Tùy bút Người lái đò sông Đà được biết là kết quả của quá trình xê dịch, tìm kiếm chất vàng mười trong con người Tây Bắc của Nguyễn Tuân. Sau khi học xong bài Người lái đò sông Đà, các em dễ dàng gặp đề cảm nhận về đoạn “Thuyền tôi trôi trên sông Đà…trên dòng trên”. Dựa vào bài văn mẫu hoặc những nội dung đã học được, các em hãy nêu cảm nhận đoạn này.
Đề bài: Cảm nhận về đoạn "Thuyền tôi trôi trên sông Đà... trên dòng trên"
Cảm nhận đoạn văn trong tác phẩm Người lái đò sông Đà
Cảm nhận về đoạn "Thuyền tôi trôi trên sông Đà... trên dòng trên"
Trong tâm thức của mỗi một con người Việt Nam, dòng sông luôn được xem là bóng hình quen thuộc và để lại nhiều dấu ấn không phai mờ. Chính vì vậy, trên mảnh đất về đề tài thiên nhiên trù phú, địa hạt viết về dòng sông luôn xuất hiện những tác phẩm xứng tầm kiệt tác. Một trong số những tác phẩm thể hiện rõ điều này là "Người lái đò sông Đà" của nhà văn Nguyễn Tuân. Dưới ngòi bút của tác giả, sông Đà hiện lên như một nhân vật với hai tính cách: Hung bạo và trữ tình. Đoạn văn "Thuyền tôi trôi trên trên sông Đà.... trên dòng sông" đã thể hiện rõ vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của dòng sông.
Sau khi miêu tả về tính cách hung bạo, dữ dội của sông Đà qua các chi tiết về nước, đá, sóng, ở những quãng sông hẹp và những cái hút nước khủng khiếp, ngòi bút của tác giả đã tập trung miêu tả vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của con sông. Nét dịu dàng đó đã được thể hiện qua dáng vẻ và tâm hồn. Với ngòi bút tài hoa, uyên bác cùng sự quan sát tinh tế, tác giả đã ví dòng sông với vẻ đẹp của một người thiếu nữ kiều diễm: "con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai". Vẻ đẹp đó đã được cụ thể hóa hơn nữa thông qua những chi tiết quang cảnh ven sông. Với điểm nhìn từ con thuyền: "Thuyền tôi trôi trên sống Đà", dòng sông đã được quan sát và miêu tả một cách chi tiết, cụ thể. Dưới ngòi bút của tác giả, quang cảnh ven sông hiện lên với sự êm đềm, tĩnh lặng: "Cảnh ven sông ở đây lặng như tờ". Nguyễn Tuân đã vận dụng tối đa bút lực để phác họa những nét vẽ chi tiết về vẻ "lặng như tờ" đó hệt như một người họa sĩ tài hoa. Những hình ảnh về "một nương ngô mới nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa", "cỏ tranh đang ra những búp nõn" cho thấy cảnh vật được miêu tả qua vẻ đẹp của sự non tơ, tươi mới và tràn đầy sức sống. Giữa không gian thơ mộng, tĩnh lặng đó, chỉ có duy nhất hình ảnh một đàn hươu "cúi đầu ngốn búp cỏ tranh đẫm sương đêm" khiến cho thiên nhiên hiện lên trong mối giao hòa, gắn kết.
Bức tranh thiên nhiên hiện lên trong sự tươi mới, tinh khôi đã đưa tác giả vào một không gian mang đầy sự huyền ảo, "hoang dại như một bờ tiền sử", "hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa". Đằng sau những cảm nhận vô cùng tinh tế đó, chúng ta có thể thấy được tâm hồn của một người nghệ sĩ tài hoa, uyên bác đã hòa mình vào thiên nhiên cùng mây trời non nước sông Đà. Tác giả đã cảm nhận hết vẻ tinh khôi, thần thái tràn trề sức sống của cảnh vật và bắt trọn từng khoảnh khắc và mọi chuyển động: "Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi lừ lừ trôi trên một mũi đò", rồi "hươu vểnh tai". Hình ảnh này gợi cho chúng ta nhớ đến chú nai vàng trong những câu thơ của tác giả Lưu Trọng Lư:
"Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô"
Chú hươu trong những câu văn của Nguyễn Tuân hay chú nai vàng đang lắng nghe "Tiếng thu" trong thơ Lưu Trọng Lư đều gợi lên sự tinh khôi, thuần khiết của thiên nhiên. Sau khi miêu tả quanh cảnh ven sông, tác giả tập trung miêu tả cảnh sắc dưới lòng sông. Hàng loạt những thực thể hiện lên với sắc màu và dáng vẻ khác nhau trong sự ví von, so sánh tinh tế và độc đáo: "Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi". Và rồi dòng sông đã được nhân hóa với những nét tính cách của con người, trôi chậm như "nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc".
Như vậy, thông qua đoạn văn của tác giả Nguyễn Tuân, chúng ta có thể thấy được vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của con sông Đà nói riêng và của thiên nhiên Tây Bắc nói chung. Đồng thời thấy được tình yêu thiên nhiên cũng như những nét đặc sắc tiêu biểu trong phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân.
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-doan-thuyen-toi-troi-tren-song-da-tren-dong-tren-42392n.aspx
Người lái đò sông Đà là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân, bên cạnh bài làm văn Cảm nhận về đoạn "Thuyền tôi trôi trên sông Đà... trên dòng trên", thầy cô và học sinh tham khảo thêm các bài làm văn mẫu khác như Cảm nhận về Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, Chứng minh rằng thiên nhiên trong Người lái đò sông Đà là con sông Đà trữ tình, Hình tượng người lái đò qua bài tùy bút Người lái đò Sông Đà, Nhân vật ông lái đò trong thiên tùy bút Người lái đò sông Đà, Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà và các dạng tài liệu Bài giảng Người Lái Đò Sông Đà và Soạn bài Người lái đò sông Đà các bạn cùng tìm hiểu nhé.