Phân tích Con khướu sổ lồng (tập Con mèo của Phu-gi-ta của Nguyễn Quang Sáng) ngắn, top bài văn mẫu hay nhất

Con khướu sổ lồng là một truyện ngắn nổi bật trong tập Con mèo của Phu-gi-ta của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Thông qua tác phẩm này, tác giả muốn nhắn nhủ mọi người hãy biết lắng nghe cũng như cảm nhận thiên nhiên với một tâm hồn đẹp. Dưới đây là bài văn mẫu phân tích Con khướu sổ lồng, Ngữ văn 10, Kết nối tri thức, học kì II giúp các em hiểu rõ hơn. Mời em theo dõi và đón đọc.

Đề bài: Phân tích Con khướu sổ lồng (tập Con mèo của Phu-gi-ta của Nguyễn Quang Sáng) 

phan tich con khuou so long

Dàn ý và bài văn mẫu phân tích tác phẩm con khướu sổ lồng của Nguyễn Quang Sáng
 

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
  1. Bài mẫu số 1.
  2. Bài mẫu số 2.
  3. Bài mẫu số 3.


I. Dàn ý phân tích Con khướu sổ lồng của Nguyễn Quang Sáng

1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
2. Thân bài:
2.1. Tóm tắt nội dung chính: câu chuyện kể về một con khướu được gia đình nọ nuôi dưỡng. Nó mang đến tiếng hót vừa vui, vừa xao xuyến, khiến lòng người cảm thấy thanh thản. Trong một lần sơ ý, con trai lớn của nhân vật "tôi" đã làm chim bay đi. May mắn thay, nó bay đi rồi lại quay về. Tuy nhiên, lần thứ hai thoát ra khỏi chiếc lồng, chim đã không quay lại nữa.
2.2. Khái quát chủ đề của truyện: tình yêu thiên nhiên, loài vật.
2.3. Phân tích, đánh giá chủ đề và nội dung tác phẩm:
a. Con khướu qua lời giới thiệu của nhân vật "tôi":
- Được nuôi trong lồng, luôn có thức ăn đồ uống đầy đủ, chỉ việc ca hót.
- Lông đen, trên đầu có cái chóp trắng.
- Tiếng hót: vừa vui, vừa xao xuyến.
-> Con khướu là niềm vui của cả gia đình, giống như một thành viên chính thức trong nhà.
b. Cảm xúc, suy nghĩ của các nhân vật:
* Trong lần đầu tiên con khướu bay đi:
- Con trai út: bồn chồn "đón tôi từ ngoài cổng, vừa thấy tôi, nó dang hai tay vừa chạy xô tới vừa la: Ba ơi! Chim bay rồi", trăn trở thao thức.
- Nhân vật "tôi": hụt hẫng "Cái lồng trống, lòng tôi cũng trống".
* Khi chim khướu bay về:
- Cả nhà đều vui sướng, reo lên.
- Nhân vật "tôi" mải mê suy nghĩ về tiếng hát buồn rượi của chim.
* Khi con chim sà vào lồng:
- Cả nhà vui mừng lao ra, giành nhau bưng chiếc lồng.
- Các thành viên trong nhà có ý kiến khác nhau về việc chim quay trở lại, nhân vật "tôi" thì cho rằng chiếc lồng đã giam hãm con khướu quá lâu, khiến nó cảm thấy chới với khi bay ra bên ngoài rộng lớn.
* Lần thứ hai con khướu bay đi:
- Cả nhà: Không ai cảm thấy lo lắng, phập phồng như lần thứ nhất, chỉ có con trai út háo hức rình khoảnh khắc chim bay về và chui vào lồng.
* Khi con khướu cánh kề cánh cùng con chim mái và không bay về nữa:
- Con trai lớn tin tưởng khướu sẽ quay trở về, kiên nhẫn treo cái lồng ra ngoài trời.
- Nhân vật "tôi" thấu hiểu và chấp nhận sự thật.
2.4. Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật:
- Sử dụng thành công ngôi kể thứ nhất.
- Ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu.
3. Kết bài:
- Khẳng định giá trị của tác phẩm.

 

II. Bài văn mẫu phân tích con khướu sổ lồng của Nguyễn Quang Sáng siêu hay


1. Phân tích tác phâm Con  khướu sổ lồng hay nhất - Mẫu 1

"Con khướu sổ lồng" trích từ tập truyện "Con mèo của Phu-gi-ta", là sáng tác tiêu biểu của nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng Nguyễn Quang Sáng. Với ngòi bút tinh tế, tâm hồn nhạy cảm, tác giả đã viết nên một tác phẩm đặc sắc về nội dung và độc đáo trong hình thức nghệ thuật.

Truyện ngắn kể về một con khướu được gia đình nọ nuôi dưỡng. Nó mang đến tiếng hót rất hay. Trong một lần sơ ý, con trai lớn của nhân vật "tôi" đã làm chim bay đi. May mắn thay, nó bay đi rồi lại quay về. Tuy nhiên, lần thứ hai thoát ra khỏi chiếc lồng, chim khướu không quay lại nữa. Từ đây, nhân vật "tôi" bừng tỉnh và thấu hiểu mọi việc "và nó là chim - chim thì phải bay". "Tôi" đã biết yêu thương, trân trọng thiên nhiên bằng một tấm lòng cao đẹp. Đây cũng chính là chủ đề bao trùm toàn bộ tác phẩm.

Trước hết, con khướu - nhân vật trung tâm của truyện được miêu tả rất cụ thể. Nó sống trong một chiếc lồng tuyệt đẹp "cái lồng tre nổi tiếng của Lạng Sơn". Nhìn bên ngoài, cái lồng giống như ngôi nhà tí hon, được thiết kế tỉ mỉ, cẩn thận "Mái lồng như mái đình, quanh lồng được chạm trổ hình hoa văn". Từ trong lồng nhìn ra, con khướu có thể thấy cả khoảng trời bát ngát qua mảnh vườn. Hàng ngày, cuộc sống của con vật diễn ra thật nhẹ nhàng, thức ăn thức uống đầy đủ, chỉ việc ca hót. Ngoài việc đề cập đến hoàn cảnh sống, tác giả cũng khắc họa vẻ bề ngoài của nó qua một số chi tiết "lông một màu đen, trên đầu có một cái chóp trắng". Trái ngược với ngoại hình trông như "một lão già lụ khụ lúc nào cũng đội kết", con khướu có tiếng hót vô cùng trong trẻo, vừa vui vừa xao xuyến. Âm thanh ấy khiến lòng người trở nên thảnh thơi, thanh thỏa sau những giờ làm việc mệt nhọc. Giờ đây, con khướu giống như một thành viên chính thức trong gia đình, là "người" mang niềm vui đến cho cả nhà. Có thể thấy, sự gắn bó khăng khít giữa gia đình "tôi" và chim khướu đã phá vỡ tầng quan hệ chủ nhà - vật nuôi.

Sau khi giới thiệu con khướu qua lời "tôi" kể, tác giả hướng ngòi bút tới những câu chuyện gắn liền với nhân vật đặc biệt này. Ở phần này, Nguyễn Quang Sáng tập trung thể hiện suy tư, cảm nhận của các thành viên trong nhà.

Lần đầu tiên con khướu bay đi, cậu con trai út vô cùng bồn chồn. Thằng bé đứng ngồi không yên, từng giây từng phút trông ngóng ba "đón tôi từ ngoài cổng, vừa thấy tôi, nó dang hai tay vừa chạy xô tới vừa la: Ba ơi! Chim bay rồi.". Thậm chí, vào buổi đêm, cu cậu còn thao thức, trăn trở và tỏ ra lo lắng, sốt ruột "Trời mưa lại có gió nữa, con khướu bay đi, nó có sao không ba?". Không chỉ mỗi mình thằng út, cả nhà ai cũng buồn bã, cảm thấy thiếu vắng điều gì đó. Nhân vật "tôi" sau khi nghe tin chim bay đi thì thảng thốt "ngồi phịch xuống ghế", trong lòng trống vắng như cái lồng vậy.

Giây phút "thành viên chính thức trong gia đình, không thể thiếu" quay trở về, hót vang trên vòm cây trước nhà, tất cả mọi người đều vui vẻ, phấn khởi. Cả nhà cùng reo lên, cùng ngước cổ nhìn lên. Họ hạnh phúc, vui sướng đón chào một thành viên đi xa, nay đã trở lại. Dường như, lúc này đây, gia đình "tôi" đang vỡ òa trong niềm xúc động. Chỉ riêng có "tôi" là trầm ngâm suy nghĩ về tiếng hót buồn rượi của con vật. "Tôi" liên tưởng đến hình ảnh đứa con bỏ nhà ra đi rồi ân hận trở về nhưng lại không đủ dũng cảm bước vào ngôi nhà thân thương. Một ý nghĩ thật sâu sắc làm sao!

Khi con vật từ vòm lá buông cánh sà vào lồng, cả nhà "tôi" vội vàng lao ra khỏi chỗ nấp. Họ giành nhau bưng cái lồng như thể muốn ôm trọn nó vào lòng. Hành động "vừa lao ra vừa reo lên" không hề thể hiện sự vui vẻ vì nhốt được con khướu mà là niềm hân hoan khi có thể giữ nó ở riêng bên mình. Việc chim sổ lồng bay đi rồi bay về là chuyện hiếm thấy. Phải chăng, con khướu thực sự coi gia đình "tôi" là ngôi nhà, người thân của mình? Hay giống như những gì "tôi" đã nghĩ: chiếc lồng giam hãm con khướu quá lâu, khiến nó cảm thấy chới với khi bay ra bên ngoài rộng lớn.

Lần thứ hai con chim bay đi, cả gia đình không còn lo lắng, trằn trọc như lần đầu nữa. Họ tin rằng nó sẽ quay trở lại, sẽ sà vào chiếc lồng và hót vang. Có thể thấy, niềm tin ấy được dựng xây, phát triển nhờ lòng gắn kết, thấu hiểu. Cậu con trai lớn của nhân vật "tôi" lại hành động giống lần trước, mang chiếc lồng ra treo ngoài trời để đón thành viên gia đình trở về. Không ai phập phồng, trông mong từng giây từng phút khoảnh khắc con chim bay vào lồng nữa, ngoại trừ con trai út. Chuyện con khướu bay đi mất rồi quay trở về đã chẳng còn là câu chuyện li kì, hấp dẫn sự bàn tán của mọi người. Cậu chuyện ấy bình thường đến mức người ta có thể bình thản đối diện, không chút vội vã hay cuống quýt.

Khi con khướu cánh kề cánh cùng chim mái, bay vút lên trời cao rồi từ đó, không bay về nữa, nhân vật người con lớn vẫn kiên nhẫn chờ. Một sự đợi chờ trong vô vọng, trong tối tăm. Ai cũng tưởng rằng con chim sẽ thuộc lối về, bay đi rồi bay về. Nhưng không, ở thế giới bao la ngoài kia, nó đã tìm được nơi đáng sống. Cuối cùng, giống như bao lần trước, chỉ có người ba - nhân vật "tôi" mới thực sự bừng tỉnh và thấu hiểu. "Tôi" cảm thấy bản thân có thể cho nó chiếc lồng đầy đủ, tiện nghi nhưng không thể cho nó tự do và đôi cánh tình yêu. Sau cùng, chim thì phải bay, phải cất cao đôi cánh tự do trên bầu trời xa xăm kia. Những ý nghĩ của "tôi" ở kết thúc truyện đã cho thấy nhận thức đúng đắn của nhân vật.

Bằng việc sử dụng thành công ngôi kể thứ nhất, ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu và hình ảnh gần gũi, thân thuộc, Nguyễn Quang Sáng đã sáng tạo nên một câu chuyện hết sức hấp dẫn. Hình ảnh con khướu bay đi rồi lại trở về chính là biểu tượng của thiên nhiên tươi đẹp. Thông qua hình tượng này, nhà văn khéo léo bày tỏ thông điệp ý nghĩa về việc yêu, trân trọng tự nhiên cùng cuộc sống.

"Con khướu sổ lồng" không có quá nhiều tình tiết cao trào, kịch tính nhưng nó vẫn có sức cuốn hút, hấp dẫn nhất định. Từ đây, Nguyễn Quang Sáng muốn nhắn nhủ mỗi người hãy biết lắng nghe, cảm nhận thiên nhiên từ tấm lòng, tâm hồn cao đẹp.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Bên cạnh nội dung trên đây, Taimienphi.vn còn rất nhiều bài văn mẫu lớp 10 hay khác, các em cùng tham khảo như Phân tích hình ảnh "hàng rào" trong Một chuyện đùa nho nhỏPhân tích đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền, Phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học Ngữ văn 10 KNTT Phân tích tâm trạng nhân vật Thanh ở đoạn văn cuối phần kết truyện.... Tất cả đều được tuyển chọn rất kỹ lưỡng với các bài văn mẫu hay nhất. 

Tac gia tac pham Con khuou so long

Bài văn mẫu phân tích truyện ngắn Con khướu sổ lồng hay nhất


2. Phân tích Con khướu sổ lồng ngắn, top bài văn mẫu hay nhất - mẫu số 2:

Nguyễn Quang Sáng là một cây bút sáng tác nhiều truyện ngắn có giá trị, ông được mệnh danh là cây đại thụ của văn học Nam Bộ. Với lời văn mộc mạc, giản dị, chân thành, ông đã nêu lên được những vấn đề thực tại, những chiêm nghiệm sâu sắc về con người và xã hội. Tiêu biểu cho sáng tác của nhà văn, phải kể đến truyện ngắn "Con khướu sổ lồng" mang đến thông điệp ý nghĩa cho người đọc.

"Con khướu sổ lồng" kể về một chú khướu hót rất hay, được nuôi trong chiếc lồng tre tuyệt đẹp. Một hôm, con khướu sổ lồng, cả nhà rất lo lắng nhưng buổi chiều hôm sau, nó đã trở về. Thế nên, lần thứ hai con khướu sổ lồng, mọi người không lo lắng như trước nữa. Họ nghĩ rằng chốc nữa nó sẽ quay về. Lần này, khướu cũng bay về vườn và cất tiếng hót. Nhưng khi nó đang chuẩn bị bay về lồng thì nghe thấy tiếng hót của một con chim khác thế là khướu đã bay đi mãi. Nhân vật "tôi" là người hiểu rõ lí do vì sao nó không trở về nữa. Qua câu chuyện, tác giả như muốn nhắc nhở người đọc về tình yêu, sự thấu hiểu đối với thiên nhiên.

Đầu tiên, người đọc có thể cảm nhận rất rõ nét hình ảnh con khướu qua những miêu tả chi tiết của tác giả. Nó được nuôi trong cái lồng tre tuyệt đẹp "Mái lồng như mái đình, quanh lồng được chạm trổ hình hoa văn". Không chỉ có chỗ ở đẹp đẽ khướu còn được chuẩn bị thức ăn, nước uống đủ đầy. Đó là môi trường sống mà bao con chim khác phải ghen tị. Ngoài ra, tác giả còn khắc họa ngoại hình của nó qua một số chi tiết "lông một màu đen, trên đầu có một cái chóp trắng, trông nó như một lão già lụ khụ lúc nào cũng đội kết". Con khướu có thể không đẹp như họa mi, sơn ca nhưng bù lại nó có tiếng hót rất hay. Mỗi khi, lắng nghe âm thanh ấy khiến cho nhân vật "tôi" cảm thấy lòng mình trở nên thanh thản, mệt nhọc như tan biến. Với gia đình "tôi", con khướu như một thành viên chính thức, mang lại niềm vui cho mọi người.

Thế nhưng, trong một lần sơ ý, con khướu đã sổ lồng bay đi. Điều đó khiến cho cả nhà ai cũng thấy buồn bã, thiếu vắng. Nhân vật "tôi" vừa đi làm về, nghe tin từ thằng con út đã vội chạy vào "ngồi phịch xuống ghế, nhìn cái lồng không". Còn thằng con út cứ trăn trở, thao thức suốt đêm mong con chim trở về "Trời mưa lại có gió nữa, con khướu bay đi, nó có sao không ba?". Nhân vật ‘tôi" an ủi con "Chim thì phải bay. Chim bay thì có gì phải lo. Con ngủ đi". Nhưng có lẽ, lòng người bố cũng đang tràn ngập nỗi lo lắng và mong chờ con khướu sẽ quay lại với gia đình. Không phụ sự mong mỏi của cả nhà, vào buổi chiều hôm sau, khướu đã trở về. Nó hót vang lên thanh âm mọi khi. Lắng nghe âm thanh quen thuộc mà trong trẻo ấy, các thành viên trong gia đình tôi hạnh phúc "cả nhà reo lên". Khi con khướu sà thẳng vào lồng thì cả nhà lao ra, giành nhau bưng cái lồng. Cả gia đình đều hân hoan vì nó đã trở về an toàn. Việc con chim đột nhiên bay đi và rồi bay về khiến cho cả gia đình "tôi" suy ngẫm. Dường như cái lồng đã giam hãm đôi cánh quá lâu nên khi sải cánh bay trên bầu trời rộng lớn, khướu cảm thấy cô đơn, nhỏ bé và nó đã chọn trở về lồng. Tiếng hót buồn thảm của khướu giúp ta cảm nhận được chút gì đó buồn, thất vọng khi muốn trở về với thế giới tự do nhưng nhận ra mình không thuộc về nơi đó.

Lần thứ hai do sơ ý nên con khướu lại sổ lồng bay đi. Nhưng lần này cả nhà không còn lo lắng nhiều như lần trước nữa. Thằng con lớn của nhân vật "tôi" lại treo cái lồng ra ngoài trời để con khướu bay vào. Chắc hẳn, cả nhà đều nghĩ chốc nữa thôi nó sẽ về, trừ thằng út vẫn háo hức đi tìm. Việc con khướu bay đi rồi lại trở về không phải lần đầu khiến mọi người không cần phải nghĩ nhiều.

Như cả gia đình dự đoán, con khướu thực sự trở về. Nhưng khi lao xuống đến lưng chừng thì nó bị thu hút bởi âm thanh của con chim trời. Vậy là nó đã dựng ngược đôi cánh bay lên bầu trời. Tiếng hót kia đã thức tỉnh nó. Dường như, lúc này nó đã thực sự thay đổi suy nghĩ và nhận ra nơi thuộc về mình là bầu trời rộng lớn. Những ngày sau đó, chiếc lồng lại được thằng con con lớn mang ra ngoài trời, đợi con khướu trở về. Nhưng nó đã bay đi mãi. Con khướu được bao bọc trong sự an toàn, hưởng thụ cuộc sống yên bình, tưởng chừng nó sẽ hạnh phúc, mãn nguyện. Vậy sao nó chọn rời đi? Nhân vật "tôi" hiểu rõ nhất lí do sao nó không bao giờ trở về nữa. Không phải vì mọi người không đối xử tốt mà bởi lẽ khướu đã tìm được đúng nơi mình nên sống. Nó được tạo hóa ban cho đôi cánh để bay lượn trên bầu trời nên cần về với cảnh thênh thang của đất trời. Đó mới là cuộc sống thực sự có ý nghĩa với con chim.

Bằng việc sử dụng ngôi kể thứ nhất, lối kể chuyện giản dị, lời văn nhẹ nhàng, ngòi bút miêu tả tinh tế, Nguyễn Quang Sáng đã mang đến người đọc cảm nhận được một câu chuyện ý nghĩa. Hình ảnh con khướu bay về với bầu trời thể hiện khao khát được hướng tới tự do. Nhìn xa hơn, đối với con người cũng vậy, chúng ta ai cũng mong muốn có được một cuộc sống đúng nghĩa, được làm những điều mình thích.

Qua tác phẩm, tác giả không chỉ thể hiện tình yêu thiên nhiên mà còn muốn nhắc nhở mỗi người cần biết lắng nghe và thấu hiểu tự nhiên. Có như vậy, chúng ta mới cảm nhận được những vẻ đẹp giản dị của cuộc sống.


3. Phân tích Con khướu sổ lồng ngắn, top bài văn mẫu hay nhất - mẫu số 3:

Nguyễn Quang Sáng là nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông luôn mang đến nhiều cảm xúc và giá trị cho bạn đọc. Ông để lại một sự nghiệp sáng tác vô cùng lớn với nhiều thể loại như: truyện ngắn, tiểu thuyết. Trong đó "Con khướu sổ lồng" là truyện ngắn đặc sắc của nhà văn. Qua câu chuyện, ta cảm nhận được bài học cuộc sống sâu sắc.

Câu chuyện kể về gia đình nhân vật "tôi" có nuôi một con khướu hót rất hay. Trong một lần sơ ý, con chim đã sổ lồng khiến cả nhà ai cũng lo lắng. Buổi chiều hôm sau, con chim quay lại với chiếc lồng. Thế nhưng, lần thứ hai, nó không trở về nữa. Qua câu chuyện con chim khướu, tác giả muốn ngầm nhấn mạnh một quy luật của tự nhiên: tạo hóa cho loài chim với đôi cánh là để bay. Vậy nên, nơi ở thuộc của nó phải là bầu trời chứ không phải cái lồng. Từ đó, nhắc nhở mọi người bài học về tình yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với tự nhiên.

Đầu tiên, tác giả giới thiệu hình ảnh chú khướu của gia đình "tôi" với không gian sống "nuôi trong cái lồng tuyệt đẹp, mái lồng như mái đình, quanh lồng được chạm trổ hình hoa văn". Nơi ở của khướu sung sướng tới nỗi có thể khiến cho những con chim khác phải ghen tị. Chiếc lồng là nơi khướu không phải lo nắng, mưa và còn có cả thức ăn, nước uống đủ đầy. Đọc đến đây, chúng ta đều nghĩ rằng đó là môi trường sống thật hoàn mĩ, đầy đủ. Con khướu thật may mắn khi được bao bọc trong sự an toàn, hưởng thụ cuộc sống yên bình. Vậy chắc hẳn, nó phải thấy mãn nguyện và hạnh phúc? Không chỉ miêu tả nơi ở, tác giả còn miêu tả ngoại hình của con khướu. Hình ảnh con khướu được giới thiệu trong câu chuyện không phải là quá đẹp đẽ "lông một màu đen, trên đầu có một cái chóp trắng". Nhưng điểm đặc biệt mà thu hút người khác đó chính là tiếng hót vừa vui, vừa xao xuyến lòng người của nó. Những buổi chiều mệt mỏi, nhân vật "tôi" chỉ cần lắng tai nghe âm thanh đó là bỗng thấy lòng thanh thản hơn.

Khướu sinh ra từ tự nhiên, là loài chim với đôi cánh để bay. Cho nên trong nó luôn khát khao tự do. Vậy nên, khi thằng con lớn của nhân vật "tôi" sơ ý mở hết cửa ra, khướu đã bay vù đi "dang cánh bay thẳng lên bầu trời như một mũi tên". Cái cách nó bay lên thể hiện sự dứt khoát, khao khát tự do được trở lại thế giới của mình. Trước sự việc con khướu sổ lồng, cả gia đình nhân vật "tôi" ai cũng thấy thiếu vắng, trăn trở. Đặc biệt là thằng con út cứ trăn trở thao thức rồi hỏi ba "Ba ơi! Trời mưa lại có gió nữa, con khướu bay đi, nó có sao không ba?". Có lẽ, cả nhà nhân vật "tôi" có tâm trạng như vậy bởi với họ con khướu là một thành viên không thể thiếu. Và giây phút con khướu quay trở về cả nhà ai cũng vui mừng, reo lên. Lí do mà nó trở về với cái lồng có thể như cách nghĩ của nhân vật "tôi". Cái lồng đã giam hãm đôi cánh quá lâu khiến cho nó cảm thấy nhỏ bé, cô đơn trước cái bao la, rộng lớn của trời đất.

Qua lần sổ lồng đầu tiên, chúng ta tưởng chừng chú khướu sẽ không bao giờ bay đi nữa. Thế nhưng, chú khướu vẫn có lần sổ lồng thứ hai. Khác với lần thứ nhất, lần này mọi người không còn lo buồn như trước nữa và đoán rằng lần này nó sẽ lại bay về. Thằng con trai lớn của nhân vật "tôi" lại treo cái lồng ra ngoài trời đợi. Chỉ có riêng thằng út là háo hức tìm chỗ rình xem. Lần thứ hai, chú khướu trở về vẫn vang lên tiếng hót quen thuộc. Nhưng cái khoảnh khắc chú đang lao xuống thì nghe thấy tiếng hót của con chim lạ và quyết định của chú khướu đã thay đổi "ưỡn ngực, dựng ngược đôi cánh xiên thẳng lên cái nền xanh của bầu trời" vừa bay vừa hót. Có lẽ, tiếng hót của đồng loại đã tiếp thêm cho khướu dũng khí để trở lại với thế giới tự do, bản lĩnh để sải cánh bay khỏi chiếc lồng chật hẹp.

Những ngày sau đó, thằng con của nhân vật "tôi" vẫn treo cái lồng ra ngoài đợi con khướu trở về. Nhân vật "tôi" hiểu rõ rất rằng con khướu sẽ không quay trở về nữa. Anh biết rằng loài chim có đôi cánh là để bay trên bầu trời chứ không phải sống trong chiếc lồng tù túng. Khép lại câu chuyện với ý nghĩ sâu sắc của "tôi" đã cho người đọc cảm nhận được bài học cuộc sống sâu sắc.

Tác giả xây dựng cốt truyện nhẹ nhàng nhưng vẫn thành công mang đến giá trị tốt đẹp cho độc giả. Qua câu chuyện về chú khướu, tác giả kín đáo nhắc nhở nhắc nhở mỗi người cần có tình yêu thiên nhiên, biết lắng nghe và thấu hiểu tự nhiên. 

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-con-khuou-so-long-74344n.aspx
Trên đây là bài văn mẫu và dàn ý Phân tích Con khiếu sổ lồng hay nhất. Khi phân tích, đánh giá bất kì một tác phẩm văn học, em phải tập trung làm rõ cả hai yếu tố: nội dung và nghệ thuật. 

Tác giả: Nguyễn Long Thịnh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Giải bài tập trang 95 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 91, 92 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 30, 31, 32, 33, 34 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Link tải Sách giáo khoa lớp 3 Kết nối tri thức
Giải toán lớp 6 trang 37 tập 1 sách Kết Nối Tri Thức
Từ khoá liên quan:

Phan tich Con khuou so long

, Bai van mau Phan tich Con khuou so long hay nhat, Dan y Phan tich truyen ngan Con khuou so long,

SOFT LIÊN QUAN
  • Bộ Sách Kết nối tri thức với cuộc sống

    File mềm sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho học sinh

    Ngoài sách Chân trời sáng tạo, bộ sách Cánh Diều thì bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn theo tiêu chuẩn sách giáo khoa mới đưa ra thử nghiệm trong năm học mới. Giống ...

Tin Mới