Tình cảm gia đình luôn là tình cảm thiêng liêng, gắn kết với mỗi người. Chắc hẳn bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai), Ngữ văn 7 Cánh Diều, học kì I đã đem đến cho các em nhiều cảm xúc. Dưới đây là bài viết phân tích văn bản do đội ngũ biên tập của Taimienphi.vn cung cấp, mời các em tham khảo.
Bài viết liên quan
- Soạn bài Mẹ (Đỗ Trung Lai), Ngữ văn lớp 7 - Cánh Diều
- Mẹ (Đỗ Trung Lai): tác giả, thể thơ, bố cục, nội dung, nghệ thuật, dàn ý
- Trong các bài thơ "Mẹ" (Đỗ Trung Lai), "Ông đồ" (Vũ Đình Liên), "Tiếng gà trưa" (Xuân Quỳnh), em thích nhất bài thơ nào? Vì sao?
- Phân tích Lính đảo hát tình ca trên đảo ngắn gọn, top bài văn mẫu đạt điểm cao
- Soạn bài Về thăm mẹ, ngắn gọn, Ngữ văn lớp 6 - Cánh Diều
Phân tích bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai)
Phân tích ngắn gọn bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai)
I. Dàn ý phân tích bài thơ Mẹ:
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nêu ý kiến khái quát về văn bản.
2. Thân bài:
* Phân tích về nội dung:
- Nhan đề "Mẹ":
+ Không chỉ là cách gọi đơn thuần.
+ Diễn tả tình cảm sâu nặng của người con đối với mẹ và ngược lại.
- Hình ảnh đối lập giữa cây cau và mẹ già (2 khổ thơ đầu).
+ Cây cau: "vẫn thẳng", "ngọn xanh rờn", "ngày càng cao", "gần với giời".
+ Mẹ: lưng đã còng, "đầu bạc trắng", "ngày một thấp, "gần đất".
- Cảm xúc của người con khi chứng kiến mẹ ngày một già yếu (3 khổ thơ sau):
+ Kí ức ngày còn nhỏ khi ở bên mẹ và hiện tại: ngày xưa cau bổ từ, giờ bổ tám "mẹ còn ngại to".
+ Người con không cầm được nước mắt khi thấy mẹ đã già và tự hỏi bản thân "sao mẹ ta già".
* Phân tích về nghệ thuật:
+ Thể thơ bốn chữ ngắn gọn.
+ Phép đối.
+ Hình ảnh thơ trong sáng, bình dị.
+ Ngôn từ tinh tế.
3. Kết bài:
- Khái quát và khẳng định giá trị của tác phẩm.
Phân tích Nội dung bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai
II. Bài văn mẫu phân tích bài thơ Mẹ:
Tình mẫu tử từ lâu đã trở thành đề tài phổ biến trong thơ ca. Mỗi nhà thơ sẽ có những cách khác nhau trong việc khai thác mảng đề tài này. Nếu như nhà thơ Đỗ Bạch Mai ghi dấu bằng tác phẩm "Một mình trong mưa" để nói về nỗi vất vả, cô đơn của người mẹ khi phải lặn lội nuôi con thì tác giả Đỗ Trung Lai lại đem đến cho người đọc cảm xúc đau xót của con khi chứng kiến mẹ ngày một già yếu.
Trước hết, nhan đề bài thơ "Mẹ" đã bao trùm toàn bộ chủ đề của văn bản. Từ "mẹ" không đơn thuần là cách gọi thông thường mà nó còn bao chứa rất nhiều ý nghĩa. Đó không chỉ là tình yêu thương của mẹ dành cho con cái mà nó còn là tình cảm đong đầy, biết ơn của con đối với người đã có công sinh thành, dưỡng dục mình. Như vậy, qua nhan đề tác phẩm, ta có được những hình dung ban đầu về văn bản và hiểu hơn nỗi niềm của Đỗ Trung Lai khi nghĩ về mẹ.
Trong hai khổ thơ đầu, nhà thơ đã sử dụng biện pháp tương phản đối lập giữa hình ảnh cây cau với mẹ già. Ngay từ dòng thơ đầu tiên, người con đã khẳng định chắc nịch và đầy dứt khoát "Lưng mẹ còng rồi". Dường như chỉ một từ "rồi" thôi đã cho thấy nỗi ngậm ngùi của con khi không thể thay đổi được sự thực là mẹ đã già yếu. Nếu cau tràn trề sức sống, không ngừng phát triển và xanh tươi với dáng vẻ thẳng tắp khiến cho tác giả cảm thấy như "gần với giời" thì người mẹ lại hiện lên với tấm lưng còng, "đầu bạc trắng" và ngày "một thấp đi". Biện pháp điệp ngữ "ngày" như nhấn mạnh thêm sức tàn phá của thời gian. Kết thúc khổ hai, nhân vật trữ tình đau xót cất lên "Mẹ thì gần đất!". Câu thơ chất chứa biết bao nỗi ngậm ngùi vì không thể chối bỏ được hiện thực mẹ đang đến gần hơn với ngày chia lìa cõi sống. "Gần với đất" chính là ẩn dụ cho sự chấm dứt của một kiếp người. Lý do khiến nhà thơ chọn cau để khắc họa tình cảnh ốm yếu của mẹ lúc về già bởi cau hiện diện trong mọi thói quen, lối sống ở mỗi làng quê. Chính vì vậy, cau và mẹ luôn song hành cùng nhau trên hành trình sống. Đặc biệt, tác giả nhận ra được những nét giống và khác giữa mẹ và cau. Cho nên, thông qua hình ảnh cau ở hai khổ thơ đầu, ta cảm nhận rõ hơn nỗi buồn, sự day dứt của người con đối với mẹ.
Đến những khổ thơ tiếp theo, ta sẽ thấy cảm xúc dâng trào của nhân vật trữ tình khi chứng kiến mẹ ngày một già yếu. Thực tế đau lòng trước mắt đưa chủ thể quay trở về những ngày còn thơ với miếng cau mẹ bổ làm tư. Giờ đây, trái cau đã được chia nhỏ thành tám miếng nhưng "Mẹ còn ngại to!". Câu thơ gợi ra vẻ móm mém lúc về già. Biện pháp so sánh "Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ" vừa miêu tả được tình trạng khom khem của mẹ già vừa thể hiện sự bùi ngùi trong lòng người con. Từ nâng ở dòng thơ "con nâng trên tay" không phải là hành động cầm, nắm thông thường mà là thái độ cẩn trọng, nâng niu. Vì cau đã khô, héo nên con không nỡ làm tổn thương. Hay do miếng cau làm liên tưởng đến mẹ nên con càng cẩn trọng, trân quý? Cảm xúc như vỡ òa khi con "không cầm được lệ". Nỗi nhớ thương mẹ khiến con bất lực mà bật khóc. Câu hỏi cuối bài thơ "Sao mẹ ta già?" đâu chỉ để hỏi trời cao mà đó còn là câu hỏi người con đặt ra cho chính bản thân mình. Quy luật sinh - lão - bệnh - tử là điều ai cũng phải trải qua. Chỉ tiếc con người ta không thể thay đổi để có thể trường sinh bất lão. Do vậy, câu thơ như khắc sâu thêm nỗi bất lực của người con trước thực tại.
Để làm nổi bật chủ đề của bài thơ, tác giả sử dụng thủ pháp đối lập tương phản để nhấn mạnh sự xót xa khi thấy mẹ già nua, ốm yếu. Các biện pháp tu từ như so sánh "Một miếng cau khô/ Khô gầy như mẹ", điệp ngữ "ngày" càng làm nổi bật thêm nỗi niềm sâu kín của người con. Hình ảnh thơ gần gũi, ngôn từ trong sáng, giản dị khiến cho văn bản dễ đi sâu vào lòng người đọc.
Bằng tình yêu thương cùng sự kính trọng vô ngần đối với mẹ, tác giả đã sáng tạo nên những vần thơ vô cùng tinh tế gửi đến chúng ta. Bài thơ là lời nhắc nhở những người con hãy biết yêu thương mẹ của mình.
.....................................................HẾT.................................................
Bài thơ Mẹ của nhà thơ Đỗ Trung Lai trong sách Ngữ văn 7 Cánh Diều đem đến cho chúng ta bài học về tình yêu thương đối với mẹ. Hi vọng các em sẽ hiểu và trân trọng những phút giây khi còn được bên cạnh mẹ của mình nhé!
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-bai-tho-me-do-trung-lai-ngan-gon-hay-71683n.aspx
Các văn mẫu lớp 7 khác:
- Ông đồ: Tác giả, thể thơ, bố cục, nhan đề, nội dung, nghệ thuật
- Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc sau khi đọc bài thơ bốn chữ, năm chữ Ngữ văn 7 Cánh Diều