Cảm nhận về hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác

Người lái đò sông Đà là tác phẩm có nhân vật trung tâm là ông lái đò. Những đức tính, phẩm chất cao đẹp trong con người ông được thể hiện trong cảnh vượt thác. Mời em tham khảo bài mẫu Cảm nhận về hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác trên Taimienphi.vn nhé!

Đề bài: Cảm nhận về hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.

cam nhan ve hinh tuong nguoi lai do song da trong canh vuot thac

Cảm nhận về Hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác siêu hay


I. Dàn ý Cảm nhận về hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác ngắn gọn (Chuẩn)

1. Mở bài:

- Giới thiệu tác phẩm và hình tượng người lái đò.

>> Xem thêm Mở bài Người lái đò sông đà để có nhiều cách viết mở bài hay, ấn tượng. 

2. Thân bài:

a. Khái quát chung:
- Nguyễn Tuân đặt người lái đò vào trong tình huống nguy hiểm để bộc lộ phẩm chất của ông.
- Để vượt qua dòng thác đá hung bạo, không chỉ phải am hiểu thiên nhiên sông Đà mà còn phải có tinh thần dũng cảm và bàn tay tài hoa.

b. Sự am hiểu thiên nhiên của ông đò:
- Sông Đà bày "thạch trận" thì ông nắm được "binh pháp của thần sông thần đá"
- Ông thuộc "quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này"
- Ông nhớ được chính xác các cửa sinh cửa tử trên thác đá.

c. Lòng dũng cảm:
- Nguyễn Tuân đặt ông đò vào tình huống nguy hiểm: "sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất".
- Con sóng đã làm ông lái đò đau đớn khủng khiếp
- Ông "cố nén vết thương", đưa con thuyền vào đúng cửa sinh.
- Trong lúc nguy hiểm, ông bộc lộ tinh thần tỉnh táo, dũng cảm, bình tĩnh.

d. Người nghệ sĩ tài hoa:
- Đặt ông đò trong hoàn cảnh đặc biệt: đối phó với "dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá"
- Ông cưỡi lên thác đá, "lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy"
- "Lái miết": đường lái căng, chính xác, điêu luyện.
- Giữa những cửa sinh cửa tử, ông lái đò có thể lái đúng vào luồng nước cửa sinh.
- Ông lái đò và con thuyền đã hợp thành một.

e. Một con người bình thường:
- Những người anh hùng, nghệ sĩ tài hoa cũng chỉ là những con người lao động bình thường.
- Họ ăn cơm, nói chuyện phiếm với nhau và khao khát một cuộc sống ấm no.
- Công cuộc vượt thác chỉ là những công việc thường ngày của họ cống hiến thầm lặng cho Tổ quốc.

3. Kết bài:

Khẳng định lại vẻ đẹp hình tượng người lái đò sông Đà.

>> Xem thêm: Kết bài người lái đò sông đà để bài văn hoàn chỉnh, hấp dẫn hơn.


II. Bài văn mẫu Cảm nhận về hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác hay nhất (Chuẩn)

 

1. Bài văn cảm nhận về Hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác ngắn hay số 1

1.1. Dàn ý hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác ngắn nhất:
1.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác phẩm "Người lái đò sông Đà".
- Giới thiệu về hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác.
1.1.2. Thân bài:
a) Giới thiệu về người lái đò sông Đà:

- Ngoài 70 tuổi. 
- Sinh ra ở gần kề dòng sông Đà.
- Làm nghề chèo đò.
=> Cả cuộc đời gắn liền với sông nước. 
b) Hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác:
* Vòng vây thứ nhất:
- Ông đò hai tay giữ mái chèo cho khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa.
- Cố nén vết thương, hai chân kẹp chặt cuống lái, mặt méo bệch đi…, tiếng chỉ huy ngắn gọn, tỉnh táo -> phá xong trùng vi thạch trận thứ nhất. 
=> Bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường, có sức chịu đựng phi thường.
* Vòng thứ hai:
- Ông lái đò nắm lấy cái bờm sóng đúng luồng, ghì cương lái, phóng nhanh vào cửa sinh.
- Rảo bơi chèo, đè sấn lên cửa đá, mở đường tiến.
- Những luồng tử bỏ lại hết sau thuyền.
=> Chủ động, bản lĩnh, khéo léo.
* Vòng vây thứ ba:
- Thuyền vút qua cổng đá.
- Thuyền như mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa lái lượn
=> Tỉnh táo, mau lẹ, mạnh mẽ, khéo léo. 
c) Đánh giá:
- Ông lái đò là người nghệ sĩ tài hoa trong công việc của mình. Ông am hiểu nó và thực hiện các thao tác lái đò một cách nhanh nhẹn, điêu luyện.
- Ông lái đò còn là một người anh hùng dũng cảm, gan dạ trong trận chiến với thác đá sông Đà.
- Ông lái đò là người lao động bình thường đang âm thầm cống hiến cho Tổ quốc.  
1.1.3. Kết bài:
- Khái quát lại hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác. 

1.2. Bài mẫu Cảm nhận hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác ngắn gọn

Trong thời kì đổi mới, có rất nhiều tác phẩm viết về cuộc sống sinh hoạt, lao động đầy vui tươi, hứng khởi của những người dân sống trong xã hội chủ nghĩa. "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân có hình tượng trung tâm là ông lái đò cũng mang nét độc đáo, đầy bản lĩnh của người lao động tài hoa, phi thường. 

Để làm nổi bật những phẩm chất ấy, nhà văn đã chọn miêu tả cảnh vượt thác của ông lái đò. Chỉ bằng một vài hành động, cử chỉ của nhà đò khi giao chiến với thác đá sông Đà, người đọc cũng sẽ cảm nhận được tinh thần dũng cảm, tài hoa của người lái đò trong cuộc chiến không cân sức giữa thiên nhiên và con người. 

Ông lái đò đã ngoài 70 nhưng đã gắn bó với sông nước gần như cả cuộc đời. Vậy nên, ông am hiểu rất rõ về con sông Đà. Mỗi một khúc sông ông đều nhớ mặt, đọc tên được sự nguy hiểm, dữ dội của nó. Khi dòng sông bày ra ba vòng "trùng vi thạch trận" để thử thách nhà đò, ông không hề nao núng mà rất bình tĩnh vì ông đã thuộc nằm lòng "binh pháp của thần sông, thần đá". Đá lòng sông thì muôn đời ở đấy, không thay đổi chiến thuật. Vậy nên, ông lái đò cũng đã thông thạo "quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này". Đối diện với "thạch trận" có rất nhiều cửa tử và cực hiếm cửa sinh, mỗi cửa sinh đều nằm ở những nơi khó xác định, dễ nhầm lẫn với cửa tử nhưng ông lái đò vẫn nhớ được chính xác các cửa sinh, cửa tử trên thác đá. Ông tìm ra chúng một cách dễ dàng và đi đúng hướng cửa sinh, giúp con đò vượt qua một cửa ải nguy khốn. 

Trong trận chiến với thác đá sông Đà có rất nhiều hiểm nguy rình rập lấy người lái đò. Đây là cuộc chiến không cân sức giữa một bên là thiên nhiên to lớn, hùng vĩ, rợn ngợp và một bên là chiếc thuyền mỏng manh có ông lái đò đã qua bảy mươi. Thế nhưng, nhà đò vẫn dũng cảm đối mặt với những tình huống nguy cấp, khó khăn nhất. Khi mà "sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất" khiến ông bị thương, ông vẫn "cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch đi", đưa con thuyền vào đúng cửa sinh. Dù có bị đau thì ông đò vẫn cố hết sức để chiến đấu và giành lấy chiến thắng trong trận quyết chiến này. Từ đó, người đọc thấy được sự dũng cảm, gan dạ, kiên cường của người lái đò tưởng như rất bình thường nhưng lại mang tầm vóc của người anh hùng. 

Trong cảnh vượt thác, những ngón nghề điêu luyện của ông lái đò còn khiến người đọc cảm thán về độ chính xác trong cách vượt qua từng vòng vây. Tác giả đã đặt nhà đò trong hoàn cảnh bắt buộc phải đối phó với "dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh" để có thể cho thuyền đi tiếp. Từ hoàn cảnh đó, đôi tay khéo léo, linh hoạt của người chèo thuyền mới có dịp được bung hết tài năng. Giữa rất vô vàn cửa tử và số ít cửa sinh, người lái đò có thể lái đúng vào luồng bước cửa sinh. Ông cưỡi lên thác đá, "lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy". Từ "lái miết" đã miêu tả một đường lái chính xác, đẹp, mượt mà, điêu luyện đến đúng nơi mình cần. Dường như lúc này, con thuyền và nhà đò đã hòa làm một, cùng nhau đối phó với thác đá hung dữ chứ không phải là hai sự vật tách rời, chứa đựng nhau như trước nữa. 

Qua cảnh vượt thác, ta có thể nhận thấy rằng ông lái đò là một người nghệ sĩ tài hoa trong công việc của mình. Nhà đò đã cực kì am hiểu dòng sông như am hiểu người bạn tri kỉ của mình. Ông thực hiện những thao tác lái nhanh nhẹn, điêu luyện để vượt qua thác nước sông Đà một cách đầy tự tin. Không những thế, người lái đò còn có thể xứng danh là người anh hùng dũng cảm, gan dạ trong trận chiến đầy khốc liệt, không cân sức với sông Đà hung bạo. Cả chất nghệ sĩ lẫn chất anh hùng đều được ẩn giấu trong hình hài của một người lao động bình thường đang ngày ngày cống hiến cho Tổ quốc. 

Hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác chính là một người dân bình thường, giản dị nhưng lại có những phẩm chất như gan dạ, kiên cường, dũng cảm và luôn luôn yêu mến, tự hào về công việc của mình. Qua đó, tác giả Nguyễn Tuân muốn ca ngợi những con người lao động chân chính, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng và phát triển Tổ quốc. 

 - - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Cái tôi đầy tài hoa, uyên bác của nhà văn Nguyễn Tuân đã giúp ông tìm ra chất "vàng mười đã qua thử lửa" của ông lái đò trong cảnh vượt thác. Ngoài bài mẫu này, em có thể tham khảo thêm các mẫu khác trên Taimienphi.vn như: Phân tích thứ vàng mười trong Người lái đò sông Đà; Hình tượng người lái đò qua bài tùy bút Người lái đò Sông Đà; Đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân trong tùy bút Người lái đò sông Đà.

 

2. Bài văn Cảm nhận về hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác siêu hay của học sinh giỏi số 2

Ca ngợi người lao động là một chủ đề rất quen thuộc trong thời kì xây dựng đất nước. Cũng viết về chủ đề người lao động, hình tượng người lái đò sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà mà Nguyễn Tuân miêu tả lại mang nét độc đáo riêng. Người lái đò vô danh trong tác phẩm của Nguyễn Tuân cũng đẹp như một người anh hùng trong hành trình chinh phục thiên nhiên và trở thành một người nghệ sĩ vượt thác.

Để làm nổi bật phẩm chất của người lái đò, Nguyễn Tuân đã đặt ông đò vào trong môi trường thác đá - nơi mà dòng sông Đà hung bạo nhất để làm nổi bật lên phẩm chất của ông. Một mình ông lái đò chống chọi với muôn vàn tướng đá, lính đá, vượt qua cả một "thạch trận" khổng lồ giữa dòng sông Đà khắc nghiệt với những "boongke chim, pháo đài nổi", với những cửa sinh cửa từ và những luồng nước chết. Người lái đò và con thuyền của mình giữa "dòng thác hùm beo trở nên thật nhỏ bé, mong manh. Hành trình vượt thác của người lái đò trở thành cuộc hành trình kiếm tìm sự sống từ những con thác dữ. Vậy nên, ông đò, để vượt thác thành công, không chỉ phải có sự am hiểu thiên nhiên, lòng dũng cảm mà còn cả bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ nữa.

Trước hết, ta cảm nhận được ở ông đò là một người am hiểu thiên nhiên, am hiểu về đối tượng mà mình chiến đấu mà ở đây chính là dòng thác đá sông Đà. Sau những lần chiến đấu với đầy thách thức, ông đò đã nắm được quy luật của thác đá. Nếu sông Đà là một thạch trận khổng lồ thì ông đò lại nắm được "binh pháp của thần sông thần đá". Ông cũng thuộc lòng những "quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này".Thậm chí, người lái đò ấy còn nắm được cả những cửa sinh cửa tử trên dòng thác hung dữ ấy. Ở vòng đầu, nó "mở ra bốn cửa tử một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ phía tả ngạn sông", vòng thứ hai "cửa sinh bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn", vòng ba "cửa sinh nằm giữa bọn đá hậu vệ bao vây bởi những luồng nước chết". Có thể nhận thấy, ông đò có một trí nhớ thật siêu phàm được tôi luyện qua những cuộc đấu sinh tử với dòng thác hung bạo này. Vì vậy, khi đối mặt với lần vượt thác, ông lái đò có thể tự tin mà đối phó linh hoạt với thiên nhiên. Ông "đổi thay chiến lược" hay "ông tránh mà rảo bơi chèo lên", ...tất cả được đúc kết từ những lần vượt thác, được ghi nhớ trong trí nhớ của ông.

Thế nhưng, thác đá sông Đà hung bạo là thế, vượt qua nó, không chỉ cần kiến thức mà hơn cả là phải có lòng can đảm hơn người. Để làm nổi bật lên sự dũng cảm của người lái đò, Nguyễn Tuân đã đặt ông vào trong tình thế ngặt nghèo nhất, đó là khi "sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất" và luồng nước dữ đã "bóp chặt hạ bộ của người lái đò". Con sóng thác đã làm người lái đò phải đau đớn, "mặt méo bệch đi". Trong tình thế ấy, người lái đò chỉ cần lơ là là có thể sơ sẩy ngay, thế nhưng với kinh nghiệm của mình, ông đủ hiểu rằng chỉ một phút lơi tay thì sẽ phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Chính vì thế vượt lên trên nỗi đau, ông đồ "cố nén vết thương", dùng tinh thần chế ngự nỗi đau thể xác mà "kẹp chặt lấy cuống lái" đưa con thuyền vào đúng cửa sinh. Trong tình huống nguy hiểm nhất cũng là lúc ông đò bộc lộ tất cả sự dũng cảm của mình, sự bình tĩnh, kiên trung, tỉnh táo và gan góc. Phẩm chất đó đã làm ông đò trở thành một vị anh hùng trên sông nước.

Và để chiến thắng dòng thác dữ của sông Đà, ông lái đò còn phải có bàn tay khéo léo tài hoa, nơi phô diễn tất cả cái đẹp của nghệ thuật vượt thác. Nguyễn Tuân đã đặt ông vào trong tình cảnh đặc biệt, đó là khi phải đối phó "dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá". Dòng sông hung bạo như loài mãnh thú, muốn cuốn phăng tất cả và ông lái đò như một người nghệ sĩ thực thụ mà thuần phục con mãnh thú ấy. Ông "cưỡi lên thác sông Đà", "phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ". Ông nắm lấy cái "bờm sóng" rồi "ghì cương lái, lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy". Hai chữ "lái miết" cho thấy một đường lái căng, chính xác đến tuyệt vời. Đó là điều làm nên tài hoa trong nghệ thuật vượt thác mà ông đã rèn luyện qua bao lần sinh tử cùng con sông.

Giữa những dòng thác đang gào thét, con thuyền của ông lái đò vẫn lướt đi 'vút! Vút!...

" vượt qua tất cả "trùng vi thạch trận" trên sông với những đường lái chính xác. Nhìn con thuyền băng băng trên thác đá, người ta có cảm nhận rằng con thuyền ấy dường như tự "lái được lượn được". Con thuyền đã trở thành một sinh thể sống mà chính ông lái đò là người truyền cho nó sự sống đó. Nó và ông đò đã trở thành một khối thống nhất để ông có thể điều khiển nó như một phần thân thể của mình.

Nguyễn Tuân tiếp cận con người trên phương diện thẩm mỹ, thế nên có thể thấy những người lao động bình dị cũng mang những phẩm chất anh hùng và vẻ tài hoa của một người nghệ sĩ. Là những người anh hùng, những người nghệ sĩ nhưng họ cũng vẫn chỉ là những con người nơi đời thường chất phác và bình dị. Người lái đò sau khi vượt thác trở về với đời thường, "đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam", nói những câu chuyện phiếm về "cá an vũ, cá xanh", ... Trong những câu chuyện phiếm ấy là gửi gắm bao nhiêu ước mơ, khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cuộc vượt thác với họ cũng chỉ là cuộc sống thường ngày bởi "ngày nào cũng chiến đấu với sông Đà dữ dội" và "giành lấy sự sống từ tay những cái thác". Những suy nghĩ ấy càng làm tôn lên vẻ đẹp của người lao động bình dị và những cống hiến lặng thầm của họ.

Nguyễn Tuân đã xây dựng hình tượng người lái đò sông Đà bằng cảm hứng lãng mạn cũng như với tất cả niềm tự hào, trân trọng, tôn vinh. Nghệ thuật đòn bẩy, thủ pháp tương phản và cường điệu đã giúp Nguyễn Tuân xây dựng hình ảnh ông đò không hề bé nhỏ trước thiên nhiên mà như một người hùng, một người nghệ sĩ tài hoa. Quan niệm độc đáo về cái đẹp đã khiến hình ảnh một ông đò thật khó quên trong lòng bạn đọc.

-----------------HẾT-----------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-hinh-tuong-nguoi-lai-do-song-da-trong-canh-vuot-thac-66232n.aspx
Hình tượng người lái đò sông Đà thật khiến người đọc khó quên, đặc biệt là tác phẩm tùy bút Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân. Các bài tham khảo như Phân tích vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của con Sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà, Phân tích hình ảnh con sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà, Cảm nhận về hình tượng người lái đò qua bài tùy bút Người lái đò sông Đà, phân tích người lái đò sông đà của Nguyễn Tuân sẽ giúp chúng ta hiểu rõ về tác phẩm này.

Tác giả: Trấn thành     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Cảm nhận về hai hình tượng Sông Đà và Sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông và Người lái đò sông Đà
Cảm nhận tính cách hung bạo sông Đà trong Người lái đò Sông Đà hay nhất
Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà trong tùy bút Người lái đò sông Đà
Phân tích những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân thể hiện trong Người lái đò sông Đà
Cảm nhận về danh xưng chất vàng mười Tây Bắc mà Nguyễn Tuân dành tặng ông lái đò trong Người lái đò sông Đà
Từ khoá liên quan:

cam nhan ve hinh tuong nguoi lai do song da trong canh vuot thac

, dan y hinh tuong nguoi lai do trong canh vuot thac, phan tich canh vuot thac trong nguoi lai do song da,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới