Đề bài: Cảm nhận về bữa cơm ngày đói trong tác phẩm Vợ nhặt
Cảm nhận về bữa cơm ngày đói trong tác phẩm Vợ nhặt
I. Dàn ý Cảm nhận về bữa cơm ngày đói trong tác phẩm Vợ nhặt (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về truyện ngắn Vợ nhặt và chi tiết bữa cơm ngày đói
2. Thân bài
* Khái quát chung:
- Vị trí chi tiết: Nằm gần cuối tác phẩm
- Chi tiết bữa cơm ngày đói góp phần thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm
* Cảm nhận về chi tiết bữa cơm ngày đói:
- Phản ánh tình cảnh thảm thương của con người trong nạn đói:
+ Mâm cơm ngày đói chỉ có "một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo"
+ Niêu cháo lõng bõng mà "mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn"
+ Gia đình bà cụ Tứ phải ăn cháo cám-thứ đồ ăn vốn không dành cho con người.
→ Khi nạn đói hoành hành, con người bị đẩy đến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Những món đồ ăn đơn giản đến mức thảm hại lại là thứ cứu đói cho cả gia đình bà cụ Tứ.
- Bộc lộ được vẻ đẹp đáng quý bên trong mỗi nhân vật:
+ Trong bữa cơm, bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui vẻ, tốt đẹp sau này để động viên các con.
→ Trong cảnh khốn cùng của nạn đói, khi sự sống của con người trở nên mong manh, nhỏ bé thì các nhân vật trong truyện vẫn luôn lạc quan và hướng về một tương lai tốt đẹp phía trước.
+ Miếng cháo đắng chát, nghẹn bứ gợi ra bên trong anh cu Tràng trách nhiệm trong gia đình.
+ Chị vợ nhặt thể hiện sự ý nhị, tinh tế trong cách ứng xử và sự chủ động trò chuyện để xua đi không khí nặng nề của bữa cơm.
* Ý nghĩa của chi tiết:
- Lên án tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật
- Thể hiện sự trân trọng với những vẻ đẹp đáng quý của con người, đó là tình thương, là khát khao hạnh phúc và sức sống mãnh liệt.
--> Trong cơn nguy khốn nhất, dù bị nạn đói vắt kiệt sự sống thì những con người vẫn luôn lạc quan, họ đùm bọc, nâng đỡ nhau và cùng hướng về tương lai tốt đẹp với một niềm tin mãnh liệt.
3. Kết bài
Rút ra kết luận chung
II. Bài văn mẫu Cảm nhận về bữa cơm ngày đói trong tác phẩm Vợ nhặt (Chuẩn)
Vợ nhặt là truyện ngắn hiện thực xuất sắc của nhà văn Kim Lân viết về nạn đói năm 1945. Thông qua nhân vật anh cu Tràng, bà cụ Tứ và chị vợ nhặt, nhà văn Kim Lân không chỉ tái hiện sống động không khí ngột ngạt, tù đọng của nạn đói mà qua đó còn đã làm nổi bật lên vẻ đẹp của tình thương và sức sống mãnh liệt bên trong con người. Đặc biệt, thông qua chi tiết bữa cơm ngày đói gần cuối tác phẩm, người đọc càng thêm trân trọng vẻ đẹp đáng quý của những nhân vật này, bởi: "Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người".
Trong buổi sáng đầu tiên về nhà chồng, chị vợ nhặt đã cùng bà cụ Tứ dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa cơm gia đình. Sự xuất hiện của chị vợ nhặt như thổi thêm nguồn sinh khí mới cho ngôi nhà của mẹ con Tràng. Ngôi nhà lụp xụp, tồi tàn của mẹ con Tràng trở nên gọn gàng, ngăn nắp, khu vườn nhỏ cũng được dọn sạch cỏ trở nên sạch sẽ, tươi mới. Khuôn mặt bủng beo, u ám của bà cụ Tứ cũng trở nên tươi tỉnh khác hẳn ngày thường, anh cu Tràng cũng trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát hơn. Không khí ấm áp, hài hòa của tình thân đã làm cho người ta quên đi những ám ảnh khủng khiếp của nạn đói. Thế nhưng, trong bữa cơm gia đình, một lần nữa không khí như bị trùng xuống bởi cái đói, cái khát vẫn cứ bủa vây, trực chờ để dồn con người ta đến bước đường cùng của sự bất lực và tuyệt vọng.
Bữa cơm đầu tiên khi gia đình có thêm nàng dâu mới cũng thật đặc biệt, không có "mâm cao cỗ đầy" hay những món ăn đặc biệt mà lại đơn giản đến mức thảm hại "Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo.. ". Chỉ với một vài nét miêu tả, nhà văn Kim Lân đã tái hiện đầy chân thực mà cũng không kém phần xót xa về tình cảnh thảm thương của con người trong nạn đói. Khi nạn đói hoành hành, con người bị đẩy đến ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Một niêu cháo lõng bõng mà "mỗi người được có lưng lưng hai bát đã hết nhẵn" lại là nguồn sống cho cả gia đình cụ Tứ Sự trong cảnh đói khát. Sự sơ sài, thiếu thốn của mâm cơm ngày đói khiến người ta phải xót xa, thương cảm.
Thế nhưng, có thể nói Kim Lân đã rất tinh tế khi xây dựng chi tiết bữa cơm ngày đói, bởi qua đó không chỉ tái hiện tình cảnh khốn cùng của những người nông dân nghèo trong nạn đói mà còn thể hiện giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc. Trong tận cùng của nạn đói, khi sự sống của con người trở nên mong manh, nhỏ bé thì các nhân vật trong truyện vẫn luôn lạc quan và hướng về một tương lai tốt đẹp phía trước. Trong bữa cơm, bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui vẻ, tốt đẹp sau này để động viên các con "Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này: Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà... này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem". Có lẽ bà lão muốn gieo vào lòng các con hi vọng để các con có thể yêu thương và cùng nhau vượt qua được giai đoạn đầy khó khăn này.
Tấm lòng người mẹ còn được thể hiện qua món quà cưới đầy đặc biệt, bà lão "lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút". Món cháo cám được bà cụ Tứ giới thiệu với giọng điệu hào hứng, phấn khởi "Vừa khuấy khuấy vừa cười: chè khoán đây, ngon đáo để cơ". Dù gia cảnh nghèo khó lại gặp nạn đói hoành hành khiến gia đình đã nghèo lại càng thêm cơ cực, thảm thương. Thế nhưng, để chào đón cô con dâu mới, bà cụ vẫn cố gắng chuẩn bị món quà cưới để tạo bất ngờ cho các con. Ngay khi không khí bữa cơm trùng xuống bởi miếng cám đắng chát, nghẹn bứ nơi cổ thì bà cụ Tứ vẫn cố động viên các con "Cám đấy mày ạ. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy".
Có thể nói bữa cơm ngày đói đã phản ánh hiện thực đầy khốc liệt của nạn đói, khi con người phải ăn cả những thứ vốn không dành cho con người để duy trì sự sống. Thế nhưng, đằng sau sự thảm hại ấy ta lại cảm nhận được sự ấm áp cao cả của tình người. Miếng cháo đắng chát, nghẹn bứ gợi ra tình cảnh thảm hại thế nhưng nó lại là tất cả tình yêu của bà cụ Tứ dành cho các con. Vị đắng của miếng cháo cũng khơi dậy trong anh cu Tràng trách nhiệm trong gia đình, mà cũng miếng cháo đắng chát thảm hại ấy đã góp phần thể hiện được sự ý nhị, tinh tế và mong muốn vun vén hạnh phúc gia đình của chị con dâu.
Qua chi tiết mâm cơm ngày đói, nhà văn Kim Lân không chỉ lên án tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật mà còn thể hiện sự trân trọng với những vẻ đẹp đáng quý của con người, đó là tình thương, là khát khao hạnh phúc và sức sống mãnh liệt. Trong cơn nguy khốn nhất, dù bị nạn đói vắt kiệt sự sống thì những con người vẫn luôn lạc quan, họ đùm bọc, nâng đỡ nhau và cùng hướng về tương lai tốt đẹp với một niềm tin mãnh liệt.
-------------------HẾT--------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-bua-com-ngay-doi-trong-tac-pham-vo-nhat-68892n.aspx
Trên đây chúng tôi đã cùng các em Cảm nhận về bữa cơm ngày đói trong tác phẩm Vợ nhặt, khám phá thêm nhiều nội dung đặc sắc khác trong tác phẩm, các em không nên bỏ qua bài: Suy nghĩ về kết thúc truyện Vợ nhặt, Phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt, Cảm nhận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt, Cảm nhận về vẻ đẹp tình mẫu tử của bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt.