Soạn bài Sóng của Xuân Quỳnh

Hướng dẫn soạn bài Sóng của Xuân Quỳnh sẽ cùng các em khám phá cặp hình tượng sóng-em, qua đó thấy được tâm hồn, vẻ đẹp của người con gái khi yêu cũng như sự tài tình của Xuân Quỳnh khi xây dựng hình tượng sóng.
Mục Lục bài viết:
1. Bài soạn số 1
2. Bài soạn số 2


SOẠN BÀI SÓNG, ngắn 1

XUÂN QUỲNH

Câu 1. Nhận xét về âm điệu, nhịp điệu bài thơ.  âm điệu, nhịp điệu đó được tạo nên bởi những yếu tố nào?
Trả lời :
-  Âm điệu, nhịp điệu bài thơ rạo rực đến xôn xao, khát khao đến khắc khoải. Từng nhịp thơ như nhịp con tim, như từng con sóng vỗ vào bờ, cuộn trào theo từng nỗi nhớ.
- Câu thơ ngắn, đều .
- Gieo vần chân, vần cách, gợi con sóng đuổi nhau .
 
Câu 2. Hình tượng bao trùm xuyên suốt bài thơ là hình tượng sóng. Mạch liên kết các khổ thơ là những khám phá liên tục về sóng. Hãy phân tích hình tượng này.
Trả lời:
-  “Sóng” là “em” ⟶ Sóng và em song song nhau để diễn tả tình yêu.
- “ sóng” và “ em” là hình  tượng trung tâm của tác phẩm .Sóng ẩn dụ cho hình ảnh người con gái đang yêu.
-  hai hình tượng bổ sung cho nhau trong suốt cả bài thơ.tuy hai mà một từ đó tạo nên âm vang cộng hưởng cho tình yêu mà Xuân Quỳnh muốn thể hiện.
- từ khát vọng yêu đến sự tìm hiểu đến tận cùng tình yêu. từ lo âu về sự không bền vững của tình yêu đến sự nhớ nhung và khao khát tình yêu
 
Câu 3. Giữa sóng và em trong bài thơ có quan hệ như thế nào? Anh chị có nhận xét gì về kết cấu bài thơ? Người phụ nữ đang yêu tìm thấy sự tương đồng giữa các trạng thái tâm hồn mình với những con sóng. Hãy chỉ ra sự tương đồng đó.
 
Trả lời:
- Giữa “sóng” và “em” có quan hệ tương đồng (“sóng” chính là ẩn dụ cho tình yêu và tâm hồn nhân vật “em” ).
- Kết cấu bài thơ là kết cấu song hành liền mạch .
- Sự tương đồng đó là:
luôn hướng về bờ như em hướng về anh
 luôn nồng nàn trong tình yêu cuộn trào nỗi nhớ,như sóng vỗ liên hồi.
tìm hiểu tình yêu như sóng tìm ra tận bể
qua đó cho thấy vẻ đẹp tình yêu của Xuân Quỳnh thật sự nồng nhiệt như lớp sóng đang gào thét
 
Câu 4. Bài thơ là lời tự bạch của một tâm hồn phụ nữ đang yêu. Theo cảm nhận của anh/ chị tâm hồn đó có những đặc điểm gì ?
 
Trả lời:
- Đó là một tâm hồn rất chân thành, dịu dàng nhưng cũng sôi nổi và mạnh mẽ, hết mình trong tình yêu.
- Tâm hồn đầy nữ tính và rất thủy chung, khát khao một tình yêu vĩnh hằng.
 
* Luyện tập:
    Có nhiều bài thơ, câu thơ so sánh tình yêu với sóng và biển. Hãy sưu tầm những câu thơ, bài thơ đó.
Gợi ý:
+ “Anh xin làm sóng biếc 
  hôn mãi cát vàng em”
                      ( Xuân Diệu, Biển ) 
+ “Chỉ có thuyền mới hiểu
  Biển mênh mông nhường nào
  Chỉ có biển mới biết
  Thuyền đi đâu, về đâu”
                     ( Xuân Quỳnh, Thuyền và biển ) 
 

SOẠN BÀI SÓNG, ngắn 2

XUÂN QUỲNH

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

I. TÁC GIẢ:

1. Tiểu Sử
- Xuân Quỳnh (1942-1988) tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê xã La Khê, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội.
- Xuất thân trong một gia đình công chức, mồ côi mẹ từ nhỏ, ở với bà nội. Tháng 2 năm 1955, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa.
- Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khóa I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, làm việc tại Báo Văn nghệ, Báo Phụ nữ Việt Nam.
- Là hội viên từ năm 1967, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ.
- Từ năm 1978 đến lúc mất Xuân Quỳnh làm biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Xuân Quỳnh mất ngày 29 tháng 8 năm 1988 trong một tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thành phố Hải Dương.
- Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.

2. Sự nghiệp văn học
Tác phẩm tiêu biểu: Tơ tằm - Chồi biếc (in chung với Cẩm Lai, 1963), Hoa dọc chiến hào (1968), Gió Lào cát trắng (1974), Lời ru trên mặt đất (1978), Sân ga chiều em đi (1984), Hoa cỏ may (1989)...

3. Phong cách
- Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau nhưng bao giờ cũng trọn vẹn cảm xúc như chính tính cách luôn hết mình với đời, với người.
- Thơ Xuân Quỳnh rạo rực hạnh phúc đắm say, nhưng nhiều lúc cũng đau khổ, đầy suy tư, triết lí. Ngôn ngữ thơ Xuân Quỳnh dịu dàng, đằm thắm, nồng nàn, nhưng cũng đầy táo bạo của một trái tim phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ.

II. TÁC PHẨM SÓNG

1. Hoàn cảnh sáng tác
- Bài thơ Sóng được viết vào ngày 29 – 12 – 1967 tại Thái Bình, in trong tập Hoa dọc chiến hào.
- Cùng với Thuyền và biển, Sóng là bài thơ tình thuộc loại hay nhất của Xuân Quỳnh và cũng là của thơ hiện đại Việt Nam.

2. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
- Bài thơ được kết cấu trên cơ sở nhận thức tương đồng, hoà hợp giữa hai hình tượng trữ tình: sóng và em.
- Cô gái đang yêu trong bài thơ đối diện với tình yêu như đối diện với biển cả bao la, cô tìm thấy sự đồng điệu giữa mình và con sóng.
- Ở mỗi khổ thơ, sóng hiện lên một diện mạo, một ý nghĩa. Qua mỗi khám phá về sóng, em lại thấy mình trong đó.
- Khổ 1 và 2: + Tự bạch về những trạng thái tâm lí phức tạp của lòng mình, nhân vật trữ tình cảm nhận được nét tương đồng giữa sóng và khát vọng tình yêu của tuổi trẻ.
+ Sóng - Tình yêu luôn tồn tại trong trạng thái đối cực: dữ dội, ồn ào dịu êm, lặng lẽ nhưng trạng thái lặng dịu êm, lặng lẽ mới là điểm hội tụ của mọi xao động tâm tư.
+ Sóng - tình yêu không chấp nhận giới hạn chật hẹp, luôn khao vươn tới cái lớn lao, đồng cảm, đồng điệu để thoát khỏi sự tầm thường nhỏ hẹp: “Sông không hiểu nổi mình / Sóng tìm ra tận bể”.
- Khổ 3 và 4: + Đối diện với biển, nhân vật trữ tình suy tư về điểm khởi nguồn của sóng: “Từ nơi nào sóng lên?”. Đây là suy tư muôn đời của con người - nhận thức, lí giải về sóng: “Sóng bắt đầu từ gió | Gió bắt đầu từ đâu?”.
+ Nhưng cái đích là muốn xác định thật rành rọt điểm bắt đầu của tình yêu trong chính bản thân mình để rồi bất ngờ thú nhận sự bất lực của mình:
“Em cũng không biết nữa / Khi nào ta yêu nhau”.
+ Hai câu thơ xuất hiện thật bất ngờ, giọng điệu như bối rối khi nghĩ về khởi điểm, khởi nguồn tình yêu của chính mình. Vị trí của các câu thơ dường như có sự đảo lộn. Nội dung và cách nói ấy đã góp phần kì ảo hoá tình yêu khiến tình yêu lung linh huyền diệu hơn.
- Khổ 5, 6 và 7: + Âm hưởng đoạn thơ là âm hưởng khẳng định, âm hưởng của niềm tin. Nỗi nhớ được diễn tả thật mãnh liệt, da diết hiển hiện trong mọi chiều kích của không gian, thời gian, trạng thái của cuộc sống. Hàng loạt các từ ngữ trái nghĩa hiện diện trong khổ thơ:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được.
+ Giữa bốn câu đầu khổ và hai câu cuối khổ là một sự so sánh, đối chiếu dạn dĩ: Lòng em nhớ đến anh / Cả trong mơ còn thức. Sự khao khát hướng về nhau, có nhau và sự bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào lòng chung thuỷ được thể hiện thật dứt khoát qua các câu khẳng định tuyệt đối (Dẫu... dẫu... cũng... chẳng... dù...).
+ Điều đáng nói là niềm tin ấy không hề dễ dãi mà phải qua phấn đấu gian nan. Các từ trái nghĩa được huy động để thể hiện cảm quan hiện thực sắc sảo ấy (xuôi / ngược; phương Bắc / phương Nam; đại dương / bờ).
+ Nhân vật trữ tình tự bạch chân thành mà mãnh liệt nỗi nhớ, khát vọng thuỷ chung; nỗi khao khát hướng về nhau, có nhau. Trạng thái tâm hồn ấy vừa mạnh mẽ vừa sâu lắng quyện hoà trong những quan sát và suy tư từ con sóng.
- Khổ 8 + 9: + Suy tư về cuộc đời hữu hạn trong dòng thời gian vô thuỷ vô chung, nhà thơ mơ ước được sống vĩnh hằng khi hoá thân thành sóng. Khát vọng ấy mang một giá trị văn hoá lớn, tạo nên sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa hữu hạn và vĩnh hằng.
+ Xét về phương diện cấu tứ: vẻ đẹp của bài thơ là sự đan xen cộng hưởng của hai hình tượng sóng và em. Mượn con sóng biển, nhà thơ đã diễn đạt được những lớp sóng lòng nhiều nhiều cung bậc, sắc thái cảm xúc nên âm điệu bài thơ là sự hoà trộn âm thanh, nhịp điệu của sóng với những trăn trở, khát khao, nhớ thương, hờn giận... trong lòng người con gái đang yêu.
+ Về âm hưởng: sử dụng thể thơ năm chữ, Xuân Quỳnh đã rất linh hoạt, phóng túng khi ngắt nhịp, phối âm, nhất là “tạo ra các cặp từ, các vế câu, các cặp câu, thậm chí ngay cả các khổ thơ cũng hình thành các cặp đi liền kề, kế tiếp luân phiên đắp đổi nhau về bằng trắc”, nên đã khắc họa được nhịp sống khi dịu êm, khoan thai, khi dồn dập, dữ dội.

B. TỰ LUẬN

1. Biểu tượng “sóng” trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh
Gợi ý làm bài
- Sóng là hiện tượng tự nhiên, luôn xuất hiện trên biển và luôn vận động cùng hướng vỗ vào bờ. Vì lẽ đó, nhịp sóng miên man là biểu tượng của sự thuỷ chung, không ngừng nghỉ, mãi hướng về một cái đích duy nhất của cuộc đời…
- Lẽ tất nhiên, những phẩm chất đó từ lâu đã được các nghệ sĩ sử dụng để nói về tình yêu. Nhịp vỗ của sóng mang cả khối tình người nồng ấm, xôn xao.
- Với Xuân Quỳnh, qua việc quan sát và thấu hiểu bản chất sóng, nữ sĩ đã sáng tạo được hình tượng thơ đẹp, biểu tượng cho tình yêu đằm thắm, mạnh mẽ và rất đỗi chân thành.
- Trong bài thơ, kể cả nhan đề, Xuân Quỳnh mười một lần nhắc đến từ “sóng”. Sóng trên đại dương mênh mông cũng chính là sóng lòng người con gái.
- Trước hết, đây là những con sóng tình không bó hẹp trong một không gian chật hẹp, muốn tìm đến với những cảm xúc dữ dội và tự do: "Sông không hiểu nỗi mình / Sóng tìm ra tận bể”.
- Khát vọng tình yêu tựa những con sóng vĩnh hằng, những con sóng đang trào dâng trong những trái tim rạo rực tình yêu đôi lứa. Sóng là biểu tượng muôn đời của tình yêu. Nó da diết, bồi hồi, nó vĩnh hằng trong lồng ngực trẻ như sóng vĩnh hằng trong lòng biến cả:

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

- Sóng cũng chính là nỗi nhớ thao thức trong lòng. Sóng xuất hiện mọi nơi, sóng ẩn “dưới lòng sông sâu”, sóng hiện “trên mặt nước”, sóng chạy đua cùng thời gian:

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được

- Mượn biểu tượng sóng, nhà thơ còn biểu hiện được nỗi băn khoăn trong lòng trước cái hữu hạn của đời người và cái vô hạn của tình yêu, để hướng tới sự vĩnh hằng của tình yêu, nơi mọi trái tim yêu cùng ngân lên khúc nồng say, chung thuỷ:

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn lỗ

- Hình tượng sóng thể hiện được tâm hồn trẻ trung, sôi nổi, mãnh liệt của Xuân Quỳnh. Một cô gái muốn chủ động yêu chứ không phải thích được người khác yêu, thích sự chuyển di để đến với lòng thuỷ chung muôn thuở. Quan niệm tình yêu của Xuân Quỳnh mới mẻ, táo bạo, nhưng vẫn gắn kết vững bền với truyền thống đạo lí của dân tộc.
- Sử dụng cặp biểu tượng sóng và bờ không phải là sáng tạo mới mẻ của Xuân Quỳnh. Trong ca dao xưa và thơ cổ, ta bắt gặp các cặp biểu tượng thuyền và biển, bến và thuyền, bướm và hoa, sóng và bờ. Nhưng trong thơ cổ, hình ảnh biểu tượng cho người con gái thường đứng yên, tĩnh lặng, ngóng đợi, người con trai xê dịch, tìm đến... còn với Xuân Quỳnh, biểu tượng cho người con gái lại xê dịch, bến bờ nơi sóng tìm đến thì đứng yên. Tính cách mạng trong tư tưởng nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh táo bạo nhất là ở điểm này.
– Từ biểu tượng “sóng”, Xuân Quỳnh cho ta thấy vẻ đẹp kì diệu trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Với tình yêu chân thành, thắm thiết, người phụ nữ muốn sống hết mình, sống trọn vẹn, sống hết mực, tận cùng của sự dâng hiến. Yêu là da diết nhớ. Người phụ nữ ấy khát khao được hòa nhập vĩnh viễn trong tình yêu. Tình yêu của sự nồng nàn, say đắm, thủy chung.

2. Trình bày (thành bài viết hoàn chỉnh) suy nghĩ của anh (chị) về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh.

Trong nền văn chương bác học, khi viết về tình yêu, người chủ động tấn công hoặc thổ lộ tình cảm là nam giới. Phụ nữ, với thiên chức là phái yếu nên thường bị động trong tình yêu của mình. Và dĩ nhiên họ là đối tượng luôn chịu thua thiệt. Tình trạng đó kéo dài ngót cả vài mươi thế kỉ. Cho đến khi chủ nghĩa lãng mạn ra đời, cái tôi con người được khẳng định và cùng với nó, những vấn đề thuộc về nữ quyền cũng được quan tâm. Người phụ nữ Ét-xmê-ran-đa (Nhà thờ Đức bà Pa-ri) đường hoàng bước vào văn học với nét yêu kiều, sự trong trắng thánh thiện bậc nhất trong sáng tác của Vích-to Huy-gô. Với thiên tài nghệ thuật Hen-rích Hai-nơ, người thiếu nữ dành quyền thổ lộ tình yêu:

Em yêu tôi tôi biết
Tôi phát hiện lâu rồi
Nhưng khi em thổ lộ
Tôi giật thót cả người.

Trong ca dao của người Việt, nhiều lần ta bắt gặp tâm trạng của người con gái thao thức với tình yêu của mình:

Đêm nằm lưng chẳng đến giường
Trông trời mau sáng ra đường gặp anh
Hay chao chát hơn trong thế chủ động tấn công:
Thấy anh như thấy mặt trời
Chói chang khó ngó, trao lời khó trao

Nhưng phải đến Xuân Quỳnh, nỗi khát vọng tình yêu chân thành, hồn hậu mới được diễn tả một cách chân thành, táo bạo nhất. Sóng là tiếng lòng, là mảnh tình yêu thương nồng cháy cất lên từ sâu thẳm đại dương của trái tim yêu.
Đấy là tình yêu đôi lứa. Chuyện tình cảm này lạ trong chính sự mênh mông không bến bờ của nó. Trái tim yêu và cương thổ tình yêu không xác định giới hạn luôn được ví với đại dương bao là nơi mặt trời yêu không bao giờ lặn tắt. Hai-nơ cũng đã hình tượng hoá thành công cái sự yêu này:

Mặt trời tim ta đó
Rừng rực ánh lửa hồng
Trái tim đang lặn xuống
Một biến tình mênh mông.

Lại vẫn là chuyện thuyền và biển, mặt trời và đại dương bao la muôn thuở luôn xuất hiện trong những vần thơ yêu. Phải chăng đó chính là hình ảnh “thiên địa đa tình” để phô diễn tình người bao la trong cái sự yêu của nhân loại?

Dữ dội và dịu êm
Ôn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể

Bài thơ mở đầu bằng những sắc thái tương phản: dữ dội - dịu êm, ồn ào - lặng lẽ, ở lại - ra đi của sóng và sông. Những cung bậc cảm chênh chao lúc nào cũng tồn tại trong thế chuyển động, bởi tình yêu là thứ không bao giờ chịu đứng yên mà luôn tìm cách giao cảm và hỏi được giao cảm.
Câu thơ năm chữ giàu nhạc tính, thích hợp với nhịp điệu sóng trùng điệp, miên man trên hành trình đi tìm ý nghĩa của tồn tại, tìm người “hiểu mình”. Những tính từ ngược nghĩa được cấu trúc theo từng cặp, vừa thể hiện được nhịp sóng, sự vận động của sóng và cũng gợi lên sóng đôi, liền cặp của tình yêu tuổi trẻ.
Nhịp thơ nối dài liên tục, như không có sự ngưng nghỉ của những con sóng, của những trái tim khao khát được yêu. Con sóng trên đại đương là sự hiện hình của con sóng trong lòng thiếu nữ đang yêu. Kì lạ thay chính người con gái phát hiện ra cái quy luật ngàn đời ấy. Sự thấu hiểu xuất phát từ sự đồng điệu. Thiếu nữ với tình yêu bỏng cháy của mình khám phá được sự đồng dạng:

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

Ở đây, Xuân Quỳnh không miêu tả con sóng theo cách của Xuân Diệu mà chỉ khắc hoạ thần thái con sóng (dữ dội, dịu êm, ồn ào,...), sự vĩnh hằng của sóng để diễn tả bản chất của tình yêu. Những con sóng vĩnh hằng thì tình yêu cũng sẽ luôn trường cửu với thời gian. Kiểu tình yêu mà Xuân Quỳnh truy tìm là tình yêu tuyệt đối, tình yêu mang tầm vóc vũ trụ của sóng, biển và đất, trời được sinh thành từ thuở khai thiên lập địa cho đến ngày Trái Đất thôi ngừng quay.
Đại từ ôi đặt ở đầu khổ thơ thứ hai cho thấy một tâm trạng đang phân vân giữa bao điều suy ngẫm của trái tim yêu: con sóng là thế, tình yêu là thế,... nhưng khởi nguồn của chúng là đâu? Phải chăng tìm ra cội nguồn của chúng là tìm ra cội nguồn và bản chất của tình yêu:

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau

Lời thơ mộc mạc, như thể tự kiểm điểm kiến thức của mình: Sóng bắt đầu từ gió / Gió bắt đầu từ đâu? Tính chất điệp, vắt dòng này mở ra một cuộc truy đuổi triền miên để tìm ra “thủ phạm” gây nên sóng. Nhà thơ không thể trả lời. Dường như sự tồn tại của sóng là một mặc định của tạo hoá. Có đất trời, có sông biển,... là có sóng. Cũng vậy, có con người là có tình yêu, miễn phải truy tìm nguồn gốc. Bởi như một ẩn ý, tình yêu nếu tìm được nguồn cội, có nghĩa con người ta biết họ yêu nhau vì cái gì thì đấy không còn là tình yêu nữa. Lời tự thú hồn nhiên của người con gái về sự bất lực của mình trong khi đi tìm cái nguyên nhân của tình yêu lại chính là lời bày tỏ tình cảm chân thành, nồng thắm nhất. Lời “không biết” ấy chính là lời thú nhận đầy đủ nhất rằng mình đang yêu, yêu sâu nặng, yêu đến mức... “không biết nữa”.
Đến đây, hình tượng con sóng thực, con sóng trên đại dương không còn là khách thể bên ngoài để người thiếu nữ đối sánh với tình cảm của mình. Khi đã thấu hiểu tình yêu đã đến, thấu hiểu tình cảm của mình đã chuyển di đến một “bến bờ” thì con sóng đó trở thành sóng lòng, bởi nơi “lòng sâu” đại dương kia làm gì có sóng?

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Anh là bờ, em là sóng. Khác với Xuân Diệu: em là bờ, anh là sóng. Điều này cũng dễ hiểu vì Xuân Diệu là nam thi sĩ. Người đàn ông thường chủ động trong tình yêu. Thế mà nay, Xuân Quỳnh trong sự hồn nhiên của mình lại lấy mình làm sóng. Sự truất quyền đàn ông ở nơi nữ sĩ diễn ra không ồn ào, khoe mẽ nhưng quyết liệt biết bao. Phong cách Xuân Quỳnh tuy trái ngược với Hồ Xuân Hương, nhưng mục đích và hiệu quả thì chẳng kém gì nhau.
Nỗi nhớ của trái tim yêu đan dày trong không gian (lòng sâu, mặt nước), thời gian (ngày đêm). Cũng sử dụng lối ẩn dụ của ca dao xưa: sóng và bờ tương ứng với em và anh, nhưng cách biểu lộ tình cảm thì trực tiếp: nhớ đến mức không chỉ không ngủ được mà đến cả trong mơ cũng còn nhớ. Nỗi nhớ đã đi vào vô thức. Chứng tỏ cái sự nhớ ấy đã luôn thường trực, như những con sóng cứ miệt mài ngày đêm hướng vào bờ.
Đường biên của không gian nỗi nhớ cứ liên tục bị xoá bỏ, nới rộng:

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương

Bắc và nam là hai lương từ phiếm chỉ để ngụ ý đến không gian bao la không bến bờ. Trong hành trình mở nước của dân tộc, người Việt chuyển di từ bắc vào nam. Bởi vậy cách nói phù hợp phải là xuôi vào nam, ngược ra bắc. Xuân Quỳnh, trong cảm thức nổi loạn của mình, nói ngược lại. Hoặc khác đi là với tình yêu trào dâng vô bờ, người con gái ấy không thể phân biệt được chiều hướng? Dẫu sao thì điều tác giả muốn nói ở đây là trong bất cứ hành động (xuôi, ngược) nào, trong đó cảnh ngộ nào, em cũng luôn hướng về anh.
Có nét tinh nghịch, hóm hỉnh rất nữ tính trong lối diễn đạt thơ Xuân Quỳnh. Nhà thơ bảo là không biết khi nào “ta yêu nhau”, nhưng chính qua sự diễn bày tâm trạng ta biết nỗi nhớ là dấu hiệu của tình yêu. Khi nhớ nhau đến cồn cào da thịt thì đây là lúc con người ta yêu nhau.
Tố Hữu đã diễn tả rất hình tượng nỗi nhớ nhung da diết của tâm hồn đang yêu:

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
(Việt Bắc).

Nhưng với Xuân Quỳnh, nỗi nhớ là tín hiệu và cũng đồng thời là một bản chất quan trọng của tình yêu. Khi hết nhớ, tình yêu đã phai tàn.
Ở khổ thơ thứ tám, con sóng lại tách ra để trở về với nguyên hình là con sóng của đại dương:

Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng tới bờ
Dù muôn vời cách trở

Trong quan hệ sóng và “em”, nhà thơ cũng bố trí theo “nhịp sóng”, đây là sự “nhập” bờ và “tách” bờ. Mở đầu bài thơ, sóng là sóng, em là em, đến các khổ thơ giữa, sóng là em. Đến khổ thơ này, sóng lại là sóng. Nhưng đến khổ thơ cuối, em chính là sóng.
Có sự chuyển đổi trên hành trình tìm đến bến bờ yêu ấy: ban đầu sóng là em (mượn thiên nhiên để nói chuyện con người), sau cùng em là sóng: con người là chủ nhân của nỗi lòng sóng kia; không có tình yêu của con người thì muôn đời sống vẫn cứ là vô tri vô giác, vỗ bờ một cách quán tính vĩnh hằng. .
Từ cách đối sánh độc đáo này, giọng thơ chuyển mạch, tiếp nối với nỗi lòng người đang yêu ở khía cạnh những thử thách trên con đường tình. Xuân Quỳnh không miêu tả các cung bậc, sắc thái yêu mà đi trị nhận tình yêu ở khía cạnh dâng hiến và khao khát hoà nhập, dẫu biệt sự hoà nhập kia vẫn chỉ luôn là vọng tưởng:

Cuộc đời tuy dài thế
Năm tháng vẫn qua đi
Như biển kia dẫu rộng
Mây vẫn bay về xa

Sự mong manh của kiếp người cũng là sự mong manh của kiếp tình. Con người đã không trường cửu thì làm gì có tình yêu trường cửu? Tuổi thanh xuân rồi sẽ chóng qua. Năm tháng vẫn lặng lẽ đi qua cuộc đời mà cuộc đời đâu thể níu giữ. Cảm giác về sự hữu hạn càng thôi thúc thêm hàng độ yêu. Và càng yêu nhau say đắm, người đang yêu sẽ càng cảm thấy bất an trước sự nỗi chia lìa. Hình ảnh mây, biển và trời gợi lại cảnh trăng và nước trong thơ Hàn Mặc Tử: Có chở trăng về kịp tối nay? Nhưng cả hai cũng vẫn cứ gợi cảm thức chia lìa: Như biển hiu dẫu rộng / Mây vẫn bay về xa.
Tình yêu không vĩnh hằng bởi chính sự vô biên của nó trong sự hữu hạn của kiếp đời. Nhưng có một nghịch lí là càng yêu tha thiết con người càng không thể nào hiểu hết được bến bờ tình yêu. Phải chăng vì điều này mà bao giờ và lúc nào con người cũng khao khát yêu và luôn muốn nói chuyện tình yêu? Đại thi hào Ta-go đã diễn tả rất sâu sắc cảm nhận này: “Trái tim anh ở gần em như chính đời em vậy ! Nhưng chẳng bao giờ em hiểu trọn nó đâu” (It is as near to you as your life / but you can never wholly know it).
Tình yêu sẽ không vĩnh hằng như sóng. Vậy thì sao không gửi tình yêu vào sóng ấy? Xuân Quỳnh quả rất khôn ngoan khi lập tức thực hiện ngay điều này:

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

Một mặt là để tình yêu sống mãi muôn đời, mặt khác lại khẳng định sự dâng hiến hết mình. Mọi đường gân thớ thịt, mọi cảm xúc nghĩ suy,... đều mong muốn được hoá thân vào ngọn sóng để hướng đến bến bờ yêu. Sóng vĩnh hằng thì tình yêu ấy cũng vĩnh hằng. Chỉ có điều là đến đây, có lẽ tình yêu ấy không còn là tình cảm riêng tư của một đôi trai gái nữa mà trở thành biểu tượng cho mọi tình yêu nói chung. Hiện tồn cho mọi cung bậc tình yêu của bất kì kẻ nào biết yêu trên đời.
Xuân Quỳnh, đó là một tâm hồn chân thành, sôi nổi và mạnh mẽ, hết mình trong tình yêu, người nổi tiếng với quan niệm:

Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên
(Truyền và biển).

Từ quan niệm tình yêu “động” này, Xuân Quỳnh đã tước đi đặc quyền của cánh mày râu để khẳng định tình yêu đẹp của phái yếu. Nhưng dẫu có dữ dội đến bao nhiêu đi chăng nữa, thì âm hưởng chung trong toàn bộ bài thơ Sóng vẫn là âm điệu trữ tình sâu lắng tựa hơi thở nhẹ, thì thầm lan toả khắp hồn thơ.

 
------------------HẾT-------------------

Ngoài nội dung ở trên, các em có thể tìm hiểu thêm phần Cảm nhận về Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ nhằm chuẩn bị cho bài học này.

Bên cạnh nội dung đã học, các em cần chuẩn bị bài học sắp tới với phần Soạn bài Luật thơ (tiếp theo) để nắm vững những kiến thức Ngữ Văn 12 của mình.

https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-song-38340n.aspx
 

Tác giả: Xuân Bắc     (4.0★- 14 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Cảm nhận bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh hay chọn lọc
Phân tích khổ thơ 3 và 4 bài thơ Sóng - Văn mẫu lớp 12
Phân tích bài thơ Sóng để chứng minh Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính...
Soạn bài Sóng, Ngữ văn lớp 11 Cánh Diều
Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh
Từ khoá liên quan:

soan van bai song

, soan bai song lop 12, huong dan soan bai song cua xuan quynh,
SOFT LIÊN QUAN
  • Sơ đồ tư duy Sóng, Xuân Quỳnh

    Sơ đồ tư duy Ngữ văn lớp 12

    Bài học Sơ đồ tư duy Sóng, Xuân Quỳnh sẽ khái quát những nội dung, nghệ thuật đặc sắc nhất của bài thơ Sóng dưới dạng sơ đồ tư duy, qua đó các bạn học sinh có thể tìm hiểu và phân tích bài thơ một cách đơn giản và hiệu quả nhất. Mời quý thầy cô và các bạn cùng tham khảo.

Tin Mới