Hình ảnh con sông Đà trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân hay nhất

Thiên nhiên trong văn học luôn là thứ khiến người ta phải trầm trồ, yêu thích. Nguyễn Tuân cũng đã có một tác phẩm vô cùng thành công khi viết về vùng núi non Tây Bắc. Hãy cùng tìm hiểu thêm về chủ đề này qua bài hình ảnh con sông Đà trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà trên Taimienphi.vn nhé!

Đề bài: Phân tích hình ảnh con sông Đà trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân.

 

hinh anh con song da trong bai tuy but nguoi lai do song da

Bài văn mẫu Hình ảnh con sông Đà trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.

 

I. Dàn ý Phân tích hình tượng con sông Đà trong Người lái đò sông Đà ngắn gọn

1. Mở bài: 
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về hình tượng con sông Đà trong tác phẩm. 
2. Thân bài: 
2.1. Khái quát: 

- Sông Đà là con sông mẹ của vùng đồng bằng Bắc Bộ, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. 
- Vẻ đẹp độc đáo của sông Đà đã xuất hiện ngay trong lời đề từ: "Chúng thủy giai đông tẩu - Đà giang độc bắc lưu". 
2.2. Phân tích: 
a, Vẻ đẹp hung bạo, dữ tợn, hiểm ác của dòng sông: 

* Cảnh dòng sông: 
- Đá bờ sông "dựng vách thành".
- Mặt ghềnh Hát Loóng "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió", lúc nào cũng như "đòi nợ xuýt" người lái đò. 
- Tà Mường Vát có "những cái hút nước giống như cái giếng bê tông", "thở và kêu như cửa cống cái bị sặc".  
* Thác sông Đà: 
- Từ phía xa, tiếng thác nước "nghe như oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo", "rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng…".
- Khi tới gần: 
+ "Bọt sóng trắng xóa".
+ "Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông … vồ lấy thuyền".
+ "Mặt sông rung rít lên như tuyếc-bin thủy điện nơi đáy hầm đập".
- Sự biến hóa linh hoạt giữa các "trận địa mai phục".
=> Sông Đà hiện lên như một kẻ phản diện, "hàng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò sông Đà".
b, Vẻ đẹp gợi cảm, nên thơ, trữ tình của dòng sông: 
- Xuất hiện trong góc nhìn từ trên cao: như "dây thường ngoằn ngoèo", "áng tóc trữ tình".
- Màu nước sông thay đổi, biến chuyển theo từng mùa. 
- Sông Đà đằm đằm ấm ấm như một cố nhân.
- Hai bên bờ sông "hoang dại như bờ tiền sử", "hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích".
3. Kết bài: 
- Khẳng định lại vẻ đẹp của sông Đà trong tác phẩm. 
- Liên hệ mở rộng. 

 

II. Bài văn mẫu Hình ảnh con sông Đà trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà hay của học sinh giỏi

 

1. Bài văn mẫu Phân tích hình tượng con Sông Đà siêu hay số 1:

Sông Đà là một điểm nhấn nổi bật của thiên nhiên vùng Tây Bắc. Bằng tâm hồn nhạy cảm và con mắt nghệ thuật tài hoa, Nguyễn Tuân đã đem đến cho độc giả "bức chân dung" rõ nét nhất về con sông này qua tùy bút "Người lái đò Sông Đà". Vẻ đẹp của Đà giang hiện lên trong tác phẩm vừa hùng vĩ, dữ dội, lại vừa thơ mộng, trữ tình và đầy lãng mạn. 

Sông Đà được biết đến như con sông mẹ của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vốn bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, Đà giang là phụ lưu lớn nhất của sông Hồng. Đây cũng chính là nơi gắn liền với sự tích về trận chiến lịch sử giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh năm xưa. Vẻ đẹp của dòng sông đã được nhiều giấy bút ghi lại. Nguyễn Tuân cũng không cưỡng lại được sự hùng vĩ chốn này mà viết nên tùy bút "Người lái đò Sông Đà". Ngay lời đề từ ở đầu tác phẩm đã nói lên được cái độc đáo chỉ riêng Đà giang có: "Chúng thủy giai đông tẩu - Đà giang độc bắc lưu", dịch ra có nghĩa là mọi con sông đều đổ về phía đông, chỉ có sông Đà đi theo hướng bắc. Điều này đã làm nên nét riêng biệt cho dòng sông, thu hút sự tò mò khám phá của nhà văn. 

Sông Đà ban đầu hiện lên với vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội, như một kẻ thù không đội trời chung với con người Tây Bắc. Vừa đến với văn bản, độc giả đã thấy được những chi tiết miêu tả vô cùng chân thực. Sông Đà hùng vĩ với "đá bờ sông, dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ đúng ngọ mới có mặt trời". Vài chữ thôi mà cũng đủ để tạo cảm giác u tối, lạnh lẽo. Hay như "quãng mặt ghềnh Hát Loóng, dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đấy". Lại còn cả quãng Tà Mường Vát với "những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu", "nước ở đây thở và kêu như cái của cống cái bị sặc",... Nguyễn Tuân đã sử dụng hàng loạt những hình ảnh so sánh, nhân hóa mới lạ, độc đáo. Từ đó, làm bật lên cái dữ dội của thiên nhiên sông nước chốn Tây Bắc hoang sơ. 

Dữ dội nhất phải kể đến thác nước sông Đà. Chỉ từ xa, nhà văn cũng có thể nghe được tiếng nước "như oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo", "rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa". Đến gần hơn một chút thì "bọt sóng đã trắng xóa cả một chân trời đá". Trong trận chiến với những ông Đò, sông Đà hiện lên giống như kẻ thù số một của con người, sẵn sàng nuốt chửng bất cứ chiếc thuyền nào ngang qua. Vô số tảng đá nơi đây được thiên nhiên sắp xếp như đang "bày thạch trận trên sông". Sóng, nước và đá cứ vậy dồn dập tấn công con người, thậm chí còn ra những đòn hiểm ác nhất, khiến ông đò "mặt méo bệch đi". Con sông Đà qua ngòi bút Nguyễn Tuân hiện lên như một kẻ phản diện, "hàng năm và đời đời kiếp kiếp làm mình làm mẩy với con người Tây Bắc và phản ứng giận dỗi vô tội vạ với người lái đò". 

Nhưng bên cạnh vẻ đẹp hung dữ kia vẫn là một nét dịu dàng, đằm thắm, trữ tình vô cùng của Đà giang. Dáng vẻ của nó khi nhìn từ trên cao "tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai…". Nước sông cũng đổi màu theo từng mùa. Vào mùa xuân, "dòng xanh ngọc bích", khác với cái "màu xanh canh hến của Sông Gâm sông Lô". Sang đến mùa thu thì "nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bần đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về". Chỉ một vài nét miêu tả ấy thôi cũng khiến người đọc thấy rõ hơn một mặt khác đầy thú vị của Đà giang. 

Nét đẹp sông Đà có còn là sự gợi cảm, thơ mông như chốn tiên cảnh. Nguyễn Tuân nhìn con sông "như một cố nhân". Sự gặp gỡ với "cố nhân" ấy mang cảm giác "đằm đằm ấm ấm". Cảnh ven sông thì "lặng tờ", đầy những chuồn chuồn, bươm bướm, nương ngô, cỏ gianh hay đàn hươu đang "cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm". Khung cảnh ấy bình yên, được nhà văn ví von, liên tưởng đến chốn thần tiên. "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa". 

Như vậy, bằng ngòi bút tài hoa cùng con mắt nghệ thuật độc đáo của mình, Nguyễn Tuân đã đem đến cho độc giả những nét vẽ hết sức chân thực mà đầy lãng mạn về con sông Đà lịch sử. Đà giang với hai nét đẹp đối lập đã trở thành hình ảnh khó có thể phai nhòa trong tâm thức con người bao thế hệ. Qua đó, tác giả cũng đồng thời thể hiện tình yêu, sự mến thương của bản thân với thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ, thơ mộng. 

- - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Hình ảnh con sông Đà trong tác phẩm của Nguyễn Tuân có hai mặt đối lập. Em hãy chú ý phân tích hai mặt đó để thấy rõ hơn vẻ đẹp tác giả hướng đến nhé. Mời em ghé qua Taimienphi.vn để tham khảo thêm các bài viết liên quan: Cảm nhận tính cách hung bạo sông Đà trong Người lái đò sông Đà; Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà.

 

2. Bài văn Hình ảnh con sông Đà trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà hay nhất số 2

Tác phẩm Sông Đà, với mười lăm tùy bút, là kết quả của chuyến đi thực tế tây Bắc vào năm 1958 của Nguyễn Tuân, đã ghi nhận nhiều bức tranh sinh động và nhiều hình ảnh nghệ thuật đầy sức hấp dẫn, đậm đà cảm hứng lãng mạnh trong sáng.

Một trong các tùy bút đó là Người lái đò Sông Đà. Bài văn đầy ắp những tư liệu địa lí, lịch sử như ngọn nguồn của sông Đà, những địa thế đặc biệt, những con thác dữ, lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân vùng cao Tây Bắc, đồng thời miêu tả hình ảnh con sông Đà bằng một phong cách nghệ thuật độc đáo.

* Sông Đà hung bạo, hiểm ác:

Nét dữ dội đầu tiên của con sông là những thác nước gầm réo muôn đời. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngả con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Con sông chợt trở nên hung bạo hơn khi sóng nước reo hò làm thanh điệu cho đá, mặt nước hò la vang dậy quanh mình ùa vào mà bẻ gãy cán chèo (...) Có lúc chúng đội cả thuyền lên.

Có những quãng sông đầy thác ghềnh, lòng sông như bày một thạch trận chực nuốt chìm những con thuyền non tay lái. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông, đòi ăn chết cái thuyền... Phép nhân hóa được tận dụng để tả thạch trận mà khúc sông đã bày ra thành một chiến thuật hiểm ác Vòng đẩu vừa rồi nói mở ra năm trận, có bốn cửa tử một cửa sinh, cửa sinh này nằm lập lờ phía tả ngạn sông. Vòng thứ hai tăng thêm nhiều cửa tử để đánh lừa con thuyền vào, và cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn.

Bên cạnh hình ảnh hung bạo, hiểm ác là hình ảnh con sông Đà hiền hòa, thơ mộng, hai bờ sông tràn đầy cảnh sắc tươi vui.

* Sông Đà thơ mộng, hiền hòa:

Con Sông đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc... Nước sông đổi thay tùy mùa: Mùa xuân dòng xanh như ngọc bích... Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ...

Có những quãng ven sông lặng lờ: Hình như từ đời Lí, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng lờ đến thế mà thôi và bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Nét hiền hòa ấy làm cho cảnh vật trở nên gợi cảm, làm cho khách trên đò chợt mơ màng như nghe tiếng con hươu đang thủ thỉ: "Hỡi ông khách sông Đà có phải ông cũng vừa nghe thây một tiếng còi sương (...) của một chuyến xe lửa đầu tiên" trong tưởng tượng của tác giả.

Biện pháp nhân hóa và ẩn dụ được vận dụng: Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi, và con sông đang trôi những con đò mình nở chạy buồm vải...

Hai bờ sông Đà tràn ngập cảnh sắc tươi vui của một cuộc sống mới đang đầu. nương ngô nhú lên mây lá ngô non đầu mùa (...) một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cổ tranh đẫm sương đêm (...), đàn cá đầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi. Nhìn chung, cái đẹp của sông Đà có khi do những nét hùng tráng, dữ dội, có từ những dáng nét, thanh sắc êm dịu, mượt mà được thể hiện bằng một phong cách độc đáo, tài hoa với những hình ảnh chọn lọc, từng ngôn từ chăm chút, câu, đoạn văn giàu tính nhạc.

Nguyễn Tuân nhìn thiên nhiên và con người trong hoàn cảnh khắc nghiệt, đồng thời cảm nhận thiên nhiên và con người ở cả phương diện thẩm mĩ, tài hoa. Sông Đà nói chung và Người lái đò sông Đà chính là áng thơ trữ tình bằng văn xuôi ca ngợi tổ quốc giàu đẹp, thể hiện niềm tin yêu cuộc sống mới đang diễn ra trên đất nước ta.

------------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/hinh-anh-con-song-da-trong-bai-tuy-but-nguoi-lai-do-song-da-42397n.aspx
Ngoài phân tích hình ảnh con sông Đà, các em còn rất dễ gặp các bài văn như phân tích Hình tượng người lái đò sông đà, Phân tích cái tôi của Nguyễn Tuân trong tác phẩm, Phân tích Người lái đò sông đà, Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của con sông Đà.... Vậy các em hãy nắm rõ các ý chính trong tác phẩm bằng cách vẽ Sơ đồ tư duy Người lái đò sông đà hoặc viết tóm tắt để viết bài, triển khai ý dễ dàng.

Tác giả: Nguyễn Cảnh Nam     (4.3★- 4 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Cảm nhận tính cách hung bạo sông Đà trong Người lái đò Sông Đà hay nhất
Phân tích hình ảnh con sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà
Đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò sông Đà
Bình giảng đoạn văn sau trong Người lái đò Sông Đà: "Thuyền tôi trôi trên sông Đà... mình dây cổ điển trên dòng trên"
Phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong Người lái đò sông Đà
Từ khoá liên quan:

Hình ảnh con sông Đà trong bài tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân

, hinh anh con song da trong bai tuy but nguoi lai do song da cua nguyen tuan,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới