Ý nghĩa nhan đề một số tác phẩm Ngữ văn 9

Bài Tổng hợp Ý nghĩa nhan đề một số tác phẩm Ngữ văn 9 dưới đây sẽ giúp các em học sinh nắm được nội dung, tư tưởng của tác phẩm mà các nhà văn, nhà thơ muốn gửi gắm qua nhan đề. Các em hãy cùng tham khảo để ôn tập, củng cố kiến thức cho kì thi vào 10 sắp tới nhé.
Mục Lục bài viết:
1. Ý nghĩa nhan đề Hoàng Lê nhất thống chí
2. Ý nghĩa nhan đề Đồng chí
3. Ý nghĩa nhan đề Bài thơ về tiểu đội xe không kính
4. Ý nghĩa nhan đề Ánh trăng
5. Ý nghĩa nhan đề Mùa xuân nho nhỏ
6. Ý nghĩa nhan đề Làng của Kim Lân
7. Ý nghĩa nhan đề Lặng lẽ Sa Pa
8. Ý nghĩa nhan đề Chiếc lược ngà
9. Ý nghĩa nhan đề Những ngôi sao xa xôi
10. Ý nghĩa nhan đề Bếp lửa
11. Ý nghĩa nhan đề Sang Thu
12. Ý nghĩa nhan đề Đoàn thuyền đánh cá
13. Ý nghĩa nhan đề Mây và sóng

y nghia nhan de mot so tac pham ngu van 9

Ý nghĩa nhan đề một số tác phẩm Ngữ văn 9

Trong chương trình Ngữ văn 9, các em đã được học rất nhiều những tác phẩm văn học đặc sắc, phong phú về thể loại như: Tiểu thuyết lịch sử, truyền kì, văn xuôi, thơ,...Tham khảo Ý nghĩa nhan đề của những tác phẩm trọng tâm trong chương trình Ngữ văn 9 sẽ giúp các em thấy được mối quan hệ giữa nhan đề và nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Mặt khác, qua nhan đề tác phẩm, các em còn thấy được tài năng nghệ thuật của các nhà văn, nhà thơ trong việc lựa chọn nhan đề.
 

1. Ý nghĩa nhan đề Hoàng Lê nhất thống chí

Chí là một lối văn ghi chép sự vật, sự việc. Nhan đề "Hoàng Lê nhất thống chí" có ý nghĩa là tác phẩm ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê. Như vậy, nhan đề đã đề cập đến sự kiện được ghi chép trong tác phẩm. Qua sự kiện này, tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, khắc họa sự thất bại của quân Thanh cũng như sự thảm hại vua tôi Lê Chiêu Thống.
 

2. Ý nghĩa nhan đề Đồng chí

+ Đồng: cùng; chí: chí hướng => "đồng chí": Những người có cùng chung chí hướng, lí tưởng

+ Đặt nhan đề tác phẩm là "Đồng chí", Chính Hữu đã làm sáng tỏ chủ đề tác phẩm, không chỉ nói về những người cùng chung chí hướng, cùng chung lí tưởng, thực hiện cùng một nhiệm vụ mà ông còn khẳng định/ nhấn mạnh tình đồng đội giữa những con người có cùng hoàn cảnh xuất thân, đồng cam cộng khổ và cùng chung sức chung lòng bảo vệ nền độc lập tự do cho Tổ quốc. Tiếng gọi "đồng chí" vang lên đầy thiêng liêng đã tạo nên ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Và thứ tình cảm cao đẹp này cũng chính là sức mạnh giúp những người lính có thể dễ dàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vươn tới tương lai tốt đẹp hơn.
 

3. Ý nghĩa nhan đề Bài thơ về tiểu đội xe không kính

- "Bài thơ" được kết hợp với "tiểu đội xe không kính", một sự kết hợp kì lạ nhưng lại tạo nên chất thơ, sự khác lạ và độc đáo cho bài thơ.
+ "Bài thơ" được đặt đầu câu không hề dư thừa mà nó nhấn mạnh đến chất thơ, cũng gợi ra vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng của những người lính lái xe.
+ "xe không kính" gợi ấn tượng về những chiếc xe bị hư hỏng, không hoàn hảo.

- Ý nghĩa:
+ Hé mở về "đối tượng" đặc biệt xuyên suốt bài thơ - những chiếc xe không kính
+ Khẳng định quan niệm mới mẻ về nghệ thuật: Cái đẹp nằm trong chính những sự vật bình thường nhất của đời sống, thậm chí trần trụi, bị tàn phá khốc liệt.
=> Nhà thơ đã khai thái chất thơ từ hiện thực khốc liệt của chiến tranh qua những chiếc xe không kính để làm nổi bật lên vẻ đẹp của sự kiên cường, dũng cảm của những người lính.
- Cách đặt nhan đề thể hiện rõ nét phong cách sáng tác của nhà thơ-chiến sĩ Phạm Tiến Duật: Sôi nổi, tinh nghịch nhưng cũng tràn đầy niềm tin vào cuộc sống, vào cuộc chiến đấu.

>> Xem bài Phân tích nhan đề Bài thơ về tiểu đội xe không kính chi tiết tại đây.
 

4. Ý nghĩa nhan đề Ánh trăng của Nguyễn Duy

Ánh trăng được Nguyễn Duy sáng tác năm 1978, 3 năm sau ngày giải phóng. Nội dung, tư tưởng sâu sắc của bài thơ phần nào được Nguyễn Duy gửi gắm ngay trong phần nhan đề. Ánh trăng là hình ảnh xuyên suốt, là hình tượng nghệ thuật đặc sắc nhất của bài thơ. Đây cũng là nhan đề mang tính đa nghĩa. Ánh trăng trước hết là đại diện cho vẻ đẹp của thiên nhiên vĩnh hằng và bất tử. Đặt trong mối quan hệ với cuộc đời nhà thơ, ánh trăng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn cả. Trăng là người bạn thời thơ ấu, là người bạn đồng hành thân thiết của tác giả trong suốt những ngày tháng chiến đấu gian khổ nhất. Có thể nói, ánh trang cũng chính là biểu tượng cho quá khứ tình nghĩa, thủy chung. Nhan đề "Ánh trăng" cũng góp phần làm nổi bật lên tư tưởng, thông điệp của toàn bài thơ: Cần phải sống ân tình, thủy chung với quá khứ.
 

5. Ý nghĩa nhan đề Mùa xuân nho nhỏ

Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" là tiếng lòng tha thiết của một người gắn bó sâu sắc với quê hương, đất nước. Qua nhan đề bài thơ, chúng ta có thể cảm nhận được phần nào ước nguyện chân thành của tác giả. Mùa xuân là mùa khởi đầu trong năm, là thời điểm vạn vật sinh sôi, nảy nở, tràn đầy sức sống. Hình ảnh "mùa xuân" chính là ẩn dụ cho những gì đẹp đẽ nhất của cuộc đời mỗi con người. Danh từ "mùa xuân" kết hợp với từ láy "nho nhỏ" thể hiện sự khiêm nhường, giản dị, chân thành của tác giả. Nhà thơ mong muốn được trở thành "mùa xuân nho nhỏ" cống hiến, góp phần làm nên mùa xuân lớn, đem cái tôi riêng hòa vào cái ta chung của dân tộc, đất nước. Nhan đề còn gợi mở mạch cảm xúc của bài thơ: đi từ cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên đất trời, mùa xuân đất nước đến ước nguyện trở thành "mùa xuân nho nhỏ" dâng hiến cho cuộc đời. Như vậy, nhan đề bài thơ đã thể hiện sâu sắc ước nguyện cống hiến, tình yêu tha thiết dành cho quê hương, đất nước đáng trân trọng của nhà thơ Thanh Hải.
 

6. Ý nghĩa nhan đề Làng của Kim Lân

Nhan đề "Làng" là một nhan đề ý nghĩa, thể hiện sâu sắc tư tưởng, chủ đề tác phẩm. "Làng" là đơn vị dân cư nhỏ nhất ở nông thôn vùng đồng bằng và trung du Việt Nam, thường có đời sống riêng về nhiều mặt. Trước hết, "làng" ở đây được hiểu là làng Chợ Dầu - nơi mà ông Hai từng gắn bó, yêu tha thiết song phải rời xa để đi tản cư. Như vậy, truyện ngắn "Làng" của Kim Lân ca ngợi sâu sắc tình yêu làng của ông Hai, được thể hiện qua diễn biến tâm trạng nhân vật gắn với tình huống nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc và khi nghe tin cải chính về làng. Không chỉ vậy, tác giả đặt tên truyện là "làng" thay vì "làng Chợ Dầu" - một ngôi làng cụ thể nhằm phản ánh một tình cảm phổ biến ở người nông dân trong thời kì kháng chiến: tình yêu làng hòa quyện, thống nhất với lòng yêu nước. Tóm lại, nhan đề tuy ngắn gọn nhưng đã hé mở những nội dung sẽ được triển khai trong tác phẩm, để lại ấn tượng sâu sắc cho độc giả.
 

7. Ý nghĩa nhan đề Lặng lẽ Sa Pa

- Xuất phát từ thực tế, Sa Pa từ lâu đã được biết đến là mảnh đất thơ mộng lí tưởng, có khí hậu trong lành, mát mẻ, nơi yên tĩnh thích hợp cho việc nghỉ dưỡng
- Ẩn sau sự tĩnh mịch, lặng lẽ của cảnh vật thiên nhiên nơi đây là những người "không ai nhớ mặt đặt tên" nhưng luôn âm thầm cống hiến tuổi trẻ, sức lực và trí tuệ của mình vì công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Đó là anh thanh niên sống một mình trên đỉnh Yên Sơn làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu; là ông kĩ sư lúc nào cũng cặm cụi bên vườn rau nghiên cứu ong lấy phấn để lai tạo những giống củ quả năng suất, chất lượng cho nhân dân; là anh cán bộ nghiên cứu sét suốt 11 năm không rời xa cơ quan...
=> Cái "lặng lẽ" không chỉ của thiên nhiên mà còn là cái "lặng lẽ" của những con người đang ngày đêm âm thầm cống hiến vì sự nghiệp chung của đất nước.
- Nhan đề góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề tác phẩm: Ca ngợi những con người thầm lặng và công việc của những nhà khoa học nơi Sa Pa.
 

8. Ý nghĩa nhan đề Chiếc lược ngà

"Chiếc lược ngà" là câu chuyện cảm động về tình cha con trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Nhan đề truyện ngắn này có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Đối với bé Thu, chiếc lược ngà là kỉ vật đầu tiên và cũng là duy nhất của người cha để lại. Đối với anh Sáu, nó là món quà đã hứa với con, là thứ giúp anh vơi bớt nỗi ân hận vì đã đánh con. Chiếc lược ấy được làm nên bởi nỗi nhớ cùng tình yêu con tha thiết. Nó là cầu nối tình cảm giữa hai cha con. Như vậy, với việc sử dụng nhan đề là một chi tiết nghệ thuật xuất hiện trong tác phẩm, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã gợi mở về câu chuyện tình cảm cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ chiến tranh éo le.
 

9. Ý nghĩa nhan đề Những ngôi sao xa xôi

Nhan đề "Những ngôi sao xa xôi" là một nhan đề giàu ý nghĩa. Những ngôi sao có thể hiểu là hình ảnh những ngôi sao to trên bầu trời thành phố mà Phương Định luôn nhớ về. Với cách hiểu này, hình ảnh những ngôi sao xa xôi tượng trưng cho quê hương yên bình mà các cô gái luôn hướng về và đang nỗ lực đấu tranh để bảo vệ. Qua đó, chúng ta có thể thấy được tâm hồn giàu cảm xúc cùng tình yêu quê hương những cô gái. Song, những ngôi sao xa xôi ở đây còn có thể hiểu là hình ảnh các cô thanh niên xung phong đang ở trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa, chiến đấu vì tổ quốc. Họ tỏa sáng rực rỡ giữa bom đạn chiến trường. Nhưng dù hiểu theo nghĩa nào thì nhan đề cũng thể hiện rõ chủ đề của tác phẩm: ca ngợi vẻ đẹp của những cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn - hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ.
 

10. Ý nghĩa nhan đề Bếp lửa của Bằng Việt

"Bếp lửa" - Bằng Việt là bài thơ cảm động về tình bà cháu. Nhan đề bài thơ "Bếp lửa" là một nhan đề giàu ý nghĩa. Bếp lửa vốn dùng để đun nấu, là hình ảnh quen thuộc của gia đình, làng quê Việt Nam. Mượn hình ảnh bếp lửa, nhà thơ muốn gợi nhắc đến hình ảnh người bà tần tảo sớm hôm cùng những kỉ niệm tuổi thơ gian khó nhưng ấm áp bên bà. Không những vậy, nhan đề "bếp lửa" còn mang ý nghĩa biểu tượng, gợi liên tưởng đến tình yêu, niềm tin, hi vọng mà bà đã nhen nhóm trong cháu. Bếp lửa chính là biểu tượng của tình bà cháu thiêng liêng, tình cảm gia đình ấm áp và hơn thế còn là tình yêu quê hương, đất nước. Như vậy, nhan đề "bếp lửa" đã góp phần thể hiện sâu sắc chủ đề, tư tưởng của tác phẩm: Bài thơ gợi lại những kỉ niệm xúc động về tình bà cháu; thể hiện lòng kính yêu, trân trọng, sự biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.
 

11. Ý nghĩa nhan đề Sang thu của Hữu Thỉnh

Bài thơ "Sang thu" là một bài thơ hay, chứa đựng những triết lí nhân sinh sâu sắc. Với nhan đề "Sang thu", nhà thơ Hữu Thỉnh đã kí gửi những thông điệp, tư tưởng ý nghĩa. Trước hết, sang thu là thời khắc chuyển giao giữa mùa hạ và mùa thu. Với ý nghĩa này, bài thơ là những cảm nhận tinh tế về đất trời khi giao mùa. Song tác giả lại dùng là "sang thu" chứ không phải "thu sang" bởi bài thơ không chỉ thể hiện những biến chuyển của thiên nhiên từ hạ sang thu mà còn gửi gắm những thông điệp sâu sắc. "Sang thu" còn có thể hiểu là khi con người tạm biệt tuổi trẻ nhiệt huyết, bước vào độ tuổi trung niên, đã trở nên dày dạn hơn, trưởng thành hơn trước những sóng gió cuộc đời. Nhan đề ngắn gọn nhưng đã góp phần gợi mở chủ đề tác phẩm: bài thơ là những cảm nhận tinh tế của tác giả về sự biến đổi của đất trời từ cuối hạ sang đầu thu, từ đó đúc kết những chiêm nghiệm ý nghĩa.
 

12. Ý nghĩa nhan đề Đoàn thuyền đánh cá

Ngay từ nhan đề bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá", Huy Cận đã bộc lộ cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới. Tác giả sử dụng hình ảnh "đoàn thuyền" chứ không phải là "con thuyền", nghĩa là không chỉ có một con thuyền mà rất nhiều những chiếc thuyền cùng nhau ra khơi đánh bắt. Điều đó cho thấy tinh thần đoàn kết, sức mạnh cộng đồng trong lao động của nhân dân ta. Họ cùng nhau lao động dựng xây nên cuộc sống mới. Như vậy, với nhan đề này, Huy Cận đã gợi mở hình tượng xuyên suốt tác phẩm cũng như mạch cảm xúc của bài thơ. Bài thơ thể hiện sự tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống qua hình ảnh đoàn thuyền đánh cá. Đồng thời, mạch cảm xúc của bài thơ được triển khai gắn liền với quá trình lao động trên biển của đoàn thuyền, từ khi ra khơi cho đến lúc trở về
 

13. Ý nghĩa nhan đề Mây và sóng

"Mây và sóng" là một nhan đề giàu ý nghĩa biểu tượng. Trước hết, mây, sóng đều là những hình ảnh thiên nhiên, tượng trưng cho tiếng gọi của thế giới diệu kì, lung linh, hấp dẫn. Tuy nhiên, em bé đã từ chối tiếng gọi hấp dẫn ấy vì em không thể rời mẹ. Vậy nên, em bé đã nghĩ ra một trò chơi để chơi cùng mẹ. "Mây và sóng" giờ đây không còn là hình ảnh thế giới kì diệu nữa mà là hóa thân của em bé trong trò chơi thú vị với mẹ. Em hóa thân thành mây, sóng để được ôm ấp và vỡ tan vào lòng mẹ. Như vậy, nhan đề bài thơ đã gợi mở chủ đề, tư tưởng của tác phẩm: ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

---------------------HẾT---------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/y-nghia-nhan-de-mot-so-tac-pham-ngu-van-9-69373n.aspx
Ngữ văn là một trong những môn thi bắt buộc trong kì thi vào 10. Để sẵn sàng cho kì thi sắp tới, các em cần nắm vững những kiến thức quan trọng những kiến thức trong chương trình Ngữ văn 9. Bên cạnh bài Tổng hợp ý nghĩa nhan đề một số tác phẩm Ngữ văn 9, các em không nên bỏ qua những tài liệu học tập bổ ích khác như: Tình huống truyện của một số tác phẩm Ngữ Văn 9 và Hoàn cảnh sáng tác của một số tác phẩm Ngữ văn 9 tại Thuthuat.Taimienphi.vn.

Tác giả: Nguyễn Hải Sơn     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Ý nghĩa nhan đề Vợ nhặt của Kim Lân hay nhất
Ý nghĩa nhan đề Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
Tình huống truyện của một số tác phẩm Ngữ Văn 9
Ý nghĩa nhan đề các tác phẩm Ngữ văn lớp 12
Ý nghĩa nhan đề bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
Từ khoá liên quan:

y nghia nhan de mot so tac pham ngu van 9

, y nghia nhan de 13 tac pham ngu van 9, tong hop y nghia nhan de ngu van lop 9 hay nhat nam 2022,

Tin Mới