Mùa xuân nho nhỏ của tác giả Thanh Hải là một bài thơ hay trong chương trình Ngữ văn 9, học kì II. Mời em tham khảo bài mẫu Nghị luận về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn để hiểu thêm về nội dung tác phẩm này nhé.
Đề bài: Viết bài văn nghị luận về Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ.
Top bài văn phân tích, nghị luận, cảm nhận về bài thơ mùa xuân nho nhỏ hay nhất
I. Dàn ý Nghị luận về Mùa xuân nho nhỏ ngắn gọn:
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Thanh Hải.
- Nêu khái quát về nội dung và nghệ thuật của bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ".
2. Thân bài:
2.1. Nội dung:
a) Mùa xuân của thiên nhiên đất trời:
- Không gian rộng rãi, khoáng đạt.
- Mùa xuân có màu sắc: "Xanh" của dòng sông, "tím" của bông hoa.
- Mùa xuân có âm thanh: Tiếng chim hót vang trời.
- Từ "mọc" ở đầu bài thơ thể hiện sức sống mạnh mẽ của mùa xuân.
- "Ơi", "chi" là tiếng nói thân thương, quen thuộc của người dân xứ Huế.
- "Từng giọt...rơi/Tôi đưa tay tôi hứng": niềm say mê, háo hức của tác giả khi thấy trời đất vào xuân.
=> Lời ca ngợi bức tranh mùa xuân của thiên nhiên thật tươi đẹp, rực rỡ.
b) Mùa xuân của đất nước:
- "Người cầm súng" và "người ra đồng" đại diện cho hai lực lượng tiêu biểu thực hiện hai nhiệm vụ chính của nước ta thời bấy giờ là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- "Lộc" tượng trưng cho những mầm lá non, tượng trưng cho niềm hi vọng chiến thắng, cho ấm no hạnh phúc.
- "Hối hả", "xôn xao" là hai từ láy gợi tả sức sống khẩn trương, mạnh mẽ, hăng hái của con người. Tất cả mọi người cùng nhau lao động để đóng góp cho đất nước.
- Tác giả nhắc lại lịch sử 4000 năm "vất vả", "gian lao" của đất nước.
- Tác giả khẳng định "Đất nước như vì sao":
+ Đất nước mãi mãi trường tồn với thời gian.
+ Đất nước sẽ sáng lên trên bầu trời năm châu.
=> Niềm hi vọng, khẳng định về tương lai tươi sáng, độc lập, ấm no, hạnh phúc của đất nước.
c) Ước nguyện hiến dâng của nhà thơ:
- Điệp từ "ta làm" nhấn mạnh mong muốn của tác giả:
+ Làm con chim dâng tiếng hót cho cuộc đời.
+ Làm nhành hoa dâng lên hương, sắc cho cuộc đời.
+ Làm "một nốt trầm", nốt nhạc ít được mọi người để ý những vẫn đóng góp cho sự thành công của một bản nhạc.
- "Một mùa xuân nho nhỏ": Niềm mong ước được hóa thân thành một điều nhỏ bé nhưng có ích để hiến dâng cho đất nước.
- "Tuổi hai mươi", "khi tóc bạc": Khẳng định sự cống hiến là không kể thời gian, tuổi tác
=> Ước nguyện cống hiền đầy khiêm tốn, thầm lặng nhưng cũng thật mãnh liệt, dạt dào.
d) Lời ngợi ca quê hương, đất nước:
- Niềm khát khao, mong mỏi được dâng hiến đã hóa thành lời ca tiếng hát "Mùa xuân ta xin hát".
- "Nam ai", "Nam bình": Lời ca ngọt ngào, trữ tình của xứ Huế ca ngợi "nước non ngàn dặm".
- Tiếng gõ nhịp phách tiền càng làm cho câu hát vang vọng mãi trong lòng độc giả, khiến họ nhớ mãi bài ca về quê hương đất nước.
2.2. Nghệ thuật:
- Thể thơ năm chữ, cấu tứ chặt chẽ, nhịp thơ nhẹ nhàng, chậm rãi, mang âm hưởng dân ca, giọng thơ biến đổi linh hoạt, phù hợp với nội dung từng đoạn.
- Có sự kết hợp hài hòa giữa hình ảnh thơ tự nhiên, giản dị với hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng.
- Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc.
- Biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp từ, điệp ngữ,...
3. Kết bài:
- Khái quát lại về nội dung và nghệ thuật của bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ".
Bài văn, Dàn ý nghị luận mùa xuân nho nhỏ ngắn gọn, hay nhất
II. Bài văn nghị luận về Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải siêu hay của học sinh giỏi:
1. Nghị luận Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ hay nhất - mẫu số 1:
Mùa xuân được mệnh danh là mùa tươi đẹp nhất trong năm, mùa vạn vật sinh sôi nảy nở. Chính vì vậy, mùa xuân thường là đề tài quen thuộc trong thơ ca. Tác giả Thanh Hải cũng có bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" viết về mùa xuân của thiên nhiên, của đất nước và khao khát được dâng hiến cuộc đời mình cho mùa xuân chung của toàn dân tộc.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã ca ngợi mùa xuân tươi đẹp của thiên nhiên đất trời:
"Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng."
Mùa xuân của tác giả tràn đầy hương sắc và âm thanh tươi vui. Người đọc thấy được màu "xanh" của dòng sông, tím biếc" của bông hoa, âm thanh rộn ràng của tiếng chim hót vang trời". Tất cả hòa quyện vào nhau tạo ra không khí hân hoan, tràn đầy sức sống khi xuân về. Động từ "mọc" đặt ở đầu khổ thơ nhằm diễn đạt sức sống mạnh mẽ, dạt dào của muôn loài. Hành động "hứng" "giọt long lanh" thể hiện nỗi niềm trân trọng, yêu quý những vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng. Tiếng nói "ơi", "chi" quen thuộc, thân thương của xứ Huế giúp cho khổ thơ trở nên gần gũi, thân thuộc hơn. Ở khổ thơ đầu tiên, tác giả Thanh Hải đã vẽ nên bức tranh xuân với khung cảnh rộng lớn, khoáng đạt mà thật tươi đẹp, rực rỡ.
"Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao...
Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước."
Trong khổ thơ thứ hai và ba, nhà thơ đã viết về mùa xuân của đất nước. Ông lấy hai hình ảnh đại diện cho con người Việt Nam thời bấy giờ là "người cầm súng" - những người lính với nhiệm vụ bảo vệ và giành lại độc lập cho dân tộc. "Người ra đồng" là người nông dân, người dân lao động mang trách nhiệm phát triển đất nước. Họ cùng tất cả mọi người đều đang sống một cách "hối hả", "xôn xao". Đây là lối sống khẩn trương, gấp gáp để cùng cống hiến thật nhiều cho đất nước. Từ đó, tác giả so sánh "Đất nước như vì sao" để thể hiện niềm tin rằng đất nước sẽ mãi trường tồn cùng vũ trụ, sẽ tỏa sáng rực rỡ trên trường quốc tế.
Để tương lai đất nước ngày một tươi sáng, nhà thơ đã thể hiện ước nguyện được dâng hiến:
"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Mùa xuân - ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế."
Ở đây, thi nhân muốn là một chú chim cất tiếng hót tươi vui cho cuộc đời, làm một nhành hoa đem lại hương sắc cho thế gian. Đặc biệt hơn, ông muốn làm một nốt trầm ít người biết đến để nhập vào bản hòa ca chung của đất nước. Nhà thơ cũng đã thể hiện chân lí rằng sự cống hiến là không kể tuổi tác, giới tính. "Dù là tuổi hai mươi" hay khi "tóc bạc", ta vẫn có thể trao đi những gì tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất của đời người, như là "mùa xuân nho nhỏ" để đóng góp vào mùa xuân của cả dân tộc. Và nỗi niềm khao khát được hiến dâng ấy đã được biến thành điệu hát ngọt ngào, trữ tình của xứ Huế để ngợi ca "nước non ngàn dặm" tươi đẹp sống mãi muôn đời.
Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" sử dụng thể thơ năm chữ có cấu tứ chặt chẽ, nhịp thơ nhẹ nhàng, chậm rãi. Hình ảnh thơ tự nhiên, giản dị nhưng cũng rất giàu sức gợi tả kết hợp với các biện pháp tu từ đã giúp Thanh Hải bộc lộ nỗi niềm của mình. Đó chính là ước mơ được cống hiến "mùa xuân nho nhỏ" đáng giá của cuộc đời vào mùa xuân chung của cả đất nước. Đây là một ước muốn thiêng liêng, cao cả, thể hiện tinh thần dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn, mãnh liệt của người con xứ Huế.
--------------------------------
Em hãy xem thêm các bài mẫu khác như: Ý nghĩa nhan đề Mùa xuân nho nhỏ; bài văn Phân tích khổ cuối bài Mùa xuân nho nhỏ để hiểu hơn tác phẩm cũng như làm bài văn dễ dàng.
2. Nghị luận về Mùa xuân nho nhỏ ngắn gọn nhất - mẫu số 2:
"Mùa xuân nho nhỏ" là bài thơ cực kì nổi tiếng của tác giả Thanh Hải. Ông đã vẽ nên bức tranh tươi đẹp về mùa xuân của thiên nhiên, của đất nước để rồi từ đó, gửi gắm niềm hi vọng và ước muốn được cống hiến hết mình cho quê hương.
Ở ngay khổ đầu bài thơ, người đọc thấy được sức sống mãnh liệt của mùa xuân. Nhà thơ để động từ "mọc" lên đầu câu, sử dụng phép đảo ngữ để nhấn mạnh sự trỗi dậy của bông hoa bé nhỏ, tạo ra ấn tượng đặc biệt trong lòng người đọc. Bông hoa ấy đã làm nổi bật lên khung cảnh rộng lớn, thoáng đãng. Thiên nhiên nơi đó còn có dòng sông êm đềm, hiền hòa, có màu sắc "xanh", "tím" rực rỡ, có tiếng chim kêu rộn ràng. Tiếng chim khiến cho tác giả rạo rực, hồi hộp chờ mong mùa xuân rồi lại nâng niu những "giọt long lanh" mà trời đất ban tặng. Nghệ thuật ẩn dụ "giọt long lanh" cho ta hiểu đó là giọt sương sớm hoặc cũng có thể là giọt âm thanh của chú chim chiền chiện. Tất cả sự vật ở khổ thơ đầu tiên đều đã thể hiện tình yêu, sự rung cảm của tác giả trước cảnh đất trời vào xuân.
Trong khổ hai và khổ ba của bài, nhà thơ đã miêu tả rất chân thực cuộc sống của con người ngày xuân và thể hiện niềm tin mãnh liệt vào tương lai tươi sáng của đất nước. Biện pháp điệp từ "mùa xuân", "lộc" đã thể tạo cho người đọc thêm nhiều niềm hi vọng vào một khởi đầu mới. Tác giả đã lấy hai lực lượng tiêu biểu thời đó để mô tả. Đó chính là người lính bên ngoài chiến trường, chiến đấu để giành lại nền độc lập và người nông dân ngoài đồng ruộng lao động sản xuất để tạo ra lương thực. Họ đại diện cho sự hăng hái, phấn khởi lao động, làm việc của cả một dân tộc. Khổ thơ cho ta thấy không khí hân hoan, vui tươi, rộn ràng của mọi người, chờ đón một mùa xuân mới. Ở khổ thứ ba, nhà thơ đã nhắc lại công lao dựng nước và giữ nước của cha ông ta trong suốt 4000 năm lịch sử của dân tộc. Từ đó, thể hiện niềm hi vọng "Đất nước như vì sao" sẽ mãi trường tồn và phát ra ánh sáng lấp lánh của sự thịnh vượng, giàu có, phát triển.
Ở khổ thứ tư, tác giả đã sử dụng đại từ nhân xưng "ta". Đây là đại từ vừa chỉ số ít, lại vừa chỉ số nhiều, thể hiện rằng mong ước của tác giả cũng là mong ước chung của mọi người. Ước nguyện đó là hóa thân thành những điều nhỏ bé như "con chim", "nhành hoa", "nốt trầm" để góp phần khiến cho cuộc sống thêm phần rực rỡ. Đó chính là ý nghĩa của "mùa xuân nho nhỏ": hiến dâng những đẹp đẽ, tinh túy nhất cho cuộc đời, dù là bé nhỏ nhưng khi mọi người đều có tấm lòng đó có thể tạo ra điều lớn lao. Điệp cấu trúc "ta làm...ta nhập" và "Dù là..." càng nhấn mạnh khao khát muốn cái tôi cá nhân được hòa vào cái ta chung của mọi người, cống hiến cho đất nước. Dù là "tuổi hai mươi" hay "khi tóc bạc" thì niềm mong ước đó vẫn luôn thường trực trong lòng mỗi người, là ngọn lửa cháy âm ỉ, đợi đến khi có điều kiện sẽ bùng lên mạnh mẽ. Có lẽ, khi tác giả đang mắc bệnh nặng, ngọn lửa ấy càng cháy to hơn, biến thành nỗi niềm không thể chôn giấu, phải được thể hiện ra bằng lời ca tiếng hát. Vậy là vào lúc này, khúc Nam ai, Nam bình trữ tình, ngọt ngào đặc trưng của xứ Huế được cất lên nhằm ca ngợi quê hương đất nước.
"Mùa xuân nho nhỏ" là tác phẩm có hình ảnh thơ giàu ý nghĩa biểu tượng nhưng cũng rất tự nhiên, giản dị. Việc sử dụng thể thơ năm chữ có cấu tứ chặt chẽ kết hợp với nhịp thơ nhẹ nhàng, chậm rãi, biến đổi linh hoạt để phù hợp với nội dung từng đoạn giúp cho bài thơ mang âm hưởng dân ca trữ tình, sâu lắng. Các biện pháp tu từ như điệp ngữ, ẩn dụ,... được sử dụng hài hòa, đan xen cũng khiến bài thơ trở nên đặc sắc, đáng nhớ hơn.
Ở "Mùa xuân nho nhỏ", Thanh Hải đã dẫn người đọc ngắm nhìn thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp, con người trong mùa xuân cũng rất hăng say lao động. Tất cả điều đó đều hướng tới một khát vọng về tương lai tươi sáng của đất nước. Mạch cảm xúc hợp lí cùng lối viết thơ trong sáng, giản dị đã giúp bài thơ ghi dấu trong lòng độc giả nhiều thế hệ.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-ve-bai-tho-mua-xuan-nho-nho-75871n.aspx
Hi vọng rằng qua bài mẫu Nghị luận về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn, em đã hiểu sâu hơn về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm này.