Nhân ái luôn là giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân loại, là yếu tố góp phần làm nên một xã hội văn minh. Hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về chủ đề này qua bài Nghị luận về lòng nhân ái, Ngữ văn 9, học kì II do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn nhé!
Đề bài: Nghị luận về lòng nhân ái
Nghị luận xã hội về lòng nhân ái, dàn ý và bài văn mẫu hay nhất
I. Dàn ý Nghị luận về lòng nhân ái:
1. Mở bài:
- Giới thiệu về vấn đề cần bàn luận: lòng nhân ái.
2. Thân bài:
a, Giải thích:
- Lòng nhân ái là tình cảm xuất phát từ sự chân thành trong trái tim của mỗi người.
- "Nhân": con người; "ái": tình yêu, tình thương => Nhân ái là lòng yêu thương con người.
b, Biểu hiện:
- Suy nghĩ, thái độ đồng cảm, sẻ chia.
- Hành động giúp đỡ cụ thể: ủng hộ bà con đồng bào miền Trung mỗi đợt bão lũ, tham gia những chuyến đi từ thiện ở vùng cao, sự san sẻ trong đợt dịch Covid,...
c, Ý nghĩa:
- Gắn kết mối quan hệ giữa người với người.
- Tiếp thêm niềm tin, sự tích cực cho những người gặp khó khăn.
- Bản thân người có lòng nhân ái cũng cảm nhận được niềm vui khi giúp đỡ cộng đồng.
d, Liên hệ thực tế:
- Vẫn còn tồn tại trường hợp sống vô cảm, không biết quan tâm người khác.
- Có những người lợi dụng lòng tốt của cộng đồng để trục lợi cho bản thân.
e, Bài học nhận thức và hành động:
- Giữ tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ với cộng đồng.
- Rèn luyện tốt về đạo đức.
- Lên án, phê phán hiện tượng vô cảm, ích kỉ.
3. Kết bài:
- Khái quát lại vấn đề cần bàn luận.
II. Đoạn văn nghị luận xã hội về lòng nhân ái tham khảo:
1. Viết đoạn văn Nghị luận về lòng nhân ái lớp 9 hay nhất- mẫu số 1:
Lòng nhân ái là một trong những đức tính quý báu nhất của nhân loại. Đó không phải thứ gì đó quá xa xỉ, lớn lao mà phải xuất phát từ cái tâm, từ sự chân thành trong trái tim con người. Điều này hiện hữu ngay ở cuộc sống thường ngày, được tiếp diễn và phát triển qua hàng thế kỉ. Rõ ràng nhất phải kể đến những lần bão lũ hoành hành ở miền Trung, hay ngay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 khó khăn. Khi đó, tinh thần "lá lành đùm lá rách" được đẩy lên cao. Mọi người đều chung tay góp sức, cùng nhau vượt qua khoảng thời gian đầy thử thách ấy. Chính nhờ vậy mà tình yêu thương được lan tỏa, đem cuộc sống con người dần trở về đúng quỹ đạo. Những cá nhân, tập thể được giúp đỡ cũng từ đó mà có thêm niềm tin, sức mạnh để vững vàng tiếp bước tiến tới tương lai. Nhưng trên thực tế, một vài người vẫn còn khá thờ ơ, vô tâm với cộng đồng. Ví dụ như khi thấy một vụ tai nạn mà không mảy may muốn giúp đỡ, phớt lờ lời nhờ vả của người khác,... Người như vậy cho rằng những việc xảy ra xung quanh chẳng ảnh hưởng đến mình. Sự ích kỉ ấy khiến họ dần tự cô lập bản thân, đánh mất đi thiện cảm của mọi người. Vậy nên, để xã hội có thể phát triển ngày một văn minh, tiến bộ hơn, mỗi người cần có cho mình tình yêu thương, sự sẻ chia. Hãy giữ gìn và phát huy truyền thống "tương thân tương ái" đáng quý của dân tộc.
-------------------------
Em hãy thường xuyên ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm nhiều bài văn mẫu lớp 9 khác: Nghị luận về tính tự chủ, Nghị luận về học tủ, học vẹt, Nghị luận về hiện tượng lười đọc sách, Nghị luận về phương pháp đọc sách hiệu quả....
2. Đoạn văn Nghị luận về lòng nhân ái - mẫu số 2:
Dân tộc Việt Nam ta xưa nay luôn coi trọng lòng nhân ái. Đó là thứ tình cảm chân thành nhất, xuất phát từ trái tim thiện lương của con người. Trong cuộc sống, có thể thấy rõ những biểu hiện của tinh thần tương thân tương ái qua các hành động như giúp đỡ một người bị ngã xe, hay tham gia các tổ chức từ thiện, quyên góp ủng hộ bà con có hoàn cảnh khó khăn,... Điều này không chỉ giúp xã hội phát triển văn minh hơn từng ngày mà còn khiến chính bản thân con người cảm nhận được niềm vui sướng, hạnh phúc của việc sẻ chia. Những cá nhân nhận được sự giúp đỡ cũng có được niềm tin vững vàng hơn vào cuộc sống, dần vượt lên hoàn cảnh để tiến tới thành công. Sức lan tỏa của lòng nhân ái là rất lớn, mang đến năng lượng tích cực, lạc quan cho cộng đồng. Ấy vậy mà vẫn còn tồn tại trường hợp sống vô cảm, tách biệt mình với đám đông. Những người như vậy khá ích kỉ, thường chỉ quan tâm đến bản thân mà thờ ơ với mọi thứ xung quanh. Đây là một hiện tượng xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của xã hội. Vậy nên mỗi cá nhân hãy tự rèn luyện thật tốt, giữ cho mình lòng yêu thương, đồng cảm và sẻ chia. Chỉ khi biết cho đi, con người mới thấy được hết ý nghĩa của cuộc sống, từ đó dần hoàn thiện bản thân ngày một tốt hơn, đóng góp những giá trị to lớn cho cộng đồng.
Viết bài văn về lòng nhân ái hay nhất
III. Bài mẫu nghị luận về lòng nhân ái tuyển chọn siêu hay tham khảo:
Aesop từng quan niệm: "Sự tử tế, dù nhỏ tới thế nào, không bao giờ là lãng phí". Đây là một câu nói vô cùng chính xác, đề cập trực tiếp đến một trong những đức tính quan trọng của con người: lòng nhân ái. Chính lòng nhân ái, tình yêu thương là yếu tố nền móng để xây dựng nên một xã hội nhân văn, tốt đẹp.
"Nhân ái" là một từ Hán Việt, được ghép bởi hai chữ "nhân" - con người và "ái" - tình yêu thương. Vậy, có thể định nghĩa đó một cách đơn giản là lòng yêu thương giữa người với người. Rộng hơn thì đó là sự thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ, đùm bọc và giúp đỡ trong cộng đồng, không phân biệt sang - hèn, cao - thấp.
Sự "tương thân tương ái" kể trên được biểu hiện qua rất nhiều cách khác nhau. Đó có thể chỉ là suy nghĩ cảm thông, thương cảm dành cho những mảnh đời bất hạnh, cũng có thể là các hành động giúp đỡ cụ thể bằng hình thức quyên góp, từ thiện,... Trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành, con người đã thể hiện lòng nhân ái của mình một cách vô cùng rõ nét. Biết bao "cây ATM gạo", những sạp hàng rau củ, thịt cá "chỉ tặng chứ không bán",... đã xuất hiện, đem tình yêu thương lan tỏa tới cộng đồng.
Lòng nhân ái mang lại vô số điều ý nghĩa, giá trị cho cuộc sống. Đức tính này giúp chính bản thân mỗi người cảm thấy nhẹ nhõm, thư thái và vui vẻ hơn. Khi biết cho đi, con người sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc khó diễn tả. Từ đó, họ cũng nhận lại được sự biết ơn, yêu quý và tôn trọng của cộng đồng. Và khi tình người được lan tỏa, cả xã hội sẽ cùng nhau tốt lên, ngày một văn minh và phát triển hơn.
Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn tồn tại trường hợp sống vô cảm, thiếu tình yêu thương với cộng đồng. Không có lòng nhân ái, con người sẽ chỉ là một loài sinh vật nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân. Thậm chí có người còn lợi dụng lòng tốt của cộng đồng, làm ra những hành động trái với đạo đức nhằm trục lợi cho bản thân. Tất cả đều là biểu hiện của sự ích kỉ, cần bị chê trách, lên án.
Để loại bỏ những sự tiêu cực kể trên, mỗi người cần tự rèn luyện cho mình tinh thần tương thân tương ái quý báu. Điều này cần được xuất phát từ sự dạy dỗ, chỉ bảo đúng đắn, phù hợp của gia đình, nhà trường. Chính môi trường sống và học tập sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển nhận thức, tính cách của con người. Và bản thân mỗi người cũng cần tự mình rèn luyện, tránh xa những cám dỗ. Hãy giữ cho mình lòng yêu thương, sự vị tha, đồng cảm, lan tỏa chúng đến cộng đồng.
Lòng nhân ái đã, đang và sẽ luôn là đức tính cần có của mỗi người. Hãy cùng chung tay lan tỏa điều tích cực ấy đến cộng đồng, biến xã hội này trở thành một nơi tốt đẹp hơn, đáng sống hơn cho chính mình và cả các thế hệ mai sau.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/nghi-luan-ve-long-nhan-ai-75650n.aspx
Để hoàn thiện bản thân, góp phần phát triển xã hội văn minh, lành mạnh, mỗi người đều cần rèn luyện lòng nhân ái.