Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Mượn hình tượng sóng, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã thể hiện đầy tinh tế những trạng thái tình cảm của người con gái trong tình yêu. Bài văn mẫu phân tích Sóng dưới đây sẽ cùng các em khám phá những trạng thái tâm lí phức tạp cùng sự kiên định, thủy chung của người con gái với tình yêu của đời mình.

Đề bài: Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

phan tich bai tho song cua xuan quynh 41551

Phân tích Sóng của Xuân Quỳnh
 

I. Dàn ý Phân tích Sóng:

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Xuân Quỳnh.

- Giới thiệu khái quát về bài thơ Sóng.

2. Thân bài:

a. Giới thiệu chung về tác phẩm:

- Bài thơ được sáng tác năm 1967, trong chuyến đi thực tế của tác giả tại vùng biển Diêm Điền (Thái Bình).

- Đề tài: tình yêu - đề tài rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh.

- Bài thơ được in trong tập “Hoa dọc chiến hào” xuất bản năm 1968.

b. Nội dung:

* Hình tượng sóng:

- Bao trùm xuyên suốt bài thơ:

+ Nghĩa thực: là những con sóng trên biển với nhiều trạng thái mâu thuẫn, trái ngược nhau.

+ Nghĩa biểu tượng: sóng như có tâm hồn, có tính cách để diễn tả những cung bậc tình cảm của người phụ nữ đang yêu.

=> Sóng là hình tượng ẩn dụ, là sự hóa thân của nhân vật trữ tình “em”.

- Sóng và “em” là hai hình tượng song hành suốt bài thơ, khi tách rời, khi hòa nhập. 

* Khổ 1, 2: Những nét tương đồng giữa sóng và em

- Khổ 1:

+ Tiểu đối: “dữ dội - dịu êm”, “ồn ào - lặng lẽ” vừa miêu tả trạng thái đối lập của sóng, vừa gợi liên tưởng đến tâm lí phức tạp của người phụ nữ khi yêu.

+ Phép nhân hóa: “sông không hiểu”, “sóng tìm ra tận bể” thể hiện khát vọng lớn lao của con sóng muốn từ bỏ những nơi chật hẹp để tìm đến những nơi cao, rộng, bao dung hơn.

=> Hành trình “tìm ra tận bể” của sóng cũng chính là quá trình tự khám phá, tự nhận thức chính bản thân, khát khao sự đồng cảm, đồng điệu trong tình yêu. 

- Khổ 2:

+ Quy luật của sóng ngày xưa và ngày sau “vẫn thế” -> Sóng luôn luôn dạt dào, sôi nổi, trường tồn với thời gian.

+ Quy luật của tình cảm: “Nỗi khát vọng tình yêu/ Bồi hồi trong ngực trẻ” -> Tình yêu luôn là khát vọng lớn lao, vĩnh hằng của tuổi trẻ và nhân loại. 

=> Xuân Quỳnh đã liên hệ tình yêu tuổi trẻ với con sóng đại dương. Cũng như sóng, con người đã và mãi mãi ở lại với tình yêu, đó là quy luật muôn đời không gì xoay chuyển được. 

* Khổ 3, 4: Những suy tư, trăn trở về cội nguồn của tình yêu

- Khổ 3: Điệp từ: “em nghĩ” và câu hỏi “Từ nơi nào sóng lên -> Quay về lòng mình với nhu cầu tìm hiểu, phân tích, khám phá tình yêu. 

- Khổ 4: Câu hỏi tu từ “Gió bắt đầu từ đâu?”, “Khi nào ta yêu nhau” nhằm truy tìm ngọn nguồn của sóng và tình yêu nhưng nguồn gốc của nó đầy bí ẩn, không thể lí giải được  -> Cách cắt nghĩa tình yêu đầy chân thành và nữ tính. 

* Khổ 5, 6, 7: Nỗi nhớ và khát vọng về tình yêu thủy chung

- Khổ 5:

+ Nỗi nhớ bao trùm cả không gian “dưới lòng sâu”, “trên mặt nước”, thao thức mọi thời gian “ngày đêm” -> Giọng thơ dào dạt, náo nức, mãnh liệt để diễn tả nỗi nhớ da diết, không thể nào nguôi cứ cuồn cuộn như sóng biển triền miên

+ Sóng nhớ bờ mãnh liệt, tha thiết, còn em nhớ anh đắm say hơn bội phần “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức” -> Cách nói cường điệu nhằm tô đậm nỗi nhớ thấm sâu vào trong cả ý thức lẫn tiềm thức

+ Phép lặp từ, lặp cú pháp để bày tỏ tình yêu một cách chân thành, tha thiết mà mạnh dạn, mãnh liệt. 

- Khổ 6: Cách nói khẳng định: dẫu xuôi Bắc hay ngược Nam thì em vẫn luôn hướng về anh -> Lời thề thủy chung tuyệt đối trong tình yêu, dù đi đâu về đâu vẫn luôn hướng về người mình đang thương nhớ, chờ đợi.

- Khổ 7: Mượn quy luật tất yếu của sóng: Con sóng ngoài đại đại dương, “Con nào chẳng tới bờ/ Dù muôn vời cách trở” để thể hiện sức mạnh của tình yêu sẽ giúp em và anh vượt qua mọi gian lao để đến được bến bờ hạnh phúc. 

=> Xuân Quỳnh đã thể hiện cái tôi của một người con gái luôn có niềm tin mãnh liệt vào tình yêu. 

* Khổ 8, 9: Sóng và khao khát về tình yêu vĩnh cửu

- Khổ 8: Những từ “tuy”, “dẫu” diễn tả quan hệ đối lập, thể hiện sự nhạy cảm, âu lo về sự hữu hạn của thời gian, của đời người và sự mong manh của hạnh phúc. 

- Khổ 9: 

+ Diễn tả khao khát được sẻ chia, hòa nhập vào cuộc đời. 

+ Trăn trở, mong muốn có giữ mãi được tình yêu, sự hạnh phúc theo suốt ngàn năm. 

+ Khát vọng được cống hiến hết mình trong biển lớn tình yêu, muốn hóa thân thành tình yêu muôn đời. 

=> Khát vọng khôn cùng về tình yêu bất diệt. 

c. Nghệ thuật:

- Thể thơ 5 chữ, nhịp thơ ngắn thể hiện nhịp sóng biển. 

- Hình tượng sóng độc đáo, thú vị có sự tương đồng với người phụ nữ khi yêu.

- Ngôn từ, hình ảnh thơ trong sáng, giản dị.

3. Kết bài:

- Khái quát lại cảm nhận, suy nghĩ của em về bài thơ Sóng.

 

Phan tich bai tho song

Bài mẫu phân tích Sóng của Xuân Quỳnh để thấy được tình yêu của người phụ nữ trong tác phẩm

 

II. Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh:

Sóng được Xuân Quỳnh viết vào năm 1967, trong lúc bà đi công tác tạ biển Diêm Điền thuộc tỉnh Thái Bình. Tác giả ngắm nhìn sóng và dưới ngòi bút tài năng đong đầy cảm xúc, sóng trở thành một hình tượng của tình yêu đầy đặc sắc, cồn cào và mãnh liệt, tiêu biểu cho phong cách thơ của Xuân Quỳnh, thích viết về những khao khát giản dị đời thường, đặc biệt là về tình yêu. Sóng được in trong tập thơ Hoa dọc chiến hào xuất bản lần đầu năm 1968, tại nhà xuất bản Văn học.

Trong bài thơ có hai hình tượng là sóng và em, tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng thực chất đây là một hình ảnh ẩn dụ rất đặc sắc, tuy hai mà một, sóng nói thay lời em, thật mơ mộng bay bổng. Qua ngòi bút tinh tế của tác giả, hình ảnh sóng mang đến cho người đọc người nghe liên tưởng về một tình yêu dạt dào, đong đầy như đại dương mênh mông.

Mở đầu bài thơ tác giả đi vào tả thực sóng, sóng hiện lên với phong cách đối lập nhau trong hai câu thơ “Dữ dội và dịu êm/Ồn ào và lặng lẽ”, như tâm trạng của người con gái trong tình yêu vậy. Tâm trạng ấy thất thường và diễn biến phức tạp lắm, lúc thì nồng đượm, rạo rực, lúc lại trầm lắng, dịu dàng, có lẽ chỉ hình ảnh sóng mới thể hiện hết được cái điều lạ lùng này. “Sông không hiểu nổi mình/Sóng tìm ra tận bể”, sợ rằng dòng sông chẳng hiểu nổi tâm tư, tình yêu ấy bèn vươn đến tận bể, để giãi bày để được thấu hiểu, để được thoải mái tự do thể hiện mình, cái tư tưởng tiến bộ của Xuân Quỳnh thật đáng quý quá, tình yêu của người phụ nữ nay sao phải e ngại, chôn kín tận đáy lòng, hãy cứ tìm về cái nơi to lớn, nơi có thể thấu hiểu, bao dung cho tình yêu mãnh liệt này mới phải lẽ chứ.

Câu thơ “Ôi con sóng ngày xưa/Và ngày sau vẫn thế” ta thấy được tình yêu của người con gái thât chân thành, sâu sắc làm sao, chỉ muốn một lòng thủy chung, son sắt, hôm nay thế, ngày mai thế, muôn ngày sau vẫn không đổi dời, thật đáng quý biết bao cho “Khát vọng tình yêu/Bồi hồi trong ngực trẻ”. Trái tim ấm nóng của Xuân Quỳnh, đập vì tình yêu, sống vì tình yêu và tình yêu ấy vẫn luôn mãnh liệt, vẫn khiến tác giả bồi hồi xao xuyến lạ kỳ.

Trong khung cảnh sóng biển ào ạt, tác giả suy nghĩ về cuộc đời mình, cuộc đời của “anh”, nghĩ về biển lớn, và tự hỏi “Từ nơi nào sóng lên?”, Xuân Quỳnh tự hỏi và đưa ra những đáp án, nhưng do dự và mông lung lắm như tâm trạng của người con gái trong tình yêu cứ phân vân bất định, chẳng dám nắm chắc cái gì, “Sóng bắt đầu từ gió/Gió bắt đầu từ đâu?”, chính bản thân bà cũng “không biết nữa”, vậy “Khi nào ta yêu nhau?”, tình yêu cũng vậy, đến trong mơ hồ, lãng mạn bay bổng như gió, lại mạnh mẽ cồn cào như cơn sóng lên, cái duy nhất không thể hiểu là tình yêu đến khi nào, không ai nắm được, tình yêu thú vị thế đấy. Thế nhưng tác giả cứ thích hỏi, muốn hỏi, muốn biết và người con gái nào cũng vậy, những thứ không thể làm rõ ta lại càng muốn hỏi cho ra lẽ, thú vị thật, đúng chỉ có tâm trạng yêu đương của phụ nữ mới thế.

Tình yêu là thứ khiến con người ta hạnh phúc, chìm trong cảm giác lâng lâng, nhưng khi xa cách lại khiến ta bứt rứt, cái khao khát cùng đắm say hòa quyện vào tình yêu càng trở nên mạnh mẽ vô cùng. Dù là sóng dưới lòng đại dương hay đang tung tăng trên mặt nước, đều một lòng chỉ hướng về bờ cát xinh đẹp kia. Cô gái ngày đêm trằn trọc chẳng chợp mắt, chỉ mong nhớ về người thương, đến giấc mơ cũng đong đầy tương tư một người đi xa chưa trở về. Tâm trạng này rất phù hợp với hoàn cảnh đất nước ta thời bấy giờ, khi mà miền Bắc đang chìm trong khói đạn, lớp trai tráng thanh niên kéo nhau ra tiền tuyến “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, bao cuộc chia ly đầy nước mắt, kẻ ở tiễn chân người đi, ngậm ngùi lắm, buồn thương lắm, để người con gái ở lại với tình yêu nồng nàn thủy chung, chờ anh lính chiến quay về, nhưng biết có chờ được không?

Thật đẹp làm sao cho một tình yêu son sắt, dù có xuôi Bắc, ngược Nam cũng vẫn mãi vẹn nguyên như thuở ban đầu ước hẹn, cô gái chỉ một lòng hướng về chàng trai đang ở phương nào xa xôi. Đại dương kia to lớn như thế, mà con sóng nào cũng chạm bờ, ôm ấp, tình yêu này cũng vậy, dù có khó khăn hay ngàn vạn cách trở cũng chẳng làm “em” nản chí, luôn cố gắng vì tình yêu đôi lứa, vì tương lai sum vầy hạnh phúc. Cuộc đời dẫu có dài nhưng rồi cũng mau chóng qua đi, như biển ngoài kia bao la đến thế mà cũng chẳng chứa nổi đám mây muốn bay về xa. Xuân Quỳnh nhận thức được giới hạn cuộc đời, tuổi thanh xuân của người phụ nữ, bà khao khát được “tan ra” thành hàng trăm con sóng nhỏ, để  thỏa sức vung vẩy trong “biển lớn tình yêu”, để cả cuộc đời được sống với tình yêu, để được yêu đến ngàn năm cho thỏa. Ôi, cái khao khát ấy, khao khát tình yêu cháy bỏng nồng nàn của một người phụ nữ từng mấy lần tan hợp!

 Xuân Quỳnh yêu đời, yêu người, bà sống một cuộc đời lãng mạn, chẳng giống đâu đó có người tan vỡ một lần rồi lại chẳng dám yêu thêm. Bà mạnh mẽ, mạnh mẽ trong từng vần thơ, nhưng vẫn có cái nét dịu dàng, e lệ trong sâu thẳm tâm hồn người con gái. Tình yêu của bà thật sâu sắc, lúc tưng bừng như lửa cháy, đôi lúc lại êm đềm như cần ngẫm nghĩ điều chi? Tôi ngưỡng mộ bà lắm, hiếm có người phụ nữ nào có thể viết về tình yêu hay như vậy, chỉ những vần thơ đơn giản như nói về sóng, nhưng người thưởng thức lại thấy cả một tình yêu vừa trong sáng, vừa chân thành lại tha thiết trong ấy, thấy cả cái khát khao tình yêu mãnh liệt của người con gái đang độ xuân thì (lúc này Xuân Quỳnh mới 25 tuổi).

-------------------------HẾT----------------------------

Như vậy chúng tôi đã gợi ý Phân tích bài thơ Sóng bài tiếp theo, các em chuẩn bị cho phần Phân tích hình tượng Sóng trong bài thơ cùng tên và cảm nhận về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu và cùng với phần Trình bày cảm nhận về đoạn thơ trong bài Sóng và Vội vàng để học tốt ngữ văn hơn.

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-bai-tho-song-cua-xuan-quynh-41551n.aspx
 


Tác giả: Hoàng Bách     (3.5★- 4 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Ý nghĩa nhan đề bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
Phân tích hai khổ thơ đầu bài Sóng của Xuân Quỳnh siêu hay tuyển chọn
Dàn ý phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh
Phân tích khổ thơ 3 và 4 bài thơ Sóng - Văn mẫu lớp 12
Phân tích khổ 2, 3 và 4 bài thơ Sóng
Từ khoá liên quan:

phan tich bai tho song cua xuan quynh

, phan tich song xuan quynh hay nhat, van mau lop 12 phan tich bai tho song cua xuan quynh,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phân tích Thơ duyên

    Bài văn mẫu Phân tích Thơ duyên của Xuân Diệu hay mới nhất

    Nhắc đến Xuân Diệu, ta sẽ nghĩ ngay tới một hồn thơ đầy tự do, lãng mạn cùng bao thông điệp hướng về tình yêu với con người, cuộc sống. Để tìm hiểu thêm về tài năng nghệ thuật của người nghệ sĩ tài hoa này, Taimienphi.vn gửi đến các em bài văn Phân tích Thơ duyên. Bài viết sẽ giúp em nhận ra thông điệp, ý nghĩa tác phẩm cũng như cảm nhận được sâu sắc hơn tâm tình, suy nghĩ của nhà thơ nhé. Mời em đón xem ngay sau đây.

Tin Mới