Soạn bài Chí Phèo, Phần 2: Tác phẩm

Chí Phèo là một trong những tác phẩm nổi tiết nhất trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nam Cao. Cùng tham khảo phần Soạn bài Chí Phèo, Phần 2, Tác phẩm để tìm hiểu về hoàn cảnh sáng tác, đặc sắc nội dung, nghệ thuật và những thông điệp được nhà văn gửi gắm qua truyện ngắn.
Mục Lục bài viết:
1. Bài soạn số 1
2. Bài soạn số 2


Soạn bài Chí Phèo, phần 2, tác phẩm, ngắn 1

I. Tác phẩm "Chí Phèo"

1. Xuất xứ
- Chí Phèo tên ban đầu là Cái lò gạch cũ in năm 1941 trong tập truyện Đôi lúa xứng đôi, với bút danh Nam Cao do nhà xuất bản Đời mới Hà Nội ấn hành, được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó.
- Sau này, Nam Cao đổi tên tác phẩm thành Chí Phèo.

2. Nội dung chính
- Chí Phèo xuất thân không có cha mẹ, là đứa con hoang bị bỏ lại nơi cái lò gạch cũ. Chí được những người lao động cưu mang, lớn lên đi làm thuê ở nhà Bá Kiến.
- Bà ba vợ Bá Kiến bắt Chí Phèo xoa đùi, bóp chân và gợi ý chuyện xác thịt. Chí Phèo cảm thấy nhục khi bị đối xử như thế. Do ghen tuông mà Bá Kiến tìm cách tống Chí vào tù.
- Ra tù, Chí trở thành con người khác hẳn. Hắn uống rượu say đến nhà Bá Kiến đòi báo thù. Bá Kiến thủ đoạn đã biến Chí thành tay sai tác oai tác quái cả làng Vũ Đại. Ai cũng sợ Chí Phèo. Bá Kiến cấp cho Chí một ngôi nhà bỏ hoang bên bờ sông.
- Cuộc đời Chí Phèo ngày càng chìm sâu hơn xuống vũng bùn tội lỗi. Hắn trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại từ lúc nào không hay.
- Tối nọ, tình cờ hắn bắt gặp Thị Nở, một cô gái xấu ma chê quỷ hờn, dở người, bên bờ sông cạnh nhà. Hắn làm tình với thị rồi hai người yêu nhau. Chí Phèo hi vọng thị Nở sẽ mở cánh cửa cho hắn bước vào cuộc đời.
- Bà cô thị Nở ngăn cản đám cưới của Chí Phèo. Căm giận, hắn uống say rồi quyết tâm đi trả thù nó, Hắn đến nhà Bá Kiến đâm chết ông ta rồi tự sát.
- Dân làngVũ Đại Xôn xao trước cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến. Đội Tảo, kình địch của Bá Kiến oang oang nói giữa chợ: thằng bố chết phen này thằng con sẽ ăn bùn. Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng rồi nghĩ đến cái lò gạch bỏ hoang.

3. Cảm hứng sáng tạo
- Nét chủ đạo vẫn là cảm hứng hiện thực phê phán của chủ nghĩa hiện thực. Một mặt tác giả đồng cảm với người bị áp bức và mặt khác tố cáo, phê phán tội lỗi của kẻ ác gây cho dân lành.
- Cảm hứng sáng tạo của Nam Cao vẫn phảng phất yếu tố lãng mạn thông qua triết lí tình thương, niềm tin cao cả, sự vận động từ bóng tối đến ánh sáng, thiện thắng ác,... vào con người theo kiểu của văn hào Huy-gô. Đặt niềm tin vào thiên tính thiện của con người nên bản năng hướng thiện vẫn chiếm vị trí quan trọng trong tự sự của Nam Cao về cuộc đời Chí Phèo.

4. Cấu trúc bề mặt: làng Vũ Đại và cuộc đời Chí Phèo
- Đọc Chí Phèo, người đọc biết toàn bộ cuộc đời Chí Phèo, kể từ lúc mở mắt chào đời cho đến lúc giết Bá Kiến rồi tự sát. Cách kể hướng về biên niên sử của nhân vật chính của tác phẩm thường là độc quyền của tiểu thuyết. Truyện ngắn hiếm khi tái hiện đầy đủ cuộc đời nhân vật. Đây là đặc điểm độc đáo của Chí Phèo.
- Tuy nhiên, để làm giảm số trang cho truyện (nếu không thì truyện ngắn này có nguy cơ trở thành tiểu thuyết) thì ngoài việc lược bớt các sự kiện (chẳng hạn như không nói rõ ai là người sinh ra Chí và hoàn cảnh sống, tâm trạng của người mẹ ấy ra sao khi từ bỏ đứa con), Nam Cao còn sử dụng kĩ thuật hồi cố. Biện pháp này được trao cho người kể và buộc người kể trở thành người thông suốt hết mọi ngóc ngách trong đời Chí. Quả thật, lí lịch của Chí Phèo dần hiện lên rõ nét qua lời kể điềm tĩnh đầy chất suy tư: “Một anh đi thả ống lươn...”
- Nhờ đoạn hồi cố này mà người đọc không chỉ nhận biết rõ hoàn cảnh thương tâm của Chí mà còn thấu hiểu trọng tâm câu chuyện được đặt ở đâu. Nếu làm phép thống kê, ta thấy đoạn kể về quá khứ của Chí trước khi bị huỷ hoại nhân tính “hắn vừa đi vừa chửi” là vô cùng ngắn (chưa đến một trang) so với đoạn miêu tả Chí trong sự tha hoá (khoảng 20 trang). Hơn nữa, ngay từ lúc mở đầu, hình ảnh Chí Phèo “vừa đi vừa chửi” đã bao hàm thông báo của người kể rằng câu chuyện bắt đầu bằng một con người không bình thường nữa.
- Trong tâm truyện đặt vào khát vọng hoàn lương chứ không phải vào quá trình tha hoá. Thế nhưng, với tư cách là một nhà hiện thực cần mẫn, Nam Cao vẫn cố tái hiện lại quá khứ của Chí Phèo đế báo cho người đọc biết vì sao Chí Phèo ra nông nỗi này. Hoàn cảnh nghiệt ngã của xã hội đã tiếp tay cho Bá Kiến trong việc làm biến chất Chí Phèo.
- Trong cái làng Vũ Đại đó tồn tại nhiều thế lực cường hào tranh nhau quyền lợi bằng cách ức hiếp dân lành: cánh Bá Kiến, cánh Đội tảo, cánh Bát tùng,...
- Nông dân là nạn nhân của bọn họ và chính bản thân họ cũng mâu thuẫn xâu xé lẫn nhau. Tất cả tạo nên một diện mạo quái gở ngay trước khi con quỷ làng Vũ Đại Chí Phèo xuất hiện.

5. Những số phận tương đồng
- Cấu trúc bề mặt còn hàm chứa một ý đồ nghệ thuật vượt ra ngoài khuôn khổ tái hiện trọn vẹn cuộc đời Chí. Người kể dùng quá khứ của Chí Phèo đó để đối chiếu với nhiều cảnh ngộ tương tự quá khứ của Chí.
- Đấy chính là cuộc đời của Binh Chức và Năm Thọ. Lối kể nghe chừng dễ dãi ngỡ như gặp đâu kể đó song lại chuyển tải một kĩ thuật tự sự bậc thầy: đồng quy nhiều số phận để nói rằng trong xã hội ấy Chí Phèo không phải là cá biệt.
- Ba cuộc đời trong quá khứ đó tạo ra ba tầng truyện hay ba tuyến cốt truyện: truyện về Năm Thọ, truyện về Binh Chức và truyện về Chí Phèo.
- Ngoài ra, truyện còn có Tự Lãng sống một mình vì con gái chửa hoang bỏ lão mà đi. Nguyên nhân dẫn đến các cảnh đời bi thương của họ ít nhiều đều xuất phát từ chuyện đàn bà. Năm Thọ thì đưa vợ con ra làm cái cớ để uy hiếp Bá Kiến: kẻ dám giết vợ con mình thì đâu có chùn tay trước người khác. Binh Chức thì cũng đưa vợ con ra đe dọa Bá Kiến. Những lí do thì khác với Năm Thọ. Binh Chức ngầm đổ tội Bá Kiến tiêu tiền của mình gửi về cho vợ. Bá Kiến phải nhượng bộ.
- Chí Phèo thì lại là nạn nhân của Bá Kiến. Ông ta ghen Chí vì Chí bị bà Ba bắt bóp đùi. Như thế nền tảng của cốt truyện hay của xung đột cơ bản của Chí Phèo là chuyện tranh nhau đàn bà. Từ mối hằn học này mới nảy sinh ra những xung đột sau đó. Dần dần các xung đột xã hội hiện lên. Đây là điểm đặc biệt trong xung đột của Chí Phèo. Nó giải thích tại sao khi những quan hệ xã hội đã thay đổi thì Chí Phèo vẫn còn được tiếp tục đón đọc.

6. Cấu trúc chiều sâu: Bi kịch của Chí Phèo

a. Con người bị tha hóa
- Chí Phèo chưa phải là nhân vật bị tha hóa thành lưu manh đầu tiên trong dòng văn học hiện thực, những nhân vật này là một cá biệt, một điển hình xuất sắc nhất.
- Xuất thân của Chí Phèo là một nông dân lương thiện. Nếu không có những biến động xã hội bên ngoài thì cuộc sống của Chí Phèo cứ bình dị trôi đi. Nỗi khao khát giản dị “chồng cày thuê, vợ cuốc mướn” luôn thường trực trong Chí, để sau này khi mọi thứ đều đổ vỡ thì đó là nỗi khắc khoải vô cùng tận trong suốt cuộc đời Chí.
- Những chi tiết về quãng đời lương thiện của Chí được tác giả kể lướt qua hoặc đan xen trong các đoạn hồi tưởng. Như thế, đây không phải là trọng tâm tự sự của tác giả. Nam Cao chỉ dùng những chi tiết quá khứ của Chí Phèo vừa đủ để soi rọi cảnh ngộ thực tại: một Chí Phèo đang lao nhanh vào con đường tội lỗi mà không thể nào cưỡng.
- Mặt khác những chi tiết hồi cố này được sử dụng như những nốt nhấn nhận thức đế Chí và cả người đọc luôn ý thức được vấn đề bi kịch mà Chí đang gánh chịu.
- Khi bị kẻ xấu làm cho tha hóa, Chí Phèo tiếp tục bị bọn chúng lợi dụng để đẩy tiến xa hơn hơn vào con đường tội lỗi. Cứ thế, mỗi lần cố chống trả, Chí Phèo càng bị nhấn chìm hơn vào tội lỗi. Từ con người nạn nhân, Chí biến thành con người tội nhân. Và cho dẫu là tội nhân thì Chí vẫn cứ là nạn nhân của xã hội đó. Cái nhìn của Nam Cao ở đây sâu sắc và nhân đạo biết bao!
- Sự tha hóa của Chí Phèo diễn ra cả ở hình thức lẫn tâm hồn, tính cách. “Con quỷ dữ của làng Vũ Đại” mang một khuôn mặt bị rạch dọc ngang chẳng chịt, mở miệng là chửi bới và gào thét la làng ăn vạ. Tiếng nói của Chí Phèo nổi tiếng đến mức mà khi hắn cất lên thì dân làng Vũ Đại cứ để mặc hắn với âm thanh ngậu xị của lũ chó, vốn là loài không biết phân biệt phải trái.
- Những cơn say triền miên của Chí là biểu hiện rõ nét ý thức về nỗi bi kịch của chính cuộc đời Chí. Những hành động bất lương của Chí đều diễn ra trong những cơn say.

b. Bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người
– Đây chính là vấn đề trọng tâm của tác phẩm. Bi kịch của sự tha hóa chỉ là cái nền để xuất hiện bi kịch của sự cự tuyệt con người lỡ sa cơ quay về cuộc đời lương thiện.
- Thị Nở là trọng tâm của bi kịch này. Nếu không có cái đêm Chí Phèo gặp thị Nở bên bờ sông thì có lẽ vĩnh viễn đời Chí chỉ dừng lại ở bi kịch bị tha hóa mà thôi.
- Hai nhân vật cô độc này ngủ với nhau như chưa bao giờ được ngủ. Được làm tình, được yêu thương, họ được sống trọn vẹn nghĩa của một con người.
- Khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi trong Chí được nhen nhóm từ thị Nở đã hé mở cho Chí con đường quay về với cộng đồng. Chỉ hi vọng cuộc đời mình sẽ thay đổi. Thế nhưng, nỗi đau của Chí lại tiếp tục bị đẩy đến một giới hạn mới. Ngay đến cả cái con người mà xã hội vứt ra bên lề như thị Nở lại cũng có lí do cự tuyệt tình cảm của Chí. Từ đó, Chí nhận ra rằng, thế giới làng Vũ Đại không còn thuộc về Chí. Cánh của cuộc đời đã khép chặt. Chí không còn lối thoát nào khác là giết chết kẻ gây ra thảm họa đời Chí và tự sát.
- Khát vọng “muốn làm người lương thiện” của Chí đâu có chỗ đứng trong một xã hội bất nhân và phi lương cùng tận. Một khi nó đã làm con người biến chất, thì chỉ có cái chết chờ đón họ. Xã hội đó, không cho phép con người được sống với ước mơ chính đáng của chính mình.
- Đỉnh điểm của bi kịch cự tuyệt này là hành động giết chết Bá Kiến của Chí Phèo. Xung đột truyện đã được giải quyết. Kẻ gây ra tội lỗi phải gánh chịu hậu quả. Một cái chết mang nặng chất cổ tích, nhưng đằng sau nó vẫn mênh mang những vấn đề bi thiết về cuộc sống con người. Cái chết của Chí là một biểu hiện của sự bế tắc. Âm vang của thiên bi kịch vẫn lan tỏa theo cái lò gạch trong suy nghĩ của thị Nở, trong lời nói đầy thách thức của các thế lực đối lập với Bá Kiến ở chợ.

- Như thế, bi kịch của Chí được khai thác ở các góc độ:
+ Quyền làm con: Chí bị bố mẹ bỏ rơi ở cái lò gạch cũ.
+ Quyền được yêu: bà ba bắt bóp đùi, bà cô thị Nở ngăn cấm, Thị Nở từ chối Chí Phèo.
+ Quyền được làm một công dân: do ghen tuông, Bá Kiến lợi dụng quyền lực của mình tống Chí Phèo vào tù. Ra tù, Chí bị Bá Kiến lợi dụng, trở thành tay sai của hắn và dần biến thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

8. Nhân vật Bá Kiến
- Bá Kiến cho Chí đi tù, mới đọc đoạn đầu tác phẩm thì nguyên nhân cụ thể thì chẳng ai biết. Người ta đưa ra hai giả thuyết và cả hai đều liên quan đến bà Ba: bà Ba tin dùng Chí và bà Ba muốn Chí quan hệ xác thịt. Nhưng đến gần cuối tác phẩm, khi Bá Kiến đợi mãi mà bà Tư không về, ông ta suy ngẫm về sự lẳng lơ của bà ta và ao ước “muốn cho tất cả những thằng trai trẻ đi ở tù”, thì điều này lại góp phần xác minh lí do bị ở tù của Chí từ hai giả thuyết trên.
- Rõ ràng, chỉ vì ghen tuông mà Bá Kiến cho Chí đi tù. Mới hay khi lên cơn ghen thì con người ta dẫu khôn đến mấy cũng mù quáng và sức tố cáo sự bất nhân của kẻ lạm quyền và cả luật pháp phi lí của xã hội từ thiên truyện vì thế cũng sẽ tăng lên,
- Ngoài những câu nói vận dụng tục ngữ (“Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân”) hoặc những câu đúc kết kinh nghiệm cụ thể “ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông, nhưng rồi dắt nó lên để nó đền ơn”... thì câu chuyện còn rất thành công ở lối nói lấp lửng. Chính cách nói này tạo ra biên độ mở cho tác phẩm, kích thích trí tưởng tượng của độc giả. Chí Phèo xuất hiện ở cái lò gạch bỏ hoang. Không ai biết xuất xứ cho nên người đọc tha hồ nghĩ cho Chí một xuất xứ. Ngay đến cả câu nói của Bá Kiến: “Ai chứ anh với nó (Lí Cường) còn có họ kia đấy” khi dỗ dành Chí, thì vẫn gợi cho người ta suy nghĩ Chí Phèo có quan hệ đặc biệt nào đó với Bá Kiến hoặc chí ít thì Bá Kiến cũng hiểu rất rõ lai lịch Chí Phèo...
- Chí Phèo không chỉ là chuyện xâm hại, áp bức mà còn là chuyện báo thù và chuyện kẻ báo thù bị lợi dụng. Trong số ba nhân vật, trừ Năm Thọ, còn lại Binh Chức và Chí Phèo là những kẻ báo thù. Không phải họ mạnh hơn Bá Kiến mà là tình thế đẩy họ đến cùng đường nên họ buộc phải vùng lên để tìm đường sống. Bản năng sống của con người sẽ mạnh hơn tất cả, mạnh hơn ngay chính kẻ xâm hại họ. Thế là một sự hoán vị xảy ra: Bá Kiến, kẻ xâm hại trở thành kẻ bị xâm hại. Đây là chuyện thường tình. Sự đổi ngôi thống trị không phải là điều hiếm thấy trong cộng đồng. Nhưng cả Binh Chức lẫn Chí Phèo không phải thực sự là kẻ xâm hại. Bản thân họ không thể mạnh hơn Bá Kiến. Do vậy, họ phải mượn một sức mạnh từ bên ngoài chứ không phải từ bản chất của họ. Điều này dễ nhận thấy qua việc mỗi khi Chí Phèo thi hành một phi vụ thì trước hết anh phải uống cho thật say.Thế rồi con ma men quái ác thay Chí làm mọi điều tội lỗi.
- Nhưng Bá Kiến đâu phải tay vừa. Quá quen thuộc với những tay đầu bướu đầu bò bất đắc dĩ ấy bấy lâu, ông ta đã nắm được thóp của họ. Bằng đồng tiền và thủ đoạn mềm nắn rắn buông, ông ta đưa họ vào quỹ đạo: gây tội lỗi, xâm hại người khác ngoài mình. Bá Kiến đã điều tiết được sức mạnh xâm hại đó. Dần dần kẻ xâm hại bị biến thành kẻ bị xâm hại hoặc kẻ tự xâm hại mình. Rốt cuộc, Bá Kiến đã xâm hại Binh Chức, Chí Phèo đến hai lần.
- Năm Thọ và Binh Chức thì chẳng trừng trị được Bá Kiến. Có thể họ không phát hiện ra chân tướng của ông ta. Còn Chí Phèo thì khác. Anh ta hiểu mọi nhẽ, kể cả việc không thể nào tìm được sự bình yên giữa cõi đời khi hoàn lương. Động lực thúc đẩy Chí quay về nẻo thiện không phải do giác ngộ một lí tưởng sống nào đó mà do sự đánh thức bản năng người trong Chí.
- Trở lại với diễn biến trước cái chết của Chí Phèo. Người kể tái hiện đầy dụng ý cảnh Bá Kiến bực mình trước việc bà Tư đi lâu về và ghen bóng ghen gió. Lần này thì chẳng liên quan gì đến Chí những cơn bực bội ấy đã khiến Bá Kiến mất khôn ngoan, không đủ sáng suốt để phán xét tình hình nên không thể xoa dịu cơn giận của Chí. Điều đó đã chóng đưa Bá Kiến đến cái chết.
- Nếu Nam Cao bỏ qua đoạn miêu tả sự ghen tuông thầm kín này mà lập tức để cho Chí Phèo đâm chết Bá Kiến ngay sau câu nói đòi lương thiện thì ắt hắn tác phẩm sẽ kém hấp dẫn và rất có thể rơi vào sự khuôn sáo, sách vở. Phải để nhân vật sống những giây phút thật là người nhất thì mọi ý nghĩa xã hội cũng như bản thể nhân vật hiện lên hình tượng và sâu sắc hơn. Nói không ngoa, nếu bà Ba gây hoạ cho Chí thì bà Tư gây hại cho Bá Kiến.
- Trước Bá Kiến bao giờ Chí cũng sợ hãi nên ước muốn báo thù của Chí sẽ chẳng mang lại kết quả như mong muốn. Chính nỗi sợ hãi cố hữu của Chí đã biến Chí thành công cụ trong tay Bá Kiến. Nhưng cuối cùng, khi nhân phẩm, lương tri được đánh thức, Chí đủ sức mạnh giết chết Bá Kiến.

II. Tự luận

1. Vai trò của những người đàn bà trong đời Chí Phèo
Gợi ý làm bài
Trong tác phẩm, đời Chí xê dịch và biến thiên cơ bản bởi tay hai người phụ nữ, chưa kể người đã sinh ra Chí mà đến cả Chí cũng không biết. Thoạt tiên, là bởi bà Ba dâm dật và sau cùng là bởi Thị Nở dở hơi. Sự kết hợp với hai người phụ nữ bất bình thường là dấu hiệu cho thấy bi kịch của đời Chí. Với bà Ba, Chí rơi vào đường tù tội. Với Thị Nở, Chí lại được làm người. Ở hai chặng của cuộc đời, Chí được người kể nhấn mạnh đến sự tự ý thức của nhân vật. Với bà Ba, Chí thấy nhục. Với Thị Nở, Chí muốn sống, muốn làm lại cuộc đời. Nhưng cho dẫu sự nhận thức có được nhấn mạnh đến đâu chăng nữa thì bao giờ cuộc đời Chí cũng phát triển theo chiều ngược lại:
- Ý thức về nhân phẩm (cảm thấy nhục khi bóp đùi bà Ba) thì bị tống vào tù.
- Khao khát hoà nhập cộng đồng (muốn lấy Thị Nở, xao xuyến khi nghe tiếng người trên đê) thì phải tự sát.
Bi kịch của Chí Phèo trên bề mặt vì thế là bi kịch của nhận thức mà sự bế tắc trong hành động dẫn đến cái chết đầy bạo lực cuối truyện là đỉnh điểm. Bi kịch đó bị chi phối ở tầng sâu là sự thức tỉnh nhân cách và cú huých để nhận cách, lương tri Chí sống lại là cú huých đến từ sự thức tỉnh bản năng tính dục. Nếu không có cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Chí và Thị Nở bên bờ sông hôm đó thì chẳng thể nào có được một Chí Phèo có khả năng khóc. Bởi khóc là dấu hiệu chính xác nhất của sự khôi phục nhân tính. Trước đây, Huy-go cũng đã sử dụng chi tiết này để khắc hoạ nhân vật thằng gù Ca-di-mô-đô trong Nhà thờ Đức bà Pa-ri. Chí Phèo cũng có xuất xứ giống thằng gù, một đứa bé bị bỏ rơi.
Môtíp nhân vật trẻ thơ bị bỏ rơi trong truyện cổ về sau thường được xác nhận (qua những tín hiệu người bỏ rơi cố tình để lại bên nó như tấm khăn, đôi giày chẳng hạn) là con của một gia đình quý phái, giàu có thậm chí là thuộc hoàng tộc. Cuối cùng những đứa bé đó đều có kết cục hạnh phúc và người nuôi nấng chúng vì thế cũng sẽ sung sướng theo. Đây là kiểu truyện nhằm để giáo huấn lòng độ lượng của con người trước những cảnh ngộ thương tâm của những đứa bé bơ vơ bị chối bỏ. Quả thật không ít người từ tâm đã nghe theo luật nhân quả ấy, bị cám dỗ bởi cái kết hạnh phúc bất ngờ đó nên đã vui lòng nhận làm người bảo trợ cho những hoàn cảnh đáng thương kia.
Nhưng đây là truyện cổ tích và đây cũng là sự tính toán của phó Giáo chủ nhà thờ Phrô-lô khi quyết định nhận nuôi thằng gù. Nhưng kết cục của thằng gù lẫn Chí Phèo đều không thể giống như truyện cổ. Qua bao gian nan, đã sống chân thành, sau khi thức tỉnh nhưng thằng gù và Chí Phèo đều phải chấp nhận một cái chết thương tâm: tự nguyện chết. Chết cho tình yêu được thiên thu vĩnh hằng (Ca-di-mô-đô), Chết cho lương tri con người sẽ luôn toả rạng (Chí Phèo). Cả hai đều bắt đầu bằng những giọt nước mắt.
Chí Phèo được đánh thức khỏi những cơn say bất tận của mình chưa phải bằng bát cháo hành như bao nhận định bấy lâu mà trước tiên được đánh thức bởi bản năng giống đực mà như đã nói chủ yếu là bản năng tính dục. Tiếp đó còn là bản năng nữa là bản năng bầy đàn, khao khát được quay về với những nguyên tắc bầy đàn. Chỉ hi vọng Thị Nở “sẽ mở cánh cửa” cho Chí. Chỉ cần thị chấp nhận thì cộng đồng cũng sẽ chấp nhận Chí.
Những vật cản xuất hiện. Bà cô Thị Nở ngăn cản cháu mình vì sự đố kị, bởi bà ta chưa được thoả mãn dục tính như mọi phụ nữ bình thường khác: “Cũng có lúc bà tủi cho thân bà. Bà nghĩ đến cái đời dài dằng dặc của bà, không có chồng. Bà thấy chua xót lắm. Bà uất ức, uất ức với ai không biết.” Ấn ức đó được ngụy trang bằng một loạt những đạo lí cũ mèm: “Người đàn bà đức hạnh (Nam Cao mỉa mai bà ta) thấy cháu bà sao mà đĩ thế! Thật đốn mạt (...). Ngoài ba mươi tuổi... ai lại còn đi lấy chồng (...). Mà có lấy thì lấy ai chứ?... Đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao, mà lại đi đâm đầu lấy một thằng không cha (...). Nhục nhã ơi là nhục nhã! Hỡi ông cha nhà bà!”. Lời lẽ viện dẫn để chửi mắng cô cháu thật thấu tình đạt lí quá mức. Trong trường hợp ấy Thị Nở biết phải làm sao? . Nhưng tất cả mọi lí lẽ, mọi viện dẫn, mọi lập luận đó đều nhằm để che đậy một động cơ thật của người đàn bà năm mươi tuổi ấy: cũng muốn được chung đụng xác thịt với một người đàn ông cho dẫu đó có là Chí Phèo.
Bản chất của mọi toan tính, mọi hành động và lập luận của các nhân vật trong Chí Phèo đều không thoát khỏi những bản năng gốc ấy. Có thể nói, Nam Cao đã thực hiện được sự đối thoại độc đáo giữa những vấn đề xã hội và những vấn đề thuộc về bản chất con người. Ông đã ý thức rất rõ điều này nên trong văn bản khi miêu tả ngôn ngữ và hành động nhân vật, nhà văn đã không ít lần sử dụng lối giễu nhại: “bà tủi thân cho bà”, “bà gào lên như con mẹ dại”, “Con người ấy có quyền nói thế, bởi con người ấy năm mươi tuổi rồi, năm mươi tuổi còn ai lấy chồng.”
Như thế vì hai người phụ nữ không được thoả mãn dục tính libiđô, bà Ba và bà cô Thị Nở, nên một lần Chí bị tống vào tù và lần khác thì Chí bị đoạn tuyệt quyền làm người, cụ thể ở đây là làm chồng. Như thế nguyên nhân của mọi xung đột, của mọi vấn đề mang tính xã hội đều xuất phát từ những xung đột rất thầm kín, đầy bản năng của con người. Tầng sâu của dục vọng xác thịt, tuy không được người kể đặc tả nhưng nó là xuất phát điểm để tạo nên chuỗi xung đột tiếp theo, qua đó những vấn đề thời đại, xã hội mới có dịp phát lộ.
Trong số mười hai nhân vật (Chí Phèo, Bá Kiến, Binh Chức, Năm Thọ, Thị Nở, Bà cô Thị Nở, Bà Ba, Con gái Tự Lãng, Đội Tảo, Lí Cường, Mụ hàng rượu, Tự Lãng) xuất hiện trong tác phẩm (trừ một vài nhân vật phụ khác như bà Cả, bà Hai (vợ Bá Kiến), vợ Đội Tảo...) thì mụ hàng rượu và Tự Lãng tuy được miêu ta trực tiếp trong quan hệ với Chí Phèo nhưng ta khó xác định được hai kiểu bản năng gốc như đã chi phối mười nhân vật còn lại. Mụ hàng rượu là nhân vật không quan trọng của tác phẩm nên Nam Cao không tập trung đặc tả. Tuy nhiên, Tự Lãng vẫn có vai trò quan trọng trong diễn biến truyện. Có thể xem lão là một cái tôi đồng dạng với Chí Phèo. Lão lớn tuổi hơn Chí, lão cô độc và bảo tám năm nay “vợ lão chết”, “con gái lão chửa hoang bỏ lão đi” nên lão buồn (cũng có phần vì dục tính libiđô không được giải tỏa), lão tìm nguồn vui từ rượu. Lão gọi bạn rượu tình cờ Chí Phèo là “Ông bạn lạc đường ở cung trăng”. Triết lí mời rượu của lão là “có giàu có sang, có làm nên ông cả bà lớn nữa, chết cũng không ai gọi là “cụ lớn mả”! Lão sống đến hơn năm mươi năm rồi mà chưa thấy một cụ lớn mả nào sốt! Chỉ có cái mả, cái mả đất. Ai chết cũng thành cái mả, say sưa chết cũng thành cái mả, lo gì?” Chí Phèo tỏ ra đồng cảm với Tự Lãng và gián tiếp Tự Lãng giúp Chí thức tỉnh lương tri. “Người ta đứng lên bằng cái gì?”. Câu hỏi bâng quơ này lúc đó Chí Phèo chưa trả lời song nó hắn vẫn đồng hành trong tâm trí Chí để ngay sau đó, Chí gặp Thị Nở bên bờ sông, nếm khoái cảm xác thịt, biết yêu và biết “đứng lên bằng cái gì”. Các nhân vật nữ của Chí Phèo, trừ mụ hàng rượu, đều liên quan đến vấn đề tình dục. Từ bà Ba, bà Tư đến Thị Nở, bà cô Thị Nở, vợ Binh Chức đến cô con gái của Tự Lãng đều phải đối đầu với vấn đề bản năng gốc của mình. Ắt hẳn, Nam Cao thấu hiểu, thời của ông và cả ngàn năm trước đó, phụ nữ Việt Nam đều bị ẩn ức libiđộ dày vò do phải khuôn theo lễ giáo phong kiến.
Điểm đặc biệt của thiên truyện là người kế thông miêu tả trực tiếp bà Ba, trong khi đó thì Thị Nở và bà cô Thị Nở trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm. Bà Ba hiện diện qua dòng hồi tưởng của người kể: “Người bà ấy phấp pháp, má bà ấy hây hây.” Nhưng chủ yếu, bà ta vẫn hiện rõ qua dòng hồi tưởng của chính Chí Phèo. Dòng hồi tưởng này được người kể đọc lại: “Vả lại bị một con đàn bà gọi đến mà bóp chân! Hắn thấy nhục hơn là thích, huống hồ lại sợ (...). Bà thấy xa xôi không được phải làm đến nơi. Bà bảo hắn rằng: “Mày thực thà quá! Con trai gì hai mươi tuổi mà đã như ông già (...). Chả nhẽ tao gọi mày vào chỉ để bóp chân thế này thôi ư?”.
“Nhưng hắn thèm lương thiện”.
Kí ức của Chí Phèo về bà Ba là kí ức về một phụ nữ nặc nô với tính dục bạo liệt, trơ trẽn. Hắn thấy nhục vì đấy chẳng phải là yêu đương. Điều đó chúng tôi dẫu cho được sinh ra nơi cái lò gạch bỏ hoang nhưng thiên lương Chí Phèo vẫn trong sáng. Hắn vẫn luôn khao khát được sống cuộc đời bình thường “chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải” của một tình cảm yêu thương thực sự. Vậy nên, hướng thiện là bản năng cốt lõi ở nhân vật này. Thế nhưng, như nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập chính nhà tù thực dân phong kiến đã làm băng hoại thiên lương của Chí. Trở lại làng Vũ Đại, Chí không có mong ước gì hơn là trả thù Bá Kiến người gây ra tấn thảm kịch cho đời Chí. Nhưng cách thức Chí Phèo sự dụng để đối đầu với Bá Kiến quả không phải là tối ưu: rạch mặt ăn vạ. Mục đích là gây họa cho Bá Kiến. Giả thiết đặt ra ở đây là tại sao ngay lần ấy Chí Phèo không đâm chết Bá Kiến mà phải đợi mãi sau này khi bị Thị Nở cự tuyệt, Chi mới hành động? Chí Phèo muốn dùng sức mạnh côn đồ để uy hiếp Bá Kiến nhưng thực chất việc làm của Chí lại bộc lộ sự yếu thế của Chí, Chí phải mượn rượu khi không có rượu, cái sự cố hữu trong Chí trỗi dậy. Thì ra, trước Bà Kiến bao giờ Chí cũng sợ hãi nên ước muốn xâm hại để báo thù của Chí sẽ chẳng mang lại kết quả như mong muốn. Cuối cùng, chính nỗi sợ hãi cố hữu của Chí đã biến Chí thành công cụ trong tay Bá Kiến.
Cần lưu ý, Chí Phèo chỉ gây ra tội lỗi trong lúc say. Say là biện pháp hữu hiệu để Chí chôn vùi ý thức. Chỉ sợ ý thức thức tỉnh sẽ mang lại cho mình nỗi đau đớn vô bờ. Như thế, nếu tỉnh rượu, ý thức làm người của Chí sẽ trỗi dậy. Nhưng đã trót thành quỷ dữ thì Chí khó có thể được xã hội chấp nhận trở lại vào cộng đồng những con người bình thường. Chí luôn ý thức được điều đó. Chính vì thế bi kịch của Chí diễn ra thường trực và ngay trước khi gặp Thị Nở, Chí đã tự trang bị cho mình một kiểu vô thức mới: vô thức của sự lãng quên.
Đánh mất lịch sử, con người không còn là người nữa. Chí không chỉ không nhớ nổi tuổi của mình mà không còn khả năng giao tiếp với xã hội. Hắn mở miệng ra là chửi. Sống trong lãng quên chí muốn tự đánh mất mình. Nhưng khi bản năng tình dục được khơi dậy, Chí móc nối cuộc đời quỷ dữ của mình với Thị Nở và hi vọng thị sẽ đưa Chí trở về với mọi người. Xem ra, bản năng hướng thiện là bản năng có sức mạnh vô song hơn mọi bản năng khác. Nó luôn chờ cơ hội để lên tiếng đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân mình. Chỉ muốn làm người lương thiện.
Nhung “Ai cho tao lương thiện”...
Bởi khi đã được nếm mùi nhục cảm, khi đã biết lắng nghe được tiếng nói của những con người bình thường, khi “nghĩ đến rượu” hắn biết “rùng mình”. thì Chí không còn là quỷ dữ nữa. Hắn mềm yếu như trước đây đã từng mềm yếu. Hắn ý thức ra rằng hắn không phải là kẻ mạnh mà “muốn ác, phải là kẻ mạnh”. Do vậy, hắn không thể nào ác. Hắn đã biết “hối hận về tội ác”... Hàng loạt nhân thức này đang dần đưa Chí trở lại với cuộc đời, với bản tính thiện sơ khai của nó. Nếu Thị Nở chấp nhận Chí...
Nhưng giả thiết ấy sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Cho dù thị có “kiêu ngạo vì đã cứu sống cho một người,” cho dù thị “thấy ngường ngượng mà thích” khi nghĩ đến hai chữ vợ chồng... thì thị vẫn chịu khuất phục bởi một bản năng xâm hại tối thượng: tính đố kị của con người, mà nguy hại thay lại là của người có quyền uy tuyệt đối. Bản năng tình dục trong Thị Nở không thắng được bản năng xâm hại của bà cô. Đấy là điểm khác biệt giữa Thị Nở và Chí Phèo. Và đấy là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới cái chết của Chí. ở đây ta không thể trách Thị Nở. Bởi ngay từ đầu Nam Cao đã cho thị là người dở hơi rồi cơ mà.
Cho đến lúc chết, Chí Phèo không mạnh hơn Bá Kiến. Thậm chí ngay với chính bản thân mình, Chí cũng chẳng mạnh hơn. Hành động của Chí bao giờ cũng mượn qua hơi rượu. Vậy nên hành động xâm hại của Chí lại chính là việc tự xâm hại chính bản thân mình. Càng lún sâu vào con đường tội lỗi, Chí càng tự huỷ hoại hết nhân tính của mình. Nhưng ngay chính việc mượn rượu để hành động đã nói lên sự khắc khoải về bản thể của kẻ lỡ sa cơ này. Xét từ góc độ này, Chí Phèo có nét gần gũi với Giăng Van-giăng của Huy-gô. Cả hai đều là nông dân lương thiện, bị luật pháp bất công tống vào tù. Nhà tù làm thay đổi tâm tính họ. Sự ruồng rẫy của xã hội càng khiến họ thù hận con người... Đến đây cách giải quyết của Nam Cao khác với Huy-gô và nó cũng cho thấy sự khác nhau cơ bản giữa hai bút pháp hiện thực và lãng mạn. Nếu Huy-gô để Giăng Van-giăng gặp linh mục Mi-ri-en, người đánh thức thiện tính trong Giăng và hướng cuộc đời của người tù khổ sai đang tuyệt vọng ấy sang nẻo thiện, thì Nam Cao để cho Chí Phèo tìm đến rượu và đi trả thù Bá Kiến, một kẻ ác và thế là Chí trở thành kẻ ác. Lô-gích hành động của Chí Phèo là hợp lí nhưng vì thế thiên tính thiện trong con người này càng bị huỷ hoại và không có điều kiện toả sáng.
Bản năng tình dục cũng như bản năng xâm hại trong tác phẩm đều chi phối Chí Phèo theo cả hai mặt tốt và xấu. Vì dục tính của bà Ba mà Chí phải đi tù. Nhưng nhờ sự “hớ hênh” của Thị Nở mà thiên tính thiện trong Chí được đánh thức. Cũng thế, vì bị Bá Kiến xâm hại nên Chí trở thành quỷ dữ làng Vũ Đại, song khi bản chất thiện trong Chí sống lại, Chí đã xâm hại trở lại Bá Kiến, giết chết y để chứng tỏ giá trị làm người của mình sẽ không bị phai mờ.
Tính biện chứng trong vận động tính cách, hành vi của nhân vật thể hiện qua các mặt đối lập đã cho thấy sự am hiểu sâu sắc của tác giả về bản chất của con người và quy luật vận động tất yếu của xã hội đặt trên sự vận động bản năng trong vô thức của từng cá thể. Nam Cao vĩ đại là nhờ ông đã biết khai thác tối ưu những phạm trù cơ bản trong cõi vô thức của con người. Chí Phèo vĩ đại là nhờ cho dù bản thân bị hủy hoại bởi hai bản năng gốc xâm hại và tính dục từ người khác nhưng anh ta đã biết đứng lên bằng cả hai bản năng đó và sâu xa hơn nữa là bằng sự tinh túy từ cốt cách của mọi bản năng: bản năng hướng thiện. Đấy là điểm luôn gặp gỡ trong cách nhìn nhận về con người của bất kì cây bút trác tuyệt nào của nhân loại.

2. Nhận định của anh (chị) về giọng điệu “Chí Phèo”
Gợi ý làm bài
Dẫu chưa tạo được cuộc cách mạng về ngôn từ mang tầm cỡ thế giới, nhưng Chí Phèo của Nam Cao vẫn luôn là kiệt tác, luôn nhận được sự yêu quí của người Việt. Đặt trọng tâm cái nhìn trần thuật vừa lên thế giới nội tâm nhân vật vừa dẫn dắt đến những xung đột cơ bản của cá nhân, thời đại, Nam Cao cũng đã tạo được lối viết lạ cho tác phẩm. Ngôn ngữ kể chuyện của ông luôn có ý thức xâm nhập vào cõi bí ẩn trong vô thức con người. Điều đó không chỉ giúp sáng tác của ông thành công ở phương diện tư tưởng mà còn mang lại một giọng điệu độc đáo cho Chí Phèo.
Trước khi khảo sát giọng của nhân vật trung tâm, chúng tôi muốn điểm qua giọng của một vài nhân vật trong tác phẩm này. Độc giả hẳn còn nhớ giọng của cụ Bá khi nói với những phần tử tha hoá như Năm Thọ, Chí Phèo: cứ mở miệng là quát để nắn gân. Cuộc đời cụ, theo Nam Cao thì có rất nhiều lần xuống giọng, cứ một lần là có một thắng lợi. Nhưng lần sau cùng, Bá Kiến không thành công phải... đi chầu Diêm Vương. Sự xê dịch giữa hai giọng điệu chứng tỏ vị thế ổn định đầy tàn nhẫn của con người này. Việc xuống giọng, với Bá Kiến cũng chỉ là một hình thức khác của chất giọng quyền uy.
Đến giọng của Thị Nở. Con người “ngớ ngẩn” ấy đâu có nhiều lời, có nói thì cũng chẳng thành câu cú gì: chỉ giỏi lườm, cấu véo. Ấy thế mà giọng nàng cũng rành mạch lắm, nghe lên là biết đích thị ngay của ai rồi: “Vừa thổ hả?”, “Đi vào nhà nhé?”, “thì đứng lên”. Đáp lại những lời yêu đương ấy, Chí không kém: “Giá thế này mãi thì thích nhỉ?”, “Hay là đằng ấy sang đây ở một nhà với tớ cho vui?”. Thực là xứng đôi vừa lứa. Song điều chúng tôi quan tâm ở những đối thoại “cộc lốc” (phần lớn là những câu hỏi thiếu hồi âm) này là ở ý nghĩa hụt hẫng của thân phận mà nó chuyển tải. Trong đối thoại, nếu Bá Kiến nói càng nhiều càng rõ ràng bao nhiêu thì Chí, Thị Nở càng rất ít nói và kém phần tự tin bấy nhiêu. Điều này báo hiệu một kết cục bất bình thường trong các quan hệ mà trước tiên cuộc tình của họ tan vỡ và sau rốt là cái chết của Chí Phèo.
Giọng của người kể chuyện rất đặc biệt. Nhiều nhà nghiên cứu thường nhắc đến kiểu giọng văn trắng ở kiệt tác này. (Dĩ nhiên thế nào là “trắng” và thế nào là “không trắng” thì tuỳ thuộc vào quan điểm của từng người). Chúng tôi đồng ý với nhận định trên nhưng cần phải xét về cấp độ. Xưa nay chúng ta thường nhắc đến kiểu giọng văn trắng trong Vụ án của Káp-ka và Người xa lạ của Ca-mút. Ở đó, người kể chuyện trần thuật lại các sự kiện (kể cả sự kiện của 1 cuộc đời mình) mà không hề tỏ bày chút xúc cảm nào. Còn Nam Cao khi Chí Phèo là “hắn”, Thị Nở là “thị” thì đã tạo được thái độ khách quan lạnh lùng.
Song lạnh lùng chưa đến mức đoạn tuyệt như ở hai bậc tiền bối ấy bởi lẽ: (1) Tác phẩm còn nhiều đoạn miêu tả thiên nhiên (chẳng hạn, ánh trăng xộc xệch theo chân Chí) hoặc ngoại cảnh (tiếng thuyền chài đánh cá, giọng người đi chợ...). Các cảm thán từ (trời ơi, than ôi) nên ít nhiều cảm xúc của người kể đã bộc lộ. Do vậy, sắc thái giọng văn của tác phẩm, theo chúng tôi chỉ nên xếp vào hàng tương đối “trắng” hoặc trung tính mà thôi.
Bao trùm lên toàn bộ Chí Phèo là kiểu giọng gián tiếp của người kể phân tích tâm lí nhân vật. Điều này mang lại hai hiệu quả:
1) Đối thoại trực tiếp của các nhân vật rất hiếm và phần lớn là bị hoà tan trong lời dẫn dắt tâm trạng của người kể chuyện. Nếu tính số lượng lời thoại (xuất hiện với dấu gạch đầu dòng) chúng tôi thống kê được năm mươi tham thoại.
2) Lời nửa trực tiếp xuất hiện nhiều xen trong những biến tấu giọng điệu đột ngột. Hãy quan sát giọng của người kể chuyện và giọng của Thị Nở khi thị sang nhà nhân tình để “đổ cơn tức” bởi bị bà cô mắng: (a) “Thị giậm chân xuống đất rồi nhảy cẫng lên như thượng đồng. (b) Hắn thú vị quá, lắc lư cái đầu cười. (c) Lại còn cười! (d) Nó nhạo thị, trời ơi! (e) Thị điên lên mất, trời ơi là trời”. Phát ngôn (a), (b) là lời miêu tả của người kể chuyện. Phát ngôn (c), (d), (e) thoạt tiên là lời phân tích tâm trạng của Thị Nở, nhưng đọc kĩ chúng ta sẽ có các giọng sau: (c) là lời của Thị Nở, (d), (e) (được in nghiêng) là lời của người kể chuyện. Nếu chúng ta nối các phần (c), (d), (e) (không in nghiêng) thì có lời của Thị Nở, lại còn cười trời ơi, trời ơi là trời.
Tuy nhiên, việc phân tích rạch ròi này chỉ là một cách tiếp cận. Cách hiểu khác là xếp các phát ngôn (c), (d), (e) vào kiểu lời nửa trực tiếp bởi ở đó giọng của người kể chuyện và giọng của nhân vật cùng đan cài, hoà tan. Đặt các giọng gần nhau hoặc xâm nhập lẫn nhau, Nam Cao đã thành công trong việc khắc hoạ tính cách nhân vật, trong việc sáng tạo lên một thế giới ngôn từ đổ vỡ. Và ba động của ngôn từ ấy cũng là sóng đời bất trắc của thế giới thực tại đây âu lo. Kĩ thuật này tuy làm chậm tốc độ phát triển truyện song nó vẫn tạo ra được nét quyến rũ bởi tâm tính nhân vật được phô bày dần qua việc thay đổi giọng của những phát ngôn.
Khác với Bá Kiến, Chí có rất nhiều kiểu giọng mà tuỳ từng trường hợp để mang ra đối phó. Chỉ có giọng bên trong của độc thoại, độc thoại nội tâm (những toan tính trước cụ Bá, suy nghĩ về hành vi bóp chân cho bà Ba) và giọng bên ngoài bao gồm: giọng của tiếng chửi, giọng tỏ tình, giọng của con người sợ sệt khi hơi rượu đã tản mát bay, giọng dõng dạc của con người đòi lương thiện... Chỉ bấy nhiêu kiểu giọng cũng đủ ghi nhận tính chất cơ cùng của kiếp người này. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng tôi muốn đề cập đến bước chuyển biến giọng điệu giữa người kể chuyện và Chí mà tập trung nhất là ở khổ mở đầu.
“Hắn vừa đi vừa chửi (...) bắt đầu hắn chửi trời” là lời của người kể chuyện. Tiếp đó “Có hề gì? Trời của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời” vẫn là giọng của người kể chuyện phân tích tâm lí nhân vật, nhưng trên nền ấy đã xuất hiện bóng dáng suy luận của Chí (có hề gì?). “Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại”. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng tự nhủ “chắc trừ mình ra”, “Không ai lên tiếng cả”. Đến đây dòng tâm trạng của Chí chuyển biến. Lời của Chí dồn dập hơn. Lô-gích suy luận bên trong dần chuyển thành lô-gích bên ngoài ở hành vi lời nói, giọng của Chí tăng dần lấn át giọng người kể chuyện để xuất hiện: “Tức thật! Tức thật! ồ! Thế này thì tức thật. Tức chết đi mất”. Giọng của Chí hoàn toàn chiếm ưu thế. Với kĩ thuật này, dòng nội tâm nhân vật dần dần bị lộn trái ra ngoài bởi việc xâm nhập từng bước giọng của Chí vào giọng người kể chuyện. “Con người ý thức” của Nam Cao, như một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra, có thể nói không ngoa rằng, đó là “con người giọng điệu” đang tự ý thức khẳng định mình.
Giọng điệu giữ một vai trò rất quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật. Nó không những chỉ rõ bản sắc, thiên tài của nghệ sĩ mà còn ghi nhận sự kiên trì của nhà văn trên chất liệu. Thế kỉ XX trong văn học được mệnh danh như là thế kỉ của những cách tân và giọng điệu là một trong những mục tiêu để nhà sáng tạo hướng đến. Chí Phèo chưa đổi mới triệt để bằng Vụ án, Người xa lạ về giọng điệu và cũng nặng nề hơn bởi giọng của người kể chuyện ở ngôi thứ ba luôn chiếm ưu thế. Tuy nhiên, kiệt tác đã tạo nên một diện mạo riêng về giọng điệu: hoà tiếng chửi của một thằng say vào lời xót xa của một người kể chuyện tỉnh, khá lạnh lùng song tận cùng vẫn là tiếng “đoạn trường” cho kiếp cùng khổ.

3. Anh (chị) có nhận xét gì về kết cấu của Chí Phèo
Gợi ý làm bài
- Đọc Chí Phèo, người đọc biết toàn bộ cuộc đời Chí Phèo, kể từ lúc mở mắt chào đời cho đến lúc giết Bá Kiến rồi tự sát. Cách kể hướng về biên niên sử của nhân vật chính của tác phẩm thường là độc quyền của tiểu thuyết. Truyện ngắn hiếm khi tái hiện đầy đủ cuộc đời nhân vật. Đây là đặc điểm độc đáo của Chí Phèo. Tuy nhiên, để làm giảm số trang cho truyện (nếu không thì truyện ngắn này có nguy cơ trở thành tiểu thuyết) thì ngoài việc lược bớt các sự kiện (chẳng hạn như không nói rõ ai là người sinh ra Chí và hoàn cảnh sống, tâm trạng của người mẹ ấy ra sao khi từ bỏ đứa con), Nam Cao còn sử dụng kĩ thuật hồi cố. Biện pháp này được trao cho người kể và buộc người kể trở thành người thông suốt hết mọi ngóc ngách trong đời Chí. Quả thật, lí lịch của Chí Phèo dần hiện lên rõ nét qua lời kể điềm tĩnh đầy chất suy tư: “Một anh đi thả ống lươn...”
- Nhờ đoạn hồi cố này mà người đọc không chỉ nhận biết rõ hoàn cảnh thương tâm của Chí mà còn thấu hiểu trọng tâm câu chuyện được đặt ở đây. Nếu làm phép thống kê, ta thấy đoạn kể về quá khứ của Chí trước khi bị hư hoại nhân tính “hắn vừa đi vừa chửi” là vô cùng ngắn (chưa đến một trang) so với đoạn miêu tả Chí trong sự tha hoá (khoảng 20 trang). Hơn nữa, ngay từ lúc mở đầu, hình ảnh Chí Phèo “vừa đi vừa chửi” đã bao hàm thông báo của người kể rằng câu chuyện bắt đầu bằng một con người không bình thường nữa. Trọng tâm truyện đặt vào khát vọng hoàn lương chứ không phải vào quá trình tha hoá. Thế nhưng, với tư cách là một nhà hiện thực cần mẫn, Nam Cao vẫn cố tái hiện lại quá khứ của Chí Phèo để báo cho người đọc biết vì sao Chí Phèo ra nông nỗi này. Hoàn cảnh nghiệt ngã của xã hội đã tiếp tay cho Bá Kiến trong việc làm biến chất Chí Phèo.
- Tuy nhiên, cấu trúc bề mặt vẫn hàm chứa một ý đồ nghệ thuật vượt ra ngoài khuôn khổ tái hiện trọn vẹn cuộc đời Chí. Người kể dùng quá khứ của Chí Phèo đó để đối chiếu với nhiều cảnh ngộ tương tự quá khứ của Chí. Đấy chính là cuộc đời của Binh Chức và Năm Thọ. Lối kể nghe chừng dễ dãi ngỡ như gặp đâu kể đó song lại chuyển tải một kĩ thuật tự sự bậc thầy: đồng quy nhiều số phận để nói rằng trong xã hội ấy Chí Phèo không phải là cá biệt.
– Ba cuộc đời trong quá khứ đó tạo ra ba tầng truyện hay ba tuyến cốt truyện: truyện về Năm Thọ, truyện về Binh Chức và truyện về Chí Phèo. Ngoài ra, truyện còn có Tự Lãng sống một mình vì con gái chửa hoang bỏ lão mà đi. Nguyên nhân dẫn đến các cảnh đời bị thương của họ ít nhiều đều xuất phát từ chuyện đàn bà. Năm Thọ thì đưa vợ con ra làm cái cớ để uy hiếp Bá Kiến: kẻ dám giết vợ con mình thì đâu có chùn tay trước người khác. Binh Chức thì cũng đưa vợ con ra đe dọa Bá Kiến. Nhưng lí do thì khác với Năm Thọ. Binh Chức ngầm đổ tội Bá Kiến tiêu tiền của mình gửi về cho vợ. Bá Kiến phải nhượng bộ. Chí Phèo thì lại là nạn nhân của Bá Kiến. Ông ta ghen Chí vì Chí bị bà Ba bắt bóp đùi. Như thế nền tảng của cốt truyện hay của xung đột cơ bản của Chí Phèo là chuyện đàn ông - đàn bà. Từ đây các xung đột xã hội hiện lên. Đây là điểm đặc biệt trong xung đột của Chí Phèo. Nó giải thích tại sao khi những quan hệ xã hội đã thay đổi thì Chí Phèo vẫn còn được tiếp tục đón đọc.

Xem tiếp các bài soạn để học tốt môn Ngữ Văn lớp 11

Soạn bài Một số thể loại văn học: Thơ, truyện
Soạn bài Phong cách ngôn ngữ báo chí (tiếp theo)

 

Soạn bài Chí Phèo, phần 2, tác phẩm, ngắn 2

Câu 1: Cách vào truyện độc đáo của Nam Cao và ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo. 

Nam Cao mở đầu tác phẩm bằng tiếng chửi “hắn vừa đi vừa chửi, bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi” 
⇒ Bộc lộ tâm trạng điên cuồng, bất mãn tột độ của một con người ý thức được rằng mình đã bị cả xã hội ruồng bỏ. 
⟹ Cho thấy sự tha hóa trong tâm hồn của một kiếp sống cô độc bi mọi người xa lánh
 
Câu 2: Ý nghĩa cuộc gặp gỡ giữa Thị Nở và Chí Phèo và diễn biến tâm trạng của Chí Phèo. 
* Ý nghĩa cuộc gặp gỡ giữa Thị Nở và Chí Phèo
Gặp gỡ với Thị Nở là bước ngoặt giúp Chí khao khát trở lại “làm người”, trở lại với ước mơ xưa cũ, và đánh thức phần người trong hắn. ⇒ Thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Nam Cao với những người nông dân, khốn khổ bị tha hóa, bị tước đoạt tư cách làm người.
 * Diễn biến tâm trạng của Chí Phèo.
Thị Nở xuất hiện với nồi cháo hành khiến Chí vô cùng ngạc nhiên. Bởi đây là lần đầu tiên hắn được người ta cho mà không cần cướp giật hay rạch mặt ăn vạ
- Liên tiếp là những cảm nhận “lần đầu tiên” của sự thức tỉnh làm người trong Chí với cuộc sống thôn quê mình sống. Ý thức và khát khao được sống trỗi dậy mạnh mẽ trong Chí.
- Chí khát khao được trở về với cuộc sống lương thiện
- Hình dung ra tương lai với Thị
 
Câu 3: Tâm trạng của Chí Phèo khi bị Thị Nở từ chối chung sống 
Thoạt tiên Chí Phèo vô cùng ngạc nhiên rồi sau đó như chợt hiểu ra, hắn đau đớn, tuyệt vọng
Khi Thị Nở từ chối Chí⟶ hắn “ôm mặt khóc rưng rức” và luôn thấy “thoảng mùi cháo hành”. 
⟶ Khóc cho những uất ức, khóc cho số phận, cuộc đời vẫn luôn khao khát lương thiện của Chí. 
“Tao muốn làm người lương thiện. Không được, ai cho tao lương thiện”  
⟶ Tiếng gào thét từ sâu thẳm bên trong bản chất rất người của Chí, luôn mong muốn sự tốt đẹp, khát khao lương thiện. 
Chí Phèo xách dao ra đi đến nhà Bá Kiến để đòi lại quyền làm người lương thiện. Nhưng kể cả khi chính tay giết kẻ đã biến mình thành quỷ thì Chí Phèo cũng không thoát khỏi bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, và phải tự kết liễu cuộc đời mình.
⟹ Cái chết của Chí, lên án xã hội phong kiến đương thời thối nát, tàn bạo, biến con người lương thiện thành những con quỷ. Khiến họ phải đi đến bước đường cùng là cái chết nhưng vẫn không giành lại phần lương thiện đã bị cướp đi.
 
Câu 4: 
Nam Cao xây dựng thành công hình tượng nhân vật điển hình trong tác phẩm là Chí Phèo, thông qua đó lên tiếng tố cáo xã hội phong kiến đương thời, đồng cảm xót xa cho số phận của những người nông dân.
Tư tưởng nhân đạo sâu sắc, tấm lòng yêu thương, trân trọng những mảnh đời khốn khổ, bất hạnh được tác giả xây dựng thành công  qua nhân vật Chí Phèo – một người nông dân bị tha hóa, bị cả xã hội ruồng bỏ, không có quyền làm người. 
⟹ Chí Phèo là hiện thân của những con người bất hạnh, những người lầm đường lạc lối muốn trở về với cộng đồng. 
 
Câu 5: Đặc sắc trong ngôn ngữ kể chuyện của tác giả và ngôn ngữ nhân vật: 
- Giọng điệu trần thuật được kết hợp hài hòa giữa đối thoại với độc thoại, giữa lời gián tiếp và lời nửa tiếp
- Có sự lồng ghép giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Ngôn ngữ giản dị, gần gũi, trực tiếp bộc lộ cảm xúc.
 
Câu 6: Tư tưởng nhân đạo mới mẻ và sâu sắc của Nam Cao thể hiện trong truyện ngắn :
Nam Cao đã phát hiện và miêu tả những phẩm chất tốt đẹp, tiềm ẩn của con người (người nông dân, người lao động) ngay cả khi họ bị tước đoạt quyền làm người, trở thành con quỷ, trở thành kẻ bị xã hội ruồng bỏ.

------------------------HẾT------------------------------

Bên cạnh nội dung đã học, các em cần chuẩn bị bài học sắp tới với phần Phân tích vẻ đẹp của Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù để nắm vững những kiến thức Ngữ Văn 11 của mình.

Tìm hiểu chi tiết nội dung phần Soạn bài Đọc thêm: Cha con nghĩa nặng để học tốt môn Ngữ Văn 11 hơn.

https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-chi-pheo-phan-2-tac-pham-38365n.aspx

Tác giả: Phí Quỳnh Anh     (4.0★- 14 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Từ khoá liên quan:

soan bai chi pheo phan 2

, soan bai chi pheo phan tac pham, soan bai chi pheo trang 155 SGK Ngu Van 11,

Tin Mới

  • Văn mẫu Phân tích khổ 2 trong bài Từ ấy của Tố Hữu

    “Từ ấy” là bài thơ đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đời nhà thơ cũng là người chiến sĩ Tố Hữu. Tác phẩm đã thể hiện tinh thần vui vẻ, hào hứng, hăng hái khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng và tinh thần hòa tan,

  • Tóm tắt Lời tiễn dặn

    Tiễn dặn người yêu là truyện thơ nổi tiếng của dân tộc Thái, kể về câu chuyện tình yêu đầy trắc trở của đôi trai gái. Đoạn trích Lời tiễn dặn đều được đưa vào cả ba bộ sách giáo khoa. Em hãy cùng Taimienphi.vn tìm hiểu nội dung của văn bản này trong từng bộ sách nhé.

  • Soạn bài Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

    Các em cùng xem gợi ý soạn bài Chữ người tử tù dưới đây để có thể chuẩn bị bài học tốt nhất, trả lời cho những câu hỏi đọc hiểu trang 107 SGK Ngữ văn 11, tập 1, có thể nắm một số kiến thức trước khi học bài Chữ người tử tù này.

  • STT tháng 12, caption tháng 12 hay và ý nghĩa nhất

    Hãy để những STT tháng 12 hay và ý nghĩa giúp bạn bày tỏ tâm tư, chia sẻ niềm vui, cũng như lan tỏa yêu thương đến mọi người.