Phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học Ngữ văn 10 KNTT

Mời em theo dõi và tham khảo nội dung Phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học Ngữ văn 10, Kết nối tri thức, học kì II do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn dưới đây để biết cách viết dạng bài nghị luận văn học; đồng thời nắm chắc kiến thức trọng tâm của ba văn bản: Dưới bóng hoàng lan, Một chuyện đùa nho nhỏ và Chữ người tử tù.

Đề bài: Phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học Ngữ văn 10 KNTT

phan tich danh gia mot tac pham van hoc ngu van 10 kntt

Viết văn bản nghị luận đánh giá một tác phẩm thơ, truyện hay
 

A. Đề 1: Phân tích, đánh giá chủ đề và nhân vật Dưới bóng hoàng lan.
 

I. Dàn ý Phân tích, đánh giá chủ đề và nhân vật Dưới bóng hoàng lan

1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
2. Thân bài:
2.1. Chủ đề của truyện: ca ngợi tình cảm đời thường của con người: tình cảm gia đình gắn bó, yêu thương và tình yêu đôi lứa đẹp đẽ, trong sáng.
2.2. Phân tích từng nhân vật tiêu biểu và mối quan hệ giữa các nhân vật:
a. Nhân vật Thanh:
* Hoàn cảnh: trở lại thăm nhà sau hai năm đi làm trên tỉnh.
* Tâm trạng của Thanh khi ở bên bà:
- Khi gặp lại bà: cảm động, mừng rỡ, chạy lại gần.
- Khi ở bên bà trong căn nhà thân thương:
+ Cảm thấy bà luôn chở cho cho mình dù hiện tại, bản thân đã lớn khôn.
+ Dù đã vắng nhà gần hai năm nhưng Thanh luôn cảm giác như ở nhà, anh thấy lòng bình yên và thong thả.
+ Ngửi mùi hương thoang thoảng của cây hoàng lan và nhớ về kỉ niệm tuổi thơ.
+ Không để bà phiền lòng, nằm yên giả vờ ngủ.
+ Cảm động gần ứa nước mắt trước tình yêu bao la, sự quan tâm vô bờ của bà.
* Tâm trạng của Thanh khi ở bên Nga:
- Sau khi nghe thấy tiếng nói thân quen:
+ Vội vàng chạy xuống nhà ngang rồi vui vẻ gọi "Cô Nga...".
+ Chăm chú quan sát cô bé hàng xóm xinh xắn, coi Nga như một người thân mật, lầm tưởng Nga chính là em gái ruột.
- Trong bữa cơm:
+ Vui vẻ ăn uống "lòng thư thái và sung sướng", thỉnh thoảng lại nhìn đôi môi thắm, hai má hồng của Nga.
+ Ngắm nhìn khung cảnh bên ngoài, nhớ tới đôi bàn chân nhỏ lấm tấm cát của Nga ngày còn thơ bé rồi mỉm cười => cảm xúc ngại ngùng đan xen với niềm vui sướng.
- Lúc đi xem vườn:
+ Cảm thấy tóc Nga có hương thơm thoang thoảng của hoàng lan.
+ Không biết nói gì sau câu nói của Nga, vít cành lan xuống để Nga tìm hoa.
+ Cảm thấy lòng dịu lại sau khi trả lời câu hỏi "Bao giờ anh lên tỉnh?".
=> Dường như, trong Thanh lúc này là sự rạo rực, xao xuyến khó tả.
- Khi tiễn Nga ra về:
+ Cầm tay Nga, để yên trong tay mình -> hành động mà không lưỡng lự.
+ Trở vào nhà và cảm thấy có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây.
* Tâm trạng của Thanh trong buổi sáng lên tỉnh:
- Quyến luyến, bâng khuâng:
+ Đứng lại nhìn cây hoàng lan và các cây khác trong vườn.
+ Bước ra đi mà lòng nửa vui nửa buồn.
+ Nghĩ đến căn nhà và Nga.
b. Nhân vật người bà:
- Lời nói: thương yêu, quan tâm cháu "Con đã ăn cơm chưa?", "Con rửa mặt đi, rồi đi nghỉ không mệt.",...
- Cử chỉ: cẩn thận, nhẹ nhàng "Bà lại gần săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi...",...
- Cảm xúc: luôn dành cho cháu tình thương vô bờ, cảm thấy cháu "vẫn bé quá và lại đi xa".
c. Nhân vật Nga:
- Giới thiệu chung: là hàng xóm thân thiết với Thanh.
- Lời nói: nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ "Anh Thanh! Anh đã về đấy à?", "Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá",...
- Cử chỉ: dịu dàng "nàng chỉ ăn nhỏ nhẹ, cầm chừng và buông đũa luôn để xới cơm cho Thanh", "nàng nhìn Thanh, mắt như tụ lại những hình ảnh tự bao giờ...".
- Suy nghĩ, cảm xúc: có chút gì đó xao xuyến xen lẫn e thẹn "Anh con hái đấy ạ" và nàng nhìn Thanh mỉm cười",...
2.3. Phân tích vai trò của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề của truyện:
- Các nhân vật được đặt trong mối quan hệ gần gũi, gắn bó -> tô đậm tình cảm đời thường, dung dị của con người.
- Mỗi nhân vật đều mang trong mình những tình cảm, tâm tư đẹp đẽ, trong sáng: tình thương dành cho cháu, cho bà; tình yêu đầu đời dành cho người thầm thương.
2.4. Đánh giá chủ đề và ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề:
- Đây là chủ đề quen thuộc, thường xuất hiện trong sáng tác văn học. Thạch Lam thật tài tình khi đã đan xen hai thứ tình cảm đẹp đẽ nhất của đời người: tình cảm gia đình và đôi lứa.
2.5. Phân tích đặc sắc nghệ thuật:
- Ngôn từ giản dị, giàu sức gợi.
- Lối kể chuyện đậm chất trữ tình.
- Cốt truyện đơn giản "truyện không có chuyện".
 

II. Bài văn mẫu Phân tích, đánh giá chủ đề và nhân vật Dưới bóng hoàng lan

Nhà văn Nguyễn Tuân từng khẳng định "Sáng tác của Thạch Lam giàu chất thơ, và đọc ông, đời sống bên trong có phong phú hơn, tế nhị hơn; chúng "đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm tho và mát dịu". Quả đúng như vậy, đọc văn Thạch Lam, ta thấy dường như có thứ gì đó chạm nhẹ vào trái tim mình. Các câu chuyện ông kể thường gắn liền với đời sống hàng ngày, mang đến cảm giác gần gũi, thân quen. "Dưới bóng hoàng lan" là một ví dụ tiêu biểu. Với ngòi bút tinh tế, Thạch Lam đã khéo léo thể hiện những tình cảm đời thường, dung dị của con người qua tác phẩm này.

Trước hết, truyện ngắn kể về Thanh - nhân vật chính trở về thăm nhà sau gần hai năm đi làm trên tỉnh. Chàng trai trẻ gặp lại người bà kính yêu cùng cô bé hàng xóm dễ mến. Những cảm xúc, tình cảm cứ thể nảy nở trong Thanh. Từ việc dịch chuyển nhiều điểm nhìn, Thạch Lam đã diễn tả rõ nét dòng tâm trạng của các nhân vật. Qua đấy, làm nổi bật chủ đề tác phẩm: ca ngợi tình cảm đẹp đẽ mà mỗi người đều có. Đó là tình cảm gia đình gắn bó khăng khít. Đó còn là tình yêu đôi lứa với những rung động đầu đời, đẹp đẽ đến lạ lùng.

Sau bao tháng ngày xa cách quê nhà, cuối cùng Thanh cũng có dịp quay về. Bước đến ngưỡng cửa, Thanh cảm thấy khoan khoái, thoải mái hẳn cả người. Khung cảnh quê nhà yên bình, tươi đẹp như chạm nhẹ vào tâm hồn người con xa nhà. Để rồi, "tựa như bao nhiêu sự ồn ào ở ngoài kia đều ngừng lại trên bục cửa". Ngắm nhìn ngôi nhà, Thanh thấy nó chẳng có gì thay đổi, vẫn y nguyên như ngày xưa. Nơi đây là gia đình, là nơi anh sống và trưởng thành. Thanh trở nên xúc động đến nỗi nghẹn ngào, mãi sau mới cất được tiếng gọi khẽ "Bà ơi!". Khi nhìn thấy bà đang từ ngoài vườn vào, anh vội vã chạy lại gần, vừa cảm động, vừa mừng rỡ. Lắng nghe lời nói quan tâm của bà, Thanh cảm thấy bản thân thật nhỏ bé, vẫn cần bà chở che như ngày còn nhỏ. Dù hiện tại, anh đã là chàng trai có dáng người thẳng, mạnh còn bà thì gầy còng. Dường như, chỉ cần ở bên cạnh bà, Thanh sẽ trở lại thành một cậu bé. Gần hai năm vắng nhà, Thanh luôn cảm giác như mình đã ở đây tự bao giờ chứ không phải hôm nay mới ghé về. Những sự vật quen thuộc, gắn bó từ tấm bé vẫn in sâu trong tâm trí con người. Căn nhà đơn sơ với thửa vườn có cây hoàng lan khiến Thanh cảm thấy vô cùng bình yên, thong thả. Nằm trên chiếc giường, Thanh lại miên man nghĩ về quá khứ, về kỉ niệm thời ấu thơ sống bên cha mẹ, bên bà. Càng nghĩ, Thanh càng thấy "tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối". Dòng tâm trạng của nhân vật tiếp tục được gợi tả thông qua hành động săn sóc từ người bà. Để không làm bà phiền lòng, Thanh đã yên lặng giả vờ ngủ. Dẫu không thể tận mắt chứng kiến từng việc làm của bà nhưng Thanh vẫn cảm động gần ứa nước mắt. Thanh luôn cảm nhận được tình yêu bao la, sự quan tâm vô bờ bến mà bà dành cho mình.

Thạch Lam còn khéo léo thể hiện tình yêu đôi lứa trong trẻo, tinh khôi của Thanh và Nga. Nằm nghỉ trên nhà, Thanh bỗng chợt nghe thấy tiếng nói thân thuộc. Trong chốc lát, chàng trai trẻ vội vàng chạy xuống nhà ngang, vui vẻ hồ hởi gọi tên người con gái "Cô Nga". Một lời chào hỏi sau bao ngày xa cách. Đứng ở cửa bếp, anh chăm chú, mải mê quan sát cô bé hàng xóm xinh xắn. Tận sâu trong thâm tâm anh, Nga không chỉ đơn thuần là hàng xóm mà còn giống như người thân mật. Chính vì thế, đôi khi, anh lầm tưởng Nga chính là em gái ruột. Với một người trẻ tuổi như Thanh, việc xao xuyến, rung rộng trong tình yêu là hết sức bình thường. Chẳng thế mà giây phút Nga từ chối dùng cơm, Thanh đã tỏ ra không bằng lòng. Nhưng rất chanh chóng, anh lại cảm thấy vui sướng và thư thái, thỉnh thoảng còn nhìn đôi môi thắm, hai má hồng của cô gái. Ở Thanh cũng có chút e ngại khi biết yêu. Ngắm nhìn khung cảnh ngoài vườn, Thanh bỗng nhớ tới đôi bàn chân nhỏ lấm tấm cát của Nga ngày còn thơ bé rồi tự mỉm cười. Nhìn người con gái vuốt tóc, lòng Thanh xao xuyến đến mức "thấy quả tim đập nhẹ nhàng". Anh còn ngửi thấy hương hoàng lan thoang thoảng trên mái tóc "đen lánh buông trên cổ nhỏ". Cảm xúc ngại ngùng, e thẹn khiến chàng trai trẻ chẳng biết nói gì sau câu nói của Nga. Thay vào đó, anh dùng hành động để bày tỏ chân tình "vít một canh lan xuống giữ ở trong tay để Nga tìm hoa". Đáp lại câu hỏi "Bao giờ anh lên tỉnh?", Thanh vừa trả lời, vừa cẩn thận nói thêm "Nhưng mai kia, tôi sẽ về ở đây lâu hơn.". Phải chăng, lời nói đó như ngầm thông báo, đồng thời nhẹ nhàng bày tỏ tâm tư. Giây phút tiễn Nga ra về, Thanh đã bớt chút ngượng ngùng mà mạnh dạn cầm tay Nga, không chút lưỡng lự. Thanh để yên trong đôi tay mình, chẳng nói lời nào. Cái nắm tay ấy đã thay mọi lời muốn nói. Cái nắm tay ấy chính là tình cảm đẹp đẽ mà Thanh gửi tặng Nga và ngược lại.

Trong buổi sáng lên tỉnh, Thanh trào dâng nỗi lưu luyến, bâng khuâng. Anh ngoan ngoãn lắng nghe lời dặn dò ân cần của bà rồi mới đi. Đến cổng nhà, anh còn bịn rịn ngoái lại, ngắm nhìn khu vườn có cây hoàng lan và nhiều loài cây khác. Đồng thời, không quên gửi lời tới Nga. Bước ra đi, Thanh thấy lòng mình nửa buồn nửa vui. Đây là tâm trạng thường thấy của một người xa quê hiếm có dịp trở về. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, anh vẫn luôn tin căn nhà mãi ở đó, mãi là nơi bao dung, yêu thương anh. Anh chắc rằng người con gái mình thương sẽ "vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước".

Bên cạnh nhân vật Thanh, nhà văn Thạch Lam còn miêu tả vài nét về nhân vật người bà và cô Nga. Trước hết, bà hiện lên với tấm lòng bao la. Lời nói của bà đều cất chứa tình thương, sự quan tâm "Con đã ăn cơm chưa?", "Con rửa mặt đi, rồi đi nghỉ không mệt.",... Bà dành cho cháu những cử chỉ ân cần, âu yếm "Bà lại gần săn sóc buông màn, nhìn cháu và xua đuổi muỗi...". Trong đôi mắt bà, Thanh vẫn mãi là cậu bé không bao giờ lớn. Như vậy, chỉ với vài chi tiết, nhà văn đã làm nổi bật tình cảm bà cháu cao đẹp, thiêng liêng.

Nhân vật Nga - cô bé hàng xóm được khắc họa chủ yếu qua hành động, lời nói. Từ điểm nhìn của Thanh, ta thấy Nga mang vẻ đẹp yêu kiều, duyên dáng "cô thiếu nữ xinh xắn trong tà áo trắng", "nụ cười nở tươi". Khi trò chuyện, Nga luôn nói nhẹ nhàng "Anh Thanh! Anh đã về đấy à?", "Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá". Những câu nói nhỏ nhẹ ấy không khỏi khiến người ta cảm thấy bồi hồi, rung động. Không chỉ vậy, người con gái ấy còn có cử chỉ hết sức dịu dàng "nàng chỉ ăn nhỏ nhẹ, cầm chừng". Giống như Thanh, ở Nga cũng có chút gì đó xao xuyến xen lẫn e thẹn lúc biết yêu "Anh con hái đấy ạ" và nàng nhìn Thanh mỉm cười".

Bằng ngôn từ giản dị, giàu sức gợi, lối kể chuyện đậm chất trữ tình cùng cốt truyện đơn giản "truyện không có chuyện", nhà văn Thạch Lam đã làm nổi bật tình cảm đời thường, dung dị của con người trong mối quan hệ gần gũi, gắn bó. Mỗi nhân vật đều mang trong mình những tình cảm, tâm tư đẹp đẽ: tình thương dành cho cháu, cho bà; tình yêu đầu đời dành cho người thầm thương.

Có thể nói, Thạch Lam thật tài tình khi đan xen hai thứ tình cảm đẹp đẽ nhất của đời người: tình cảm gia đình và đôi lứa trong "Dưới bóng hoàng lan". Những câu văn nhẹ nhàng của truyện ngắn đã thật sự chạm tới trái tim bạn đọc, khiến chúng ta cảm thấy như mình đang yêu và đang được yêu.

 

B. Đề 2: Phân tích, đánh giá chủ đề và nhân vật Một chuyện đùa nho nhỏ
 

I. Dàn ý Phân tích, đánh giá chủ đề và nhân vật Một chuyện đùa nho nhỏ

1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm
2. Thân bài:
2.1. Chủ đề của truyện: sự chân thành của lời yêu thương.
2.2. Phân tích từng nhân vật tiêu biểu và mối quan hệ giữa các nhân vật:
a. Nhân vật "tôi":
* Trước khi trượt tuyết:
- Van nài Na-đi-a cùng trượt tuyết với mình.
- Đỡ vào xe, vòng tay qua giữ lấy cô.
* Ở lần trượt tuyết đầu tiên:
- Thì thào nói câu "Na-đi-a, anh yêu em.".
- Sau khi Na-đi-a hết sợ và nhìn vào mắt người bạn đồng hành, nhân vật "tôi" đứng bên cạnh nhưng lại chăm chú nhìn chiếc gang tay của bản thân -> dường như "tôi" đang trốn tránh Na-đi-a.
- "Tôi" đoán được cảm xúc băn khoăn trong lòng Na-đi-a "Hình như điều bí ẩn làm nàng thấy trong lòng băn khoăn".
- Đối diện với cặp mắt buồn râu nôn nóng bồn chồn, nhân vật "tôi" lại thầm nghĩ "Ôi, gương mặt đáng yêu của nàng mới ngộ nghĩnh làm sao!".
* Ở lần trượt tuyết thứ hai:
- Thấy mặt Na-đi-a tái nhợt, toàn thân run run nhưng "tôi" không đưa tay ra giữ như lần thứ nhất.
- "Tôi" canh lúc gió thổi ghê gớm nhất rồi nói "Na-đi-a, anh yêu em".
* Ở lần trượt tuyết thứ ba và những lần tiếp theo:
- Dùng khăn tay che miệng rồi đằng hắng lên mấy tiếng.
- Không quan tâm tới sự sợ hãi của Na-đi-a, "tôi" chỉ chú tâm đến tiếng gió và quãng đường trượt tuyết để "tranh thủ" nói câu đùa "Na-đi-a, anh yêu em".
=> Từ sau lần trượt tuyết đầu tiên, nhân vật "tôi" đã đánh mất khả năng đồng cảm với Na-đi-a. Thái độ của anh ta vô cùng thờ ơ, lãnh đạm. "Tôi" nghĩ Na-đi-a sẽ từ bỏ việc truy tìm sự thật ai là người nói câu "Na-đi-a, anh yêu em". Nhưng không, Na-đi-a vẫn quyết tâm đi tìm còn "tôi" trở thành một người nhỏ bé trong đám đông.
* Trước khi "tôi" đi Pê-téc-bua:
- Đến bên hàng rào và ghé nhìn qua khe hở.
- Nhìn thấy khuôn mặt buồn bã của Na-đi-a.
- "Tôi" chờ làn gió xuân thổi qua rồi thì thào nói "Na-đi-a, anh yêu em".
=> Nhân vật "tôi" bất chợt tìm lại được sự giao cảm với khát vọng hạnh phúc của Na-đi-a nhưng anh ta không trực tiếp nói ra "tiếng lòng" của bản thân.
* Khi "tôi" đã đứng tuổi:
- Giọng điệu như cố tỏ ra lãnh đạm "chuyện ấy đã qua lâu rồi", "cũng thế cả thôi".
- Không hiểu tại sao bản thân lại nói những lời đó và đùa cợt như vậy.
=> Nhân vật "tôi" không ý thức được tầm quan trọng, sự chân thành của lời yêu thương. Chính "tôi" là người biến tình yêu của mình, của Na-đi-a thành "một chuyện đùa nho nhỏ". Kết cục, "tôi" phải nhận lấy mất mát sau tất cả mọi chuyện.
=> "Tôi" vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân do chính câu chuyện mà bản thân sắp đặt và tạo nên.
b. Nhân vật Na-đi-a:
* Trước khi trượt tuyết:
- Cảm thấy ghê sợ, nghĩ rằng bản thân "sẽ chết mất, sẽ phát điên mất".
- Ưng thuận ngồi vào xe trượt nhưng vẫn run rẩy sợ hãi, gương mặt tái mét.
* Sau lần trượt tuyết đầu tiên:
- Xuống xe với tâm trạng hoảng sợ "Chỉ thiếu chút nữa là tôi chết".
- Sau khi bình tĩnh lại, cô bắt đầu đi tìm nguồn gốc câu nói "Na-đi-a, anh yêu em".
- Nhìn "tôi" chăm chăm, cảm xúc dường như có sự rối loạn "nàng đang tự day dứt với mình, nàng cần nói một điều gì, cần hỏi một điều gì nhưng nàng không tìm được lời".
- Dẫu sợ sệt nhưng Na-đi-a vẫn rủ "tôi" lao dốc.
=> Na-đi-a băn khoăn cực điểm về lời yêu thương "Na-đi-a, anh yêu em" có tồn tại hay chỉ đơn thuần là tiếng lòng của chính cô mà thôi.
* Sau lần trượt tuyết lần thứ hai, thứ ba:
- Im lặng, nghĩ về những điều bản thân đã nghe thấy.
- Nhìn "tôi" chăm chăm, gương mặt toát lên sự hoài nghi không biết ai đã nói câu "Na-đi-a, anh yêu em".
- Trong thâm tâm Na-đi-a hiện lên vô vàn câu hỏi "Điều gì đã xảy ra? Ai nói những lời ấy? Anh ấy hay là chỉ do ta nghe được" và những phủ nhận "Không, gió không thể nói được những lời ấy! Mà mình cũng không muốn tin rằng gió đã nói những lời ấy".
=> Na-đi-a tiếp tục băn khoăn về lời yêu thương. Cô hi vọng câu nói kia là do "anh ấy nói" chứ không phải "gió nói", từ đó khẳng định điều bản thân nghe thấy là sự thực => Niềm khát khao hạnh phúc dâng trào trong Na-đi-a.
* Lần trượt tuyết một mình:
- Chậm chạp bước lên bậc thang, mặt mũi tái nhợt, cả người run rẩy.
- Ngồi lên xe với tâm thế hoảng sợ.
- Bước ra khỏi xe một cách nhọc mệt.
=> Na-đi-a đã gạt bỏ nỗi sợ của bản thân, quyết định lên chiếc xe rồi trượt xuống dốc để "thử xem có còn nghe thấy những lời ngọt ngào say đắm ấy nữa không" => một cô gái quyết tâm truy tìm sự thực.
2.3. Phân tích vai trò của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề của truyện:
- Thông qua hai nhân vật "tôi" và Na-đi-a, tác giả khéo léo gửi gắm thông điệp về sự chân thành của tình yêu thương:
+ Việc biến câu nói "Na-đi-a, anh yêu em" thành "câu chuyện đùa" đã khiến "tôi" bỏ lỡ cơ hội đón nhận hạnh phúc và nhận về sự tiếc nuối, day dứt.
+ Câu nói trêu đùa của "tôi" đã thúc đẩy Na-đi-a đi tìm nguồn cơn sự thật => khát khao hạnh phúc, trân trọng lời yêu thương.
2.4. Đánh giá chủ đề và ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề:
- Chủ đề của tác phẩm khiến con người phải suy ngẫm, trăn trở nhiều hơn về cuộc sống, về những điều bình dị quanh mình.
- Từ câu chuyện, nhà văn mong muốn chúng ta sẽ biết sống, yêu thương một cách chân tình, thành tâm.
2.5. Phân tích đặc sắc nghệ thuật:
- Ngôn từ giản dị, lời văn trong sáng.
- Lời người kể chuyện xen lẫn với độc thoại nội tâm.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của tác phẩm.

phan tich danh gia mot tac pham van hoc ngu van 10 kntt 2

Phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học hay nhất
 

II. Bài văn mẫu Phân tích, đánh giá chủ đề và nhân vật Một chuyện đùa nho nhỏ

Ngay từ khi còn là một sinh viên học ngành Y, An-tôn Sê-khốp bắt đầu sáng tác truyện ngắn và kịch. Với cách viết đặc biệt "truyện không có chuyện", mở đầu thường dẫn thẳng vào khung cảnh câu chuyện, kết thúc thường mang đến cảm giác hụt hẫng "như chưa có chuyện gì xảy ra cả", truyện ngắn của Sê-khốp đã để lại ấn tượng sâu đậm cho độc giả trên toàn thế giới. Trong đó, "Một chuyện đùa nho nhỏ" được coi là tác phẩm tiêu biểu. Thông qua hồi ức của nhân vật "tôi", tác giả khéo léo bày tỏ suy nghĩ về sự chân thành của lời yêu thương.

Câu chuyện xoay quanh những lần trượt tuyết giữa "tôi" và cô gái có tên là Na-đi-a. Ở lần đầu tiên, trước khi chiếc xe dừng lại ở chân đồi, "tôi" đã kịp thì thào nói "Na-đi-a, anh yêu em". Chính bởi câu nói ấy mà Na-đi-a loay hoay đi tìm sự thật. Cô bỏ qua nỗi sợ, tiếp tục rủ "tôi" cùng trượt tuyết. Vào lúc này, "tôi" không còn sự đồng cảm với Na-đi-a nữa. Anh ta canh chừng thời điểm gió gào rít to nhất rồi mới thì thầm nói "Na-đi-a, anh yêu em". Sau tất cả, Na-đi-a vẫn không thể tìm ra nguồn gốc của lời yêu thương. Kết thúc truyện, nhà văn phác họa nên khung cảnh chia li khi "tôi" phải đi Pê-téc-bua cùng nỗi niềm trăn trở, suy tư mãi về sau. Có thể thấy, từ hồi ức về một kỉ niệm nhỏ bé ở quá khứ gắn liền với nhân vật "tôi", Sê-khốp khéo léo đề cập đến sự chân thành trong cuộc sống, trong tình yêu. Đây cũng chính là chủ đề của tác phẩm.

Trước hết, nhân vật "tôi" không được miêu tả cụ thể về tên tuổi, ngoại hình hay tính cách. Mở đầu câu chuyện, nhà văn trực tiếp dẫn người đọc tới khung cảnh thường xuất hiện trở đi trở lại trong tác phẩm - một ngọn đồi cao. Tại nơi đây, "tôi" đã van nài Na-đi-a trượt tuyết cùng mình. Anh vừa đưa ra lời cam đoan "Tôi cam đoan với cô là chúng ta sẽ chẳng hề gì đâu", vừa cố nài nỉ, đả kích tinh thần cô gái "Việc gì mà sợ! Cô phải biết sợ thế là nhát gan, xoàng lắm cô ạ!". Sau khi thuyết phục được Na-đi-a, "tôi" đỡ cô vào xe rồi vòng tay qua giữ lấy cơ thể đối phương. Một hành động tưởng chừng như rất ga lăng. Ở lần trượt tuyết thứ nhất, khi chiếc xe lao vun vút trong gió mạnh, "tôi" đã thì thào nói "Na-đi-a, anh yêu em". Lời yêu thương được cất lên bằng tiếng nói nhỏ nhẹ, tựa như gió thoảng qua tai. Bởi vậy, sau khi hết sợ hãi, Na-đi-a vô cùng hoài nghi và băn khoăn "Có phải anh nói ra những lời đó không? Có những lời đó hay không?". Song, đối diện với cái nhìn dò xét từ Na-đi-a, "tôi" lại tỏ ra bình thản, đứng bên cạnh và nhìn chăm chú vào chiếc găng tay. Dường như "tôi" đang trốn tránh lời yêu thương, trốn tránh Na-đi-a. Hay phải chăng, anh ta không đủ dũng khí để đối diện với tình cảm của mình? Không ai biết rõ nhưng chắc chắn một điều, sau lần trượt tuyết này, "tôi" đã nảy ra ý định trêu đùa Na-đi-a. Đứng trước cặp mắt buồn râu nôn nóng bồn chồn, nhân vật "tôi" không hề cảm thấy thương xót mà chỉ thầm nghĩ "Ôi, gương mặt đáng yêu của nàng mới ngộ nghĩnh làm sao!".

Tiếp đến, ở lần trượt tuyết thứ hai, "tôi" vẫn đỡ Na-đi-a lên xe. Thấy mặt cô nàng tái nhợt, toàn thân run rẩy nhưng anh không đưa tay ra giữ như lần đầu. Rút kinh nghiệm trước đó, "tôi" trông đợi "lúc chiếc xe lao nhanh nhất, tiếng gió gào ghê gớm nhất" rồi mới khẽ khàng thốt lên "Na-đi-a, anh yêu em". Việc làm này tiếp tục diễn ra ở lần trượt tuyết thứ ba và những lần tiếp theo. Để tránh cái nhìn đăm đăm từ Na-đi-a, "tôi" còn làm hành động dùng khăn tay che miệng, đằng hắng lên mấy tiếng. Thay vì quan tâm tới sự sợ hãi của người bạn đồng hành, "tôi" chỉ chú tâm đến tiếng gió thổi và quãng đường trượt tuyết. Có vẻ như, anh ta coi việc đùa cợt là thứ gì đó vui sướng. Như vậy, khi biến lời yêu thương thành "một chuyện đùa", "tôi" đã dần mất đi khả năng đồng cảm với Na-đi-a. Đồng thời, tự đẩy mình ra xa cô gái. "Tôi" nghĩ Na-đi-a sẽ từ bỏ việc truy tìm sự thật đằng sau câu nói "Na-đi-a, anh yêu em". Nhưng không, Na-đi-a vẫn quyết tâm đi tìm sự thật còn "tôi" trở thành một người nhỏ bé trong đám đông.

Sau cùng, hành động đứng bên hàng rào và ghé nhìn qua khe hở ở cuối truyện đã cho ta thấy được tình cảnh éo le của "tôi". Anh không trực tiếp thổ lộ mà tiếp tục chờ làn gió xuân thổi qua rồi thì thào nói câu quen thuộc. Vào thời khắc xuân sang, cuối cùng, "tôi" cũng tìm lại được sự giao cảm với khát khao hạnh phúc của Na-đi-a. Tiếc thay, anh không đủ dũng cảm để bày tỏ "tiếng lòng" của mình. Để rồi, sau này, khi "chuyện ấy đã qua lâu rồi", tôi vẫn trăn trở không hiểu tại sao bản thân lại nói những lời đó và đùa cợt như thế. Đồng thời, nuối tiếc về mọi chuyện. Có thể nói, "tôi" đã không ý thức được tầm quan trọng, sự chân thành của lời yêu thương. Chính "tôi" là người biến tình yêu của mình, của Na-đi-a thành "một chuyện đùa nho nhỏ". Kết cục, "tôi" phải nhận lấy mất mát sau tất cả mọi chuyện. "Tôi" vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân do chính câu chuyện mà bản thân sắp đặt và tạo nên.

Bên cạnh nhân vật "tôi", nhà văn Sê-khốp còn hướng ngòi bút tới cô gái Na-đi-a. Trong tiếng Nga, tên của cô có nghĩa là niềm hi vọng. Cái tên đã góp phần thể hiện một phần con người Na-đi-a. Lần đầu nghe thấy câu nói "Na-đi-a, anh yêu em", cô vô cùng băn khoăn "Có phải anh nói ra những lời đó không? Có những lời đó hay không?". Cô nhìn "tôi" bằng ánh mắt chăm chăm, cảm xúc dường như có chút rối loạn. Để truy tìm nguồn gốc của lời yêu thương, Na-đi-a đã vượt lên nỗi sợ, rủ "tôi" cùng lao dốc. Cứ sau mỗi lần trượt tuyết, cô lại im lặng, nghĩ về điều bản thân nghe thấy. Gương mặt lúc nào cũng toát lên sự hoài nghi không biết ai đã nói câu "Na-đi-a, anh yêu em". Trong thâm tâm Na-đi-a hiện lên vô vàn câu hỏi "Điều gì đã xảy ra? Ai nói những lời ấy? Anh ấy hay là chỉ do ta nghe được" và những phủ nhận "Không, gió không thể nói được những lời ấy! Mà mình cũng không muốn tin rằng gió đã nói những lời ấy". Na-đi-a tỏ ra băn khoăn cực điểm về lời yêu thương. Cô hoài nghi nó có tồn tại hay không hay chỉ đơn thuần là tiếng lòng của chính cô mà thôi. Cô hi vọng câu nói kia là do "anh ấy nói" chứ không phải "gió nói", để từ đó khẳng định điều bản thân nghe thấy là sự thực. Ở lần trượt tuyết một mình, dù mặt mũi tái nhợt, cả người run rẩy nhưng Na-đi-a vẫn ngồi lên chiếc xe. Cô gạt bỏ nỗi sợ tận sâu bên trong để quyết tâm truy tìm sự thực "thử xem có còn nghe thấy những lời ngọt ngào say đắm ấy nữa không". Và vào chính thời khắc này, Na-đi-a đã biến "tôi" trở thành một kẻ tầm thường giữa đám đông. Có thể thấy, niềm khát khao hạnh phúc luôn dâng trào trong con người Na-đi-a.

Thông qua hai nhân vật "tôi" và Na-đi-a, tác giả khéo léo gửi gắm thông điệp về sự chân thành của tình yêu thương. Việc biến câu nói "Na-đi-a, anh yêu em" thành "câu chuyện đùa" đã khiến "tôi" bỏ lỡ cơ hội đón nhận hạnh phúc và nhận về sự tiếc nuối, day dứt. Câu nói đùa cợt ấy cũng góp phần thúc đẩy Na-đi-a đi tìm nguồn cơn sự thật. Như vậy, hai nhân vật chính dường như đứng ở thế đối lập nhau: một người đùa giỡn với tình yêu còn một người khát khao, trân trọng tình yêu.

Bằng ngôn từ giản dị, lời văn trong sáng cùng lối kể chuyện độc đáo - lời người kể xen lẫn với độc thoại nội tâm, Sê-khốp đã mang đến một câu chuyện thật hay và hấp dẫn. Từ đây, nhà văn mong muốn chúng ta sẽ biết sống, yêu thương một cách chân tình, thành tâm hơn. Đừng để mọi chuyện trở thành niềm tiếc nuối, day dứt khắc sâu trong tâm trí.

Đọc nhan đề "Một chuyện đùa nho nhỏ", ta tưởng như đây sẽ là một câu chuyện nhẹ nhàng song hoàn toàn ngược lại. Hành động của nhân vật "tôi" đã nhắc nhở độc giả phải suy ngẫm, trăn trở nhiều hơn về cuộc sống, về những thứ bình dị quanh mình. Mong rằng, qua truyện ngắn này, mỗi người sẽ có cách ứng xử đúng mực và phù hợp.
 

C. Đề 3: Phân tích, đánh giá chủ đề và nhân vật truyện Chữ người tử tù.


I. Dàn ý Phân tích, đánh giá chủ đề và nhân vật truyện Chữ người tử tù

1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm
2. Thân bài:
2.1. Chủ đề của truyện: sự chiến thắng của cái đẹp với cái nhem nhuốc, tục tằn, của thiên lương với cái ác.
2.2. Phân tích từng nhân vật tiêu biểu và mối quan hệ giữa các nhân vật:
a. Nhân vật Huấn Cao:
* Là người tài hoa:
- Thông qua lời nói của viên quản ngục, Huấn Cao hiện lên là người có tài viết chữ nhanh và rất đẹp.
- Tài viết chữ hoa của Huấn Cao khiến cho mọi người đều nể phục, ngưỡng mộ.
* Là người có khí phách:
- Là thủ lĩnh, dám cầm đầu đám phản nghịch, đứng lên chống lại triều đình.
- Không run sợ, nao núng, yếu thế khi đối diện với cường quyền: thể hiện qua hành động "dỗ gông".
- Trong suốt thời gian ở nhà lao, ông luôn tỏ ra lạnh lùng, coi việc viên quản ngục mang đồ ăn thức uống đến là "một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình".
- Trước khi ra pháp trường, vẫn bình tĩnh viết từng nét chữ rồi tận tình khuyên nhủ viên quản ngục.
* Là người có thiên lương trong sáng, nhân cách cao đẹp:
- Một con người luôn coi khinh những trò "tiểu nhân thị oai".
- Trân trọng những con người có tấm lòng cao quý như viên quản ngục.
- Luôn tôn thờ cái đẹp, không chấp nhận sự thiếu rạch ròi giữa cái thiện và cái ác.
b. Nhân vật viên quản ngục:
- Là một con người biết thưởng thức và yêu cái đẹp:
+ Bất chấp pháp luật để biệt đãi một kẻ tử tù.
+ Không cảm thấy tự ái khi nghe Huấn Cao nói những lời lẽ khó nghe đến mức "khinh bạc đến điều".
+ Luôn tỏ ra khép nép, khúm núm khi đối diện với Huấn Cao.
+ Trước lời khuyên của Huấn Cao, viên quản ngục tỏ ra xúc động và nói "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh".
2.3. Phân tích vai trò của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề của truyện:
- Ở nhân vật Huấn Cao, từ cử chỉ, hành động đến phong thái đều toát lên một vẻ đẹp bình dị nhưng cũng rất đỗi phi thường. Nhân vật chính là đại diện cho những con người có vẻ đẹp khí phách, hiên ngang, không chịu khuất phục trước quyền thế, đến chết vẫn giữ trọn nghĩa khí và thiên lương sáng ngời.
- Ở nhân vật viên quản ngục, ta thấy đây là một con người có tấm lòng cao đẹp. Dù sống trong môi trường tối tăm như ngục tù nhưng quản ngục vẫn giữ được vẻ đẹp tâm hồn của mình.
2.4. Đánh giá chủ đề và ý nghĩa của nhân vật trong việc thể hiện chủ đề:
- Qua những chi tiết khắc họa hành động, lời nói của hai nhân vật, Nguyễn Tuân đã làm nổi bật chủ đề của tác phẩm: ca ngợi sức sống của cái đẹp. Cái đẹp là bất tử và bất diệt trong bất cứ hoàn cảnh nào.
- Đồng thời, khéo léo gửi gắm quan niệm thẩm mĩ và quan niệm nghệ thuật:
+ Cái đẹp và cái ác luôn song hành cùng nhau song sau tất cả, cái đẹp luôn tỏa sáng rực rỡ.
+ Cái đẹp có thể được sinh ra trong thứ bẩn thỉu, nhơ nhuốc nhưng không thể chung sống với cái xấu ấy.
2.5. Phân tích đặc sắc nghệ thuật:
- Ngôn ngữ giàu sức tạo hình.
- Thủ pháp đối lập.
- Tình huống truyện đặc sắc.
 

II. Bài văn mẫu Phân tích, đánh giá chủ đề và nhân vật truyện Chữ người tử tù:

Nhắc tới các tác giả thuộc trào lưu văn học lãng mạn nửa đầu thế kỉ XX, chúng ta không thể không đề cập đến Nguyễn Tuân - một cây bút quen thuộc với nhiều độc giả. Suốt cuộc đời cầm bút, người nghệ sĩ tài hoa này luôn khao khát đi kiếm tìm cái đẹp hoàn mĩ. Từ đó, bày tỏ và gửi gắm những giá trị, ý nghĩa nhân văn cao cả. Điều này được thể hiện chân thực qua tác phẩm "Chữ người tử tù". Đây là một truyện ngắn hết sức nổi tiếng, trích từ tập "Vang bóng một thời".

Trước hết, "Chữ người tử từ" có tình huống rất đặc sắc. Huấn Cao - nhân vật chính là người đứng đầu bọn phản nghịch, bị quy án tử hình. Sống trong cảnh tù tội, Huấn Cao vẫn giữ cho mình khí phách kiên trung. Ở ngục giam, ông đã nhận được sự quan tâm đến từ viên quản ngục - người nắm quyền hành ở trại giam. Nhân vật viên quản ngục là người luôn yêu và biết nâng niu cái đẹp. Gần cuối câu chuyện, cảnh Huấn Cao cho chữ nhân vật này được đánh giá là một chi tiết đắt giá. Từ đây, tác giả khéo léo làm nổi bật chủ đề truyện: sự chiến thắng của cái đẹp với cái nhem nhuốc, tục tằn, của thiên lương với cái ác.

Ngay từ đầu, nhân vật Huấn Cao không xuất hiện trực tiếp mà xuất hiện gián tiếp thông qua lời câu hỏi thăm của viên quản ngục "Huấn Cao! Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?". Chỉ với câu nói ngắn gọn, Huấn Cao hiện lên chân thực với tư cách là người nghệ sĩ tài hoa. Những nét chữ vuông vắn trên tấm lụa trắng của ông luôn khiến người đời cảm thấy ngưỡng mộ, quý trọng như "một vật báu trên đời".

Bên cạnh đó, Huấn Cao còn được khắc họa là người có khí phách bất khuất, anh hùng. Ông dám cầm đầu đám phản nghịch, đứng lên chống lại triều đình - một việc mà chẳng ai dám nghĩ đến. Cốt cách mạnh mẽ, bản lĩnh anh hùng ấy tiếp tục được thể hiện qua hành động dỗ gông. Ngay trong khoảnh khắc đặt chân bước vào nhà tù, ông không tỏ ra run sợ hay nao núng mà vẫn bình thản lạ lùng "Rệp cắn tôi, đỏ cả cổ lên rồi. Phải dỗ gông đi". Suốt thời gian bị giam giữ, Huấn Cao luôn lạnh lùng với mọi việc, coi chuyện viên quản ngục mang đồ ăn thức uống đến là "một việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh". Ông chẳng lấy làm lo sợ hay khúm núm khi đứng trước quản ngục - người đứng đầu nhà lao. Ngược lại, ông thẳng thắn nói ra những lời khinh bạc đối phương "Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây.". Trước lúc ra pháp trường, người tử tù ấy đã hóa thành người nghệ sĩ thực thụ, vẽ từng nét chữ lên tấm lụa rồi tận tình khuyên nhủ viên quản ngục. Có thể thấy, dù ở bất kì hoàn cảnh nào thì Huấn Cao vẫn luôn vững lòng, vững chí, bình tĩnh đối mặt. Đây cũng chính là vẻ đẹp của một con người tự do, ngông nghênh.

Nguyễn Tuân tiếp tục hoàn thiện bức chân dung về nhân vật bằng vẻ đẹp thiên lương trong sáng cùng nhân cách cao cả. Huấn Cao luôn coi khinh những trò "tiểu nhân thị oai". của bọn lính lệ và hành động kì lạ đến từ viên quản ngục. Ông cũng coi thường tiền bạc và quyền lực "Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết câu đối bao giờ". Sau này, khi biết được mọi chuyện, Huấn Cao đã hoàn toàn thay đổi thái độ. Ông không tiếp tục bày ra vẻ mặt lạnh lùng mà mỉm cười với thầy thơ lại. Ông chân thành bày tỏ sự cảm động của bản thân "Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người.". Câu nói đã cho thấy tấm lòng trân trọng mà ông dành cho con người có tâm hồn trong sáng, cao đẹp như viên quản ngục. Bằng khí phách của mình, Huấn Cao đã biến nhà tù tối tăm thành nơi sáng tạo cái đẹp, nơi những tấm lòng cao cả gặp gỡ. Sau cùng, lời khuyên nhủ "Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi" đã tô đậm nhân cách của kẻ luôn tôn thờ cái đẹp, không chấp nhận sự thiếu rạch ròi giữa thiện và ác.

Ngoài Huấn Cao, nhân vật viên quản ngục cũng được miêu tả là con người biết thưởng thức và yêu cái đẹp. Bất chấp quy định nơi nhà tù, ông dũng cảm biệt đãi một kẻ phản nghịch chống lại nhà nước. Khi Huấn Cao nói những lời lẽ khó nghe, thầy Quản không cảm thấy tự ái mà lễ phép trả lời "Xin lĩnh ý". Các bữa cơm đầy đủ rượu, thịt vẫn tiếp tục được mang đến căn phòng giam. Trong thời khắc cho chữ hết sức thiêng liêng, thầy Quản đã có sự hoán đổi vị trí với Huấn Cao. Giờ đây, người đứng đầu trại giam lại đang khép nép, khúm núm trước người tử tù. Hành động ấy không phải là biểu hiện của sự sợ hãi mà là thái độ kính trọng, ngưỡng mộ. Lắng nghe lời di huấn của Huấn Cao, viên quản ngục tỏ ra hết sức xúc động, nói "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh". Câu nói được cất lên từ một nhân cách, một tấm lòng cao đẹp, trong trẻo.

Bằng ngôn ngữ giàu sức tạo hình, tình huống truyện đặc sắc cùng thủ pháp đối lập, nhà văn Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục - hai cá nhân có hoàn cảnh trái ngược. Ở Huấn Cao, từ cử chỉ, hành động đến phong thái đều toát lên vẻ bình dị nhưng cũng rất đỗi phi thường. Nhân vật chính là đại diện cho những con người có vẻ đẹp khí phách, hiên ngang, không chịu khuất phục trước quyền thế, đến chết vẫn giữ trọn nghĩa khí và thiên lương sáng ngời. Ở viên quản ngục, ta thấy đây là một người có tấm lòng đẹp đẽ. Dù sống, làm việc trong môi trường tối tăm như ngục tù nhưng thầy Quản vẫn giữ được tâm hồn trong sáng của mình.

Như vậy, qua việc xây dựng hai nhân vật, Nguyễn Tuân bày tỏ quan niệm sâu sắc về thẩm mĩ và nghệ thuật. Cái đẹp luôn có sức sống bền bỉ, mãnh liệt theo thời gian. Cái đẹp và cái xấu xa thường song hành cùng nhau song sau tất cả, cái đẹp sẽ giành chiến thắng và tỏa sáng rực rỡ. Cuối cùng, cái đẹp có thể được sinh ra trong môi trường bẩn thỉu, tối tăm nhưng không thể sống chung với cái xấu ấy.

Đọc "Chữ người tử tù", ta lại hiểu hơn về cái tâm đáng quý trọng của Nguyễn Tuân. Khép lại trang sách, độc giả sẽ không thể nào quên hình ảnh con người khí phách, tài hoa như Huấn Cao hay tấm lòng, tâm hồn cao đẹp ở viên quản ngục. Những giá trị, ý nghĩa trong tác phẩm cũng chính là hành trang quý báu của mỗi chúng ta.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-danh-gia-mot-tac-pham-van-hoc-ngu-van-10-kntt-74518n.aspx
Trước khi viết, em cần đọc lại toàn bộ văn bản rồi xác định chủ đề. Sau đó, lần lượt phân tích những nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật. Ngoài bài tham khảo trên, Taimienphi.vn còn rất nhiều văn mẫu lớp 10 chất lượng khác như:
- Phân tích Con khướu sổ lồng
- Phân tích hình ảnh "hàng rào" trong Một chuyện đùa nho nhỏ

Tác giả: Đỗ Bá Hưng     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Giải bài tập trang 95 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 91, 92 SGK Toán 3 Tập 1, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Giải bài tập trang 30, 31, 32, 33, 34 SGK Toán 3 Tập 2, sách Kết nối tri thức với cuộc sống
Link tải Sách giáo khoa lớp 3 Kết nối tri thức
Giải toán lớp 6 trang 37 tập 1 sách Kết Nối Tri Thức
Từ khoá liên quan:

Phan tich danh gia mot tac pham van hoc

, Dan y Viet van ban nghi luan phan tich danh gia mot tac pham truyen, Bai van mau Viet van ban nghi luan danh gia mot tac pham tho,

SOFT LIÊN QUAN
  • Bộ Sách Kết nối tri thức với cuộc sống

    File mềm sách Kết nối tri thức với cuộc sống cho học sinh

    Ngoài sách Chân trời sáng tạo, bộ sách Cánh Diều thì bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn theo tiêu chuẩn sách giáo khoa mới đưa ra thử nghiệm trong năm học mới. Giống ...

Tin Mới