Phân tích hai khổ thơ đầu bài Sóng của Xuân Quỳnh siêu hay tuyển chọn

Sóng của Xuân Quỳnh từ lâu đã là một thi phẩm tình yêu nổi tiếng trong dòng chảy văn học Việt Nam. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về nội dung và nghệ thuật của bài thơ qua phần Phân tích hai khổ thơ đầu bài Sóng của Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12, học kì I trên Taimienphi.vn nhé!

Đề bài: Phân tích hai khổ thơ đầu bài Sóng của Xuân Quỳnh - Văn mẫu lớp 12

phan tich hai kho tho dau bai song cua xuan quynh

Phân tích khổ 1, khổ 2 bài Sóng
 

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.
3. Bài mẫu số 3.
4. Bài mẫu số 4.


I. Dàn ý phân tích hai khổ thơ đầu bài Sóng của Xuân Quỳnh ngắn gọn:

1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
2. Thân bài:
2.1. Nội dung:
a. Khổ 1: Bản chất và hành trình nhận thức của sóng:
- Hai câu thơ đầu diễn tả bản chất, tính cách của sóng: Sóng chứa đựng những nét tính cách mâu thuẫn, đối lập nhau.
+ "Dữ dội" và "dịu êm"; "ồn ào"và "lặng lẽ": những từ ngữ mang ý nghĩa trái ngược nhau, thể hiện những trạng thái khác nhau của sóng.
- Hai câu thơ sau thể hiện hành trình nhận thức của sóng:
Câu thơ này có thể hiểu theo hai nghĩa:
+ Cách hiểu thứ nhất: vì "sông" không hiểu "sóng", nên "sóng" tìm ra "tận bể".
+ Cách hiểu thứ hai: ở sông, sóng "không hiểu nổi mình" nên "tìm ra tận bể".
=> Dù hiểu theo cách nào thì cũng thể hiện khát vọng tìm kiếm hạnh phúc.
=> Sóng dứt khoát chối bỏ cái chật hẹp để đến với cái bao la, rộng lớn, vĩnh hằng.
b. Khổ 2: Sự tồn tại bất diệt và khát vọng tình yêu của sóng:
- Hai khổ thơ đầu cho thấy sóng tồn tại bất diệt với đại dương:
+ Ngày xưa: quá khứ.
+ Ngày sau: tương lai.
+ Vẫn thế: không thay đổi.
- Khát vọng tình yêu vẫn luôn nồng cháy trong trái tim của tuổi trẻ.
2.2. Nghệ thuật:
- Biện pháp lặp cấu trúc độc đáo.
- Nghệ thuật đối lập đặc sắc.
- Ngôn từ tinh tế, giàu sức biểu hình biểu cảm.
3. Kết bài:
- Nêu cảm xúc, suy nghĩ và khẳng định giá trị của đoạn trích đối với tác phẩm.

 

II. Bài văn mẫu phân tích hai khổ thơ đầu bài Sóng của Xuân Quỳnh của học sinh giỏi:
 

1. Phân tích hai khổ thơ đầu bài Sóng của Xuân Quỳnh siêu hay - mẫu số 1:

Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ nổi tiếng của nền thơ ca Việt Nam. Bà có một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và dạt dào cảm xúc. Điều này được thể hiện rõ qua bài thơ "Sóng" in trong tập "Hoa dọc chiến hào" năm 1968. Thông qua hình tượng sóng, nhà thơ đã làm nổi bật tính cách và khát vọng tình yêu của người phụ nữ.

Trong khổ thơ đầu, tác giả đem đến cho người đọc những hình dung về các trạng thái khác nhau của sóng:

"Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ"

"Dữ dội", "dịu êm", "ồn ào", "lặng lẽ" là tính từ miêu tả trạng thái của sự vật. Đây đều là những từ mang ý nghĩa đối lập nhau. Sóng có lúc mạnh mẽ, ồn ã, lúc lại êm ái, dịu dàng. Tính cách của sóng cũng giống như đặc điểm của người con gái khi yêu.

Ở hai câu tiếp theo, Xuân Quỳnh đã sử dụng biện pháp nhân hóa: "Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể". Từ "tìm" đã diễn tả được sự chủ động của những con sóng. Sóng từ bỏ không gian tù túng, chật hẹp để đến với nơi rộng lớn, bao la. Từ "sông" tới "bể", sóng đã làm một cuộc hành trình đầy dứt khoát. Hình ảnh dòng sông tìm ra biển lớn ẩn dụ cho khát vọng khám phá những điều lớn lao của người con gái trong tình yêu. Như vậy, bản chất, tính cách và hành trình nhận thức của sóng cũng là đặc điểm của người con gái khi yêu.

Đến với khổ thơ thứ hai, nhà thơ Xuân Quỳnh đã khẳng định sự bất diệt của sóng đối với đại dương:

"Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ"

"Ôi" là từ cảm thán thể hiện sự bồi hồi, xao xuyến của một trái tim đang yêu. Nếu ngày "xưa" chỉ quá khứ thì "ngày sau" lại biểu trưng cho tương lai. Nối liền "ngày xưa" với "ngày sau", tác giả muốn nói đến sự dài rộng của năm tháng. Dù là quá khứ hay tương lai thì sóng không bao giờ thay đổi. Đặc biệt, từ "bồi hồi" được đặt ngay đầu dòng càng nhấn mạnh vào cảm giác đắm say, rạo rực của chủ thể trữ tình. Khát vọng tình yêu vẫn luôn thổn thức trong lồng ngực như sự vĩnh cửu của những con sóng.

Bên cạnh nét hấp dẫn về mặt nội dung, ta không thể bỏ qua nét đặc sắc về nghệ thuật. Bằng biện pháp lặp cấu trúc cùng nghệ thuật đối lập và ngôn ngữ tinh tế, gợi hình, gợi cảm, nhà thơ Xuân Quỳnh đã thể hiện đặc điểm của người con gái và khát vọng hạnh phúc trong tình yêu một cách sống động.

Có thể nói, hình tượng sóng là hình tượng trung tâm của văn bản. Qua việc phân tích sự tương đồng giữa "em" và "sóng", ta càng hiểu thêm được nét duyên dáng, tế nhị trong cách biểu hiện tình yêu ở người con gái.

Cam nhan 2 kho tho dau bai Song

Văn mẫu, dàn ý khổ 1, 2, bài Sóng
 

📌 Một số bài văn mẫu hay về bài thơ Sóng - Xuân Quỳnh
📝Phân tích bài thơ Sóng
📝Phân tích khổ thơ 3 và 4 bài thơ Sóng
📝Phân tích đoạn thơ trong bài thơ Sóng: "Ở ngoài kia đại dương... Để ngàn năm còn vỗ"
📝Phân tích khổ 2, 3 và 4 bài thơ Sóng

2. Phân tích hai khổ thơ đầu bài Sóng của Xuân Quỳnh ngắn nhất - mẫu số 2:

Nhà phê bình văn học, giáo sư Lê Ngọc Trà từng khẳng định: "Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói tình cảm của con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư". Trong chuyến đi thực tế tại vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), Xuân Quỳnh đã gửi gắm nỗi niềm của mình qua bài thơ "Sóng". Thông qua hai khổ thơ đầu, nhà thơ đã đem đến cho người đọc những hình dung độc đáo về bản chất và hành trình nhận thức của sóng.

Trong tác phẩm, hình ảnh "sóng" và "em" luôn sánh đôi, soi chiếu và bổ sung cho nhau. Trạng thái của sóng cũng chính là nét tính cách của em - người con gái khi yêu:

"Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ"

Trong hai câu thơ đầu, Xuân Quỳnh đã sử dụng hình thức lặp cấu trúc kết hợp với hàng loạt tính từ có ý nghĩa trái ngược nhau nhằm diễn tả bản chất của sóng. Khi phong ba, bão táp, sóng trở nên dữ dội, thét gào. Lúc giông tố đi qua, sóng trở về với vẻ dịu nhẹ, êm đềm vốn có. Trạng thái của sóng biểu trưng cho các cung bậc cảm xúc của người con gái đang yêu: khi thì nhẹ nhàng, sâu lắng, lúc lại cáu giận, hờn ghen. Điều đặc biệt ở hai câu thơ này nằm ở chỗ tác giả dùng liên từ "và" vốn để biểu đạt sự tương đồng, cộng hưởng. Có lẽ, nhà thơ muốn nhấn mạnh vào những nét tính cách đối lập nhưng lại đan cài tự nhiên ở người con gái.

Bằng biện pháp nhân hóa, Xuân Quỳnh đã tái hiện lại hành trình từ sông tới biển của sóng. Sóng lúc này không chỉ là con sóng thông thường mà đã trở thành thực thể có linh hồn, cảm xúc, suy nghĩ như con người. Từ "tìm" đã cho thấy sự chủ động của sóng. Sóng từ bỏ không gian chật hẹp, tù túng là những con sông để tìm ra "bể" lớn, nơi có đại dương mênh mông, bao la. Có lẽ, vì sông quá nhỏ bé nên không thể hiểu hết nỗi lòng của sóng, buộc sóng phải đi đến "bể". Mong ước của sóng cũng là khát khao vượt qua điều tầm thường để đến hạnh phúc lớn lao của "em". Dù đích đến có xa xôi, cách trở thì "em" vẫn luôn kiên định, mạnh mẽ.

Sang đến khổ hai, nhà thơ Xuân Quỳnh đã khẳng định sự bất diệt của những con sóng với đại dương và khát vọng tình yêu, tuổi trẻ. Thán từ "Ôi" được đặt ngay ở dòng đầu tiên nhằm nhấn mạnh vào nỗi xúc động mạnh mẽ của nhân vật trữ tình. "Ngày xưa" và "ngày nay" là những từ chỉ ý niệm về thời gian. Thi sĩ muốn khẳng định tính chất bất biến, muôn thuở của những con sóng. Đồng thời, nói lên khát vọng tình yêu của "em". "Em" cũng như "sóng", dù thời gian có thay đổi, dù tương lai hay hiện tại thì vẫn mang trong mình ngọn lửa tình yêu. Trái tim vẫn không ngừng thổn thức trước cuộc đời.

Bằng thể thơ năm chữ ngắn gọn, ngôn từ tinh tế cùng biện pháp nhân hóa "Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể", điệp cấu trúc "Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ", nữ sĩ Xuân Quỳnh đã miêu tả một cách đầy gợi cảm về tính khí của sóng.

Như vậy, hai khổ thơ đầu đã đem đến cho người đọc những rung cảm sâu sắc. Đây là tiếng nói của một hồn hồn thơ mãnh liệt, dạt dào cảm xúc. Hiểu về đoạn trích cũng như tác phẩm, ta càng thêm ngưỡng mộ, cảm phục trước tài năng của nhà thơ Xuân Quỳnh.
 

3. Phân tích hai khổ thơ đầu bài Sóng của Xuân Quỳnh của học sinh giỏi- mẫu số 3:

Văn hào Pháp Victor Hugo đã từng khẳng định: "Cuộc đời là một bông hoa, còn tình yêu là mật ngọt". Chính bởi vậy, tình yêu luôn là đề tài vĩnh cửu của văn học và luôn là điều bí ẩn đối với con người. Vì thế, đến với đề tài tình yêu, mỗi nhà thơ lại có một cách cảm nhận, thể hiện riêng. Ta biết tới một "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu nồng nàn, khao khát yêu đương, một nhà thơ Nguyễn Bính mộc mạc, chân chất. Còn đến với Xuân Quỳnh, ta lại cảm nhận được một hồn thơ in đậm vẻ nữ tính, da diết trong khát khao hạnh phúc đời thường. Điều này được thể hiện rõ trong bài thơ "Sóng" in trong tập "Hoa dọc chiến hào" năm 1968. Đặc biệt là ở hai khổ thơ đầu của bài thơ.

"Sóng" là hình tượng trung tâm của bài thơ. Sóng và em luôn song hành cùng nhau, lúc thì phân đôi để soi chiếu vào nhau, lúc lại hòa làm một. Tính cách và bản chất của sóng cũng là đặc điểm của "em", của người con gái khi yêu:

"Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ"

Những từ trong hai dòng thơ mang ý nghĩa đối lập nhau vậy mà ở đây, Xuân Quỳnh lại sử dụng từ "và", vốn biểu đạt quan hệ cộng hưởng, tiếp nối, nhân lên. Qua đây, nhà thơ muốn thể hiện bản chất và tính khí của sóng. Lúc thì sóng dâng trào lên cao, mạnh bạo, lúc lại trở nên hiền hòa, dịu dàng. Thật giống với nét tính cách của người con gái đang yêu. Trái tim của "em" cũng như sóng, cũng lên xuống bất chợt với những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Đến với hai câu thơ tiếp theo trong khổ một, tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa qua động từ "tìm". "Sông" và "bể" là những từ tái hiện không gian khác nhau. Nếu như "sông" tượng trưng cho sự tù túng, chật chội thì "bể" trong thế giới thơ Xuân Quỳnh thường biểu đạt cho một không gian khoáng đạt, rộng lớn:

"Chỉ có thuyền mới biết

Biển mênh mông nhường nào."

Hay

"Suốt cuộc đời biển gọi ước mơ

Nỗi khát vọng nơi phương trời chưa đến

Đứng trước biển quên những điều nhỏ hẹp

Lại thấy lòng trong sạch thêm ra."

Mọi con sông đều sẽ đổ ra biển lớn. Đó là chân lí không thể đổi thay. Thế nhưng, động từ "tìm" cho thấy sự chủ động của những con sóng. Từ "sông" tới "bể", sóng đã làm một hành động đầy dứt khoát là từ bỏ cái tù túng, chật hẹp để đến với trời nước bao la, vĩnh hằng. Hành trình nhận thức của sóng cũng chính là mong ước vượt lên những điều nhỏ bé, tầm thường để tìm đến hạnh phúc lớn lao của người con gái trong tình yêu.

Sang đến khổ hai, nhà thơ lại tiếp tục nói về những con sóng biển:

"Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế"

Từ "ôi" đã diễn tả sự bồi hồi, xuyến xao của một trái tim đang yêu."Ngày xưa" biểu thị cho cái quá khứ xa xôi trong khi "ngày sau" lại tượng trưng cho tương lai xa vời. Xuân Quỳnh nối liền quá khứ với hiện tại thông qua liên từ "và" nhằm thể hiện sự dài rộng của tháng năm. Thi sĩ muốn khẳng định sự bất diệt của những con sóng. Dù thời gian có thay đổi thì những con sóng vẫn vẹn nguyên. Như vậy, trong suy nghĩ và cảm nhận của tác giả, dù là quá khứ hay hiện tại, dù là ngày xưa hay ngày sau thì sóng vẫn tồn tại muôn đời. Khát vọng tình yêu cũng như vậy, vẫn luôn mãnh liệt, thổn thức trong lồng ngực của tuổi trẻ, của người con gái tràn đầy niềm yêu thương.

Để diễn tả được đặc điểm, khát vọng của sóng, tác giả đã sử dụng ngôn từ giàu sức gợi hình, gợi cảm, biện pháp nhân hóa "Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể", lặp cấu trúc "Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ". Các yếu tố trên đã góp phần thể hiện được nội dung của đoạn trích cũng như tạo nên thành công cho tác phẩm.

Qua việc phân tích hai khổ thơ đầu của bài thơ "Sóng", ta thấy được hình tượng "sóng" và "em" luôn song hành, gắn liền với nhau để làm rõ được nỗi niềm, khát khao hạnh phúc bình dị của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Những tình cảm mà Xuân Quỳnh thể hiện thật "giống như ngọn lửa thần bốc lên từ những cành khô" còn tài năng của bà là sự "bắt nguồn từ những tình cảm mạnh mẽ nhất của con người" (Raxun Gazop).

 

4. Phân tích hai khổ thơ đầu bài Sóng của Xuân Quỳnh hay nhất - mẫu số 4:

4.1. Dàn ý phân tích 2 khổ đầu bài Sóng hay chọn lọc:
4.1.1. Mở bài: 

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về hai khổ thơ đầu: Hình tượng sóng như đối tượng để bày tỏ những cung bậc cảm xúc, khát vọng của người con gái trong tình yêu. 
4.1.2. Thân bài: 
a, Nội dung:
 
- Bản chất và hành trình nhận thức của sóng: 
+ Con sóng chứa đựng những tính chất đối lập nhau: "dữ dội" - "dịu êm", "ồn ào" - "lặng lẽ" -> Những cung bậc cảm xúc của người con gái khi yêu. 
+ Vượt thoát khỏi sự bó buộc của "sông" để vươn ra "bể" lớn. 
=> Khát vọng tình yêu mạnh mẽ. 
- Sự tồn tại bất diệt của tình yêu và khát khao tình yêu mãnh liệt: 
+ Mở rộng chiều kích của thời gian: "ngày xưa" - "ngày nay".
+ Lời khẳng định: "vẫn thế". 
=> Khát vọng tình yêu bất diệt như những con sóng. 
b, Nghệ thuật: 
- Áp dụng linh hoạt các biện pháp tu từ: điệp từ, so sánh. 
- Sử dụng các hình ảnh tượng trưng, các cặp từ đối lập. 
4.1.3. Kết bài: 
- Khẳng định lại giá trị nội dung và ý nghĩa của hai khổ thơ đầu. 
- Liên hệ mở rộng. 

4.2. Bài văn mẫu Phân tích 2 khổ đầu bài Sóng hay nhất - Văn 12:

"Sóng" là một bài thơ vô cùng nổi tiếng, được nữ sĩ Xuân Quỳnh sáng tác trong một dịp đến vùng biển Diêm Điền ở tỉnh Thái Bình. Bài thơ chính là tiếng lòng sâu sắc của người con gái khi yêu: vừa truyền thống, vừa hiện đại. Đến với hai khổ thơ đầu tiên, nhà thơ đã mượn hình tượng sóng để bày tỏ những cung bậc cảm xúc trong tình yêu. Từ đó, thể hiện khát vọng mãnh liệt, cháy bỏng mà người con gái luôn trông đợi. 

Khổ thơ đầu tiên đã mang đến cho người đọc những hình dung chân xác nhất về các trạng thái khác nhau của con sóng: 

"Dữ dội và dịu êm

  Ồn ào và lặng lẽ"

Sử dụng những tính từ đối lập nhau cùng việc lặp cấu trúc, Xuân Quỳnh vô cùng khéo léo miêu tả tính chất của con sóng ngoài khơi. Lúc thì mạnh mẽ, dữ dội, ồn ào, cuồng nộ. Lúc lại êm ái, thanh bình, dịu dàng. Từng đợt sóng cứ vậy đi vào trong thơ Xuân Quỳnh, đại diện cho tâm trạng của người con gái: yêu đương sâu đắm, dịu dàng, trìu mến, lắm khi lại hờn ghen, giận dỗi. Vốn là những trạng thái cảm xúc đối lập nhau, lại được kết nối bằng từ "và". Điều này đã tạo nên sự tương đồng, cộng hưởng. Việc sử dụng hình ảnh thiên nhiên để miêu tả tâm lí con người cũng khiến cho những nét tính cách này trở thành một lẽ tất yếu, tự nhiên ở người con gái.

"Sông không hiểu nổi mình

  Sóng tìm ra tận bể"

Bằng biện pháp tu từ nhân hóa, Xuân Quỳnh đã tái hiện lại hành trình của những con sóng. Không gian sông nước quả nhỏ bé, chật hẹp, dường như đang giam cầm, hạn chế chúng. Thậm chí, sự gò bó ấy còn tạo cảm giác dòng sông chẳng thể nào "hiểu" được nỗi lòng của mình. Vậy nên, những con sóng đã chủ động "tìm ra tận bể". Giờ đây, chúng như một thực thể sống, có linh hồn, biết suy nghĩ và hành động. Sự chủ động của sóng cũng chính là khát vọng mãnh liệt của trái tim: muốn tìm ra những điều lớn lao hơn trong tình yêu. 

Sang đến khổ thơ thứ hai, Xuân Quỳnh đã khẳng định sự bất diệt, vĩnh hằng của sóng:

"Ôi con sóng ngày xưa

  Và ngày sau vẫn thế

  Nỗi khát vọng tình yêu

  Bồi hồi trong ngực trẻ"

Vốn là một hiện tượng tự nhiên, quy luật của những con sóng là bất biến. Sự đối lập giữa cặp từ "ngày xưa" - "ngày sau" không chỉ không loại bỏ nhau mà còn tạo cảm giác tiếp nối. Dù là quá khứ, hiện tại hay tương lai thì con sóng ấy "vẫn thế". Đây chính là một lời khẳng định của tác giả về quy luật tự nhiên hay cũng chính là về "nỗi khát vọng tình yêu" trong trái tim người con gái. Trái tim ấy cứ thổn thức, "bồi hồi" về những thứ xúc cảm mãi trường tồn, bất diệt nơi lồng ngực trẻ. Tình yêu giống như những con sóng trong lòng đại dương, cứ ngày đêm dạt dào, thổn thức. 

Mượn hình ảnh con sóng, Xuân Quỳnh đã diễn tả tình yêu một cách vô cùng tài tình. Nữ sĩ sử dụng một loạt các cặp từ đối lập, thuần thục đưa chúng vào cùng những phép tu từ như điệp ngữ, so sánh. Qua đó, thành công mô tả được từng cung bậc cảm xúc trong tình yêu và khát vọng cháy bỏng của trái tim người con gái. 

Chỉ hai khổ thơ ngắn gọn nhưng thi sĩ Xuân Quỳnh đã chứng minh được tài năng cũng như tâm hồn tinh tế, tràn đầy xúc cảm của mình. "Sóng" chạm đến trái tim độc giả bằng chính sự giản dị và gần gũi trong từng lời thơ. Đồng thời, đem đến một cái nhìn rất mới về tình yêu.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-hai-kho-tho-dau-bai-song-cua-xuan-quynh-73909n.aspx
Khi phân tích hai khổ thơ đầu bài "Sóng", em hãy chú ý đến hình tượng sóng cùng cách diễn đạt vô cùng thú vị của Xuân Quỳnh nhé. Hai khổ thơ đầu của bài thơ Sóng đã miêu tả tính khí, hành trình nhận thức và khát vọng hạnh phúc của sóng. Nói một cách khách, tác giả đã thể hiện đầy đủ các cung bậc cảm xúc của người con gái khi yêu thông qua hình tượng trung tâm là sóng. Taimienphi.vn hi vọng qua bài văn mẫu lớp 12 trên, các em đã biết cách để phân tích một đoạn trích trong tác phẩm văn học. Chúc các em học tốt Ngữ văn 12.

Tác giả: Phương Anh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Cảm nhận về khổ thơ thứ 5,6,7 bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh hay nhất
Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh
Phân tích nỗi nhớ của người con gái khi yêu trong khổ thơ: Con sóng dưới lòng sâu...
Ý nghĩa nhan đề bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
Phân tích hai khổ đầu bài thơ Đoàn thuyền đánh cá hay nhất tuyển chọn
Từ khoá liên quan:

Phan tich hai kho tho dau bai Song cua Xuan Quynh

, bai van mau Cam nhan 2 kho tho dau bai Song, dan y phan tich kho 1 2 bai song,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

    Cảm nhận bài mùa xuân nho nhỏ Ngữ văn 9

    Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tài liệu ôn tập môn Ngữ văn dành cho các em học sinh lớp 9. Để đọc hiểu và phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ chính xác, đầy đủ nhất, các em học sinh có thể lưu lại nội dung hướng dẫ ...

Tin Mới