Đề bài: Đặc điểm phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân qua Người lái đò sông Đà.
Bài văn mẫu Đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò sông Đà
I. Dàn ý Phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trong "Người lái đò sông Đà":
1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Tuân.
- Giới thiệu về phong cách nghệ thuật của ông trong tùy bút "Người lái đò sông Đà".
2. Thân bài:
a) Góc nhìn đa chiều, tài hoa, uyên bác:
- Trên phương diện văn hóa thẩm mĩ:
+ Mô tả con sông Đà hung bạo, hiểm ác.
+ Mô tả con sông Đà trữ tình như áng tóc, hai bên bờ sông đẹp hoang dại, cổ tích.
+ Mô tả ông lái đò như một vị dũng tướng, một nhà nghệ sĩ tài hoa.
=> Nhà văn Nguyễn Tuân đã chọn miêu tả những gì mang dấu ấn đậm nét nhất, mang những vẻ đẹp phi thường, duy mĩ mà chỉ có những người tinh tế mới cảm nhận được.
b) Ngôn ngữ trong bài kí:
- Vận dụng từ ngữ chuyên ngành của nhiều ngành nghề khác nhau: điện ảnh, hội họa, văn chương, lịch sử, võ thuật,...
- Khi miêu tả sông Đà hung bạo:
+ Câu văn dài ngắn đan xen, câu dài có kết cấu trùng điệp tạo ra nhịp điệu của sóng, đá, thác, nước, gió trên sông Đà.
+ Từ ngữ sáng tạo, độc đáo, giàu ý nghĩa: luôn tim, bờm sóng,...
- Khi miêu tả sông Đà trữ tình:
+ Sử dụng nhiều câu văn tự sự, miêu tả, biểu cảm.
+ Những từ ngữ gần gũi nhưng cũng rất sáng tạo.
c) Đánh giá về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân:
- Cái tôi tài hoa, uyên bác, độc đáo không bị nhầm lẫn với các nhà văn khác.
- Ngôn từ sáng tạo, giàu sức gợi.
- Bài kí ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi con người lao động.
3. Kết bài:
- Khái quát lại về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà.
II. Bài văn mẫu phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà.
1. Bài văn Đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò sông Đà hay nhất số 1
Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Có lời nhận xét về ông rằng: "Lật mở từng trang viết của nhà văn Nguyễn Tuân, không khó để nhận thấy những con người phi thường, những cảm xúc dữ dội, mãnh liệt, những khung cảnh ấn tượng nơi thác ghềnh, rừng thiêng, núi cao, bão, gió - Tất cả được thâu tóm qua lăng kính 'vạn hoa' của nhiều ngành nghệ thuật và diễn tả bằng ngòi bút sắc bén, ngang tàng. Dường như, cá tính không thể trộn lẫn ấy nảy sinh từ cẩn tắc, từ trăn trở khôn nguôi trên hành trình đi tìm cái đẹp của một con người rất mực tài hoa mà cuộc sống trong đời thực cũng rất lạ lùng…". Quả thật đúng là như vậy, và những điều ấy chính là đặc điểm phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Đặc điểm này được thể hiện rất rõ trong bài tùy bút "Người lái đò sông Đà."
Phong cách nghệ thuật là những nét riêng trong lối sáng tác của những nhà thơ, nhà văn lớn. Đây là điểm độc đáo, riêng biệt để người đọc có thể phân biệt tác phẩm của tác giả này và tác giả kia. Từ phong cách nghệ thuật, ta có thể hiểu phần nào tính cách, tư tưởng, quan điểm về nghề viết và cuộc sống của một tác giả. Phong cách nghệ thuật được làm nên bởi cách diễn đạt, cách sử dụng ngôn từ, tư duy thẩm mĩ, cái tôi cá nhân của tác giả,... Nói tóm lại, phong cách nghệ thuật là thứ mà mỗi người nghệ sĩ đều phải có để tạo được dấu ấn riêng trong lòng khán giả.
Trong tùy bút "Người lái đò sông Đà", Nguyễn Tuân đã thể hiện góc nhìn đa chiều, phóng khoáng, tài hoa, uyên bác của mình. Ông đã nhìn nhận dòng sông với hai trạng thái đối lập: hung bạo, dữ dội đến tột cùng và cũng trữ tình, thơ mộng đến đắm say lòng người. Nhà văn miêu tả con sông Đà hiểm ác với những cảnh tượng chân thực, hùng vĩ như cảnh đá dựng hai bên bờ sông, những cái hút nước giữa sông, tiếng thác nước và "trùng vi thạch trận". Tuy chỉ là vài dòng văn ngắn ngủi nhưng người đọc đã thấy được sự dữ dội của sông Đà ở thượng nguồn, chỉ muốn chực chờ người lái đò khinh suất mà nuốt chửng con thuyền rồi dìm xuống dưới đáy. Uy nghi, đáng sợ là thế nhưng chỉ cần thoát khỏi những cửa sinh ở thác đá, ta sẽ thấy dòng sông mềm mại hẳn đi. Ở khúc dưới, nó như áng tóc trữ tình, hai bên bờ sông như bến bờ cổ tích. Ta có thể thấy rằng, chính sự đối lập, tương phản này đã giúp cho dòng sông Đà lưu dấu ấn đậm nét trong lòng độc giá, khiến bài kí trở nên đặc sắc, thú vị.
Ngoài ra, Nguyễn Tuân còn miêu tả nhân vật trung tâm của bài kí - ông lái đò như một người nghệ sĩ tài ba trong công việc của mình, một vị anh hùng chiến công hiển hách trong những trận quyết đấu với thác đá sông Đà. Từ đó, ta nhận thấy được rằng nhà văn thường bị ấn tượng bởi những gì mang dấu ấn đậm nét nhất, những vẻ đẹp phi thường, đối lập nhau như: tính cách trái ngược của dòng sông Đà, sự đối đầu giữa con người bé nhỏ và thiên nhiên hùng vĩ. Hay như trong truyện ngắn "Chữ người tử tù", Nguyễn Tuân cũng đã thể hiện sự đối lập giữa địa vị của Huấn Cao với viên quản ngục, của ánh sáng và bóng tối trong cảnh cho chữ,... Chính những góc nhìn đa chiều ấy cùng sự miêu tả tỉ mỉ, cẩn trọng, để ý những chi tiết nhỏ đã làm nên phong cách tài hoa, uyên bác đặc trưng của ông.
Ngoài ra, ngôn ngữ trong bài kí cũng là một nét nổi bật trong phong cách viết của Nguyễn Tuân. Thật không ngoa khi nói rằng "Nguyễn Tuân là bậc thầy của nghệ thuật ngôn ngữ". Có nhận định rằng: "…Đọc Người lái đò sông Đà, ta có ấn tượng rõ rệt về sự tự do của một tài năng, của một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ… Khi gân guốc, khi mềm mại, khi nghiêm nghị như một nhà bác học, khi hồn nhiên như một đứa trẻ thơ, những trang viết, những câu văn của Nguyễn Tuân mang hơi thở ấm nóng của cuộc đời phức tạp, phong phú, đa dạng. (Phan Huy Đông, in trong "Vẻ đẹp văn học cách mạng)." Thật vậy, "Người lái đò sông Đà" là một áng tùy bút mang đậm đặc trưng của nhà văn Nguyễn Tuân. Ông đã vận dụng những thuật ngữ từ nhiều ngành nghề như võ thuật, điện ảnh, bóng đá,... để miêu tả dòng sông Đà hung bạo. Những biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa điệp cũng rất giàu sức gợi, cho người đọc những liên tưởng, tưởng tượng đầy mới mẻ nhưng cũng cực kì chân thực.
Ngôn ngữ trong bài cũng vô cùng phong phú. Với đoạn miêu tả sông Đà hung bạo, nhà văn đã sử dụng những câu ngắn dài đan xen. Có những câu văn dài có kết cấu trùng điệp để tạo ra nhịp điệu dồn dập, hung dữ của sóng, đá, thác, nước trên sông Đà. Những từ ngữ rất sáng tạo như "bờm sóng", "luôn tim" cũng được nhà văn sử dụng rất hợp lí. Đến đoạn sông Đà trữ tình, Nguyễn Tuân sử dụng những câu văn có kết hợp cả tự sự, miêu tả, biểu cảm. Những câu văn dài với các từ ngữ như "lừ lừ chín đỏ", "loang loáng", "nắng giòn tan sau kì mưa dầm",... tuy không xa lạ nhưng rất sáng tạo, giàu sức biểu đạt khiến cho đoạn văn trở nên thơ mộng hơn rất nhiều.
Tóm lại, đặc điểm phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong tùy bút "Người lái đò sông Đà" là cái tôi tài hoa, uyên bác, độc đáo với cái nhìn đa chiều đã khiến những tác phẩm của Nguyễn Tuân trở nên nổi bật, không bị nhầm lẫn với các nhà văn khác. Ngôn từ sáng tạo, giàu sức biểu cảm, gợi liên tưởng giúp cho những cảm xúc, rung động khó diễn tả bỗng trở nên gần gũi, thân thuộc biết bao. Chính phong cách này đã khiến cho bài kí trở nên đặc biệt, phổ biến và có sức sống đến tận ngày nay.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Mong rằng qua bài mẫu Đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò sông Đà, em có thể hiểu thêm về con người, tính cách và ngòi bút đầy chất "ngông" của Nguyễn Tuân. Mời em tham khảo thêm các bài văn mẫu khác trên Taimienphi.vn như: Hình tượng người lái đò qua bài tùy bút Người lái đò Sông Đà; Phân tích vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của con Sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà; Chứng minh rằng con người trong Người lái đò sông Đà là Ông lái đò tài hoa.
2. Bài văn Đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò sông Đà hay nhất số 2
Đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân:
- Tùy bút Người lái đò Sông Đà đã thể hiện rõ nét các đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân.
* Khám phá, phát hiện sự vật ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ: con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình.
* Nhìn con người ở phương diện tài hoa nghệ sĩ: Ông lái đò được miêu tả như một dũng tướng tài năng nhưng có phong thái của một nghệ sĩ tài hoa.
* Tô đậm những nét phi thường, tuyệt vời của cảnh vật, con người: Con Sông Đà hung bạo, hiểm ác, ông lái đò tài hoa.
Vận dụng tri thức của nhiều ngành văn hóa nghệ thuật khác nhau về đối tượng sáng tác đẽ tạo hình tượng: Con Sông Đà hung bạo và những trận thủy chiến của ông lái đò được ghi lại bằng kiến thức của văn chương, hội họa, điện ảnh, địa lí, lịch sử, quân sự, võ thuật.
Ngôn ngữ trong tác phẩm:
* Từ ngữ sắc sảo in đậm dấu ấn riêng. Ngữ nghĩa, ngữ điệu biến đổi, chuyển hóa: sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ, nắng ròn tan, nỗi niềm cổ tích tuổi xưa, để thơ vào sông nước... Tác giả còn sáng tạo những từ ngữ mới, cô đọng, giàu ý nghĩa: luôn gân, luôn tim, bờm sóng...
* Diễn tả đa dạng, nhiều góc cạnh. Câu thật ngắn phối hợp với câu thật dài: đoạn tả chặng cuối vượt vòng vây thứ ba, đang viết câu chất chồng ý (... Cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền... xuyên nhanh, vừa xuyên vừa...), đã kết lại bằng một câu rất gọn, biểu thị ý hoàn thành: Thế là hết thác.
https://thuthuat.taimienphi.vn/dac-diem-cua-phong-cach-nghe-thuat-nguyen-tuan-trong-tuy-but-nguoi-lai-do-song-da-42400n.aspx
* Có khi vừa thể hiện mặt hung dữ, vừa gợi lên khía cạnh thơ mộng của đối tượng miêu tả, vừa ném ra những chi tiết rất tự nhiên, không trau chuốt (con sông đánh đòn hiểm độc nhất với con đò) vừa chắt lọc những chi tiết, những hình ảnh rất trữ tình, rất thơ (ven Sông Đà lặng tờ).