Giao thừa là thời điểm tuyệt vời để mọi người nhìn lại một năm cũ và chào đón một năm mới tràn đầy hy vọng. Em hãy cùng Tải Miễn Phí viết bài văn trình bày cảm xúc về lễ đón giao thừa quê em, để lan tỏa niềm vui ấy đến mọi người nhé.
Bài văn trình bày cảm xúc về lễ đón giao thừa quê em
Dàn ý và bài văn mẫu hay
I. Dàn ý bài văn trình bày cảm xúc về lễ đón giao thừa quê em:
1. Mở bài:
- Giới thiệu về lễ đón giao thừa.
- Nêu cảm xúc chung của bản thân.
2. Thân bài:
- Nêu cảm xúc lúc trước khi đón giao thừa:
+ Tươi vui, rộn rã khi chuẩn bị, dọn dẹp nhà cửa đón giao thừa.
+ Quây quần bên gia đình ăn cơm.
+ Cùng bố mẹ, người thân chuẩn bị cơm cúng.
- Nêu cảm xúc khi đón giao thừa:
+ Bồi hồi, rạo rực khi nghe tiếng pháo.
+ Lòng tràn ngập hi vọng, niềm tin vào một năm mới an lành.
3. Kết bài: Khẳng định lại tình cảm, cảm xúc của bản thân.
II. Bài văn mẫu trình bày cảm xúc, tâm trạng của em về lễ đón giao thừa ở quê hương
1. Bài văn mẫu trình bày cảm xúc của em về lễ đón giao thừa ở quê - mẫu số 1:
Dường như, mỗi dịp Tết đến xuân về luôn mang đến cho chúng ta nhiều cảm xúc đặc biệt. Và trong suốt thời điểm ấy, có lẽ không khí đêm giao thừa ở quê chính là khoảnh khắc làm em thấy háo hức và rạo rực nhất.
Ở quê em, lễ đón giao thừa diễn ra thật sôi động và vui nhộn. Bà con trong xóm rủ nhau gói bánh chưng, tổ chức buổi liên hoan nhỏ để nhìn lại một năm đã đi qua với thật nhiều cảm xúc. Còn các ông bà lại ngồi hàn huyên, tâm sự với nhau về ngày Tết, về đêm giao thừa của thời xưa. Trái ngược với ông bà, bọn trẻ chúng em vẫn đang nô đùa, tung tăng cùng nhau. Đặc biệt, tất cả không quên đếm từng phút từng giờ để được nhìn thấy pháo hoa. Trong khi đó, bố mẹ lại đang tất bật chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên vào ngày cuối cùng của năm. Tuy vậy, ai nấy cũng đều rạng rỡ và hân hoan chào mừng một năm mới sắp đến.
Trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, bản thân em đã có thật nhiều cảm xúc mãnh liệt. Trước hết, đó là cảm giác háo hức, hân hoan sâu sắc mỗi khi chờ đón giao thừa. Đó còn là sự ấm áp, hạnh phúc khi được quây quần bên gia đình bước sang năm mới. Thế nhưng, trong phút giây ấy, em vẫn còn vương vấn chút buồn xen lẫn sự nuối tiếc về những điều mình chưa thể làm được ở năm cũ. Tuy nhiên, khoảnh khắc chào đón giao thừa, bản thân em cũng không quên gửi gắm hi vọng, ước mong về một năm mới thật nhiều may mắn, hạnh phúc.
Dẫu sao bản thân vẫn còn một đứa trẻ, thế nên cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, chào đón giao thừa là điều em luôn mong chờ và hân hoan nhất. Bởi em biết đêm giao thừa chính là thời khắc thiêng liêng để gia đình quây quần bên nhau chào đón năm mới.
2. Bài viết trình bày cảm xúc về lễ đón giao thừa ở quê em - mẫu số 2:
Trong thời khắc Tết đến xuân về, mỗi đứa trẻ như em sẽ có cho mình một hình ảnh thật đẹp đẽ. Có người là hình ảnh đi sắm Tết cùng mẹ, có người là khoảnh khắc nhận được tiền lì xì đầu năm,... Thế nhưng với cá nhân em, khoảnh khắc đẹp nhất của Tết chính là lúc được đón giao thừa cùng gia đình.
Không giống những gia đình khác, bố mẹ em đi làm ăn xa nên không thể ở gần con cái. Vì thế, chỉ đến khi Tết đến, bố mẹ mới có dịp để trở về, đoàn tụ và quây quần bên gia đình. Và hình ảnh đón giao thừa in đậm sâu sắc trong tâm trí em nhất là bởi nó mang đến cho em rất nhiều cảm xúc đặc biệt. Có cảm giác mong ngóng, chờ đợi được bố mẹ ôm ấp sau nhiều ngày xa cách. Có cảm giác hân hoan, rạo rực vì sắp được bước sang năm mới bên những người mà mình yêu thương và niềm hi vọng về một năm mới với nhiều thuận lợi.
Trong thời khắc thiêng liêng của đêm giao thừa, em đã rất hạnh phúc khi được quây quần bên gia đình ăn một bữa cơm cuối năm. Mọi thứ đều hết sức giản dị và bình thường nhưng lại mang đến trong em cảm giác thật đủ đầy và hấp dẫn. Mọi người cùng nhau cười nói rôm rả, kể cho nhau nghe về những câu chuyện đáng nhớ trong suốt một năm qua. Và rồi, em cùng bố mẹ và ông bà nhóm bếp nấu bánh chưng. Trong lúc chờ bánh chín, em còn ngủ gà ngủ gật, gục đầu vào vai ông nội. Giao thừa đến, dù có là ai, dù ở độ tuổi nào đi chăng nữa thì tất cả mọi người vẫn luôn mong muốn được xem pháo hoa - một món ăn tinh thần không thể thiếu.
Và lễ đón giao thừa ở quê em là vậy đấy! Rất bình dị, giản đơn nhưng ấm cúng vô cùng. Em luôn khắc ghi giây phút được quây quần bên những người mà mình yêu thương trong thời khắc chuyển giao năm mới và năm cũ.
3. Bài viết trình bày cảm xúc về lễ đón giao thừa ở quê em - mẫu số 3:
Có lẽ, trong tâm trí của em, hình ảnh về lễ đón giao thừa ở quê thật mờ nhạt vì đã lâu lắm rồi, gia đình em chưa về thăm quê. Thế nhưng, năm nay, em lại có cơ hội được đón năm mới ở quê hương mình vì thế mà cảm xúc về Tết, về đêm giao thừa cũng thật đặc biệt biết bao.
Trở về quê sau một khoảng thời gian dài, em nhận ra quê hương đã có nhiều thay đổi. Tết ở quê trước đây đơn sơ vô cùng nhưng nay đã có nhiều đổi khác. Mọi thứ đủ đầy và tươm tất hơn. Song, dẫu có nhiều thay đổi nhưng hương vị Tết ở quê vẫn vậy, vẫn thật sâu sắc và đậm đà.
Đón giao thừa ở quê mang đến cho em thật nhiều cảm giác mới lạ, nó khác hẳn so với ở thành phố. Đó là khi em được tự tay gói nên những chiếc bánh chưng hơi méo mó nhưng đáng yêu vô cùng. Hay được cùng mẹ đi chợ tết ở quê với bạt ngàn hoa đào, hoa mai nở rực rỡ. Ngoài ra, chỉ khi đón giao thừa ở quê, em mới được nhìn thấy ông nội trang trí cây nêu ngày Tết tỉ mẩn và công phu như thế nào. Đặc biệt hơn, đây cũng là dịp gia đình em được hội ngộ cùng họ hàng, bạn bè sau nhiều năm xa cách. Em còn nhớ trong buổi tối hôm ấy, khuôn mặt ai nấy cũng phấn khởi, rạng rỡ vô cùng. Tất cả đều cảm thấy hạnh phúc và ấm áp vì được sum vầy bên nhau trước thềm năm mới.
Phải thừa nhận rằng, đón giao thừa ở quê năm nay mang đến cho em rất nhiều xúc cảm. Chưa bao giờ em háo hức và mong chờ được về quê đến thế. Cũng chẳng bao giờ lại thấy thích thú nhiều đến vậy khi được ngắm nhìn đường phố ở quê. Nhưng hơn hết, em cảm thấy thật hạnh phúc và trọn vẹn khi được sum vầy bên những người mà mình thực sự trân quý. Và chỉ khi được đón Tết ở quê, em mới có thể chậm rãi tận hưởng không khí ấm áp, vui vầy của ngày Tết. Dẫu có đi bao lâu, cách xa bao nhiêu năm đi nữa thì trở về quê hương, nhất là trong khoảnh khắc đặc biệt này, con người chúng ta sẽ thật bồi hồi, xao xuyến đến rạo rực.
Giờ đây, em đã hiểu được tại sao lễ đón giao thừa lại thiêng liêng đến thế. Hoá ra, đó không chỉ là giây phút tạm biệt năm cũ và chào đón một năm mới mà còn là khoảnh khắc quý giá để chúng ta được quây quần, đoàn tụ, được trở về quê hương yêu dấu.
4. Bài văn trình bày cảm xúc về lễ đón giao thừa quê em - mẫu 4
Dù ở bất cứ đâu trên thế giới, chỉ cần là người Việt Nam thì có cách xa đến mấy cũng sẽ tìm về với quê hương để sum họp trong Tết. Và vẫn như mọi năm, cứ gần đến Tết, cả nhà em lại gác hết mọi công việc để về quê đón Tết với ông bà.
Quê em ở một vùng nông thôn trù phú nên không khí Tết nơi đây có thể cảm nhận rõ ràng hơn so với thành phố. Khắp các đường lớn lối nhỏ đi đâu cũng thấy những cây nêu, cây đào, cây quất được trang trí, chăng đèn thắp sáng ngày đêm. Đến ngày 30, gia đình mới có mặt đầy đủ mọi thành viên. Ai cũng nhanh chóng, khẩn trương bắt tay ngay vào dọn dẹp và nấu nướng. Mọi người vừa làm vừa chuyện trò rôm rả với nhau. Riêng trẻ con chúng em được đặc cách ngồi chơi cùng bà. Cả căn nhà thật ấm áp, rộn ràng xiết bao!
Người ta nói không bữa cơm nào ngon bằng bữa cơm sum vầy. Tiếng cười đùa, chúc tụng, cụng li vang lên không ngớt trong gian nhà cổ. Có lẽ, trong suốt những bữa cơm vội vã, khẩn trương hằng ngày, đến hôm nay mọi người mới có những giây phút thư thả để dành nhiều thời gian cho nhau hơn. Nhìn vẻ mặt hạnh phúc của ông bà, em biết chắc ông bà mong chờ ngày này lắm.
Đúng 12 giờ đêm, ông nội mặc một bộ áo the, khăn xếp đứng chắp tay trước mâm lễ cầu mong cho một năm mới nhiều sức khỏe, bình an cho con cháu. Sau khi đã làm lễ xong, chúng em xếp hàng lần lượt gửi những lời chúc thật ý nghĩa tới ông bà. Khoảng thời gian giao thừa cũng là lúc khiến em cảm nhận rõ nhất ý nghĩa của hai từ "sum họp".
Đối với em, được trở về với ông bà, gặp gỡ người thân, họ hàng trong gia đình mỗi khi Tết đến xuân về là một niềm vui to lớn. Ngày Tết ở quê hương tuy giản dị nhưng thật đong đầy, hạnh phúc!
5. Bài văn trình bày cảm xúc về lễ đón giao thừa quê em - mẫu 5
Tết là khoảng thời gian quý báu để mọi người vui vầy, quây quần bên nhau. Sau bao ngày xa cách, cuối cùng em cũng đã được đón giao thừa bên những người thân yêu. Mỗi lần nghĩ về kỉ niệm ấy, em đều cảm thấy xúc động, nghẹn ngào.
Chiều 29 Tết, vẫn như mọi ngày, em lại phụ mẹ nấu cơm. Bất ngờ ở ngoài cổng có tiếng gọi thân quen, em và mẹ đi ra ngoài thì thấy bố đang đứng đó. Em reo lên rồi chạy tới ôm chầm lấy bố.
Bố đi đóng quân xa, vài năm mới được về phép một lần. Tết này có bố về, cả gian nhà như rộn rã vui tươi hẳn lên. Sáng 30 tết, em cùng bố về quê thăm họ hàng và thắp hương mời các cụ về nhà ăn tết cùng con cháu. Không khí Tết rộn khắp mọi nẻo đường, ai nấy đều tất bật, háo hức, mong chờ một mùa xuân mới nhiều hạnh phúc. Em và bố trở về nhà. Mọi người cùng nhau bắt tay vào công việc đón Tết. Bố thì dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ cho thật sạch sẽ tinh tươm. Em thì phụ mẹ nấu cơm chuẩn bị đồ cúng lễ. Chiều đến, em cùng bố đi mua một cây đào thật đẹp để bày trong phòng khách. Có thêm cây đào, ngày Tết trở nên đủ đầy hơn hẳn. Bữa cơm tất niên thật đông vui và ấm cúng, lâu rồi ngôi nhà mới rộn ràng tiếng cười nói đến thế! Sau khi ăn xong, cả nhà cùng ngồi bên nhau xem các chương trình Tết và kể về những câu chuyện đã qua.
Đúng 12 giờ, trên bầu trời, từng đợt pháo hoa lóe lên đầy rực rỡ, xua tan đi không khí lạnh giá của mùa đông. Đứng trước thời khắc chuyển giao sang năm mới, em chợt thấy bồi hồi khó tả. Chưa bao giờ em cảm nhận rõ được không khí mùa xuân như lúc ấy. Giờ thì em đã hiểu tại sao thời khắc giao thừa lại thiêng liêng và quan trọng đến thế. Bởi đó là khoảng thời gian mọi người trong gia đình được sum họp sau những tháng ngày xa cách, rũ bỏ đi hết những muộn phiền trong suốt một năm qua. Mọi người trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, giúp cho tình cảm gia đình thêm gắn bó, bền chặt.
Đối với em, ngày Tết không chỉ là dịp để được nghỉ học, được ăn những món ăn ngon mà là cơ hội để cảm nhận trọn vẹn không khí gia đình. Chính vì vậy, ngày Tết luôn thật đặc biệt đối với em.
6. Bài văn trình bày cảm xúc về lễ đón giao thừa quê em - mẫu 6
Những cánh én chao nghiêng trên bầu trời báo hiệu một năm mới sắp tới. Vậy là chúng em lại được chuẩn bị đón giao thừa cùng người thân và gia đình. Đây là dịp lễ đặc biệt mà em mong chờ nhất trong năm.
Với người Việt, không gì quan trọng bằng dịp lễ Tết. Vì vậy, ai nấy đều tất bật sắm sửa, chuẩn bị cho một cái Tết thật đầm ấm, đủ đầy. Ngay từ sáng 30 Tết, em dậy sớm phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa cho thật sạch sẽ. Dọn dẹp nhà cửa tuy mệt nhưng em lại cảm thấy rất vui. Mẹ nói với em rằng dọn nhà trước thềm năm mới để xua đi hết những cái không may của gia đình trong suốt một năm vừa qua. Căn nhà rộn vang tiếng nói cười khiến em vô cùng hân hoan, háo hức. Em cảm giác Tết đã đến thật rồi!
Sau khi cả nhà xem xong "Táo quân", em cùng mẹ sửa soạn mâm cỗ cúng. Đúng 12 giờ, bố ăn mặc thật nghiêm trang lên thắp hương cúng ông bà tổ tiên, xin đất trời phù hộ cho cả nhà có một năm nhiều sức khỏe và niềm vui. Kim giờ vừa chỉ đến số 12 cũng là lúc cả bầu trời bừng sáng bởi những chùm pháo hoa đầy sắc màu. Tiếng pháo rộn vang làm lòng người bâng khuâng khó tả. Sau khi hương tắt, mẹ chắp tay vái xin hạ mâm cơm xuống khỏi bàn thờ. Cả nhà vừa nghe lời chúc Tết của bác chủ tịch nước trên tivi vừa ăn bánh kẹo, uống trà. Bầu không khí thật ấm áp, hạnh phúc biết bao!
Tết không chỉ là ngày lễ mà còn là cơ hội để gia đình quây quần, sum họp bên nhau. Được đón giao thừa cùng gia đình, người thân ở quê hương luôn là niềm vui to lớn đối với em.
--------------------------------------Hết----------------------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/bai-van-trinh-bay-cam-xuc-ve-le-don-giao-thua-que-em-72374n.aspx
Giao thừa luôn là thời khắc quan trọng và thiêng liêng với mỗi người và mỗi gia đình. Hi vọng sau bài viết này, các em có thể chia sẻ thật nhiều cảm xúc về lễ đón giao mà mình đã trải qua. Ngoài ra, để chuẩn bị bài thật tốt, các em có thể tham khảo văn mẫu lớp 7 khác:
- Bài văn trình bày cảm xúc về một lỗi lầm của bản thân
- Bài văn trình bày cảm xúc về lần bản thân đạt được một thành tích đáng nhớ