Phần thực hành Nói và nghe: Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống, Ngữ văn 7, Cánh Diều sẽ giúp các em rèn luyện, trau dồi kĩ năng viết bài và thuyết trình trước đám đông để làm sáng tỏ ý kiến của bản thân và thuyết phục người khác.
Soạn bài Nói và nghe: Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống, Ngữ văn lớp 7 - Cánh Diều
Soạn bài Ngữ văn lớp 7, sách Cánh Diều
I. Dàn ý
- Mở đầu: Nêu vấn đề, nói rõ tầm quan trọng của vấn đề trong đời sống xã hội.
- Nội dung chính:
+ Trình bày các khía cạnh để làm rõ thực chất vấn đề.
+ Nêu ý kiến của bản thân về vấn đề (dùng lí lẽ và bằng chứng để thuyết phục người nghe).
- Kết thúc: Tóm tắt, khẳng định lại ý kiến đã nêu của mình và liên hệ với cuộc sống hiện nay.
II. Bài tham khảo
1. Suy nghĩ của lòng dũng cảm.
Kính thưa thầy cô và các bạn, sau đây em xin trình bày ý kiến của bản thân về lòng dũng cảm. Lòng dũng cảm là đức tính quý báu và cần thiết đối với mỗi con người. Đối với em, để vượt qua khó khăn và thử thách, con người không thể thiếu đi sự dũng cảm.
Vậy lòng dũng cảm là gì? Trước hết, dũng cảm là không sợ hiểm nguy, khó khăn, dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác bảo vệ chính nghĩa. Dũng cảm còn có nghĩa là sẵn sàng hi sinh bản thân mình để cứu giúp những người trong hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn.
Vậy trong đời sống của chúng ta lòng dũng cảm được biểu hiện như thế nào? Trong chiến tranh, sự dũng cảm thể hiện rõ nhất ở những người lính anh hùng sẵn sàng ra trận chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Những tấm gương về lòng dũng cảm có thể kể đến như: Phan Đình Giót - người anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai, những cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc, những người lính trong trận chiến tại thành cổ Quảng Trị,... Sự hi sinh quên mình của những anh hùng giúp cho đất nước có được độc lập, tự do như ngày hôm nay. Người dũng cảm là người có bản lĩnh, không lùi bước trước khó khăn. Trong thời bình, sự dũng cảm của chúng ta biểu hiện qua những hành động nhỏ nhưng giàu ý nghĩa như hành động tài xế lái xe tải không ngại hiểm nguy tìm cách đỡ lấy em bé bị rơi ở tầng cao xuống hay hành động bảo vệ bạn bè trước bạo lực học đường, thậm chí dũng cảm còn được thể hiện qua việc tự khắc phục những khó khăn của bản thân để làm nên điều tốt đẹp trong cuộc sống như tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký, thầy đã cố gắng khắc phục khó khăn về cơ thể tật nguyền để trở thành người thầy giáo mẫu mực. Tuy nhiên trong xã hội hiện nay vẫn còn một bộ phận người thường bỏ cuộc trước những khó khăn, vô cảm, thờ ơ trước những khó khăn của con người như việc thấy tai nạn giao thông cũng thờ ơ đi qua, thấy người đang gặp khó khăn cũng né tránh.
Lòng dũng cảm cần được tu dưỡng và rèn luyện từng ngày, trước hết ta cần phải kiên định với mục tiêu, không vì khó khăn trở ngại mà bỏ cuộc. Bên cạnh đó, ta cần phải có tấm lòng yêu thương, đoàn kết, tương trợ, sống vì mọi người. Là một học sinh, em nghĩ rằng chúng ta cần rèn luyện cho bản thân lòng dũng cảm để sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, xây dựng cho cuộc sống của chúng ta thêm tươi đẹp.
Trên đây là phần trình bày của em, mong cô và các bạn đóng góp ý kiến để em hoàn thiện hơn bài nói của mình.
Bài soạn văn mẫu: Soạn bài Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống, Ngữ văn lớp 7, Cánh Diều, Nói và nghe
2. Suy nghĩ về lòng yêu nước sau khi đọc các tác phẩm "Buổi học cuối cùng"
Kính thưa thầy cô và các bạn, sau đây em xin trình bày ý kiến của bản thân về lòng yêu nước sau khi đọc tác phẩm "Buổi học cuối cùng".
Tác phẩm "Buổi học cuối cùng" của tác giả An-phông-xơ Đô-đê đã đem lại cho em những suy nghĩ về lòng yêu nước thiết tha và sâu sắc qua hình ảnh cảm động thầy Ha-men ở cuối truyện, thầy nghẹn ngào, cầm hòn phấn và dằn mạnh hết sức ghi lên bảng "NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM".
Vậy lòng yêu nước là gì? Trước hết, lòng yêu nước là tình cảm thiêng liêng bắt nguồn từ sự trân trọng, nâng niu mà ta dành cho con người và những sự vật xung quanh ta. Lòng yêu nước tồn tại một cách tự nhiên trong trái tim mỗi con người.
Vậy lòng yêu nước được thể hiện trong đời sống của chúng ta như thế nào? Ngay trong ý thức, hành động của mỗi con người ta có thể nhận thấy được biểu hiện của lòng yêu nước. Trong thời kì dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã anh dũng chiến đấu giữ vững nền độc lập dân tộc, ta có thể thấy được điều này qua những chiến thắng lịch sử: chiến thắng sông Bạch Đằng, ba lần chiến thắng quân xâm lược Mông - Nguyên của nhà Trần, trận chiến trên sông Như Nguyệt,... Mỗi khi có giặc đến xâm lăng, dân ta lại đoàn kết quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm đem lại sự tự do cho mảnh đất quê hương. Trong thời chiến, biết bao chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ đã rời xa gia đình xông pha nơi chiến trường, hi sinh quên mình bảo vệ tổ quốc. Trong thời bình, lòng yêu nước biểu hiện qua những thành tựu khoa học, giáo dục, y tế,... và tinh thần trách nhiệm trong mỗi con người để cống hiến trí tuệ, sức lực cho quê hương, đất nước. Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng trong cuộc sống hiện nay vẫn còn những cá nhân chưa có nhận thức đúng đắn về lòng yêu nước và trách nhiệm của bản thân với quê hương đất nước, họ chỉ nghĩ cho lợi ích của bản thân, vô cảm, thờ ơ trước cuộc sống.
Là một học sinh em nghĩ rằng chúng ta cần có những nhận thức đúng đắn về lòng yêu nước, cố gắng học tập thật tốt, nghe lời cha mẹ, thầy cô và thường xuyên quan tâm, giúp đỡ mọi người xung quanh. Lòng yêu nước là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam ta, chúng ta hãy thực hiện tuyên truyền cho mọi người tầm quan trọng của lòng yêu nước để đất nước chúng ta phát triển ngày càng giàu đẹp hơn.
Trên đây là phần trình bày của em, mong cô và các bạn đóng góp ý kiến để em hoàn thiện hơn bài nói của mình. Cảm cô và các bạn đã lắng nghe!
https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-trinh-bay-y-kien-ve-mot-van-de-trong-doi-song-ngu-van-lop-7-canh-dieu-noi-va-nghe-70930n.aspx
Hi vọng dàn ý chi tiết và bài nói mẫu do Taimienphi.vn biên soạn sẽ là gợi ý quan trọng cho phần thực hành của các em. Ngoài ra, các em có thể xem thêm bài soạn văn mẫu lớp 7 tiếp theo: Soạn bài Bố của Xi-mông (Guy-đơ Mô-pa-xăng), Ngữ văn lớp 7, Cánh Diều, Tự đánh giá
- Soạn bài Bố của Xi-mông (Guy-đơ Mô-pa-xăng), Ngữ văn lớp 7, Cánh Diều, Tự đánh giá
- Soạn bài Mẹ (Đỗ Trung Lai), Ngữ văn lớp 7- Cánh Diều