Phân tích bài thơ để chứng minh: Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng là đặc điểm nổi bật trong Tây Tiến

Mỗi một tác phẩm văn học đều mang những đặc điểm riêng vô cùng nổi bật. Ngoài bài phân tích bài thơ Tây Tiến, các em hãy cùng tìm hiểu về điều này ở bài thơ “Tây Tiến” qua phần Phân tích bài thơ để chứng minh: Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng là đặc điểm nổi bật trong Tây Tiến trên Taimienphi.vn nhé!

Bài viết liên quan

Đề bài: Phân tích bài thơ để chứng minh: Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng là đặc điểm nổi bật trong bài thơ Tây Tiến.

phan tich bai tho de chung minh cam hung lang man va tinh than bi trang la dac diem noi bat trong tay tien

Bài văn mẫu Phân tích bài thơ Tây Tiến để chứng minh: Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng là đặc điểm nổi bật trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

 

Mẹo Phương pháp phân tích đoạn văn, đoạn thơ hay, dành điểm 9, 10

 

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Bài văn mẫu.
1. Bài mẫu số 1.
2. Bài mẫu số 2.


I. Dàn ý Phân tích bài thơ để chứng minh: Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng là đặc điểm nổi bật trong bài thơ Tây Tiến ngắn gọn

1. Mở bài: 
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng được thể hiện trong tác phẩm. 
2. Thân bài: 
2.1. Giải thích: 

- Cảm hứng lãng mạn là gì? 
+ Là những cảm xúc chủ đạo chi phối sức tưởng tượng, sáng tạo của con người về sự tiến bộ, tương lai,...
+ Cảm hứng lãng mạn trong văn học 45-75 khẳng định lí tưởng về cuộc sống mới, con người mới; ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc. 
- Tinh thần bi tráng: 
+ Sự hào hùng, mạnh mẽ.
+ Không né tránh thực tại.
+ Tập trung vào cái "bi" chứ không "lụy".
2.2. Phân tích: 
a, Cảm hứng lãng mạn trong "Tây Tiến":

- Nỗi nhớ da diết của tác giả dành cho quân đoàn Tây Tiến: 
+ Nỗi nhớ là mạch cảm xúc chủ đạo của bài thơ.
+ Nỗi nhớ được thể hiện trực tiếp: "Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"; "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói"; "Có nhớ dáng người trên độc mộc". 
- Khung cảnh thiên nhiên Tây Bắc thơ mộng, lãng mạn: 
+ Con đường hành quân nên thơ, hũng vĩ nhưng chứa đầy hiểm nguy. 
+ Cảnh sinh hoạt đời thường của con người.
+ Sông nước Tây Bắc mang vẻ đẹp thơ mộng, hữu tình pha chút linh thiêng, huyền bí.
- Kí ức về những đêm liên hoan văn nghệ thấm đượm tình quân dân 
+ Cái nhìn đầy thi vị của người chiến sĩ.
+ Sự tinh tế trong từng cảm nhận.
- Tâm hồn hào hoa, lãng mạn của người chiến sĩ: 
+ Đêm văn nghệ vui tươi, tràn ngập màu sắc và âm thanh.
+ Những đêm mộng "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm". 
=> Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ đã trở thành bàn đạp để tác giả ca ngợi sự tinh tế, tâm hồn lãng mạn, hào hoa của những người chiến sĩ. 
b, Tinh thần bi tráng trong "Tây Tiến": 
- Chân dung người lính Tây Tiến được miêu tả một cách chân thực: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc"
- Sự hi sinh của những người lính không bị "bi lụy hóa": 
+ "Anh bạn dãi dầu không bước nữa/Gục lên súng mũ ngủ quên đời".
+ "Rải rác biên cương mồ viễn xứ".
+ "Áo bào thay chiếu anh về đất".
- Lí tưởng cao đẹp của người chiến sĩ: 
+ "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh".
+ "Tây Tiến người đi không hẹn ước/Đường lên thăm thẳm một chia phôi/Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy/Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi". 
=> Tác giả không đề cập đến bom đạn chiến tranh nhưng vẫn gợi ra được hậu quả đau thương mà nó mang lại. Đồng thời, khẳng định khí phách của tuổi trẻ, tinh thần bất khuất, hiên ngang, ngạo nghễ của người lính. 
2.3. Đánh giá: 
- Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng là hai luồng cảm xúc chủ đạo xuyên suốt tác phẩm. 
- Hai luồng cảm xúc này không chỉ không đối lập mà còn hòa quyện, gắn kết với nhau chặt chẽ. 
- Thể hiện vẻ đẹp, tầm vóc của người chiến sĩ thời chống Pháp.
- Góp phần thể hiện rõ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. 
3. Kết bài: 
- Khẳng định lại giá trị của cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng được thể hiện trong tác phẩm.
- Liên hệ mở rộng.

 

II. Bài văn Phân tích cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến ngắn nhất: 


1. Phân tích bài thơ để chứng minh: Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng là đặc điểm nổi bật trong bài thơ Tây Tiến - Mẫu 1

"Tây Tiến" là một trong những tác phẩm vô cùng nổi bật của văn học thời kì kháng chiến chống Pháp. Thành công ấy đến từ rất nhiều khía cạnh. Song, không thể không kể đến ảnh hưởng của cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng được tác giả khéo léo đan cài. Đây chính là hai yếu tố chủ đạo, góp phần giúp tác phẩm giữ vững được vị trí trong dòng chảy vô tận của văn chương. 

Trước tiên, mỗi người cần phải hiểu rõ cảm hứng lãng mạn là gì. Đó chính là những cảm xúc chủ đạo dẫn dắt con người hướng đến cái đẹp. Đối với văn học giai đoạn 45-75, yếu tố lãng mạn đã được dùng để khẳng định những lí tưởng về cuộc sống mới, con người mới. Đồng thời, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Tương tự, tinh thần bi tráng được hiểu là sự hào hùng, mạnh mẽ. Trong văn học, yếu tố này đề cao tính "bi" chứ không "lụy". Nó đi sâu và phản ánh thực tại nghiệt ngã do chiến tranh gây ra, từ đó làm nổi bật lên tầm vóc của con người.

Trong tác phẩm "Tây Tiến", cảm hứng lãng mạn chủ yếu được thể hiện qua cái nhìn đầy tinh tế của nhà thơ về thiên nhiên và con người. Bao trùm toàn bộ thi phẩm chính là nỗi nhớ. Ngay từ những câu đầu tiên, Quang Dũng đã không ngần ngại bộc lộ cảm xúc của mình một cách trực tiếp: 

"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

  Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi"

Nỗi nhớ ấy "chơi vơi", phủ lên toàn bộ thiên nhiên một màu hoài niệm của kí ức. Trong bài, còn không ít lần tác giả bày tỏ trực tiếp tâm trạng này: "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói", hay "Có nhớ dáng người trên độc mộc". Ngay cả đến nhan đề của tác phẩm, ban đầu cũng được đặt là "Nhớ Tây Tiến". Vậy, cảm xúc xuyên suốt bài thơ chính là nỗi nhớ. Nó trải dọc mọi cung đường hành quân, in sâu vào lòng độc giả cũng như những người lính Tây Tiến. 

Bức tranh thiên nhiên Tây Bắc qua cái nhìn thi vị của Quang Dũng đã hiện lên một cách thơ mộng và đầy lãng mạn. Sự hùng vĩ của núi rừng được mô tả dọc theo bước chân người lính. Tác giả đã đề cập đến một loạt các địa danh thuộc khu vực hoạt động của binh đoàn Tây Tiến: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông, Mai Châu, Mường Hịch,... Đây đều là những vùng đất hoang sơ, tiềm tàng nhiều nguy hiểm, bất trắc. Điều này được thể hiện qua những hình ảnh hết sức thi vị: "sương lấp", "hoa về trong đêm khơi", "Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/Heo hút cồn mây súng ngửi trời/Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống",... Không chỉ vậy, nơi đây còn mang vẻ đẹp huyền bí, thiêng liêng. Chốn núi rừng được miêu tả với "oai linh thác gầm thét", "chiều sương", "hồn lau nẻo bến bờ", "Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa" đích thị là minh chứng cho tâm hồn lãng mạn của thi nhân. Bằng cái nhìn đầy tinh tế, Quang Dũng đã khai thác được toàn bộ vẻ đẹp của chốn núi rừng Tây Bắc.

Thiên nhiên còn được tô điểm bởi không khí ấm áp trong những đêm liên hoan văn nghệ. Doanh trại khô khan giờ đây tràn đầy sức sống với"hội đuốc hoa". Không gian tăm tối, âm u của rừng núi được "bừng" lên ánh sáng, tràn ngập âm thanh và màu sắc. Những người lính đã tạm gác lại lo âu, hòa mình cùng tiếng khèn, cùng điệu nhạc truyền thống của nhân dân vùng cao. Trong hoàn cảnh khốn khó nơi chiến trường, các anh vẫn giữ nguyên vẹn sự dí dỏm cùng cái nhìn đầy lãng mạn. Qua đó, thể hiện tâm hồn trẻ trung, hào hoa cùng thái độ lạc quan trước thực tại của những người lính Tây Tiến. 

Mặt khác, chính vẻ hùng vĩ của núi non Tây Bắc cùng hình tượng người chiến sĩ quả cảm, gan trường đã làm nên tinh thần bi tráng cho tác phẩm. Có thể nói, sự hi sinh là không thể tránh khỏi trong hoàn cảnh chiến tranh máu lửa. Văn học thời đó phần nào tránh đề cập đến cái chết, hạn chế làm giảm nhuệ khí, tinh thần của người dân. Ấy vậy nhưng Quang Dũng không hề né tránh. Cái bi thương được nhà thơ nhắc đến vô cùng tinh tế, khéo léo qua các chi tiết như: "Anh bạn dãi dầu không bước nữa/Gục lên súng mũ ngủ quên đời", "Rải rác biên cương mồ viễn xứ", "Áo bào thay chiếu anh về đất". Bằng việc sử dụng rất nhiều hình ảnh giàu sức gợi cùng các từ Hán Việt, nhà thơ đã trang trọng hóa cái chết của những người lính. Đối với họ, việc hi sinh, bỏ mạng nơi chiến trường cũng chỉ như một giấc ngủ thoáng qua. Các anh ngã xuống cũng chỉ là "về với đất", đi đến cõi bất tử, hòa vào làm một với quê hương xứ sở. 

Chất bi tráng trong "Tây Tiến" còn được thể hiện qua lí tưởng cao đẹp của những người lính trẻ. Đối diện với bao hiểm nguy, khó khăn trên chiến trường, họ chẳng hề chùn bước. Vốn là những học sinh, sinh viên chốn Hà Thành, họ không ngần ngại mà bỏ lại phía sau toàn bộ ước mơ, dứt khoát quay bước lên đường ra trận. Dẫu biết lần này ra đi có thể không có ngày trở về nhưng các anh vẫn "đi chẳng tiếc đời xanh". Từ "chẳng tiếc" thể hiện sự khảng khái, quyết tâm cùng thái độ ngạo nghễ, coi thường cái chết của những người lính trẻ. Và đó cũng chính là tinh thần anh hùng của cả một thời đại - thứ góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang cho dân tộc. 

Hai yếu tố lãng mạn và bi tráng được gài gắm, đan xen và hòa quyện xuyên suốt bài thơ. Không những không làm lu mờ lẫn nhau, chúng còn bổ trợ, giúp đẩy cảm xúc của độc giả lên cao. Nhờ hai nguồn cảm hứng chủ đạo này, Quang Dũng đã thành công tái hiện bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thiêng liêng cùng vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, bi tráng của những người lính Tây Tiến. Qua đó, thể hiện được lí tưởng cống hiến cao đẹp mà con người thời bấy giờ hướng đến.

Tựu chung lại, có thể nói cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng chính là hai đặc điểm nổi bật trong thi phẩm "Tây Tiến", góp phần làm nên thành công vang dội cho bài thơ. Hai yếu tố này cũng được xuất hiện trong rất nhiều các tác phẩm thời chiến, làm nên hào khí anh hùng cho cả một thời đại. Từ đó, kho tàng văn học Việt Nam càng thêm phong phú và giàu đẹp hơn.


2. Bài văn mẫu Phân tích bài thơ để chứng minh: Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng là đặc điểm nổi bật trong bài thơ Tây Tiến hay nhất

Quang Dũng là nhà thơ quân đội và tài hoa về nhiều lĩnh vực, nhưng nổi bật hơn cả là khả năng thơ ca. Thơ ông luôn thể hiện một cái tôi hào hoa thanh lịch, giàu chất lãng mạn, có khả năng diễn tả và cảm nhận tinh tế vẻ đẹp của thiên nhiên và tình người, đồng thời lại rất mực hồn nhiên, chân thật.

Bài Tây Tiến tiêu biểu cho hồn thơ ấy của Quang Dũng. Bài thơ được rút trong lập thơ Mây đầu ô, được ông viết vào năm 1948 ở Phù Lưu Chanh, sau khi ông đã chuyển sang đơn vị khác và nhớ về đoàn quân Tây Tiến ngày nào.

Bài thơ thành công về nhiều phương diện, nhưng đặc sắc tổng thể của nó là cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng:

* Cảm hứng lãng mạn:

Bức chân dung kiêu hùng của người lính Tây Tiến được viết nên bởi cảm hứng lãng mạn qua cái nền hùng vĩ và thơ mộng của núi rừng hoang vu, bạt ngàn ở phía Tây của Tổ quốc. Người lính vượt qua đèo núi cao, suối sâu với tư thế đẹp, hùng dũng với nỗi nhớ "chơi vơi","heo hút cồn mây súng ngửi trời", với "Mường Lát hoa về trong đêm hơi", "mưa xa khơi".

Bút pháp lãng mạn còn thể hiện qua âm thanh ghê rợn của "thác gầm thét", "cọp trêu người" nhằm tô đậm vẻ hoang dại, bí hiểm của rừng thiêng nước độc, rồi đột ngột mở ra một nỗi nhớ ấm áp.

Thực ảo đan xen trong đêm liên hoan "bừng lên hội đuốc hoa" với cái nhìn ngơ ngác "kìa em xiêm áo tự bao giờ". Từ cảnh liên hoan chuyển sang cảnh sông nước đầy chất thơ bằng bút pháp chấm phá tinh tế, cảnh như được phủ lên màn sương huyền thoại, da diết hồn của ngàn lau... giống như một bức cổ họa.

Hùng vĩ gắn với thơ mộng là cái nhìn riêng của chất lãng mạn Quang Dũng. Qua cảnh để nói về hoài niệm, tạo nên một tình yêu bâng khuâng của tác giả đối với vùng đất một thời gắn hó sâu sắc.

* Tinh thần bi tráng:

Trên cái nền thiên nhiên hùng vĩ và diễm lệ, người lính xuất hiện với cái tầm vóc bi tráng khác thường "không mọc tóc", "xanh màu lá dữ oai hùm", "mắt trừng gửi mộng qua biên giới".

Bốn câu thơ tiếp theo nói về cái chết cũng khác thường "rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất...". Hai khổ thơ tạo hình dữ dội nói lên cái tột cùng cơ cực, lẫn cái lẫm liệt kiêu hùng. Đến cái chết cũng được tác giả bao bọc trong không khí hoành tráng, hiệp sĩ... Từ Hán Việt được sử dụng tạo âm hưởng bi hùng. Chính nhờ cảm hứng lãng mạn đã tạo nên ở Quang Dũng cái nhìn có tính anh hùng cổ điển trước cái chết của người lính. Tác giả nhìn thẳng vào sự thật.

Cảm hứng lãng mạn và sắc thái bi tráng tạo nên tính sử thi đặc biệt của bài thơ. Bức chân dung người lính hào hoa, dũng cảm trên cái nền hùng vĩ, mĩ lệ được tác giả hướng hồn thơ ngưng đọng cả một thế hệ anh hùng - những người lính "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh".

Tây Tiến là bài thơ hay viết về người lính gốc Hà Nội thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài thơ góp tiếng nói độc đáo cũng như kháng chiến viết về người lính của Hồng Nguyên, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi... làm thành mảng riêng đặc sắc trong nền thơ chung.

- - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Sự giao hòa giữa hai yếu tố là cảm xúc lãng mạn và tinh thần bi tráng đã làm nên thành công vang dội cho không chỉ tác phẩm "Tây Tiến" mà còn cho nhà thơ Quang Dũng.  Bên cạnh việc phân tích bài thơ để chứng minh: Cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng là đặc điểm nổi bật trong Tây Tiến, các em cần tìm hiểu thêm những nội dung khác như phân tích cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng trong bài thơ Tây Tiến hay phần Cảm hứng chủ đạo trong bài thơ Tây Tiến nhằm củng cố kiến thức của mình.

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-bai-tho-de-chung-minh-cam-hung-lang-man-va-tinh-than-bi-trang-la-dac-diem-noi-bat-trong-tay-tien-42300n.aspx

Tác giả: Công Lý     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Từ khoá liên quan:

Phan tich bai tho de chung minh: Cam hung lang man va tinh than bi trang la dac diem noi bat trong Tay Tien

, chung minh cam hung lang man va tinh than bi trang la dac diem noi bat trong bai tho tay tien ,

Tin Mới