Sóng là một bài thơ chan chứa cảm xúc của người con gái khi yêu. Các em hãy học cách phân tích hai khổ thơ 3 và 4 bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12 qua bài viết do Taimienphi.vn biên soạn dưới đây. Chúc các em có những phút giây học tập thú vị.
Đề bài: Phân tích khổ thơ 3 và 4 bài thơ Sóng - Văn mẫu lớp 12
Dàn ý Phân tích khổ 3 4 bài Sóng
I. Dàn ý phân tích hai khổ thơ 3 và 4 bài thơ Sóng:
1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
2. Thân bài:
a. Phân tích hai khổ thơ:
* Khổ 3: Suy nghĩ và sóng bể song hành cùng suy nghĩ về tình yêu.
+ Điệp cấu trúc: "Em nghĩ về" gắn với hai đối tượng: "anh, em", "biển lớn".
+ Câu hỏi tu từ: "Từ nơi nào sóng lên?" -> Băn khoăn về nguồn gốc của sóng.
* Khổ 4: Cách cắt nghĩa, lí giải về tình yêu độc đáo.
- Dẫn dắt, liên tưởng ý nhị, khéo léo:
+ Câu hỏi tu từ: "Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu?".
-> Sự truy tìm khởi nguồn của sóng rơi vào bế tắc.
-> Sự bí ẩn của những con sóng.
- Định nghĩa độc đáo về tình yêu: "Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau."
+ Tình yêu đến rất đỗi tự nhiên, không có lí do.
+ Tình yêu luôn ẩn chứa những bí ẩn diệu kì.
b. Đánh giá:
- Hai khổ thơ chứa đựng nét hấp dẫn cả về nội dung lẫn nghệ thuật.
- Hai khổ thơ đã thể hiện thể hiện được nét nữ tính, mềm mại trong hồn thơ Xuân Quỳnh.
3. Kết bài:
- Nêu cảm xúc, suy nghĩ và khẳng định giá trị của đoạn trích đối với tác phẩm.
II. Bài văn mẫu phân tích hai khổ thơ 3 và 4 bài thơ Sóng:
1. Phân tích hai khổ thơ 3 và 4 bài thơ Sóng - mẫu số 1:
Tình yêu là một mảnh ghép không thể thiếu trong cuộc sống. Tình yêu đem đến cho con người sự thăng hoa, hạnh phúc và mãn nguyện. Khi đắm chìm trong "mật ngọt", mỗi người luôn muốn đi sâu vào khám phá thế giới đầy "mộng mơ" ấy. Có lẽ, nhà thơ Xuân Quỳnh cũng là một người như vậy. Niềm mong ước, khát khao định nghĩa tình yêu được bà thể hiện một cách đầy da diết trong bài thơ "Sóng", đặc biệt là ở hai khổ thơ ba và bốn.
Ở khổ ba, nhân vật "em" thông qua việc tìm hiểu nguồn gốc của sóng để bày tỏ suy nghĩ về tình yêu. Đứng trước biển rộng, nhân vật trữ tình trực tiếp bộc lộ tâm tư:
"Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn"
Biện pháp điệp cấu trúc "Em nghĩ về" gắn với hai đối tượng "anh, em" và "biển lớn" cùng câu hỏi tu từ "Từ nơi nào sóng lên?" đã bộc lộ nỗi băn khoăn về nơi bắt đầu những con sóng của chủ thể trữ tình. Lúc này, "em" không còn ẩn mình trong sóng mà trực tiếp bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của bản thân.
Đến với khổ thơ thứ tư, Xuân Quỳnh thể hiện nỗi trăn trở khi lí giải về tình yêu bằng cách dẫn dắt khéo léo và liên tưởng đầy ý nhị "Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu?". Tình yêu cũng như từng lớp sóng vừa bất ngờ, vừa bí ẩn. Bởi tình yêu là chuyện của con tim, là sự đồng điệu giữa hai tâm hồn:
"Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu"
Dù đã cố gắng tìm hiểu, giải thích nhưng cuối cùng "em" vẫn rơi vào bế tắc và phải thừa nhận "Em cũng không biết nữa". Chính bởi vậy, thật khó để có thể xác định chính xác thời điểm bắt đầu chuyện lứa đôi "Khi nào ta yêu nhau". Ta nhận thấy đằng sau câu thơ là cái lắc đầu đầy nhẹ nhàng, bối rối ở người con gái. Chẳng ai có thể biết rõ điểm đầu, điểm cuối của tình yêu. Tình yêu muôn đời vẫn là một con số bí ẩn đối với con người. Có khi, tình yêu chỉ như cơn gió thoảng nhưng lại làm người ta say đắm, thổn thức một đời.
Để thể hiện khát vọng cắt nghĩa tình yêu, nhà thơ Xuân Quỳnh đã sử dụng ngôn từ đầy tinh tế, biện pháp điệp cấu trúc "Em nghĩ về...", câu hỏi tu từ "Từ nơi nào sóng lên?", "Gió bắt đầu từ đâu". Chắc chắn, "tình yêu luôn có quy luật riêng mà lí trí không thể nào hiểu nổi". Tình yêu cũng như biển lớn, luôn bí ẩn. Bằng những rung động tinh tế của mình, Xuân Quỳnh đã đem đến cho người đọc những vần thơ dạt dào cảm xúc.
Bài văn mẫu Phân tích Sóng khổ 3, 4, 5 hay nhất
2. Phân tích hai khổ thơ 3 và 4 bài thơ Sóng - mẫu số 2:
Đến với đề tài tình yêu, mỗi nhà thơ lại có một cách suy nghĩ, cảm nhận khác nhau. Ta biết tới "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu với những vần thơ da diết, mãnh liệt, nồng nàn, một Nguyễn Bính chân chất, mộc mạc chốn thôn quê. Còn đến với Xuân Quỳnh, ta lại thấy được hồn thơ đầy tinh tế, dung dị trong khát khao hạnh phúc đời thường. Điều này được thể hiện rõ nét qua bài thơ "Sóng" in trong tập "Hoa dọc chiến hào". Đặc biệt là ở hai khổ thơ ba và bốn.
Nếu như hai khổ thơ đầu tiên, Xuân Quỳnh đã khắc họa hành trình của sóng từ "sông" ra "bể" thì đến hai khổ tiếp theo, nhà thơ lại dùng sự bí ẩn trong cội nguồn của sóng để từ đó lí giải sự bí ẩn của tình yêu:
"Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?"
Ở trong khổ này, nhân vật trữ tình bày tỏ suy nghĩ về sóng bể song hành với suy nghĩ về tình yêu. "Bể" trong thế giới thơ Xuân Quỳnh luôn đại diện cho cái mênh mông, rộng lớn:
"Lòng thuyền nhiều khát vọng
Và tình biển bao la
Thuyền đi hoài không mỏi
Biển vẫn xa... còn xa"
Đứng trước không gian bao la, vĩnh hằng ấy, nhân vật trữ tình nghĩ về chính mình và người yêu thương. Biện pháp điệp cấu trúc "Em nghĩ về" đã góp phần thể hiện và nhấn mạnh vào ước muốn định nghĩa tình yêu của "em". Lúc này, "em" không còn ẩn mình vào sóng mà đã trực tiếp bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của mình. Câu thơ "Từ nơi nào sóng lên" đã cho thấy nỗi băn khoăn của "em" về nguồn gốc của sóng.
Đến khổ thơ thứ tư, nhà thơ thể hiện cách lí giải về tình yêu đầy độc đáo thông qua câu hỏi tu từ vô cùng khéo léo, ý nhị:
"Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?"
"Em" truy nguyên nguồn gốc của sóng để cắt nghĩa tình yêu. Tuy nhiên, mọi thứ chẳng hề dễ dàng bởi thật khó mà xác định chính xác. Lúc này đây, "em" như rơi vào bất lực "Em cũng không không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau". Ẩn sau câu thơ là cái lắc đầu nhè nhẹ, bối rối và đầy dịu dàng của người con gái. "Em" không thể xác định chính xác thời điểm bắt đầu một mối tình. Tình yêu cũng rộng dài, bí ẩn như thế giới tự nhiên. Vì thế, tình yêu đến lúc nào ta chẳng hề hay biết, chỉ biết rằng cảm xúc hạnh phúc khiến con người ta rơi vào trạng thái lâng lâng. Đây quả là một cách định nghĩa độc đáo bởi tình yêu đến rất đỗi tự nhiên, không có lí do bởi nó luôn ẩn chứa nhiều điều diệu kì.
Như vậy, với thể thơ năm chữ ngắn gọn cùng biện pháp điệp cấu trúc "Em nghĩ về", câu hỏi tu từ "Từ nơi nào sóng lên", "Gió bắt đầu từ đâu?", nữ sĩ Xuân Quỳnh đã thể hiện mong ước lí giải tình yêu.
Nét dịu dàng, nữ tính trong hai khổ thơ ba, bốn nói riêng và bài thơ nói chung là tiếng nói mãnh liệt của một hồn thơ dạt dào cảm xúc. Những băn khoăn, trăn trở của nhân vật trữ tình cũng là suy nghĩ, cảm xúc của người con gái khi yêu.
3. Phân tích hai khổ thơ 3 và 4 bài thơ Sóng - mẫu số 3:
Đóng góp vào kho tàng thơ ca đồ sộ, Xuân Quỳnh đã đem đến cho người đọc những rung cảm sâu sắc về khát vọng hạnh phúc bình dị của người phụ nữ trong tình yêu thông qua bài thơ "Sóng". Khổ ba, bốn là một trong những trích đoạn nổi bật thể hiện điều đó.
Nếu như hai khổ đầu làm nổi bật tính cách và hành trình nhận thức của "sóng" thì khổ ba, bốn lại thể hiện khát vọng lí giải, cắt nghĩa tình yêu của "em". Trong khổ thơ thứ ba, nhân vật trữ tình bày tỏ suy nghĩ về sóng bể song hành cùng suy nghĩ về tình yêu. Đứng trước cái bao la, khoáng đạt, vĩnh hằng, nhân vật trữ tình "nghĩ về anh, em", "nghĩ về biển lớn". Biện pháp điệp cấu trúc "em nghĩ về" nhấn mạnh vào mong muốn định nghĩa tình yêu của "em". "Em" dùng tính chất bí ẩn trong cội nguồn của sóng để từ đó nói về tình yêu. Em xuất hiện trực tiếp với những câu hỏi dồn dập. Điều đó cho thấy cảm xúc rất mãnh liệt, trào dâng. Câu thơ "Từ nơi nào sóng lên" cho thấy sự băn khoăn, trăn trở của "em" về nguồn gốc của sóng.
Đặc biệt, khi cắt nghĩa, lí giải về tình yêu, nhà thơ đã có cách dẫn dắt, liên tưởng đầy ý nhị, khéo léo thông qua câu hỏi tu từ: "Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu?" ở khổ thơ thứ tư. Hai dòng thơ cho thấy sự bối rối của chủ thể trữ tình bởi mọi thứ thật khó mà truy nguyên cho chính xác. Những câu hỏi dồn dập như những con sóng miên man không dứt cho thấy sự bế tắc trong tâm tưởng. Những con sóng tự nhiên luôn ẩn chứa nhiều bí ẩn và tình yêu đối với em cũng khó hiểu như thế. Vì lẽ đó, "em" mới thổ lộ: "Em cũng không biết nữa". Ta nhận thấy đằng sau câu thơ là cái lắc đầu nhẹ nhàng, bối rối đầy nữ tính. Yêu làm sao cái lắc đầu nhè nhẹ ấy bởi tình yêu là chuyện của con tim, không thể dùng lí trí để xác định thời điểm của mối tình.
Chính sự bất lực không có câu trả lời trong câu thơ đã góp phần kì ảo hóa tình yêu, làm cho tình yêu trở nên bí ẩn và màu nhiệm. Tình yêu luôn đến một cách bất ngờ, tự nhiên và ẩn chứa nhiều điều diệu kì. Bởi thế, "em" không thể xác định được thời điểm bắt đầu chuyện lứa đôi, biết rõ "Khi nào ta yêu nhau". Qua đây, ta cảm nhận được hồn thơ Xuân Quỳnh luôn thành thực trong từng suy nghĩ.
Bằng thể thơ năm chữ ngắn gọn, ngôn từ tinh tế cùng câu hỏi tu từ đặc sắc "Từ nơi nào sóng lên?", "Gió bắt đầu từ đâu?" và biện pháp điệp cấu trúc "em nghĩ về", nhà thơ Xuân Quỳnh đã bộc lộ khao khát lí giải, cắt nghĩa tình yêu.
Có thể nói, hai khổ thơ ba và bốn đã phần nào thể hiện được nét nữ tính, mềm mại trong hồn thơ Xuân Quỳnh. Ở đó, người đọc thấy được nét mới mẻ trong hành trình tìm kiếm, chinh phục tình yêu.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-kho-tho-3-va-4-bai-tho-song-van-mau-lop-12-73930n.aspx
Tình yêu luôn luôn là một điều bí ẩn đối với mỗi người. Và nhà thơ Xuân Quỳnh cũng khát khao giải mã, khám phá thế giới huyền bí ấy. Hi vọng từ dàn ý chi tiết và bài văn mẫu Phân tích hai khổ thơ ba và bốn bài Sóng của Xuân Quỳnh, các em có thể tự hoàn thành một bài viết hoàn chỉnh. Các em có thể tham khảo nhiều bài văn mẫu lớp 12 khác tại Taimienphi.vn. Chúc các em học tập tốt!