Dàn ý và bài tham khảo Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội Ngữ văn 10 Cánh Diều, học kì I do Taimienphi.vn biên soạn dưới đây sẽ là gợi ý hữu ích giúp em nắm chắc kỹ năng khi viết văn nghị luận xã hội.
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội Ngữ văn 10 Cánh Diều
Văn mẫu Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội trang 33 SGK
I. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội: Suy nghĩ về những tấm gương vượt lên số phận của chính mình
1. Dàn ý
a. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề xã hội cần bàn luận: những tấm gương vượt lên số phận của chính mình.
b. Thân bài
* Giải thích:
- Vượt lên số phận của chính mình là dũng cảm đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống, không gục ngã hay dễ dàng từ bỏ trước những thử thách, biết biến khiếm khuyết của bản thân trở thành điểm mạnh.
* Bàn luận về những tấm gương vượt lên số phận của chính mình:
- Biểu hiện của những tấm gương đó:
+ Không ngừng nỗ lực, cố gắng trong cuộc sống và công việc.
+ Không quản khó khăn, thử thách, dũng cảm đối mặt và đương đầu với những chướng ngại vật.
+ Biết cách thay đổi bản thân để phù hợp với hoàn cảnh.
+ Luôn lạc quan, tràn đầy niềm tin và sức sống vào tương lai phía trước.
+ Dẫn chứng về những tấm gương vượt lên số phận của chính mình: Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, nhà văn của nghị lực Trần Trà My,...
- Nguyên nhân giúp họ có sức mạnh để vượt lên số phận:
+ Họ có những suy nghĩ tốt đẹp cùng ý chí, nghị lực và niềm tin vào cuộc sống.
+ Có sự đồng hành, ủng hộ, giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, người thân.
+ Những lời dè bỉu, chê bai của người đời là một phần động lực để họ thay đổi chính mình.
- Ý nghĩa của việc vượt lên số phận của chính mình:
+ Giúp bản thân trở nên hoàn hảo hơn, là phiên bản tốt nhất của chính mình.
+ Là tấm gương sáng để tất cả mọi người cùng học tập và noi theo.
+ Xã hội ngày càng trở nên văn minh và tốt đẹp hơn nữa.
- Phê phán: Những con người không có ý chí, quyết tâm, thấy gian nan thử thách thì đã từ bỏ.
- Bài học:
+ Cần có lí tưởng sống đúng đắn, rèn luyện bản lĩnh, ý chí để giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.
+ Không nên kì thị, ghét bỏ những người kém may mắn, thay vào đó, chúng ta cần biết giúp đỡ, tôn trọng họ nhiều hơn.
c. Kết bài:
- Khẳng định và đánh giá khái quát lại vấn đề đã bàn luận.
2. Bài viết Suy nghĩ về những tấm gương vượt lên số phận của chính mình
Chúng ta thật may mắn khi sinh ra đã có một cơ thể lành lặn và hoàn thiện. Tuy nhiên, trong xã hội kia, vẫn còn nhiều người phải chịu khiếm khuyết và di chứng bệnh tật. Không chấp nhận từ bỏ, gục ngã trước khó khăn, họ đã và đang cố gắng vươn lên từng ngày. Họ chính là những tấm gương sáng trong việc vượt lên số phận của chính mình.
Các bạn hiểu như thế nào về cụm từ "vượt lên số phận của chính mình?". Theo tôi, vượt lên số phận của chính mình là dũng cảm đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống, không gục ngã hay dễ dàng từ bỏ trước những thử thách, biết biến khiếm khuyết của bản thân trở thành điểm mạnh. Các tấm gương biết vượt lên số phận có thể không rực rỡ như mấy bông hoa tươi đẹp nơi vườn hoa nhưng lại mang đến hương sắc ngọt ngào cho cuộc đời này.
Có thể thấy, khi phải đối diện với khó khăn, thử thách, họ sẽ dũng cảm đối mặt và đương đầu. Họ không ngừng nỗ lực, cố gắng trong cuộc sống và công việc. Thay vì nản chí hay kêu ca, họ tìm cách khắc phục rồi giải quyết các vấn đề. Đặc biệt, những tấm gương ấy luôn biết thay đổi bản thân để phù hợp với hoàn cảnh. Họ tự ý thức được khiếm khuyết trên cơ thể cùng trở ngại của bệnh tật nhưng không bao giờ tự ti. Ở họ luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, niềm tin vào tương lai phía trước. Như vậy, những tấm gương biết vượt lên số phận của chính mình vẫn đang tỏa sáng theo một cách riêng biệt nào đó.
Chắc hẳn, mỗi người chúng ta từng nghe đến câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Trong cuốn tự truyện "Tôi đi học" của mình, thầy đã trích dẫn câu nói nổi tiếng như sau "Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình". Từ đây, ta có thể thấy được sự mạnh mẽ, ý chí vươn lên hoàn cảnh éo le của thầy Ký. Tuy bị liệt cả hai tay nhưng thầy đã dùng đôi chân để viết lên số phận cho bản thân. Sau này, thầy trở thành một nhà giáo ưu tú, dìu dắt rất nhiều thế hệ học trò cập bến tri thức. Hay tấm gương nhà văn của nghị lực - Trần Trà My cũng làm chúng ta càng thêm khâm phục. Dù phải chịu những biến chứng đau đớn sau cuộc phẫu thuật không thành công, chị vẫn cố gắng luyện tập và rèn luyện sức khỏe. Sau này, chị trở thành một nhà văn trẻ tuổi và là cây bút quen thuộc với nhiều độc giả yêu thích đọc sách.
Để có thể vượt lên số phận bất hạnh ấy, những con người đó luôn chan chứa niềm tin tươi đẹp vào cuộc sống phía trước. Họ mang trong mình suy nghĩ lạc quan, tích cực cùng mong muốn được cống hiến, góp sức cho xã hội đất nước "tàn nhưng không phế". Bên cạnh đó, sự đồng hành, ủng hộ và giúp đỡ từ mọi người xung quanh như gia đình, người thân là điểm tựa vững chắc giúp họ bước đầu xây dựng một khởi đầu mới. Những lời dè bỉu, chê bai của người đời cũng là một phần động lực để họ thay đổi chính mình.
Vượt lên số phận của chính mình sẽ giúp mỗi người trở nên hoàn hảo hơn. Không còn sự tự ti, mặc cảm về khiếm khuyết ở bản thân, họ dũng cảm bước ra khỏi những rào cản, từ đó vững vàng tiến về con đường rộng mở. Họ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, tự làm chủ và nắm giữ vận mệnh, tương lai. Những con người vượt khó ấy cũng là tấm gương sáng để tất cả mọi người học tập, noi theo trong việc đối mặt với khó khăn, thách thức ở đời. Từ đây, xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp và văn minh, các cá nhân sẽ rèn luyện được bản lĩnh, ý chí quý giá.
Bên cạnh những tấm gương sáng luôn vươn lên số phận bản thân, chúng ta vẫn bắt gặp một vài người không có quyết tâm, dũng cảm, thấy gian nan thử thách thì đã vội từ bỏ. Thay vì hành động, họ lại lựa chọn buông thả mọi thứ, sống mà không có mục tiêu hay ước mơ.
Bạn ơi, đừng để thời gian quý giá của chúng ta trôi đi một cách lãng phí và vô bổ. Mỗi người hãy lựa chọn sống tích cực, sống cống hiến. Hãy bồi dưỡng những lí tưởng đúng đắn, rèn luyện bản lĩnh để có thể đối mặt với mọi trường hợp. Ngoài ra, chúng ta cũng cần sống yêu thương, nhân ái với mọi người xung quanh. Chẳng ai sinh ra được lựa chọn cơ thể của bản thân. Vì thế, chúng ta không nên kì thị, ghét bỏ những người kém may mắn, thay vào đó, cần biết giúp đỡ, tôn trọng họ nhiều hơn.
Những tấm gương sáng vượt lên số phận của chính mình đã ghi lại dấu ấn đặc biệt cho cuộc sống này. Họ lan tỏa và truyền tải những thông điệp ý nghĩa về tinh thần dũng cảm, ý chí cùng sự lạc quan tới tất cả mọi người.
Bài văn mẫu: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội Ngữ văn 10 Cánh Diều
II. Từ các đoạn trích được học "Hê-ra-clét đi tìm táo vàng" và "Chiến thắng Mtao Mxây", viết bài văn nghị luận bàn về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.
1. Dàn ý Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội
a. Mở bài:
- Giới thiệu vấn đề xã hội cần bàn luận: sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.
b. Thân bài
* Giải thích:
- Ý chí là một phẩm chất tốt đẹp cần có ở mỗi người. Người có ý chí luôn quyết tâm, dũng cảm đối mặt với thách thức, khó khăn. Thay vì lựa chọn từ bỏ hay thỏa hiệp, họ sẽ tìm cách khắc phục chướng ngại vật, giải quyết các vấn đề vướng mắc.
- Sức mạnh ý chí của con người có vai trò quan trọng trong cuộc sống, là yếu tố thúc đẩy mỗi cá nhân vững vàng tiến bước về phía trước.
* Bàn luận về những tấm gương vượt lên số phận của chính mình:
- Biểu hiện của người có sức mạnh ý chí:
+ Người có sức mạnh ý chí luôn lạc quan, giữ vững nghị lực. Trước những khó khăn, họ sẽ không lùi bước hay đầu hàng mà tìm cách khắc phục và vượt qua nó.
+ Người có ý chí thường cố gắng trau dồi, học hỏi để bản thân trở nên tốt đẹp nữa. Họ không muốn mình mãi đứng yên một chỗ. Họ khao khát được bay cao, bay xa, tiếp xúc với những chân trời mới lạ.
+ Dẫn chứng về những người có sức mạnh ý chí: thế hệ ông cha trong kháng chiến chống Mĩ, những vận động viên trong Pa-ra-game.
- Ý nghĩa của việc sống có sức mạnh ý chí:
+ Giúp mỗi cá nhân sống có định hướng rõ ràng.
+ Sức mạnh ý chí giúp khẳng định giá trị bản thân mỗi người.
- Phê phán:
+ Những con người "ăn to nói lớn" nhưng không dám làm.
+ Những con người chưa làm nhưng đã nghĩ tới thất bại.
+ Một số khác gặp khó khăn thì lùi bước, nản chí.
- Bài học:
+ Cần rèn luyện và bồi luyện bản lĩnh để có thể giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.
+ Luôn cố gắng trau dồi, học hỏi để vươn lên.
c. Kết bài:
- Khẳng định và đánh giá khái quát lại vấn đề đã bàn luận.
2. Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội: Viết bài văn nghị luận bàn về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống
Hai văn bản "Hê-ra-clét đi tìm táo vàng" và "Chiến thắng Mtao Mxây" đã cho ta thấy được sức mạnh to lớn của ý chí đối với mỗi người. Đây là điểm tựa vững chắc giúp con người vượt qua khó khăn và vươn tới thành công.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên". Trên đời này, nếu luôn vững lòng quyết chí thì sẽ không một việc nào đánh gục được chúng ta. Người có ý chí luôn quyết tâm, dũng cảm đối mặt với khó khăn, thách thức. Thay vì lựa chọn từ bỏ hay thỏa hiệp, họ sẽ tìm cách khắc phục chướng ngại vật, giải quyết các vấn đề vướng mắc. Từ đây, ta có thể khẳng định rằng ý chí là một phẩm chất tốt đẹp. Như vậy, sức mạnh ý chí của con người có vai trò quan trọng trong cuộc sống, là yếu tố thúc đẩy mỗi cá nhân vững vàng tiến bước về phía trước.
Người có sức mạnh ý chí, nghị lực lớn lao sẽ luôn lạc quan khi đối diện với cuộc sống. Đứng trước khó khăn, gian khổ, họ sẽ không lùi bước hay đầu hàng mà tìm mọi cách khắc phục và vượt qua nó. Họ cũng luôn tự ý thức trau dồi học tập những tri thức mới. Họ không muốn bản thân mãi kìm kẹp trong một giới hạn nhất định hay giậm chân mãi tại ở vị trí đó. Họ khao khát được bay cao, bay xa, mở mang và tiếp xúc với những chân trời mới lạ. Ta có thể thấy, sức mạnh ý chí đã góp phần giúp Hê-ra-clét chiến thắng các vị thần trong cuộc giao đấu, đem táo vàng về cho nhà vua sau bao thử thách. Hay nhân vật Đăm Săn của "Chiến thắng Mtao Mxây" cũng làm người đọc thêm khâm phục. Chàng mang trong mình khí phách anh hùng, dũng cảm chiến đấu để cứu vợ. Ở cuộc sống hiện thực đời thường, thế hệ ông cha chúng ta bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là tấm gương sáng về việc sống có ý chí, nghị lực. Mặc dù phương tiện chiến đấu lạc hậu, không có ưu thế về khoa học kĩ thuật như quân địch nhưng cha ông không từ bỏ. Họ đã làm nên chiến thắng vẻ vang, mang đến mùa xuân hòa bình, độc lập cho toàn dân tộc. Ngày nay, các vận viên khuyết tật cũng vượt lên những khiếm khuyết của bản thân, kiên cường thi đấu và giành về rất nhiều huy chương trong Đại hội Thể thao Pa-ra-game.
Khi mỗi cá nhân biết sống có ý chí, nghị lực, họ sẽ vạch ra được những định hướng rõ ràng. Không còn mơ hồ bất định về tương lai, họ mang trong mình mục tiêu, lí tưởng hay ước mơ cao đẹp. Để thực hiện được những mong muốn ấy, họ phải tự tay xây dựng, phát triển và giải quyết mọi vấn đề. Như vậy, sức mạnh ý chí còn giúp chúng ta khẳng định được giá trị bản thân, mỗi người ngày càng hoàn hảo và là phiên bản tốt nhất của chính mình. Ngoài ra, các cá nhân có sức mạnh ý chí sẽ luôn được mọi người yêu mến, tôn trọng.
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ vẫn chưa nhận ra tầm quan trọng của việc sống có sức mạnh ý chí. Những con người đó thường có xu hướng "thùng rỗng kêu to", nói lời hay ý đẹp nhưng lại không dám hành động. Một vài người chưa làm đã nghĩ tới thất bại. Số khác gặp khó khăn, thử thách thì vội chùn bước, nản chí, đổ lỗi cho hoàn cảnh. Đây đều là các trường hợp cần tự thức tỉnh và thay đổi kịp thời.
Cuộc sống là muôn màu vạn trạng, điều đó đòi hỏi con người phải nhanh chóng theo kịp dòng chảy. Để có thể dễ dàng đối diện với mọi biến chuyển của đời sống, mỗi người cần chăm chỉ rèn luyện và bồi dưỡng bản lĩnh, tinh thần lạc quan cùng ý chí quyết tâm. Ngoài ra, chúng ta phải luôn cố gắng học tập, mở rộng tri thức để phục vụ cho chính mình.
Người xưa đã nói "Có chí thì nên". Chúng ta muốn thành công thì phải có sức mạnh ý chí. Mỗi người hãy mạnh mẽ và vững vàng trước mọi biến cố, giống như những cây xương rồng bền bỉ sinh trưởng trên hoang mạc khô cằn.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-bai-van-nghi-luan-ve-mot-van-de-xa-hoi-ngu-van-10-canh-dieu-71498n.aspx
Khi viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội, em cần trình bày rõ ràng hệ thống luận điểm. Em nên kết hợp lí lẽ và dẫn chứng để làm sáng tỏ các vấn đề, từ đó bài viết sẽ trở nên thuyết phục và lôi cuốn hơn. Taimienphi.vn còn cung cấp một số nội dung văn mẫu lớp 10 khác như:
- Soạn bài Viết: Nghị luận về một vấn đề xã hội, Ngữ văn lớp 10 - Cánh Diều
- Soạn bài Nói và nghe: Thuyết trình về một vấn đề xã hội, Ngữ văn lớp 10 - Cánh Diều