt hoa cỏ may tím ngát triền đê, ta bắt gặp bước chân của mùa đông đang tiến lại từ phía chân trời. Đâu đó, dâng lên man mác một nỗi buồn ly biệt... Mùa thu sắp ra đi đem theo những mùi hương quyến rũ, những làn gió trong lành và cả một màu nắng pha lê.
Đề bài 11: Viết cảm nghĩ của em về mẹ
Mẹ kính yêu của con! Chưa bao giờ con cảm thấy cô đơn như lúc này. Xung quanh con, mọi thứ dường như ngưng đọng lại trong tiếng nấc. Con buồn và con nhớ mẹ. Con muốn gửi đến mẹ những ánh mắt, những lời nói yêu thương của một đứa con ngoan.
Con chợt nhận ra rằng con biết nói tiếng “Mẹ” đã được mười lăm năm. Tiếng mẹ là tiếng nói thuộc về bản năng mà con thì vô tình nên không nhận ra hết ý nghĩa lớn lao của nó. Con quả là một đứa trẻ hư khi từng nghĩ rằng mình có thể tự lập mà không cần có mẹ. Sẽ chẳng ai trên đời này yêu thương con hơn mẹ, con biết vậy và con càng thây xấu hổ khi không thể hứa với mẹ rằng con yêu mẹ nhất. Bên cạnh con còn có bố và có người con yêu, Con gái của mẹ không phải là người hoàn hảo nên những tình cảm con đành cho mẹ và cho những người khác không thể trọn vẹn, đầy đủ đúng như nghĩa vụ của nó. Nhưng con biết mình cần phải làm gì, vì con nhớ... nhiều nhưng con biết mẹ vui, mẹ hạnh phúc vì từ nay, một cuộc sống mới với bao điều mới lạ đang chờ đón con. Mẹ dịu dàng hỏi rằng con yêu mẹ hơn hay yêu bố hơn. Con hồn nhiên giơ hai ngón tay trỏ lên, đặt cạnh nhau và nói: “Con yêu bố mẹ bằng nhau như hai ngón tay này này, nhưng mà nếu mẹ mắng con thì con sẽ lùi một ngón tay xuống và yêu bố hơn đấy!”. Mẹ chỉ cười thật hiền mà chẳng nói lời nào hết. Con của mẹ, bây giờ, không còn là cô bé có mái tóc cháy nắng, cao một mét hai, nặng hai mươi nhâm kí nữa, con đã lớn rồi, đã trở thành một cô gái, vẫn hồn nhiên như xưa, nhưng cũng biết điệu đà, đỏm dáng. Mẹ nhìn con diện một bộ quần áo mới, thoa một chút son môi và đi chơi cùng chúng bạn, lúc ấy, ánh mắt mẹ thật lạ. Có lần con hỏi vi sao mẹ nhìn con như thế, mẹ bảo rằng, ánh mắt ấy nói lên hai điều: con đã lớn và thời của mẹ đã qua! Vậy ra mẹ cũng sợ tuổi già lắm chứ, mẹ cũng là phụ nữ mà! Nhưng nỗi sợ của mẹ không phải là một sự hèn nhát, đó là cảm xúc rất bình thường của con người mà thôi. Mẹ sợ tuổi già bởi khi tuổi già của mẹ đến, đồng nghĩa với việc con gái mẹ lớn lên, nó sẽ quên mẹ và vui với tuổi trẻ. Song mẹ lại không biết là mẹ đã sai thế nào đâu. Chắc chắn sẽ có những lúc hai mẹ con mình, hai thế hệ, bất đồng quan điểm nhưng đấy đâu phải là do con muốn xa mẹ? Con yêu mẹ lắm chứ, mẹ cũng biết như thế cơ mà, vậy nên mẹ đừng bao giờ nghĩ ngợi như thế nhé!
Có những lúc mẹ con mình to tiếng với nhau. Con giận dỗi và không buồn để ý xem mẹ nghĩ gì. Con đã từng nghĩ là mẹ già, mẹ bảo thủ, mẹ không thương con. Nhưng thực sự lỗi lầm đó là của ai cơ chứ, chẳng phải là của con hay sao? Bạn con bảo những đứa trẻ mười bảy tuổi luôn cố tạo cho mình một cái tôi cá nhân rất lớn. Họ chẳng cần biết cái tôi đó tích cực hay tiêu cực nhưng chỉ cần nó khác người và thể hiện một niềm kiêu hãnh đến vô lí thì họ sẵn sàng gọi đó là cá tính! Con là đứa trẻ mười bảy tuổi như bao đứa trẻ mười bảy tuổi khác! Những lúc giận hờn mẹ xong, con thấy ân hận lắm chứ, thực sự bướng bỉnh, ngang ngạnh đã không cho phép con nói lời xin lỗi. Tại sao con lại như thế hả mẹ? Tại sao con không chịu nhớ đến những gì mẹ đã làm cho con, cho cuộc đời con để thấy rằng mình yêu mẹ như thế vẫn còn ít lắm? Mẹ hãy tha lỗi cho đứa con khờ khạo của mẹ nhé, có thể nó vẫn sẽ ương bướng nhưng nó sẽ yêu mẹ nhiều hơn, nghe lời mẹ nhiều hơn, gần bên mẹ nhiều hơn!
Con mừng khi giờ đây mẹ đang hạnh phúc, chú Kiên, người bạn học cũ của mẹ đang ở bên mẹ. Vậy là mẹ không cô đơn, mẹ có một người đàn ông xứng đáng để nương tựa và có một đứa con đang trưởng thành trong suy nghĩ như con. Con luôn tự hào về mẹ và luôn tự hào về mình bởi trên đời này, con là người hạnh phúc nhất.
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-viet-bai-tap-lam-van-so-2-van-ke-chuyen-37938n.aspx