Mùa xuân nho nhỏ là bài thơ hay thuộc chương trình Ngữ văn lớp 9, học kì II. Mỗi khổ của bài thơ đều có một ý nghĩa mà ta có thể tách ra để phân tích một cách riêng biệt. Lần này, Taimienphi.vn giới thiệu bài văn mẫu Phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, các em cùng xem để hiểu hơn cách làm cũng như dễ dàng làm bài Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ nhé.
Đề bài: Phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.
Viết đoạn văn khổ 2 3 bài mùa xuân nho nhỏ hay của Thanh Hải
Mẹo Phương pháp phân tích bài thơ, đoạn thơ đạt điểm cao
I. Dàn ý Phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:
1. Mở bài:
- Giới thiệu về bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”.
- Giới thiệu về tác giả Thanh Hải.
- Giới thiệu về khổ thơ cuối bài.
2. Thân bài:
a) Nội dung khổ 2 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:
* Vẻ đẹp của mùa xuân:
- Hình ảnh:
+ “Lộc” - “Người cầm súng”: người chiến sĩ ra trận, trên lưng có cắm nhiều cành, lá cây để ngụy trang.
+ “Lộc” - “Người ra đồng”: người nông dân trên cánh đồng làm việc, cấy lúa, tạo ra lương thực cho mọi người.
- Điệp từ: “Mùa xuân”, “lộc” mang đến không khí mùa xuân, vạn vật sinh sôi, lộc non trải đầy khung cảnh.
- “Hối hả”, “xôn xao”: mang đến không khí rộn rã, vui tươi.
- Điệp từ “tất cả”: ai cũng hăng hái, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của mình, góp phần nhỏ bé để giữ gìn và xây dựng đất nước.
* Niềm tin vào tương lai của đất nước
- “Đất nước bốn ngàn năm/Vất vả và gian lao”: Nói lên thời gian 4000 năm dựng nước và giữ nước của cha ông ta tuy khó khăn nhưng luôn dũng cảm, kiên cường.
- “Đất nước như vì sao”:
+ Ước mong đất nước mãi trường tồn như vì sao.
+ Đất nước sẽ tỏa sáng như vì sao, sánh vai cùng cường quốc năm châu.
- “Cứ đi lên phía trước”: sự phát triển ngày càng lớn mạnh của đất nước.
b) Nghệ thuật khổ 2 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:
- Sử dụng hình ảnh tiêu biểu, gợi cảm, dễ liên tưởng.
- Các biện pháp tu từ: ẩn dụ, so sánh, điệp từ.
3. Kết bài:
- Khái quát lại về khổ 2 và 3 của bài thơ.
II. Đoạn văn mẫu Cảm nhận khổ 2 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải:
Mùa xuân luôn là đề tài rộng mở cho người nghệ sĩ sáng tác nên thơ văn. Một trong những bài thơ nổi bật về chủ đề đó là “Mùa xuân nho nhỏ” của tác giả Thanh Hải. Trong khổ 2 và khổ 3 của bài, nhà thơ đã miêu tả rất chân thực cuộc sống của con người ngày xuân và niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước. Biện pháp điệp từ “mùa xuân”, “lộc” đã thể hiện một khung cảnh tươi non mơn mởn vào mùa đầu tiên của năm, tạo cho ta thêm nhiều niềm hi vọng vào một khởi đầu mới. Tác giả đã lấy hai lực lượng tiêu biểu thời đó để mô tả. Đó chính là người lính bên ngoài chiến trường, chiến đấu để giành lại nền độc lập và người nông dân ngoài đồng ruộng lao động sản xuất để tạo ra lương thực. Họ đại diện cho sự hăng hái, phấn khởi lao động, làm việc của cả một dân tộc. Điều đó được thể hiện qua điệp từ “tất cả” và hai từ láy “hối hả”, “xôn xao”. Khổ thơ cho ta thấy không khí hăng say, vui tươi, rộn ràng của mọi người, chờ đón một mùa xuân mới. Ở khổ thứ ba, nhà thơ đã nhắc lại công lao dựng nước và giữ nước của cha ông ta trong suốt 4000 năm lịch sử của dân tộc. Từ đó thể hiện niềm hi vọng “Đất nước như vì sao” sẽ mãi trường tồn và phát ra ánh sáng lấp lánh của sự thịnh vượng, giàu có, phát triển. Chỉ trong hai khổ thơ ngắn ngủi, tác giả đã sử dụng rất nhiều biện pháp tu từ như: điệp ngữ, ẩn dụ, so sánh. Khung cảnh tươi đẹp của đất nước được vẽ nên để thể hiện niềm yêu mến, tự hào, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của người thi sĩ.
III. Bài văn mẫu Phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:
1. Bài văn mẫu Cảm nhận khổ 2 3 bài mùa xuân nho nhỏ hay nhất - Mẫu 1
Nhà văn Vũ Bằng đã từng viết rằng: “Tự nhiên như thế: ai cũng chuộng mùa xuân”. Mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi, cây trái đâm chồi nảy lộc, con người hân hoan vui vẻ tiễn đưa năm cũ, đón chào năm mới. Hòa chung với không khí ấy, nhà thơ Thanh Hải đã viết “Mùa xuân nho nhỏ”. Trong khổ hai và khổ ba, thi nhân đã diễn tả khung cảnh lao động của con người khi mùa xuân tới với niềm hi vọng về tương lai tươi sáng của đất nước.
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…”
Thanh Hải đã sử dụng hai hình ảnh giàu biểu tượng đó chính là “người cầm súng” và “người ra đồng” để viết về mùa xuân. “Người cầm súng” chính là những người chiến sĩ, người lính trên chiến trường. Họ có “lộc” giắt đầy quanh lưng - những cành lá dùng để ngụy trang khi chiến đấu với kẻ thù. Những cành lá ấy ra những chồi xanh mơn mởn như thể hiện sức sống mãnh liệt của người lính, đồng hành cùng họ trên chặng đường gian nan. “Người ra đồng” ở đây là người nông dân đang hăng say lao động. Những hạt giống, mầm cây họ gieo trồng đang dần đâm chồi nảy lộc, báo hiệu một vụ mùa thắng lợi. Bộ đội và nông dân chính là hai lực lượng chính để thực hiện nhiệm vụ chiến lược của nước ta thời bấy giờ. Đó là vừa chiến đấu với kẻ thù nơi tiền tuyến, vừa tham gia lao động sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh. Điệp ngữ “mùa xuân” và “lộc” đã nhấn mạnh vào khung cảnh tươi đẹp của thiên nhiên đất trời. Đồng thời, biện pháp tu từ này cũng gợi lên thành quả của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khổ thơ khép lại bằng biện pháp tu từ điệp ngữ “tất cả” kết hợp với hai từ láy “hối hả” và “xôn xao” khiến cho nhịp thơ gấp gáp. Điều này đã gợi cho ta khung cảnh về một nhịp sống hối hả, ai ai cũng khẩn trương, mọi người cùng nhau chiến đấu và lao động. Ai cũng mong muốn góp một phần sức lực của mình cho đất nước. Tất cả như một thước phim đẹp, hài hòa: Trong khung cảnh mùa xuân rực rỡ, con người cùng nhau thi đua lao động, tạo ra cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Từ cảnh đẹp như mơ ấy, tác giả đã bày tỏ niềm tin của mình vào ngày mai tươi sáng:
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”.
Đầu tiên, nhà thơ đã gợi nhắc lại quá khứ hơn 4000 năm dựng nước giữ nước của ông cha ta. Quá trình đó có rất nhiều đắng cay, vất vả, thế nhưng dân tộc ta vẫn anh dũng, kiên cường, hiên ngang bất khuất. Biết bao nhiêu con người đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc, cũng biết bao người dám đứng dậy chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ. Vậy nên mới có đất nước Việt Nam ngày nay. Vì những phẩm chất đặc biệt chảy trong máu của dân tộc ta, tác giả đã so sánh “Đất nước như vì sao” nhằm thể hiện niềm tin vào tương lai phía trước. Những vì sao thực chất là những hành tinh nhỏ bé nằm trong dải ngân hà. Chúng luôn ở đó, không bị mất đi. Mỗi đêm, những vì sao nhỏ bé lại lấp lánh trên bầu trời lung linh. Phép so sánh này như muốn khẳng định rằng đất nước Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn cùng thời gian. Không những thế, ta sẽ ngày một phát triển giàu mạnh, sánh vai với cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong đợi.
Trong hai khổ thơ ngũ ngôn ngắn ngủi, tác giả Thanh Hải đã sử dụng rất nhiều những hình ảnh tiêu biểu, gợi cảm dễ liên tưởng cùng với các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ xuất hiện dày đặc để nói về mùa xuân. Với giọng thơ đầy háo hức, sôi nổi, tin yêu, nhà thơ đã giúp người đọc được ngắm nhìn bức tranh hài hòa, sống động giữa thiên nhiên và con người, từ đó, gieo vào lòng người đọc niềm tin về tương lai rộng mở của đất nước.
Bằng tài năng của mình, Thanh Hải đã viết nên một “Mùa xuân nho nhỏ” đầy chân thành, giản dị nhưng gửi gắm nhiều ước mơ, khát vọng to lớn. Chúng ta, những thế hệ tương lai cũng cần biết tin tưởng vào tương lai của đất nước, hành động bằng cách nỗ lực học tập, trau dồi để đưa Việt Nam tiến ra biển lớn.
2. Bài văn mẫu Phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ ngắn gọn (chuẩn) - Mẫu 2
Với những vẫn thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu cùng cảm xúc chân thành và đằm thắm, những trang viết của nhà thơ Thanh Hải luôn nhẹ nhàng đi vào lòng người và để lại ấn tượng sâu sắc. Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" là một trong số những sáng tác tiêu biểu cho phong cách thơ Thanh Hải. Ra đời trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời Thanh Hải, bài thơ như một sự tổng kết về cuộc đời của nhà thơ và gửi gắm những lẽ sống cao cả và đẹp đẽ. Đặc biệt, thông qua khổ 2 và khổ 3 của bài thơ, người đọc sẽ cảm nhận được rõ nét cảm xúc của nhà thơ trước khung cảnh mùa xuân của đất nước.
Nếu khổ thơ thứ nhất của bài thơ đã mở ra khung cảnh mùa xuân của thiên nhiên thì khổ thơ thứ hai đã mở ra khung cảnh mùa xuân của đất nước.
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao..
Có thể thấy, nhà thơ Thanh Hải đã cảm nhận và tái hiện khung cảnh mùa xuân của đất nước qua hai hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng là "người cầm súng" và "người ra đồng". Người đọc dễ dàng nhận thấy, "người cầm súng" và "người ra đồng" là hai hình ảnh biểu tượng cho hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất của đất nước ta ở thời điểm bài thơ ra đời đó chính là cùng lúc vừa chiến đấu ở tiền tuyến vừa lao động, sản xuất để xây dựng hậu phương vững chắc. Đặc biệt, hình ảnh "người cầm súng" lại đi liền với hình ảnh "lộc giắt đầy quanh lưng" đã gợi cho người đọc liên tưởng đến những vòng lá ngụy trang của người chiến sĩ trên đường hành quân ra trận như đang nảy lên những chồi non xanh mơn mởn cùng các anh ra trận, mùa xuân như đang về trên khắp mọi nơi, mọi nẻo đường. Còn hình ảnh "người ra đồng" được sử dụng kết hợp với hình ảnh "lộc trải dài nương mạ" gợi liên tưởng đến những cánh đồng tươi tốt, xanh thẳm, màu mỡ được những bàn tay khéo léo, chăm chỉ, cần mẫn của những người lao động chăm bón và tạo nên. Tất cả những hình ảnh và sự kết hợp độc đáo ấy đã gợi lên một bức tranh mùa xuân tràn đầy sắc xanh, tươi mới và tuyệt diệu. Thêm vào đó, khổ thơ còn sử dụng điệp từ "mùa xuân" và điệp từ "lộc" đã gợi lên quang cảnh mùa xuân tươi đẹp đang vươn ra những chồi lộc non và đồng thời cũng gợi lên thành quả của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khổ thơ khép lại với những dòng thơ sử dụng điệp từ "tất cả" đi liền với những từ láy "hối hả", "xôn xao" làm cho nhịp thơ trở nên gấp gáp, gợi một nhịp sống sôi động, hối hả, khẩn trương trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Và để rồi, trước khung cảnh tươi đẹp và tràn đầy sức sống ấy của mùa xuân đất nước tác giả đã bày tỏ niềm tự hào, niềm tin của mình vào một tương lai ngày mai tươi sáng, tốt đẹp.
Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước
Nhà thơ Thanh Hải đã nhắc lại chặng đường 4000 năm của đất nước thông qua hệ thống các tính từ "vất vả", "gian lao" từ đó có thể cho thấy chặng đường dựng nước và giữ nước của dân tộc ta là một chặng đường đầy những gian nan, khó khăn và thử thách, mất mát. Và cũng trong chính những năm tháng khó khăn ấy, dân tộc mình đã khẳng được ý chí, sức mạnh và bản lĩnh. Đặc biệt hình ảnh so sánh "đất nước như vì sao" đã mở ra nhiều liên tưởng độc đáo và giàu ý nghĩa. Hình ảnh so sánh ấy vừa gợi đến nguồn sáng trường tồn mãi với không gian, thời gian, vừa gợi lên niềm tin của tác giả về một tương lai tươi sáng, rộng mở của đất nước với khí thế mạnh mẽ không gì cản nổi. Cùng với đó, cấu trúc song hành "đất nước bốn ngàn năm", "đất nước như vì sao" đã diễn tả sự vận động đi lên của lịch sử và là lời khẳng định về sự trường tồn vĩnh cửu của đất nước. Cụm từ "cứ đi lên phía trước" khép lại khổ thơ như một lời khẳng định, một sự thể hiện ý chí và lòng quyết tâm và niềm tin sắt đá của nhà thơ và của cả dân tộc về tương lai tươi sáng, tốt đẹp của quê hương, đất nước.
Tóm lại, với giọng thơ vừa tha thiết vừa sôi nổi, trang trọng cùng những hình ảnh thơ gợi nhiều liên tưởng thú vị, độc đáo, hai khổ thơ đã vẽ nên khung cảnh tươi đẹp, tràn đầy sức sống của mùa xuân đất nước và gói trọn trong đó niềm yêu mến, tự hào, tin tưởng của nhà thơ vào tương lai của đất nước.
------------------HẾT-------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-kho-2-va-3-bai-tho-mua-xuan-nho-nho-55415n.aspx
Một trong những lí do để “Mùa xuân nho nhỏ” được coi như là một trong những bài thơ hay nhất về mùa xuân có lẽ đến từ niềm tin vào tương lai của đất nước mà tác giả thể hiện. Bài văn mẫu Phân tích khổ 2 và 3 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ đã giúp các em cảm nhận được nguyện ước chân thành, mãnh liệt của nhà thơ Thanh Hải, cùng tìm hiểu thêm về bài thơ, các em có thể tham khảo: Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Phân tích 3 khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ, Cảm nhận tình yêu thiên nhiên của người thi nhân qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Cảm nhận khổ đầu bài Mùa xuân nho nhỏ