Nồi cháo cám là chi tiết đặc sắc xuất hiện trong phần cuối của truyện ngắn Vợ nhặt. Các em hãy cùng chúng tôi Phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt để thấy được tình cảnh đáng thương và cả hơi ấm tình người chan chứa được thể hiện qua chi tiết. Các em hãy cùng tham khảo nhé!
Đề bài: Phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt
Phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt
I. Dàn ý Phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về truyện ngắn Vợ nhặt và hình ảnh nồi cháo cám- chi tiết đặc sắc trong truyện.
2. Thân bài
- Vị trí: Nồi cháo cám xuất hiện trong bữa cơm đầu tiên khi gia đình bà cụ Tứ có người con dâu mới.
- Nồi cháo cám là "món quà cưới" đặc biệt mà bà cụ Tứ chuẩn bị cho các con của mình.
- Ý nghĩa tả thực:
+ Cháo cám món ăn vốn không dành cho con người.
+ Là hiện thân cho cái đói khát, thê thảm của con người trong nạn đói.
- Ý nghĩa biểu tượng: Là tình yêu, tấm lòng của người mẹ dành cho con
- Hình ảnh nồi cháo cám còn góp phần bộc lộ những vẻ đẹp đáng quý bên trong mỗi nhân vật:
+ Bà cụ Tứ: Tình thương con, sự quan tâm, trân trọng dành cho người con dâu. Bà cụ chuẩn bị một món quà đặc biệt để chào đón cô con dâu mới à Quan tâm đến những giá trị tinh thần.
+ Anh Tràng: Chín chắn, trưởng thành và có trách nhiệm hơn với gia đình.
+ Chị vợ nhặt: Bình tĩnh ăn từng miếng cháo cám, nói chuyện để xua đi không khí nặng nề của bữa cơm à Chủ động vun vén hạnh phúc gia đình.
3. Kết bài
Khẳng định giá trị của chi tiết "nồi cháo cám" trong tác phẩm:
+ Phản ánh hiện thực
+ Thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc.
II. Bài văn mẫu Phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt (Chuẩn)
Macxim Gorki từng khẳng định "Một chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Quả thực như vậy, giá trị của một tác phẩm không chỉ được phản ánh thông qua cốt truyện hấp dẫn, nội dung tư tưởng sâu sắc mà còn bởi chính những tình tiết đắt giá được người nghệ sĩ đưa vào trong tác phẩm của mình. Qua những tình tiết nhỏ, người nghệ sĩ gửi gắm vào đó được những giá trị lớn, đó là chủ đề, tư tưởng hay thông điệp cho toàn bộ tác phẩm. Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt cũng xây dựng được một tình tiết đắt giá như thế, đó chính là hình ảnh nồi cháo cám của bà cụ Tứ.
Nồi cháo cám xuất hiện trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, đó là trong bữa cơm đầu tiên khi gia đình của bà cụ Tứ và anh cu Tràng đón chào cô con dâu mới. Mâm cơm ngày đói cũng thật thê thảm "giữa cái mẹt rách chỉ có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muỗi ăn với cháo". Trong khung cảnh sum họp hạnh phúc, cái đói, cái khổ cứ bày ra thực khiến người ta xót xa, nghẹn ngào.
Nồi cháo cám là "món quà cưới" đặc biệt mà bà cụ Tứ chuẩn bị cho các con của mình. Trong bữa cơm, cụ Tứ giới thiệu bằng giọng hồ hởi "Tao có cái này hay lắm cơ" rồi bà "lật đật chạy xuống bếp, lễ bễ bưng ra một cái nồi bốc lên nghi ngút". Nồi cháo cám được bà cụ Tứ gọi với cái tên đầy hấp dẫn "Chè khoán đây, ngon đáo để cơ". Sự xuất hiện của nồi cháo cám trong mâm cơm của gia đình cụ Tứ là hiện thân cho cái đói khát, thê thảm của con người trong nạn đói: phải ăn đến cả đồ ăn vốn không dành cho con người. Thế nhưng qua lời giới thiệu của cụ Tứ, nồi cháo cám như một món ăn gì đấy đặc biệt lắm. Đặt trong bối cảnh khốc liệt của nạn đói, khi con người bị đẩy đến ranh giới mong manh của sự sống và cái chết thì món cháo cám ấy là cả một sự cố gắng mới có được, nó là tấm lòng của người mẹ dành cho con.
Nồi cháo cám không chỉ gợi liên tưởng về hiện thực thê thảm của con người ngày đói, bởi như lời bà cụ Tứ tâm sự với các con thì "Xóm mình có khối người không có cám mà ăn ấy chứ" mà qua đó còn bộc lộ được vẻ đẹp của các nhân vật trong truyện, từ bà cụ Tứ, anh cu Tràng đến người vợ nhặt. Qua việc chuẩn bị "quà cưới" cùng những lời động viên các con trong bữa cơm, bà cụ Tứ đã bộc lộ được tấm lòng thương con sâu sắc. Trong cái đói, bà vẫn quan tâm đến những giá trị tinh thần, việc chuẩn bị nồi cháo cám thể hiện sự trân trọng, yêu thương của bà cụ Tứ với người con dâu mới. Nồi cháo cám ấy trở nên thật đặc biệt không phải bởi giá trị, hương vị của món ăn mà đó là tình yêu thương, tấm lòng bao la của một người mẹ. Đến đây người đọc không khỏi bồi hồi, xúc động bởi trong cái đói cùng cực thì tình yêu của người mẹ dành cho con vẫn không thay đổi, không những thế người mẹ ấy còn gieo niềm tin, hi vọng cho các con về một tương lai tươi sáng "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời".
Anh Tràng cũng có sự thay đổi lớn, không còn là người đàn ông ngờ nghệch, vô tâm thường ngày mà trở nên chín chắn, trưởng thành hơn. Trong bữa cơm ngày đói, khi ăn miếng cám "đắng chát và nghẹn bứ nơi cổ" thì Tràng vẫn tỏ ra điềm tĩnh, cách ứng xử này thể hiện được khéo léo, tế nhị để bữa cơm không bị trùng xuống bởi ám ảnh đói khát. Mặt khác, nhìn vào sự trầm tư của Tràng ta có thể thấy được Tràng hiểu được hoàn cảnh gia đình, bắt đầu ý thức được trách nhiệm của bản thân với vợ, với mẹ và với gia đình nhỏ của mình.
Thông qua chi tiết nồi cháo cám, ta còn thấy được sự thay đổi đáng ngạc nhiên của người vợ nhặt. Không còn là một người đanh đá với những lời nói chao chát, chỏng lỏn như khi còn ở chợ Huyện, khi về làm dâu thị trở nên dịu dàng, rất đúng mực. Thị hết sức ngạc nhiên trước nồi cháo cám, thế nhưng không để mẹ chồng buồn lòng, thị vẫn cố gắng nuốt xuống miếng cháo đáng chát. Để xua đi không khí bữa cơm vừa trùng xuống, Thị đã chủ động kể về câu chuyện phá kho thóc Nhật của người dân mạn Thái Nguyên, Bắc Giang. Có thể thấy người vợ nhặt đã coi bà cụ Tứ và anh Tràng là gia đình, người thân của mình. Mọi hành động, lời nói của Thị đều cố gắng vun vén cho hạnh phúc gia đình và có lẽ Thị cũng đã sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những ngày tháng khó khăn sắp tới.
Có thể nói, "nồi cháo cám" là một chi tiết đắt giá trong truyện ngắn Vợ nhặt, nó không chỉ góp phần phát triển nội dung câu chuyện, tái hiện sống động mà cũng đầy xót xa về cuộc sống đói nghèo, túng quẫn của con người trong nạn đói mà còn chứa đựng giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc. "Nồi cháo cám" góp phần bộc lộ những nhân cách tốt đẹp bên trong các nhân vật, đó là vẻ đẹp của tình thương, của khát vọng sống và khát khao hạnh phúc. Dẫu đứng bên bờ vực của cái chết thì con người vẫn dành cho nhau những tình cảm tốt đẹp, họ không ngừng hi vọng vào một tương lai tươi sáng.
-----------------HẾT----------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-hinh-anh-noi-chao-cam-trong-truyen-ngan-vo-nhat-66202n.aspx
Viết về hiện thực đen tối của nạn đói thế nhưng mỗi câu văn, đoạn văn của Vợ nhặt đều thấm đượm tinh thần nhân đạo. Khám phá những đặc sắc của tác phẩm, bên cạnh bài Phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt, các em có thể tham khảo thêm: Cảm nhận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt, Phân tích vẻ đẹp tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống ở các nhân vật trong truyện ngắn Vợ nhặt, Phân tích hình ảnh gia đình khi có người vợ nhặt trong truyện Vợ nhặt, Phân tích giá trị hiện thực trong tác phẩm Vợ nhặt.