Thiên nhiên Tây Bắc vốn nổi tiếng là đẹp hùng vĩ, thơ mộng. Khung cảnh đó đã được tái hiện trong đoạn thơ đầu bài Tây Tiến. Em hãy tham khảo Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên Tây tiến do Taimienphi.vn biên soạn nhé!
Đề bài: Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên Tây Tiến của Quang Dũng.
Vẻ đẹp hùng vĩ dữ dội của mỹ lệ, nên thơ của thiên nhiên núi rừng miền tây tây tiến
I. Dàn ý cảm nhận về bức tranh thiên nhiên Tây Tiến ngắn gọn
1. Mở bài:
- Giới thiệu về tác phẩm thơ "Tây Tiến" và tác giả.
- Giới thiệu về bức tranh thiên nhiên "Tây Tiến".
2. Thân bài:
a) Cảnh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ và dữ dội:
- Những địa danh có thời tiết đặc trưng: "Sài Khao sương lấp", "Mường Lát" - "đêm hơi" => Thời tiết có sương phủ lạnh giá, khắc nghiệt.
- Chặng đường hành quân trắc trở, gập ghềnh: Địa hình cao, khúc khuỷu, gập ghềnh khiến con người cảm thấy sợ hãi, rợn ngợp.
- Sự hiểm nguy của núi rừng và thú dữ: Sự rình rập của các loài thú dữ và tiếng suối thác như gầm thét xuất hiện thường xuyên, thách thức lòng can đảm của những người lính.
b) Cảnh thiên nhiên Tây Bắc mĩ lệ và trữ tình:
- Những mái nhà dưới cơn mưa cho người lính cảm giác ấm áp, gần gũi. Mái nhà ấy cũng chính là thứ những người lính muốn bảo vệ => Tiếp sức cho họ trên chặng đường đầy gian nan.
- Bữa cơm ấm nồng nghi ngút khói, mùi xôi nếp thơm lừng cả bản làng thôn xóm => Không gian gần gũi, quen thuộc, ấm áp.
- Chiều hoàng hôn trên sông đầy sương mù huyền ảo:
+ Không gian bao la rộng lớn.
+ Những ngọn lau hai bên bờ như có linh hồn riêng.
+ Con người duyên dáng, khỏe khoắn trên chiếc thuyền độc mộc.
+ Hoa trôi xuôi theo dòng nước.
c) Tổng kết:
- Nội dung: Bức tranh nhiều màu sắc, kì vĩ và hiểm trở, thơ mộng và trữ tình.
- Nghệ thuật:
+ Ngòi bút tả thực.
+ Ngôn ngữ thơ tượng hình, gợi tả.
+ Giọng thơ linh hoạt.
3. Kết bài:
- Nêu cảm nhận của em về bức tranh thiên nhiên Tây Tiến.
Bài văn Cảm nhận của anh chỉ về bức tranh thiên nhiên và hình ảnh người lính Tây Tiến ngắn gọn
II. Bài văn mẫu Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên Tây Tiến hay nhất:
Vùng Tây Bắc nước ta vốn nổi tiếng là nơi có vô vàn cảnh đẹp. Những núi đồi, sông suối, bản làng nơi đây đã đã đi vào tranh, vào thơ, nhạc của biết bao nhiêu văn nghệ sĩ. "Tây Tiến" là một bài thơ của tác giả Quang Dũng. Tuy thiên nhiên không phải đề tài chính của bài thơ này nhưng ông cũng đã miêu tả cảnh sắc núi rừng Tây Bắc trong nỗi nhớ vừa đẹp hùng vĩ lại vừa thơ mộng, trữ tình.
Bài thơ được sáng tác khi Quang Dũng đã rời xa Tây Tiến để đến một đơn vị khác công tác. Thế nhưng, trong tâm tưởng của nhà thơ, khi nhắc đến rừng núi Tây Bắc, ông nhớ ngay đến dòng sông Mã - con sông đồng hành cùng người lính trong suốt chặng đường hành quân:
"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"
Dòng sông như người bạn thân thiết của những chiến sĩ Tây Tiến. "Rừng núi" và "sông Mã" tạo ra một khoảng không gian bao la, rộng lớn. Vần "ơi" ở cuối câu như được ngân vang giữa thiên nhiên mênh mông khiến cho con người cảm thấy bản thân thực sự nhỏ bé.
"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi"
Nhà thơ nhắc đến hai địa điểm quen thuộc với người lính Tây Tiến là "Sài Khao" và "Mường Lát". Tuy chặng đường hành quân có những màn sương mù giăng kín lối đi khiến cho đoàn binh cảm thấy mệt mỏi. Thế nhưng, họ cũng bắt gặp hương hoa rừng thơm ngát khi chớm đêm.
"Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống"
Trong những câu thơ tiếp theo, tác giả đã vẽ lại cung đường đầy hiểm trở, gian nan mà binh đoàn Tây Tiến phải đi qua. Đó chính là những ngọn núi "khúc khuỷu", "thăm thẳm", "heo hút", cao đến "ngàn thước". Từ ngữ gợi tả, nhịp thơ linh hoạt, câu từ trúc trắc của ba câu thơ này như đưa người đọc hành quân cùng những người lính. Người ta thường miêu tả con dốc cao cheo leo chứ ít khi lấy cái "thăm thẳm" của vực sâu để miêu tả con dốc. "Heo hút" là tính từ chỉ nơi vắng vẻ. Có vẻ như đây chính là đỉnh núi, nơi có khí hậu khắc nghiệt ít có thực vật sinh sống nên mới tạo ra khung cảnh tiêu điều, heo hút. Người lính đã chinh phục được những ngọn núi cao đến nỗi chỉ cần chếch mũi súng lên thôi ta cũng có thể cảm giác như súng đã chạm đến mây trời. Sự đối lập trong câu thơ "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống" cho ta thấy địa thể khó đoán, đầy bất ngờ của núi rừng. Không những phải đối mặt với con đường hành quân đầy gian nan, binh đoàn Tây Tiến phải luôn nâng cao cảnh giác với chốn rừng thiêng nước độc:
"Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người"
Tây Bắc vốn là vùng đất nổi tiếng với địa thế hiểm trở, những cánh rừng đại ngàn đầy bí ẩn. Những âm thanh của khu rừng, thác nước phát ra có phần rợn ngợp, khiến cho con người cảm thấy nhỏ bé, lo sợ trước thiên nhiên hoang dã. Không những thế, những loài beo cọp, thú dữ cùng luôn luôn rình mò, trêu chọc người lính.
Tuy nhiên, thiên nhiên Tây Bắc không chỉ có vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội mà còn rất lãng mạn, nên thơ:
"Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
...
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi".
Đây là những hình ảnh cực kì bình dị, gần gũi với người chiến sĩ. Những người lính đứng trên núi cao nhìn xuống bản làng Pha Luông đang chìm trong cơn mưa không hề mang cảm giác lạnh lẽo mà cực kì ấm áp, yên bình. Có lẽ đó là do "nhà", "cơm", "khói" đều là cảnh vật thân thuộc, khiến cho người lính liên tưởng đến quê hương của mình. Từ đó dấy lên trong lòng họ cảm giác yêu thương, nhớ nhung, muốn bảo vệ cho đất nước, bảo vệ những mái nhà trong màn mưa xa và làn khói bếp mỗi buổi chiều tà.
Đặc biệt, Quang Dũng đã miêu tả thiên nhiên miền Tây mĩ lệ, trữ tình trong buổi chiều hoàng hôn sương mù giăng trên sông:
"Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"
Tuy đang ở làng Phù Lưu Chanh nhưng tác giả bỗng nhớ về buổi chiều sương mờ ảo trên Tây Bắc. Chiều sương ấy có những cành lau hai bên bờ sông rung rinh lay động. Sự chuyển động hợp với cảnh tượng như huyền hoặc ấy khiến cho bờ lau như có linh hồn, hòa cùng với cảm xúc của nhà thơ. Sự hòa hợp giữa người và cảnh cũng thể hiện ở hai câu cuối. Con người ngồi trên chiếc thuyền độc mộc trôi theo dòng nước cùng cánh hoa đã tạo nên hiệu ứng sắc màu lung linh trong cảnh vật. Nó khiến cho khung cảnh không còn buồn tẻ nữa mà rực rỡ hơn trong hoàng hôn.
Để miêu tả bức tranh thiên nhiên Tây Bắc vừng hùng vĩ, hiểm trở vừa thơ mộng, lãng mạn. Quang Dũng đã sử dụng một giọng thơ linh hoạt. Khi thì chậm rãi gợi âm hưởng của nỗi nhớ, khi lại rất nhanh, mạnh, gấp như nhịp bước của đoàn binh. Ngôn ngữ thơ tượng hình, gợi tả cũng cho ta thấy rõ khung cảnh núi sông và chặng đường hành quân đầy gian nan của người lính.
"Tây Tiến" không phải là một bài thơ lấy đề tài thiên nhiên. Thiên nhiên hiện về trong tâm tưởng của nhà thơ gắn liền với chặng đường hành quân của người lính. Thế nhưng nó mang tất cả đặc trưng của vùng Tây Bắc. Những ngọn núi cao cheo leo, đường lên hiểm trở, rừng thiêng bí ẩn hay khung cảnh thơ mộng giữa những bản làng dưới con mắt của tác giả hiện lên thật chân thực, sống động.
- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-buc-tranh-thien-nhien-tay-tien-sieu-hay-cua-hoc-sinh-gioi-76009n.aspx
Bài thơ "Tây Tiến" đã miêu tả khung cảnh thiên nhiên vùng Tây Bắc thật kì vĩ nhưng cũng rất trữ tình, mĩ lệ. Mời em tham khảo các bài mẫu khác trên Taimienphi.vn như: Bài thơ Tây Tiến có phảng phất những nét buồn, những nét đau, nhưng đó là cái buồn đau bi tráng, chứ không phải là cái buồn đau bi lụy. Chứng minh nhận xét trên; Cảm nhận về khổ 3 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng hay nhất; Phân tích nét độc đáo, mới mẻ của hình ảnh người lính trong bài thơ Tây Tiến; Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng; Cảm nhận về vẻ đẹp thơ mộng của cảnh và người miền Tây trong bài Tây Tiến.