Nghị luận xã hội bàn về phong trào hiến máu nhân đạo

Hiến máu nhân đạo hành động đẹp xuất phát từ chính tình tình yêu, trái tim nhân hậu, giàu yêu thương của con người. Các bạn hãy cùng tham khảo bài nghị luận xã hội bàn về phong trào hiến máu nhân đạo để cảm nhận được hết ý nghĩa và vẻ đẹp của hành động sẻ chia này nhé!

Đề bài: Nghị luận xã hội bàn về phong trào hiến máu nhân đạo

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
II. Bài văn mẫu

nghi luan xa hoi ban ve phong trao hien mau nhan dao

Nghị luận xã hội bàn về phong trào hiến máu nhân đạo
 

I. Dàn ý Nghị luận xã hội bàn về phong trào hiến máu nhân đạo (Chuẩn)

1. Mở bài

- Song song với các phong trào bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, trồng cây gây rừng,...thì phong trào hiến máu nhân đạo cũng là một hoạt động được đẩy mạnh và khuyến khích phổ biến ở các cơ quan đoàn thể, trường học.
- Đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực, có ích cho cộng đồng, hỗ trợ rất nhiều cho công tác của ngành y tế.

2. Thân bài

* Khái niệm:
- Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, người hiến nhận thấy mình đủ các chỉ tiêu về sức khỏe, thì có thể đăng ký tham gia, hiến một phần nhỏ lượng máu của cơ thể cho các tổ chức y tế.
- Việc hiến máu dựa trên tình thần tự nguyện, tương thân tương ái.
- Lượng máu của các bạn sau khi hiến sẽ được đem đi sàng lọc, nếu đạt chuẩn sẽ được đưa vào kho dự trữ để lấy ra sử dụng khi có bệnh nhân cần đến.

* Tầm quan trọng của máu và việc hiến máu:
- Máu vốn là một sản phẩm tinh túy và kỳ diệu mà tạo hóa đã ban cho con người mang theo ô xy và các chất dinh dưỡng để nuôi sống, điều hòa các chức năng của cơ thể.
- Con người không thể sống mà thiếu máu
- Y học hiện đại vẫn chưa thể tìm ra chế phẩm nhân tạo nào thay thế được máu.
- Tình hình chấn thương, tai nạn mất máu, các loại bệnh tật nghiêm trọng diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt là tai nạn giao thông, công cuộc cứu chữa cần rất nhiều máu, thế nhưng các bệnh viện và ngân hàng máu lại thường xuyên không đáp ứng được nhu cầu.
- Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh hơn bao giờ hết trong các chấn thương nghiêm trọng.
=> Những lúc như thế, những giọt máu mà chúng ta cho đi chính là liều thuốc cứu nguy vô cùng hữu hiệu, mặc dù không phải trong tất cả các trường hợp đều cần dùng tới máu.

* Lợi ích của việc hiến máu:
- Lưu giữ lại cho mình và người thân những giọt máu quý giá đề phòng những tình huống bất trắc có thể xảy ra trong cuộc sống.
- Biết được tình trạng sức khỏe hiện tại nhờ việc khám sàng lọc trước hiến máu.
- Thúc đẩy cơ thể tái tạo nguồn máu mới, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn

3. Kết bài
- Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp và đáng được tôn vinh trân trọng, thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia, lòng thương yêu, đồng cảm giữa con người với nhau trong những lúc khó khăn hoạn nạn.
- Đó là truyền thống đạo đức nhân nghĩa tốt đẹp mà ông cha ta vẫn luôn gìn giữ bấy lâu nay.
- Mỗi người chúng ta cần phải có ý thức đúng đắn về việc hiến máu cứu người, có tấm lòng tự nguyện hi sinh tham gia tích cực vào các hoạt động hiến máu nhân đạo.
- Hăng hái tuyên truyền, vận động mọi người cùng thực hiện nghĩa cử cao đẹp này, để phong trào được nhân rộng hơn nữa đáp ứng nhu cầu máu trong công tác y tế hằng ngày.
 

II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội bàn về phong trào hiến máu nhân đạo (Chuẩn)

Trong xã hội hiện đại, song song với các phong trào bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, trồng cây gây rừng,...thì phong trào hiến máu nhân đạo cũng là một hoạt động được đẩy mạnh và khuyến khích phổ biến ở các cơ quan đoàn thể, trường học. Với khẩu hiệu "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", phong trào đã thực sự đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực, có ích cho cộng đồng, hỗ trợ rất nhiều cho công tác của ngành y tế trong quá trình cứu chữa bệnh nhân nhờ vào nguồn máu lưu trữ trong ngân hàng thường xuyên được đáp ứng.

Hiến máu cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, người hiến nhận thấy mình đủ các chỉ tiêu về sức khỏe, thì có thể đăng ký tham gia, hiến một phần nhỏ lượng máu của cơ thể cho các tổ chức y tế. Việc hiến máu dựa trên tình thần tự nguyện, tương thân tương ái, không bị ai ép buộc, hay vì chạy theo thành tích mà phải tham gia. Lượng máu sau khi hiến sẽ được đem đi sàng lọc, nếu đạt chuẩn sẽ được đưa vào kho dự trữ để lấy ra sử dụng khi có bệnh nhân cần đến.

Máu vốn là một sản phẩm tinh túy và kỳ diệu mà tạo hóa đã ban cho con người và các loài sinh vật khác. Máu tuần hoàn trong cơ thể như một dòng suối mát, dòng suối ấy luân chuyển mang theo cả ôxy và các chất dinh dưỡng để nuôi sống, điều hòa các chức năng của cơ thể. Không một ai có thể sống sót mà không có dòng máu đỏ quý giá ấy chảy trong cơ thể. Hiện nay y học phát triển, các nhà khoa học nghiên cứu các sản phẩm trong cơ thể con người dù có thể chế tạo ra rất nhiều các loại sinh phẩm y tế khác nhau, từ enzyme, gen, các loại protein, nhưng tuyệt đối chưa hề có một công trình khoa học nào có thể chế tạo ra nguồn máu nhân tạo có thể thay thế hoàn toàn nguồn máu tự nhiên của con người. Điều ấy càng khẳng định tính chất riêng biệt và tầm quan trọng của nguồn máu dự trữ và việc hiến máu tình nguyện trong cộng đồng.

Hơn thế nữa, hiện nay tuy xã hội ngày càng phát triển, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc các loại tai nạn chấn thương ngày càng trở nên phổ biến hơn, từ ẩu đả đánh nhau sứt đầu mẻ trán, đến các loại tai nạn trong lao động, rồi thì trong các cuộc phẫu thuật mà người bệnh đối diện sinh tử ngặt nghèo,... Và đặc biệt ở nước ta với tình hình giao thông phức tạp, phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy, ý thức tham gia giao thông của người dân còn thấp, chính vì vậy hàng ngày hàng giờ luôn có những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng diễn ra, khiến nạn nhân mất máu, thậm chí là tử vong vì không cứu chữa kịp thời. Lúc này đây việc hiến máu nhân đạo giúp dự trữ một nguồn máu dồi dào phong phú, góp phần hỗ trợ công tác cấp cứu được thuận lợi hơn. Đặc biệt là trong thực tế, nguồn máu dự trữ của các bệnh viện, các ngân hàng máu luôn trong tình trạng căng thẳng, thiếu máu để cung ứng, đặc biệt là với các nhóm máu hiếm.

Như đã đề cập, con người không thể sống mà thiếu máu trong một phút một giây nào cả, đặc biệt là trong lúc chấn thương mất máu quá nhiều, cơ thể lại càng trở nên yếu ớt, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh hơn bao giờ hết, mạng sống đếm ngược từng phút, từng giây. Những lúc như thế, giọt máu mà chúng ta cho đi chính là liều thuốc cứu nguy vô cùng hữu hiệu, mặc dù không phải trong tất cả các trường hợp đều cần dùng tới máu.

Từ xa xưa tới nay, nhân dân ta luôn tự hào giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, một trong những truyền thống ấy là tinh thần tương thân tương ái, cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp. Việc cứu giúp lẫn nhau trong cuộc sống vốn đã trở thành đạo lý cơ bản nhất, là việc làm cao đẹp, thể hiện tấm lòng nhân ái, tư cách đạo đức và lối sống nhân nghĩa, yêu thương đùm bọc lẫn nhau của con người. Việc cho đi những giọt máu của mình là việc làm cao cả, giúp con người sống vui vẻ hạnh phúc hơn vì đã cống hiến được cho xã hội, mang lại sự sống cho người khác, mang lại niềm vui sướng cho những gia đình chẳng may có người thân gặp nạn. Việc hiến máu nhân đạo vừa là nghĩa cử cao đẹp của cá nhân vừa là động lực khuyến khích các cá nhân khác học hỏi và năng nổ, tình nguyện tham gia các hoạt động hiến máu cứu người, giúp xã hội ngày một văn minh, con người sống với nhau bằng tình nghĩa và sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau.

Cho đến nay, hằng năm các đợt hiến máu vẫn liên tục được tổ chức, số lượng người tham gia ngày càng đông, nhưng việc đáp ứng nhu cầu máu vẫn dừng lại ở mức xấp xỉ với nhu cầu, thậm chí có lúc với những ca cấp cứu nặng, khẩn cấp nguồn máu vẫn không thể đáp ứng được. Hơn thế nữa, cuộc đời con người trải dài suốt mấy mươi năm chẳng biết bất trắc sẽ ập đến cho bản thân hoặc những người thân của chúng ta bất cứ lúc nào. Chính vì vậy, chúng ta tham gia nhiệt tình vào công tác hiến máu cũng chính là để lại cho mình một con đường lui những khi cần thiết, chính là lưu giữ lại cho mình và người thân những giọt máu quý giá đề phòng những tình huống bất trắc có thể xảy ra trong cuộc sống.

Việc hiến máu vốn là một hành động rất bình thường, không có gì đáng sợ hay đau đớn cả, đặc biệt sau mỗi lần hiến máu chúng ta còn biết được tình trạng sức khỏe của mình nhờ việc sàng lọc máu của các tổ chức y tế. Mỗi lần hiến, chúng ta sẽ hiến từ 250-350ml máu, lượng máu ấy sẽ nhanh chóng được cơ thể bổ sung trong vòng 3 tháng và không gây hại gì đến sức khỏe, thậm chí việc hiến máu chính là một cơ hội để cơ thể thay thế những tế bào máu cũ bằng các tế bào máu mới. Hiến máu giúp chúng ta ăn ngon, ngủ tốt hơn, da dẻ trở nên hồng hào, cơ thể khỏe mạnh hơn vì được thay thế một lượng máu mới giúp quá trình vận chuyển các chất dinh dưỡng trở nên thuận lợi hơn cả. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể hiến được máu, mà phải đạt một số tiêu chuẩn sức khỏe nhất định, nhằm đảm bảo an toàn cho cả người hiến máu và người được nhận máu. Trước khi tham gia hiến máu, chúng ta cần thăm khám kỹ và tham khảo ý kiến của nhân viên y tế để có một buổi hiến máu thành công và an toàn.

Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp và đáng được tôn vinh trân trọng, thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia, lòng thương yêu, đồng cảm giữa con người với nhau trong những lúc khó khăn hoạn nạn. Đó là truyền thống đạo đức nhân nghĩa tốt đẹp mà ông cha ta vẫn luôn gìn giữ bấy lâu nay. Mỗi con người chúng ta cần phải có ý thức đúng đắn về việc hiến máu cứu người, có tấm lòng tự nguyện hi sinh tham gia tích cực vào các hoạt động hiến máu nhân đạo. Đồng thời hăng hái tuyên truyền, vận động mọi người cùng thực hiện nghĩa cử cao đẹp này, để phong trào được nhân rộng hơn nữa đáp ứng nhu cầu máu trong công tác y tế hằng ngày.

----------------------HẾT-----------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-xa-hoi-ban-ve-phong-trao-hien-mau-nhan-dao-46160n.aspx
Hiến máu nhân đạo là một hành động đẹp thể hiện tấm lòng yêu thương, ý thức giúp đỡ, sẻ chia giữa con người với con người. Để thấy được truyền thống yêu thương, lá lành đùm lá rách tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, bên cạnh bài Nghị luận xã hội bàn về phong trào hiến máu nhân đạo, các em có thể tìm đọc thêm: Nghị luận về lòng yêu thương con người trong xã hội ngày nay, Nghị luận xã hội về cá nhân và tập thể, Nghị luận xã hội Lá lành đùm lá rách, Giải thích câu tục ngữ: Thương người như thể thương thân.

Tác giả: Chipu     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Nghị luận xã hội về cá nhân và tập thể
Nghị luận xã hội về sống có ích
Dàn ý nghị luận xã hội về nhân cách giả trong xã hội hiện đại
Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về giản dị
Nghị luận về lòng nhân ái, top bài, đoạn văn hay nhất
Từ khoá liên quan:

nghi luan xa hoi ban ve phong trao hien mau nhan dao

, nghi luan ve phong trao hien mau nhan dao, nghi luan ve phong trao hien mau nhan dao ,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới