Ý nghĩa nhan đề các tác phẩm Ngữ văn lớp 12

Nhan đề không chỉ là tên gọi mà còn là phương tiện mà các nhà văn, nhà thơ gửi gắm những nội dung, tư tưởng được thể hiện trong tác phẩm của mình. Ý nghĩa nhan đề các tác phẩm Ngữ văn lớp 12 sẽ cùng các em khám phá ý nghĩa nhan đề, từ đó hiểu hơn về đặc sắc nội dung, nghệ thuật của những tác phẩm trọng tâm trong Chương trình Ngữ văn 12. Tham khảo bài viết để giúp cho việc ôn tập của mình được hiệu quả các em nhé.
Mục Lục bài viết:
1. Ý nghĩa nhan đề Tuyên ngôn độc lập
2. Ý nghĩa nhan đề Tây Tiến
3. Ý nghĩa nhan đề Việt Bắc
4. Ý nghĩa nhan đề Đất nước
5. Ý nghĩa nhan đề Sóng
6. Ý nghĩa nhan đề Đàn ghi ta của Lorca
7. Ý nghĩa nhan đề Người lái đò sông Đà
8. Ý nghĩa nhan đề Ai đã đặt tên cho dòng sông
9. Ý nghĩa nhan đề Vợ chồng A Phủ
10. Ý nghĩa nhan đề Vợ nhặt
11. Ý nghĩa nhan đề Rừng xà nu
12. Ý nghĩa nhan đề Những đứa con trong gia đình
13. Ý nghĩa nhan đề Chiếc thuyền ngoài xa
14. Ý nghĩa nhan đề Hồn Trương Ba, da hàng thịt

y nghia nhan de cac tac pham ngu van lop 12

Ý nghĩa nhan đề các tác phẩm Ngữ văn lớp 12


1. Ý nghĩa nhan đề Tuyên ngôn Độc lập

"Tuyên ngôn" là tuyên bố có tính chất cương lĩnh của một chính đảng, tổ chức. "Độc lập" là trạng thái của một nước hoặc một dân tộc có chủ quyền về chính trị, không phụ thuộc vào nước khác, dân tộc khác. Như vậy "Tuyên ngôn độc lập" là một văn kiện lịch sử nhằm khẳng định sự độc lập của một quốc gia. Bản "tuyên ngôn độc lập" do Hồ Chí Minh soạn thảo nhằm khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, có ý nghĩa tuyên bố, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, sự độc lập, tự do của dân tộc ta.
 

2. Ý nghĩa nhan đề Tây Tiến

- Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt - Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như miền tây Bắc Bộ Việt Nam

- Địa bàn đóng quân và hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng, bao gồm các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền tây Thanh Hóa và cả Sầm Nưa (Lào). Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên chiến đấu trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Tuy vậy, họ sống rất lạc quan và chiến đấu rất dũng cảm. Đoàn quân Tây Tiến, sau một thời gian hoạt động ở Lào, trở về Hòa Bình thành lập trung đoàn 52.

- Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác. Rời xa đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh, Quang Dũng viết bài thơ Nhớ Tây Tiến. Tây Tiến có nghĩa là tiến về miền Tây, nơi đoàn quân đang dốc hết sức mình bảo vệ tổ quốc và giúp sức cho đất nước bạn.
 

3. Ý nghĩa nhan đề Việt Bắc

Việt Bắc là một vùng ở phía Bắc Hà Nội, bao gồm nhiều tỉnh ở Bắc Bộ. Đây cũng là chiến khu cách mạng thời kì kháng chiến chống Pháp gắn liền với những chiến công oanh liệt. Đặt tên bài thơ là "Việt Bắc", Tố Hữu muốn nhắc nhớ lại những kỉ niệm cách mạng và kháng chiến nơi đây. Đồng thời ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, con người Việt Bắc. Như vậy, nhan đề bài thơ đã hé mở cảm hứng chủ đạo của toàn bài: ngợi ca cách mạng cũng như con người kháng chiến. Thông qua đó, Tố Hữu muốn nhắn nhủ: Hãy ghi nhớ, khắc sâu và phát huy truyền thống yêu nước quý báu, lối sống ân nghĩa thủy chung của con người Việt Nam.
 

4. Ý nghĩa nhan đề Đất Nước

Đoạn trích "Đất Nước" (phần đầu chương V của trường ca) là một trong những đoạn thơ tiêu biểu về đề tài đất nước trong thơ ca Việt Nam hiện đại. Nhan đề bài thơ đề cập đến hình tượng trung tâm xuất hiện xuyên suốt đoạn thơ, đó là hình tượng Đất Nước gắn với những cảm nhận mới mẻ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Hơn nữa, từ "Đất Nước" được viết hoa như tên riêng, cụ thể chứ không phải là một khái niệm trừu tượng, xa vời. Điều đó góp phần thể hiện tư tưởng: Đất Nước là của Nhân dân và Nhân dân là người làm ra Đất Nước. Đồng thời, thể hiện sự tôn kính, ngợi ca khi nói về Đất Nước của nhà thơ. Như vậy, với nhan đề ngắn gọn nhưng độc đáo, đoạn trích đã giúp người đọc có những cảm nhận đầu tiên, đầy ý nghĩa về tác phẩm.
 

5. Ý nghĩa nhan đề Sóng của Xuân Quỳnh

- "Sóng" và "em" là "em" và "sóng". Hai hình tượng tuy hai mà một, có lúc tách đôi ra để soi chiếu cho nhau,có lúc lại hòa nhập vào nhau để tạo ra sự cộng hưởng. Hai hình tượng ấy đan cài, quấn quýt với nhau như hình với bóng.

- Tác giả mượn hình ảnh "sóng" để thể hiện những cảm xúc, cung bậc tình cảm của trái tim khao khát yêu thương. Nổi bật trong bài thơ là vẻ đẹp tâm hồn thiết tha nồng hậu và niềm khao khát của người phụ nữ về một tình yêu thủy chung, bất diệt.
 

6. Ý nghĩa nhan đề Đàn ghi ta của Lor-ca

- Đàn ghi-ta hãy còn gọi là Tây Ban cầm là nhạc cụ truyền thống của đất nước Tây Ban Nha.

=> Như vậy, cây đàn mang nghĩa biểu tượng cho nền nghệ thuật của đất nước này.

- Chiếc đàn ghi ta cũng đã theo cùng Lor-ca trong suốt hành trình của cuộc đời của ông, nó gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cho tự do và cách tân nghệ thuật của ông.

Nhan đề "Đàn ghi ta của Lorca" tượng trưng cho những cống hiến và sức sáng tạo nghệ thuật của Lor-ca đã để lại cho đời. Đồng thời "Đàn ghi ta của Lor ca" như một lời khẳng định, một sự ca ngợi về tài năng của tác giả, thể hiện được sự khâm phục, ngưỡng mộ của Thanh Thảo dành cho Lor-ca - đối tượng trữ tình trong bài thơ.

Đàn ghi-ta trở thành hình tượng trung tâm của bài thơ, góp phần thể hiện nội dung của tác phẩm. Tiếng đàn và Lor-ca như hai người bạn tri kỉ, gắn bó, thân thiết, thấu hiểu về nhau, khó có thể tách rời. Vì vậy, cách đặt nhan đề tạo nên sự hấp dẫn, tò mò và sức liên tưởng lớn lao với người đọc. Đó là một sự thành công và hợp lý trong văn phong của Thanh Thảo.
 

7. Ý nghĩa nhan đề Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân

Tùy bút "Người lái đò sông Đà" in trong tập "Sông Đà" (1960) là tùy bút tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân. Ngay từ nhan đề người đọc đã có thể phần nào cảm nhận được chủ đề, tư tưởng mà Nguyễn Tuân gửi gắm trong tác phẩm. Nhan đề "Người lái đò sông Đà" đã đề cập đến hai hình tượng chính đó là người lái đò và con sông Đà. Người lái đò là người chuyên nghề đưa đò, chuyên chở hàng hóa trên sông. Sông Đà phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, mang vẻ đẹp vừa hung bạo vừa thơ mộng, trữ tình. Như vậy, nhan đề đã góp phần thể hiện chủ đề, nội dung của tùy bút: ca ngợi vẻ đẹp vừa kì vĩ, hào hùng, vừa trữ tình, thơ mộng của thiên nhiên và chất tài hoa ở con người lao động bình dị ở miền Tây Bắc.
 

8. Ý nghĩa nhan đề Ai đã đặt tên cho dòng sông?

"Ai đã đặt tên cho dòng sông?" (1981) là bài bút kí tiêu biểu của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tác giả đặt tên bài bút kí là một câu hỏi nhằm kích thích sự tò mò của người đọc, khiến người đọc khao khát tìm câu trả lời qua tác phẩm. Câu hỏi hướng tới truy tìm nguồn gốc của dòng sông Hương, từ đó gợi nhớ đến huyền thoại người làng Thành Trung vì yêu quý con sông mà nấu nước trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho làn nước thơm mãi. Qua đó, nhà văn muốn khắc họa vẻ đẹp của sông Hương cũng như biểu lộ tình yêu, niềm tự hào tha thiết, sâu lắng dành cho con sông quê hương. Như vậy, với cách đặt nhan đề độc đáo, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã dẫn dắt người đọc khám phá tác phẩm để trả lời cho câu hỏi thú vị này.
 

9. Ý nghĩa nhan đề Vợ chồng A Phủ

Với nhan đề "Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài đã bước đầu gợi mở cho người đọc về chủ đề, tư tưởng được truyền tải trong tác phẩm. Nhan đề đề cập đến hai hình tượng trung tâm của tác phẩm là Mị và A Phủ. Vậy tại sao Tô Hoài lại không đặt tên truyện ngắn của mình là "Mị và A Phủ"? Nhan đề đã thể hiện mối quan hệ giữa hai nhân vật - mối quan hệ "vợ chồng". Mị và A Phủ là hai con người xa lạ nhưng lại gặp gỡ nhau ở hoàn cảnh khốn cùng, khổ sở. Vậy nên quá trình họ trở thành vợ chồng cũng là quá trình họ nương tựa, kết nối với nhau để vận động từ bóng tối ra ánh sáng, tìm đến tự do. Như vậy, qua nhan đề, người đọc có thể cảm nhận được sức sống tiềm tàng cũng như khát vọng tự do của người dân lao động vùng cao Tây Bắc.
 

10. Ý nghĩa nhan đề Vợ nhặt

Nhan đề "vợ nhặt" là một nhan đề độc đáo, thu hút sự tò mò của độc giả. Thông thường, người ta sử dụng từ "nhặt" để biểu lộ hành động cầm một vật gì đó đã được lựa chọn. Đồng thời, lấy vợ là một chuyện hệ trọng trong cuộc đời người đàn ông. Song ở đây, tác giả đã tạo ra một kết hợp từ lạ "vợ nhặt" vừa mang tính hài hước, bông đùa lại thể hiện sự chua xót. Nhan đề đặc biệt này đã khắc họa một tình huống trớ trêu "nhặt được vợ". Tác giả đã gói gọn chủ đề, tư tưởng của tác phẩm trong nhan đề chỉ vỏn vẹn hai chữ này: phản ánh tình cảnh của người nông dân trong nạn đói năm 1945 - vì đói mà người ta có thể theo không về làm vợ đồng thời ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất, sức sống cũng như khao khát hạnh phúc gia đình của con người, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn.
 

11. Ý nghĩa nhan đề Rừng xà nu

Truyện ngắn Rừng xà nu (1965) là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Nguyên Ngọc viết trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Nhan đề đã gợi mở cho người đọc những cảm nhận đầu tiên về tác phẩm. Xà nu là một loại cây họ thông, sống thành rừng ở Tây Nguyên. Loài cây này sinh sôi nảy nở khỏe, đạn đại bác không thể giết nổi chúng, những vết thương do đạn gây ra nhanh chóng lành và chúng tiếp tục vươn cao lên. Với đặc tính ấy, rừng xà nu đã che chở cho làng trong kháng chiến. Mượn hình ảnh cây xà nu với sức sống mãnh liệt làm nhan đề, nhà văn Nguyên Ngọc muốn ca ngợi vẻ đẹp tráng lệ, hùng vĩ của núi rừng, phẩm chất kiên cường, bất khuất của nhân dân cũng như truyền thống văn hóa Tây Nguyên. Như vậy, nhan đề "rừng xà nu" là một nhan đề ý nghĩa, thể hiện chủ đề và cảm hứng chủ đạo của tác phẩm.
 

12. Ý nghĩa nhan đề Những đứa con trong gia đình

"Nhan đề Những đứa con trong gia đình" không chỉ có giá trị thông báo về vị trí thế hệ của hai nhân vật chính mà gợi nhiều ý nghĩa:
- Đó là những con người được nuôi dưỡng và trưởng thành trong gia đình có truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào.
- Họ là những con người đã tiếp nối xứng đáng truyền thống cách mạng của gia đình.
- Khẳng định, ngợi ca mối liên kết bền chặt, thiêng liêng giữa các thế hệ trong gia đình, giữa con người với gia đình.
- Qua hồi ức của Việt khi bị thương về những thành viên trong gia đình, tác giả ca ngợi tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của một gia đình cũng là của nhân dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mĩ xâm lược.
 

13. Ý nghĩa nhan đề Chiếc thuyền ngoài xa

- Trước hết Chiếc thuyền ngoài xa chính là một biểu tượng của nghệ thuật, đó chính là một nghệ thuật đạt tới sự toàn mĩ và thánh thiện, khi nhìn vào chiêm ngưỡng nó, người nghệ sĩ cảm thấy tâm hồn mình được yên bình.

- Chiếc thuyền ở ngoài xa thanh bình là thế, nhưng đến khi về gần với bờ, nó lại giống như một cuộc đời đầy lam lũ và khó nhọc. Nó chứa đựng trong đó là sự éo le, trái ngang và một nghịch lí của cuộc sống. Chiếc thuyền nghệ thuật trong bức ảnh là ở ngoài xa nhưng chiếc thuyền cuộc đời lại rất gần. Người nghệ sĩ nhất định phải yêu nghệ thuật, phải khám phá thưởng thức được những vẻ đẹp đích thực của nghệ thuật thì cũng cần biết được những mảnh cuộc đời, những sự thật của cuộc sống này.

=> Nhan đề chiếc thuyền ngoài xa là một ẩn dụ về mối quan hệ gần gũi giữa nghệ thuật và cuộc sống.
 

14. Ý nghĩa nhan đề Hồn Trương Ba, da hàng thịt

- Gợi ra mối quan hệ lạ lùng giữa hồn Trương Ba và xác người hàng thịt.
- Tạo ra sự đối lập giữa phần hồn thanh cao, trong sạch với phần xác thô kệch, tham lam.
→ Hồn Trương Ba là đại diện cho tâm hồn đẹp đẽ, xác hàng thịt là đại diện cho những vật chất tầm thường.
- Gợi ra bi kịch sống không được là mình của Trương Ba
- Thể hiện được mâu thuẫn thuẫn giữa nhu cầu vật chất thiết thực, chính đáng với lí tưởng sống cao đẹp.

- Ý nghĩa nhân sinh được gửi gắm qua nhan đề:
+ Con người chỉ thực sự hạnh phúc khi hòa hợp được giữa nhu cầu vật chất và mong muốn về tinh thần.
+ Khi bị những vật chất tầm thường chi phối con người sẽ đánh mất đi lí tưởng đẹp đẽ của bản thân, dần tha hóa và đánh mất mình.

>> Xem bài Phân tích ý nghĩa nhan đề Hồn Trương Ba, da hàng thịt đầy đủ tại đây.

----------------HẾT----------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/y-nghia-nhan-de-cac-tac-pham-ngu-van-lop-12-69374n.aspx
Bên cạnh nhan đề, các em có thể khám phá giá trị, ý nghĩa của tác phẩm thông qua hoàn cảnh sáng tác hay tình huống truyện. Tình huống truyện của một số tác phẩm Ngữ Văn 9 và Hoàn cảnh sáng tác của một số tác phẩm Ngữ văn 12 là những tài liệu học tập quan trọng mà các em không nên bỏ qua khi ôn tập, củng cố kiến thức môn Ngữ văn 12.

Tác giả: Thuỳ Dương     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Ý nghĩa nhan đề và lời đề từ của Người lái đò sông Đà ngắn gọn
Ý nghĩa nhan đề Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm ngắn gọn
Ý nghĩa nhan đề bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Soạn bài Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn lớp 12
Soạn bài Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi, Ngữ văn lớp 12
Từ khoá liên quan:

y nghia nhan de cac tac pham ngu van lop 12

, tong hop y nghia nhan de ngu van lop 12 hay nhat nam 2022, y nghia nhan de cac tac pham van 12 trong tam,

SOFT LIÊN QUAN
  • Ý nghĩa nhan đề tác phẩm Chí Phèo

    Bài văn mẫu hay lớp 11

    Cùng với những tác phẩm văn học xuất sắc viết về người nông dân khác, Chí Phèo của Nam Cao đã trở thành một hình tượng nghệ thuật vô cùng tiêu biểu phản ánh nỗi thống khổ của người nông dân trong xã hội phong kiến nửa ...

Tin Mới