Truyện ngắn "Chữ người tử tù" của tác giả Nguyễn Tuân chứa đựng rất nhiều những yếu tố nghệ thuật độc đáo. Dưới đây là một số đoạn văn phân tích một yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Chữ người tử tù hay, các em cùng tham khảo.
Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) phân tích một yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Chữ người tử tù
Phân tích Tác giả sử dụng bút pháp nghệ thuật gì khi miêu tả cảnh cho chữ
I. Dàn ý phân tích một yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Chữ người tử tù:
1. Mở đoạn:
- Giới thiệu yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn "Chữ người tử tù".
2. Thân đoạn:
- Yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn "Chữ người tử tù":
+ Cách sử dụng ngôn từ tinh tế, khéo léo.
+ Biện pháp tương phản, đối lập (giữa nhân vật, giữa không gian và hoàn cảnh,...)
- Vai trò của yếu tố nghệ thuật ấy đối với tác phẩm:
+ Làm tăng tính gợi hình, gợi cảm cho các câu văn.
+ Làm nổi bật hình tượng nhân vật.
+ Thể hiện quan điểm, thái độ của tác giả với cái đẹp, cái tốt.
3. Kết đoạn:
- Khẳng định ý nghĩa của yếu tố nghệ thuật.
II. Đoạn văn mẫu tham khảo phân tích một yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Chữ người tử tù:
1. Đoạn văn mẫu số 1
Không chỉ là nhà văn "suốt đời đi tìm cái đẹp", Nguyễn Tuân còn là một nhà chế tác, đã tạo nên vẻ đẹp của những con chữ qua tác phẩm "Chữ người tử tù". Nghệ thuật sử dụng ngôn từ chính là một trong những yếu tố làm nên thành công cho tác phẩm. Để tái dựng lại không gian xưa cũ và không khí trang trọng, cổ kính, Nguyễn Tuân đã sử dụng rất nhiều từ Hán Việt như: phiến trát, vàng son, hoa râm, tư lựu, hỗn loạn, tâm điền, nhất sinh, quyền thế, trung đường, tung hoành,... Bên cạnh đó, bằng ngôn từ giàu sức gợi hình gợi cảm, Nguyễn Tuân còn làm nổi bật màu sắc điện ảnh trong cảnh dỗ gông và cho chữ. Đồng thời, nghệ thuật ngôn từ độc đáo đã giúp nhà văn tạo dựng nên chân dung sống động về nhân vật Huấn Cao - người nghệ sĩ tài hoa bậc nhất. Từ đó thể hiện thái độ trân trọng của nhà văn trước nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc và phẩm chất tốt đẹp của người nghệ sĩ.
Phân tích nghệ thuật trong tác phẩm Chữ người tử tù
2. Đoạn văn mẫu phân tích một yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Chữ người tử tù số 2
Biện pháp tương phản, đối lập là một trong những yếu tố nghệ thuật đặc sắc làm nên thành công cho tác phẩm "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân. Trong truyện, Nguyễn Tuân xây dựng nhân vật Huấn Cao với viên quản ngục trong thế đối lập với nhau. Xét trên phương diện địa vị xã hội, Huấn Cao là tử tù - một người có tội đang đợi xét xử, còn viên quản ngục lại là người đại diện cho những kẻ thống trị trong bộ máy nhà nước. Đặc biệt trong cảnh cho chữ, trật tự, kỉ cương trong nhà tù bị đảo ngược hoàn toàn. Người coi ngục và tử tù lúc này đã trở thành người xin chữ và người cho chữ. Quản ngục là kẻ thực thi quyền lực nhưng nay khúm núm, cúi đầu, còn người tử tù thì hiên ngang viết những nét chữ tài hoa cuối cùng để thể hiện tấm lòng "biệt nhỡn liên tài". Thủ pháp tương phản đối lập thể hiện thông qua cặp nhân vật Huấn Cao - quản ngục trong cảnh cho chữ đã cho thấy sức mạnh của tình yêu thương và niềm say mê cái đẹp. Nó là thứ có thể cảm hóa và gắn kết con người lại với nhau.
3. Đoạn văn mẫu phân tích một yếu tố nghệ thuật đặc sắc trong truyện ngắn Chữ người tử tù số 3
Bằng cách vận dụng thủ pháp tương phản đối lập, Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công cảnh tượng "xưa nay chưa từng có" trong tác phẩm "Chữ người tử tù". Thú viết chữ là bộ môn nghệ thuật cao sang, thường diễn ra trong lúc thảnh thơi, nhàn nhã nơi thư phòng sạch sẽ, thơm mùi giấy lụa, mực tàu. Vậy mà, người nghệ sĩ lại cho chữ trong không gian ngục tù với "buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột phân gián." Nhà tù ẩm thấp, bẩn thỉu bỗng chốc lại là nơi sáng tạo ra cái đẹp. Đặc biệt, đây còn là đêm cuối cùng trước khi Huấn Cao bị áp giải về kinh chịu án tử nên thời gian càng trở nên gấp rút, vội vàng. Sự đối lập trong không gian cho chữ với tính chất của bộ môn nghệ thuật này đã góp phần thể hiện quan niệm thẩm mĩ và quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Tuân: cái đẹp - cái xấu, cái - cái ác luôn song hành tồn tại với nhau. Nhưng cái chân - thiện - mĩ luôn có sức sống mãnh liệt, vượt lên trên những thứ nhuốc nhơ, đê hèn, giống như tấm lòng của viên quản ngục và nét chữ của Huấn Cao trong chốn lao tù.
Bên cạnh những yếu tố đã được phân tích trong đoạn văn mẫu, các em có thể tìm thêm một số yếu tố nghệ thuật khác và tiến hành phân tích để thấy được sự độc đáo của tác phẩm và tài năng nghệ thuật của tác giả. Để hỗ trợ tốt cho việc tìm hiểu tác giả, tác phẩm cũng như hiểu thêm về các nhân vật trong truyện ngắn Chữ người tử tù, các em có thể tham khảo thêm bài viết phân tích nhân vật Huấn Cao, ...
https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-doan-van-phan-tich-mot-yeu-to-nghe-thuat-dac-sac-trong-truyen-ngan-chu-nguoi-tu-tu-70722n.aspx
Và còn rất nhiều bài văn mẫu lớp 10 hay khác, các em cùng tham khảo:
- Phân tích cảnh cho chữ
- Viết đoạn văn phân tích một chi tiết tiêu biểu trong tác phẩm Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên (Nguyễn Dữ) hoặc Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân)
- Hãy viết đoạn văn chia sẻ suy nghĩ của bạn về một truyện thần thoại mà bạn cho là đặc sắc