Cảm nhận về vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây trong bài Tây Tiến

Khi nhắc về nỗi nhớ trong tác phẩm “Tây Tiến”, ta không thể không kể đến khung cảnh thiên nhiên và ngày hội độc đáo của người dân miền Tây Bắc. Em hãy tham khảo thêm bài mẫu cảm nhận về vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây trong bài Tây Tiến do đội ngũ Taimienphi.vn biên soạn nhé.

Đề bài: Cảm nhận về vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây trong bài Tây Tiến

cam nhan ve ve dep tho mong cua canh va nguoi mien tay trong bai tay tien

Bài văn mẫu Tả cảnh thiên nhiên trong 8 câu thơ đầu của bài thơ Tây Tiến

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.


I. Dàn ý Cảm nhận về vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây trong bài Tây Tiến ngắn gọn:

1. Mở bài:
- Giới thiệu về nội dung chính của bài thơ và tác giả Quang Dũng.
- Giới thiệu về vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây trong bài thơ "Tây Tiến"
2. Thân bài:
a) Vẻ đẹp thơ mộng, yên bình của thiên nhiên miền Tây:
* Khung cảnh thiên nhiên trên chặng đường hành quân của người lính Tây Tiến:
- "Mường Lát hoa về trong đêm hơi": Những bông hoa nở rộ trong đêm thơm ngát mùi hương vương vấn theo bước chân người lính.
- "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi":
+ "Nhà" gợi sự gần gũi, ấm áp.
+ Những mái nhà trong màn mưa là khung cảnh yên bình, tách biệt với chiến tranh, khiến lòng người lính cảm thấy nhẹ nhõm, hạnh phúc.
* Chiều sương mờ ảo trong nỗi nhớ của tác giả:
- Chiều hoàng hôn sương phủ mờ mặt sông: Gợi nỗi nhớ da diết, mờ ảo, khó nắm bắt.
- Cỏ lau hai bên bờ sông rung rinh như có linh hồn.
- Bông hoa trên dòng nước như làm cho chiều sương ảm đạm thêm phần rực rỡ, lung linh. 
b) Vẻ đẹp của con người miền Tây:
- "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi":
+ "Khói" bếp cũng là hình ảnh gần gũi, thân thuộc với mỗi người lính.
+ Gợi ra cuộc sống êm đềm, hạnh phúc.
=> Đó cũng chính là ước mơ của người lính, mong muốn có cuộc sống tự do, ấm êm, hạnh phúc.
- Vẻ đẹp của con người trong đêm liên hoan lửa trại: 
+ Con người vui vẻ, hòa đồng, tận hưởng niềm vui của đêm liên hoan. 
+ Cô thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng với điệu múa đầy cuốn hút.
=> Tình quân dân gần gũi, gắn bó thân thiết.
- Dáng người trên thuyền:
+ Chàng trai đang lao động thật khỏe khoắn, mạnh mẽ.
+ Cô gái lái đò .
=> Người và thiên nhiên hòa hợp với nhau, tạo nên bức tranh sống động, thi vị.
3. Kết bài:
- Khái quát lại về vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây trong bài thơ. 

 

II. Bài mẫu Cảm nhận về vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây trong bài Tây Tiến hay nhất

 

1. Bài văn Cảm nhận về vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây trong bài thơ Tây Tiến ngắn nhất, hay số 1

Quang Dũng là một con người tài hoa. Ông có thể vẽ tranh, làm thơ, soạn nhạc. Chất thi, họa, nhạc hòa quyện vào nhau, thấm đẫm trong các tác phẩm của ông. "Tây Tiến" là một bài thơ mang đặc trưng đó. Nhất là khi miêu tả thiên nhiên miền Tây, Quang Dũng đã vẽ ra cho ta bức tranh thơ mộng tươi đẹp, lãng mạn, hòa hợp giữa cảnh và người.

Trên chặng đường hành quân đầy gian khó, những đoàn binh Tây Tiến đã được thiên nhiên tiếp sức bằng hương hoa vấn vít "Mường Lát hoa về trong đêm hơi". Những bông hoa rừng nở rộ trong đêm, tỏa hương thơm ngào ngạt như giúp những người lính quên đi nỗi mệt nhọc, vất vả. Họ còn bắt gặp "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Cơn mưa rừng luôn mang đến không khí lạnh lẽo, u ám nhưng lần này thì khác. Những mái nhà trong màn mưa là khung cảnh yên bình, như tách biệt hẳn với bom đạn ngoài kia. Chính từ "nhà" đã khiến cho người chiến sĩ cảm giác thân thuộc, ấm áp. 

Con người ở miền Tây Bắc cũng thật gần gũi, bình dị:

"Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"

"Khói" bếp cũng là hình ảnh quen thuộc với người dân Việt Nam. Chi tiết ấy gợi ra cuộc sống êm đềm, hạnh phúc, no ấm mà người lính hằng mơ ước. Niềm khát khao được nhìn làn khói bếp nấu cơm chiều bay dưới nền trời hòa bình luôn luôn cháy bỏng trong lồng ngực. Từ đó, người chiến sĩ ngày càng quyết tâm, bảo vệ quê hương, đem lại hòa bình cho nước nhà. Người con gái miền Tây cũng đảm đang, tháo vát. Cô nấu nồi xôi nếp để nuôi quân. Tình quân dân trở nên gắn bó, thân thiết chính vì những điều nhỏ bé nhưng chứa chan tình cảm ấy.

Ở khổ thơ thứ hai, Quang Dũng đã miêu tả hội đuốc hoa vui vẻ, rộn ràng, náo nhiệt:

"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ"

Núi rừng đang chìm trong đêm tối bỗng sáng bừng lên nhờ ánh đuốc. Ngọn lửa rực cháy thắp sáng cho đêm liên hoan lửa trại. Những cô gái miền sơn cước xuất hiện với vẻ đẹp lộng lẫy trong bộ váy áo sặc sỡ. Họ múa những làn điệu truyền thống khiến người lính không khỏi say mê. Âm thanh của tiếng khèn, tiếng nhạc giúp mọi người xóa tan khoảng cách, cùng nhau nhảy múa dưới ánh lửa bập bùng. Trong đêm tối, tình cảm giữa quân và dân đã được tỏa sáng, rạng ngời

Tạm biệt đêm hội, nhà thơ chìm vào khung cảnh lãng đãng, ảo mộng của chiều sương trên sông:

"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bến bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa".

"Chiều sương ấy" là một buổi chiều trong kí ức của tác giả. Trên chặng đường hành quân của mình, có lẽ ông đã bắt gặp rất nhiều những buổi chiều như thế. Những màn sương giăng phủ kín cả dòng sông, che khuất mất tầm nhìn, tạo nên một khung cảnh mờ ảo, huyền hoặc tựa chốn thần tiên, cổ tích. Những ngọn cỏ lau bên bờ như có linh hồn. Mỗi khi có gió thổi qua, chúng rung nhẹ, trò chuyện với mây nước. "Hồn lau nẻo bến bờ" chính là hình ảnh đặc biệt làm tăng phần kì bí cho bức tranh thơ mộng này. Đến hai câu thơ cuối, con người xuất hiện trong khung cảnh mờ ảo khiến ta không xác định được đây là hình bóng của ai. Có thể đó là bóng dáng khỏe khoắn, mạnh mẽ đang lao động. Cũng có thể là cô gái đò chở khách qua sông. Cho dù là ai đi chăng nữa, ta cũng thấy được sự hòa hợp một cách khéo léo của con người với thiên nhiên. Dòng nước lũ mạnh mẽ từ thượng nguồn chảy xuống nay đã mềm mại, nhẹ nhàng hơn khi gặp con người. Những bông hoa đa sắc hương trôi lững lờ trên dòng khiến cho khung cảnh trở nên rực rỡ hơn rất nhiều. 

Quang Dũng đã sử dụng bút pháp gợi mà không miêu tả rõ vẻ đẹp của thiên nhiên và con người miền Tây. Mỗi độc giả lại có những liên tưởng, tượng tượng khác nhau về bức tranh đó, nhưng vẫn hình dung được khung cảnh núi rừng mang nét thơ mộng, lãng mạn chung. Bút pháp lãng mạn của nhà thơ đã thâu tóm cảnh và người trong vài nét vẽ đơn sơ, từ đó thể hiện nỗi nhớ da diết, khắc khoải của ông với miền Tây Bắc. 

Đúng như Quang Dũng viết "Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi". Nếu đã trót yêu vẻ đẹp mĩ lệ, trữ tình, lãng mạn của thiên nhiên và con người nơi đây thì sẽ mãi chẳng thể nào quên. Tuy đã chuyển công tác về đơn vị mới nhưng dấu ấn của núi rừng Tây Bắc sẽ mãi in sâu trong lòng nhà thơ. 

 

2. Bài văn Cảm nhận về vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây trong bài Tây Tiến ngắn hay nhất số 2

Quang Dũng (1921-1988 ) là nghệ sĩ đa tài, có hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa, đặc biệt khi ông viết về những người lính Tây Tiến và xứ Đoài quê mình. Tây Tiến là bài thơ xuất sắc nhất, tiêu biểu cho đời thơ, phong cách sáng tác của ông. Bài thơ bằng bút pháp lãng mạn, sự sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu đã bộc lộ một nỗi nhớ sâu sắc da diết của tác giả về những người lính Tây Tiến anh dũng hào hoa và núi rừng miền Tây hùng vĩ, mĩ lệ. Có thể nói, tinh hoa của hồn thơ Quang Dũng được lắng đọng trong tám câu thơ miêu tả cảnh đêm liên hoan và cảnh mộng mơ trên những con sông miền Tây.

"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
...
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

Bài thơ Tây Tiến được in trong tập thơ "Mây đầu ô" (xuất bản năm 1986 ) nhưng trước đó đã được bao thế hệ người yêu thơ truyền tay tìm đọc. Tác giả sáng tác bài thơ này từ năm 1948 tại làng Phù Lưu Chanh khi ông đã rời khỏi đoàn quân Tây Tiến chuyển sang hoạt động tại một đơn vị khác. Đơn vị quân đội Tây Tiến được thành lập năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt Lào, đánh tiêu hao sinh lực Pháp tại Thượng Lào và miền Tây Bắc bộ Việt Nam. Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến khá rộng; chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, có nhiều học sinh, sinh viên, trong đó có Quang Dũng. Họ sống và chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành nhưng vẫn lạc quan và chiến đấu anh dũng. Hoạt động được hơn một năm thì đơn vị Tây Tiến trở về Hoà Bình thành lập trung đoàn 52. Lúc đầu, nhà thơ đặt tên tác phẩm là Nhớ Tây Tiến, nhưng sau đó lại đổi lại là Tây Tiến. Bài thơ được sáng tác dựa trên nỗi nhớ, hồi ức, kỉ niệm của Quang Dũng về đơn vị cũ. Thế nên toàn bài thơ là một nỗi nhớ cồn cào, tha thiết.

Bài thơ được tác giả chia thành 4 đoạn. Đoạn 1 bộc lộ nỗi nhớ những cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến và khung cảnh thiên nhiên miền Tây hùng vĩ, dữ dội, hoang sơ. Đoạn 2 là những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong những đêm liên hoan và cảnh sông nước miền Tây thơ mộng. Đoạn 3 tái hiện lại chân dung người lính Tây Tiến. Đoạn 4 là lời thề gắn bó với Tây Tiến và miền Tây. Toàn bài thơ in đậm dấu ấn tài hoa, lãng mạn, phóng khoáng của hồn thơ Quang Dũng. Với tài năng và tâm hồn ấy, Quang Dũng đã khắc hoạ thành công hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng trên cái nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội, mĩ lệ.

Trong miền kí ức của Quang Dũng không chỉ có những ngày tháng gian khổ với đèo cao, mưa rừng, thú dữ, sương phủ mà còn có cả ánh sáng hội hè của những đêm liên hoan tưng bừng và những buổi chiều êm ả, mông lung.

Đoạn thơ thứ hai mở ra một thế giới khác của miền Tây:

"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu, nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ"

Cảnh một đêm liên hoan văn nghệ của những người lính Tây Tiến có đồng bào địa phương đến góp vui được miêu tả bằng những chi tiết rất thực mà cũng rất thơ mộng. Từ "bừng lên" kết hợp với hình ảnh đẹp "đuốc hoa" miêu tả không khí sôi nổi, cả doanh trại bừng sáng, lung linh ánh lửa đuốc khi đêm văn nghệ bắt đầu. Tiếng reo "kìa em xiêm áo tự bao giờ" thể hiện sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên, say mê, vui sướng của các anh lính Tây Tiến trước vẻ lộng lẫy bất ngờ của các cô gái nơi núi rừng. Các cô gái chính là trung tâm, là linh hồn của đêm hội có vẻ đẹp e thẹn, tình tứ, mềm mại, duyên dáng trong một vũ điệu đậm màu sắc xứ lạ "man điệu" đã thu hút hồn vía của các chàng trai Tây Tiến. Không khí của đêm liên hoan còn ngây ngất hơn bởi tiếng khèn rạo rực, réo rắt khiến cho cả con người, cảnh vật như bốc men say, trở nên phong phú, sinh động như muốn "xây hồn thơ" lãng mạn. Đây cũng chính là tâm hồn hào hoa, tinh tế của Quang Dũng.

Nếu cảnh đêm liên hoan đem đến cho người đọc không khí háo hức thì cảnh sông nước miền Tây lại gợi lên cảm giác mênh mang, mờ ảo:

" Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa."

Ngòi bút của Quang Dũng không tả mà chỉ gợi.Những hình ảnh "chiều sương ấy", "hồn lau", "nẻo bến bờ", "hoa đong đưa" kết hợp với cách hỏi "có thấy", "có nhớ" mở ra một khung cảnh buổi chiều sương trong kí ức. Sương mờ giăng mắc khắp không gian, bến bờ lặng lẽ hoang dại, trên sông xuất hiện một dáng người mềm mại, uyển chuyển của cô gái Thái trên chiếc thuyền độc mộc, những bông hoa rừng đong đưa làm duyên trong dòng nước. Cảnh như có hồn, có sự thiêng liêng của núi rừng, đậm màu sắc cổ tích và huyền thoại. Qua những nét vẽ hư ảo trên, ta như thấy trước mắt mình một bức tranh sơn thuỷ hữu tình mang dấu ấn của một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, lãng mạn, tài hoa, vô cùng yêu mến, gắn bó với mảnh đất miền Tây - tâm hồn Quang Dũng. Đồng thời ta cũng cảm nhận được tâm hồn rung động của các chiến sĩ Tây Tiến trước cái đẹp.

Trong hai đoạn thơ sau, nhà thơ không miêu tả cảnh thiên nhiên nữa mà tập trung vào khắc hoạ chân dung người lính tây tiến và nỗi nhớ miền tây bằng những nét vẽ khỏe khoắn, mạnh bạo, gân guốc đạm chất bi tráng.

Tám câu thơ của khổ hai đã vẽ nên khung cảnh thiên nhiên, con người miền Tây với vẻ đẹp mĩ lệ, thơ mộng, trữ tình.Chất nhạc, chất hoạ, chất mơ mộng hoà quyện chặt chẽ với nhau trong đoạn thơ tạo nên một thế giới của cái đẹp.Từng nét vẽ của Quang Dũng đều mềm mại, tinh tế, uyển chuyển. Đây là đoạn thơ bộc lộ rõ nhất sự tài hoa, lãng mạn của Quang Dũng trong tổng thể bài thơ.

-----------------------------

Qua ngòi bút tài hoa, lãng mạn của Quang Dũng, thiên nhiên và con người Tây Bắc hiện lên đầy thơ mộng, trữ tình. Như vậy chúng tôi đã gợi ý Cảm nhận về vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây trong bài Tây Tiến bài tiếp theo, các em chuẩn bị cho phần Phân tích Tây Tiến, bài Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến: "Doanh trại bừng lên... hoa đong đưa",  phần Cảm nhận và phân tích đoạn thơ thứ hai trong bài Tây Tiến, Tả cảnh thiên nhiên trong 8 câu thơ đầu của bài thơ Tây Tiến, phân tích khổ 2 Tây Tiến, hay bài Ý nghĩa nhan đề bài thơ Tây Tiến để có thể hiểu rõ hơn về nội dung này.

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-ve-dep-tho-mong-cua-canh-va-nguoi-mien-tay-trong-bai-tay-tien-42285n.aspx

Tác giả: Ngọc Trinh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Cảm nhận về tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc Bộ và những người đồng đội của mình trong đoạn thơ: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi...Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài Tây Tiến
Vẻ đẹp bi tráng của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến hay nhất
Cảm hứng thiên nhiên của nhà thơ Quang Dũng trong bài Tây Tiến
Cảm nhận đoạn 1 Tây Tiến của Quang Dũng tuyển chọn hay nhất
Từ khoá liên quan:

Cam nhan ve ve dep tho mong cua canh va nguoi mien Tay trong bai Tay Tien

, bai van mau Cam nhan ve ve dep tho mong cua canh va nguoi mien Tay trong bai Tay Tien, Dan y buc tranh thien nhien trong Tay Tien kho 1,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phân tích bài thơ Tây Tiến

    Bài văm mẫu phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng hay chọn lọc

    Trong chương trình Ngữ văn lớp 12, “Tây Tiến” là một tác phẩm vô cùng quan trọng. Để tổng hợp kiến thức về bài thơ này, Taimienphi.vn gửi đến các em phần Phân tích bài thơ Tây Tiến với dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu b ...

Tin Mới