Nhà văn Thạch Lam vốn nổi tiếng với những áng văn tinh tế, nhẹ nhàng nhưng mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. “Gió lạnh đầu mùa” là một truyện ngắn hay, mang đậm dấu ấn phong cách sáng tác của ông. Mời em tham khảo bài mẫu Phân tích Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam để thấy được thông điệp về tình cảm yêu thương giữa người và người mà nhà văn thể hiện trong tác phẩm này nhé.
Đề bài: Phân tích truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam
Văn mẫu Phân tích truyện Gió lạnh đầu mùa của nhà văn Thạch Lam
I. Dàn ý Phân tích Gió lạnh đầu mùa
1. Mở bài:
- Giới thiệu về nhà văn Thạch Lam
- Giới thiệu về truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa.
2. Thân bài:
a. Thiên nhiên mùa đông:
- “Một đêm mưa rào, trời nổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến…” -> Cái lạnh vô tình ấp tới chính là hoàn cảnh cho những tình huống trớ trêu xảy đến.
- “đất khô trắng”, “cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo”.
- “Trời không u ám, toàn một màu trắng đục. Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét”.
- “Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh và cay mắt”
=> Miêu tả hoàn toàn chính xác cái lạnh, cái rét của những ngày mùa đông ở vùng đồng bằng Bắc bộ.
b. Tình người ấm áp trong mùa đông:
- Gia đình Sơn với đầy tình yêu thương, ấm áp:
+ Sơn và chị Lan thân thiết, yêu thương nhau.
+ Mẹ mặc cho Sơn mặc áo mới, vuốt cho tà áo phẳng phiu,
+ Bà vú già ân cần, hiền từ.
+ Cả nhà đều thương nhớ người em đã mất.
- Tình yêu thương, sẻ chia giữa người với người:
+ Sơn lấy chiếc áo cũ cho Hiên mặc.
+ Mẹ Sơn cho mẹ Hiên mượn năm hào để may áo cho con.
c. Giá trị nội dung:
- Gió lạnh đầu mùa đã mượn cái lạnh đầu đông để mang đến những rung động sâu sắc về tình người:
+ Tình cảm gia đình đầy yêu thương, ấm áp.
+ Tình thương, lòng nhân ái với những hoàn cảnh bất hạnh trong xã hội.
- Ca ngợi tình yêu thương, chia sẻ của con người, đạo lí “thương người như thể thương thân”, đặc biệt là tình cảm vô tư, trong sáng của trẻ thơ.
- Thể hiện niềm tin yêu, trân trọng của tác giả đối với con người.
d. Giá trị nghệ thuật:
- Cách kể chuyện nhẹ nhàng, tinh tế, cốt truyện đi theo dòng cảm xúc của nhân vật.
- Nhân vật được xây dựng qua nhiều phương diện như hành động, lời nói nhưng chủ yếu qua từng cảm xúc, tâm trạng về chuyển biến của thiên nhiên, cảnh vật, sự việc.
- Sự kết hợp đặc sắc giữa kể và tả cảnh thiên nhiên.
3. Kết bài:
- Nêu suy nghĩ, cảm nhận của em về truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa.
Bài văn mẫu Phân tích truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa hay nhất
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-gio-lanh-dau-mua-cua-nha-van-thach-lam-77310n.aspx
II. Bài văn mẫu Phân tích Gió lạnh đầu mùa
Thạch Lam là một nhà văn nổi tiếng của Văn học Việt Nam trước Cách mạng. Ông rất thành công các tác phẩm truyện ngắn mang phong cách nhẹ nhàng, bình dị, giàu cảm xúc, đậm chất thơ. “Gió lạnh đầu mùa” cũng là một truyện như vậy. Với cốt truyện đơn giản, tác giả đã mang đến cho chúng ta một cái nhìn tích cực và trân trọng về tình cảm yêu thương, sự sẻ chia giữa người với người trong mùa đông lạnh giá.
Để làm nổi bật lên chủ đề của tác phẩm, Thạch Lam đã đặt câu chuyện trong tình huống khi cái lạnh ập xuống bất ngờ “Vừa mới ngày hôm qua giời hãy còn nắng ấm và hanh”, thế mà “qua một đêm mưa rào, trời nổi gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến…”. Cái lạnh vô tình ấp tới chính là chất xúc tác khiến cho những tình huống trong câu chuyện xảy ra. Ngoài ra, để tô đậm thêm không khí của đất trời vào một ngày đông, tác giả còn tỉ mỉ kể thêm: “đất khô trắng”, “cơn gió vi vu làm bốc lên những màn bụi nhỏ, thổi lăn những cái lá khô lạo xạo”, “Trời không u ám, toàn một màu trắng đục. Những cây lan trong chậu, lá rung động và hình như sắt lại vì rét”,“Gió thổi mạnh làm Sơn thấy lạnh và cay mắt”. Có thể nói những gì mà Thạch Lam miêu tả đã hoàn toàn gợi được chính xác cái lạnh, cái rét của những ngày mùa đông ở vùng đồng bằng Bắc bộ.
Chính trong cái rét buốt ấy, tình yêu thương, chia sẻ giữa người với người được thể hiện rõ rệt. Cậu bé Sơn là nhân vật chính trong truyện này - người giàu lòng trắc ẩn và mang tấm lòng “thương người như thể thương thân”. Điều này có lẽ được bắt nguồn từ chính gia đình cậu bé. Sơn được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương của những người thân xung quanh. Điều này được thể hiện rất rõ trong những chi tiết đầu của truyện. Khi mới thức dậy, thấy trời rét, cậu không vội xuống giường mà cất tiếng gọi chị. Mẹ nghe thế liền bảo chị Lan lấy thúng áo ấm để mặc cho Sơn. Cậu được mẹ mặc cho áo ấm “cả cái áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm dài”. Không những thế, mẹ còn cẩn thận, tỉ mỉ “vuốt các tà áo cho phẳng phiu”. Những hành động rất nhỏ ấy đều cho thấy Sơn là cậu bé được nâng niu, yêu chiều. Ngoài ra, tình cảm của mọi người trong gia đình dành cho nhau cũng rất thân thiết, gắn bó. Khi nhìn thấy chiếc áo cũ của đứa em đã mất khi mới lên 4 tuổi, Sơn bỗng thấy “nhớ em, cảm động và thương em quá”, bà vú già thì “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía, tay mân mê các đường chỉ”, mẹ Sơn thì yên lặng không nói gì, nhưng sau đó cậu lại thấy “mẹ hơi rơm rớm nước mắt”. Tất cả điều này đã chỉ ra rằng gia đình Sơn cực kì gắn bó, yêu thương nhau.
Tuy là một cậu bé sống trong gia đình khá giả, có điều kiện, ngày lạnh được mẹ mặc cho nhiều lớp áo mới, đẹp nhưng cậu vẫn chơi cùng những đứa trẻ trong xóm chợ, “Thằng Cúc, thằng Xuân, con Tý, con Túc…ăn mặc không khác ngày thường, vẫn những bộ quần áo màu nâu bạc đã vá nhiều chỗ”. Thậm chí, khi thấy Hiên “co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay”, hai chị em Sơn đã gọi nó ra chơi và hỏi thăm. Đến khi nhớ ra tình cảnh nghèo khó của Hiên, “Sơn thấy động lòng thương” và “Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí” của cậu bé. Ý nghĩ ấy đã biến thành hành động khi hai chị em Sơn quyết định mang cái áo bông cũ của em Duyên cho Hiên. Tấm lòng biết giúp đỡ, san sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn của hai chị em thật trong sáng, cao thượng, làm rung động trái tim người đọc. Không chỉ Sơn, mẹ cậu bé cũng đã truyền tải tình yêu bằng hành động của mình. Khi mẹ Hiên đến trả áo, mẹ Sơn đã cho mẹ Hiên mượn năm hào để may áo cho con. Chắc hẳn bà cũng không thể chịu được khi nhìn thấy một đứa trẻ co ro, tím tái trong mùa đông lạnh buốt vì không có áo mặc nên đã không trách phạt hai chị em Sơn. Tấm lòng cao cả, nhân hậu, hiền từ của một người mẹ cũng được hiện lên rõ ràng qua ngòi bút của Thạch Lam.
Vậy là, “Gió lạnh đầu mùa” đã mượn cái lạnh đầu đông để mang đến những rung động sâu sắc về tình người. Trong đó có tình cảm gia đình đầy yêu thương, ấm áp và tình thương, lòng nhân ái với những hoàn cảnh bất hạnh trong xã hội. Bằng lối kể chuyện nhẹ nhàng, tinh tế, tác giả đã thể hiện niềm tin yêu, trân trọng dành cho con người, ca ngợi đạo lí “thương người như thể thương thân”. Cốt truyện đi theo dòng cảm xúc của nhân vật trung tâm - cậu bé Sơn đã cho người đọc thật nhiều rung cảm về phẩm chất cao quý của một đứa trẻ ngây thơ, trong sáng. Thông qua Sơn, ta thấy được cách xây dựng nhân vật thông qua nhiều phương diện như hành động, lời nói nhưng chủ yếu qua từng cảm xúc, tâm trạng về chuyển biến của thiên nhiên, cảnh vật, sự việc đặc trưng của Thạch Lam. Sự kết hợp đặc sắc giữa kể và tả cảnh thiên nhiên cũng giúp khắc sâu trong lòng người đọc câu chuyện về sự sẻ chia trong cái lạnh như cắt da cắt thịt của Bắc bộ khi vào đông.
Thạch Lam vốn đã rất nổi tiếng với các truyện ngắn khác như “Dưới bóng hoàng lan”, “Hai đứa trẻ”, Nhà mẹ Lê”, “Cô hàng xén”,... thế nhưng “Gió lạnh đầu mùa” lại tiếp tục là một dấu ấn đậm nét khác của ông trong việc truyền tải vòng lòng độc giả những trang văn đậm đà chất thơ, trữ tình, tinh tế, nhẹ nhàng, trong sáng.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Hi vọng rằng qua dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Gió lạnh đầu mùacủa Taimienphi.vn ở trên, em đã nắm rõ được giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm này. Ngoài ra, em có thể tham khảo thêm một bài phân tích các tác phẩm khác của Thạch Lam như: Phân tích Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam, Phân tích Nhà mẹ Lê, Phân tích dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam,... để thấy được nét trữ tình, tinh tế trong ngòi bút của ông nhé.