Phân tích 3 khổ thơ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ hay, ngắn gọn

Mùa xuân nho nhỏ là bài thơ hay, thể hiện khát vọng được cống hiến cho đời những điều tuy nhỏ bé nhưng tươi đẹp, tinh túy nhất của đời người. Ba khổ thơ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ thể hiện rất rõ thông điệp này. Từ đó có những cảm nhận, phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ hay. Em hãy cùng Taimienphi.vn tìm hiểu nhé!

Đề bài: Phân tích 3 khổ thơ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ của tác giả Thanh Hải.

phan tich 3 kho cuoi bai mua xuan nho nho

Phân tích 3 khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ ngắn gọn
 

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Đoạn văn mẫu.
III. Bài văn mẫu.
  1. Bài mẫu số 1.
  2. Bài mẫu số 2.


I. Dàn ý Phân tích 3 khổ cuối Mùa xuân nho nhỏ:

1. Mở bài:
- Giới thiệu về bài thơ và tác giả.
- Giới thiệu về 3 khổ thơ cuối bài.
2. Thân bài:
a) Nội dung:
* Ước nguyện của nhà thơ (Khổ 4, 5):
- Đại từ nhân xưng “ta”: Vừa chỉ số ít, vừa chỉ số nhiều, thể hiện trực tiếp ước mong của tác giả cũng là ước nguyện chung của mọi người.
- Điệp cấu trúc “ta làm…ta nhập”: 
+ Được đặt ở đầu câu, nhấn mạnh khát vọng của tác giả.
+ Nhịp thơ nhẹ nhàng, câu thơ lời tâm tình về ước mơ được dâng hiến.
- Hình ảnh: “con chim hót”, “cành hoa”, “nốt trầm”
+ Đối ứng với những hình ảnh trong khổ thơ đầu.
+ Những điều nhỏ bé nhưng tô đẹp thêm cho cuộc đời.
- “Mùa xuân nho nhỏ”: hình ảnh ẩn dụ đặc sắc của bài, chỉ mong muốn được dâng hiến những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất của con người cho đất nước, dù đó chỉ là một phần nhỏ bé.
- “Lặng lẽ”: thể hiện tâm hồn, lối sống thanh cao, ngưỡng mộ, đóng góp âm thầm lặng lẽ, không cần tung hô, thể hiện.
- Điệp cấu trúc “Dù là…” kết hợp với “tuổi hai mươi”, “khi tóc bạc”: lí tưởng sống cống hiến luôn luôn thường trực trong lòng con người dù ở bất cứ độ tuổi nào.
* Lời ngợi ca quê hương đất nước (Khổ cuối):
- Mùa xuân - ta xin hát: Tiếng hát góp phần cho mùa xuân thêm tươi vui, sống động.
- Nam ai: khúc buồn thương, ai oán; Nam bình: khúc ca trong sáng, trữ tình, thiết tha.
=> Hai điệu hát đặc trưng của xứ Huế.
- Phách tiền: nhạc cụ đếm nhịp cho lời ca tiếng hát.
- Điệp cấu trúc: “Nước non ngàn dặm…” mô phỏng câu hát ca ngợi quê hương.
=> Ở khổ cuối, tác giả đã thể hiện điệu hát ngọt ngào, trữ tình đặc trưng của vùng đất kinh kì, thể hiện tình cảm yêu thương, ca ngợi quê hương, đất nước.
b) Nghệ thuật:
- Thể thơ ngũ ngôn gần gũi, trong sáng, bình dị.
- Sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật nhằm thể hiện nỗi ước mong, khát khao của tác giả.
3. Kết bài:
- Khái quát lại về 3 khổ cuối bài thơ.


II. Đoạn văn mẫu Phân tích 3 khổ thơ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ:

“Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải là bài thơ hay, giàu ý nghĩa. Trong đó, ba khổ cuối bài đã chỉ ra rõ ràng khát vọng dâng hiến cho đời những gì tươi đẹp nhất. Ở khổ thứ tư,  tác giả đã sử dụng đại từ nhân xưng “ta”. Đây là đại từ vừa chỉ số ít, lại vừa chỉ số nhiều, thể hiện rằng mong ước của tác giả cũng là mong ước chung của mọi người. Vậy ước nguyện đó là gì? Chính là sự hóa thân thành những điều nhỏ bé như “con chim”, “nhành hoa”, “nốt trầm” để góp phần khiến cho cuộc sống thêm phần rực rỡ. Đó chính là ý nghĩa của “mùa xuân nho nhỏ”: hiến dâng những đẹp đẽ, tinh túy nhất cho cuộc đời, dù là bé nhỏ nhưng khi mọi người đều có tấm lòng đó có thể tạo ra điều lớn lao. Điệp cấu trúc “ta làm…ta nhập” và “Dù là…” càng nhấn mạnh khao khát muốn cái tôi cá nhân được hòa vào cái ta chung của mọi người, cống hiến cho đất nước. Dù là “tuổi hai mươi” hay “khi tóc bạc” thì niềm mong ước đó vẫn luôn thường trực trong lòng mỗi người, là ngọn lửa cháy âm ỉ, đợi đến khi có điều kiện sẽ bùng lên mạnh mẽ. Có lẽ, khi tác giả đang mắc bệnh nặng, ngọn lửa ấy càng cháy to hơn, biến thành nỗi niềm không thể chôn giấu, phải được thể hiện ra bằng lời ca tiếng hát. Vậy là vào lúc này, khúc Nam ai, Nam bình trữ tình, ngọt ngào đặc trưng của xứ Huế được cất lên nhằm ca ngợi quê hương đất nước. Với nhiều biện pháp nghệ thuật tu từ độc đáo, ba khổ thơ cuối của bài Mùa xuân nho nhỏ đã thể hiện cho người đọc thấy được nỗi niềm tha thiết, khát khao được cống hiến cho cuộc đời của tác giả Thanh Hải.


III. Bài văn mẫu Phân tích 3 khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ hay nhất:


1. Phân tích 3 khổ thơ cuối bài thơ Mùa xuân nho nhỏ siêu hay - Mẫu 1

Thanh Hải là một nhà thơ có lối viết bình dị, nhẹ nhàng, thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu đời tha thiết. Ông đã gửi gắm tình cảm đó của mình trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Nhất là ở ba khổ cuối cùng, nỗi khát vọng được hóa thân và dâng hiến cho cuộc đời được thể hiện rất rõ ràng. 

“Ta làm con chim hót
  Ta làm một cành hoa
  Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.”

Ở khổ thơ thứ tư, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ điệp cấu trúc “ta làm…ta nhập” cùng nhịp thơ nhẹ nhàng, như một lời tâm tình về những ước muốn của mình. Ông muốn hóa thân thành “con chim” cất lên tiếng hót rộn rã, tươi vui, muốn làm “cành hoa” tươi đẹp, tỏa hương thơm ngát cho đời. Và đặc biệt, nhà thơ còn muốn trở thành một “nốt trầm xao xuyến” trong một bản hòa ca. Vì sao lại là nốt trầm? Những nốt trầm thường ít khi được để ý hơn so với nốt cao. Thế nhưng, bản nhạc nào cũng phải có nốt trầm thì mới thực sự hài hòa. Cả ba hình ảnh “con chim hót”, “cành hoa”, “nốt trầm xao xuyến” đều có sự đối ứng với khổ đầu tiên của bài thơ. Việc lặp lại các từ ngữ đó như muốn khẳng định mong ước góp phần công sức nhỏ bé của mình để tô đẹp thêm cho cuộc đời. Không những thế, đại từ nhân xưng “ta” vừa dùng để chỉ bản thân một người, vừa chỉ một cộng đồng nào đó. Thế nên đây có lẽ không chỉ là ước muốn của Thanh Hải mà còn là suy nghĩ chung của rất nhiều người khác.

“Một mùa xuân nho nhỏ
  Lặng lẽ dâng cho đời
  Dù là tuổi hai mươi
  Dù là khi tóc bạc.”

Những khao khát ở khổ trước được tựu chung lại thành “mùa xuân nho nhỏ”. Đây là nhan đề của bài thơ, cũng là cụm từ mang nghĩa ẩn dụ. “Mùa xuân” là danh từ chỉ khoảng thời gian đầu tiên trong một năm mới, đó là lúc vạn vật sinh sôi nảy nở. Trong câu thơ này, “mùa xuân” được hiểu là những điều tinh túy, đẹp đẽ nhất trong cuộc đời con người. Kết hợp với “nho nhỏ”, ta có thể hiểu đó là những điều tuy bé nhưng tốt đẹp. Tác giả đã đem tấm lòng đó dâng tặng cho đời với thái độ “lặng lẽ”. Đây là biểu hiện của tấm lòng cao cả, cho đi một cách âm thầm lặng lẽ, cho đi mà không cần nhận lại. Tinh thần cống hiến ấy lại càng sáng, lấp lánh hơn ở hai câu thơ cuối. Biện pháp điệp cấu trúc “Dù là…” kết hợp với “tuổi hai mươi”, “khi tóc bạc” cho ta thấy lí tưởng sống là dâng hiến cuộc đời luôn luôn thường trực trong lòng con người dù ở bất cứ độ tuổi nào. Có lẽ, trong thời kì đất nước còn khó khăn, bất cứ ai cũng muốn góp một phần sức lực của mình vào công cuộc xây dựng quê hương. 

“Mùa xuân - ta xin hát
  Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
  Nước non ngàn dặm tình
  Nhịp phách tiền đất Huế.”

Ở khổ cuối cùng, tác giả đã cất lên điệu hát Nam ai, Nam bình đặc trưng của vùng đất cố đô. Đây là tiếng hát trữ tình, tha thiết nhằm ca ngợi quê hương, đất nước. Tiếng phách tiền gõ nhịp như tô điểm thêm cho tiếng hát vang xa, thúc giục mọi người cùng nhau phát triển “nước non ngàn dặm”. 

“Mùa xuân nho nhỏ” là bài thơ hay, thể hiện khát vọng được cống hiến một phần nhỏ công sức của mình cho Tổ quốc. Nhà thơ Thanh Hải đã sử dụng rất nhiều biện pháp tu từ đặc sắc như: điệp cấu trúc, đảo ngữ, hình ảnh đặc sắc, chọn lọc cùng giọng thơ nhẹ nhàng, thân tình để diễn tả niềm mong ước cháy bỏng đó. 

Mỗi người đều cần biết góp sức của riêng mình để phát triển và thay đổi xã hội tốt đẹp hơn. Hãy cống hiến “mùa xuân nho nhỏ” của mình cho đất nước giống như tác giả Thanh Hải để “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.

 

2. Phân tích 3 khổ thơ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ ngắn gọn, hay nhất - Mẫu 2

Mùa xuân là khoảng thời gian quen thuộc gợi lên biết bao xúc cảm, rung động trong tâm hồn người nghệ sĩ. Nếu nhà thơ Xuân Diệu cảm thức về mùa xuân trong nhịp sống "Vội vàng" chạy đua từng ngày với dòng thời gian trôi chảy để bắt trọn từng khoảnh khắc, Nguyễn Bính say sưa trong không gian làng quê thân quen "Từng nhà mở cửa đón vui tươi" qua "Thơ xuân" thì Thanh Hải thưởng thức vẻ đẹp của mùa xuân đất trời trong sự gắn bó chặt chẽ với đất nước cùng những ước nguyện cống hiến. Ba khổ thơ cuối của bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" đã thể hiện rõ điều này. Qua những vần thơ tha thiết, ngọt ngào, chúng ta có thể thấy được khát vọng chân thành và lí tưởng sống cao đẹp của nhà thơ.

Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" ra đời vào năm 1980. Đây là quãng thời gian tác giả đang chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Bởi vậy, thi phẩm giống như một bản tổng kết thể hiện khát khao mãnh liệt, cháy bỏng của nhà thơ. Sau khi vận dụng mọi giác quan để đón nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời bằng tình yêu thiên nhiên, tác giả đã thể hiện niềm tự hào về sự đổi thay của đất nước. Tiếp nối mạch cảm xúc đó, ở ba khổ thơ cuối, tác giả đã thể hiện ước nguyện cống hiến qua những vần thơ thiết tha và cảm động:

"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến"

Tác giả đã sử dụng đại từ "ta" kết hợp điệp cấu trúc ngữ pháp "Ta làm... Ta nhập" để giãi bày trực tiếp khát vọng chân thành. Cái "tôi" xuất hiện ở khổ thơ thứ nhất "Tôi đưa tay tôi hứng" đã chuyển hóa thành cái "ta" để bộc bạch những ước nguyện hết sức bình dị và giản đơn: làm một con chim cất cao tiếng hót rộn rã góp vui cho đời, làm một cành hoa khoe sắc thắm tô điểm trong bức tranh muôn sắc màu của thiên nhiên, làm nốt trầm tạo nên âm vang "xao xuyến" trong bản hòa ca. Qua hệ thống hình ảnh thân thuộc, gần gũi, chúng ta có thể thấy được mong ước khiêm nhường nhưng hết sức cao đẹp của nhà thơ, đồng thời gợi lên mối quan hệ gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng. Điều này đã được thể hiện rõ hơn qua khổ thơ tiếp theo:

"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc"

Hình ảnh "mùa xuân nho nhỏ" được nhà thơ sử dụng làm nhan đề của tác phẩm xuất hiện trong khổ thơ này đã góp phần nhấn mạnh ước muốn, khát vọng của tác giả. Vào những năm tháng cuối cùng đối chọi với bệnh tật, Thanh Hải xin được hóa thân làm "Một mùa xuân nho nhỏ" để hòa quyện, tô điểm làm đẹp thêm mùa xuân của thiên nhiên đất trời và mùa xuân của đất nước. Các từ "nho nhỏ", "lặng lẽ" đã làm nổi bật nguyện ước cống hiến thầm lặng, tự nguyện, không ồn ào, khoa trương. Đó chính là lí tưởng sống giản dị nhưng hết sức cao đẹp của nhà thơ Thanh Hải. Điệp cấu trúc câu "Dù là... Dù là..." kết hợp với hai hình ảnh mang tính chất tương phản "tuổi hai mươi" - "khi tóc bạc" đã khẳng định sự bền vững theo thời gian, năm tháng của khát vọng cống hiến, hi sinh thầm lặng. Cuối cùng, bài thơ khép lại bằng những giai điệu dân ca xứ Huế ngọt ngào, đằm thắm và trữ tình:

"Mùa xuân ta xin hát
Khúc Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế"

Trong những năm tháng cuối đời đối chọi với bệnh tật, nhà thơ đã cất cao tiếng hát những làn điệu dân ca quen thuộc của quê hương. Khúc nhạc "Nam ai" da diết, buồn thương gợi nhớ về những năm tháng bốn nghìn năm "vất vả và gian lao" quyện hòa cùng giai điệu "Nam bình" dịu ngọt, êm ái gợi cuộc sống ấm no, bình yên hiện tại của đất nước. Khúc hát ngân vang đã thể hiện tình yêu đối với quê hương, đất nước của nhà thơ. Giai điệu dịu ngọt đó hòa cùng "nhịp phách tiền" tươi vui, giòn giã khép lại bài thơ nhưng vẫn để lại những dư âm về cuộc sống mới và sức sống mới của dân tộc bởi sự kết hợp với điệp khúc: "Nước non ngàn dặm mình - Nước non ngàn dặm tình".

Lý tưởng cùng khát vọng nhân văn trong tâm hồn thi sĩ đã được thể hiện thành công thông qua thể thơ năm chữ giàu nhạc điệu, cách ngắt nhịp linh hoạt phù hợp với việc thể hiện những mong ước tha thiết. Tác giả còn vận dụng thành công nhiều biện pháp tu từ nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ,... kết hợp với ngôn ngữ, hình ảnh thơ giàu sức gợi để thể hiện dòng cảm xúc chân thành và tiếng lòng của nhà thơ đối với thiên nhiên, đất nước.

Như vậy, sau khi tái hiện vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời và sự đổi thay nhịp sống của quê hương, đất nước trong cuộc sống mới, tác giả đã bày tỏ những ước nguyện của bản thân.. Đó là một quan niệm sống tích cực, lấp lánh vẻ đẹp nhân văn của sự cống hiến, hi sinh bình dị và cao đẹp.

 - - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-3-kho-cuoi-bai-mua-xuan-nho-nho-53620n.aspx
Niềm khao khát được dâng hiến cuộc đời mình cho đất nước là tấm lòng cao thượng, đẹp đẽ mà thế hệ trẻ ngày nay cần học tập.  Trên đây là nội dung bài Phân tích 3 khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ, bên cạnh đó để việc tìm hiểu và phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được hiệu quả, các em có thể tham khảo thêm một số Bài văn hay lớp 9 khác như: Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Cảm nhận tình yêu thiên nhiên của người thi nhân qua bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Suy nghĩ của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ,Bình giảng khổ thơ đầu bài Mùa xuân nho nhỏ, Ý nghĩa nhan đề Mùa xuân nho nhỏ ngắn gọn.

Tác giả: Hoài Linh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích khổ 4,5 trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Mở bài bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
Kết bài bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải
Phân tích khổ bốn trong bài Đây mùa thu tới (Xuân Diệu)
Nghị luận về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải hay, ngắn gọn chọn lọc
Từ khoá liên quan:

Phan tich 3 kho cuoi bai Mua xuan nho nho

, dan y cam nhan cua em ve kho tho thu 3 bai mua xuan nho nho, bai van mau pt 3 kho cuoi bai mua xuan nho nho,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

    Cảm nhận bài mùa xuân nho nhỏ Ngữ văn 9

    Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là tài liệu ôn tập môn Ngữ văn dành cho các em học sinh lớp 9. Để đọc hiểu và phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ chính xác, đầy đủ nhất, các em học sinh có thể lưu lại nội dung hướng dẫ ...

Tin Mới