Vợ nhặt của Kim Lân là tác phẩm xuất sắc khi tái hiện chân thực hoàn cảnh khốn khó của những người dân nghèo trong nạn đói kinh hoàng năm 45. Hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài Phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt trên Taimienphi.vn nhé!
Đề bài: Phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân.
Phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt trong truyện ngắn Vợ Nhặt của Kim Lân
I. Dàn ý Phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt ngắn gọn (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Kim Lân, tác phẩm Vợ Nhặt, vấn đề - vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt.
2. Thân bài
a. Khái quát chung
- Người đàn bà có ngoại hình tiều tụy, khổ sở.
- Hiện thân tiêu biểu của nạn đói.
- Để trốn tránh cái đói, người đàn bà chấp nhận theo không một người đàn ông về làm vợ.
b. Phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt
* Hoàn cảnh của người vợ nhặt:
- Nghèo khổ, không nhà, không tên, không miếng ăn, không việc làm.
- Hình dáng tiều tụy, xanh xao.
* Vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt:
- Khao khát sống mãnh liệt: bạo dạn trêu đùa với anh Tràng để kiếm bữa ăn, chấp nhận theo không làm vợ Tràng chỉ để có nhà, có nơi nương tựa vượt qua cái chết đang cận kề.
- Là người phụ nữ hiền lành, đảm đang khi trở thành vợ Tràng: quét dọn, thu vén nhà cửa, lời lẽ hiền hậu, đúng mực.
- Niềm tin vào tương lai tươi sáng: kể chuyện phá kho thóc Nhật của Việt Minh => hiểu biết về Việt Minh và giác ngộ hai mẹ con Tràng, gia đình và hơi ấm tình người sẽ giúp cuộc đời thay đổi.
* Đánh giá về nội dung và nghệ thuật
- Nội dung: Nhân vật người vợ nhặt là người có ý thức vươn lên, khao khát cuộc sống, tinh thần giác ngộ cách mạng. Qua nhân vật này, tác giả muốn làm nổi bật số phận bi thảm của người nông dân trước Cách mạng, khao khát hạnh phúc và tổ ấm gia đình, đùm bọc lẫn nhau, niềm tin vào tương lai.
- Nghệ thuật: Nghệ thuật xây dựng nhân vật, miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật.
3. Kết bài
Khẳng định vẻ đẹp nhân vật, giá trị của tác phẩm, tài năng nghệ thuật của tác giả.
II. Bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt hay nhất (Chuẩn)
1. Bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt siêu hay số 1
1.1. Dàn ý Vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt - Văn 12:
1.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt.
1.1.2. Thân bài:
a, Khái quát chung:
- Người phụ nữ không có tên tuổi, quê quán.
- Sống trong hoàn cảnh nghèo đói, đau thương.
- Ngoại hình tiều tụy, xanh xao.
- Thái độ chua chát, sưng sỉa.
=> Cái đói đã khiến con người bị biến dạng về cả ngoại hình và tính cách.
=> Sự cảm thông, đau xót cho số phận thảm thương của người dân trong nạn đói.
b, Vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt:
* Người phụ nữ có khao khát sống mãnh liệt:
- Bạo dạn trêu đùa với Tràng để kiếm bữa ăn qua ngày.
- Sẵn sàng theo Tràng về mà không cần sính lễ.
- Chịu đựng, nén tiếng thở dài khi thấy gia cảnh nghèo khó của nhà Tràng.
* Người phụ nữ hiền lành, đảm đang:
- Rón rén, ngại ngùng bước sau Tràng trên đường về nhà.
- Ngượng nghịu khi lần đầu gặp mẹ chồng.
- Ra dáng một người dâu hiền vợ thảo, dậy sớm cùng mẹ chồng quét dọn vườn tược.
- Lời lẽ nhẹ nhàng, đúng mực.
* Con người có niềm tin vào tương lai tươi sáng:
- Kể cho gia đình về chuyện phá kho thóc Nhật của Việt Minh.
- Có sự hiểu biết và giác ngộ, thắp lên ngọn lửa hi vọng trong gia đình.
c, Đánh giá chung:
- Nội dung:
+ Khắc họa chân thực hoàn cảnh khốn cùng của người dân nghèo trong nạn đói.
+ Đề cao những phẩm chất tốt đẹp của con người: lòng yêu thương, ý thức vươn lên trong cuộc sống, tinh thần giác ngộ cách mạng.
- Nghệ thuật:
+ Nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc.
+ Xây dựng tình huống truyện độc đáo, làm nổi bật nhiều nét tính cách của nhân vật.
1.1.3. Kết bài:
- Khẳng định lại vẻ đẹp của người vợ nhặt.
- Liên hệ mở rộng.
1.2. Bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt chọn lọc hay nhất
Kim Lân được đánh giá là một trong những cây bút kì cựu của làng văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông thường lấy chủ đề về nông thôn và những người nông dân. Từ đó, tái hiện một cách chân thực, xúc động cuộc sống và con người chốn làng quê. Tiêu biểu trong những sáng tác của ông phải kể đến "Vợ nhặt". Truyện ngắn đã vẽ lên bức tranh xã hội năm 1945 - thời điểm nạn đói đang hoành hành. Nhân vật thị - người vợ được "nhặt" về chính là đại diện tiêu biểu cho những người dân nghèo giai đoạn đó. Bằng con mắt tinh tường cùng lòng nhân đạo đáng quý, Kim Lân đã khắc họa nhân vật này với vẻ đẹp khuất lấp sau vỏ bọc cong cớn, chỏng lỏn.
Người vợ nhặt hiện lên trong tác phẩm như một kẻ vô danh. Thị không có tên gọi riêng, cũng chẳng rõ quê quán nơi đâu. Ngay cái danh xưng "thị" cùng việc "nhặt" vợ cũng đã nói lên được sự rẻ rúng của số phận con người. Sống trong hoàn cảnh nghèo đói, đau thương, thị không chỉ bị biến dạng về ngoại hình mà còn tha hóa cả về nhân cách. Người đàn bà ấy hiện lên với "áo quần tả tơi như tổ đỉa","gầy sọp", "khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt", "cái ngực gầy lép". Dáng vẻ tiều tụy ấy chính là bức chân dung của biết bao người dân nghèo trong nạn đói. Cái đói khiến cho họ ngày một xanh xao. Họ bất chấp tất cả, bỏ qua cả danh dự, phẩm giá chỉ để có được miếng ăn. Một loạt các hành động của người vợ nhặt đã diễn tả chân thực điều này: "sầm sập chạy đến", "sưng sỉa", "cong cớn", "cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì",... Qua đây, Kim Lân còn bày tỏ sự cảm thông, đau xót cho số phận của những người dân nghèo trong nạn đói.
Vậy nhưng, tất cả những nét chua ngoa, đanh đá, bỗ bã của thị đều chỉ là vỏ bọc bên ngoài. Ẩn sâu trong tâm hồn người phụ nữ ấy vẫn là bao phẩm chất tốt đẹp. Dễ thấy nhất có lẽ là khát vọng sống, khao khát tồn tại cuộn trào mãnh liệt. Để kiếm miếng ăn qua ngày, thị cùng những người khác thường ngồi ngay trước cổng kho thóc "nhặt hạt rơi hạt vãi" hoặc "ai có công việc gì gọi đến thì làm". Thị bỏ qua mặt mũi để trêu đùa với Tràng vì nghĩ sẽ được ăn "cơm trắng với giò". Là một kẻ tứ cố vô thân, thị chẳng ngần ngại theo Tràng về nhà. Trong hoàn cảnh bấy giờ, Tràng như "chiếc phao cứu sinh" để thị bám víu vào nhằm duy trì sự sống. Thành gia lập thất là chuyện lớn của đời người. Vậy mà thị chẳng cần sính lễ vẫn sẵn sàng làm vợ người mình chỉ gặp có hai lần. Cả khi thấy gia cảnh nghèo khó nhà Tràng, thị cũng im lặng chịu đựng, "nén tiếng thở dài". Có thể thấy, người phụ nữ này biết và hiểu hoàn cảnh của bản thân. Thị chẳng có nơi nào để đi, không có ai để dựa vào. Thế nên một mái tranh rách thị cũng muốn bám lấy. Đây chính là bước ngoặt trong cuộc đời thị, là phút giây thị chính thức có một gia đình. Qua chi tiết này, Kim Lân không chỉ nói lên được số phận đáng thương của con người bấy giờ mà còn đề cao khát vọng sống mãnh liệt trong tâm hồn họ.
Khi về làm dâu nhà Tràng, thị như hoàn toàn lột xác. Khác với vẻ đanh đá, chua ngoa ban đầu, thị giờ đây ra dáng một người vợ hiền thục, ý nhị. Suốt dọc đường về, thị ngoan ngoãn nép sau Tràng, "ngượng nghịu" đến mức "chân nọ bước díu cả vào chân kia". Vào đến nhà, cô cũng chỉ dám "ngồi mớm ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần". Lúc gặp mẹ chồng lần đầu, thị tỏ ra vô cùng lễ phép, hiền dịu và biết điều. Đã về nhà người ta làm dâu, thị quán xuyến gần như mọi việc. Từ giặt giũ, phơi phong quần áo, đổ đầy hai chum nước đến cả dọn dẹp, thu vén vườn tược, nhà cửa. Người vợ nhặt giờ đây đã thức tình thiên chức chăm sóc, lo toan chu toàn cho gia đình mình. Ngay cả đến lời nói, thái độ của thị cũng trở nên đúng mực, hiền hậu vô cùng. Cái không khí gia đình đã thay đổi thị, giúp thị trở lại với những phẩm chất tốt đẹp vốn có. Như vậy, vỏ bọc chanh chua khi trước đã bị gỡ xuống, trả cho Tràng một người vợ hiền hậu, đảm đang.
Không chỉ có vậy, thị còn thể hiện được sự hi vọng, niềm tin vào một tương lai tươi sáng, no đủ và hạnh phúc hơn. Trong bữa cơm, cô kể về chuyện nhân dân vùng Thái Nguyên, Bắc Giang "không đóng thuế nữa", "phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói". Như vậy, thị có biết về Việt Minh, biết về sự giác ngộ của Cách mạng. Từ những lời nói của mình, thị đã thắp lên hi vọng trong lòng mỗi người trong gia đình.
Có thể nói, bằng nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc cũng như cách tạo tình huống độc đáo, Kim Lân đã làm nổi bật lên hình ảnh người vợ nhặt với bao phẩm chất tốt đẹp. Thị không chỉ là đại diện cho vô số những người dân nghèo trong nạn đói mà còn góp phần thể hiện cái nhìn đầy nhân đạo của nhà văn. Ở thị tỏa sáng với khát vọng sống mãnh liệt, ý thức vươn lên trong cuộc sống và tinh thần giác ngộ Cách mạng đáng quý.
Tựu chung lại, qua hình tượng người vợ nhặt với vẻ đẹp khuất lấp, độc giả đã thấy rõ hơn tài năng nghệ thuật cũng như tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà văn Kim Lân. Ngòi bút của ông hướng đến bao con người đói khát, khổ cực, luôn ở ranh giới giữa sự sống và cái chết nhưng vẫn khát khao cuộc sống gia đình đầy đủ, hạnh phúc. Đây cũng chính là điểm nhấn khiến cho tác phẩm giữ vững vị trí, giá trị của mình trong dòng chảy văn học rộng lớn.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
Khi phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt, em hãy chú ý đến các chi tiết miêu tả tâm lí, hành động và thái độ của nhân vật trong tác phẩm nhé. Mời em ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm các bài viết liên quan: Cảm nhận về chi tiết bữa ăn đầu tiên đón nàng dâu mới ở phần cuối tác phẩm Vợ Nhặt, Cảm nhận về nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt, Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt, Cảm nhận về vẻ đẹp tình mẫu tử của bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt.
2. Bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người vợ nhặt siêu hay số 2
Nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử nước ta năm 1945 đã được tái hiện qua ngòi bút của Kim Lân trong tác phẩm "Vợ nhặt". Nạn đói ấy không chỉ "vắt kiệt" sự sống của con người, đặt con người ta trước ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tính cách, cuộc đời và số phận của họ. Cái đói đã đẩy con người đến bước đường cùng, khiến họ phải từ bỏ lòng tự trọng và danh dự của mình để có được miếng ăn. Người vợ nhặt đi theo Tràng hiện lên như minh chứng cho hiện thực khốc liệt và thê thảm ấy, tuy nhiên khuất lấp bên trong một con người chao chát, chỏng lỏn như thị lại là những vẻ đẹp phẩm chất sáng ngời.
Người vợ nhặt hiện lên với ngoại hình không còn gì tiều tụy hơn "áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi...", khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt. Chị ta là nạn nhân đáng thương của nạn đói, sự xuất hiện của thị trong câu chuyện cũng thật đặc biệt: "chị ta cùng mấy chị con gái nữa đang ngồi vêu ra ở ngoài đường" nghĩa là chị ta không có nhà để ở, ngồi đấy chờ ai có việc gì gọi đến thì làm. Chị ta không có công việc ổn định, lại đang trong tình cảnh thất nghiệp nên chỉ chờ xem ai có hạt rơi hạt vãi gì thì nhặt, vậy mới thấy rằng chị ta ngay cả miếng ăn cũng không có. Ngay cả cái tên, một sự sở hữu tối thiểu của một con người chị ta cũng không có, người đàn bà ấy xuất hiện với một con số "0" tròn trĩnh (không tên, không nhà cửa, không việc làm, không miếng ăn), chị ta đang ở bên bờ vực của cái chết, hay nói cách khác, cảnh ngộ của người vợ nhặt là khốn cùng và đáng thương. Tuy nhiên, ẩn sâu trong hình hài tiều tụy ấy là một khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và ý thức vươn lên mạnh mẽ của người đàn bà.
Lời nói và cử chỉ của người đàn bà ấy thể hiện rất rõ sự bạo dạn qua hai lần gặp Tràng ở chợ tỉnh. Lần đầu gặp mặt, chị ta đáp lại câu hò của Tràng một cách cong cớn và gọi Tràng là "nhà tôi" sau đó còn ton ton chạy đến đẩy xe cho Tràng, lại còn liếc mắt cười tít và gọi Tràng là "đằng ấy". Đó là những lời lẽ và cử chỉ đầy thân mật và vồ vập. Lần hai, chị ta xuất hiện trước mắt Tràng trong trạng thái tức giận, chị ta chạy đến và nói một cách sưng sỉa, trách Tràng hứa hẹn, điều đó chứng tỏ rằng chị ta đã chờ đợi cuộc hẹn với Tràng và vô cùng thất vọng khi bị lỡ hẹn. Vì quá đói mà thị đã gợi ý Tràng để được mời ăn, khi Tràng mời chị ta ăn giầu chỉ để làm quen nhưng chị ta lại muốn ăn thứ khác để được no. Và khi được đồng ý thì "hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị ngồi sà xuống ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì,..." Trong hành động ăn của người đàn bà ấy có sự đấu tranh, giành giật sự sống từ tay tử thần. Vì đã quá đói mà chị ta phải ăn để được no và để được ăn thì chị ta đã phải bỏ qua lòng tự trọng. Chưa dừng lại ở bữa ăn, điều chị ta cần không chỉ là một bữa no mà là sự sống, muốn vậy phải có chỗ dựa, vì thế sau khi ăn một chặp bốn bát bánh đúc, trước lời bông đùa của anh Tràng, chị đã đã chấp nhận theo không một người đàn ông về làm vợ. Hành động này đã thể hiện sự rẻ rúng, đáng thương của một con người, người đàn bà ấy không chỉ bỏ qua lòng tự trọng mà còn phải bỏ qua cả phẩm giá của một người con gái. Nhưng trong hoàn cảnh này, thị đã bất chấp tất cả chỉ để được sống và chị ta đã có một gia đình, đã có một cuộc đời khác. Trái ngược với dáng vẻ đanh đá, có phần trơ trẽn, vô duyên ở chợ huyện. Khi theo Tràng về nhà, chị ta trở nên rất ý nhị, đúng mực. Trước những lời bàn tán, chỉ chỏ của người dân xóm Ngụ Cư, dù khó chịu nhưng thị cũng chỉ lầm bầm trong miệng. Khi về đến nhà, gia cảnh nghèo khó của anh Tràng bày ra trước mắt khiến thị thất vọng. Thế nhưng người đàn bà ấy vẫn cố gắng giấu sự thất vọng ấy đi trong tiếng thở dài cố nén và ánh mắt tối lại. Khi gặp mặt bà cụ Tứ, người vợ nhặt đã chủ động chào hỏi, làm thân với người mẹ chồng, một thái độ rất đúng mực của người con dâu mới.
Sự thay đổi rõ nhất chính là người vợ nhặt trong buổi sáng hôm sau. Khi đã làm vợ người khác, có một gia đình, ở người đàn bà ấy thức dậy thiên chức chăm sóc của người phụ nữ. Chị ta chăm chỉ quét tước nhà cửa cho gọn gàng sạch sẽ, đó là bàn tay vun vén, là sự lo toan chu tất của người phụ nữ trong gia đình. Lời lẽ của chị ta cũng trở nên hiền hậu, đúng mực, như vậy gia đình không chỉ đem đến cho người vợ nhặt một chỗ dựa mà còn dành cho chị ta cả hơi ấm của tình người, chính những điều tốt đẹp đó đã giúp người đàn bà được thay đổi. Chị ta đã có một câu nói rất quan trọng trong bữa cơm buổi sáng hôm sau "Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy". Câu nói ấy chứng tỏ chị ta đã có hiểu biết về phong trào Việt Minh và biết sử dụng hiểu biết đó để giác ngộ người khác. Nhân vật người đàn bà ấy không chỉ đem đến cho mẹ con Tràng một hạnh phúc gia đình mà còn giúp Tràng được giác ngộ, giúp Tràng bước sang một trang đời mới, bản thân chị ta cũng được thay đổi cuộc đời.
Qua ngòi bút của Kim Lân, những con người đói khát đến mức gần kề cái chết như người vợ nhặt vẫn khao khát hạnh phúc, tổ ấm gia đình. Rộng hơn là mọi người trong hoàn cảnh đó vẫn cưu mang, đùm bọc và chia sẻ lẫn nhau. Ở họ chỉ đói ăn đói mặc chứ không bao giờ cạn kiệt niềm tin vào tương lai, hi vọng vào một ngày mai tươi sáng với những viễn cảnh hạnh phúc.
---------------HẾT---------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-ve-dep-khuat-lap-cua-nguoi-vo-nhat-69614n.aspx
Truyện Vợ nhặt để lại cho ta những tình huống truyện đặc sắc, những nhân vật đời thường chân chất và cả những chi tiết giàu cảm xúc. Hãy cùng tìm hiểu qua một số bài văn khác để có thể học tốt Ngữ văn nhé.