Mỗi chi tiết được nhà văn đưa vào tác phẩm của mình đều mang những ý nghĩa riêng. Hãy cùng tìm hiểu một trong số những chi tiết đắt giá nhất trong kho tàng văn học Việt Nam qua bài phân tích Ý nghĩa nồi cháo cám trong Vợ nhặt, Ngữ văn 12, học kì II trên Taimienphi.vn nhé!
Đề bài: Phân tích ý nghĩa chi tiết nồi cháo cám trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân.
Bài văn mẫu Ý nghĩa nồi cháo cám trong Vợ nhặt của Kim Lân
I. Dàn ý Ý nghĩa chi tiết nồi cháo cám trong Vợ nhặt ngắn gọn
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về chi tiết nồi cháo cám.
2. Thân bài:
a, Hoàn cảnh:
- Trong nạn đói thảm khốc, nhà nào cũng có người chết đói thì Tràng lại dắt về một cô vợ.
- Hình ảnh nồi cháo cám được xuất hiện trong bữa cơm đầu tiên của gia đình bà cụ Tứ khi mới có người con dâu "nhặt".
- Được coi như món "chè khoán" bà cụ Tứ đặc biệt chuẩn bị để mừng các con.
b, Ý nghĩa của nồi cháo cám:
- Ý nghĩa tả thực:
+ Cám vốn không phải thứ đồ ăn dành cho người.
+ Là minh chứng cho sự thê thảm, nghèo khó của con người trong nạn đói.
- Ý nghĩa biểu tượng:
+ Là tình yêu thương, tấm lòng của người mẹ dành cho các con.
+ Thể hiện tình người cao đẹp, sự đùm bọc lẫn nhau vượt qua cơn đói.
+ Thể hiện khát vọng sống mãnh liệt của con người trong nghịch cảnh.
- Chi tiết nồi cháo cám góp phần bộc lộ tính cách của các nhân vật:
+ Bà cụ Tứ: Người mẹ bao dung, hết mực yêu thương các con.
+ Tràng: Người con hiếu thảo, vừa hiểu rõ được hoàn cảnh gia đình, vừa thấy hổ thẹn khi không thể cho người vợ mới cưới một bữa ăn tử tế.
+ Thị: Một người phụ nữ ý tứ, muốn làm vui lòng mẹ chồng, chấp nhận thực tại khó khăn, cực khổ cùng gia đình mới.
- Góp phần thể hiện tài năng của Kim Lân trong việc lựa chọn sự việc, chi tiết.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại ý nghĩa của chi tiết đối với tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
- Liên hệ mở rộng.
II. Bài văn mẫu phân tích chi tiết nồi cháo cám trong Vợ nhặt hay nhất - Văn 12:
1. Bài văn mẫu Ý nghĩa nồi cháo cám trong Vợ nhặt ngắn hay số 1
"Vợ nhặt" của Kim Lân là một trong số những tác phẩm tiêu biểu viết về số phận người dân nghèo khi nạn đói thảm khốc hoành hành năm 1945. Truyện ngắn đã thành công tái hiện bối cảnh tang thương của thực tại, từ đó làm nổi bật lên những phẩm chất đáng quý tiềm ẩn sâu bên trong mỗi con người. Đã có rất nhiều chi tiết độc đáo, thú vị được Kim Lân đưa vào tác phẩm, nhưng đặc biệt nhất phải kể đến nồi cháo cám của bà cụ Tứ. Chi tiết này không chỉ phản ánh hoàn cảnh nghiệt ngã của con người mà còn làm nổi bật tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà văn.
Bối cảnh nạn đói được Kim Lân mô tả hết sức chi tiết: "Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào", "Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm cong queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người". Khung cảnh tang thương làm cho độc giả cảm nhận được sự chua xót, đau đớn của nhà văn mỗi khi nhớ lại. Trong "cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy", Tràng - một người dân nghèo ở xóm ngụ cư, lại đi "nhặt" về một cô vợ. Điều này khiến ai ai cũng ngạc nhiên. Người dân trong xóm dị nghị "Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?". Nhưng bỏ ngoài tai tất cả, Tràng vẫn rất vui vẻ, phấn khởi vì có thêm một thành viên trong nhà. Ngay cả bà cụ Tứ cũng rất nhanh chóng chấp nhận người con dâu mới.
Trong bữa cơm đầu tiên của cả gia đình, độc giả đã thấy ngay được cái khổ, cái nghèo. Bữa cơm ấy "thảm hại", "giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo", "mỗi người được có lưng hai bát đã hết nhẵn". Lúc này, nồi cháo cám xuất hiện như một món quà mà bà cụ Tứ dành cho các con. Bà vui vẻ "lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút" và gọi đó là "chè khoán". Thế nhưng thực chất, cái thứ đặc biệt mà bà háo hức khoe cho các con, cái thứ "ngon đáo để" theo lời bà chỉ là một nồi cháo cám. Chi tiết ấy khiến cho câu chuyện như trùng xuống, nhưng cũng đồng thời đem lại nhiều suy ngẫm cho độc giả.
Có thể nói, cám không phải thứ đồ ăn dành cho con người. Vậy mà ở cái xóm ngụ cư nghèo nàn kia, "khối nhà còn chẳng có cám mà ăn". Như vậy, xét theo nghĩa tả thực, nồi cháo cám chính là minh chứng cho cái đói, cái nghèo, cái cùng cực của cuộc sống nhân dân những năm 45. Trong nạn đói, chỉ một nồi cám thôi cũng là xa xỉ, là thứ "mĩ vị" mà không phải ai cũng có.
Nhưng nếu nhìn vào nghĩa biểu tượng, nồi cháo "đắng ngắt" kia lại chính là tình yêu thương, là tấm lòng của người mẹ già dành cho con trai và con dâu. Những số phận thê thảm ấy đùm bọc lẫn nhau bằng miếng rau miếng cháo, dìu dắt nhau qua cơn đói liên miên. Và chi tiết ấy cũng đồng thời nói lên được khát vọng sống mãnh liệt luôn ẩn sâu trong mỗi người. Bấy giờ, có cái để ăn, để không bị biến thành cái thây ngoài đường, ngoài chợ cũng là may mắn rồi.
Không chỉ vậy, chi tiết nồi cháo cám còn góp phần giúp các nhân vật bộc lộ rõ tính cách của mình hơn. Bà cụ Tứ vốn được xây dựng là một người mẹ giàu đức hi sinh, thấu tình đạt lí, nay càng tỏa sáng với tình yêu thương con sâu sắc. Anh Tràng ngây ngô, lông bông ngày trước khi nếm miếng cám thì "mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ". Thế nhưng anh chẳng chê bai gì. Anh hiểu hoàn cảnh khó khăn của nhà mình, cũng thấy hổ thẹn vì chưa thể cho vợ một sự chào đón tử tế. Đặc biệt, qua chi tiết nồi cháo cám, độc giả đã thấy được rất rõ sự thay đổi của người vợ nhặt. Từ một ả đàn bà đanh đá, chua ngoa, chỏng lỏn, nay thị đã ý tứ hơn, ra dáng một người vợ hiền dâu thảo. Đón bát cháo từ tay mẹ chồng, "hai con mắt thị tối lại", nhưng vẫn "điềm nhiên cho vào miệng". Cô đã chấp nhận hoàn cảnh, chẳng hề kêu ca lấy một tiếng. Cô biết gia đình họ đón cô về trong những ngày đói kém như này đã là tốt lắm rồi. Vậy nên cô muốn để mẹ chồng vui lòng, cũng sẵn sàng cùng gia đình mới vượt qua cái đói, cái nghèo.
Tựu chung lại, hình ảnh nồi cháo cám trong tác phẩm "Vợ nhặt" chính là một chi tiết vô cùng đắt giá. Nó không chỉ nói lên được thực tại đau thương mà còn thể hiện được khát vọng sống mãnh liệt của con người trong nghịch cảnh. Đó là nồi cháo của tình thân, tình người, của niềm tin và hi vọng. Qua đây, Kim Lân cũng chứng minh được tài năng nghệ thuật cùng tấm lòng nhân đạo đáng quý. Đồng thời, khẳng định vị trí vững chắc của mình trong dòng chảy văn học.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Chi tiết nồi cháo cám không chỉ giúp khẳng định tài năng của Kim Lân mà còn nâng tầm giá trị của cả tác phẩm "Vợ nhặt". Ngoài ra, để hiểu rõ hơn về cảm xúc, niềm tin của tác giả trước thực trạng đói nghèo của đất nước, các em có thể tham khảo thêm các bài văn hay lớp 12 khác như Nghệ thuật đặc sắc của Vợ Nhặt, Ý nghĩa nhan đề và tình huống truyện trong Vợ nhặt, Ý nghĩa tư tưởng và nét đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn Vợ nhặt, Phân tích giá trị hiện thực trong tác phẩm Vợ nhặt,...
2. Bài văn mẫu Ý nghĩa nồi cháo cám trong Vợ nhặt siêu hay của học sinh giỏi số 2
- Bữa ăn ngày đói thật thảm hại. Trên cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo lõng bõng. Bà mẹ Tràng còn chuẩn bị một nồi cháo cám "đắng chát, nghẹn bứ" mà bà gọi là "chè khoán ngon đáo để.
+ Chi tiết trên thể hiện tình trạng cùng cực của người dân lao động trong nạn đói 1945 là Giá trị tố cáo thực dân, phong kiến
+ Thể hiện tình người cao đẹp: Cưu mang đùm bọc lẫn nhau giúp họ vượt qua được bóng tối đang bao trùm là Giá trị nhân đạo
+ Khát vọng sống mãnh liệt của con người dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất
+ Khát khao hạnh phúc, mái ấm gia đình.
* Dàn ý chi tiết:
1. Mở bài:
- Kim Lân - một con người một lòng đi về với "thuần hậu phong thủy", là một cây bút truyện ngắn vững vàng, ông đã viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là con đẻ của đồng ruộng.
- Vợ nhặt là một truyện ngắn thành công của nhà văn, viết về thời kỳ xảy ra nạn đói năm 1945. Truyện ngắn không chỉ có một tình huống độc đáo mà còn có một chi tiết nghệ thuật đầy ý nghĩa - chi tiết nồi cháo cám.
2. Thân bài:
a) Chi tiết nghệ thuật
Chi tiết nghệ thuật là những yếu tố nhỏ lẻ của tác phẩm nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Sức chinh phục của hình tượng nghệ thuật là ở sự truyền cảm thì góp phần quyết định tạo ra sức truyền cảm hấp dẫn, lôi cuốn người đọc là nhờ chi tiết.
b) Chi tiết nồi cháo cám
- Vị trí của chi tiết trong truyện ngắn (tóm tắt: nằm trong phần 2 của truyện ngắn, cụ thể đó là món ăn duy nhất của cả nhà trong buổi sáng ngày hôm sau)
- Ý nghĩa:
+ Đối với gia đình Tràng, nồi cháo cám là món ăn xua tan cơn đói, là món ăn duy nhất của bữa tiệc cưới đón nàng dâu mới về . Trong hoàn cảnh của nạn đói năm 1945, khi mà "Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy", nồi cháo cám lại là món ăn không thể không có.
+ Qua chi tiết nồi cháo cám, tính cách của nhân vật được bộc lộ:
• Bà cụ Tứ: người mẹ đảm đang, yêu thương con hết mực ( mặc dù đã già nhưng bà vẫn dậy sớm chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà; hơn thế nữa khi cái đói đang rình rập bà vẫn cố gắng để có được bữa tiệc cưới giản dị cho con trai của mình) .
• Tràng: "Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ", cách ứng xử này vừa cho thấy Tràng là người chồng có trách nhiệm với nỗi thẹn không thể dành cho người vợ mới cưới của mình một bữa ăn đủ đầy, một tiệc cưới sang trọng ; vừa cho thấy Tràng là người con hết sức khéo léo trong cách cư xử với mẹ, hiểu rõ được hoàn cảnh của gia đình mình.
• Vợ Tràng: qua chi tiết này ta càng khẳng định được sự thay đổi về tính cách của vợ Tràng, hết sức ngạc nhiên trước nồi cháo cám nhưng người con dâu mới vẫn điềm nhiên và vào miệng để làm vui lòng mẹ chồng. Điều đó cũng cho thấy vợ Tràng không còn nét cách đỏng đảnh như xưa nữa mà cô đã chấp nhận hoàn cảnh, đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới.
+ Nồi cháo cám là nồi cháo của tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng.
+ Chi tiết thể hiện tài năng của nhà văn Kim Lân trong việc lựa chọn chi tiết trong truyện ngắn.
3. Kết bài
Đánh giá, nhận xét một cách khái quát về chi tiết nồi cháo cám.
----------------------HẾT-------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/y-nghia-noi-chao-cam-trong-vo-nhat-42462n.aspx
Với những gợi ý phân tích ý nghĩa nồi cháo cám trong Vợ nhặt trên đây, chắc hẳn các em đã biết cách phân tích, lựa chọn dẫn bổ sung cho bài văn phân tích truyện Vợ nhặt của mình.