Phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong Người lái đò sông Đà

"Người lái đò Sông Đà" là tùy bút tiêu biểu cho sáng tác của Nguyễn Tuân. Ngoài phân tích tác phẩm người lái đò sông Đà, để có thêm những cảm nhận sâu sắc về tác giả, các em có thể tham khảo bài Phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong Người lái đò sông Đà.

Đề bài: Phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong Người lái đò sông Đà

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.

phan tich nhung net dac sac cua phong cach nghe thuat nguyen tuan the hien trong nguoi lai do song da

Dàn ý, văn mẫu phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong Người lái đò sông Đà hay, đặc sắc
 

I. Dàn ý Phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong Người lái đò sông Đà


1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần phân tích.

>>> Tham khảo nhiều cách viết mở bài tùy bút người lái đò sông Đà hay, ấn tượng ở đây


2. Thân bài

a. Khai thác hình tượng con sông từ nhiều phương diện thẩm mỹ, văn hóa, từ ánh nhìn nghệ thuật đa chiều của tác giả.

* Hình tượng con sông Đà:
- Mở ra cho người đọc những hình dung chung nhất về con sông với hai đặc tính tiêu biểu ấy là dữ dội, hùng vĩ nhưng cũng không kém thơ mộng trữ tình trong lời đề từ được mượn từ thơ ca "Chúng thủy giai đông tẩu Đà giang độc bắc lưu. Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông".
- Với vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội: Ở khúc thượng nguồn trong cái vẻ hung bạo, dữ dội con sông hiện lên là kẻ quái đản, giận dữ, là "kẻ thù số một" của tất cả những con người ham muốn vượt sông kiếm kế sinh nhai.
- Vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình: Nhưng đến vùng hạ lưu sông, dòng sông bỗng trở mình thành một thiếu nữ với dòng chảy tuôn dài như mái tóc, với những nét đẹp thi vị của sự chuyển đổi màu sắc theo mùa.

* Hình tượng ông lái đò:
- Không chỉ được Nguyễn Tuân mô tả với vai trò là một con người lao động bình thường, mà thể hiện qua hai phương diện khác nữa ấy là một người nghệ sĩ đầy đam mê nghề nghiệp với "bàn tay lái ra hoa" và một người anh hùng chiến sĩ trí dũng song toàn trên mặt trận sông nước.
- Tư cách người nghệ sĩ, thể hiện ở niềm đam mê nghề nghiệp cách ông lão tâm huyết, tỉ mẩn và nghiêm túc với nghề nghiệp của mình.
- Với tư cách là một chiến sĩ trên mặt trận sông nước, ông lão tỏ ra là một vị tướng đã có nhiều kinh nghiệm chinh chiến sa trường, thuộc làu binh pháp của thần sông thần đá, tư thế hiên ngang,...

b. Vận dụng tài tình những kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau vào tác phẩm của mình một cách tinh tế và khéo léo:

* Lĩnh vực hội họa, nhiếp ảnh:
- Hình ảnh trong văn của Nguyễn Tuân luôn đạt đến một trình độ sống động và chân thực đến tuyệt diệu, với những góc nhìn cận cảnh, đa chiều và gợi nhiều xúc cảm.
- Chú ý vào việc gợi ra cho độc giả về những đặc điểm như chiều cao, độ rộng, độ nông sâu, độ dài các con sóng của dòng sông qua các câu văn cuốn hút, đầy hình ảnh.

* Phương diện âm thanh:
- Diễn tả sự ghê gớm, hung bạo của dòng sông bằng một bản hợp tấu của những âm thanh với nhiều âm sắc, thanh điệu khác nhau.
- Ví như tiếng "gùn ghè" của dòng nước, rồi tiếng những cái hút nước.

* Phương diện địa lý và lịch sử:
- Chỉ ra nguồn gốc của con sông Đà bắt nguồn từ Trung Quốc, trải qua hơn 400km lưu lạc nơi đất khách mãi mới về tới biên giới Việt, rồi nhập tịch tại Mường Tè, Lai Châu.
- Hơi thở của lịch sử: "hình như từ đời Lý, đời Trần, đời Lê quãng sông này, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi"...

* Điện ảnh:
Có một anh quay phim liều mạng nào đó "ngồi vào một cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả mình cả thuyền cả máy quay xuống cái hút sông Đà", ....

* Văn học:
- Lời đề từ: Kết hợp hai nhà thơ Nguyễn Quang Bích và nhà thơ Wadislay Broniewski.
- Nhớ đến những câu "Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu" trong Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng của thi tiên Lý Bạch để diễn tả chất "cố nhân" của dòng sông.
- Nhấn mạnh cái ngỗ ngược ghê gớm của dòng sông qua một câu đồng thoại trong truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh "Núi cao sông hãy còn dài/Năm năm báo oán đời đời đánh ghen".
- Bâng khuâng xao xuyến trước dòng sông bằng việc mượn câu "người tình nhân chưa quen biết" của Tản Đà để tỏ bày.

* Quân sự:
- Sông Đà là một kẻ nham hiểm, ghê gớm với những cái bẫy hút nước ghê gớm, với một đội quân đá đã mai phục ở lòng sông hàng ngàn năm, cùng với các trùng vi thạch trận, các cửa ải chứa luồng sinh luồng tử lắt léo.
- Ông lão lại hiện lên với dáng vẻ của một chiến thần có kinh nghiệm chiến đấu phong phú, ông đã nắm rõ quy luật phục kích của dòng sông, thuộc làu binh pháp của thần sông thần đá.

c. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ một cách điêu luyện bậc thầy.
- Những hình ảnh, âm thanh, sự kiện trong tác phẩm được nhà văn mô tả bằng những từ ngữ mới lạ có khi chưa từng xuất hiện ở những trang văn vào khác ví như từ "gùn ghè", "đòi nợ xuýt", "hồi lùng", "trùng vi thạch trận",...
- Mỗi một lĩnh vực khác nhau Nguyễn Tuân lại dùng những từ ngữ chuyên thuộc lĩnh vực ấy để diễn đạt ý của mình, từ quân sự, lịch sử, địa lý, văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh, ...
- Đặc sắc trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ của Nguyễn Tuân còn nằm ở cách thành lập câu văn.


3. Kết bài

Nêu cảm nghĩ.

>>> Bấm tham khảo các cách viết kết bài tùy bút người lái đò sông Đà ở bài viết này


II. Bài văn mẫu Phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong Người lái đò sông Đà ngắn gọn

Mẹo Phương pháp phân tích đoạn văn, đoạn thơ hay, chuẩn cấu trúc

 

1. Bài văn Phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong Người lái đò sông Đà hay nhất số 1

1.1. Dàn ý Phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân:
1.1.1. Mở bài:

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm. 
- Khái quát về những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. 
1.1.2. Thân bài:
1.1.2.1. Khái quát chung:

-  Hoàn cảnh sáng tác: Tùy bút được viết trong chuyến đi thực tế của Nguyễn Tuân đến miền Tây Bắc xa xôi của Tổ Quốc.
- Tùy bút "Người lái đò Sông Đà" tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: ngông, tài hoa, uyên bác:
+ Ngông: không chấp nhận những thứ nhạt nhẽo mà luôn hướng tìm những vẻ đẹp phi thường. 
+ Tài hoa: Khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên và con người.
+ Uyên bác: Có vốn hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực trong đời sống. 
1.1.2.2. Phân tích phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong tùy bút:
a) Khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên ở phương diện thẩm mĩ:
- Vẻ đẹp hung bạo của Sông Đà:
+  "Tiếng thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo".
+  "Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông…bùng bùng". 
- Vẻ đẹp trữ tình của Sông Đà:
+ "Con Sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương sương". 
+ "Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách"
=> Với con mắt tài hoa, Nguyễn Tuân đã miêu tả con Sông Đà hiện lên vừa mang vẻ đẹp hung bạo, vừa mang vẻ trữ tình. Qua đây, nhà văn muốn ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên, tình yêu với quê hương đất nước. 
b) Nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ:
- Hình ảnh ông lái đò hiện lên với vẻ đẹp: Tài, dũng, tâm.
+ Ở cả ba trùng vi thạch trận, người lái đò như một người dũng tướng chỉ huy một đội quân lao vào trận đồ bát quái sông Đà. 
+ Ông Đò thuộc hết quy luật của thần sông, thần đá nơi ải nước hiểm trở để có những cách xử lí khác nhau. 
+ Những động tác nhanh, gọn và tư thế chủ động vững trãi của người lao động như tung hoành trên sóng Đà Giang.
=> Nguyễn Tuân đem cái tài hoa của mình để đi khám phá cái tài hoa của người. Tác giả ngợi ca vẻ đẹp của người lao động. Từ đó, thể hiện niềm tự hào về những người lao động thầm lặng. 
c) Những kiến thức ở nhiều lĩnh vực khác nhau được đưa vào tác phẩm:
- Điện ảnh: Ông tưởng tượng đến cảnh một anh quay phim táo bạo dám ngồi vào cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả thuyền, cả mình, cả máy quay xuống đáy hút Sông Đà. 
- Âm nhạc: Âm thanh của tiếng thác bằng những từ ngữ chỉ cảm xúc, tâm trạng của con người như "oán trách", "van xin", "khiêu khích", "giọng gằn mà chế nhạo", "rống lên".
- Thể thao: Miêu tả đá sông Đà "Hàng tiền vệ, có hai hòn…đối phương đi sâu vào hơn nữa".
=> Nguyễn Tuân vận dụng tri thức ở nhiều lĩnh vực để khơi gợi cho người đọc những ấn tượng khác nhau về thiên nhiên và con người Tây Bắc. 
1.1.3. Kết bài:
- Khẳng định lại vấn đề.

1.2. Bài mẫu tham khảo Phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong Người lái đò Sông Đà:

Nguyễn Tuân là một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông luôn muốn khám phá những vẻ đẹp khuất lấp của thiên nhiên và con người. Bằng tài năng của mình, nhà văn đã có rất nhiều sáng tác có giá trị. Tiêu biểu phải kể đến tùy bút "Người lái đò sông Đà" - tác phẩm đã thể hiện rất rõ những đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân.

Tùy bút "Người lái đò sông Đà" được viết trong chuyến đi thực tế của Nguyễn Tuân đến miền Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc. Tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của tác giả: ngông, tài hoa, uyên bác. Cái "ngông" của Nguyễn Tuân được thể hiện ở sở trường ở thể tùy bút. Ông tìm đến thể tùy bút như một lối chơi độc tấu của những cái tôi cá nhân. Ngòi bút Nguyễn Tuân không chấp nhận những thứ tầm thường, nhạt nhẽo, vô vị mà luôn hướng tìm những vẻ đẹp phi thường, kì vĩ, kì dị gây ấn tượng và cảm giác mãnh liệt. Trong tùy bút "Người lái đò sông Đà", nhà văn đã đem cái tài hoa của mình để khám phá và ngợi ca cái tài hoa của người và đứng trên lập trường của cái đẹp để tiếp cận và đánh giá đối tượng. Không chỉ vậy, ông còn luôn tiếp cận và khám phá con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ, tiếp cận khám phá thiên nhiên ở phương diện thẩm mĩ. Đặc biệt, cái tài hoa của Nguyễn Tuân còn được thể hiện qua việc sử dụng ngôn ngữ. Kho từ vựng phong phú và trác tuyệt, ngôn ngữ đài cát, cao sang, bóng bẩy, mỗi chữ đều trác tuyệt. Người viết chữ như một người thợ kim hoàn chạm khắc trên bề mặt đá quý ngôn từ. Ngoài ra, nhà văn còn có trí tưởng tưởng tượng bay bổng và khả năng liên tưởng mãnh liệt.  Trong văn Nguyễn Tuân thường xuất hiện vô số những so sánh, liên tưởng, kì thú và tài hoa. Một điểm thứ ba trong phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân đó là uyên bác. Ông có vốn văn hóa sâu rộng, hiểu biết phong phú về nhiều lĩnh vực trong đời sống, đặc biệt sành sỏi về âm nhạc và hội họa, vận dụng tổng hợp tri thức ở nhiều lĩnh vực để tiếp cận và phản ánh đối tượng. 

Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân được thể hiện rất rõ qua việc miêu tả vẻ đẹp trữ tình và hung bạo của sông Đà. Nguyễn Tuân đã viết những câu văn liên tưởng, so sánh thú vị như: "Tiếng thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo" hay "Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông…bùng bùng". Nguyễn Tuân đã thể hiện sự tài hoa khi miêu tả cảnh đá sông Đà "dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió. Cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm". Có lẽ, phải là người có con mắt tinh đời như Nguyễn Tuân mới có thể miêu tả dòng sông một cách vô cùng đặc sắc như vậy. Dưới cái nhìn tài hoa của ông, Sông Đà còn hiện lên với vẻ đẹp trữ tình, diễm lệ. Hình ảnh so sánh đầy độc đáo "Con Sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân". Sông Đà đi vào trang văn của tác giả thật độc đáo với cả vẻ hung bạo và trữ tình.

Nhà văn còn đem cái tài hoa của mình để khám phá con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ. Hình ảnh ông lái đò hiện lên với vẻ đẹp của tài, dũng, tâm. Ở cả ba trùng vi thạch trận, người lái đò như một người dũng tướng chỉ huy một đội quân lao vào trận đồ bát quái sông Đà. Đứng trước con Sông Đà độc dữ, ông không chùn bước, sợ hãi mà tự tin, dũng cảm đối mặt. Ông Đò thuộc hết quy luật của thần sông, thần đá nơi ải nước hiểm trở để có những cách xử lí khác nhau. Những động tác nhanh, gọn và tư thế chủ động vững trãi của người lao động như tung hoành trên sóng Đà Giang. Vậy qua hình ảnh ông lái đò, người đọc có thể phần nào thấy được vẻ đẹp của người lao động trên những mảnh đất nhọc nhằn.

Một nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân đó là sự am hiểu sâu sắc về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Điều đó được tác giả đưa vào chính tác phẩm của mình. Đầu tiên, đó là kiến thức về lĩnh vực điện ảnh. Tác giả tưởng tượng đến cảnh một anh quay phim táo bạo dám ngồi vào cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả thuyền, cả mình, cả máy quay xuống đáy hút Sông Đà. Không chỉ vậy, nhà văn còn đưa cả vốn hiểu biết về lĩnh vực âm nhạc. Tác giả miêu tả âm thanh của tiếng thác bằng những từ ngữ chỉ cảm xúc, tâm trạng của con người như "oán trách", "van xin", "khiêu khích", "giọng gằn mà chế nhạo", "rống lên". Ngoài ra, khi miêu tả đá Sông Đà, Nguyễn Tuân đã vận dụng kiến thức ở lĩnh vực thể thao "Hàng tiền vệ, có hai hòn…đối phương đi sâu vào hơn nữa".Vậy qua đây, người đọc có thể thấy được Nguyễn Tuân vận dụng tri thức ở nhiều lĩnh vực để khơi gợi những ấn tượng khác nhau về thiên nhiên và con người Tây Bắc. 

Nguyễn Tuân là nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo. Chính nhờ phong cách riêng biệt đó mà những tác phẩm của ông luôn hấp dẫn người đọc. Qua tác phẩm "Người lái đò Sông Đà", người đọc không chỉ cảm nhận được tài năng của tác giả trong việc sử dụng ngôn từ mà còn thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc.

 - - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Qua tác phẩm, phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân được thể hiện rõ nét. Mời em ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm nhiều bài viết liên quan nhé: Vẻ đẹp trữ tình của hình tượng dòng sông qua tác phẩm Người lái đò sông đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông, Phân tích thứ vàng mười trong Người lái đò sông Đà. 

 

2. Bài văn Phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong Người lái đò sông Đà ngắn hay số 2

Nguyễn Tuân (1910-1987), là một cái định nghĩa rõ nét nhất về người sĩ giữa thời hiện đại và trong nền văn học Việt Nam ông đã có những đóng góp to lớn không chỉ về mặt sáng tác mà còn về phương diện ngôn ngữ bằng một phong cách văn chương độc đáo và sâu sắc. Sự am hiểu trên nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, sự nghiêm túc, tỉ mỉ trong quá trình sáng tác tìm tòi, cùng với bản chất phóng túng, thiên tài đã tạo ra một nhà văn với ngòi bút được đánh giá bằng mấy chữ ngắn gọn: độc đáo, uyên bác và tài hoa. Với phong cách văn chương như vậy, việc tìm đến và thành công rực rỡ ở thể loại tùy bút đối với Nguyễn Tuân như là một sự kiện tất yếu, bởi lẽ tùy bút không phải một loại văn dễ viết, viết làm sao để thu hút độc giả bằng cái quan sát của mình thì lại càng khó. Tùy bút Sông Đà là một trong những tác phẩm đỉnh cao của Nguyễn Tuân đồng thời cũng là tác phẩm tiêu biểu nhất cho thể loại tùy bút trong nền Văn học Việt Nam hiện đại. Ở đó người ta thấy phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân hiện lên một các đậm đặc và rõ nét đặc biệt là trong đoạn trích Người lái đò sông Đà.

Nét phong cách nghệ thuật đặc sắc nhất của Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà phải kể đến việc nhà văn đi vào khai thác hình tượng con sông từ nhiều phương diện thẩm mỹ, văn hóa, từ ánh nhìn nghệ thuật đa chiều của tác giả. Với hình tượng con sông Đà, trong lời đề từ tác giả đã khéo léo mở ra cho người đọc những hình dung chung nhất về con sông với hai đặc tính tiêu biểu ấy là dữ dội, hùng vĩ nhưng cũng không kém thơ mộng trữ tình trong lời đề từ được mượn từ thơ ca "Chúng thủy giai đông tẩu Đà giang độc bắc lưu. Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông". Với vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội con sông Đà quả thực xứng là niềm tự hào và điểm nhấn mạnh mẽ của vùng đất Tây Bắc, ở đây sông Đà hiện lên dưới cảm nhận của tác giả như là một sinh thể có linh hồn, có sự sống và có những nét cá tính rất riêng. Ở khúc thượng nguồn trong cái vẻ hung bạo, dữ dội con sông hiện lên là kẻ quái đản, giận dữ, là "kẻ thù số một" của tất cả những con người ham muốn vượt sông kiếm kế sinh nhai. Chẳng biết rằng rốt cuộc có phải cuộc đời sông sông Đà chảy trôi qua nhiều vất vả, gian lao thế nên khi về tới dải đất hình chữ S nó mới trở nên ngược ngạo, khó chiều, hay là vốn dĩ muôn đời nay sông Đà đã khó ở và căm ghét con người như thế. Nhưng đến vùng hạ lưu sông, người ta đã phải rửa mắt bởi một dáng vẻ rất khác của sông Đà, không còn cái điệu lồng lộn, ghê gớm và nham hiểm thay vào đó dòng sông bỗng trở mình thành một thiếu nữ với dòng chảy tuôn dài như mái tóc, với những nét đẹp thi vị của sự chuyển đổi màu sắc theo mùa, cùng với những cảnh điểm hai bên bờ khiến dòng sông có một vẻ đẹp thi vị vô cùng. Để rồi Nguyễn Tuân không khỏi xoa xuýt lúc thì ngỡ sông Đà là một "người tình không quen biết", lúc thì lại tưởng là "cố nhân". Rồi dường như tổng kết về cuộc đời sông Đà Nguyễn Tuân viết một câu rất bâng khuâng "Dải sông Đà bọt nước lênh đênh, bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình". Đó là với dòng sông, còn với con người hình tượng ông lái đò trên sông không chỉ được Nguyễn Tuân mô tả với vai trò là một con người lao động bình thường, hàng năm hàng tháng lênh đênh chèo chống khổ cực trên sông để kiếm kế sinh nhai. Mà hình tượng người lái đò còn được tác giả thể hiện qua hai phương diện khác nữa ấy là một người nghệ sĩ đầy đam mê nghề nghiệp với "bàn tay lái ra hoa" và một người anh hùng chiến sĩ trí dũng song toàn trên mặt trận sông nước. Trước hết với tư cách người nghệ sĩ, thể hiện đầu tiên là ở niềm đam mê nghề nghiệp và máu ưa mạo hiểm của ông lão lái đò khi ông thật thà tâm sự "Chạy thuyền trên khúc sông không có thác nó dễ dạy, chân tay dễ buồn ngủ". Chất nghệ sĩ thứ hai nữa còn thể hiện ở cách ông lão tâm huyết, tỉ mẩn và nghiêm túc với nghề nghiệp của mình, dòng sông trong lòng ông lão tựa như một bản trường ca bất tận của rừng già mà ông đã thuộc đến "từng dấu chấm câu, dấu chấm than, cả những đoạn xuống dòng", đến độ như "đóng đanh vào lòng" từng nốt nhạc. Mà để có được cái vốn như vậy ông lái đò đã dọc ngang trên con sông này đến trên dưới trăm lần, trong đó có đến 60 lần cầm lái chính, dòng sông đã để lại trên cơ thể ông nhiều vết củ nâu mà Nguyễn Tuân xem đã là "những huân chương siêu hạng", bộc lộ sự hy sinh đáng giá vì nghệ thuật của một người nghệ sĩ trên dòng sông cá tính này. Với tư cách là một chiến sĩ trên mặt trận sông nước, ông lão tỏ ra là một vị tướng đã có nhiều kinh nghiệm chinh chiến sa trường, thuộc làu binh pháp của thần sông thần đá, tư thế hiên ngang. Dù có bị dính những đòn đau từ con sông ghê gớm thế nhưng bàn tay ông vẫn cầm chắc mái chèo ra sức chỉ huy đưa cả thuyền cả hàng vượt qua 73 con thác dữ dội, với nhiều cửa sinh cửa tử chất chồng.

Một phong cách nghệ thuật đặc sắc nữa trong văn của Nguyễn Tuân ấy là việc vận dụng tài tình những kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau vào tác phẩm của mình một cách tinh tế và khéo léo, không chỉ cung cấp cho người đọc những góc nhìn mới, mà còn bộc lộ được sự uyên bác, tầm hiểu biết sâu rộng của tác giả. Có nhiều nhà phê bình, nói rằng việc vận dụng kiến thức liên ngành vào tác phẩm của Nguyễn Tuân có những đoạn làm hơi quá, khiến người đọc thấy nặng nề và tác phẩm đam ra dài hơi và loãng. Thế nhưng trong đoạn trích Người lái đò sông Đà thì phong cách nghệ thuật này của Nguyễn Tuân lại được sử dụng một cách vừa phải, hợp lý và đầy tinh tế. Với tư cách là một họa sĩ, một nhiếp ảnh và một đạo diễn, thế nên những hình ảnh trong văn của Nguyễn Tuân luôn đạt đến một trình độ sống động và chân thực đến tuyệt diệu, với những góc nhìn cận cảnh, đa chiều và gợi nhiều xúc cảm. Ví như khi miêu tả hình ảnh con sông khúc thượng nguồn, nhà văn luôn chú ý vào việc gợi ra cho độc giả về những đặc điểm như chiều cao, độ rộng, độ nông sâu, độ dài các con sóng của dòng sông qua các câu văn cuốn hút, đầy hình ảnh: "cảnh đá bờ sông dựng vách thành", "đúng ngọ mới có mặt trời", "chẹt lòng sông như yết hầu", "con nai con hổ đã có lần vọt qua bờ bên kia", dẫu "đang mùa hè mà cũng cảm thấy lạnh",... rồi thì "dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò sông Đà nào tóm được qua đấy",... Trong phương diện âm thanh, Nguyễn Tuân đã khéo léo diễn tả sự ghê gớm, hung bạo của dòng sông bằng một bản hợp tấu của những âm thanh với nhiều âm sắc, thanh điệu khác nhau, ví như tiếng "gùn ghè" của dòng nước, rồi tiếng những cái hút nước "thở và kêu như cửa cống cái bị sặc, nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào", hoặc có chỗ đầy kinh dị, lạnh lẽo "nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo". Nhưng có chỗ lại giống như loài quái thú cuồng nộ đang "rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa như nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng...". Cái việc dùng trạng thái của lửa để miêu tả tiếng cuồn cuộn, bùng nổ của sóng nước quả thực là cái tài bậc thầy của Nguyễn Tuân mà hiếm người nghệ sĩ nào có được. Thế rồi khi mường tượng về con sông Đà, về cuộc đời lắm truân chuyên của nó Nguyễn Tuân đã tinh tế đưa vào những kiến thức địa lý thú vị khi chỉ ra nguồn gốc của con sông Đà bắt nguồn từ Trung Quốc, trải qua hơn 400km lưu lạc nơi đất khách mãi mới về tới biên giới Việt, rồi nhập tịch tại Mường Tè, Lai Châu, trở thành một con sông lắm tài nhiều tật đặc trưng của vùng núi phía Bắc. Và rồi tác giả cũng không quên gắn vào cho dòng sông một chút hơi thở của lịch sử, khi bâng khuâng, suy tưởng bên bờ sông phẳng lặng rằng "hình như từ đời Lý, đời Trần, đời Lê quãng sông này, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi", hoặc so sánh một cách táo bạo "bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích thuở xưa", và một đoạn dài cuối tác phẩm nhà văn kể về lịch sử chiến đấu của mảnh đất và nhân dân Tây Bắc gắn bó với dòng sông, hồi chín năm kháng chiến,...

Đặc biệt nhà văn còn gây ấn tượng với người đọc trong một góc nhìn, một tưởng tượng đậm chất điện ảnh rằng có một anh quay phim liều mạng nào đó "ngồi vào một cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả mình cả thuyền cả máy quay xuống cái hút sông Đà", dựng ngược máy quay lên để bắt được cái cảnh cái hút nước tựa "mặt giếng xây toàn bằng nước sông xanh ve một áng thủy tinh khối đúc dày, khối pha lê xanh", như một "Cốc pha lê nước khổng lồ", rồi thì "Từ đáy hút nước nhìn ngược lên vách thành hút mặt sông chênh nhau tới một cột nước cao đến vài sải",... và cả cái viễn cảnh xoáy nước quay tít như một cái gậy đánh phèn. Quả thực Nguyễn Tuân không chỉ có máu điện ảnh mà ở ông còn toát ra hơi thở của sự táo bạo và phóng khoáng trong từng câu văn. Không chỉ dừng lại ở đó, Nguyễn Tuân là một nhà văn uyên bác, thế nên đưa văn thơ vào tác phẩm dường như đã trở thành một điều tất yếu và riêng biệt. Chỉ vỏn vẹn với lời đề từ Nguyễn Tuân đã mượn và kết hợp hai nhà thơ một nội một ngoại ấy là nhà thơ Nguyễn Quang Bích và nhà thơ Wadislay Broniewski, hoặc trong lúc miêu tả cái dáng vẻ đậm chất trữ tình của một "cố nhân", Nguyễn Tuân đã nhớ đến những câu "Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu" trong Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng của thi tiên Lý Bạch. Hoặc nhấn mạnh cái ngỗ ngược ghê gớm của dòng sông qua một câu đồng thoại trong truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh "Núi cao sông hãy còn dài/Năm năm báo oán đời đời đánh ghen". Hoặc bâng khuâng xao xuyến trước dòng sông bằng việc mượn câu "người tình nhân chưa quen biết" của Tản Đà để tỏ bày. Đó là cái tài năng thú vị của Nguyễn Tuân mà không một ai có thể nhầm lẫn hoặc bắt chước được.

Đến khi miêu tả hình tượng con sông và người lái đò, hẳn độc giả vẫn ấn tượng khi Nguyễn Tuân dựng lên hình tượng của hai đối thủ ngang tài ngang sức, mà điều đó bộc lộ rõ nhất trên phương diện quân sự, bày binh bố trận. Nếu sông Đà là một kẻ nham hiểm, ghê gớm với những cái bẫy hút nước ghê gớm, với một đội quân đá đã mai phục ở lòng sông hàng ngàn năm, cùng với các trùng vi thạch trận, các cửa ải chứa luồng sinh luồng tử lắt léo. Thì bản thân ông lão lại hiện lên với dáng vẻ của một chiến thần có kinh nghiệm chiến đấu phong phú, ông đã nắm rõ quy luật phục kích của dòng sông, thuộc làu binh pháp của thần sông thần đá. Trận chiến giữa con người và thiên nhiên dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân hiện lên thật sống động, gay cấn, con sông ghê gớm lắm liên tục phát ra những đòn hiểm khiến ông lão phải tái mặt, nhưng với bản lĩnh kiên cường, sự dũng cảm và kinh nghiệm dày dặn, ông lão lái đò nắm chắc lấy tay chèo, như một vị tướng nắm chắc lấy thanh gươm, mải miết chiến đấu tìm đường sống trong chỗ nguy hiểm vạn phần. Và sau tất cả ông lão lái đò đã chiến thắng một cách vang dội, hào hùng, bỏ lại sau lưng một dòng sông hậm hực, điên tiết vì trận thua muôn đời.

Một nét đặc sắc nghệ thuật nữa mà Nguyễn Tuân thể hiện trong đoạn trích phải kể đến nghệ thuật sử dụng ngôn từ một cách điêu luyện bậc thầy. Những hình ảnh, âm thanh, sự kiện trong tác phẩm được nhà văn mô tả bằng những từ ngữ mới lạ có khi chưa từng xuất hiện ở những trang văn vào khác ví như từ "gùn ghè", "đòi nợ xuýt", "hồi lùng", "trùng vi thạch trận",... chẳng hạn. Tài hoa hơn nữa là ở mỗi một lĩnh vực khác nhau Nguyễn Tuân lại dùng những từ ngữ chuyên thuộc lĩnh vực ấy để diễn đạt ý của mình, từ quân sự, lịch sử, địa lý, văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh, ... có biết bao nhiêu từ ngữ thuộc các phạm trù khác nhau đều được Nguyễn Tuân chạm tới và sử dụng một cách linh hoạt nhuần nhuyễn. Không dừng lại ở đó, đặc sắc trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ của Nguyễn Tuân còn nằm ở cách thành lập câu văn, tác giả viết tùy bút, nhưng bằng một cách nào đó độc giả tưởng mình đang được xem một cuốn phim tài liệu sống động, đôi lúc lại giống như xem một bộ phim hành động gay cấn, rồi có chỗ lại giống như đang thưởng thức một bức tranh, một bản nhạc dịu dàng đằm thắm, thiết tha. Từ đó con sông Đà, người lái đò đã hiện lên với một vẻ đẹp toàn diện, đa chiều và độc đáo với những liên tưởng, sáng tạo vô bờ bến của tác giả.

Nếu nghe đến cái danh "độc đáo, uyên bác, tài hoa" của Nguyễn Tuân mà lại ngại đọc những tác phẩm dài như Vang bóng một thời, những bản tùy bút Sông Đà, Cô Tô, tùy bút kháng chiến, ... thì có lẽ đoạn trích Người lái đò sông Đà chính là một áng văn phù hợp, bộc lộ đầy đủ nhất những nét đặc sắc trong phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân. Tuy chỉ là một đoạn trích ngắn trong cả một tác phẩm dài, thế nhưng ở Người lái đò sông Đà bấy nhiêu phẩm chất trong văn chương, sự điêu luyện trong cách sử dụng ngôn từ, hành văn, đến vốn kiến thức sâu rộng, sự táo bạo, phóng khoáng trong sáng tác của Nguyễn Tuân đều được phô bày một cách thật rõ nét, để cho người đọc những dòng văn giá trị và đặc sắc.

----------------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-nhung-net-dac-sac-cua-phong-cach-nghe-thuat-nguyen-tuan-the-hien-trong-nguoi-lai-do-song-da-57873n.aspx
Bài văn mẫu phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong Người lái đò sông Đà đã giúp các em học sinh bao quát được những nét đặc sắc trong đoạn trích Người lái đò sông Đà. Ngoài ra, để tìm hiểu sâu hơn về áng văn rất mực tài hoa, uyên bác này mời các em tìm hiểu các bài viết  Cảm nhận về tùy bút Người lái đò sông Đà, Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà, Phân tích hình tượng người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà, Vẻ đẹp trữ tình của hình tượng dòng sông qua tác phẩm Người lái đò sông đà và Ai đã đặt tên cho dòng sông.

Tác giả: Nguyễn Ngọc Thuỷ     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Nét đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ Tây Tiến
Đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò sông Đà
Viết đoạn văn phân tích một yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Chữ người tử tù
Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Ái Quốc thể hiện ở truyện ngắn Vi hành
Phân tích Dục Thúy sơn của Nguyễn Trãi, bài văn mẫu siêu hay, ngắn gọn
Từ khoá liên quan:

Phan tich nhung net dac sac cua phong cach nghe thuat Nguyen Tuan the hien trong Nguoi lai do song Da

, phan tich phong cach nghe thuat nguyen tuan trong tuy but nguoi lai do song da, phan tich dac diem phong cach nghe thuat cua nguyen tuan trong tuy but nguoi lai do song da ,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới