Hiện tượng háo danh và bệnh thành tích là hai vấn đề nổi trội được đưa ra bàn luận trong bài viết lần này. Mời các em tham khảo Soạn bài Nghị luận về một vấn đề của đời sống, Ngữ văn lớp 8 Cánh Diều, học kì I do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn để nắm được cụ thể cách làm dạng bài này nhé.
Soạn bài Nghị luận về một vấn đề của đời sống
I. Soạn bài Nghị luận về một vấn đề của đời sống - Các bước khi viết bài:
Bước 1: Chuẩn bị.
- Xác định hiện tượng đời sống cần bàn luận.
- Xác định những ý kiến, quan điểm của riêng mình về hiện tượng muốn nhắc đến.
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý.
* Tìm ý cho bài viết bằng cách đặt ra một số câu hỏi:
- Vấn đề đời sống em muốn bàn luận là gì?
- Vấn đề đó có những mặt trái, mặt phải như thế nào?
- Ý kiến của em về những điều đó, vì sao?
- Em có giải pháp gì để đẩy lùi tiêu cực, lan tỏa điểm tích cực của hiện tượng đó hay không?
- Bài học em rút ra từ vấn đề, hiện tượng đời sống đó là gì?
* Sắp xếp ý theo bố cục ba phần của bài văn:
- Mở bài: Giới thiệu vấn đề trong đời sống mà em muốn bàn luận.
- Thân bài:
+ Giải thích vấn đề đó là gì.
+ Đưa ra nguyên nhân, thực trạng của vấn đề.
+ Tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề đó.
+ Những khía cạnh khác của vấn đề.
+ Bài học nhận thức và hành động em rút ra từ vấn đề đó.
- Kết bài: Khẳng định và nâng cao vấn đề.
Bước 3: Viết bài.
- Viết bài dựa trên dàn ý đã lập.
Bước 4: Kiểm tra và chỉnh sửa.
- Kiểm tra bài viết xem đã đầy đủ, chính xác yêu cầu của đề bài chưa.
- Kiểm tra chính tả, diễn đạt.
II. Đề bài: Suy nghĩ của em về hiện tượng háo danh và "bệnh" thành tích.
1. Dàn ý Suy nghĩ của em về hiện tượng háo danh và "bệnh" thành tích:
1.1. Mở bài:
- Giới thiệu về hiện tượng háo danh và "bệnh" thành tích.
1.2. Thân bài:
* Giải thích:
- Hiện tượng háo danh: là sự ham muốn một địa vị nào đó có ảnh hưởng đến cộng đồng.
- Thành tích là những kết quả tốt. "Bệnh" thành tích dùng để chỉ những người chạy theo kết quả tốt một cách bất chấp, không quan tâm đến các giá trị thực ở bên trong.
- Hiện tượng háo danh chính là nguyên nhân dẫn đến "bệnh" thành tích.
* Thực trạng:
- Hiện tượng háo danh:
+ Từ thời phong kiến, hiện tượng háo danh đã được biểu hiện ở việc mua quan bán tước. Như Tú Xương đã viết trong "Năm mới chúc nhau": "Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang/ Đứa thì mua tước, đứa mua quan."
+ Ngày nay, có rất nhiều danh hiệu tự phong, tự đặt như: "nữ hoàng giải trí", "ông vua thời trang", "ngôi sao âm nhạc",... nhưng tài năng, thực lực của họ vẫn chưa đủ để xứng đáng với những danh hiệu đó.
- Bệnh thành tích là một hiện tượng thường thấy trong các cơ quan nhà nước:
+ Các cá nhân, tập thể tạo ra những kết quả không có thực hoặc quá hào nhoáng nhằm được khen ngợi, trao thưởng.
+ Che giấu những sai phạm nghiêm trọng nhằm giữ vững thành tích giả.
+ Trong giáo dục, bệnh thành tích khiến cho học sinh gặp áp lực lớn, phải giữ vững thành tích cho nhà trường, dẫn đến hiện tượng "học giả, thi giả, bằng giả".
* Nguyên nhân:
- Do thói ghen ăn tức ở, hơn thua nhau từng chút một trong những cuộc thi đua, giành giải thưởng.
- Tâm lí thích được tán dương, khen ngợi nhưng lại không đủ giỏi giang, không có năng lực để được khen.
- Do áp lực từ những cá nhân, tập thể khác. Trong một môi trường mà mọi người đều thi đua nhưng mình lại không có năng lực thì con người thường tự tạo dựng những điều dối trá để biến nó thành kết quả giả, mang đi thi đua.
* Hệ quả:
- Con người dần trở nên giả tạo, ích kỉ, bất chấp mọi thứ để đạt được mục đích cho bản thân.
- Khiến cho môi trường cạnh tranh không còn công bằng, lành mạnh nữa.
- Tạo tiền đề cho những vấn nạn tiêu cực khác như tham ô, tham nhũng, biển thủ,...
* Giải pháp:
- Thắt chặt công tác kiểm tra, quản lí, xử lí nghiêm khi phát hiện có gian dối.
- Tuyên truyền, vận động các cá nhân không chạy theo bệnh thành tích, làm việc trách nhiệm, trung thực.
* Bài học nhận thức và hành động:
- Bệnh thành tích là căn bệnh mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải.
- Mỗi người cần tự biết rèn luyện bản thân để không vướng vào thói ích kỉ, ham hư danh, phát triển năng lực và phẩm chất để không mắc phải bệnh thành tích:
+ Cần quản lí chặt chẽ lộ trình, hướng phát triển, quan tâm vào thực chất chứ không phải kết quả.
+ Nâng cao năng lực của bản thân để tạo ra những điều thực sự có giá trị.
- Mở rộng: Trái ngược với bệnh thành tích là ý thức phấn đấu vươn lên, đạt thành tích cao nhờ chính năng lực của mình.
1.3. Kết bài:
- Khái quát, khẳng định lại vấn đề.
2. Bài văn mẫu Suy nghĩ của em về hiện tượng háo danh và "bệnh" thành tích:
Thi thoảng, chúng ta vẫn thường nghe thấy những lời phát biểu, kêu gọi như: đẩy lùi bệnh thành tích, thói háo danh. Vậy đây là hiện tượng gì? Chúng ảnh hưởng như thế nào đến đời sống con người? Vì sao lại cần phải đẩy lùi và loại bỏ chúng?
Háo danh là sự ham muốn địa vị, chức danh có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng. Vì thế mà con người làm những việc không chính đáng để có được cái "danh" ấy, mặc kệ đó chỉ là danh hão, không có thực chất. Thành tích là những kết quả tốt, những thành tựu tích cực mà con người mong muốn đạt được. Nhưng "bệnh" thành tích lại là thuật ngữ dùng để chỉ những người chạy theo kết quả ấy một cách bất chấp, không quan tâm đến giá trị bên trong. Có thể nhận định rằng hiện tượng háo danh chính là nguyên nhân dẫn đến "bệnh" thành tích.
Từ thời phong kiến, hiện tượng háo danh đã được biểu hiện ở việc mua quan bán tước. Như Tú Xương đã viết trong "Năm mới chúc nhau": "Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang/ Đứa thì mua tước, đứa mua quan.". Ngày nay, có rất nhiều người tự phong cho mình những danh hiệu như: "nữ hoàng giải trí", "ông vua thời trang", "ngôi sao âm nhạc",... Thế nhưng tài năng, thực lực của họ vẫn chưa đủ xứng tầm với danh hiệu đó. Hay dễ nhận thấy hơn là ở trong cơ quan, tổ chức nhà nước, vẫn tồn tại các cá nhân, tập thể tạo ra kết quả không có thực hoặc quá hào nhoáng nhằm được khen ngợi, trao thưởng. Họ che giấu những sai phạm nghiêm trọng nhằm giữ vững danh hiệu giả dối. Đặc biệt, bệnh thành tích trong giáo dục là một ví dụ cực kì gần gũi. Nó khiến cho học sinh gặp áp lực lớn, dẫn đến hiện tượng "học giả, thi giả, bằng giả".
Thói háo danh và bệnh thành tích xuất hiện do tâm lí thích được tán dương, khen ngợi của con người. Áp lực từ những cá nhân, tập thể giỏi giang khác cũng là lí do dẫn đến hiện tượng chạy theo thành tích. Hay do chính tính cách ghen ăn tức ở, hơn thua nhau từng chút một của con người đã khiến cho "căn bệnh" ngày một lan rộng và trở nên trầm trọng.
Hiện tượng háo danh và bệnh thành tích ngày càng khiến con người giả tạo, ích kỉ, bất chấp mọi thứ để đạt được mục đích riêng. Dần dần, môi trường cạnh tranh không còn công bằng, lành mạnh nữa. Hiện tượng này tạo tiền đề cho những vấn nạn tiêu cực khác như tham ô, tham nhũng, biển thủ,...Vì thế, những nhà quản lí phải thắt chặt công tác kiểm tra, quản lí, xử lí nghiêm khi phát hiện có gian dối, tuyên truyền, vận động các cá nhân không chạy theo bệnh thành tích. Thay vào đó, hãy làm việc một cách trách nhiệm và trung thực.
Bệnh thành tích là căn bệnh mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Mỗi người cần tự biết rèn luyện bản thân để không bị vướng vào thói ích kỉ, ham hư danh, phát triển năng lực và phẩm chất để không mắc phải nó. Chúng ta nên quản lí chặt chẽ lộ trình, hướng phát triển, quan tâm vào thực chất chứ không phải kết quả. Đồng thời, tự nâng cao năng lực để tạo ra những điều thực sự có giá trị.
Háo danh và bệnh thành tích chính là mối ung nhọt của xã hội, là rào cản để con người phát triển và dựng xây đất nước. Thế nên chúng ta cần phải loại bỏ chúng càng sớm càng tốt.
III. Soạn bài Nghị luận về một vấn đề của đời sống - Bài tập:
* Gợi ý trả lời câu hỏi bài tập - Ngữ văn 8 Cánh diều:
- Nhận biết hai loại bằng chứng trong hai đoạn văn:
+ Đoạn 1: Bằng chứng từ đời sống.
+ Đoạn 2: Bằng chứng trong thơ văn.
- Tìm thêm một bằng chứng từ thực tế đời sống và một bằng chứng trong thơ văn cho đề bài ở mục 2.1:
+ Bằng chứng từ thực tế đời sống: Bệnh thành tích trong giáo dục gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Người chịu ảnh hưởng nhiều nhất chính là học sinh. Vì chạy đua theo thành tích, các em học sinh sẽ có tình trạng "ngồi nhầm lớp", "kết quả không tương xứng với năng lực". Nó còn khiến học sinh cảm thấy mệt mỏi vì luôn phải ganh đua với bạn học, chịu thiệt thòi khi bị coi là thua kém, không giỏi bằng các bạn khác trong lớp.
+ Bằng chứng trong thơ văn: Vở kịch "Bệnh sĩ" của nhà biên kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ đã kể cho khán giả biết về một căn bệnh lớn của thời đại. Con người chỉ ưa những thứ danh hão, đổi tên chức vụ, làng xóm nghe sao cho thật sang, thật khí thế nhưng đó chỉ là thứ vỏ bên ngoài. Thực chất, đổi tên xong, chăn nuôi, hoạt động sản xuất vẫn đình đốn, không phát triển được, thậm chí còn thụt lùi đi. Bệnh sĩ, hiện tượng háo danh vô thực vẫn đang lẩn khuất đâu đấy trong đời sống con người. Nhà biên kịch tài ba của Việt Nam đã phản ánh bệnh này trong vở kịch của mình, biến nó thành tác phẩm có sức sống lên đến hơn 30 năm nay.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-nghi-luan-ve-mot-van-de-cua-doi-song-76905n.aspx
Để phân biệt hai loại bằng chứng, em hãy nhớ rằng bằng chứng trong thơ văn sẽ được giới thiệu tên tác phẩm hay trích một đoạn thơ, đoạn văn để minh chứng còn bằng chứng trong đời sống thì không nhé. Mời em tham khảo thêm những soạn khác trên Taimienphi.vn như: Soạn bài Thi nói khoác; Soạn bài Treo biển.