Lấy đề tài tình cảm gia đình, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện một cách đầy tinh tế, dạt dào cảm xúc của người con dành cho mẹ thông qua bài thơ Mẹ và quả. Mời các em tham khảo bài viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Mẹ và quả, Ngữ văn 7, Cánh Diều, học kì II để có thể hiểu tình cảm đó cũng như biết được thông điệp mà nhà thơ muốn gửi gắm.
Đề bài: Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm
Viết đoạn văn khoảng 150 200 chữ trình bày cảm xúc của em về đoạn thơ Mẹ và Quả của Nguyễn Khoa Điềm
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Mẹ và quả thuộc chủ đề Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ Ngữ văn 7 Cánh Diều. Do đó, các em có thể viết bài văn ghi cảm xúc bài Mẹ và Quả nếu gặp chủ đề này.
I. Dàn ý ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu về cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ.
2. Thân đoạn:
a. Cảm xúc về nội dung: Tác giả bày tỏ tình yêu thương sâu sắc trước sự hi sinh, tảo tần của mẹ.
* Hình ảnh người mẹ:
- Bóng dáng mẹ tảo tần, chăm chút cho vườn cây:
+ Những mùa quả "lặn" rồi "mọc": "lặn", "mọc" chỉ sự tuần hoàn, không có có hồi kết nhằm diễn tả sự hi sinh, cần mẫn của mẹ. Mẹ làm quanh năm suốt tháng.
+ Quả "bí" và bầu" lớn xuống "mang dáng giọt mồ hôi mặn" => công sức của mẹ sau bao tháng ngày vun trồng, chăm bón.
=> Mẹ là người phụ nữ tần tảo, rất giàu đức hi sinh.
* Tình cảm của nhân vật trữ tình dành cho mẹ:
- Biết ơn, ghi nhớ công lao và sự hi sinh của mẹ:
+ "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên": Nhờ sự chăm chút, nuôi dưỡng của mẹ mà những đứa con mới có thể trưởng thành, lớn lên. Cũng giống như những quả bí, quả bầu "lớn xuống" là nhờ những giọt mồ hôi, công sức của mẹ.
=> Tình cảm sâu nặng của người con với công lao to lớn, âm thầm, lặng lẽ suốt đời của mẹ.
- Lo lắng, hoảng sợ:
+ "Và chúng tôi, một thứ quả trên đời/ Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái": Những đứa con chính là thứ quả mẹ dùng cả đời để nuôi dưỡng. Mẹ thu hái biết bao mùa bí, mùa bầu nhưng điều mẹ mong ước nhất là "được hái" thứ quả trưởng thành, lớn khôn ở các con.
+ "Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh": nỗi sợ hãi khi thấy mẹ già đi mà mình chưa kịp trưởng thành.
=> Tình cảm yêu thương, chân thành mà con dành cho mẹ.
b. Cảm xúc về nghệ thuật:
- Biện pháp tu từ độc đáo:
+ So sánh "Như Mặt Trời, khi như Mặt Trăng".
+ Đối lập "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí và bầu thì lớn xuống".
+ Hoán dụ, nói giảm nói tránh "Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi".
+ Ẩn dụ "Mình vẫn còn một thứ quả non xanh".
- Nhịp thơ linh hoạt, giàu nhịp điệu.
- Hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc với đời sống thường nhật.
3. Kết đoạn:
- Khái quát được cảm xúc về bài thơ.
II. Top đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Mẹ và quả của Nguyễn khoa Điềm hay nhất:
1. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Mẹ và quả hay nhất - mẫu số 1:
Mặc dù đã được đọc và học không ít bài thơ viết về mẹ nhưng em đặc biệt ấn tượng với tác phẩm "Mẹ và quả" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Bài thơ đã đem đến cho em những cảm nhận sâu sắc về tình cảm yêu thương, biết ơn của người con dành cho mẹ. Mẹ hiện lên thật giản dị, gần gũi với hình ảnh chăm bón cho "bí" và "bầu". "Những mùa quả lặn rồi mọc" như sự tuần hoàn, lặp lại không ngừng của thời gian. Quanh năm suốt tháng, mẹ vẫn cần mẫn gieo trồng, chăm bón cho bí và bầu lớn lên. Bởi vậy, "bí" và "bầu cứ dần dần "lớn xuống", "mang dáng giọt mồ hôi mặn". Đó chính là công sức của mẹ bỏ ra để ươm mầm những loài cây. Mẹ mang vẻ đẹp của người phụ nữ tần tảo, rất giàu đức hi sinh. Bên cạnh hình ảnh người mẹ, điều khiến em ấn tượng nhất đó chính là tình cảm của nhân vật trữ tình. Chứng kiến sự vất vả của mẹ, người con luôn ghi nhớ, biết ơn "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên". Nhờ sự chăm chút, nuôi dưỡng ấy mà những đứa con mới có thể trưởng thành, khôn lớn. Cũng giống như quả bí, quả bầu phát triển là nhờ những giọt mồ hôi, nhọc nhằn của mẹ. Để rồi, hoảng hốt, sợ hãi một "ngày bàn tay mẹ mỏi" mà "Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?". Chủ thể trữ tình lo sợ một ngày mẹ già yếu còn mình thì chưa đủ chín chắn, chưa làm được những điều xứng đáng với chờ mong của mẹ. Như vậy, bằng hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc với đời sống thường nhật, nhịp thơ linh hoạt, cùng biện pháp tu từ độc đáo như: so sánh "Như Mặt Trời, khi như Mặt Trăng"; đối lập "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí và bầu thì lớn xuống"; hoán dụ, nói giảm nói tránh "Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi"; ẩn dụ "Mình vẫn còn một thứ quả non xanh", tác giả đã thể hiện một cách đầy tinh tế, sâu sắc tình cảm thương yêu dành cho mẹ của mình. Qua bài thơ, em càng thêm trân trọng những phút giây bên mẹ và cố gắng học tập để mẹ vui lòng.
Trong chương trình Ngữ văn 7 có rất nhiều đề văn khác như Nói và nghe: Trao đổi về một vấn đề, Đoạn văn trình bày suy nghĩ về vai trò của ngữ cảnh, Đoạn văn trình bày suy nghĩ sau khi đọc bài thơ Rồi ngày mai con đi, Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ Những cánh buồm... Tất cả đã được Taimienphi.vn tổng hợp dàn ý và bài văn mẫu hay nhất, các em có thể tham khảo để làm bài văn dễ dàng.
2. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Mẹ và quả siêu hay - mẫu số 2:
Nhắc đến nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, em vô cùng ấn tượng trước sáng tác "Mẹ và quả" của ông. Đây quả là một tác phẩm hay và sâu sắc khi viết về tình mẫu tử cao đẹp, thiêng liêng, sâu nặng. Trong toàn bộ văn bản, điều khiến em yêu thích nhất chính là khổ cuối cùng: "Và chúng tôi, một thứ quả trên đời/ Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái/ Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh". Ở hai dòng thơ đầu: "Và chúng tôi, một thứ quả trên đời/ Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái", tác giả đã đem đến cho em những cảm nhận về sự trân trọng, biết ơn của người con dành cho mẹ. Nhân vật trữ tình coi mình như một loại quả. Thứ quả ấy lớn lên nhờ tình yêu thương, chăm sóc, chở che của mẹ. "Bảy mươi tuổi" chính là cột mốc quan trọng của đời người. Mẹ đã đi quá nửa cuộc đời, đã trở nên già yếu. Đây cũng là lúc mẹ mong chờ được "hái" loại quả mà mình thương yêu nhất. Mẹ muốn nhìn thấy các con khôn lớn, trưởng thành. Đặc biệt, em vô cùng ấn tượng trước tình cảm chân thành, da diết của người con ở hai dòng cuối cùng: "Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh". Câu thơ ấy khơi gợi sự xúc động, sâu lắng trong lòng người đọc bởi tình cảm và tấm lòng hiếu thảo của nhà thơ. Với biện pháp hoán dụ, lấy hình ảnh "bàn tay mẹ mỏi", tác giả muốn diễn tả sự già yếu của mẹ. Tiếp đó là biện pháp ẩn dụ "mình vẫn còn một thứ quả non xanh?", đối lập với tuổi cao, sức yếu của mẹ là sự non nớt, chưa trưởng thành của con. Con lo sợ mẹ già rồi mà mình vẫn còn vụng dại, chưa kịp trưởng thành, lớn khôn. Như vậy, bằng các biện pháp tu từ độc đáo như ẩn dụ, hoán dụ, tác giả đã diễn tả được tình cảm sâu nặng dành cho người mẹ kính yêu. Từ đây, em càng thêm trân trọng, yêu thương mẹ của mình.
Trình bày cảm nhận của em về bài thơ Mẹ và quả bằng một bài viết ngắn gọn hay nhất
3. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Mẹ và quả ngắn gọn- mẫu số 3:
Với lời thơ mộc mạc, gần gũi, "Mẹ và quả" của Nguyễn Khoa Điềm đã để lại cho em những rung cảm và niềm xúc động sâu sắc. Bài thơ là lời giãi bày chân thành, dạt dào cảm xúc của người con dành cho mẹ. Hình ảnh mẹ hiện lên thật chân thực, rõ nét. Trong trái tim con, mẹ là người phụ nữ tảo tần, giàu đức hi sinh. Mẹ luôn vun vén bồi đắp cho những cây quả lớn lên. Quanh năm suốt tháng, mồ hôi mẹ cứ vậy mà nhỏ xuống để những mùa quả "lặn" rồi lại "mọc". Chính điều đó đã khiến cho người con thêm trân trọng, nâng niu, biết ơn sự hi sinh thầm lặng của mẹ. Ở hai câu thơ "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí và bầu thì lớn xuống", tác giả đã sử dụng biện pháp đối lập, tương phản. Câu thơ vừa mang nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Cả con và bầu, bí đều lớn lên từ đôi bàn tay cần mẫn và tình yêu thương của mẹ. Người con muốn bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc dành cho mẹ, người đã vì con mà vất vả, nhọc nhằn. Đến khổ thơ cuối cùng, nhân vật trữ tình "hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi". Tác giả lấy hình ảnh "bàn tay mẹ mỏi" để chỉ người mẹ đã già yếu, đến cái tuổi "gần đất xa trời". Hai dòng thơ cuối: "Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh" đã diễn tả được tâm trạng lo lắng, trăn trở, pha chút ân hận của nhân vật trữ tình. Chủ thể trữ tình lo rằng mẹ già rồi mà mình vẫn còn vụng dại, chưa kịp khôn lớn, trưởng thành. Để thể hiện một cách sâu sắc nội dung, tác giả đã sử dụng hàng loạt các biện pháp tu từ độc đáo như ẩn dụ, so sánh, hoán dụ, nói giảm nói tránh và hình ảnh gần gũi, giản dị. Qua tác phẩm, em càng thêm trân trọng những phút giây được ở bên mẹ của mình.
4. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm- mẫu số 4:
Với tác phẩm "Mẹ và quả", nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã mang đến cho độc giả rất nhiều xúc cảm. Bằng việc sử dụng những hình ảnh giản dị, thân thuộc cùng giọng điệu đằm thắm, sâu lắng, nhà thơ đã tái hiện lại bức chân dung người mẹ tảo tần, lam lũ. Một tay mẹ nuôi lớn đàn con thơ, chăm lo cho những mùa quả "lặn rồi lại mọc". Hai câu thơ: "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/Còn bí và bầu thì lớn xuống" đã sử dụng rất thành công biện pháp đối lập. Nhờ sự nuôi dưỡng của mẹ, những đứa con trở nên ngày một cao lớn, trong khi những quả bí, quả bầu lại dần trĩu nặng, chạm xuống mặt đất. Với hình dáng "giọt mồ hôi mặn", những thứ quả đó đã nói lên sự vất vả, cực nhọc mà người mẹ phải trải qua. Tuy nhiên, "thứ quả" mẹ mong muốn được hái nhất lại là các con: "Và chúng tôi, một thứ quả trên đời/Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái". Bao công sức, hi sinh đều chỉ để đổi lại sự trưởng thành, khôn lớn của con. Nhìn bóng lưng mẹ ngày một còng xuống, số tuổi thì ngày càng cao lên, người con khéo léo bày tỏ nỗi sợ trong lòng: "Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/Mình vẫn còn một thứ quả non xanh". Nhân vật trữ tình giật mình thảng thốt, lo lắng rằng đến khi mình "chín" thì mẹ lại không còn ở bên. Qua tác phẩm, ta thấy được tình cảm và sự hi sinh cao cả của mẹ cũng như sự biết ơn sâu sắc của những đứa con với đấng sinh thành.
5. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Mẹ và quả sau khi học xong - mẫu số 5:
"Mẹ và quả" là một tác phẩm xuất sắc của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Ngay từ nhan đề bài thơ, ta đã thấy được những ẩn ý sâu xa của người nghệ sĩ. Hình ảnh về "những mùa quả" được lặp lại nhiều lần tượng trưng cho sự chảy trôi của thời gian. Chúng cứ nối đuôi nhau "lặn rồi lại mọc", như Mặt Trời và Mặt Trăng, khiến ta cảm nhận được thời gian trôi qua với một tốc độ khủng khiếp. Điều đó đồng nghĩa với việc mẹ đang ngày một già đi, dần dần "mỏi" và không còn có thể ở mãi bên các con được nữa. Nó khiến cho nhân vật trữ tình vô cùng hoảng sợ. Cả đời mẹ vất vả, tần tảo, không màng khó khăn để nuôi các con "lớn lên", chăm giàn bầu, giàn bí "lớn xuống". Hình ảnh đối lập hết sức độc đáo kia làm cho bài thơ trở nên ấn tượng hơn rất nhiều. Những quả bí, quả bầu mang hình dáng "giọt mồ hôi mặn" hay chính công sức, thời gian mẹ đã hi sinh để nuôi lớn đàn con. Vậy mà "thứ quả" duy nhất mẹ mong lại đơn giản là sự trưởng thành, khôn lớn của đứa con ấy. Chủ thể trữ tình đã hoảng sợ, không phải vì áp lực phải thành công, mà là sợ mình sẽ không "chín" kịp lúc để báo đáp, phụng dưỡng mẹ. Mẹ vất vả vì ta suốt bao nhiêu năm, liệu ta có thể đỡ đần, lo lắng cho người trước khi tay người "mỏi"? Đó là câu hỏi, là nỗi trăn trở khôn nguôi trong lòng người con cũng như độc giả. Và giờ đây, ta mới hiểu rõ ràng hơn về nhan đề "Mẹ và quả". "Quả" có thể là bí, là bầu, là loài cây được tay mẹ vun trồng, chăm sóc và cũng là đứa con bé bỏng, ngây dại. Hai hình ảnh đặt cạnh nhau khiến cho cảm xúc của bài thơ dâng trào mãnh liệt. Qua đó, người đọc lại càng thêm yêu quý, biết ơn và trân trọng người mẹ đáng kính của mình hơn.
6. Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ Mẹ và quả của học sinh giỏi - mẫu số 6:
Bài thơ "Mẹ và quả" của Nguyễn Khoa Điềm là một tác phẩm vô cùng ý nghĩa. Với những hình ảnh vô cùng giản dị, thân thuộc cùng giọng điệu tha thiết, nhẹ nhàng, tác giả đã đem đến cho chúng ta những thông điệp đầy xúc động về tình mẫu tử. Nhân vật chính của tác phẩm là người mẹ - một người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó, luôn hết mình để nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Hình ảnh mẹ hiện lên gắn liền với "những mùa quả" nối tiếp nhau, cứ "lặn" rồi lại "mọc" như Mặt Trăng, Mặt Trời. Điều đó khiến ta liên tưởng tới sự chảy trôi vô tận, phũ phàng của thời gian. Nó khiến cho những đứa con "lớn lên", những quả bầu, quả bí "lớn xuống", đồng thời cũng phủ một lớp sương trắng xóa lên mái tóc mẹ. Bờ vai mẹ đã gồng gánh cả một gia đình suốt bao năm qua, nhưng bà không cần bất cứ điều gì cho riêng bản thân mình. Ước mong lớn lao nhất của mẹ "Bảy mươi tuổi đợi chờ được hái" chính là sự khôn lớn, trưởng thành của các con. Nhắc đến đây, nội tâm nhân vật trữ tình bắt đầu hoảng sợ thời gian sẽ cướp đi đấng sinh thành, hoảng hốt vì không biết liệu đến khi "bàn tay mẹ mỏi" thì mình đã "chín" chưa hay vẫn chỉ là "một thứ quả non xanh". Với bổn phận và tấm lòng biết ơn, chủ thể trữ tình luôn mong muốn được báo đáp người mẹ đáng kính. Chắc chắn, ai trong chúng ta cũng đều có thể đồng cảm và thấu hiểu cho cảm xúc đó. Tình cảm dạt dào, sự hi sinh cao cả mà không cần hồi đáp của người mẹ đã khiến độc giả vô cùng xúc động. Qua đây, ta lại càng cảm nhận được sự thiêng liêng của tình mẫu tử, thêm biết ơn về những gì mà gia đình đem đến.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-doan-van-ghi-lai-cam-xuc-ve-bai-tho-me-va-qua-74341n.aspx
Khi làm dạng bài cảm nhận về một tác phẩm, em có thể nêu lên những cảm xúc của mình về nội dung một khổ thơ, đoạn thơ, toàn bộ văn bản hoặc yếu tố nghệ thuật đặc sắc mà em yêu thích. Mời các em đón đọc và xem thêm một số bài tham khảo văn mẫu lớp 7 khác.
- Nói và nghe: Trao đổi về một vấn đề
- Đoạn văn trình bày suy nghĩ sau khi đọc bài thơ Rồi ngày mai con đi