Truyện Prô-mê-tê và loài người là một trong những truyện kể hay giúp con người lí giải về quá trình tạo nên con người và thế giới muôn loài. Chính vì vậy, mời các em cùng tham khảo bài Phân tích, đánh giá truyện Prô-mê-tê và loài người dưới đây để có thể học tốt môn Ngữ văn lớp 10 trong năm học mới nhé.
Đề bài: Phân tích, đánh giá truyện Prô-mê-tê và loài người
Phân tích truyện Prô-mê-tê và loài người
A. Dàn ý Phân tích, đánh giá truyện Prô-mê-tê và loài người
I. Mở bài:
- Giới thiệu truyện kể: Truyện "Prô-mê-tê và loài người" được trích trong "Thần thoại Hy Lạp", truyện giải thích về sự hình thành của các loài động vật và con người.
- Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá: Nội dung, nghệ thuật của truyện "Prô-mê-tê và loài người".
II. Thân bài:
1. Xác định chủ đề của truyện "Prô-mê-tê và loài người":
- Truyện thể hiện khát vọng lí giải quá trình tạo nên con người và thế giới các loài động vật. Mỗi loài vật đều được trang bị thứ vũ khí riêng biệt để bảo vệ chính mình còn con người thì được thần linh ưu ái ban tặng thứ vũ khí riêng biệt là "ngọn lửa".
2. Phân tích, đánh giá các khía cạnh trong chủ đề của truyện kể:
a) Quá trình các vị thần tạo ra muôn vật và con người:
- Khi mặt đất còn khá vắng vẻ và buồn chán thì Prô-mê-tê và Ê-pi-mê-tê đã nảy ra một ý định là xin phép U-ra-nôx và Gai-a tạo cho thế gian một cuộc sống đông vui hơn và được hai vị thần ưng thuận.
- Thần Ê-pi-mê-tê nhận được sự chấp thuận nên vô cùng vui mừng và đã tranh việc làm trước đó là tạo ra mọi giống loài với những vũ khí riêng biệt nhưng vì sự đãng trí của bản thân mà quên ban c vũ khí cho con người.
- Thần Prô-mê-tê đã sửa sai cho em trai mình bằng cách tái tạo hình dáng con người, giúp con người đứng thẳng, đi bằng hai chân và ngài đã lấy lửa là thứ vũ khí đặc biệt để ban cho loài người.
b) Truyện thể hiện khát vọng muốn lý giải nguồn gốc của con người và ca ngợi công lao to lớn của hai vị thần:
- Qua truyện "Prô-mê-tê và loài người", ta thấy được khát vọng muốn lí giải nguồn gốc muôn loài.
- Truyện đã ngợi ca công lao to lớn của các vị thần: Nhờ công lao to lớn của hai vị thần mà muôn vật được sinh sôi, nảy nở.
3. Đánh giá tác dụng của những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong việc thể hiện chủ đề của truyện "Prô-mê-tê và loài người":
- Cách xây dựng cốt truyện: Cốt truyện đơn giản, gần gũi, xoay quanh việc các vị thần tạo ra muôn loài.
- Cách xây dựng nhân vật: Nhân vật thần thoại có những tài năng, sức mạnh phi thường nhưng cũng mang nét gần gũi với con người: tài nhìn xa trông rộng nhưng có tính đãng trí, lơ đễnh.
III. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của chủ đề và hình thức nghệ thuật của truyện "Prô-mê-tê và loài người".
- Nêu ý nghĩa của tác phẩm đối với bản thân và người đọc.
Bài văn mẫu lớp 10: Phân tích, đánh giá truyện Prô-mê-tê và loài người
B. Bài viết tham khảo
1. Phân tích, đánh giá truyện Prô-mê-tê và loài người hay nhất - mẫu số 1:
Tại sao trên Trái Đất lại có sự xuất hiện của con người và muôn vật? Đây vốn là câu hỏi khiến bất kì ai trong chúng ta cũng thắc mắc và cần tìm lời giải đáp. Để trả lời cho câu hỏi trên, truyện "Prô-mê-tê và loài người" trích trong "Thần thoại Hy Lạp" đã lí giải một cách sáng tạo về nguồn gốc thế giới loài vật và con người. Đặc biệt, truyền còn gây ấn tượng với người đọc bằng nội dung thú vị và nghệ thuật độc đáo.
Truyện "Prô-mê-tê và loài người" kể về việc hai vị thần Prô-mê-tê và Ê-pi-mê-tê nặn ra các loài vật và loài vật, đồng thời ban cho chúng một thứ vũ khí riêng biệt. Câu chuyện đã thể hiện cách lí giải nguồn gốc hình thành con người cùng thế giới các loài vật của người Hy Lạp xưa.
Truyện thần thoại là thể loại có yếu tố không gian vũ trụ và thời gian cổ xưa, không được xác định. Trong "Prô-mê-tê và loài người", hai yếu tố ấy cũng được thể hiện rõ nét qua khung cảnh buồn tẻ của thế gian khi "chỉ mới có các vị thần". Chính vì lẽ đó, hai anh em Prô-mê-tê và Ê-pi-mê-tê đã xin phép U-ra-nôx và Gai-a tạo cho thế gian một cuộc sống đông vui hơn. Nhận được sự ưng thuận, hai vị thần đã quyết định tạo ra con người và muôn vật. Người em Ê-pi-mê-tê vô cùng vui mừng và hào hứng nên đã tranh lấy việc làm ra mọi giống loài với những vũ khí riêng biệt, có loài thì "chạy nhanh như gió", có loài lại "có nọc độc gớm ghê" rồi có loài thì "có bộ lông dày", "con có sải cánh rộng", "con thì có đôi mắt xanh", "con có thân hình khổng lồ", "con thì xuống nước không chìm", "con thì trèo leo thoăn thoắt". Tuy nhiên, trong quá trình nhào nặn, thần Ê-pi-mê-tê cũng không thể tránh khỏi những sai lầm. Vì sự đãng trí của mình, thần đã quên bạn phát vũ khí tự vệ cho loài người. Để có thể sửa sai cho em trai của mình, thần Prô-mê-tê đã tái tạo để con người có dáng đứng thẳng, đi bằng hai chân và lấy lửa làm thứ vũ khí đặc biệt để ban cho loài người. Kể từ đây, cuộc sống của con người ngày càng trở nên tốt đẹp, văn minh hơn. Ngọn lửa của Prô-mê-tê chính là ngọn lửa của sự sống, mang đến cho con người ánh sáng thoát khỏi cảnh u tối của màn đêm:
"Và từ đó dẫu mong manh và bấy yếu
Giống loài người đã có ngọn lửa của Prô-mê-tê
Ngọn lửa thiêng dạy cho họ biết bao nghề".
Truyện "Prô-mê-tê và loài người" đã khắc họa nổi bật chủ đề của truyện thần thoại - lí giải nguồn gốc của con người và thế giới muôn vật, đồng thời là những ngợi ca của người Hy Lạp xưa đối với công lao to lớn của mỗi vị thần. Qua câu chuyện , ta thấy cách lí giải nguồn gốc con người của người Hy Lạp xưa xuất phát từ mong muốn có một cuộc sống phong phú, văn minh và tươi sáng hơn.
Để làm sáng tỏ chủ đề của truyện, chúng ta phải kể đến những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật. Truyện "Prô-mê-tê và loài người" có cốt truyện đơn giản, gần gũi, xoay quanh việc các vị thần tạo ra muôn vật và con người. Bên cạnh đó, việc khắc họa nhân vật là các vị thần quen thuộc cũng tạo nên sự hấp dẫn cho cốt truyện. Hai nhân vật là Prô-mê-tê và Ê-pi-mê-tê những vị thần, nắm giữ sức mạnh phi thường mà con người không thể có. Tuy nhiên, hai vị thần lại có nét tính cách gần gũi với con người. Đó là thần Ê-pi-mê-tê "đần độn", đãng trí khi quên ban phát vũ khí cho con người. Đó còn là thần Prô-mê-tê có tầm nhìn xa trông rộng trong việc sửa chữa các sai lầm của người em.
Truyện "Prô-mê-tê và loài người" được lưu truyền qua nhiều thế hệ và được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Thế giới tâm linh vẫn luôn là thế giới bí ẩn mà con người sử dụng để giải thích cho những sự vật, hiện tượng không thể lí giải trong cuộc sống hằng ngày. Truyện "Prô-mê-tê và loài người" đã giúp chúng ta thấy được trí tưởng tượng cùng sáng tạo của người Hy Lạp xưa. Qua đây, chúng ta cần trân trọng những giá trị tốt đẹp của các nền văn minh khác nhau trên thế giới.
Trên đây là bài Phân tích, đánh giá truyện Prô-mê-tê và loài người. Mong rằng qua bài viết này, các em sẽ nắm chắc được kiến thức khi viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá về một truyện kể.
2. Phân tích, đánh giá truyện Prô-mê-tê và loài người lớp 10 chọn lọc - mẫu số 2:
Từ xưa, các vị thần đã trở thành một phần không thể thiếu trong tín ngưỡng của nhân loại. Đặc biệt phải kể đến những vị thần Hy Lạp cổ đại với những cái tên vô cùng quen thuộc như U-ra-nôx, Gai-a, Dớt, Hê-ra,... Trong số đó, ta không thể bỏ qua Prô-mê-tê - thần đã đem lại sự sống, thắp sáng tương lai cho sự phát triển của nhân loại.
Câu chuyện “Prô-mê-tê và loài người” nói riêng cũng như thần thoại nói chung đều phản ánh mong muốn, khát vọng lí giải thế giới của con người. Truyện kể về thế gian từ thuở mới khai sinh. Khi ấy, trên mặt đất mênh mông chỉ toàn các vị thần. Để thoát khỏi tình cảnh buồn tẻ đó, hai anh em Prô-mê-tê và Ê-pi-mê-tê đã xin thần bầu trời U-ra-nôx và đất mẹ Gai-a được tạo ra thêm các sinh vật. Ê-pi-mê-tê dùng đất và nước nhào nặn thành vô số loài vật rồi đưa cho anh mình - Prô-mê-tê xem xét, sửa chữa. Trong khi tất cả các loài khác đều có “vũ khí” tự vệ, con người lại trần trụi, yếu đuối. Thần Ê-pi-mê-tê đã quên mất làm “vũ khí” cho loài người. Để sửa chữa, bù đắp điều này, thần Prô-mê-tê cải tạo hình dáng, giúp con người đi bằng hai chân. Đặc biệt, thần còn trao tặng con người ngọn lửa, mở ra kỉ nguyên ánh sáng cho toàn nhân loại.
Qua nội dung kể trên, bên cạnh việc lí giải nguồn gốc thế giới, ta còn thấy được sự ngợi ca, biết ơn dành tới các vị thần. Họ là những đấng tối cao, cai quản và trị vì muôn cõi. Ấy vậy nhưng họ vẫn quan tâm đến nhân loại nhỏ bé, ưu ái trao cho con người ngọn lửa của thần Mặt Trời Hê-li-ôx. Chính nhờ sự sửa chữa của Prô-mê-tê, con người mới có hình dáng đẹp đẽ, thanh tao như các vị thần. Đồng thời có thể đi bằng hai chân và sử dụng đôi tay vào những việc khác. Cũng bởi có ngọn lửa Prô-mê-tê trao cho, con người thoát ra được sự tối tăm, lạnh giá và đói khát. Thứ “vũ khí” này lợi hại hơn hết thảy bộ lông, hàm răng hay cặp móng của bất cứ con vật nào. Nó được nhân loại truyền từ đời này qua đời khác, dần hình thành nên cuộc sống văn minh, hạnh phúc. Có thể nói, Prô-mê-tê chính là cứu tinh của loài người.
Bên cạnh những đặc sắc về mặt nội dung, tác phẩm “Prô-mê-tê và loài người” cũng cho ta thấy nhiều nét độc đáo về mặt nghệ thuật. Cốt truyện được xây dựng vô cùng đơn giản, không có nhiều tình tiết cầu kì, phức tạp. Nó chỉ xoay quanh việc tạo nên con người cùng các loài động vật của các vị thần. Không chỉ vậy, ta thấy rõ trong thần loại Hy Lạp, các nhân vật chính đa số là thần hoặc á thần. Họ là những bậc vĩ đại, thần thông với vô vàn sức mạnh. Thế nhưng, truyện đã xây dựng hình tượng các vị thần thật gần gũi, bình dị và có chút hóm hỉnh. Một bậc thánh thần như Ê-pi-mê-tê mà cũng có tính lơ đễnh, đãng trí, làm anh mình phải đi sửa chữa. Điều này giúp tạo sự kết nối với độc giả, giúp độc giả dễ tiếp cận tác phẩm hơn rất nhiều.
Như vậy, “Prô-mê-tê và loài người” đã đem đến cho chúng ta câu chuyện vừa đơn giản, bình dị, vừa ý nghĩa, sâu sắc, phản ánh tư duy, trí tưởng tượng phong phú của con người trong buổi bình minh của lịch sử. Đây cũng chính là một nét đẹp, một điều quý báu, giá trị đối với nền văn minh nhân loại.
3. Phân tích, đánh giá truyện Prô-mê-tê và loài người ngắn gọn - mẫu số 3:
Thần thoại Hy Lạp là một bộ sử thi đồ sộ, lí giải bản chất của thế giới, các lễ nghi tôn giáo, kể về các vị thần,... Trong đó, truyện “Prô-mê-tê và loài người” đã giải thích cho chúng ta biết về sự ra đời của con người và các loài vật.
Truyện kể rằng hồi đó, thế gian còn vắng vẻ, buồn chán. Hai vị thần là Prô-mê-tê và Ê-pi-mê-tê đã lấy đất và nước tạo ra các loài vật. Mỗi loài có một hình dạng và được ban các đặc ân khác nhau. Tất cả việc này đều do Ê-pi-mê-tê phụ trách. Thế nhưng, đến khi tạo ra con người, vị thần này lại quên mất việc ban đặc ân cho con người. Đến khi phát hiện ra, Prô-mê-tê là người sửa chữa cho lỗi lầm ấy. Ông đã ban cho con người “thân hình đẹp đẽ thanh tao”, “đứng thẳng lên, đi bằng hai chân để đôi tay được thảnh thơi làm nhiều việc khác”. Đặc biệt nhất, vị thần này còn ban cho con người ngọn lửa để soi sáng cuộc sống, giúp họ thoát khỏi “tăm tối, giá lạnh, đói khát”.
Từ câu chuyện này, ta có thể thấy được khát vọng lí giải về nguồn gốc của con người và loài vật. Tác giả của câu chuyện đã cho những vị thần thời thượng cổ - người có quyền năng vĩ đại tạo nên sự sống. Mỗi loài vật đều có những đặc tính, được ban các đặc ân khác nhau, tạo nên một thế giới sinh động, kì thú. Từ đó, tác giả đã ngầm ca ngợi công lao của các vị thần, nhờ có họ, muôn vật mới được sinh sôi, nảy nở.
“Prô-mê-tê và loài người” có cốt truyện khá đơn giản, gần gũi, xoay quanh việc các vị thần tạo ra muôn loài. Nội dung của truyện này cũng khá giống với một thần thoại khác của Trung Hoa là “Nữ Oa tạo ra loài người”. Vị thần này cũng lấy bùn và nước để nặn nên một đồ vật mô phỏng hình dáng của mình. Có thể thấy rằng, các câu chuyện về thần thánh tạo nên con người trong các bộ sử thi, thần thoại, truyền thuyết cũng không quá xa lạ với độc giả. Nó thậm chí còn quen thuộc, có sự giống nhau giữa các phiên bản khác nhau. Ngoài ra, cách xây dựng nhân vật của truyện cũng cực kì gần gũi. Tác giả không hoàn hảo hóa các vị thần mà xây dựng họ cũng có những tính cách như con người: “lơ đễnh”, đãng trí”, “đần độn” hoặc “có tài nhìn xa trông rộng”.
Có thể nói rằng “Prô-mê-tê và loài người” là một tác phẩm có nội dung phù hợp với mọi độ tuổi, giải đáp thắc mắc cơ bản thường thấy của con người. Chính vì vậy, nó trở nên vô cùng phổ biến trong thần thoại Hy Lạp.
4. Phân tích, đánh giá truyện Prô-mê-tê và loài người chọn lọc hay nhất - mẫu số 4:
Xưa kia, khi chưa có khoa học, con người đã tìm vô số cách để lí giải về nguồn gốc và sự ra đời của loài người. Trong các bộ sử thi, thần thoại của các nền văn minh khác nhau đều giải thích điều này bằng những lí do khác nhau. Thần thoại Hy Lạp có truyện “Prô-mê-tê và loài người” chính là một câu chuyện như thế.
Thuở xưa, trái đất còn rộng lớn và vắng vẻ, khắp mọi nơi chỉ có các vị thần. Hai anh em Prô-mê-tê và Ê-pi-mê-tê cảm thấy buồn tẻ nên quyết định xin thần Đất Mẹ Gai-a tạo ra thêm nhiều gì đó để cho cuộc sống đông vui. Hồi đó, hai anh em này vẫn chưa xác định được họ sẽ tạo ra điều gì. Người em Ê-pi-mê-tê lấy bùn và đất trộn vào nhau rồi nặn ra các hình dạng khác nhau, mỗi thứ đó đều được ban cho một đặc ân đặc biệt. Vậy là, các loài vật ra đời. Thế nhưng, thần Ê-pi-mê-tê lại quên mất phải ban đặc ân cho con người. Chính vì thế, Prô-mê-tê phải sửa lỗi sai này. Ông đã lấy hình dáng của các vị thần để làm nguyên mẫu cho con người. Thế nhưng sự bù đắp đó vẫn là chưa đủ. Con người non nớt, yếu ớt cần có một đặc ân đặc biệt để sinh tồn. Vậy là, Prô-mê-tê đã ban cho loài người ngọn lửa. Từ đây, con người có thể dùng nó để xua đuổi thú dữ, nướng chín thức ăn, thắp lên đêm tôi. Có lửa, con người sẽ trở thành loài vật đặc biệt và duy nhất trong muôn loài.
“Prô-mê-tê và loài người” là câu chuyện dùng để lí giải sự xuất hiện của con người trên trái đất. Từ đó, ta thấy được khát vọng tìm hiểu cội nguồn của những người Hy Lạp cổ xưa. Họ quan niệm vũ trụ được sinh ra nhờ có các vị thần, con người và loài vật cũng vậy. Từ sự lí giải này, mọi sự đều trở nên hợp lí hơn bao giờ hết.
Tuy cốt truyện của văn bản này khá đơn giản nhưng nó đã trả lời được cho câu hỏi muôn thuở mà tất cả mọi người đều muốn biết. Chính điều này đã làm nên nét riêng cho truyện thần thoại. Ngoài ra, các xây dựng hình tượng nhân vật cũng vô cùng quen thuộc. Các vị thần tuy có quyền năng to lớn nhưng cũng có “phần người” cực kì gần gũi. Đó là tính đãng trí của Ê-pi-mê-tê hay sự thông minh, tài giỏi của Prô-mê-tê. Thậm chí, các thần cũng không có lúc tránh khỏi cảm xúc buồn chán hay vui vẻ, phấn khởi, tức giận,... Từ những điều đó, “Prô-mê-tê và loài người” đã trở nên nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp nói riêng và kho tàng truyện truyền thuyết của thế giới nói chung.
Truyện thần thoại, truyền thuyết đều có từ rất sớm, được lưu truyền qua nhiều năm. Thế nhưng đến tận bây giờ, người ta vẫn nhắc về “Prô-mê-tê và loài người” như một câu chuyện kinh điển để lí giải sự ra đời của con người.
----------------------------------------HẾT----------------------------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-danh-gia-truyen-pro-me-te-va-loai-nguoi-70792n.aspx
Đối với một câu chuyện thần thoại, các em hãy chú ý đến những chi tiết truyện và yếu tố kì ảo được gài gắm. Từ đó, hiểu hơn về ý nghĩa tác phẩm cũng như thông điệp, ước mơ mà người xưa muốn hướng tới nhé. Mời các em cùng tham khảo nhiều bài văn mẫu lớp 10 khác trong kho tài liệu của Taimienphi.vn như:
- Phân tích, đánh giá truyện Cuộc tu bổ lại các giống vật
- Phân tích, đánh giá truyện Đi san mặt đất