Phân tích Đất nước của Nguyễn Đình Thi ngắn gọn, cực hay

Bên cạnh Việt Nam quê hương ta, Đất nước cũng được đánh giá là một bài thơ nổi bật của tác giả Nguyễn Đình Thi nói về tình yêu dành cho quê hương, đất nước. Hãy cùng Taimienphi.vn viết bài Phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Ngữ văn 10, Cánh Diều, học kì II thông qua những gợi ý chi tiết bên dưới đây để có thể làm bài dễ dàng, đạt điểm cao.

Đề bài: Phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi

phan tich dat nuoc cua nguyen dinh thi

Bài văn phân tích bài thơ Đất nước hay nhất
 

I. Dàn ý phân tích Đất nước của Nguyễn Đình Thi

1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Nêu cảm nhận chung về bài thơ.
2. Thân bài:
2.1. Cảm hứng chủ đạo và chủ đề của bài thơ:
- Cảm hứng chủ đạo: niềm tự hào mãnh liệt về quê hương, đất nước.
- Chủ đề: tình yêu đất nước.
2.2. Phân tích, đánh giá chủ đề, nội dung tác phẩm:
a. Mùa thu trong hoài niệm của nhân vật trữ tình:
- Mùa thu Hà Nội hiện lên thông qua những hình ảnh:
+ "Hương cốm mới": món ăn đặc trưng ở Hà Nội mỗi độ thu đến.
+ "Sáng chớm lạnh": bầu không khí se se lạnh vào lúc sáng sớm.
+ "Lá rơi đầy": gợi ra cảnh những chiếc lá vàng lặng lẽ rơi trong nắng thu.
- Trong bức tranh thu yên bình ấy, con người xuất hiện với tâm thế "Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" -> bước đi một cách dứt khoát nhưng cũng đầy quyến luyến.
b. Bức tranh đất nước trong "mùa thu nay":
- Câu thơ "Mùa thu nay khác rồi" có giọng điệu khỏe khoắn, hồ hởi. Cụm từ "khác rồi" nhấn mạnh vào sự thay đổi của quê hương, đất nước.
- "Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha": "Mùa thu nay" mặc trên mình tấm áo mới, gắn liền với tiếng nói cười thiết tha, khác hoàn toàn với mùa thu cổ kính, trầm mặc của năm xưa.
- Hàng loạt không gian được liệt kê: "trời xanh", "núi rừng", "những cánh đồng", "những ngả đường", "những dòng sông đỏ" nhằm gợi lên sự rộng lớn, khoáng đạt của đất nước.
- "Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất":
+ Khẳng định đây chính là đất nước của chúng ta, của nhân dân.
+ Thể hiện cảm xúc tự hào, yêu mến trước đất mẹ bất khuất, anh hùng.
-> Cảm hứng mang đậm chất sử thi.
c. Hình ảnh đất nước trong chiến tranh:
* Đất nước đau thương, căm hờn:
- Những cảnh tượng đau đớn, xót xa được tác giả khắc họa hết sức chân thực "cánh đồng quê chảy máu", "dây thép gai đâm nát trời chiều", "đứa đè cổ đứa lột da",...
-> Lòng căm tức quân thù đã đến giày xéo non sông Tổ quốc.
* Đất nước quật cường, anh dũng:
- Tác giả sử dụng hàng loạt từ ngữ "ngời lên", "bật lên", "không khóa được", "không bắn được", "đứng lên" để nhấn mạnh vào sức mạnh, tinh thần anh dũng, bất khuất của dân tộc.
- Hai câu thơ kết "Nước Việt Nam từ máu lửa đứng lên/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa": hình ảnh khái quát, tượng trưng cho đất nước đứng lên từ máu lửa chiến tranh và tỏa sáng rạng ngời.
2.3. Phân tích, đánh giá đặc sắc nghệ thuật:
- Ngôn ngữ giàu sức gợi.
- Hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc.
- Sử dụng thành công biện pháp so sánh.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị tác phẩm.

Phan tich bai tho Dat Nuoc cua Nguyen Dinh Thi

Bài văn mẫu phân tích thơ Đất nước
 

II. Bài văn mẫu Phân tích Đất nước của Nguyễn Đình Thi

Quê hương đất nước là chủ đề, cảm hứng nổi bật trong văn học nghệ thuật. Các tác giả luôn đặt trọn tình cảm yêu mến da diết vào những tác phẩm của mình. Với quãng thời gian sáng tác 7 năm (từ 1948 đến 1955), nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã viết nên bài thơ nổi tiếng mang tên "Đất nước". Thi phẩm này đem đến cho người đọc những cái nhìn chân thực về một Việt Nam anh hùng, kiên cường.

Có thể thấy rằng, chủ đề của "Đất nước" được thể hiện ngay trong chính nhan đề - Tổ quốc Việt Nam ta. Bằng ngòi bút tài tình, tâm hồn thi vị, tác giả đã vẽ nên bức tranh về đất nước một cách khái quát ở từng thời điểm. Và bao trùm lên toàn bộ bài thơ là tình yêu, niềm tự hào mãnh liệt của con người dành cho mảnh đất hình chữ S.

Trước hết, đất nước hiện lên qua khung cảnh mùa thu Hà Nội năm xưa:

"Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới".

Cụm từ "Sáng năm xưa" gợi ra hình ảnh về một buổi sáng trời thu với tiết trời trong lành, mát mẻ. Trong bầu không khí ấy, gió nhẹ nhàng thổi, hòa cùng hương cốm mới. Chỉ với hai câu thơ ngắn gọn, nhà thơ đã tái hiện lại cảnh sắc yên bình của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Từ đó, khéo léo bày tỏ tình cảm nhớ thương "Tôi nhớ những ngày thu đã xa". Câu thơ là sự chuyển mạch hết sức nhịp nhàng. Nguyễn Đình Thi đưa độc giả trở về những ngày đầu kháng chiến:

"Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may"

Trong hoài niệm của nhân vật trữ tình, thu Hà Nội thật thơ mộng và đẹp đẽ. Sáng sớm, bầu không khí thường se se lạnh, xao xác hơi thở của gió heo may. Không gian thành phố được mở rộng nhờ hình ảnh "những phố dài". Trên nền bức tranh thu, con người xuất hiện với tâm thế "Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đây". Mạch thơ có sự thay đổi, giọng thơ thiết tha mang âm hưởng bâng khuâng. Con người ra đi "đầu không ngoảnh lại" nhưng vẫn cảm thấy sau lưng lá vàng rơi đầy trên thềm. Từng bước chân bước đi một cách dứt khoát, vững vàng song trong lòng còn quyến luyến, bịn rịn. Như vậy, ở khổ thơ này, nhà thơ tả ít mà gợi nhiều. Qua đấy, dựng lên bức tranh thu cổ kính từ chính những không gian, hình ảnh, màu sắc, hương vị quen thuộc, đặc trưng của thành phố Hà Nội.

Từ mùa thu hoài niệm, Nguyễn Đình Thi quay trở lại với mùa thu thực tại:

"Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha"

Câu thơ ngắn gọn 5 chữ, nhịp thơ nhanh, giọng thơ khỏe khoắn, hồ hởi như một tiếng reo ca trước sự đổi thay của đất nước. Cụm từ "khác rồi" nhấn mạnh vào những biến chuyển ấy. Giờ đây, bức tranh thu được mở rộng, trải dài về không gian với hình ảnh "rừng tre", "núi đồi". Đứng giữa thiên nhiên bao la, "tôi" - nhân vật trữ tình cảm thấy hân hoan, vui sướng khi chứng kiến cảnh mùa thu "thay áo mới". Cảnh tượng ấy càng thêm tươi đẹp nhờ tiếng cười nói rộn rã. Dường như, niềm hạnh phúc đang bao trùm lên tất cả mọi thứ, từ cảnh vật cho đến con người.

Bức tranh đất nước rộng lớn được tô điểm thông qua những hình ảnh:

"Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa"

Sự thay đổi trong cách xưng hô từ "tôi" thành "chúng ta" cùng biện pháp điệp ngữ "đây là", liệt kê "trời xanh", "núi rừng", "những cánh đồng", "những ngả đường", "những dòng sông" đã thể hiện niềm hạnh phúc trào dâng khi con người được làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh. Hàng loạt tính từ "xanh", "thơm ngát", "bát ngát", "đỏ" được sử dụng, góp phần tô đậm cảnh sắc thiên nhiên quê hương, Tổ quốc thân yêu.

Định nghĩa về "đất nước", nhà thơ khéo léo giải thích qua mấy vần thơ:

"Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về"

Nước Nam ta được dựng xây, bảo vệ từ chính đôi tay bé nhỏ của cha ông. Ngàn năm trôi qua, bờ cõi, lãnh thổ nước nhà vẫn luôn toàn vẹn. Ấy là nhờ có những con người chưa bao giờ chịu cúi đầu, khuất phục. Họ chính là người làm nên một Việt Nam giàu truyền thống văn hóa. Khổ thơ toát lên niềm tự hào, kiêu hãnh về đất nước ngoan cường, về những giá trị tốt đẹp, quý báu vẫn sáng ngời trong suốt bốn nghìn năm lịch sử.

Bài thơ tiếp tục có sự chuyển mạch khi nhà thơ miêu tả đất nước trong những năm tháng đau thương:

"Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều"

Khi viết về quân thù, giọng thơ vô cùng đanh thép, hùng hồn, chứa đầy phẫn uất. Chiến tranh đã biến những cánh đồng yên bình, trù phú thành biển máu; biến bầu trời trong xanh thành cảnh tượng hoang tàn "dây thép gai đâm nát trời chiều". Chưa dừng lại ở đó, lũ giặc còn làm ra những tội ác ghê gớm "Bát cơm chan đầy nước mắt/ Bay còn giằng khỏi miệng ta". Đứng trước cảnh quê hương đất nước bị giày xéo, người con không khỏi xót xa, căm tức.

Dẫu có đau khổ, khó khăn trăm ngàn nhưng đất nước vẫn mạnh mẽ đứng lên:

"Từ những năm đau thương chiến tranh
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn"

Trong các khổ thơ tiếp, tác giả dùng hàng loạt từ ngữ "ngời lên", "bật lên", "không khóa được", "không bắn được", "đứng lên" để nhấn mạnh vào sức mạnh, tinh thần anh dũng, bất khuất của dân tộc ta. Dù hoàn cảnh có khắc nghiệt "ngày nắng đốt theo đêm mưa giội", có chông gai "mỗi bước đường mỗi bước hi sinh" thì nhân dân Việt Nam vẫn vững lòng, vững chí.

Cuối cùng, khép lại tác phẩm là hình ảnh:

"Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa"

Bốn câu thơ được viết bằng thể thơ năm chữ, nhịp điệu dồn dập đã tạo nên âm hưởng hào hùng như khúc tráng ca. Từ đây, đất nước hiện lên sáng ngời trên cái nền máu lửa, bùn lầy, trong một không gian ầm ầm súng nổ. Hai câu thơ kết chính là hình ảnh khái quát, tượng trưng cho đất nước đứng lên từ gian khổ và tỏa sáng ngời ngời.

Bằng ngôn ngữ giàu sức gợi, hình ảnh thơ gần gũi, thân thuộc, sử dụng thành công biện pháp so sánh, điệp ngữ, Nguyễn Đình Thi đã thành công trong việc khắc họa hình ảnh Việt Nam hiên ngang, bất khuất và kiên trung. Qua đó, bộc lộ niềm ngợi ca, tự hào thiết tha về đất nước tươi đẹp, giàu truyền thống.

Không thể phủ nhận, "Đất nước" là sự kết hợp hài hòa giữa nhiều yếu tố: chất trữ tình với chất chính luận, cảm xúc cá nhân với tình cảm, tư tưởng của cả dân tộc. Đọc bài thơ, ta càng thêm ngưỡng mộ Nguyễn Đình Thi - một ngòi bút tài hoa, một tâm hồn sâu sắc.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-dat-nuoc-cua-nguyen-dinh-thi-74346n.aspx
Trong quá trình phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, em cần làm nổi bật bức tranh mùa thu Hà Nội hoài niệm, mùa thu nay cùng hình ảnh đất nước đau thương, quật cường. Hãy thường xuyên truy cập Taimienphi.vn để bỏ túi các bài văn mẫu lớp 10 hay như: Tưởng tượng em là khán giả trong buổi biểu diễn văn nghệ của người lính đảo hay nhất, bài văn mẫu Phân tích Lính đảo hát tình ca trên đảo hay bài Phân tích Con khướu sổ lồng để có thể trau dồi cách làm bài văn phân tích, tưởng tượng hiệu quả. 

Tác giả: Lộc Ngô     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Soạn bài Ghe xuồng Nam Bộ ngắn nhất, Ngữ văn 7 - Cánh Diều
Phân tích Lính đảo hát tình ca trên đảo ngắn gọn, top bài văn mẫu đạt điểm cao
Link tải Sách giáo khoa lớp 8 Cánh Diều
Link tải Sách giáo khoa lớp 11 Cánh Diều
Phân tích bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai), ngắn gọn, hay
Từ khoá liên quan:

Phan tich Dat nuoc cua Nguyen Dinh Thi

, Phan tich Dat nuoc Nguyen Dinh Thi Dan y, bai van mau Phan tich nghe thuat bai dat nuoc Nguyen Dinh Thi,

SOFT LIÊN QUAN
  • Bộ sách Cánh Diều

    File sách mềm Cánh Diều cho học sinh

    File sách điện tử Bộ sách Cánh Diều cung cấp cho các giáo viên, phụ huynh và học sinh một tài liệu để học trực tuyến gồm đầy đủ 9 môn Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên và xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất, H ...

Tin Mới