Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

"Tây Tiến" là bài thơ đặc sắc của Quang Dũng viết về hình ảnh người lính Hà Thành. Để có thêm những cảm nhận sâu sắc về bài thơ, các em có thể tham khảo bài viết Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến trên Taimienphi.vn.

Đề bài: Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến

Dan y cam hung lang man va tinh than bi trang trong doan 3 bai Tay Tien

Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài Tây Tiến siêu hay

Nội dung bài viết:
A. Bài văn mẫu số 1.
B. Bài văn mẫu số 2.


A. Bài văn mẫu Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến hay nhất số 1


I. Dàn ý cảm hứng lãng mạn và bi tráng trong bài Tây Tiến ngắn nhất

1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến.
2.1. Giải thích khái niệm:
- Cảm hứng lãng mạn là cảm hứng chủ đạo, nổi bật trong văn học. Biểu hiện của nó đó là tinh thần lạc quan, vượt lên trên mọi khó khăn, thử thách hướng về tương lai với niềm hi vọng.
- Tinh thần bi tráng là dù cho có vất vả, khó khăn, thậm chí là hi sinh nhưng người lính không chùn bước, bỏ cuộc mà vẫn hiên ngang, hào hùng.
=> Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng được thể hiện rất rõ qua bài thơ Tây Tiến.
2.2. Phân tích cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến:
a) Cảm hứng lãng mạn:
- Được thể hiện qua những câu thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên miền Tây:
+ "Mường Lát hoa về trong đêm hơi": Hình ảnh những bông hoa rừng trên con đường hành quân của người lính. Cũng có thể hiểu đó là những bó hoa đuốc soi đường hành quân.
+ "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi": Cảnh tượng gần gũi, yên bình..
+ "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi": Nỗi nhớ về những cô gái miền Tây.
+ "Khèn lên man điệu nàng e ấp/ Nhạc về viên chăn xây hồn thơ": Người lính như đang đắm chìm trong âm thanh rộn ràng, vui tươi của đêm hội.
+ "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm": Giấc mộng về những cô gái Hà Thành xinh đẹp, duyên dáng, thanh lịch.
=> Cảm hứng lãng mạn được thể hiện qua bức tranh thiên nhiên thơ mộng và hình ảnh người lính đa tình, hào hoa.
b) Tinh thần bi tráng của người lính:
- "Đoàn quân mỏi": Nét bút tả thực cái mệt mỏi vất vả của người lính.
- "Anh bạn dãi dầu không bước nữa": Cực tả được cái vất vả, rã rời của người lính.
- "Gục lên súng mũ bỏ quên đời": Người lính vẫn mải miết trên con đường hành quân cho đến khi kiệt sức ngã xuống, không một phút giây nào các anh chùn bước, bỏ cuộc.
- "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc": Căn bệnh sốt rét rừng khiến cho mái tóc xanh của người lính không còn nữa.
- "Rải rác biên cương mồ viễn xứ": Đã trực tiếp nói về sự hi sinh của người lính trên đường hành quân.
- "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh": Ý chí chiến đấu không gì có thể ngăn cản được.
- "Áo bào thay chiếu anh về đất/Sông Mã gầm lên khúc độc hành":......
3. Kết bài:
- Đánh giá chung về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật:
+ Giá trị nội dung: Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng.
+ Giá trị nghệ thuật: Những hình ảnh thơ gợi hình, xây dựng sự đối lập tương phản giữa diện mạo và tâm hồn người lính.


II. Bài văn Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến siêu hay:

Quang Dũng gia nhập binh đoàn Tây Tiến ngay từ những ngày đầu thành lập. Chính những kỉ niệm gắn bó với nơi đây đã khiến nhà thơ xúc động mà viết lên "Tây Tiến". Bài thơ được coi là thi phẩm toàn bích hiếm có của thơ ca cách mạng, rất tiêu biểu cho hồn thơ Quang Dũng. Tác phẩm đã giúp người đọc cảm nhận được cảm hứng lãng mạn và tính chất bi tráng.

Cảm hứng lãng mạn là một đặc điểm quan trọng của văn học cách mạng những năm 1945 - 1975. Cảm hứng đó được thể hiện trong bài thơ "Tây Tiến" bằng việc tác giả miêu tả bức tranh thiên nhiên nên thơ, trữ tình và hình ảnh người lính lãng mạn, hào hoa. Còn cảm hứng bi tráng thì gợi ra cho người đọc thực tế những khó khăn và thử thách trên con đường hành quân của người lính. Nhà thơ nói về cái bi mà không hề sướt mướt, ủy mị. Mặc dù phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn nhưng họ vẫn hiên ngang, dũng cảm bước tiếp. Cảm hứng lãng mạn và bi tráng đồng hành với nhau trong suốt cả bài thơ để làm nên cái hay cho thi phẩm "Tây Tiến".

Đầu tiên, cảm hứng lãng mạn được nhà thơ thể hiện rất rõ qua bức tranh thiên nhiên miền Tây nên thơ, trữ tình. Câu thơ "Mường Lát hoa về trong đêm hơi" mang vẻ đẹp lãng mạn, gợi ra một không gian huyền ảo, mông lung. "Hoa về" là hoa đuốc hay hoa rừng? Đó có thể là những bó đuốc đỏ rực rỡ soi rõ bước đường hành quân hay những bông hoa rừng hiện dần trong đêm để chào đón đoàn quân. Ý thơ khiến người đọc không thể cắt nghĩa một cách rõ ràng mà chỉ có thể cảm nhận bằng trực giác. Và cũng chính vẻ đẹp trữ tình của thiên nhiên miền Tây đã lại phần nào hé lộ tâm hồn nhạy cảm, lãng mạn của người lính. Bức tranh thiên nhiên miền Tây nên thơ còn được thể hiện qua câu thơ "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Hai Tiếng "nhà ai" vang lên đầy xao xuyến, gợi nỗi niềm hoài thương. Câu thơ có bảy thanh bằng kết hợp với giọng thơ nhẹ nhàng, du dương giúp ta cảm nhận được sự thanh thản, nhẹ nhõm trong tâm hồn người lính. Sau những ngày dài hành quân vất vả, có lẽ đây là lúc họ được nghỉ ngơi, được ngắm nhìn vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên. Không chỉ nhớ về thiên nhiên miền Tây, người lính còn nhớ về con người nơi đây. Điều đó được thể hiện qua ý thơ "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi". Đây là nỗi nhớ về những cô gái miền Tây với sóng mắt nồng nàn, với đôi bàn tay thơm thảo làm rung động lòng người. Đặc biệt, họ còn nhớ về những cô gái Hà Nội xinh đẹp. Cụm từ "dáng kiều thơm" đã thể hiện rất khéo léo giấc mộng đời thường của những người chiến sĩ. Họ mang vào cuộc chiến không chỉ là ý chí chiến đấu mà còn là sự lãng mạn, hào hoa của người lính Hà Thành. Vậy qua đây, người đọc có thể cảm nhận được cảm hứng lãng mạn sâu sắc được nhà thơ Quang Dũng gửi gắm.

Đọc bài thơ, độc giả không chỉ cảm nhận được chất lãng mạn mà còn cả tinh thần bi tráng. Nhà thơ nói về cái bi nhưng không hề bi lụy, đau thương. Trên con đường hành quân, người lính gặp phải vô vàn khó khăn, thử thách, thậm chí là đối diện với cái chết. Câu thơ "Anh bạn dãi dầu không bước nữa" đã nhấn mạnh được cái vất vả, khó khăn khiến cho bước chân người lính trở nên mệt mỏi. Trước những gian truân đó, người lính đã phải "Gục lên súng mũ bỏ quên đời". Đây là kí ức buồn của tác giả về người chiến binh trên nẻo đường hành quân. Ý thơ có thể hiểu theo hai nghĩa. Đầu tiên có thể hiểu đó là giấc ngủ chập chờn, vội vã của người lính trên con đường ra trận. Nhưng cũng có thể cắt nghĩa rằng chặng đường hành quân gian khó đã vắt kiệt sức của người lính khiến các anh ngã xuống và chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Tư thế "gục lên súng mũ" đã làm nổi bật sự hiên ngang của người anh hùng xứ sở. Tinh thần đó giống với bài thơ của Lê Anh Sơn "Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất/Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/Và anh chết khi đang đứng bắn/Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng/ Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất/Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân".

Bước vào cuộc chiến, người lính phải đối mặt với vô vàn hiểm nguy và bệnh tật. Câu thơ "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc" như khắc sâu trong tâm trí người đọc hình ảnh thật đặc biệt. Không phải họ không có tóc mà do căn bệnh sốt rét rừng khiến cho mái tóc không còn nữa. Tuy nhiên, Quang Dũng nói về hiện thực bằng bút pháp lãng mạn. Vậy nên dù diện mạo có khác thường thì người lính vẫn toát lên sự can trường, mạnh mẽ. Hai chữ "đoàn binh" mang âm hưởng trầm hùng. Và cách nói "không mọc tóc" ẩn chứa chất ngang tàng, chủ động, đầy thách thức của người lính. Quang Dũng đã xây dựng sự đối lập giữa diện mạo bên ngoài và thần thái bên trong của họ. Vẻ bề ngoài của người lính xanh xao, khắc khổ nhưng bên trong lại "dữ oai hùm". Đó giống như một cái hất đầu đầy kiêu hãnh và ngạo nghễ thách thức mọi khó khăn.

Chất bi thương trong bài thơ được khắc họa rất rõ qua câu thơ "Rải rác biên cương mồ viễn xứ". Ý thơ đã trực tiếp nói về sự hi sinh của người lính trên đường hành quân. Câu thơ được cất lên khiến ta hình dung đến những nấm mồ nhỏ bé, đơn côi, hoang lạnh nằm rải rác khắp nẻo rừng hoang viễn xứ, không người hương khói, ít kẻ qua lại, đang chìm dần vào quên lãng. Qua đây, người đọc không khỏi xót xa, ngậm ngùi với những hi sinh trong cuộc đời người lính. Bước vào cuộc chiến và hiểu rõ những mất mát mình sẽ gặp phải nhưng người lính chưa bao giờ chùn bước, sợ hãi. Họ vẫn hiên ngang đương đầu với khó khăn, thử thách. Chi tiết "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" đã khắc họa tuyệt đẹp tư thế lên đường của người lính. Hai chữ "chẳng tiếc" đặt giữa dòng thơ vang lên như một lời thề vĩnh quyết chứa đựng lí tưởng sống cao cả của những người lính sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc.

Bằng hình ảnh thơ gợi hình, xây dựng sự đối lập tương phản, Quang Dũng đã mang đến cho độc giả một bài thơ hay với cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng đặc sắc. Và qua đây, người đọc hiểu được rằng những người lính ra đi nhưng các anh vẫn sẽ là mầm để cho sự sống mới được nảy nở như một người cựu chiến binh đã từng viết "Người hi sinh đất hồi sinh/Tim người hóa ngọc lung linh giữa đời".

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

 Mời em ghé qua Taimienphi.vn để cập nhật thêm nhiều bài viết liên quan nhé: Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến: "Doanh trại bừng lên... khúc độc hành" hay ngắn, Hình tượng người lính trong đoạn thơ thứ ba của bài Tây Tiến, Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên Tây Tiến siêu hay của học sinh giỏi

cam hung lang man va tinh than bi trang trong bai tho tay tien cua quang dung

Bài văn mẫu Cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến hay nhất


B. Bài văn Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến hay ngắn số 2

 

I. Dàn ý Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong Tây Tiến ngắn nhất:

1. Mở bài:
- Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu về cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài "Tây Tiến".
2. Thân bài:
2.1. Cảm hứng lãng mạn trong bài "Tây Tiến":
a) Giải thích về cảm hứng lãng mạn:
- Lãng mạn là một khuynh hướng thẩm mĩ hướng tới sự tích cực, tốt đẹp, cao cả. Nó đem lại cho con người niềm tin về tương lai tươi sáng, động lực để vượt qua khó khăn, gian khổ.
- Cảm hứng lãng mạn trong văn học Việt Nam thời kì 1945-1975 là cảm hứng chủ đạo. Nó ca ngợi vẻ đẹp của con người thời kì mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tin tưởng vào tương lai của dân tộc.
- Trong "Tây Tiến", cảm hứng lãng mạn được gợi lên từ nỗi nhớ của nhà thơ về đoàn binh Tây Tiến, thể hiện ở cái "tôi" tràn đầy cảm xúc của tác giả, ở phong cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính Tây Tiến vừa hào hùng, vừa tài hoa.
b) Phân tích cảm hứng lãng mạn thể hiện trong nội dung bài thơ:
- Cảm hứng lãng mạn được thể hiện ở thiên nhiên có nhiều dạng địa hình phong phú:
+ Cảnh núi non hùng vĩ, hiểm trở "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm", "Heo hút", "Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống".
+ Cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng: "Mường Lát hoa về trong đêm hơi", "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi", "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói".
+ Cảnh sắc miền Tây trữ tình: "Chiều sương" mờ ảo, hàng lau hai bên bờ sông, bông hoa trôi xuôi theo dòng nước.
- Cảm hứng lãng mạn được thể hiện trong cuộc sống sinh hoạt của con người miền Tây:
+ Bát xôi ngào ngạt mùi thơm của những cô gái Mai Châu.
+ Đêm liên hoan lửa trại có đuốc hoa độc đáo, rực rỡ, có âm nhạc vui tươi, rộn ràng.
+ Những cô gái miền Tây xinh đẹp, duyên dáng trong điệu múa đầy uyển chuyển, thướt tha.
- Cảm hứng lãng mạn thể hiện qua hình tượng những người lính Tây Tiến, những chàng trai Hà Nội hào hoa. Tuy ra đi vì sự sự nghiệp lớn của Tổ quốc nhưng trong tim họ luôn giữ hình bóng về quê hương, về người con gái Hà Thành yểu điệu, thướt tha.
- Cái "tôi" của nhà văn tràn đầy cảm xúc, nhạy cảm, mộng mơ, dễ rung động.
c) Phân tích cảm hứng lãng mạn thể hiện trong nghệ thuật bài thơ:
- Bút pháp tương phản, đối lập cực kì ấn tượng khi miêu tả thiên nhiên miền Tây vừa mang nét thơ mộng, trữ tình nhưng cũng đồng thời ẩn chứa muôn vàn hiểm nguy.
- Chất họa, chất nhạc, chất thơ hòa quyện vào nhau:
+ Chất họa: Bức tranh thiên nhiên Tây Tiến hiện ra với địa hình đa dạng, phong phú, vừa thơ mộng vừa cheo leo, nguy hiểm.
+ Chất nhạc: Nhịp điệu, tiết tấu của bài thơ biến đổi linh hoạt theo khung cảnh. Từ vần "ơi" ở cuối 2 dòng thơ đầu thể hiện nỗi nhớ sâu lắng, tha thiết đến những câu toàn thanh trắc "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm" diễn tả sự nhọc nhằn, vất vả trên đường hành quân. Những câu thơ toàn thanh bằng, nhịp điệu chậm rãi "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi" diễn tả sự thanh bình hiếm hoi giữa chiến trường ác liệt,...
- Ngôn ngữ thơ giàu tính tạo hình gợi khung cảnh ("Khúc khuỷu", "thăm thẳm", "heo hút", "súng ngửi trời",...) tính biểu cảm gợi cảm xúc ("ơi" - "chơi vơi", "nhớ ôi", "gầm lên",...).
2.2. Tinh thần bi tráng trong bài "Tây Tiến":
a) Giải thích về tinh thần bi tráng:
- Bi tráng: Vừa mang nét bi thương lại vừa hùng tráng, mạnh mẽ.
- Tinh thần bi tráng trong văn học Việt Nam là lối viết nhìn thẳng vào những đau thương mất mát, vào sự gian khổ của chiến tranh mà không hề trốn tránh. Từ đó ca ngợi những người lính anh hùng, sẵn sàng đối mặt với khó khăn trên mặt trận, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Sự bi tráng thường được thể hiện bằng giọng điệu rắn rỏi, âm hưởng hào hùng và những hình ảnh tráng lệ.
b) Phân tích tinh thần bi tráng thể hiện trong nội dung bài thơ:
- Tinh thần bi tráng được thể hiện qua ngoại hình dữ dằn "không mọc tóc", da "xanh màu lá", vừa để khắc họa bức chân dung người lính Tây Tiến, vừa để mô tả hiện thực khốc liệt. Chính những cơn sốt rét rừng khiến cho người lính bị rụng hết tóc, làm cho màu da xanh xao, bủng beo hơn bình thường => Nhìn thẳng vào hiện thực để viết, không né tránh nhưng cũng không bi lụy mà cực kì hào sảng, coi nhẹ khó khăn.
- Tinh thần bi tráng thể hiện qua sự hi sinh của những người lính:
+ "Anh bạn dãi dầu không bước nữa/Gục lên súng mũ bỏ quên đời": Cái chết của người đồng đội không hề bi lụy, đau thương mà chỉ như một giấc ngủ quên trên chặng đường hành quân => Coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.
+ Hình ảnh "Rải rác biên cương mồ viễn xứ" gợi lên hiện thực đau thương về cái chết. Nhưng Quang Dũng đã sử dụng những từ Hán Việt để gợi lên sự trang trọng, hào hùng giúp cho những buồn đau được xóa mờ đi.
+ Tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" chính là ước nguyện, là quyết tâm của tất cả những thanh niên thời bấy giờ.
+ "Áo bào thay chiếu" và "sông Mã gầm lên khúc độc hành" khiến cho cái chết của người lính mang đậm tính sử thi, như bản anh hùng ca của thời kì chống Pháp. Mỗi người về với đất lại được thiên nhiên tiếc thương, đưa tiễn như chính người thân trong gia đình => Cái chết đau thương được tác giả cách điệu, mĩ lệ hóa để nó mang âm hưởng hào hùng, bi tráng, bất tử.
=> Tuy không miêu tả những trận đánh nhưng người đọc vẫn hình dung được sự hi sinh cùng những gian khó trong chiến tranh dưới ngòi bút tài hoa của Quang Dũng. Đặc biệt là hình ảnh hào hùng, bi thương, xúc động của những người lính Tây Tiến
c) Phân tích tinh thần bi tráng thể hiện trong nghệ thuật bài thơ:
- Người lính được hiện lên qua những từ ngữ đầy mạnh mẽ, hiên ngang: "oai hùm", "mắt trừng", "áo bào", "sông Mã gầm lên".
- Âm hưởng hào hùng, bi tráng của bài thơ.
2.3. Đánh giá
- Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng không hề tách rời mà được cộng hưởng, nâng đỡ, hòa quyện vào nhau trong từng câu thơ, đoạn thơ, hình ảnh thơ.
- Nó giúp "Tây Tiến" có vẻ đẹp độc đáo, vừa thơ mộng, trữ tình nhưng cũng không kém phần hào hùng. Hiện thực chiến tranh khốc liệt và chân dung người lính cũng được khắc họa rất chân thực, rõ nét.
- Khiến cho bài thơ gây được ấn tượng mạnh, có sức sống lâu đời trong lòng bạn đọc.
=> Sự hòa hợp nhịp nhàng giữa cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng là một trong những lí do khiến "Tây Tiến" đạt đến độ toàn diện, toàn bích.
3. Kết bài:
- Khái quát lại về cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ.


II. Bài mẫu Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến của học sinh giỏi:

Văn học thời chiến đã xuất hiện vô vàn tác phẩm viết về người lính và chiến tranh. Mỗi bài thơ đều mang một nét độc đáo riêng không thể trộn lẫn. "Tây Tiến" của Quang Dũng cũng vậy. Đây là một thi phẩm mà khi nhắc về nó, người ta nhớ đến cảm hứng lãng mạn cùng tinh thần bi tráng được hòa quyện vào nhau vô cùng nhịp nhàng, giúp cho bài thơ đạt gần đến độ tuyệt bích.

Lãng mạn là một khuynh hướng thẩm mĩ hướng tới sự tích cực, tốt đẹp, cao cả. Nó đem lại cho con người niềm tin, động lực để vượt qua khó khăn gian khổ. Trong văn học Việt Nam thời kì 1945-1975, cảm hứng lãng mạn cũng là cảm hứng chủ đạo của đa số các sáng tác. Nội dung thường ca ngợi vẻ đẹp con người trong thời kì mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và thể hiện niềm hi vọng vào tương lai tươi sáng. Cảm hứng lãng mạn trong bài thơ "Tây Tiến" được gợi ra từ nỗi nhớ của tác giả Quang Dũng. Năm 1948, sau khi công tác ở Tây Tiến một khoảng một năm, ông được chuyển đơn vị. Thế nhưng nỗi nhớ về binh đoàn luôn thường trực trong lòng Quang Dũng. Nỗi niềm đó được thể hiện bằng cái "tôi" tràn đầy cảm xúc, thăng hoa khi miêu tả phong cảnh thiên nhiên miền núi Tây Bắc và bức chân dung người lính Tây Tiến.

Thiên nhiên Tây Bắc thường nổi tiếng với cảnh núi non hùng vĩ, hiểm trở. Và đó cũng chính là con đường hành quân mà người lính phải đi qua. Đường núi đã thường khó đi, nay lại có "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm", "heo hút cồn mây", "Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống". Những cung đường đó như đang thử thách tinh thần những người lính của chúng ta. Thế nhưng, thiên nhiên miền Tây cũng có những lúc hiền hòa, thơ mộng "hoa về trong đêm hơi", "Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi". Con người miền Tây cũng rất nhiệt tình. Họ nấu cho người lính những bát xôi thơm mùi nếp mới, mời người lính tham dự đêm liên hoan lửa trại. Những cô thôn nữ xinh đẹp, duyên dáng trong bộ váy mới múa điệu múa uyển chuyển, thướt tha, dưới tiếng khèn vui tươi, rộn rã. Phải có một góc nhìn tích cực, lạc quan lắm thì người chiến sĩ mới có thể quên đi sự khốc liệt của chiến tranh, cảm nhận vẻ đẹp của non sông gấm vóc, hòa nhịp vào cuộc sống sinh hoạt của người dân. Vậy là, cảnh thiên nhiên và con người miền núi Tây Bắc đã được hiện lên bằng ngòi bút tài hoa, cảm hứng lãng mạn của Quang Dũng.

Không những thế, nhà thơ còn thể hiện cảm hứng lãng mạn thông qua bức chân dung về người lính Tây Tiến. Đó là những chàng trai Hà Nội đang ở độ tuổi học sinh, sinh viên. Họ đã quyết định dâng hiến tuổi trẻ, cuộc đời mình cho Tổ quốc, cho lí tưởng độc lập, tự do của dân tộc. Tuy sống và chiến đấu hết mình dưới làn bom đạn nhưng tâm hồn người lĩnh vẫn có những nét hào hoa, lãng mạn chứ không hề khô khan. Trong trái tim mỗi chàng trai đều mang trong mình một "dáng kiều thơm". Đó chính là những cô gái Hà thành xinh đẹp, thanh lịch, người trong mộng của mỗi chàng trai. Bóng hình đó là động lực để người lính có thêm sức mạnh chiến đấu, hi vọng vào tương lai tương sáng.

Cảm hứng lãng mạn không chỉ thể hiện trong nội dung tác phẩm mà còn lưu dấu đậm nét ở nghệ thuật của bài thơ. Tác giả đã sử dụng bút pháp tương phản, đối lập để miêu tả bức tranh thiên nhiên miền Tây thơ mộng, trữ tình nhưng cũng đồng thời ẩn chứa muôn vàn hiểm nguy, gây ấn tượng mạnh với bạn đọc. Ngôn ngữ thơ cũng rất giàu tính tạo hình và biểu cảm. Đọc những từ "khúc khuỷu", "thăm thẳm", "heo hút", ta tưởng tượng được ngay những dốc núi dựng đứng, chênh vênh in dấu bước chân người lính. Hay những cảm xúc thương nhớ, kiêu hãnh, oai hùng, bi tráng được thể hiện rải rác ở các từ ngữ, vần thơ xuyên suốt tác phẩm. Đặc biệt nhất, khi nhắc đến "Tây Tiến", ta không thể bỏ qua sự hòa quyện giữa chất nhạc, chất họa và chất thơ. Quang Dũng thực sự là một người nghệ sĩ đa tài. Đọc bài thơ, "ta có cảm tưởng như ngậm nhạc trong miệng" (Xuân Diệu), như đang chiêm ngưỡng bức tranh về miền núi Tây Bắc và cuộc sống sinh hoạt phong phú của người dân.

Ngoài cảm hứng lãng mạn thì tinh thần bi tráng cũng là một yếu tố chủ đạo góp phần làm nên thành công của tác phẩm. Thay vì trốn tránh hiện thực tàn khốc, lối viết này lại nhìn thẳng vào những đau thương, mất mát của chiến tranh. Từ đó ca người lính anh hùng, sẵn sàng đối mặt với gian khổ và hi sinh. Sự bi tráng thường được thể hiện bằng giọng điệu rắn rỏi, âm hưởng hào hùng và những hình ảnh được diễm lệ hóa.

Trong "Tây Tiến", tinh thần bi tráng được thể hiện qua những chi tiết miêu tả ngoại hình và sự hi sinh của những người lính. Tuy bị căn bệnh sốt rét rừng hành hạ, khiến làn da "xanh màu lá" và mái đầu "không mọc tóc" nhưng người lính vẫn giữ được thái độ lạc quan, vui vẻ, coi đó là "dữ oai hùm". Văn chương thời chiến thường tránh nói về những cái bi, về những khó khăn trên chiến trường để tránh làm giảm đi ý chí của mọi người. Tuy nhiên ở đây, Quang Dũng không giấu diếm hoàn cảnh thiếu thốn khiến cho ngoại hình người lính trở nên xanh xao, tiều tụy mà còn cực kì hào sảng, đối mặt với việc đó bằng thái độ tích cực, coi nhẹ khó khăn. Cái chết cũng vậy. Nó nhẹ tựa lông hồng, không hề đau thương mà chỉ như một giấc ngủ "Anh bạn dãi dầu không bước nữa/Gục lên súng mũ bỏ quên đời". Hoặc, tác giả thông báo sự hi sinh của đồng đội bằng lời thơ "anh về đất". Sự bi tráng ở đây thể hiện bằng việc Quang Dũng đã mĩ lệ hóa cái chết của người lính, biến nó thành một bản anh hùng ca trong các câu chuyện sử thi xa xưa bằng lối so sánh "Áo bào thay chiếu" và "sông Mã gầm lên". Sự hi sinh đó khiến cho núi sông cũng cảm thấy tiếc thương, "gầm lên" khúc ca tiễn biệt. Đó là khúc nhạc mang âm hưởng hào hùng, bi tráng, khẳng định sự bất tử của người chiến sĩ cách mạng.

Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài "Tây Tiến" không hề tách rời mà được cộng hưởng, hòa quyện, nâng đỡ nhau trong từng câu thơ, đoạn thơ, hình ảnh thơ. Nó giúp cho tác phẩm mang vẻ đẹp độc đáo, vừa trữ tình nhưng cũng rất hào hùng. Khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống sinh hoạt của con người miền núi Tây bắc cùng bức chân dung người lính Tây Tiến đã được khắc họa chân thực, rõ nét nhờ cả hai nguồn cảm hứng này.

Thật không quá khi nói rằng "Tây Tiến" là một bài thơ đặc sắc, gần đạt đến độ toàn bích. Sự hòa hợp giữa âm hưởng lãng mạn và tinh thần bi tráng khiến cho ta thấy được hình tượng người lính khác hẳn so với những tác phẩm cùng thời. Họ mang vẻ đẹp đa tình, hào hoa nhưng cũng rất anh hùng. Chính điểm đặc biệt đó đã giúp cho bài thơ có gây được ấn tượng mạnh mẽ, giữ được vị trí riêng của mình trong dòng chảy của văn học.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - - HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-hung-lang-man-va-tinh-than-bi-trang-trong-bai-tho-tay-tien-cua-quang-dung-76008n.aspx
Khi viết bài văn phân tích cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ, các em chú ý lực chọn những hình ảnh thơ tiêu biểu để làm nổi bật vấn đề.

Tác giả: Nguyễn Hải Sơn     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Dàn ý cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài Tây Tiến
Phân tích bút pháp và cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Phân tích cảm hứng lãng mạn ở bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Phân tích tính chất bi tráng ở bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng hay nhất chọn lọc
Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến: "Doanh trại bừng lên... khúc độc hành"
Từ khoá liên quan:

Cam hung lang man va tinh than bi trang trong bai tho Tay Tien

, Nhan xet ve cam hung lang man va tinh than bi trang trong bai tho Tay Tien, Dan y cam hung lang man va tinh than bi trang trong doan 3 bai Tay Tien,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phân tích bài thơ Tây Tiến

    Bài văm mẫu phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng hay chọn lọc

    Trong chương trình Ngữ văn lớp 12, “Tây Tiến” là một tác phẩm vô cùng quan trọng. Để tổng hợp kiến thức về bài thơ này, Taimienphi.vn gửi đến các em phần Phân tích bài thơ Tây Tiến với dàn ý chi tiết và các bài văn mẫu b ...

Tin Mới