Soạn bài Tuyên Ngôn Độc Lập, Phần Tác giả

Tuyên ngôn độc lập là văn kiện lịch sử quan trọng đồng thời là áng văn chính luận mẫu mực của chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong nội dung Soạn bài Tuyên Ngôn Độc Lập phần 1 tác giả dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn các em tìm hiểu về tác gia Hồ Chí Minh với những thông tin về cuộc đời, sự nghiệp và phong cách sáng tác.
Mục Lục bài viết:
1. Bài soạn số 1
2. Bài soạn số 2


Soạn bài Tuyên ngôn độc lập - Tác giả, ngắn 1

A. KIẾN THỨC CƠ BẢN

I. TÁC GIẢ:

1. Tiểu sử
- Hồ Chí Minh (1890 - 1969), quê ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Thời thanh thiếu niên tên là Nguyễn Sinh Cung và Nguyễn Tất Thành, thời gian hoạt động cách mạng, Người lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều tên khác.
- Năm 1920, Người dự Đại hội Tua và trở thành một trong những thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
- Người chủ trì hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản ở trong nước tại Hương Cảng (Hồng Kông), thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930.
- Tại căn nhà số 48 Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập, ngày 2 – 9 – 1945, Tuyên ngôn Độc lập được đọc tại Quảng trường Ba Đình.
- Người khai sáng sự nghiệp cách mạng vĩ đại; đem lại độc lập, tự do cho dân tộc.
- Người đặt nền móng vững chắc cho văn học cách mạng Việt Nam.
- Người được UNESCO suy tôn “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hoá lớn”.

2. Sự nghiệp văn học
a. Quan điểm sáng tác
- Hồ Chí Minh xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng. Nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá – tư tưởng.
- Hồ Chí Minh chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học. Người căn dặn nhà văn phải “miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn” hiện thực đời sống, và phải “giữ tình cảm chân thật”; “nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc” và phải có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
- Tuy nhiên, người nghệ sĩ phải có sự sáng tạo. Người nhắc nhở “chớ gò bó họ vào khuôn, làm mất vẻ sáng tạo”....
- Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Người luôn tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, sau đó mới quyết định “Viết cái gì?” và “Viết như thế nào?”. Do vậy, tính hiện thực và khả năng thích ứng văn chương của Người với cuộc sống là rất cao.

b. Di sản văn học
- Văn chính luận: Trực tiếp phục vụ mục đích đấu tranh chính trị qua những chặng đường cách mạng. Những áng văn chính luận của Hồ Chí Minh được viết không chỉ bằng lí trí sáng suốt, trí tuệ sắc sảo mà còn bằng cả tấm lòng yêu, ghét nồng nàn, sâu sắc của một trái tim vĩ đại. Những tác phẩm tiêu biểu:
+ Bản án chế độ thực dân Pháp (1925, tiếng Pháp).
+ Tuyên ngôn Độc lập (1945)
+ Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946)
+ Không có gì quý hơn độc lập, tự do (1966)
+ Di chúc (1969)

- Truyện và Kí: được viết trong thời gian hoạt động ở Pháp. Những truyện này nói chung nhằm tố cáo tội ác dã man, bản chất tàn bạo, xảo trá của bọn thực dân và phong kiến tay sai đối với nhân dân lao động các nước thuộc địa, đồng thời đề cao những tấm gương yêu nước và cách mạng. Những tác phẩm tiêu biểu:.
+ Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922)
+ Con người biết mùi hun khói (1922)
+ Vi hành (1923)
+ Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925).
+ Nhật kí chìm tàu (1931)....
– Thơ ca: Lĩnh vực nổi bật nhất trong sự nghiệp văn chương của Người.
+ Nhật kí trong tù (1942 – 1943; chữ Hán, 133 bài)
+ Thơ Hồ Chí Minh (86 bài thơ tiếng Việt).
+ Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh (36 bài)

3. Phong cách nghệ thuật
- Phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh độc đáo mà đa dạng. Nhìn chung, ở mỗi thể loại văn học từ văn chính luận, truyện, kí đến thơ ca, Hồ Chí Minh đều tạo được những nét phong cách riêng, độc đáo, hấp dẫn và có giá trị bền vững.
+ Văn chính luận: Bộc lộ tư duy sắc sảo, giàu tri thức văn hoá; lí luận gắn với thực tiễn; giàu tính luận chiến; vận dụng có hiệu quả nhiều phương thức biểu hiện.
+ Truyện – kí: Chủ động và sáng tạo trong bút pháp; bộc lộ rõ chất trí tuệ và tính hiện đại.
+ Thơ ca: Có phong cách đa dạng. Khi là những bài cổ thi hàm súc, uyên thâm, sử dụng nhiều điển tích điển cố, đạt chuẩn mực cao về nghệ thuật. Khi là những bài thơ hiện đại, khai thác những vấn đề thiết thực cụ thể đối với đời sống con người, vận dụng linh hoạt nhiều thể thơ, phục vụ trực tiếp, hiệu quả cho nhiệm vụ cách mạng.
– Nhìn một cách bao quát có thể thấy: dù viết về đề tài gì, thể loại và ngôn ngữ nào, tác phẩm của Hồ Chí Minh bao giờ cũng ngắn gọn, giản dị, trong sáng, mọi ý tưởng và hình tượng đều thể hiện chất thép, tinh thần lạc quan cách mạng cao độ, tấm lòng nhân đạo lớn lao, đều vận động hướng tới cách mạng, ánh sáng, niềm vui và sự sống.

II. TÁC PHẨM TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

1. Hoàn cảnh ra đời
Ngày 19 – 8 – 1945, chính quyền ở thủ đô Hà Nội đã về tay nhân dân ta. Ngày 23 – 8 – 1945, tại Huế trước hàng vạn đồng bào ta, vua Bảo Đại thoái vị. Ngày 25 – 8 – 1945, gần một triệu đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn quật khởi đứng lên giành chính quyền. Chỉ không đầy 10 ngày, Tổng khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám đã thành công rực rỡ.
Cuối tháng 8-1945, tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Hà Nội, lãnh tụ Hồ Chí Minh soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Và ngày 2 – 9 - 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đọc Tuyên ngôn Độc lập trước hàng chục vạn đồng bào ta, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một kỉ nguyên mới độc lập, tự do.

2. Bố cục
- Phần 1 (từ đầu đến... “không ai chối cãi được”): nêu lên cơ sở pháp lí và chính nghĩa của bản Tuyên ngôn Độc lập.
- Phần 2 (tiếp theo đến “... ở Yên Bái và Cao Bằng”): tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta suốt hơn 80 năm và quá trình đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta.
- Phần 3 (còn lại): tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, xoá bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam, khẳng định quyền độc lập tự do và ý chí quyết bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

3. Những giá trị nội dung, nghệ thuật
a) Nội dung.
- Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện có ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử và rất có giá trị về mặt văn học. .
- Bản Tuyên ngôn được Bác viết không chỉ để đọc trước đồng bào và một thế giới trừu tượng, cũng không phải chỉ để tuyên bố độc lập một cách đơn giản. Đối tượng thế giới ở đây trước hết là bọn Pháp, Anh và bọn Tàu Tưởng..
- Do đó, mở đầu bản Tuyên ngôn, Bác nêu ra nguyên lí chung: tất cả mọi người và các dân tộc đều có quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Việc đưa ra nguyên lí ấy tỏ ra trân trọng những danh ngôn bất hủ của người Mĩ, người Pháp, vừa có tác dụng ngăn chặn một cách khôn khéo sự phản bác của chúng đối với bản Tuyên ngôn. Từ sự vận dụng và suy rộng ra đó, tác giả đã khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam cũng như của tất cả mọi dân tộc trên thế giới. Đây là sự khẳng định có lí lẽ, lôgic và đầy sức thuyết phục.
- Dựa trên cơ sở thực tế khách quan: Hồ Chí Minh đã tố cáo tội ác của thực dân Pháp bằng những sự thật không thể chối cãi được. Hơn 80 năm nay, thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với chính nghĩa và trái với nguyên lí mà chính tổ tiên chúng đã nêu ra. Chúng gieo rắc hàng loạt những tội ác vô cùng tàn độc: áp bức, bóc lột về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá và trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật, dẫn đến thảm họa là hơn hai triệu đồng bào ta chết đói trên suốt các tỉnh thành từ miền Bắc tới miền trung..
– Trên cơ sở chủ quan: cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Bác đã nêu rõ rằng, Pháp đã bán nước ta cho Nhật. Do đó, ta đã chấm dứt quan hệ với Pháp; Pháp chay, Nhật hàng. Nhân dân ta đánh đổ chế độ thực dân, lập nên nước Việt Nam độc lập; vua Bảo Đại thoái vị. Nhân dân ta đã đánh đổ chế độ phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

b) Nghệ thuật
- Bản Tuyên ngôn Độc lập đã chứng tỏ bút lực đáng khâm phục của người viết, cụ thể như: lập luận, lí lẽ, dẫn chứng sắc bén đánh thép chặt chẽ; luận điểm xác đáng; giọng văn hùng hồn, chứa đựng nhiều chân lí lớn; sức thuyết phục cao mà hết sức ngắn gọn, lời lẽ trong sáng, giản dị,... bản Tuyên ngôn xứng đáng là áng hùng văn trong thời đại mới.

B. GIẢI ĐÁP CÂU HỎI, BÀI TẬP
Phân tích bài thơ Chiều tối (Mộ) trong tập Nhật kí trong tù để làm rõ sự hoà hợp độc đáo giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại của thơ Hồ Chí Minh.
Gợi ý làm bài
– Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh được viết từ 29-8-1942 đến 10 - 9-1944, khi Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch vô cớ bắt giam, đầy đoạ khắp các nhà lao tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trong số 133 bài thơ của tập sách, Chiều tối được xem là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách Đường luật hiện đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Chiều tối được sáng tác theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Nguyên tác bài thơ như sau:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không.
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.

- Bài thơ được xếp ở vị trí 31 trong Nhật kí trong tù. Ngay sau nó, bài thơ số 32 là bài “Đêm ngủ ở Long Tuyền”. Qua đó, ta có thể xác định được thời điểm ra đời của bài thơ là vào tháng 10 năm 1942, lúc Bác đang trên đường từ Thiên Bảo đến Long Tuyền.
–Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ / Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không. Hai câu thơ mang vẻ đẹp cổ điển: tác giả lấy điểm vẽ diện, lấy động tả tĩnh, lấy ít mà gợi nhiều. Chỉ cần đặt hai khách thể: chim bay, mây trôi lên nền trời bao la, người viết đã gợi lên cái hồn của cảnh vật, của ngày tàn, màn đêm buông xuống dần, tạo vật như đang chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi, mệt mỏi...
- Chim bay, mây trôi khiến cho bầu trời bao la hơn, cảnh chiều tối êm ả, tĩnh lặng hơn. Cảnh chiều tối mang tính ước lệ, gợi nhớ về một cánh chim chiều trong thơ Nguyễn Du: “Chim hôm thoi thót về rừng”.
- Hai câu thơ có cấu trúc đăng đối, âm điệu chậm nhẹ, thoáng buồn. Người chiến sĩ cách mạng trong chốn lưu đày, xiềng xích ngước mắt nhìn bầu trời, dõi theo cảnh vật với nỗi lòng man mác. Nét vẽ ngoại cảnh xuất thần đã thoáng hiện tâm cảnh. Phong thái của một chiến sĩ, thi sĩ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, con người hiển lộ.

– Áng mây cô đơn (cô vẫn) đang trôi trên bầu trời là hình ảnh ấn dụ thường thấy trong thơ cổ, gợi nên nỗi cô đơn, gian khổ về người lưu đày trên dặm đường xa tắp. Ngôn ngữ thơ mang phong cách Đường thi hàm súc, tả cảnh ngụ tình, lãng đãng nhẹ nhàng mà đây dư ba.
- Mới đọc qua, ta cứ ngỡ nhà thơ chỉ tập trung tả cảnh chiều tối thanh bình nơi xứ lạ, nhưng thực chất đây còn là thoáng ước mơ thầm kín về một chốn dừng chân. Cái nhìn ở đây cũng khắc ghi dấu ấn hiện đại: trên đường đi, cảnh vật hiện lên, nhà thơ bắt gặp khung cảnh trữ tình thấm đượm cả nỗi niềm thi sĩ của cá nhân mình. Dấu ấn cổ điển và hiện đại đã đan lồng trong cái nhìn cảnh vật vụt hiện, thoải mái và gợi vẻ hoài cổ của tâm trạng cô đơn.
– Hai câu thơ cuối, Cô em xóm núi xay ngô tối/ Xay hết lò than đã rực hồng, trực tiếp miêu tả cuộc sống con người. Yếu tố hiện đại được thể hiện qua việc chọn lựa hình tượng thơ: một cô gái đang lao động. Hình tượng này vốn không phải là tín hiệu thẩm mĩ ưa thích của thơ cổ điển.
- Thiếu nữ và lò than hồng là trung tâm của bức tranh lao động. Một nét vẽ trẻ trung, bình dị: Thiếu nữ đang xay ngô. Động tác quay vòng của cối xay và động tác lặp đi lặp lại của thiếu nữ được thể hiện qua biện pháp láy cụm từ: Ba chữ “ma bao túc” ở cuối câu ba được lấy lại “bao tác ma hoàn ” ở đầu câu bốn. Công việc lao động cần mẫn của thiếu nữ xóm núi được cảm nhận và quý trọng.
- Ngô xay xong thì lò than đã rực hồng, ấm áp. Khi màn đêm bao phủ, trong khung cảnh thiên nhiên xóm núi hẳn là heo hút, lò than đỏ rực mang lại sự ấm áp, ánh sáng xua tan bóng đêm.

- Hình ảnh thiếu nữ xay ngô và lò than rực hồng tượng trưng cho một mái ấm gia đình, tương phản với cảnh đơn lẻ của thân phận tù đày xa xứ. Nhưng mục đích của nhà thơ là hướng về sự ấm áp đó chứ không phải khắc tạc nỗi cô đơn và gian khổ của bản thân. Điều này thể hiện tấm lòng nhân đạo bao la: thi nhân quên nỗi đau của bản thân để vui cùng niềm vui, hạnh phúc của con người nơi chốn quê thanh bình.
- Sự thanh bình và yên ả đó còn ẩn dụ cho mục tiêu phấn đấu của người chiến sĩ cách mạng cho quê hương mình. Hướng về một cảnh sinh hoạt đời thường, bình dị: thiếu nữ xay ngô, dõi nhìn bếp lửa, lò than rực hồng khi chân tay mang nặng xích xiềng, bị giải đi trong chiều tối, thi nhân tìm thấy một tương lai sáng ngời hiện lên, nỗi cô đơn, lẻ loi, lạnh lẽo bị xua tan trước khung cảnh lao động thanh bình ấy.

– Nét vẽ về thiếu nữ xay ngô và lò than rực hồng là những nét vẽ tươi tắn, ấm áp, trẻ trung. Bút pháp trữ tình của Bác có sự hoà hợp giữa màu sắc cổ điển ước lệ, trang trọng - chủ yếu trong hai câu thơ đâu, với chất hiện đại, trẻ trung bình dị ở hai câu cuối.
- “Chiều tối” được sáng tác trong lúc chiều tà. Khung cảnh thơ sắp ngập chìm trong bóng núi về đêm, nhưng đâu đó, bếp lửa hồng đã được nhóm lên, xua đi cái lạnh lẽo, hiu hắt của núi rừng, trả lại cho cuộc sống nhịp điệu bình dị vốn có của nó. Một tương lai đang hé mở. Trong bóng đêm nhìn thấy ánh sáng ngày mai. Trong những giá trị cổ điển vĩnh hằng, tác giả kết nối thành công với những giá trị hiện đại. Bài thơ tựa nét hoạ tinh tế về cuộc sống con người và tâm hồn nghệ sĩ bao la của một chiến sĩ cách mạng đang trong cảnh lao tù.

C. TỰ LUẬN
1. Nhận định về phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh,sách giáo khoa Ngữ văn 12 viết: “Hồ Chí Minh có phong cách nghệ thuật hết sức độc đáo và đa dạng”. Anh (chị) hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Gợi ý làm bài
- Hồ Chí Minh sáng tác nhiều thể loại: thơ ca, truyện và kí, văn chính luận, truyện ngắn.
– Sử dụng nhiều thứ tiếng trong sáng tác văn chương: tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Hán. Mỗi thứ tiếng có một cấu trúc ngôn ngữ riêng tạo nên sự phong phú và đa dạng trong phong cách biểu đạt.
- Phong cách thơ chữ Hán mang nét cổ điển gần gũi với thơ đời Đường, đời Tống.
- Phong cách truyện và kí sáng tác trong những năm 1920 ở Pháp mang đậm dấu ấn châu Âu hiện đại.
- Về thơ, Hồ Chí Minh sử dụng nhiều thể tài khác nhau: hình thức bài ca, bài vè, thể thơ châm ngôn, tục ngữ (Gửi nông dân, Khuyên thanh niên...), thơ chúc Tết, thơ trữ tình cổ điển...
- Giọng điệu thơ vừa hồn nhiên trong sáng, vừa sâu sắc tinh tế (Cảnh khuya), vừa đậm đà phong vị cổ điển, đây đanh thép, lạc quan (Giải đi sớm, Chiều tối).
- Truyện và kí cũng đa dạng về bút pháp. Có lúc hiện đại (Vi hành), có khi vận dụng lối tiểu thuyết chương hồi.
- Văn chính luận tập trung nhất sự linh hoạt, đa dạng trong phong cách nghị luận của Hồ Chí Minh. Giọng văn, lời lẽ có khi đằm thắm, có lúc phẫn nộ, đầy khí thế tấn công, có khi trữ tình, khi mỉa mai, đả kích.
- Tất cả sự đa dạng và phong phú trên đều qui tụ ở phong cách nhất quán: ngắn gọn, hàm súc, tinh tế,... hướng tới mục tiêu đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Hồ Chí Minh coi văn học là một vũ khí chiến đấu quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng: Nay ở trong thơ nên có thép | Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

2. “Tuyên ngôn Độc lập” có những nội dung lớn nào?
Gợi ý làm bài
- Việc trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập Mĩ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp nhằm khẳng định những chân lí lớn về quyền làm người của nhân loại. Quyền độc lập, tự do của dân tộc ta là phù hợp với công pháp quốc tế, giống như Pháp và Mĩ.
- Việc trích dẫn này nhằm tạo hiệu quả “gậy ông đập lưng ông” vì các quốc gia phương Tây có âm mưu xâm lược nước ta lần nữa, đặc biệt là thực dân Pháp. Đặt Tuyên ngôn Độc lập của ta ngang hàng với Tuyên ngôn của hai cường quốc kia, tác giả nhằm khẳng định giá trị, ý nghĩa của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của ta.
- Mục đích của Tuyên ngôn Độc lập là công bố với quốc dân đồng bào và thế giới về về quyền độc lập, tự do của Việt Nam.
- Đưa ra lẽ và bằng chứng để bác bỏ luận điệu của kẻ thù:
+ Phủ nhận công khai hoá.
+ Tố cáo thực chất của cái gọi là “bảo hộ”.
+ Khẳng định người Việt dành độc lập từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp.
- Dân tộc ta có quyền hưởng độc lập vì đã đứng về phía Đồng minh chống phát xít, nhân đạo đối với thực dân Pháp ngay cả khi chúng tàn sát tù chính trị của Việt Minh.
-Tuyên ngôn Độc lập là áng văn chính luận xuất sắc, kết cấu chặt chẽ, lôgic, lập luận đanh thép, hùng hồn, ngợi ca tinh thần bất khuất của dân tộc, tố cáo tội ác kẻ thù và khẳng định chủ quyền chính đáng của dân tộc Việt Nam.

3. Trình bày những giá trị nghị luận của “Tuyên ngôn Độc lập”.
Gợi ý làm bài
- Với Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng địa hạt quyền lực của dân tộc ra thế giới. Tiếng nói của Tuyên ngôn Độc lập là tiếng nói toàn cầu, tiếng nói không chỉ riêng cho dân tộc Việt Nam mà còn là tiếng nói tiêu biểu, tiếng nói chung cho mọi dân tộc bị áp bức.
- So sánh theo lối tương phản, đồng dạng hoặc ám dụ là các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng chủ yếu trong Tuyên ngôn Độc lập.
- So sánh tuyên ngôn của Mĩ, của Pháp với Tuyên ngôn Độc lập của ta là cách tạo hiệu quả đồng dạng. Không chỉ dân tộc ta có quyền độc lập tự do như các dân tộc đó mà Tuyên ngôn Độc lập của ta cũng có giá trị hệt như tuyên ngôn của họ.
- So sánh tương phản chủ yếu được dành cho thực dân Pháp. Người Pháp được hưởng những quyền lợi cụ thể từ tuyên ngôn dân quyền của họ, thế mà cũng với “những quyền ấy” họ lại bắt người Việt Nam phải chịu cảnh nô lệ, tù đày, chết chóc. Cho nên “hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”.
- So sánh ám dụ cũng là một thế mạnh nữa của cách lập luận trong Tuyên ngôn Độc lập. Nhờ những ám dụ ngầm này (như giá trị nền độc lập của ta tương đồng với giá trị độc lập của Pháp, Mĩ,...) nên văn bản đã tạo được chất trí tuệ, hấp dẫn người đọc ở tầng sâu kiến thức của câu chữ, khiến mọi thế hệ, mọi trình độ đều phải khâm phục tầm văn hoá uyên bác của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Biện pháp liệt kê tăng cấp được sử dụng rất hữu hiệu. Để phản bác luận điệu bảo hộ của Pháp, Hồ Chí Minh liệt kê ra đầy đủ các mặt cốt yếu mà Pháp nhân danh bảo hộ để biến người dân Việt thành nô lệ.
+ Đó là: chính trị (chính sách chia để trị nhằm chống sự thống nhất, đoàn kết).
+ Giáo dục (nhà tù nhiều hơn trường học nhằm làm suy nhược tinh thần).
+ Y tế (thuốc phiện, rượu cồn làm suy nhược thể trạng dân tộc).
+ Kinh tế (cướp tài nguyên, không cho giai cấp tư sản bản địa trỗi dậy)...
+ Tất cả đều nhằm làm suy thoái toàn diện đời sống người Việt. Cách lập luận này khiến tội ác của thực dân Pháp hiện lên tầng tầng lớp lớp và nỗi khổ đau, bi đát của dân tộc cũng “tăng cấp” hơn.
- Biện pháp lặp kết cấu cú pháp cũng được sử dụng. Tiêu biểu nhất là câu: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.
- Hơn 60 năm trôi qua kể từ ngày Tuyên ngôn Độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình, khoảnh khắc lịch sử ấy vẫn còn nóng hổi trong từng lời văn, câu chữ.
- Với Tuyên ngôn Độc lập, dân tộc Việt Nam đã có được tiếng nói riêng, diện mạo riêng, có được nguồn động lực nội tại mạnh mẽ và bền vững trên hành trình độc lập, tự do, bình đẳng và bác ái.
- Hơn thế nữa, nhiều lần dân tộc ta đã trở thành biểu tượng của bộ tinh thần tự do, độc lập, của ý chí tự quyền cao cả của nhân loại tiến bộ trên địa cầu.
– Ngày nay, Tuyên ngôn Độc lập tiếp tục là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao dân tộc ta trên bước đường kiến thiết và xây dựng Tổ quốc.

 

Soạn bài Tuyên ngôn độc lập - Tác giả, ngắn 2

Câu 1. Nêu những nét chính về quan điểm sáng tác văn học, nghệ thuật của Hồ Chí Minh. Quan điểm đó đã giúp anh chị hiểu sâu sắc thêm văn thơ của Người như thế nào?

Trả lời:
Quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh:
-  Người coi văn học là vũ khí chiến đấu trong sự nghiệp cách mạng mà mỗi nhà văn là một chiến sĩ.
-  Chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học.
- Người luôn đặt câu hỏi: Viết cho ai?, Viết để làm gì?, Viết về cái gì? và Viết như thế nào ?
=> Quan điểm sáng tác trên đã chi phối các đặc điểm văn học sáng tác của Bác : Đó là những sáng tác chủ yếu nhằm mục đích phục vụ sự nghiệp cách mạng.
 
Câu 2. Nêu những nét khái quát về sự nghiệp văn học của Bác. (dựa vào SGK, phần Kiến thức cơ bản đã trình bày ở trên và theo những gợi ý dưới đây)
Trả lời:
1. Văn chính luận đấu tranh chính trị, tấn công trực diện kẻ thù, thể hiện những nhiệm vụ của cách mạng qua các thời kì lịch sử với nghệ thuật lập luận sắc bén, dẫn chứng thuyết phục, ngôn ngữ sắc sảo, tác phẩm tiêu biểu :
-   Với bút danh Nguyễn Ai Quốc, tác phẩm bằng tiếng Pháp : Bản án chế độ thực dân Pháp (1922).
-   Tuyên ngôn độc lập (1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn độc lập tự do (1966).
2. Truyện và kí đề cao tinh thần yêu nước, tố cáo thực dân phong kiến với nghệ thuật trần thuật linh hoạt, tình huống truyện độc đáo, các tác phẩm tiêu biểu : Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922); Vi hành (1923); Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu (1925); Nhật ký chìm tàu (1931); Vừa đi đường vừa kể chuyện (1963)
3. Thơ ca với bút pháp vừa cổ điển, vừa hiện đại, nghệ thuật ngôn từ sử dụng xuất sắc, thể hiện nội dung yêu nước, yêu thiên nhiên sống động 
1 số tác phẩm tiêu biểu:
-  Tập thơ chữ Hán: Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù)
-  Thơ tuyên truyền, cổ động : Con cáo và tổ ong, Ca du kích...
-  Những bài thơ giải trí trong kháng chiến: Đối nguyệt (Với trăng, Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng), Thu dạ (Đêm thu), Báo tiệp (Tin thắng trận), Cảnh khuya...
 
Câu 3. Nêu những nét chính về phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh? 
Trả lời:
Phong cách nghệ thuật của Bác độc đáo mà đa dạng, thành công ở rất nhiều thể loại: thơ, truyện kí, văn chính luận....
-   Văn chính luận: cô đọng, linh hoạt, đanh thép , có tính chiến đấu cao.
-    Truyện và kí:  vừa nhẹ nhàng vừa sâu cay, châm biến có ,tố cáo có, sắc sảo và sâu lắng.
-   Thơ ca: vừa cổ điển, vừa hiện đại , nghệ thuật và nội dung đa dạng, sâu sắc, ấn tượng, mang tình yêu thiên nhiên, tự do và yêu tổ quốc.
 
II. Luyện tập.
 
Câu 1. Phân tích các bài thơ Mộ để làm rõ sự hài hoà giữa bút pháp cổ điển với bút pháp hiện đại trong thơ Hồ Chí Minh.
Trả lời:
–  Bút pháp cổ điển thể hiện ở các phương diện sau : 
+ Thể thơ : Tứ tuyệt Đường luật
+ Hình ảnh : cánh chim, chòm mây (câu 1 và 2) là những hình ảnh quen thuộc trong thơ cổ.
+ Thời điểm : chiều tà
+ Tâm trạng : Bâng khuâng, cô đơn trên con đường xa và nặng trĩu nỗi buồn xa xứ 🡺 Tất cả các hình ảnh, cảm xúc trên đều mang đậm phong vị cổ điển trong Đường thi.
–  Bút pháp hiện đại thể hiện ở các phương diện sau:
+ Hình tượng trữ tình : Con người đầy sức xuân mải mê lao động để cải tạo và xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho mình. Trong đó, con người là trung tâm của bức tranh, vượt lên hoàn cảnh.
+  m điệu : Ấm áp, sôi nổi, tin tưởng.
+ Hình ảnh : Bếp lửa hồng xoá đi tất cả sự âm u, lạnh lẽo (2 câu sau).
+ Tâm trạng tác giả : Hào hứng, hướng về sự sống trong tương lai vào ánh sáng.
 
Câu 2. Những bài học thấm thía và sâu sắc khi học và đọc Nhật kí trong tù.
Trả lời :
–   Lòng nhân đạo là đức tính cao đẹp nhất của Bác Hồ. Tình cảm này vừa cụ thể vừa bao la, vừa ở nhận thức vừa ở hành động.
–  Một tâm hồn nhạy cảm và dễ rung động trước tạo vật và lòng người:
“Thân thể ở trong lao/ tinh thần ở ngoài lao”
–  Nhật kí thể hiện nhân cách của một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng”.
–  Thơ Bác là sự kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố: cổ điển và hiện đại.
 
------------------------HẾT--------------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/soan-bai-tuyen-ngon-doc-lap-phan-tac-gia-38488n.aspx
Như vậy chúng tôi đã gợi ý Soạn bài Tuyên Ngôn Độc Lập, Phần Tác giả bài tiếp theo, các em chuẩn bị trả lời câu hỏi SGK, Phân tích bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cùng với phần Soạn bài Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt để học tốt Ngữ Văn 12 hơn.


Tác giả: Ngọc Link     (4.0★- 14 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Cảm nghĩ về tác phẩm Tuyên ngôn độc lập của chủ tịch Hồ Chí Minh
Dàn ý phân tích nghệ thuật lập luận trong văn bản Tuyên ngôn độc lập
Phân tích đoạn mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ Tịch Hồ Chí Minh
Phân tích phần cuối của bản Tuyên ngôn độc lập
Phân tích cơ sở thực tế bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh
Từ khoá liên quan:

soan bai tuyen ngon doc lap phan tac gia trang 29 sgk ngu van 12

, soan bai tuyen ngon doc lap ngan gon nhat, soan bai tuyen ngon doc lap cua ho chi minh ngu van 12,
SOFT LIÊN QUAN
  • Giáo án bài Tuyên ngôn độc lập

    Tài liệu giáo án Ngữ Văn lớp 12

    Giáo án bài Tuyên ngôn độc lập là tài liệu giảng dạy giúp các thầy cô có thêm gợi ý cho bài giảng, giúp bài giảng trở nên phong phú, thú vị và truyền tải được những tư tưởng giá trị đến các em học sinh.

Tin Mới