Văn nghị luận là một trong những dạng đề vô cùng quan trọng trong chương trình học. Đặc biệt, mảng nghị luận văn học là đơn vị kiến thức chủ chốt mà các em cần lưu ý tại các kì thi lớn. Dựa trên việc này, Taimienphi.vn gửi đến các em bài văn mẫu Viết văn bản nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10 dưới đây để có được những định hướng, ý tưởng khi làm bài.
Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật một tác phẩm truyện Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống
Viết văn bản nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10
I. Dàn ý Viết văn bản nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10
1. Dàn ý số 1: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của "Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên"
a. Mở bài:
- Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tên tác giả,...) và ý kiến khái quát của người viết về tác phẩm.
- Chia sẻ với người đọc lí do bạn lựa chọn tác phẩm này để phân tích, đánh giá; điều khiến bạn yêu thích tác phẩm.
b. Thân bài:
* Tóm tắt nội dung chính của truyện: Tác phẩm kể về chiến thắng của Ngô Tử Văn trước cái xấu, cái ác (Tử Văn đã vạch trần bộ mặt hồn ma tên tướng giặc, trả lại đền cho Thổ công, sau này, chàng được nhận chức Phán sự đền Tản Viên).
* Phân tích, đánh giá về chủ đề của truyện dựa trên cứ liệu dẫn ra từ tác phẩm.
Chủ đề "Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên":
- Ca ngợi sự chính trực, thẳng thắn của con người.
- Lên án, tố cáo chế độ phong kiến đương thời với những tên tham quan.
- Bộc lộ ước mơ của người dân về một lẽ sống công bằng.
* Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật độc đáo.
- Yếu tố kì ảo đan xen yếu tố thực được sử dụng:
+ Nhân vật kì ảo: Hồn ma tên bại tướng phương Bắc, Diêm Vương, quỷ Dạ Xoa, Thổ Công.
+ Chi tiết kì ảo: Tử Văn chết đi sống lại; chàng nhận chức Phán sự đền Tản Viên.
+ Không gian kì ảo: Không gian nối liền âm dương.
- Ngôi kể thứ ba khiến cho người đọc có thể nhìn nhận câu chuyện một cách khái quát hơn.
- Ngôn từ giản dị, gần gũi, hình ảnh sinh động tạo ấn tượng sâu sắc với người đọc.
c. Kết bài: Tóm lược các nhận định trong phần thân bài, khẳng định giá trị của tác phẩm.
2. Dàn ý số 2: Viết văn bản nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10 - truyện ngắn "Chữ người tử tù"
a. Mở bài:
- Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tên tác giả,...) và ý kiến khái quát của người viết về tác phẩm.
- Chia sẻ với người đọc lí do bạn lựa chọn tác phẩm này để phân tích, đánh giá; điều khiến bạn yêu thích tác phẩm.
b. Thân bài:
* Tóm tắt nội dung chính của truyện: Tác phẩm kể về cuộc gặp gỡ éo le của Huấn Cao - người tử tù dũng cảm, tài hoa và viên quản ngục - người đại diện cho trật tự xã hội đương thời có lòng yêu cái đẹp.
* Phân tích, đánh giá về chủ đề của truyện dựa trên cứ liệu dẫn ra từ tác phẩm.
Chủ đề truyện ngắn "Chữ người tử tù": Cái thiện có thể sinh ra từ cái xấu và cái ác nhưng không thể sống chung với cái xấu và cái ác.
* Phân tích, đánh giá những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm.
- Nghệ thuật:
+ Tình huống truyện độc đáo: Cuộc gặp gỡ éo le giữa Huấn Cao và viên quản ngục.
+ Thủ pháp xây dựng nhân vật với hai tuyến đối lập: Huấn Cao - người tử tù dũng cảm, tài hoa và viên quản ngục - người đại diện cho trật tự xã hội đương thời có lòng yêu cái đẹp.
+ Ngôi kể thứ ba khiến người đọc nhìn nhận sự việc trong tác phẩm một cách khái quát.
+ Nhịp điệu câu văn, ngôn từ tạo không khí cổ xưa.
c. Kết bài: Tóm lược các nhận định trong phần thân bài, khẳng định giá trị của tác phẩm.
Bài văn mẫu: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề, nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật một tác phẩm truyện Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống
II. Bài tham khảo Viết văn bản nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10
1. Bài tham khảo số 1: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề, những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của "Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên"
Nguyễn Dữ sống ở thế kỉ XVI, quê ở Hải Dương, là một "danh sĩ thời Lê Sơ". "Truyền kì mạn lục" do ông sáng tác đã đem lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc. Tác phẩm được viết bằng chữ Hán, gồm hai mươi truyện, ghi chép tản mạn những câu chuyện lạ trong dân gian thời Lý, Trần, Hồ, Lê Sơ với sự gia công, sáng tạo. Nổi bật trong tập truyện này, ta có thể kể đến "Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên". Tác phẩm thể hiện rõ sự ngợi ca và khát vọng công lí của nhân dân trong đời sống, đồng thời lên án xã hội phong kiến đương thời với những kẻ tham lam, tàn bạo.
Câu chuyện kể về nhân vật Ngô Tử Văn với chiến thắng oanh liệt trước cái xấu, cái ác. Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, Lạng Giang, chàng nổi tiếng trong vùng với "tính cách cương trực, khảng khái". Ở nơi chàng sinh sống có một ngôi đền rất thiêng. Vậy mà vào cuối đời nhà Hồ, khi "quân Ngô sang lấn cướp", "viên Bách hộ họ Thôi tử trận gần đó đã chiếm lấy ngôi đền và làm yêu làm quái trong dân gian". Ngô Tử Văn rất tức giận vì điều này, vì thế, chàng đã quyết định đốt đền. Sau khi về nhà, chàng lên cơn sốt, trong cơn mê man chàng thấy hồn ma tên bại tướng phương Bắc. Mặc cho tên tướng giặc đe dọa, uy hiếp rằng nếu không trả lại ngôi đền Tử Văn sẽ gặp phải tai vạ, chàng vẫn ung dung, bình thản. Thổ Công hiện lên kể lại toàn bộ sự việc mình bị hại cho Tử Văn và những tội ác tên hung thần gây ra. Vì vậy, trước mặt Diêm Vương, chàng đã dũng cảm tố cáo hồn ma viên Bách hộ. Cuối cùng, Tử Văn được Diêm Vương cho sống lại. Sau này, với lời đề bạt của Thổ công, chàng đã nhận chức Phán sự ở đền Tản Viên.
Nguyễn Dữ đã thành công xây dựng nhân vật Ngô Tử Văn với tính cách thẳng thắn, dũng cảm. Hành động đốt đền của chàng có chủ đích, cẩn trọng và không phải là hành động bộc phát. Nó xuất phát từ mục đích tốt đẹp, muốn trừ khử tên tướng giặc để người dân có cuộc sống yên bình. Điều này cho thấy Ngô Tử Văn là một người dũng cảm, Tử Văn tin hành động chính nghĩa của mình sẽ được ông trời ủng hộ. Trước lời đe dọa của tên bại tướng phương Bắc, chàng vẫn tỏ ra điềm tĩnh, tự nhiên "Tử Văn mặc kệ", vẫn cứ "ngồi ngất ngưởng tự nhiên". Chàng đã vạch trần tội ác của tên hung thần và trả lại ngôi đền cho Thổ Công. Một loạt câu thoại đã minh chứng cho điều này: "Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo cho, không nên bắt phải chết một cách oan uổng", "xin tư giấy đến đền Tản Viên để hỏi; không đúng như thế, tôi xin chịu thêm cái tội nói càn". Từ nhân vật Ngô Tử Văn, tác giả muốn đề cao sự nhân nghĩa, dũng cảm của con người. Những đức tính này giúp con người có thể sống vì cộng đồng, vì hạnh phúc nhân dân. Việc Ngô Tử Văn nhận chức Phán sự đền Tản Viên còn thể hiện ước mơ của nhân dân về sự công bằng trong xã hội.
Trái ngược với Tử Văn, viên Bách hộ họ Thôi đại diện cho sự gian xảo. Một tên tướng bại trận lưu vong nơi đất khách mà cướp ngôi đền của Thổ thần để tác oai, tác quái, gây bao phiền nhiễu cho dân lành, hắn còn xảo trá tới mức đút lót, dọa nạt những tên quỷ Dạ Xoa. Tác phẩm còn lên án, tố cáo chế độ phong kiến đương thời với những tên tham quan, chà đạp lên đời sống của người dân. Điều này được thể hiện rõ nhất qua không gian kì ảo ở thế giới âm ti. Nhân vật kì ảo Diêm Vương được khắc họa là một người chính trực, phán xử đúng tội. Khi biết được lũ quỷ sai thông đồng với hồn ma tên hung thần, người đã "sai lấy lồng sắt chụp vào đầu, khẩu gỗ nhét vào miệng, bỏ người ấy vào ngục Cửu U". Câu nói của Diêm Vương thể hiện sự răn đe những tên tham quan "Lũ các ngươi chia tòa sở, giữ chức sự, cầm lệnh chí công, làm phép chí công, thưởng thì xứng đáng mà không thiên vị, phạt thì đích xác mà không nghiệt ngã, vậy mà còn có sự dối trá càn bậy như thế; huống chi về đời nhà Hán, nhà Đường buôn quan bán ngục, thì những mối tệ còn nói sao hết được!".
Cốt truyện kịch tính, hấp dẫn, sự đan xen giữa các yếu tố thực và ảo dày đặc cũng làm nên sức hút cho tác phẩm. Yếu tố kì áo có thể kể đến như: nhân vật kì ảo (hồn ma tên tướng giặc, quỷ Dạ Xoa, Diêm Vương, Thổ công), chi tiết kì ảo: Tử Văn chết đi sống lại; chàng nhận chức Phán sự đền Tản Viên. Yếu tố thực trong tác phẩm: địa danh có thật (vùng đất Lạng Giang), thời gian lịch sử (cuối đời nhà Hồ). Ngoài ra, lối kể chuyện lôi cuốn và việc sử dụng ngôi kể thứ ba cũng góp phần giúp người đọc hình dung ra một cách khái quát sự kiện được nhắc tới. Lời bình cuối truyện đã góp phần thể hiện quan niệm của tác giả về kẻ sĩ.
Truyện ngầm phản ánh xã hội phong kiến đương thời nhiều bao nhiêu bất công với người dân thấp cổ bé họng. Qua cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác của Ngô Tử Văn, tác giả đã khẳng định niềm tin về sự chiến thắng của cái thiện. Đồng thời, cũng thể hiện khát vọng công bằng của nhân dân. Truyện đem lại cho chúng ta nhiều bài học ý nghĩa trong cuộc sống về sự dũng cảm, kiên cường, khảng khái khi đấu tranh với cái xấu, cái ác.
2. Bài tham khảo số 2: Viết văn bản nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10 ngắn "Chữ người tử tù"
Nguyễn Tuân là nhà văn "Suốt đời đi tìm cái đẹp". Nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận định rằng: "Nguyễn Tuân là một cái định nghĩa về người nghệ sĩ. Đối với ông, văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật, và đã là nghệ thuật thì phải có phong cách độc đáo. Nhưng Nguyễn Tuân, xét từ bản chất, không phải là người theo chủ nghĩa hình thức. Tài phải đi đôi với tâm. Ấy là "thiên lương" trong sạch, là lòng yêu nước thiết tha, là nhân cách cứng cỏi trước uy quyền phi nghĩa và đồng tiền phàm tục". Trước cách mạng tháng Tám, những tác phẩm của ông "thoát li khỏi hiện thực, tìm về một thời vang bóng" với những thú vui hết sức tao nhã: thưởng trà, uống rượu,... một trong số đó là thú chơi chữ. Thú vui này được tái hiện qua truyện ngắn "Chữ người tử tù", in trong tập "Vang bóng một thời".
Tác phẩm ban đầu có tên là "Dòng chữ cuối cùng" và được in trên "tạp chí Tao Đàn". Khi xuất bản thành sách, Nguyễn Tuân mới đổi tên truyện ngắn thành "Chữ người tử tù". Chủ đề tác phẩm được Nguyễn Tuân đề cập là "Cái đẹp có thể sinh ra từ cái xấu, cái ác nhưng không thể sống chung với cái xấu, cái ác".
"Chữ người tử tù" kể về nhân vật Huấn Cao với những phẩm chất cao đẹp và tài năng đặc biệt. Ông Huấn có tài viết chữ rất đẹp. Vì chống lại triều đình, Huấn Cao bị giam ở nhà ngục tỉnh Sơn, tại đây, ông đã có cuộc gặp gỡ éo le với viên quản ngục. Khi viên quản ngục biệt đãi Huấn Cao, ông tỏ ra khinh thường. Nhưng sau khi thấy được tấm lòng "biệt nhỡn liên tài" của viên quản ngục, ông quyết định cho chữ. Vào buổi tối trước khi Huấn Cao bị xử tử, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có đã xuất hiện. Người tử tù mang trên mình đầy xiềng xích đang viết ra những nét phóng khoáng trên nền lụa trắng, còn viên quản ngục lại khúm núm, run rẩy chờ đợi. Sau khi viết xong, Huấn Cao khuyên viên quản ngục nên tìm một nơi yên bình sống để giữ gìn tấm lòng thanh cao, yêu cái đẹp. Cảm động trước lời nói của Huấn Cao, viên quản ngục đã cúi đầu lạy tạ người tử tù với sự biết ơn, trân trọng.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật được Nguyễn Tuân sử dụng một cách tài tình. Truyện đã khắc họa nhân vật Huấn Cao nổi bật lên với ý chí anh hùng, bất khuất, tài hoa, uyên bác, lương thiện. Ông cầm đầu cuộc khởi nghĩa phản đối triều đình, khi bị bắt, ông vẫn giữ tư thế hiên ngang. Trong phần trò chuyện giữa viên quản ngục và thầy thơ lại đầu truyện, ta cũng có thể nhận thấy được tài năng của ông Huấn: "Huấn Cao! Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ nhanh và rất đẹp đó không?". Tài năng của ông được nhiều người biết đến và ca tụng. Chữ của ông chỉ trao cho những "tấm lòng trong thiên hạ". Ông không vì quyền lực, vàng bạc mà ép mình viết chữ "Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ". Không chỉ có tài năng, Huấn Cao còn mang trong mình tấm lòng lương thiện, sau khi nhận thấy tấm lòng viên quản ngục, ông đã quyết định cho chữ "Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các ngươi. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ". Qua nhân vật Huấn Cao, ta có thể nhận thấy quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Tuân: "cái đẹp đi liền với cái tâm".
Viên quản ngục cũng được khắc họa một cách ấn tượng trong tác phẩm. Ông là người ngay thẳng, yêu cái đẹp nhưng phải sống ở nơi đầy gian dối, tàn nhẫn. Trong hoàn cảnh đó, viên quản ngục vẫn cố giữ sự trong sạch cho tâm hồn, mong muốn có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà. Khi nghe lời khuyên của Huấn Cao, hành động của viên quản ngục đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn ông "Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: "Kẻ mê muội này xin bái lĩnh"".
Với tình huống truyện độc đáo, cuộc gặp gỡ đầy éo le giữa Huấn Cao và viên quản ngục đã để lại dấu ấn khó phai cho người đọc. Thủ pháp đối lập cũng là một điểm nhấn giúp nâng tầm giá trị tác phẩm. Ta có thể nhận thấy sự đối lập về địa vị xã hội và bản tính của hai nhân vật: một người là tử tù với tài năng và khí phách hiên ngang, một người là viên quản ngục đại diện cho luật lệ, trật tự xã hội đương thời. Tác phẩm còn làm nổi bật sự đối lập giữa cái đẹp với cái dơ bẩn, giữa ánh sáng và bóng tối trong cảnh cho chữ. Không gian cho chữ là một phòng giam tối tăm, đối lập với "tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ". Sự đối lập, đảo ngược vị thế của người tử tù và viên quản ngục: Người tù thì hiên ngang phóng những nét bút thể hiện hoài bão tung hoành của một đời người, còn viên quản ngục lại khúm núm chờ đợi "Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng". Bằng ngôn ngữ tinh tế, nhịp điệu câu văn chậm, truyện ngắn gợi lên cho người đọc không gian cổ xưa của một thời vang bóng. Ngôi kể thứ ba được sử dụng giúp người đọc có hình dung khái quát về hoàn cảnh, tính cách mỗi nhân vật.
Xuyên suốt tác phẩm, Nguyễn Tuân đã thể hiện niềm tin về sự tỏa sáng của cái đẹp ngay cả trong không gian tồn tại của cái xấu, cái ác. Qua "Chữ người tử tù", nhà văn muốn khẳng định sự tồn tại của cái đẹp trong cuộc sống. Nó có thể cứu rỗi linh hồn và giúp người với người gần gũi, hiểu nhau hơn. Truyện ngắn đã đem lại cho chúng ta những ấn tượng khó quên.
----------------------------------------HẾT-------------------------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/viet-van-ban-nghi-luan-phan-tich-danh-gia-chu-de-nhung-net-dac-sac-ve-hinh-thuc-nghe-thuat-mot-tac-pham-truyen-ngu-van-10-ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-71511n.aspx
Như vậy, một câu chuyện không chỉ đặc sắc ở mảng nội dung mà còn đem theo rất nhiều những yếu tố độc đáo, thú vị về nghệ thuật. Khi phân tích, các em hãy chỉ ra những điểm nổi bật đó để làm sáng tỏ thông điệp, ý nghĩa của tác phẩm cũng như những bài học mà tác giả muốn gửi gắm nhé. Bên cạnh nội dung Viết văn bản nghị luận phân tích đánh giá một tác phẩm truyện lớp 10, các em hãy xem thêm các bài văn mẫu lớp 10 khác:
- Nói và nghe: Giới thiệu, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện
- Phân tích, đánh giá chủ đề, nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên