Các em đã biết trao đổi với bạn bè xung quanh về một vấn đề nào đó hay chưa? Dàn ý và bài tham khảo Nói và nghe: Trao đổi về một vấn đề Ngữ văn 7 Cánh diều, học kì I sẽ giúp em rèn luyện kỹ năng thuyết trình; đồng thời gợi ý cho em một vài vấn đề đáng quan tâm.
Nói và nghe: Trao đổi về một vấn đề Ngữ văn 7 Cánh Diều
Soạn bài Trao đổi về một vấn đề SGK Ngữ Văn 7 tập 1
I. Trao đổi về hiện tượng một số người chưa hiếu thảo với ông bà hoặc cha, mẹ
1. Dàn ý: Trao đổi về hiện tượng một số người chưa hiếu thảo với ông bà hoặc cha, mẹ.
a. Mở đầu:
- Giới thiệu vấn đề cần trao đổi: một số người chưa hiếu thảo với ông bà hoặc cha, mẹ.
b. Nội dung chính:
- Nêu biểu hiện của hiện tượng này trong đời sống:
+ Một số người chưa hiếu thảo với ông bà, cha mẹ.
+ Có người còn nhẫn tâm để bố mẹ già yếu sống lam lũ, vất vả.
+ Một vài cá nhân lại có hành vi bạo lực với những người đã sinh thành, nuôi dưỡng ra mình.
- Những việc cần làm để hiểu thảo với ông bà, cha mẹ:
+ Biết kính trọng, thương yêu và lễ phép với người lớn trong nhà.
+ Chúng ta nên quan tâm, chia sẻ với ông bà, cha mẹ nhiều hơn.
+ Chăm chỉ học tập, bồi dưỡng đạo đức cũng là cách để chúng ta thể hiện lòng hiếu thảo của mình.
c. Kết thúc:
- Nên cảm nhận của bản thân về vấn đề.
2. Bài nói: Trao đổi về hiện tượng một số người chưa hiếu thảo với ông bà hoặc cha, mẹ
Em chào cô và các bạn. Em tên là Ngọc Huyền. Hôm nay, em xin được trình bày những suy ngẫm của mình về "Hiện tượng một số người chưa biết hiếu thảo với ông bà hoặc cha, mẹ".
Trước hết, theo mình thấy, ai trong chúng ta cũng được học và hiểu về ý nghĩa của từ "hiếu thảo". Thế nhưng, bên cạnh những người sống kính trọng người lớn trong gia đình thì lại có một số người chưa hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Họ có cách hành xử vô lễ, chưa đúng mực với người thân. Thậm chí, có người còn nhẫn tâm để bố mẹ già yếu sống lam lũ, vất vả. Hay một vài cá nhân lại có hành vi bạo lực với những người đã sinh thành, nuôi dưỡng ra mình. Tất cả trường hợp trên là việc làm trái với lương tâm và đi ngược với các giá trị đạo đức.
Các bạn ạ, ca dao Việt Nam có câu "Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Chúng ta - những người được sống trong tình yêu thương, cần làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với cha mẹ, ông bà. Mỗi người phải biết kính trọng, thương yêu và lễ phép với người lớn trong nhà. Bên cạnh đó, chúng ta nên quan tâm, chia sẻ với ông bà, cha mẹ nhiều hơn. Chăm chỉ học tập, bồi dưỡng đạo đức cũng là cách để chúng ta - những học sinh thể hiện lòng hiếu thảo của mình.
Trên đây là bài thuyết trình của em về "Hiện tượng một số người chưa biết hiếu thảo với ông bà hoặc cha, mẹ". Qua bài thuyết trình này, mong rằng, tất cả mọi người hãy sống yêu thương, kính trọng và biết ơn những người có công sinh thành, dạy bảo chúng ta.
Em xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe. Em rất mong sẽ nhận được ý kiến đóng góp để bài thuyết trình thêm hoàn thiện hơn.
Nói và nghe: Trao đổi về một vấn đề Ngữ văn 7 Cánh Diều
II. Trong các bài thơ "Mẹ" (Đỗ Trung Lai), "Ông đồ" (Vũ Đình Liên), "Tiếng gà trưa" (Xuân Quỳnh), em thích nhất bài thơ nào? Vì sao?
1. Dàn ý: Trong các bài thơ "Mẹ" (Đỗ Trung Lai), "Ông đồ" (Vũ Đình Liên), "Tiếng gà trưa" (Xuân Quỳnh), em thích nhất bài thơ nào? Vì sao?
a. Mở đầu:
- Giới thiệu bài thơ em yêu thích nhất: "Tiếng gà trưa" - Xuân Quỳnh.
b. Nội dung chính: giải thích lí do em yêu thích qua các phương diện sau:
- Đặc sắc về nội dung bài thơ: tình cảm bà cháu thiêng liêng:
+ Bà đã dạy dỗ, nuôi dưỡng cháu trong suốt thời gian ấu thơ.
+ Tình yêu của cháu dành cho bà hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước.
- Hình thức nghệ thuật độc đáo:
+ Ngôn từ sinh động, giàu cảm xúc.
+ Hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc.
+ Các biện pháp tu từ: điệp ngữ, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, so sánh.
c. Kết thúc:
- Nêu cảm xúc của em về bài thơ.
2. Bài nói: Trong các bài thơ "Mẹ" (Đỗ Trung Lai), "Ông đồ" (Vũ Đình Liên), "Tiếng gà trưa" (Xuân Quỳnh), em thích nhất bài thơ nào? Vì sao?
Em chào cô và các bạn. Em tên là Hà. Trong tiết học ngày hôm nay, em xin được trình bày những suy nghĩ, cảm xúc của mình về nội dung và nghệ thuật của một bài thơ bốn chữ hoặc năm chữ trong Ngữ văn 7 - Cánh Diều. Trong ba bài thơ đã học là "Mẹ" (Đỗ Trung Quân), "Ông đồ" (Vũ Đình Liên), "Tiếng gà trưa" (Xuân Quỳnh), em thích nhất tác phẩm "Tiếng gà trưa". Bài thơ với những đặc sắc trong nội dung và hình thức nghệ thuật đã để lại cho em ấn tượng sâu đậm về tình bà cháu.
Đầu tiên, em cảm nhận được tình bà cháu sâu sắc trong bài thơ. Tiếng gà trưa trên đường hành quân "Trên đường hành quân xa/ Dừng chân bên xóm nhỏ/ Tiếng gà ai nhảy ổ" đã khơi dậy nỗi nhớ của cháu về tuổi thơ và người bà. Sau bao năm xa nhà, một lần nữa nghe thấy tiếng kêu quen thuộc "Cục... cục tác cục ta", cháu lại bồi hồi nhớ về những kỉ niệm khi sống bên bà. Cháu nhớ tới người bà đảm đang, tần tảo, chắt chiu từng quả trứng hồng để "Cho con gà mái ấp". Rồi khi đàn gà ấy lớn lên, bà lại cần mẫn chăm sóc để có tiền mua cho cháu bộ quần áo mới "Để cuối năm bán gà/ Cháu được quần áo mới". Bà đã dạy dỗ, nuôi dưỡng cháu trong suốt thời gian ấu thơ. Để rồi, cảm nhận được tình yêu thương bao la của bà, cháu luôn vững lòng chiến đấu cho Tổ quốc. Tình yêu cháu dành cho bà hòa quyện với tình yêu quê hương, đất nước, trở thành động lực cho cháu vững vàng nơi khói lửa bom đạn.
Bên cạnh đặc sắc về nội dung, điều làm em ấn tượng ở bài thơ "Tiếng gà trưa" còn đến từ những độc đáo trong hình thức nghệ thuật. Ngôn từ sinh động, giàu cảm xúc, hình ảnh thơ gần gũi, quen thuộc kết hợp cùng điệp ngữ "tiếng gà trưa" được lặp lại nhiều lần đã góp phần tạo nên sức hút cho tác phẩm. Ngoài ra, bài thơ còn sử dụng nhiều biện pháp tu từ khác như ẩn dụ chuyển đổi cảm giác "Tiếng gà ai nhảy ổ/ Cục... cục tác cục ta/ Nghe xao động nắng trưa...", so sánh "lông óng như màu nắng".
Tình bà cháu trong bài thơ đã nhắc nhở em về tình cảm gia đình thiêng liêng. Tác phẩm gợi lên cho em những suy nghĩ về người bà kính yêu của mình. Từ đây, em càng thêm trân trọng hơn những kỉ niệm bên bà.
Trên đây là bài thuyết trình của em. Em xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.
Trao đổi, bàn luận về vấn đề nào đó là yêu cầu quan trọng khi học Ngữ văn. Bài tham khảo mà Taimienphi.vn cung cấp sẽ giúp các em xây dựng ý tưởng cho hiện tượng một số người chưa hiếu thảo với ông bà hoặc cha, mẹ và trình bày cảm nhận về bài thơ yêu thích. Qua đây, em hãy rèn luyện thêm một số kĩ năng cần thiết khi thuyết trình nhé!
Các bài văn mẫu lớp 7 khác:
- Trao đổi về hiện tượng một số người chưa hiếu thảo với ông bà hoặc cha, mẹ
- Trong các bài thơ "Mẹ" (Đỗ Trung Lai), "Ông đồ" (Vũ Đình Liên), "Tiếng gà trưa" (Xuân Quỳnh), em thích nhất bài thơ nào? Vì sao?
https://thuthuat.taimienphi.vn/noi-va-nghe-trao-doi-ve-mot-van-de-ngu-van-7-canh-dieu-71688n.aspx