Bài Phân tích cái tôi Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà là một bài văn mẫu giúp em hiểu hơn về nhà văn tài năng, uyên bác của làng văn học Việt Nam, một con người mang trong mình chất “ngông” và lối viết đầy tài hoa, uyên bác. Em hãy tham khảo bài mẫu này trên Taimienphi.vn ngay nhé!
Đề bài: Phân tích cái tôi của Nguyễn Tuân trong đoạn trích Người lái đò sông Đà.
Phân tích cái tôi'' trữ tình của tác giả trong người lái đò sông đà
I. Dàn ý Phân tích cái tôi Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà ngắn gọn (Chuẩn)
1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và cái tôi Nguyễn Tuân trong "Người lái đò sông Đà".
2. Thân bài:
a. Trình bày khái quát về tác giả, tác phẩm:
- Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp. Phong cách sáng tác của ông nổi bật ở sự ngông ngạo, khác người, đó là sự phóng túng, tài hoa, uyên bác.
- "Người lái đò sông Đà" là kết quả của chuyến đi thực tế Nguyễn Tuân thu hoạch được khi đến với vùng Tây Bắc xa xôi.
- "Cái tôi" của Nguyễn Tuân là "cái tôi" tài hoa, uyên bác và có ý thức, trách nhiệm sẵn sàng góp một phần chiến công của mình trên mặt trận xây dựng chủ nghĩa xã hội.
b. Phân tích "cái tôi" tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân trong "Người lái đò sông Đà":
- Cái "tôi" tài hoa, uyên bác thể hiện qua niềm say mê cái đẹp của Nguyễn Tuân trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, đất nước:
+ Sông Đà hung bạo, dữ dội ở cảnh thác đá và các trùng vi thạch trận.
+ Sông Đà thơ mộng trữ tình, đẹp như một người con gái khi được nhìn từ trên cao xuống.
+ Khi miêu tả sông Đà, tác giả đã vận dụng kiến thức của nhiều ngành nghề khoa học khác nhau khiến cho sông Đà có một cá tính riêng, một đời sống tâm hồn riêng.
- Cái "tôi" Nguyễn Tuân thể hiện qua việc phát hiện, ngợi ca vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ của con người lao động thông qua hình ảnh ông lái đò:
+ Ông lái đò có ngoại hình và tố chất đặc biệt.
+ Ông lái đò là người tài trí và rất mực dũng cảm trong cảnh vượt thác.
+ Ông lái đò là biểu tượng cho vẻ đẹp của con người lao động.
d. Đánh giá:
- Qua tác phẩm, ta thấy được Nguyễn Tuân là một nhà văn vừa có tâm lại vừa có tài, nhà văn đã khẳng định vẻ đẹp có ở khắp mọi nơi trên mặt đất chứ không phải chỉ có ở những con người kiệt xuất như trước cách mạng Tháng Tám.
3. Kết bài:
- Khái quát lại "cái tôi" Nguyễn Tuân trong "Người lái đò sông Đà".
II. Bài văn mẫu Phân tích cái tôi Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà hay nhất (Chuẩn)
1. Bài văn Phân tích cái tôi Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà siêu hay số 1
1.1. Dàn ý Cái tôi của Nguyễn Tuân trong Người lái đò:
1.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác giả Nguyễn Tuân.
- Giới thiệu về cái tôi của Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà.
1.1.2. Thân bài:
a) Giới thiệu về tác giả Nguyễn Tuân:
- Ông là một nhà văn lớn, một nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, có phong cách nghệ thuật độc đáo.
- Ngòi bút phóng túng và có ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân.
- Là một nghệ sĩ sáng tạo, suốt đời đi tìm cái đẹp, tôn vinh cái đẹp.
- Có sở trường là tùy bút.
b) Giới thiệu về tác phẩm "Người lái đò sông Đà":
- Được tác giả viết trong chuyến đi thực tế lên vùng Tây Bắc.
- Văn bản được trích từ bài tùy bút "Người lái đò sông Đà", in trong tập Sông Đà.
- Bài tùy bút cho ta thấy một Nguyễn Tuân rất mới, khát khao được hòa nhịp với đất nước, với cuộc đời.
c) Phân tích cái "tôi" tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân:
* Cái "tôi" tài hoa:
- Ông đã khám phá, say mê một sông Đà với hình tượng hung bạo, mạnh mẽ nhưng cũng rất trữ tình, thơ mộng
- Thích thú, cảm phục trước hành trình vượt thác của người lái đò,
=> Cái "tôi" của Nguyễn Tuân có hứng thú sâu sắc tới những gì dữ dội, mạnh mẽ, độc đáo nhất.
* Cái "tôi" uyên bác":
- Nguyễn Tuân đã vận dụng những từ ngữ chuyên ngành, tri thức liên quan đến nhiều ngành nghề khác nhau (lịch sử, địa lí, văn học, điện ảnh, võ thuật, quân sự, thể thao,...) để miêu tả dòng sông Đà.
- Những liên tưởng, tưởng tượng, lối so sánh độc đáo, hấp dẫn, mới lạ.
1.1.3. Kết bài:
- Khái quát lại về cái "tôi" tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân.
- Khẳng định tài năng của tác giả.
1.2. Bài văn mẫu Phân tích cái tôi của Nguyễn Tuân trong Người lái đò.
Trong diễn đàn văn học thời kì trước Cách mạng, giữa một loạt các tác phẩm nói về nỗi u uất vì cảnh nhân dân lầm than, nỗi buồn thất thế,... thì Nguyễn Tuân lại nổi tiếng vì những tác phẩm viết về vẻ đẹp "vang bóng một thời". Ông đã viết về thú chơi cây cảnh, thưởng trà, đánh cờ của một nền văn minh xưa cũ, thể hiện niềm tiếc nuối trước những nghệ thuật của một thời đã qua, nay chỉ còn là âm vang nhỏ bé. Sau Cách mạng, tâm hồn Nguyễn Tuân đã trở nên vui tươi hơn. Các tác phẩm của ông chủ yếu viết về cuộc sống mới, con người của xã hội mới. Nổi bật trong số đó là tập bút kí "Sông Đà" và bài kí "Người lái đò sông Đà".
Nguyễn Tuân là người theo chủ nghĩa xê dịch. Tập bút kí "Sông Đà" cũng được ông thực hiện trong chuyến đi Tây Bắc năm 1960. Trong hành trình của mình, ông đã tìm kiếm thứ "vàng mười" được cất giấu trong thiên nhiên và con người của vùng núi rừng Tây Bắc. Trong cuộc tìm kiếm của mình, Nguyễn Tuân đã vô tình gặp được người lái đò trên sông Đà. Ở người đàn ông đã 70 tuổi đó có thứ mà nhà văn đang tìm kiếm. Vậy nên, ông đã viết ra bài bút kí "Người lái đò sông Đà" để ca ngợi con người bình dị trong cuộc sống đời thường nhưng lại là người nghệ sĩ, là bậc thầy trong nghệ thuật chèo đò của mình. Tuy đó cũng chỉ là công việc bình thường nhưng người lái đò luôn yêu thích, đam mê với nó. Qua bài bút kí này, Nguyễn Tuân đã thể hiện được tài năng, cái tôi độc đáo đầy tài hoa, uyên bác.
Nhà văn Nguyễn Tuân được sinh ra trong gia đình nhà nho ở thời buổi xã hội phong kiến đang trên đà suy vi, nho học không được coi trọng. Tây học lên ngôi. Chính cái thời buổi Tây - Tàu lẫn lộn đã cho nhà văn thật nhiều trải nghiệm cùng vốn kiến thức đầy phong phú. Những tác phẩm của ông đều thể hiện rất rõ nét bác học, được vận dụng tri thức từ nhiều ngành khoa học, xã hội khác nhau để gợi liên tưởng, tưởng tượng rất độc đáo, mới mẻ, khác lạ mà ít nhà văn nào làm được.
Cái "tôi" tài hoa của Nguyễn Tuân được biểu hiện rất rõ trong bài kí "Người lái đò sông Đà". Nhà văn đã quan sát rất tỉ mỉ dòng sông để miêu tả nó trong cả hai hình tượng: hung bạo, mạnh mẽ và trữ tình, thơ mộng. Trong mỗi tính cách, Nguyễn Tuân lại quan sát kĩ càng, tường tận, miêu tả tỉ mỉ từng đoạn, từng khúc sông một. Ông đã khám phá ra sông Đà với thác nước dữ dội, không biết bao nhiêu cơ man nào là đá dựng hai bên bờ sông, đá giữa lòng sông gây nguy hiểm cho người chèo đò. Đến khi dòng sông nhẹ nhàng trở lại, nhà văn nhìn nó trong dòng liên tưởng về lịch sử, địa lí. Rồi ông miêu tả về dòng sông gợi cảm, hai bên bờ sông đẹp như "nỗi niềm cổ tích tuổi xưa". Ông mong chờ về một đường tàu sắp được khởi công xây dựng qua đây. Đường tàu giúp cho giao thông thuận tiện hơn, con người giữa hai miền được kết nối lại với nhau, góp phần xây dựng đất nước. Ngoài ra, nhà văn còn thích thú, cảm phục trước hành trình vượt thác của ông lái đò. Ông lái đò chính là người mang phẩm chất được ví như thứ "vàng mười" mà Nguyễn Tuân tìm kiếm: gan dạ, dũng cảm, tài ba, yêu và gắn bó với nghề, là một người nghệ sĩ trong chính nghệ nghiệp của mình.
Ngoài "cái tôi" tài hoa ra thì "cái tôi" uyên bác cũng được thể hiện rất rõ trong bài kí. Nhà văn đã vận dụng sự hiểu biết của mình về nhiều ngành nghề khác nhau như điện ảnh, võ thuật, quân sự, thể thao,... để miêu tả sự dữ dội, hung bạo của sông Đà. Chúng giúp cho khung cảnh hai bên bờ, trận quyết chiến giữa ông lái đò và thác đá cũng được cụ thể hóa. Không những thế, tác giả còn đưa ra rất nhiều kiến thức lịch sử, địa lí, văn học về dòng sông vào trong bài kí. Điều này giúp cho Đà giang trở nên gần gũi hơn, được tiếp cận bạn đọc dưới nhiều góc độ hơn. Những liên tưởng, tưởng tượng trong bài cũng tô điểm thêm cho ngòi bút độc đáo của Nguyễn Tuân: "Ngồi trong khoang đò quãng ấy, đang mùa hè mà cũng thấy lạnh, cảm thấy mình như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện" hay "Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo",...
Có thể thấy được rằng, Nguyễn Tuân là một cái tên độc đáo, khác biệt giữa rất nhiều tác giả thời kì đó. Trong khi các nhà văn theo đuổi lối viết chiêm nghiệm, triết lí hoặc lối diễn đạt gần gũi với người đọc thì Nguyễn Tuân vẫn viết theo một phong cách rất riêng. Với cái "tôi" đầy tài hoa, uyên bác cùng chất "ngông" không thể giấu, mỗi lời văn mà ông viết ra đều rất cầu kì, mĩ lệ. Từ đó, người đọc có thể khẳng định được "cái tôi" của Nguyễn Tuân rất mới mẻ, không thể nhầm lẫn với bất kì nhà văn, nhà thơ nào.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Giữa một rừng các tác phẩm đương thời, ta có thể nhận ra ngay giọng văn Nguyễn Tuân nhờ "cái tôi" tài hoa, uyên bác mang tính độc bản. Ngoài bài mẫu này, em hãy tham khảo thêm các bài viết khác trên Taimienphi.vn như: Phân tích hình ảnh con sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà; Nhân vật ông lái đò trong thiên tùy bút Người lái đò sông Đà; Phân tích thứ vàng mười trong Người lái đò sông Đà.
2. Bài văn Phân tích cái tôi Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà ngắn hay số 2
Mỗi một nhà văn đều được coi như một loài hoa quý tỏa ngát hương thơm đặc biệt trong cánh rừng đại ngàn văn học. Nhà văn Nguyễn Tuân cũng vậy, ông đã đem lại hương thơm ngào ngạt cho nền văn học Việt Nam qua tác phẩm "Người lái đò sông Đà" bằng một "cái tôi" cá nhân riêng biệt bởi tình yêu thiên nhiên.
Nguyễn Tuân là nhà văn suốt đời săn tìm cái đẹp. Phong cách sáng tác của ông nổi bật ở sự ngông ngạo, khác người đó là sự phóng túng, tài hoa, uyên bác. Tác phẩm "Người lái đò sông Đà" là kết quả của chuyến đi thực tế Nguyễn Tuân thu hoạch được khi đến với vùng Tây Bắc xa xôi. Qua tác phẩm, nhà văn đã thể hiện một "cái tôi" riêng biệt đó là "cái tôi" tài hoa, uyên bác và có ý thức, trách nhiệm sẵn sàng góp một phần chiến công của mình trên mặt trận xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Mở đầu tác phẩm, ta bắt gặp hình ảnh con sông Đà cá tính, ngạo nghễ chảy về hướng Bắc khắc hẳn so với những con sông khác. Đây cũng chính là đối tượng chính để nhà văn Nguyễn Tuân bộc lộ nét chấm phá riêng biệt của ngòi bút tài hoa, uyên bác. Cái "tôi" tài hoa, uyên bác thể hiện qua niềm say mê cái đẹp của Nguyễn Tuân trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, đất nước. Nguyễn Tuân đã miêu tả con sông Đà ở nhiều vẻ đẹp khác nhau. Hung bạo là tính cách nổi bật nhất của sông Đà, nhà văn đã sử dụng kĩ xảo ngôn từ vận dụng kiến thức của các ngành khoa học khác nhau để tạo sự cảm nhận mang tính mới mẻ về sông Đà. Tác giả miêu tả và cảm nhận hình ảnh sông Đà để người đọc thấy được sự hùng vĩ ghê rợn của dòng sông. Sông Đà hung bạo, dữ dội ở cảnh thác đá và các trùng vi thạch trận. Thông qua miêu tả sự hung hiểm của thác đá, Nguyễn Tuân đã làm nổi bật lên sự hùng vĩ, hung bạo của sông Đà. Đá bờ sông dựng "vách thành" gợi độ cao lên đến tận cùng và độ hẹp đến mức tối đa khi con nai, con hổ cũng có thể nhảy vọt từ bờ bên này qua bờ bên kia. Tác giả miêu tả dòng sông như một con thủy quái đáng sợ ở quãng mặt ghềnh Hát Loóng, quãng Tà Mường Vát tàn bạo đến ghê gớm. Với sự tài hoa và tinh anh, nhà văn Nguyễn Tuân đã phát lộ thành tiếng nói nghệ thuật ở những trận thủy chiến trên mặt trận sông Đà. Ở trùng vi thạch trận thứ nhất, nhà văn đã đặt dòng sông ở trận chiến với ông lái đò, nhà văn đã miêu tả từ sự hùng vĩ đến đáng gờm của dòng sông khi chúng huy động cả đá, nước thác hỗ trợ nhau để hạ gục ông lái đò. Sang đến trùng vi thạch trận thứ hai khi cửa tử nhiều hơn cửa sinh thì nhà văn đã miêu tả dòng sông trong thế đối lập với sự đơn độc của ông lái đò để làm nổi bật sự tài hoa của ông lái đò khi vượt qua thác đá an toàn. Sự hung bạo của dòng sông chưa dừng lại ở đó, sang đến trùng vi thạch trận thứ ba thì cả bên phải, bên trái đều là luồng chết cả. Để biến sông Đà thành con thủy quái hung tợn, Nguyễn Tuân đã tả một cách chi tiết, tỉ mỉ, gây cảm giác mạnh. Sông Đà hiện lên trong trạng thái vận động dưới trí tưởng tượng phong phú và khả năng quan sát tinh tường của nhà văn.
Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân thì dòng sông không chỉ nổi bật ở vẻ đẹp hung bạo mà nó còn rất đỗi thơ mộng trữ tình bởi một cái tôi yêu thiên nhiên sâu sắc. Sông Đà đã làm nên nét đẹp riêng biệt của vùng núi Tây Bắc, "con sông tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình". Nhà văn đã so sánh dòng sông như một người con gái để làm mềm đi văn bản và vô cùng phù hợp với tình cảm, trạng thái của con người Việt Nam. Sông Đà trở nên thơ mộng bởi màu sắc của nước sông còn thay đổi theo từng mùa. Sông Đà còn gợi cảm như là một cố nhân, nó ánh lên vẻ đẹp màu sắc Đường thi, nó giống như một người bạn cố tri để nhà văn gặp được một mảnh tâm hồn mình. Ta có thể cảm nhận được hình ảnh sông Đà được gợi ở nhiều góc độ, dưới sự quan sát tường tận, am hiểu chi tiết của nhà văn. Khi mô tả về sông Đà, nhà văn Nguyễn Tuân đã sử dụng tinh hoa trong ngòi bút của mình, vận dụng kiến thức của nhiều ngành nghệ thuật khác nhau để khắc họa về một dòng sông mạnh mẽ, dữ dội nhưng rất đỗi thơ mộng, trữ tình.
Cái "tôi" Nguyễn Tuân còn thể hiện qua việc phát hiện, ngợi ca vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ của con người lao động thông qua hình ảnh ông lái đò. Ông lái đò là một trong những hình tượng nghệ thuật đẹp trong trang văn của Nguyễn Tuân sau cách mạng Tháng Tám. Ông lái đò là một nhân vật đặc biệt hiển hiện giữa núi rừng Tây Bắc, bình thường, giản dị nhưng có sức mạnh phi thường. Ông lái đò có ngoại hình và tố chất đặc biệt bởi những phác họa về cái tay "lêu nghêu", cái chân "khuỳnh khuỳnh", giọng nói thì "ào ào" như tiếng nước trước mặt ghềnh. Chính hoàn cảnh sóng nước hung bạo đã khiến cho ông lái đò có ngoại hình và tố chất như vậy. Trước sự hung bạo của thiên nhiên, ông lái đò là người tài trí và rất mực dũng cảm. Ông có hiểu biết tường tận về tính nết của dòng sông, về quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở. Ông đã chỉ huy các cuộc vượt thác một cách tài tình, khôn ngoan bằng cái nhìn từng trải mà không thiếu đi những nét lãng mạn. Đó cũng chính là quan niệm của nhà văn Nguyễn Tuân về người anh hùng, người anh hùng có ngay giữa cuộc sống đời thường, hiện diện trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên. Bởi vậy, ông lái đò chính là biểu tượng cho vẻ đẹp của con người lao động. Nhà văn đã thu thập hình tượng làm nên một vẻ đẹp khái quát về người anh hùng chinh phục thiên nhiên, ông lái đò mang vẻ đẹp sử thi, đời thường và là một người nghệ sĩ trên sông nước. Ông lái đò chính là hiện diện của "cái tôi" có ý thức, trách nhiệm đối với đất nước.
Qua tác phẩm, ta thấy được Nguyễn Tuân là một nhà văn vừa có tâm lại vừa có tài, nhà văn đã khẳng định vẻ đẹp có ở khắp mọi nơi trên mặt đất chứ không phải chỉ có ở những con người kiệt xuất như trước cách mạng Tháng Tám. Bằng ngôn từ điêu luyện và sự am hiểu tường tận về thiên nhiên, nhà văn Nguyễn Tuân đã phác họa thành công vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc.
"Người lái đò sông Đà" chính là một tuyệt bút của "cái tôi" Nguyễn Tuân. Nhà văn đã khám phá ra vẻ đẹp ẩn chứa bên trong dòng sông hung bạo và bên trong của con người bình thường. Khép lại trang sách, ta vẫn thấy vang vọng trong suy nghĩ một dòng sông dữ dội nhưng rất đỗi thơ mộng trữ tình và một con người tài ba giữa cảnh thác lũ của "cái tôi" Nguyễn Tuân.
-----------------HẾT------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-cai-toi-nguyen-tuan-trong-nguoi-lai-do-song-da-69615n.aspx
Trên đây là bài Phân tích cái tôi Nguyễn Tuân trong Người lái đò sông Đà. Để giúp các em hiểu hơn về tác phẩm và phong cách sáng tác của nhà thơ Nguyễn Tuân thì mời các em cũng tham khảo những bài viết sau: Phân tích thứ vàng mười trong Người lái đò sông Đà, Phân tích tính hung bạo của con Sông Đà ở thượng nguồn trong Người lái đò sông Đà, Cảm nhận về hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác, Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà trong Người lái đò sông Đà, phân tích người lái đò sông đà, ...