Cảm nhận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt

Trong nạn đói năm 45, anh nông dân Tràng xấu xí, nhà nghèo vô tình nhặt được vợ đã được tác giả Kim Lân khắc họa với nhiều diễn biến tâm lý nổi bật. Các em hãy cùng tham khảo bài văn mẫu cảm nhận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt để hiểu rõ hơn về tính cách, hoàn cảnh của nhân vật cũng như giá trị nhân đạo, thông điệp mà tác giả muốn truyền tải.

Đề bài: Cảm nhận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

cam nhan ve nhan vat trang trong truyen ngan vo nhat

Cảm nhận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt hay, đặc sắc
 

I. Dàn ý Cảm nhận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt (Chuẩn)

1. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
- Giới thiệu về nhân vật Tràng

2. Thân bài:

a. Gia cảnh, ngoại hình của Tràng
- Gia cảnh: Nghèo khổ, sống ở xóm ngụ cư cùng với người mẹ già.
- Ngoại hình: thô kệch, xấu xí "cái mặt thô kệch", "đôi mắt nhỏ tí", "bước đi ngật ngưỡng", ...
- Tính cách: ngờ nghệch, vô tư "vừa đi vừa tủm tỉm cười", thích chơi với đám trẻ con.
=> Tràng là điển hình của người lao động nghèo, những người nông dân chất phác trong thời kì nạn đói 1945.

b. Tình huống Tràng "nhặt" được vợ

- Bối cảnh:
+ Giữa nạn đói năm 1945, khi Tràng kéo xe thóc thuê cho liên đoàn, gặp Thị đang ngồi bên đường chờ nhặt hạt rơi vãi.
+ Sau hai lần gặp và bốn bát bánh đúc cùng câu nói đùa vu vơ, thị đã đồng ý theo Tràng về nhà, làm vợ hắn.

c. Tâm trạng của Tràng trên đường trở về:
- Trên đường về nhà Tràng rất vui vẻ, hạnh phúc "đôi mắt sáng lên lấp lánh"
- Niềm vui ấy khiến hắn quên hẳn hoàn cảnh trước mắt.
=> Thứ cảm giác hạnh phúc lần đầu Tràng được biết, hắn không biết tên của nó là gì, chỉ thấy niềm vui sướng ngập tràn trong lòng.

d. Tâm trạng của Tràng khi về đến nhà:
- Hắn ngượng nghịu, lúng túng ngay trong căn nhà của mình.
- Lần đầu tiên, hắn ngoan ngoãn đáp lời mẹ, rồi "cười khì" vui vẻ.
=> Niềm hạnh phúc ngập tràn trong tâm hồn hắn, hắn không thể tin được niềm khao khát của hắn đã thành hiện thực một cách ngẫu nhiên như thế.

- Sáng hôm sau:
+ Lần đầu tiên, Tràng nhận ra ngôi nhà của mình thực sự là một tổ ấm, khác lạ hơn, ấm áp hơn so với ngày thường.
+ Tràng đột nhiên trở nên sâu sắc, có trách nhiệm hơn, Tràng đã nghĩ đến những việc xa xôi hơn, về lúc Tràng có con cái, gia đình đầm ấm, yên vui.

- Tiếng trống thúc sưu vang lên, trong đầu Tràng hiện lên lá cờ đỏ cùng đoàn người đói đi trên đê khộp.

=> Đây là những nhem nhóm đầu tiên về ý thức Cách mạng mà Kim Lân muốn đưa vào trong tác phẩm của ông.

e. Đặc sắc nghệ thuật:
- Tình huống truyện đặc sắc, bất ngờ, hợp lý.
- Miêu tả tâm lí nhân vật sinh động, sâu sắc.
- Tái hiện chân thực về nạn đói năm 1945 =>giá trị nghệ thuật và nhân đạo sâu sắc.

3. Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề.


II. Bài văn mẫu Cảm nhận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt (Chuẩn)

Kim Lân là nhà văn có sở trường về những người nông dân, nông thôn trong đó nổi tiếng nhất phải kể tới tác phẩm Vợ nhặt. Vợ nhặt là bức tranh chân thực về nạn đói năm 1945, thế nhưng, giữa sự lay lắt đói khát ấy, người ta lại thấy le lói thứ ánh sáng của sự yêu thương, đùm bọc, của sự san sẻ, khát khao hạnh phúc cùng hướng về sự sống của con người. Thông qua hình tượng nhân vật Tràng, ta có thể thấy được vẻ đẹp của tình thương cùng sức sống mãnh liệt bên trong con người trong nạn đói.

Vợ nhặt được in trong tập Con chó xấu xí năm 1962, nghĩa là sau nạn đói 1945 không lâu. Thiên truyện là sự dung hòa của giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo, tất cả được biểu hiện qua nhân vật Tràng.

Nói tới Tràng, người ta nhắc tới một con người mà cả ngoại hình hay tính cách, gia cảnh đều thuộc hạng "cùng đinh". Về ngoại hình, người ta thấy Tràng là một anh chàng vừa thô kệch vừa xấu xí "cái mặt thô kệch", "đôi mắt nhỏ tí", "thân hình to lớn vập vạp", "cái lưng to rộng như lưng gấu". Không chỉ thế, Tràng còn là người dân xóm ngụ cư sống bằng nghề kéo thóc thuê, ngôi nhà của mẹ con Tràng lụp xụp, rách nát xung quanh mọc đầy cỏ dại . Đến tài ăn nói, Tràng cũng không có, Tràng chỉ biết nói thô lỗ, cộc cằn, lại còn cái tật "vừa đi vừa nói", "lảm nhảm những điều hắn nghĩ". Với những điều này, thật khó để Tràng có được một người vợ ngay cả trong điều kiện thường, càng trở nên xa vời khi nạn đói xảy ra.

Thế nhưng, cuộc đời không khỏi có những bất ngờ, Tràng nghèo đến vậy, lại xấu xi đến thế, lại đang giữa những năm tháng đói khát ấy thế mà Tràng lại có "vợ", thậm chí là "nhặt" được vợ. Thật quá bất ngờ!

Tình huống ấy xảy ra khi Tràng kéo xe thóc đi qua và gặp Thị đang ngồi bên lề đường chờ "nhặt hạt rơi vãi". Lúc ấy, hắn chỉ chợt "hò một câu cho đỡ nhọc" rằng: "Muốn ăn cơm trắng mấy giò này! Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!", dứt câu thì Thị đã "ton ton" chạy ra đẩy xe với Tràng, còn "liếc mắt, cười tít" với hắn. Chính điều đó đã làm Tràng ấn tượng với Thị, bởi "từ cha sinh mẹ để đến giờ, chưa có người con gái nào cười với hắn tình tứ thế".

Qua thời gian sau, hắn gặp lại Thị, nhưng lúc ấy Thị đã gầy gộc, tiều tụy hơn" áo quần tơi như tổ đỉa, Thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt". Thị đã "sưng sỉa" lên với Tràng, đòi Tràng mời ăn, nhận được sự đồng ý của Tràng, Thị đã "ăn một chặp bốn bát bánh đúc". Trong cuộc gặp gỡ tình cờ ấy, Tràng đùa với Thị rằng: "Này nói đùa có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về". Ấy vậy mà Thị theo Tràng về thật. Chỉ với hai lần gặp, bốn bát bánh đúc, cùng câu nói nửa đùa nửa thật của hắn, hắn đã có "vợ".

Câu nói của Tràng là đùa, nhưng ẩn chứa trong đó là khao khát có được mái ấm của riêng mình, khao khát tình yêu và hạnh phúc, và Thị có lẽ chính là người giúp hắn được điều ấy.

Hắn nói đùa mà Thị thì đồng ý thật, đến lúc ấy hắn mới "chợn" nghĩ: "Thóc gạo này đến thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng". Thế nhưng "sau không biết nghĩ thế nào", liệu có phải là cái khao khát hạnh phúc trong lòng hắn bừng lên mà hắn "chặc lưỡi một cái: chậc, kệ" hay chăng?

Tràng và Thị đến với nhau giữa lúc cái đói đang hoành hành khắp nơi, "người chết như ngả rạ". Biết rõ rằng đến với nhau là một gánh nặng giữa lúc đói khát này, thế nhưng anh chàng Tràng lại rất vui vẻ đón nhận, sẵn sàng san sẻ sự sống vốn đã ít ỏi cho Thị. Bởi trong lòng anh luôn khao khát hạnh phúc, khao khát về mái ấm đã len lỏi trong anh từ rất lâu rồi, và giờ đây, nó có thể đã trở thành hiện thực.

Trên đường Tràng và Thị trở về, niềm vui hiện rõ trên mặt Tràng, hắn hớn hở "có một vẻ gì phởn phơ khác thường. Hắn tủm tỉm cười một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh", khác hẳn với hình ảnh "đi từng bước mệt mỏi" như ngày trước. Trong niềm vui ấy, Tràng đã quên đi hết tất cả, "quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả đói khát ghê gớm đang đe doạ, quên cả những ngày tháng trước mắt", bởi trong lòng hắn chỉ có niềm hạnh phúc và "tình nghĩa giữa hắn và người đàn bà đi bên". Cái cảm giác ấy mơn man da thịt hắn, "tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng" hắn, mà hắn chưa bao giờ cảm nhận được. Tràng không định nghĩa được nó, nhưng niềm vui sướng thì hiện rõ trên gương mặt, tràn ngập trong tâm hồn hắn, khiến hắn "thích chí ngửa cổ cười khanh khách". Cái cảm giác hạnh phúc, niềm vui khi có gia đình, có được một người vợ để yêu thương, hắn chưa từng được hưởng cái cảm giác sung sướng, hạnh phúc ấy một lần.

Đến khi về tới nhà, lần đầu tiên trong đời, ở chính trong căn nhà mình, hắn lại trở nên ngượng nghịu, lúng túng, hắn gắt lên khi bà cụ Tứ - mẹ hắn đi đâu về muộn. Hắn còn cảm thấy "sờ sợ", mà "chính hắn cũng không hiểu sao hắn sợ". Ở người đàn ông này, ta cảm nhận được những thái cực trái ngược sau khi anh ta "nhặt" vợ. Cảm giác vui sướng, nhưng cũng lo sợ, hạnh phúc nhưng cũng lo lắng, anh vui bởi lẽ cái niềm khao khát bấy lâu của mình đã thành hiện thực, còn lo lắng bởi lẽ anh không biết cái đói sẽ còn hành hạ con người ta đến bao giờ, liệu họ có còn sống qua cái giai đoạn này chăng?

Bao nhiêu lo lắng, hỗn độn trong tâm trí người đàn ông ấy, hắn còn chưa thật sự tin rằng hắn đã có vợ. Hắn còn đang mơ màng, còn "ngờ ngợ như không phải thế". Phải chăng niềm vui quá bất ngờ khiến Tràng chưa thể nào tin ngay được điều đó? Đến khi nói chuyện với mẹ, được bà cụ dặn dò, Tràng cũng vâng dạ vô cùng ngoan ngoãn - những điều mà lần đầu tiên có được trong ngôi nhà ấy.

Kim Lân đã khéo léo dựng lên một tình huống éo le nhưng cũng thật bất ngờ, rất hợp lý, bao hàm cả giá trị nhân đạo và giá trị nội dung sâu sắc. Đây chính là sự yêu thương mà Kim Lân dành đến cho những người nông dân nghèo, những người lao động chất phác.

Sáng hôm sau, hắn tỉnh dậy khi "mặt trời lên bằng con sào", thế nhưng, hắn không thấy sự mệt mỏi mà chỉ thấy "trong người êm ái, lơ lửng như người vừa ở trong giấc mơ đi ra". Niềm hạnh phúc với hắn dường như vẫn còn mơ hồ, niềm vui có vợ, có gia đình khiến hắn "vẫn còn ngỡ ngàng như không phải".

Lần đầu tiên Tràng nhận ra ngôi nhà của mình thực sự là một mái ấm chở che cuộc đời con người, hắn chợt thấy mình có trách nhiệm hơn, trở nên thâm trầm sâu sắc hơn "Bỗng nhiên hắn thấy cần có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này". Từ bao giờ, Tràng đã nghĩ tới những việc xa hơn, có con cái, có gia đình êm ấm, hạnh phúc? Điều ấy càng khiến trong lòng hắn vui hơn bao giờ hết!

Bữa cơm đầu tiên của nhà ba người, hắn bỗng trở thành đứa con ngoan khi bà cụ Tứ nhắc tới tương lai, một tương lai mà họ có đàn gà, tương lai sáng sủa, tốt đẹp hơn. Lúc ấy, "Tràng chỉ vâng. Tràng vâng rất ngoan ngoãn. Chưa bao giờ trong nhà này mẹ con lại đầm ấm , hoà hợp như thế". Sự xuất hiện của Thị trong đời Tràng đã biến đổi con người hắn, biến hắn trở thành một người con ngoan, một người chồng có trách nhiệm. Mặc dù là bữa cơm đầu của người con dâu, thể nhưng cùng chỉ là cháo loãng, là món "chè khoán" bằng "cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ".

Tiếng trống thúc thuế vọng lại khiến Tràng giật mình, hắn "thần mặt ra nghĩ ngợi" khi thấy vợ nói rằng "ở mạn Thái Nguyên, Bắc Giang, người ta không chịu đóng thuế nữa đâu". Hắn cũng nghĩ tới những người đi phá kho thóc Nhật mà hắn đã từng gặp trên đường đi kéo thóc, "tự dưng hắn thấy ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ, khó hiểu". Đây phải chăng là những nhem nhó đầu tiên của ý thức Cách mạng mà Kim Lân muốn đưa vào trong tác phẩm của mình?

Kim Lân đã dựng lên hình tượng người lao động nghèo trong nạn đói 1945 vô cùng xuất sắc. Ông đã tái hiện bức tranh chân thực nhất về nạn đói khiến hai triệu đồng bào ta phải chết, những người sống phải vật vờ như những bóng ma. Diễn biến nhân vật Tràng cũng được thể hiện rất sinh động, rất chân thật.

Tràng là nhân vật điển hình cho những người lao động nghèo trong nạn đói 1945. Họ nghèo đói về vật chất, nhưng không hề nghèo đói về tình thương. Họ sẵn sàng san sẻ cho người khác, đùn bọc những người yếu đuối hơn để cùng nhau hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

----------------HẾT----------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-nhan-vat-trang-trong-truyen-ngan-vo-nhat-62864n.aspx
Vợ nhặt quả là một tác phẩm độc đáo bậc nhất nền văn học Việt Nam. Để hiểu rõ thêm về tác phẩm cũng như các nhân vật trong truyện, chúng ta có thể tham khảo các bài viết như Cảm nhận về nhân vật bà cụ Tứ trong Vợ nhặt, Chứng minh nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt vô danh nhưng không vô nghĩa..., Cảm nhận về vẻ đẹp tình mẫu tử của bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt, Phân tích vẻ đẹp tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống ở các nhân vật trong truyện ngắn Vợ nhặt.

Tác giả: Trấn thành     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Dàn ý Phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt
Chứng minh nhân vật người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ nhặt vô danh nhưng không vô nghĩa...
Sơ đồ tư duy Vợ Nhặt, Nhân vật Vợ Tràng
Cảm nhận về tình huống truyện trong truyện ngắn Vợ nhặt
Phân tích nhân vật Bà cụ Tứ - người mẹ nghèo trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
Từ khoá liên quan:

cam nhan ve nhan vat trang trong truyen ngan vo nhat

, dan y cam nhan ve nhan vat trang, cam nhan ve nhan vat trang trong truyen vo nhat,

SOFT LIÊN QUAN
  • Sơ đồ tư duy Vợ Nhặt

    Sơ đồ tư duy Tràng, bà cụ Tứ, vợ Tràng

    Cùng với những tác phẩm văn học hiện thực trước cách mạng tháng Tám, Vợ nhặt của Kim Lân đã trở thành một trong số các tác phẩm xuất sắc nhất viết về đề tài nông thôn, để dễ dàng hơn trong việc đọc hiểu văn bản này, c ...

Tin Mới