Cảm nhận về khổ 3 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng hay nhất chọn lọc

Hình tượng người lính trong kháng chiến chống Pháp luôn là nguồn cảm hứng dồi dào cho văn học. Trong đó, không thể không kể đến thi phẩm Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Hãy cùng tìm hiểu thêm chủ đề này qua phần Cảm nhận về khổ 3 bài thơ Tây Tiến, Ngữ văn 12, học kì I trên Taimienphi.vn nhé!

Đề bài: Cảm nhận về khổ 3 bài thơ Tây Tiến

cam nhan ve kho 3 bai tho tay tien cua quang dung hay nhat chon loc

Bài cảm nhận đoạn 3 Tây Tiến của Quang Dũng hay nhất
 

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.


I. Dàn ý bài cảm nhận khổ 3 bài thơ Tây Tiến ngắn gọn nhất:

1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về đoạn 3 "Tây Tiến": bức chân dung cùng vẻ đẹp tâm hồn của người lính Tây Tiến.
2. Thân bài:
a, Hình ảnh những người lính Tây Tiến:
* Bức chân dung:
- "không mọc tóc": sự khắc nghiệt, khó khăn của bệnh tật nơi chiến trường đã hành hạ con người.
- "Quân xanh màu lá dữ oai hùm": ẩn dụ cho sức mạnh của đoàn quân.
* Tâm hồn hào hoa, lãng mạn:
- "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới": sự thao thức, giấc mộng về ngày chiến thắng.
- "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm": sự đối lập với thực tại khắc nghiệt.
* Lí tưởng cao đẹp:
- "Rải rác biên cương mồ viễn xứ": thực tại nghiệt ngã của chiến trường.
- "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh": lí tưởng cao đẹp, không ngại hi sinh.
- "Áo bào thay chiếu anh về đất": tâm thế bình thản trước cái chết.
- "Sông Mã gầm lên khúc độc hành": thiên nhiên cũng đau đớn, tiếc thương cho những người lính quả cảm.
=> Vẻ đẹp kiêu hùng, dũng cảm, không màng tính mạng để hi sinh cho Tổ quốc.
b, Đánh giá:
- Bút pháp tả thực kết hợp lãng mạn.
- Hình ảnh giàu sức gợi tả, liên tưởng.
- Sử dụng nhiều từ Hán Việt để tăng sự trang trọng cho đoạn thơ.
- Giọng thơ trang trọng, như một nốt trầm lắng đọng trong mạch cảm xúc của toàn bài.
- Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng linh hoạt, đan xen.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của đoạn trích.
- Liên hệ mở rộng.

Dan y cam nhan ve hinh tuong nguoi linh Tay Tien trong doan 3

Bài văn mẫu Cảm nhận khổ 3 Tây Tiến học sinh giỏi


II. Bài văn Cảm nhận về khổ 3 bài thơ Tây Tiến hay nhất:

Đất nước Việt Nam ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống lại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đó là một khoảng thời gian đầy khó khăn, mất mát, đau thương nhưng cũng mang đậm dấu ấn của sự hào hùng, bi tráng. Đã có rất nhiều tác phẩm văn học thành công khắc họa hình tượng người chiến sĩ thời kì này như "Đồng chí", "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", "Việt Bắc",... Trong đó, không thể không kể đến bài thơ "Tây Tiến". Khổ thứ ba của bài đã tái hiện một cách vô cùng chân thực vẻ đẹp vừa lãng mạn, hào hoa, vừa anh dũng, gan trường của người lính chống Pháp khi xưa.

Đầu tiên, bức chân dung những chiến sĩ Tây Tiến đã được hiện lên qua bút pháp tả thực với sự bi tráng, oai hùng:

"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm"

Trong những tháng ngày chiến đấu gian khổ, người lính phải đối diện với bao khó khăn, bệnh tật. Nào là thời tiết khắc nghiệt, bom bay đạn lạc. Nào là những cơn sốt rét rừng đã từng cướp đi bao sinh mạng. Không phải là hình ảnh người lính cường tráng, khỏe mạnh, sức vóc mẫu mực như trong những câu chuyện thần thoại, cổ tích. Người lính Tây Tiến lúc này hiện lên xanh xao, tiều tụy, ai ai cũng "không mọc tóc". Đây chính là sự thật trần trụi của chiến tranh, của chốn rừng thiêng nước độc đầy hiểm nguy. Màu xanh của rừng núi, của quân trang hay chính của nước da nhợt nhạt bởi bệnh tật. Cái đói, cái rét xuất hiện như một lời lên án, tố cáo hiện thực nghiệt ngã mà chiến tranh gây ra. Nhưng đối diện với điều khó khăn ấy, các chiến sĩ vẫn giữ cho mình thái độ lạc quan, khí chất oai phong, lẫm liệt. Họ vững tinh thần "giữ oai hùm", không để ảnh hưởng đến mục tiêu, nhiệm vụ chung. Chính khí thế hiên ngang, tự tin, bất khuất ấy đã làm nên vẻ đẹp đầy cao cả, lớn lao của những anh bộ đội Cụ Hồ.

Bên cạnh sự quả cảm cùng chất bi tráng, người lính Tây Tiến còn hiện lên với tâm hồn lãng mạn, trẻ trung:

"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"

Trong những đêm làm nhiệm vụ, người lính lúc nào cũng phải ở tâm thế sẵn sàng. Hình tượng "mắt trừng" có thể chính là sự tập trung làm nhiệm vụ, dõi theo từng bước chân của kẻ thù. Từ "trừng" không chỉ thể hiện trạng thái mở to của đôi mắt người lính mà còn là thái độ căm thù cùng quyết tâm chiến đấu, thề sống chết với quân địch. Bên cạnh đó, ánh mắt người lính còn "gửi mộng qua biên giới". Đây có thể là giấc mộng về ngày đất nước hòa bình, độc lập, cũng có thể là nỗi nhớ, sự hồi tưởng về quê hương, về Hà Nội với "dáng kiều thơm". Những người lính Tây Tiến đa số đều là sinh viên Hà Thành. Họ còn trẻ, còn nhiều mơ mộng, khát khao riêng. Nhưng vì Tổ quốc, họ đã gác lại sách bút, cầm súng lên đường ra trận. Chính nỗi nhớ về quê hương cùng "dáng kiều thơm" trong giấc mộng đêm khuya là động lực để họ tiếp tục cố gắng, vững tay súng bảo vệ nước nhà. Khói đạn chiến trường, bệnh tật hiểm nghèo cũng không thể làm mờ đi vẻ đẹp trẻ trung, hào hoa cùng tâm hồn lãng mạn của những anh chiến sĩ trẻ.

Không chỉ vậy, hình tượng người lính Tây Tiến còn xuất hiện với những lí tưởng cao đẹp, tiêu biểu cho hào khí anh hùng của cả một thời đại:

"Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

Bút pháp tả thực một lần nữa đã nói lên cái bi, cái mất mát mà chiến tranh gây nên. Sự hi sinh là một điều không thể tránh khỏi. Câu thơ "Rải rác biên cương mồ viễn xứ" đã nhắc đến thực tại đau thương ấy một cách trực tiếp, đánh mạnh vào cảm xúc của độc giả về cái bi, cái mất mát, cái đau buồn. Nhịp thơ cũng chậm lại, trầm xuống, sâu lắng hơn hẳn bốn câu thơ trước đó. Chữ "rải rác" khiến người đọc liên tưởng được số lượng những chiến sĩ đã ngã xuống ở nơi "viễn xứ". Ngay đến cả việc chôn cất họ cũng chỉ được làm qua loa: "Áo bào thay chiếu anh về đất". Ở nơi rừng núi hoang vu, trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ đường, người chiến sĩ chỉ có tấm áo mỏng để khoác lên. Tất cả những từ Hán Việt được sử dụng: "biên cương", "viễn xứ", "áo bào" đã tăng thêm sự trang trọng cho đoạn thơ. Đồng thời, biến những câu thơ trở thành một khúc ca đưa tiễn người lính. Thế nhưng cho dù có hi sinh, có phải nằm lại nơi đất khách quê người, họ vẫn tiếp tục đi, tiếp tục hành quân, chiến đấu mà "chẳng tiếc đời xanh". Hai chữ "chẳng tiếc" vang lên một cách hào sảng, vô tư, tự nguyện. Tuổi trẻ của họ cứ vậy mà dành hết cho đất nước. Bỏ qua những khát vọng, ước mơ cá nhân, những người lính đã cống hiến tất cả thanh xuân, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh đi với thái độ ngạo nghễ, bình thản, dứt khoát coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Chính thái độ ấy đã nâng tầm hình tượng người chiến sĩ, đại diện cho hào khí, tinh thần bất khuất của cả một thế hệ trẻ thời chống Pháp. Trước sự hi sinh của người lính Tây Tiến, thiên nhiên cũng phải bày tỏ nỗi tiếc thương: "Sông Mã gầm lên khúc độc hành". Sông Mã gắn liền với bước đường hành quân của binh đoàn, trở thành một "người" đồng chí, đồng đội thân thiết, là chứng nhân lịch sử cho chiến công của các anh. Giờ đây, chứng kiến những người lính lần lượt ngã xuống, dòng sông ấy đã "gầm" lên khúc ca đầy bi tráng, đưa tiễn người bạn của mình "về đất", đi vào cõi bất tử.

Chỉ với tám câu thơ ngắn gọn, tác giả Quang Dũng đã thành công tái hiện hình tượng người chiến sĩ Tây Tiến vừa hào hoa, lãng mạn, vừa quả cảm, oai hùng. Bằng bút pháp tả thực kết hợp với những hình ảnh giàu sức gợi, ngôn từ chọn lọc đầy trang trọng, đoạn thơ không chỉ ca ngợi vẻ đẹp của người lính mà còn đem đến vô vàn cảm xúc cho độc giả.

Nhìn chung, khổ thơ thứ ba được coi như sự kết tinh sâu sắc nhất cho toàn tác phẩm. Đoạn trích thành công dựng nên hình tượng bất tử của người lính Tây Tiến, đồng thời diễn tả được hào khí, tinh thần bất khuất, kiên cường cùng lí tưởng cao đẹp của cả một thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mỹ. Qua đó, người đọc lại càng thêm trân trọng, biết ơn công lao của biết bao thế hệ trước đã ngã xuống vì độc lập, hòa bình ngày nay.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-kho-3-bai-tho-tay-tien-cua-quang-dung-hay-nhat-76005n.aspx
Hình tượng người lính Tây Tiến không chỉ hiện lên với vẻ đẹp bi tráng mà còn mang những nét lãng mạn, sâu sắc đáng quý. Em hãy thường xuyên ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm các bài viết liên quan nhé: Phân tích 8 câu thơ đầu Tây Tiến; Cảm nhận bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng; Hình tượng người lính trong đoạn thơ thứ ba của bài Tây Tiến hay chọn lọc; Phân tích đoạn cuối bài thơ Tây Tiến.

Tác giả: Hoài Linh     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Cảm nhận bài Tây Tiến của Quang Dũng hay nhất tuyển chọn
Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng hay nhất tuyển chọn
Cảm nhận đoạn 1 Tây Tiến của Quang Dũng tuyển chọn hay nhất
Cảm nhận về tâm trạng của tác giả khi nhớ về miền Tây Bắc trong bài Tây Tiến
Dàn ý cảm nhận về khổ 3 bài thơ Tây Tiến
Từ khoá liên quan:

Cam nhan ve kho 3 bai tho Tay Tien

, Hinh tuong nguoi linh Tay Tien trong kho 3 hay nhat, Dan y cam nhan ve hinh tuong nguoi linh Tay Tien trong doan 3,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phân tích bài thơ Tây Tiến

    Bài văm mẫu phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng hay chọn lọc

    Trong chương trình Ngữ văn lớp 12, “Tây Tiến” là một tác phẩm vô cùng quan trọng. Để tổng hợp kiến thức về bài thơ này, Taimienphi.vn gửi đến các em phần Phân tích bài thơ Tây Tiến với dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu b ...

Tin Mới