Soạn bài Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

Các em cùng xem gợi ý soạn bài Chữ người tử tù dưới đây để có thể chuẩn bị bài học tốt nhất, trả lời cho những câu hỏi đọc hiểu trang 107 SGK Ngữ văn 11, tập 1, có thể nắm một số kiến thức trước khi học bài Chữ người tử tù này.
Mục Lục bài viết:
1. Bài soạn số 1
2. Bài soạn số 2

soan bai chu nguoi tu tu

Soạn văn Chữ người tử tù


SOẠN BÀI CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ - NGUYỄN TUÂN 1

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

I. Tác giả:

1. Cuộc đời
- Nguyễn Tuân (1910-1987) là một nhà văn cách mạng. Ông từng giữ chức Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam (1948-1958) và được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
- Nguyễn Tuân sinh ngày 10-7-1910, mất ngày 28-7-1987, là bậc thầy trong việc sáng tạo và sử dụng tiếng Việt. Tên ông được đặt cho một đường phố ở Hà Nội. Nguyễn Tuân quê ở xã Nhân Mục, thôn Thượng Đình, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã tàn.
- Năm 1929, khi đang học đến cuối bậc trung học cơ sở thì Nguyễn Tuân bị đuổi vì tham gia một cuộc bãi khóa phản đối các giáo viên Pháp nói xấu người Việt. Sau đó ít lâu ông lại bị tù vì “xê dịch” qua biên giới không có giấy phép, ở tù ra, ông bắt đầu viết báo, viết văn.
- Nguyễn Tuân là con người rất mực tài hoa. Tuy chỉ viết văn nhưng ông còn am hiểu nhiều môn nghệ thuật khác: hội hoạ, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh... Ông còn là một diễn viên kịch nói và là diễn viên điện ảnh. Ông thường vận dụng con mắt của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để tăng cường khả năng quan sát, diễn tả của nghệ thuật văn chương.
- Nguyễn Tuân là nhà văn thực sự quý trọng nghề viết văn. Đối với ông, nghệ thuật là một sự “khổ hạnh” đúng nghĩa, Nguyễn Tuân mất tại Hà Nội vào năm 1987, để lại một sự nghiệp văn học phong phú với những trang viết độc đáo và đầy tài hoa. Năm 1996 ông được Nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1).

2. Sự nghiệp
- Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1930, nhưng nổi tiếng từ năm 1938 với các tác phẩm tuỳ bút, bút kí có phong cách độc đáo như Vang bóng một thời (1940), Chiếc lư đồng mắt cua (1941)...
- Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân nhiệt tình tham gia cách mạng và kháng chiến, trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới. Từ 1948 đến 1958, ông giữ chức Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam. Các tác phẩm chính sau Cách mạng của Nguyễn Tuân là tập bút kí Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972), một số tập kí chống Mĩ (1965 - 1975) và nhiều bài tuỳ bút về cảnh sắc và hương đất nước.
- Những tác phẩm tiêu biểu khác của ông, bao gồm: Một chuyến đi (1938), Thiếu quê hương (1940), Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972)...

3. Phong cách
- Trước Cách mạng tháng Tám, phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể thâu tóm trong một chữ “ngông”. Mỗi trang viết của ông đều thể hiện sự tài hoa uyên bác. Mọi sự vật, hiện tượng được miêu tả dù chỉ là cái ăn cái uống cũng được quan sát chủ yếu ở phương diện văn hoá, mĩ thuật. Ông thường đi tìm cái đẹp của thời xưa còn vương sót lại và ông gọi là Vang bóng một thời, Văn Nguyễn Tuân vừa đĩnh đạc cổ kính, vừa trẻ trung hiện đại.
- Nguyễn Tuân học theo “chủ nghĩa xê dịch”. Ông là nhà văn của những tính cách phi thường, của những tình cảm, cảm giác mãnh liệt, của những phong cảnh tuyệt mĩ, của gió, bão, núi cao rừng thẳm, thác ghềnh dữ dội... Phong cách tự do phóng túng và ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân đã khiến Nguyễn Tuân tìm đến thể tuỳ bút như một điều tất yếu.
- Sau Cách mạng tháng Tám, phong cách Nguyễn Tuân có những thay đổi quan trọng. Ông vẫn tiếp cận thế giới, con người thiên về phương diện văn hoá nghệ thuật, nghệ sĩ, nhưng giờ đây ông còn tìm thấy chất tài hoa nghệ sĩ ở cả quần chúng nhân dân. Chất giọng khinh bạc vẫn được duy trì và chủ yếu để dành cho kẻ thù của dân tộc hay những khía cạnh tiêu cực của xã hội.

II. Tác phẩm "Chữ người tử tù".

1. Xuất xứ
- Chữ người tử tù là truyện ngắn in trong tập Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân xuất bản năm 1940.
- Nhân vật chính được lấy nguyên mẫu từ Cao Bá Quát, một nhà nho tài hoa bất đắc chí, từng giữ chức Giáo thụ (tương đương chức Huấn đạo).

2. Chân dung nhân vật Huấn Cao
- Không được miêu tả về hình thức những chân dung cá tính, nội tâm Huấn Cao lại được khắc họa rất rõ nét.
- Bình thản, hiên ngang trong cảnh ngục tù: không những không sợ quản ngục mà còn ra điều kiện (“đừng đặt chân vào đây”).
- Chân tình, thấu đạt lẽ đời: khuyên bảo viên cai ngục “hãy thoát khỏi cái nghề này”.
- Tài năng: viết chữ đẹp, trong hồn chữ thể hiện được khí phách con người.
- Đó là một con người vừa có nét tài hoa, nghệ sĩ, vừa có nhân cách trong sáng, cao cả, có khí phách hùng dũng, hiên ngang.
- Từ nhân vật trung tâm của tác phẩm, ta có thể thấy được quan niệm thẩm mĩ của tác giả: Nguyễn Tuân vốn được coi là nhà văn duy mĩ. Bằng sự cảm mến sâu sắc với nhân vật tử tù Huấn Cao, tác giả đã thể hiện tấm lòng yêu nước thiết tha, khẳng định và tôn thờ cái đẹp. Cái đẹp là bất tử và bất diệt trong bất cứ hoàn cảnh nào.

3. Tình huống đặc sắc trong Chữ người tử tù
- Là tình huống đối lập giữa con người hoàn cảnh.
- Cai ngục (đại diện cho chính quyền) biết trân trọng cái tài, cái đẹp gặp được người tử tù tài hoa (đại diện cho những kẻ nổi loạn). Tại nơi ẩm thấp tối tăm đó, tử tù trở thành người bạn phát, cai ngục thành kẻ xin xỏ cái đẹp.
- Tình huống này thật độc đáo. Chính nhờ tình huống đặc biệt này mà phẩm chất của mỗi cá nhân bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết.
+ Ông Huấn Cao khí phách kiên trung, cảnh tù tội không làm mất đi khí chất ấy mà ngược lại, trong hoàn cảnh đặc biệt này, ông còn là người mang cái đẹp đến cho người, cho đời.
+ Viên quan cai ngục cùng viên thơ lại, qua tình huống đặc biệt này cũng đã cho thấy “tấm lòng trong sáng” giữa chốn bùn nhơ. Họ cũng là những người yêu và biết trân trọng cái đẹp.
- Tình huống đặc sắc nhất trong tác phẩm đó là cảnh ông Huấn Cao cho chữ viên quản ngục. Đây được mệnh danh là cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”. Trong cảnh tranh tối tranh sáng, Huấn Cao “cổ đeo gông, chân vướng xiềng”, “dưới ánh sáng đỏ rực của ngọn đuốc” “đang tô đậm nét chữ trên khuôn lụa trắng tinh”. Quả là một cảnh tượng dường như siêu thực.

4. Thủ pháp đối lập
- Trật tự, kỷ cương nhà tù bị đảo lộn: Tù nhân được cung phụng rượu thịt, cai ngục thì khúm núm xin xỏ (chữ); tù nhân là người bạn phát cái đẹp (cho chữ) và răn dạy, cai ngục vái lạy (bái lĩnh); cai ngục gọi tử tù là “ngài”, còn tù nhân lại gọi cai ngục là “nhà ngươi”.
- Địa điểm cho chữ: Vốn là một việc làm tao nhã, một sáng tạo nghệ thuật nhưng việc cho chữ trong tác phẩm lại diễn ra trong tù ngục tối tăm, ẩm thấp, chật chội, hôi hám.
- Thời gian cho chữ: Ban đêm, trong cảnh tranh tối tranh sáng.
- Ý nghĩa của các thủ pháp đối lập: Dụng ý của tác giả là muốn làm nổi bật những phẩm chất cao đẹp của con người. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào, cái đẹp, cái thiện lương vẫn luôn được trân trọng.

5. Nhân vật cai ngục
- Làm việc trong một môi trường tù lao nhưng người cai ngục lại tỏ ra là một kẻ biết yêu cái đẹp (xin chữ), mến trọng hiền tài. Đó là một “thiên lương trong sáng”, “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ” như lời nhận xét của Huấn Cao.
- Thông qua việc dám biệt đãi một tử tù, ta cũng có thể khẳng định viên cai ngục là một người dũng cảm.
- Đây là một nhân vật bi kịch đang cố thể hiện thiên lương tốt đẹp của mình.
- Nhân vật này thể hiện cái nhìn lãng mạn của Nguyễn Tuân: Môi trường tăm tối vẫn tồn tại con người với thiên tính cao đẹp, kiểu con người vượt lên hoàn cảnh đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn. Đồng thời đây còn là biểu hiện của bút pháp tương phản bóng tối – ánh sáng luôn xuất hiện trong nghệ thuật kể chuyện của các cây bút lãng mạn.

6. Nhân vật “Viên thơ lại trong tù”
- Tuy là một nhân vật phụ không có vai trò gì nhiều nhưng viên thơ lại (qua nhận xét của cai ngục) cũng là người “biết kính mến khí phách”, “biết tiếc, biết trọng người có tài”, “không phải là kẻ xấu hay vô tình”.
- Cũng là người biết trọng cái đẹp: “cảm động” khi nghe cai ngục tâm sự về việc muốn xin chữ Huấn Cao.

7. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ
- Ngôn ngữ góc cạnh: Từ ngữ được tác giả chọn và sử dụng rất sắc sảo và thường nằm trong thế đối lập ngay trong một hiện tượng, sự vật.
- Ngôn ngữ giàu tính tạo hình: Bằng cách sử dụng từ ngữ gợi hình, tác giả đã tạo được tính cách, phong thái nhân vật.
+ Huấn Cao: lạnh lùng, thản nhiên...
+ Quản ngục: khúm núm, bái lạy...
- Khả năng sử dụng ngôn từ độc đáo đã mang lại cho truyện bầu không khí cổ xưa, có pha chút liêu trai, nhất là cảnh cho chữ. Nó gợi lại cảm giác trong những câu chuyện cổ chứ không phải là truyện ngắn hiện đại của một nhà văn thế kỉ XX.
 

Xem tiếp các bài soạn để học tốt môn Ngữ Văn lớp 11

- Soạn bài Luyện tập thao tác lập luận so sánh
- Soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp thao tác lập luận phân tích và so sánh

 

B. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI, BÀI TẬP
1. Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù.

Gợi ý làm bài
- Nguyễn Tuân là một trong những cây bút xuất sắc thuộc trào lưu văn học lãng mạn nửa đầu thế kỉ XX. Với Vang bóng một thời, nhà văn tài hoa và độc đáo này đã tạo dựng nên một thế giới nghệ thuật đặc biệt, vừa cổ kính, xưa cũ, vừa phảng phất bầu khí quyển xã hội Việt Nam buổi giao thời Đông - Tây, kim - cổ, với những nhân vật nhà nho tài tử, ngông nghênh, kiêu bạc và những nhã thú nghệ thuật cao quý, tao nhã một thời vang bóng. Trong số 12 truyện ngắn của tập truyện này, Chữ người tử tù có thể coi là một văn phẩm đẹp và lạ, từ thế giới nhân vật, đến ngôn từ, đến nghệ thuật dựng cảnh, tả người…
- Tác phẩm không chỉ là bài ca bi tráng về cái đẹp, cải thiện lương mà ấn đằng sau lớp màn ngôn ngữ và nhân vật là một tinh thần dân tộc đậm đà, sâu kín, một tấm lòng thiết tha với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, với những con người tài hoa và khí phách.
- Là nhân vật trung tâm của tác phẩm, Huấn Cao hội tụ những nét đẹp rực rỡ nhất, và cũng là nơi nhà văn gửi gắm thông điệp nghệ thuật sâu xa của mình. Tài hoa- khí phách- thiên lương là những điểm sáng ở nhân vật này, tất cả lại được chạm khắc qua ngòi bút tài hoa, điêu luyện mà thấm đẫm màu sắc lãng mạn của Nguyễn Tuân.

+ Vẻ đẹp tài hoa
- Trước hết, Huấn Cao hiện lên với tư cách của một người nghệ sĩ tài hoa, tài tử. Đây cũng là vẻ đẹp chung của các nhân vật trong tập truyện ngắn Vang bóng một thời. Nếu như ở Hương cuội, Những chiếc ấm đất, Thả thơ, Đánh thơ,... nhà văn họ Nguyễn say mê đi vào phân tích, gợi lên hứng thú thẩm mĩ cho độc giả từ những thú chơi tao nhã như thú thưởng trà, uống rượu “thạch lan hương”, “thả thơ”... thì ở Chữ người tử tù, ta lại có cơ hội được hiểu và yêu thêm một nghệ thuật cổ truyền của người phương Đông nói chung, của dân tộc nói riêng, qua tài năng của Huấn Cao: nghệ thuật thư pháp (nghệ thuật viết chữ đẹp).
- Đây là một môn nghệ thuật rất độc đáo. Nó đòi hỏi ở người tham gia những phẩm chất đặc biệt: một tay bút tài hoa, điêu luyện, một trình độ uyên bác, một học vấn uyên thâm. Đối với các nhà thư pháp, mỗi lần đặt bút là một lần sáng tạo. Hơn nữa, thư pháp còn là ngành nghệ thuật của nhân cách, của tinh thần. Người viết thư pháp đòi hỏi phải có một cái Tâm trong sáng, vững bền, một cốt cách thanh cao, đáng kính trọng.
- Với Huấn Cao, mỗi nét chữ “vuông tươi tắn” trên khuôn lụa trắng, với mùi mực thơm, nó “nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời người”. Nói cách khác, ở đây, chữ cũng là người; chữ phập phồng hơi thở, linh hồn con người trong đó.
- Tài viết chữ “nhanh mà đẹp” của ông Huấn hầu như không được miêu tả trực tiếp mà được thể hiện gián tiếp qua những “tiếng đồn”, những lời khen và qua cuộc trò chuyện của những nhân vật khác. Mở đầu tác phẩm, nhà văn đã để cho hai nhân vật viên quản ngục và thầy thơ lại bàn luận về tử tù Huấn Cao: đó là “người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”, danh tiếng vang khắp một vùng. Còn với quản ngục, ông suốt một đời ao ước “có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết” bởi “chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm... Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo, là có một vật báu trên đời”.
- Tài năng của Huấn Cao không chỉ khiến cho người đời trầm trồ mà còn khiến cho “kẻ thù” – những người đối lập với ông về chính trị, về địa vị, cũng phải nể phục. Đối với viên quản ngục, được gặp Huấn Cao là một ân huệ lớn. Thậm chí, để đánh đổi lấy một tấm lụa trên đó có chữ của ông Huấn, kẻ coi ngục này không ngại hiểm nguy, sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình.
- Bằng thủ pháp “vẽ mây nảy trăng”, lấy “bóng” làm lộ “hình”, Nguyễn Tuân đã tạo nên một “vòng hào quang” huyền thoại về nhân vật Huấn Cao, một người nghệ sĩ tài hoa, tài tử với tài năng thư pháp có thể nói là phi phàm, siêu việt.

+ Vẻ đẹp khí phách
- Vẻ đẹp thứ hai ở Huấn Cao, đó là vẻ đẹp của khí phách bất khuất, anh hùng. Đây cũng là nét riêng biệt, độc đáo của Huấn Cao so với những nhân vật tài hoa khác trong thế giới “vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân.
- Không chỉ là một nghệ sĩ thư pháp tài hoa, Huấn Cao còn hiện diện với tư cách của một tử tù. Huấn Cao nổi bật lên với một dũng khí mạnh mẽ và cốt cách hào hùng, thể hiện qua hành động thực tế dám cầm đầu đám phản nghịch chống lại triều đình. Qua lời bàn luận của quan coi ngục và thầy thơ lại, Huấn Cao là một tử tù “văn võ song toàn” bởi “ngoài cái tài viết chữ tốt, lại còn có tài bẻ khóa và vượt ngục”. Còn bọn lính canh ngục thì lưu ý đây là “thủ xướng” đám phản nghịch, là kẻ “ngạo ngược và nguy hiểm nhất”.
- Để khắc chạm nổi bật nét đẹp khí phách ở ông Huấn, Nguyễn Tuân phát huy thế mạnh của lối miêu tả trực tiếp. Mỗi cử chỉ, lời nói, hành động, phong thái của nhân vật đều được miêu tả nổi hình nổi nét trên những trang văn.
- Cái khí phách ấy được thể hiện ở thái độ bất khuất, không nao núng, run sợ trước cường quyền. Ống kính nghệ thuật của nhà văn tập trung vào giây phút đầu tiên, khi ông Huấn bị áp giải vào nhà lao cùng năm người bạn tù. Trước mặt kính áp giải và cánh cửa đề lao mở rộng, ông dường như vẫn bình thản lạ lùng, coi như ở chốn không người. Từ một lời đề nghị: “Rệp cắn tôi, đỏ cả cổ lên rồi. Phải rỗ gông đi”; đến hành động “lạnh lùng, chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thành gông xuống thềm đá tảng đánh thuỳnh một cái”, bất chấp những lời nói đùa có tính dọa nạt của tên lính áp giải..., ngay từ đầu, ấn tượng của người đọc về nhân vật đã hình thành rất sâu đậm. Đó là con người của tự do, ngông nghênh, kiêu bạc, con người đứng ngoài mọi thứ luật lệ.
- Dù là một “con hổ đã sa cơ”, bị trói buộc bởi gông cùm, bị đe dọa bởi án tử hình, nhưng ở Huấn Cao, ta vẫn thấy toát lên cái khí phách oai phong của đấng “hùm thiêng”. Trong suốt thời gian ở đề lao, ông Huấn lúc nào cũng giữ vẻ lạnh lùng, bình thản. Không một khó khăn, gian khổ nào tác động được đến con người này. Dường như đối với ông, việc vào ngục chỉ giống như một điểm dừng chân của con đại bàng lớn. Vậy nên khi được ngục quan biệt đãi, ông “vẫn thản nhiên nhận rượu và thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm”. Với đấng anh hùng này, có vẻ như giữa bữa cơm tù với sự biệt đãi kia cũng chẳng khác nhau là mấy, bởi ông chẳng mấy để tâm đến chuyện áo cơm như những kẻ phàm phu tục tử thông thường.
- Khi viên quản ngục – người đứng đầu nhà lao, bước vào buồng giam, khúm núm hỏi ông Huấn có cần gì nữa không, ông đã lạnh lùng đáp: “Người hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà người đừng đặt chân vào đây”. Một lời nói đầy kiêu ngạo và thách thức! “Khi nói câu mà ông cố ý làm ra khinh bạc đến điều, ông Huấn đã đợi một trận lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo của quan ngục bị sỉ nhục”. Nhưng đến cái cảnh chết chém, ông còn chẳng sợ nữa là những trò tiểu nhân thị oai này”. Huấn Cao hiện lên với tầm vóc sừng sững, uy nghi của người anh hùng Từ Hải “chọc trời khuấy nước
mặc dầu - dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Ông đã biến bốn bức tường của nhà lao trở thành một thứ vô nghĩa, biến luật lệ của nhà tù trở thành con số 0.
- Trước cường quyền là thế. Ngay cả trước cái chết, Huấn Cao vẫn thể hiện một bản lĩnh vững vàng, không lay chuyển của một bậc trượng phu. Ông đón nhận tin sáng sớm mai sẽ bị giải vào Kinh lĩnh án tử hình cũng thật nhẹ nhàng, thanh thản như đang thực hiện một hành trình đi vào cõi bất tử. Và ngay ở đêm trước của buổi hành hình, giữa chốn đề lao tăm tối, Huấn Cao đã để lại những nét chữ vuông vắn, tươi tắn, bay bổng như để lại những di vật thiêng liêng của một đời tài hoa, tung hoành. Ông đã bất tử trong tư thế của một đấng anh hùng- nghệ sĩ. .
- Được lấy từ nguyên mẫu Cao Chu Thần (Cao Bá Quát) - một vị anh hùng sống ở thế kỉ XVIII, nhân vật Huấn Cao dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân còn được tô đậm bởi những đường viền rực rỡ của chủ nghĩa lãng mạn. Đó là hình mẫu tiêu biểu và đẹp đẽ của bậc hào kiệt “phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”.
+ Vẻ đẹp thiên lương
- Nguyễn Tuân tiếp tục hoàn thiện bức chân dung về nhân vật bằng vẻ đẹp của thiên lương bền vững. Đây cũng là nét đẹp làm nên tầm vóc cao quý của ông Huấn, làm cho Huấn Cao “người” hơn, mà cũng phi thường, đẹp đẽ hơn, bởi đó không phải là một “người khổng lồ không tim” mà hơn ai hết, đó chính là con người biết nâng niu, trân trọng những nhân cách sáng đẹp, “những tấm lòng trong thiên hạ”.
- Đó là thiên lương tự tỏa sáng từ con người Huấn Cao. Ta đã bắt gặp một Huấn Cao tỏ rõ thái độ lạnh lùng, kiêu bạc, thậm chí coi khinh những trò “tiểu nhân thị oai” của bọn lính lệ cũng như hành động kì lạ của viên quản ngục. Nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Sự biệt đãi và thái độ nhịn nhục của người coi tù thực chất đã khiến cho ông Huấn phải nghĩ ngợi nhiều. Có thể xem đó là biểu hiện đầu tiên của một người không vô tình, không nhẫn tâm như mọi người nhầm tưởng.
- Sau khi nghe câu chuyện của thầy thơ lại, nhận ra sở thích cao quý và tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của ngục quan, Huấn Cao đã thay đổi hoàn toàn thái độ. Nhà văn đã cho chúng ta gặp gỡ một Huấn Cao khác, rất chân thành, cởi mở và đầy thiện tâm. Lần đầu tiên từ khi xuất hiện, ông Huấn có một biểu hiện cảm xúc, đó là cái “mỉm cười với thầy thơ lại”. Những lời mà ông nói ra sau đó là những lời gan ruột. Huấn Cao đã chân thành bày tỏ sự cảm động của mình: “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Câu nói dường như vừa thoáng một chút ân hận vì đã đối xử khinh ngạo với quản ngục, lại vừa rưng rưng niềm cảm động. Đó là cách ứng xử đầy tôn trọng và trân trọng của một tấm lòng trước một tấm lòng, của một thiên lương trước một thiên lương.
- Là một người tài hoa, độc đáo, sống mạnh mẽ, phóng khoáng, vậy mà ông Huấn lại dành cho “kẻ thù” của mình những lời tri ân cảm động như thế, quả là hiếm và đáng quý! Nói như Cao Bá Quát: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” (Cả cuộc đời chỉ cúi đầu trước hoa mai), ở đây, Huấn Cao cũng đã “cúi đầu” trước nhân cách và sở thích cao quý của quản ngục và thơ lại. Cái cúi đầu ấy làm con người trở nên lớn lao hơn, đẹp đẽ và giàu chất nhân văn hơn.
- Cũng qua lời tâm sự của Huấn Cao với thầy thơ lại, ta biết thêm về nhân cách đáng trọng của con người này. Ông đã nói: “Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi”. Một kẻ coi thường tiền bạc và quyền lực, một người chỉ trọng nghĩa khí, tấm lòng và cái Đẹp. Con người này có thể tạo ra cái Đẹp và luôn luôn trân trọng đối với cái Đẹp. Ông xem những con chữ của mình như một thứ quà tặng để đáp lại những tấm lòng, những nhân cách.
- Huấn Cao đã không đắn đo khi quyết định cho chữ viên quản ngục ngay trước ngày ra pháp trường lĩnh án tử hình. Có thể nói, suốt cuộc đời con người phi thường này, ông chỉ tôn thờ duy nhất cái “đạo sống” của người tài tử: coi cái Đẹp là tôn giáo và chỉ biết cúi đầu trước một thứ, đó là tấm lòng. Cái “đạo sống” của tài tử Huấn Cao hay cũng chính là “đạo sống” của người nghệ sĩ tài hoa, độc đáo Nguyễn Tuân?
- Thiên lương của Huấn Cao còn có khả năng làm bừng sáng vẻ đẹp của người khác. Bằng khí phách của mình, Huấn Cao đã biến buồng giam thành một chốn dừng chân. Còn bằng thiên lương của mình, ông đã biến nhà tù trở thành một thế giới thân thiện, thành nơi gặp gỡ của những tấm lòng tri âm. Con người này có một sức cảm hóa rất lớn, khiến cho ngục quan mặc dù bị sỉ nhục vẫn tỏ ra tôn kính. Truyện ngắn Chữ người tử tù dựng nên hai thế giới đối lập nhau: một thế giới của xấu xa, tội ác, cường quyền, một thế giới của tấm lòng và cái Đẹp. Người có khả năng làm đảo lộn hai thế giới ấy, không ai khác, chính là Huấn Cao.
- Tác phẩm khép lại bằng cái cúi đầu của viên quản ngục trước người tử tù Huấn Cao và những lời cảm động: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh!”. Đó là bằng chứng rõ nét nhất về khả năng cảm hóa và làm bừng sáng thiên lương ở người khác của nhân vật Huấn Cao. Điều mà con người này ban tặng cho cuộc đời không chỉ là cái đẹp của nghệ thuật thư pháp mà còn là khả năng cứu rỗi những cuộc đời khác.
- Xuất phát từ một nguyên mẫu trong lịch sử, Nguyễn Tuân đã sáng tạo nên hình tượng nhân vật Huấn Cao. Ở con người này, từ cử chỉ, hành động đến ngôn ngữ, từ nét chữ đến phong thái... đều toát ra một vẻ đẹp vừa phi thường, vừa bình dị, vừa anh hùng, vừa nghệ sĩ, bên cạnh cái hùng có cái bi, tính vốn khoảnh mà lại trân trọng kẻ “biệt nhỡn liên tài”, coi thường vàng bạc quyền uy mà lại đề cao tính bằng hữu, đến chết vẫn nghĩa khí và giữ trọn thiện lương. Nguyễn Tuân đã dàn cảnh, tả người và kể chuyện, sử dụng những ẩn dụ so sánh, những tình tiết đan chéo, ràng buộc vào nhau, tạo nên một không gian nghệ thuật cổ kính, bi tráng, từ đó nâng nhân vật Huấn Cao lên một tầm vóc lịch sử. Đây cũng là nhân vật kết tinh tài năng, phong cách và tư tưởng về con người của nhà văn. (Nguyễn Thị Tuyết Nhung).

>> Các em có thể tham khảo bài Phân tích nhân vật Huấn Cao trong chữ người tử tù hay phân tích cảnh cho chữ trong chữ người tử tù để có những cảm nhận trọn vẹn về bản lĩnh, tài năng và nhân cách của nhân vật này.

2. Hình tượng nhân vật viên quản ngục trong Chữ người tử tù gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì?
Gợi ý làm bài
- Nhân vật viên quản ngục đích thị là “một tấm lòng trong thiên hạ”. Là nhân vật phụ của Chữ người tử tù, nhưng nhân vật quản ngục lại có một sứ mệnh nghệ thuật không nhỏ. Nếu Huấn Cao là hình ảnh của những người có khả năng tạo ra cái Đẹp thì viên quản ngục lại là biểu tượng của người biết thưởng thức và cảm nhận cái Đẹp. Chính vì vậy, nhân vật này tạo thành một cặp tương đồng và tương xứng với Huấn Cao.
- Xuất hiện ngay từ những dòng đầu của tác phẩm, nhân vật quản ngục đã mang đến cho người đọc ấn tượng về những điều khác lạ. Ở phần đầu truyện ngắn, quản ngục đã nói về người tử tù Huấn Cao bằng những lời trầm trồ thán phục một cách chân thành. Đó là một chuyện xưa nay chưa có kẻ cai ngục nào từng làm đối với người tù của mình.
- Tâm trạng chờ đợi, mong ngóng sự xuất hiện của Huấn Cao cũng là điều khó hiểu ở kẻ coi tù này. Với tư cách là người dẫn truyện, Nguyễn Tuân đã dành cho nhân vật quản ngục những lời tốt đẹp, đầy trân trọng. Nếu xem cuộc đời như một dòng thác dữ thì viên quản ngục, trong những suy tư chìm đắm về ông Huấn, lại có gương mặt của một “mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ”. Nếu xã hội đương thời nhiễu nhương như “một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ” thì viên quản ngục, với tính cách dịu dàng và lòng biết giá người", là một "âm thanh trong trẻo” chen vào giữa bản đàn ấy. Việc nhà văn tạo ra một một nhân vật khác đời và khác người như thế, âu cũng là lẽ đương nhiên với một tính cách và một phong cách như Nguyễn Tuân.
- Viên quản ngục được nói đến trong tác phẩm là một người có sở thích cao quý. Để tạo ra thư pháp cần đến một tài năng siêu phàm, nhưng để hiểu và yêu nghệ thuật này thì lại cần đến một sở thích cao quý, một tấm lòng tri kỉ. Điều đáng nói là sở nguyện này lại có ở một con người phải hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc và chung sống với cái ác, cái xấu và những cặn bã trong xã hội
- Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, sở thích của quản ngục được đẩy lên đến mức phi thường và viên quản ngục được nâng lên thành một kiểu tài hoa, nghệ sĩ. Vì tình yêu với cái Đẹp, con người có nhiệm vụ thi hành pháp luật này đã bất chấp cả luật pháp, dám cả gan biệt đãi một kẻ tử tù, sẵn sàng mang cả tính mạng của mình ra thế chấp để đổi lấy cái Đẹp mà mình tôn thờ.
- Bên cạnh đó, quản ngục còn là một người có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”. Mặc dù bị ông Huấn nói những lời ra lệnh và có vẻ “khinh bạc đến điều”, nhưng ông vẫn không tự ái, không thù oán mà lại chấp nhận, làm theo đẩy nhịn nhục. Những bữa cơm với rượu và thịt vẫn tiếp tục được mang đến có phần nồng hậu hơn. Bởi ông có con mắt tinh đời để thấu hiểu và lí giải cái nguyên cớ bên trong của thái độ, của hành động kiêu ngạo ấy.
- Lần nào xuất hiện trước mặt Huấn Cao, ông cũng có vẻ khúm núm, khép nép. Đó không phải là biểu hiện của sự sợ hãi mà là thái độ quy phục. Sự nhịn nhục của con người này không đồng nghĩa với sự hạ mình. Đó chỉ là cái nghiêng mình kính cẩn trước một tấm lòng, một nhân cách của kẻ biết yêu cái đẹp, biết trọng cái Tài.
- Tác phẩm khép lại bằng một cuộc đổi ngôi kì lạ từ màn cho chữ quản ngục của Huấn Cao. Trước những lời di huấn của tử tù, viên quản ngục đã cúi đầu, vái lạy ông Huấn và nói đầy xúc động: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Không phải ông cố tình hạ thấp mình mà một cách chân thành nhất, ông tự nhận thấy mình là một “kẻ mê muội”. Cái cúi đầu của quản ngục trước Huấn Cao là cái cúi đầu đầy ý nghĩa. Nó không làm cho ông thấp hèn đi mà nó tôn vinh một nhân cách, một tấm lòng, một sở thích, tất cả đều rất cao quý.
- Xây dựng nhân vật quản ngục - một kẻ biết thưởng thức cái đẹp, tôn thờ cái tài hoa, khí phách, Nguyễn Tuân đã tạo nên một đối trọng tương xứng với nhân vật chính Huấn Cao, từ đó gửi gắm những triết lí, thông điệp sâu xa: “Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài, hẳn không phải là kẻ xấu hay là vô tình”,
- Với những con người như quản ngục và thơ lại, họ càng đáng quý, đáng trân trọng hơn bởi họ như loài hoa sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Chỉ bằng một vài nét phác họa chân dung, cử chỉ, đi vào tâm tư, suy nghĩ của nhân vật, ngòi bút Nguyễn Tuân đã lưu lại một gương mặt độc đáo trên những trang văn của Chữ người tử tù. (Nguyễn Thị Tuyết Nhung)

3. Anh (chị) hãy viết một bài văn hoàn chỉnh về “Cảnh cho chữ” trong Chữ người tử tù.
Gợi ý làm bài
Cảnh Huấn Cao cho chữ quản ngục nằm ở phần kết của truyện ngắn có thể nói là một cảnh tượng độc đáo, hi hữu trong văn học Việt Nam từ xưa đến nay, là sự kết tinh của những chuyện lạ lùng, là cuộc gặp gỡ của những người kì lạ. Đây cũng là đoạn văn thể hiện tập trung tư tưởng của tác phẩm cũng như sự thăng hoa của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân, nâng tác phẩm lên một tầm vóc mới. Trong cảnh cho chữ này, ba vẻ đẹp tài năng- khí phách- thiên lương đồng thời hội tụ và tỏa sáng.
Là một nhà văn của Chủ nghĩa Lãng mạn, người suốt đời coi Cái Đẹp và Nghệ thuật là tôn giáo của mình, tất yếu, Nguyễn Tuân sẽ say mê hướng vào những vẻ đẹp vừa mới lạ, độc đáo, vừa dữ dội, phi thường. Với ông, “sự tầm thường là cái chết của nghệ thuật” (V.Huy-gô). Vậy nên, bút pháp tương phản, phóng đại được khai thác tối đa cùng với những thủ pháp nghệ thuật của hội họa, điêu khắc và điện ảnh được huy động triệt để đã làm nên những trang văn tuyệt bút.
Trước hết là cái “lạ” ở không gian, thời gian diễn ra cảnh cho chữ.
Cảnh cho chữ diễn ra ở một địa điểm đặc biệt, chưa từng có xưa nay. Thư pháp vốn là một thú chơi cao sang, vì thế người nghệ sĩ thư pháp thường sáng tạo trong những không gian đẹp, sạch sẽ, đầy đủ ánh sáng cùng các phương tiện cần thiết. Vậy mà trong truyện ngắn này, người tử tù - nghệ sĩ Huấn Cao lại cho chữ quản ngục ngay trong đề lao, ở “một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột phân gián”, ánh sáng duy nhất thì tỏa ra từ một bó đuốc tẩm dầu, “khói tỏa như một đám cháy nhà”. Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, cái đẹp thư pháp lại được khai sinh từ một không gian ẩm thấp, tối tăm và bẩn thỉu, trên mảnh đất của bạo tàn, hủy hoại và cái chết như thế.
Thời gian diễn ra cảnh tượng này cũng thật kì lạ, đó là vào một đêm tối tăm, u ám như bao đêm khác, nhưng đặc biệt, đây là đêm cuối cùng của đời một con người. Ngày mai Huấn Cao sẽ ra pháp trường nên đây là những thời khắc ngắn ngủi và quý giá nhất. Không giống như người đời thường dành những phút lâm chung để nghĩ về những điều thiêng liêng nhất, để sống cho riêng mình, Huấn Cao đã dành đêm cuối cùng của đời mình cho người khác, dành những giờ phút còn lại của đời mình để đáp lại “những tấm lòng trong thiên hạ”. Những dòng chữ cuối cùng của ông trở thành vật tri âm cho một người tri kỉ. Nó vốn đã quý lại càng quý hơn bởi đó là lời trăng trối của một người sắp từ giã cuộc đời. Dường như nhà văn lãng mạn Nguyễn Tuân đã đẩy nhân vật của mình vào những khoảnh khắc tột cùng của sự tới hạn”, để nhận vật bộc lộ đến tận cùng chiều sâu và sức mạnh nội tâm của nó.
Cảnh cho chữ còn là một tình huống đầy kịch tính. ở đây diễn ra cuộc gặp gỡ giữa ba con người ở hai giới tuyến. Về địa vị xã hội, chính trị, họ là kẻ thù của nhau, là những người “không đội trời chung”. Vậy mà họ đã ngồi bên nhau, ba cái đầu chụm lại trong một thế giới đầy thân thiện, đầy tin yêu của những kẻ tri âm, tri kỉ, dám “tử vì đạo”. Không còn có một ranh giới nào, không có quyền lực, không có bạc tiền. Chỉ có sự lên ngôi của cái Đẹp, của thiên lương và những tấm lòng tri âm.
Ống kính nghệ thuật của nhà văn dường như quay cận cảnh để ghi khắc quá trình và thời điểm cái Đẹp, Nghệ thuật sinh thành. Hình ảnh Huấn Cao cũng được chạm khắc bằng những đường nét rực rỡ, uy nghi mà kì vĩ, phi thường: “Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván”, trong ánh sáng đỏ rực, dữ dội của bó đuốc tẩm dầu. Không gian, thời gian như được đẩy lên một “tầng tháp, tầng trời thứ bảy”. Nó gợi cho người ta nhớ đến cảnh tượng đặc biệt trong tác phẩm Viết dưới giá treo cổ (Phu-xích). Cũng có thể hình dung đến một cảnh trao truyền ngôi báu đầy thiêng liêng. Và chúng ta dễ nhận ra dấu ấn của văn học lãng mạn trong hình hài Huấn Cao- kiểu “nhân vật khổng lồ ngụp lặn dưới đáy xã hội”, mà những hành động, ngôn ngữ của nhân vật tạo nên những “nhịp mạnh” của tác phẩm và “gõ” vào tâm trí độc giả với sự rung cảm mãnh liệt.
Bên cạnh Huấn Cao là hình ảnh không kém phần cảm động: “viên quản ngục vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực”. Tấm lụa trắng. Mùi mực thơm. “Những nét chữ vuông vắn, tươi tắn” hiện lên trên phiến lụa óng... Tất cả dường như tỏa sáng cả chốn buồng giam ẩm thấp, hôi hám, chật hẹp. Tất cả dường như đều run rẩy hòa trong niềm rung rung cảm động của người nghệ sĩ sáng tạo cái Đẹp và người được chứng kiến, chiêm ngưỡng giây phút cái Đẹp sinh thành. Ngòi bút Nguyễn Tuân đạt đến độ thăng hoa và thể hiện rõ sự khéo léo, điêu luyện trong nghệ thuật dựng cảnh, tạo không khí cho câu chữ, bút pháp đặc tả cận cảnh và thủ pháp đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, thù hận và yêu thương, sự chết chóc và sự sản sinh... Cảnh cho chữ dưới ngòi bút lãng mạn của Nguyễn Tuân mang không khí vừa thiêng liêng, vừa bi tráng.
Không chỉ thế! Cảnh cho chữ được miêu tả trong một đoạn văn ngắn, nhưng qua đây lại diễn ra hàng loạt những tình huống đảo ngược lạ lùng.
Nhà tù vốn là nơi bóng tối ngự trị, giờ đây trở thành một thế giới rực rỡ ánh sáng, ánh sáng từ bó đuốc tẩm dầu đang rừng rực cháy kia hay cũng chính là ánh sáng của thiên lương, của nhân cách tỏa ra từ ba mái đầu đang chụm lại bên nhau? Cái đẹp và tình yêu đã cộng hưởng với nhau để tạo nên ở chốn đề lao này một thế giới đầy ánh sáng.
Nhà tù thực dân, hơn thế, còn được xem như là một biểu tượng của sự hủy hoại và cái chết, giờ đây lại trở thành mảnh đất cho sự sống và cái Đẹp nảy mầm. Những dòng chữ kia là biểu tượng đẹp đẽ của văn hóa, của nhân cách và của một sự sống vĩnh hằng đang được tạo ra. Ngay ngày mai, tử tù Huấn Cao đã ra pháp trường, nhưng sự sống mà ông để lại thì bất diệt. Từ bàn tay của một con người sắp về cõi chết, sự sống đã nảy mầm và sinh sôi.
Cũng chính ở nhà lao này, thiên lương của ba con người đang chụm đầu bên tấm lụa kia đã chiến thắng và đẩy lùi cái ác. Cuộc hạnh ngộ giữa họ là một bằng chứng khẳng định luật pháp của nhà tù đã không còn ý nghĩa, cái ác đã không còn chốn nương thân.
Đồng thời, cảnh cho chữ cũng đánh dấu sự đổi ngôi trên phương diện uy quyền. Quyền lực đã được chuyển từ tay người coi tù sang tay kẻ tử tù. Kẻ nắm sinh mạng người khác thì “khúm núm”, người bị tước mọi thứ quyền thì ung dung, đường bệ. Có thể nói, mọi trật tự đã bị đảo lộn. Tác giả của sự thay bậc đổi ngôi” ấy, không ai khác, chính là cái đẹp của Nghệ thuật và tình người.
Vẻ đẹp của nhân vật Huấn Cao, như trên đã phân tích, tỏa sáng rạng ngời nhất chính ở đoạn cho chữ này. Không chỉ dồn hết tài hoa, tâm huyết vào những nét chữ bay bổng, phóng khoáng kia, “nó nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người”, sau khi viết chữ xong, Huấn Cao còn “đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc” cất lên những lời gan ruột: “ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi... Thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Những lời khuyên chân tình ấy cũng có thể xem là những lời trăng trối cuối cùng của ông Huấn. Nó vừa chân thành, lại vừa bất lực, đau xót. Nó là một lời thú nhận của một kẻ tài hoa, một đấng yêng hùng về nỗi bất lực trước thời cuộc.
Cảnh tượng cho chữ đã thực sự trở thành “nhãn tự” của tác phẩm. Dồn nén trong đoạn văn ngắn này là những tình huống đầy kịch tính, là những xung đột cũng như sự hòa giải xung đột, là những phép đảo ngược, trái chiều, tất cả được tạo nên bằng những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc như tương phản, đặc tả, khả năng dàn cảnh, dựng chuyện, tả người sinh động, nghệ thuật điện ảnh, điêu khắc, hội họa..., cùng với ngôn ngữ mang đậm màu sắc cổ kính, bi tráng.
Tác phẩm khép lại nhưng gieo vào lòng người đọc sự vững tin rằng cái Đẹp là vĩnh hằng và bất khả chiến bại, tin rằng “cái Đẹp sẽ cứu vãn thế giới” (Đốt–xtôi–ép–xki). Đằng sau lớp màn sương huyền thoại về những nhân vật lịch sử một thời vang bóng của Chữ người tử tù là bóng dáng của nhà văn. Đó là một tinh thần dân tộc đậm đà kín đáo gửi gắm vào những nhã thú văn hóa thẩm mĩ truyền thống của dân tộc, là thái độ bất hòa với chế độ xã hội đương thời và sự kính trọng những con người tài hoa, khí phách, thiên lương. Đó cũng chính là cái Tâm đáng quý trọng của nhà văn tài hoa độc đáo Nguyễn Tuân. (Nguyễn Thị Tuyết Nhung)

 

SOẠN BÀI CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ - NGUYỄN TUÂN 2

Câu 1: Tình huống truyện trong tác phẩm: 

Xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập: Huấn Cao và Viên quản ngục
Một người là người có tài viết chữ đẹp, yêu cái đẹp. Một người là người thưởng thức cái đẹp, tôn sùng cái đẹp.
⟹ Tác giả đã đặt hai nhân vật vào tình huống éo le, trớ trêu là cuộc gặp gỡ của những người tri kỉ trong nghệ thuật tại chốn ngục tù tối tăm, dơ bẩn. 
⟹ Tình huống độc đáo này đã làm nổi bật trọn vẹn, tự nhiên vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao và làm sáng tỏ tấm lòng biệt đãi người tài của viên quản ngục. 
 
Câu 2: Những vẻ đẹp độc đáo của nhân vật Huấn Cao: 
Một nho sĩ tài hoa với tài viết chữ đẹp
Một con người hiên ngang khí phách anh hùng
Trước khi xuất hiện tại ngục giam: Huấn Cao là người chống lại triều đình phong kiến. Bên cạnh tài viết chữ đẹp cái dũng khí phá bỏ gông xiềng của ông Huấn vang dội khiến cho những con người nắm giữ gông xiềng phải nể sợ nhún nhường.
Khi xuất hiện tại ngục giam: Huấn Cao tỏ thái độ coi khinh và lạnh lùng chúc mũi gông mạnh thúc mạnh đầu thang gông đánh thuỳnh một cái.
Huấn Cao - con người có thiên lương trong sáng: trọng nghĩa khinh lợi
⇒ Huấn Cao là nhân vật hội tụ được tất cả vẻ đẹp ưu tú của con người, là một hình tượng thẩm mỹ tuyệt đẹp, hội tụ vẻ đẹp nhân, trí, dũng.
 
Câu 3: Viên quản ngục cũng là một nhân vật độc đáo: 
Yêu cái đẹp, coi trọng người tài.
Dù sống trong hoàn cảnh đề lao, sống trong chốn tàn bạo nhưng vẫn giữ được cái tâm, cái nhân cách cao đẹp.
⇒ Nguyễn Tuân khẳng định Viên quản ngục chính là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bàn đàn mà ở đó mọi nhạc luật đều hỗn độn, xô bồ.
 
Câu 4: Cảnh cho chữ trong nhà lao 
- Thời gian: đêm khuya tăm tối
- Không gian: Trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột phân gián ⟶ Khung cảnh tối tăm, dơ bẩn 
⟶ Một cảnh tượng trước nay chưa từng có trong ngục tối của nhà lao:
- Người tù - người nghệ sĩ vượt qua những gông cùm, đau đớn để hiện mình viết lên những nét chữ tuyệt đẹp, những tâm huyết của cả đời mình một cách phóng khoáng, ngạo nghễ.
- Quản ngục - người đại diện cho uy quyền lại trở nên khúm núm, run run đón nhận từng nét chữ quý giá mà cả đời mong ước. 
- Nghệ thuật đối lập: nơi nhà tù chật hẹp, tối tăm tù túng với một khung cảnh cho chữ tráng lệ. Người cho chữ với tư thế hiên ngang lẫm liệt với người nhận chữ đầy lo sợ.
⇒ Qua cảnh cho chữ Nguyễn Tuân đã nêu bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm: cái đẹp có thể sáng tạo ngay trong lòng cái xấu, cái ác. Cái đẹp và cái thiện luôn chiến thắng cái ác, cái xấu. Có những con người phải sống trong môi trường của cái ác và cái xấu thế nhưng họ vẫn luôn hướng tới cái đẹp, cái thiện
Câu 5: 
- Xây dựng hình tượng nhân vật theo bút pháp lãng mạn
- Xây dựng nghệ thuật tương phản (cảnh cho chữ xưa nay chưa từng có, cảnh nhà lao với tâm hồn con người,...)
⇒  Khẳng định cái đẹp có thể nảy sinh ngay trong lòng cái xấu, cái ác
- Ngôn ngữ: Trau chuốt, giàu tính tạo hình, sử dụng nhiều từ Hán Việt để tạo không khí thời đại.
⟹ Thể hiện cái tôi phóng khoáng của một người nghệ sĩ uyên bác, tài hoa, tinh tế, suốt đời đi tìm cái đẹp - Nguyễn Tuân.
 
-------------------------HẾT-------------------------

Thực hành thành ngữ, điển cố là bài học nổi bật trong Tuần 6 của chương trình học theo SGK Ngữ Văn 11, học sinh cần Soạn bài Thực hành thành ngữ, điển cố, đọc trước nội dung, trả lời câu hỏi trong SGK.

Bài Thơ Thương Vợ của Tú Xương thuộc chương trình Ngữ Văn 11 cùng Phân tích bài thơ Thương Vợ để hiểu hơn về tác phẩm này.

https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-chu-nguoi-tu-tu-38070n.aspx

Tác giả: Lộc Ngô     (4.0★- 14 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích nhân vật quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
Cảm nhận về cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù
Sơ đồ tư duy Chữ người tử tù
Phân tích cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân siêu hay
Về nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân
Từ khoá liên quan:

soan bai chu nguoi tu tu cua nguyen tuan

, soan bai chu nguoi tu tu ngan nhat, soan bai chu nguoi tu tu trang 107 sgk ngu van 11 tap 1,
SOFT LIÊN QUAN
  • Tóm tắt tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

    Tóm tắt văn bản Chữ người tử tù

    Tóm tắt tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho các em học sinh lớp 11 khi học phần đọc hiểu tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ Văn. Các em có thể tham khảo cách tóm tắt tác phẩm Ch ...

Tin Mới

  • Văn mẫu Phân tích khổ 2 trong bài Từ ấy của Tố Hữu

    “Từ ấy” là bài thơ đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đời nhà thơ cũng là người chiến sĩ Tố Hữu. Tác phẩm đã thể hiện tinh thần vui vẻ, hào hứng, hăng hái khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng và tinh thần hòa tan,

  • Tóm tắt Lời tiễn dặn

    Tiễn dặn người yêu là truyện thơ nổi tiếng của dân tộc Thái, kể về câu chuyện tình yêu đầy trắc trở của đôi trai gái. Đoạn trích Lời tiễn dặn đều được đưa vào cả ba bộ sách giáo khoa. Em hãy cùng Taimienphi.vn tìm hiểu nội dung của văn bản này trong từng bộ sách nhé.

  • Soạn bài Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

    Các em cùng xem gợi ý soạn bài Chữ người tử tù dưới đây để có thể chuẩn bị bài học tốt nhất, trả lời cho những câu hỏi đọc hiểu trang 107 SGK Ngữ văn 11, tập 1, có thể nắm một số kiến thức trước khi học bài Chữ người tử tù này.

  • Cách thêm Font chữ vào Word trong máy tính Windows

    Bạn muốn thay đổi font chữ trong Word để tài liệu thêm phần nổi bật? Hãy tham khảo ngay cách thêm font chữ vào Word đơn giản, giúp soạn thảo văn bản đẹp mắt và chuyên nghiệp.