Nguyễn Tuân là người yêu cái đẹp nên mọi tác phẩm văn học của ông đều hướng đến cái đẹp, mang tính thẩm mỹ cao. Bài Người lái đò sông Đà cũng thế. Dưới ngòi bút của ông, ngoài vẻ hùng vĩ, dữ dội thì sông Đà hiện lên còn thơ mộng, trữ tình. Các em cùng tham khảo thêm bài văn Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà để có thể thấy được điều đó, viết bài văn này hay.
Đề bài: Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà trong Người lái đò sông Đà
Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà trong Người lái đò sông Đà
I. Dàn ý Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà trong Người lái đò sông Đà (Chuẩn)
1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân và tác phẩm "Người lái đò sông Đà".
- Giới thiệu khái quát về vẻ đẹp trữ tình của sông Đà trong "Người lái đò sông Đà"
2. Thân bài:
a. Trình bày khái quát về tác giả Nguyễn Tuân và tác phẩm "Người lái đò sông Đà":
- Nguyễn Tuân (1910 - 1988) là nhà văn tài hoa, uyên bác, "suốt đời đi tìm cái đẹp", là người có công đưa thể kí của Việt Nam phát triển lên đến đỉnh cao.
- Người lái đò sông Đà được trích trong tập tùy bút "Sông Đà" xuất bản năm 1960.
b. Sông Đà thơ mộng, "mềm mại như một áng tóc trữ tình".
- Từ trên cao nhìn xuống, dáng sông Đà mềm mại, mang đậm hơi thở của núi rừng Tây Bắc.
- Nước sông Đà đa dạng, thay đổi theo từng mùa nhưng chưa bao giờ "đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra mà đổ mực Tây vào".
- Sông Đà có linh hồn "như là một cố nhân" xa lâu thì nhớ gặp thì vui mừng, như những đứa trẻ con tinh nghịch và ánh lên vẻ đẹp mang màu sắc Đường thi.
c. Sông Đà trầm lặng, tĩnh mịch, yên ả, mang đậm chất thơ:
- Khung cảnh hai bên bờ sông yên ả, "lặng tờ", không có dấu hiệu của con người.
- Sông Đà mang vẻ đẹp hoang sơ, hồn nhiên, dòng chảy của sông Đà là dòng chảy của lịch sử, của văn hóa Việt Nam.
- Sông Đà mang đậm chất thơ, Đà giang e ấp qua những lá non nhú lên trên một nương ngô và những nõn búp cỏ gianh của đồi núi.
d. Đánh giá:
- Nguyễn Tuân đã làm nổi bật vẻ đẹp độc đáo của sông Đà dưới nhiều góc nhìn khác nhau, thể hiện sự tài hoa, uyên bác của tác giả.
- Nhà văn đã vận dụng kiến thức của nhiều ngành nghệ thuật để khắc họa về một dòng sông mạnh mẽ, dữ dội nhưng rất đỗi thơ mộng, trữ tình.
- Nhà văn đã sử dụng hàng loạt biện pháp tu từ như liệt kê, so sánh, nhân hóa kết hợp với miêu tả tỉ mỉ, sinh động để làm nổi bật vẻ đẹp trữ tình của sông Đà.
3. Kết bài:
- Khái quát lại vẻ đẹp trữ tình của sông Đà trong "Người lái đò sông Đà".
II. Bài văn mẫu Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà trong Người lái đò sông Đà (Chuẩn)
Xuân Diệu đã từng nói: "Nhà văn tồn tại ở tác phẩm. Không có tác phẩm thì nhà văn ấy coi như đã chết". Có thể coi tác phẩm chính là đứa con tinh thần mà mỗi nhà văn đều dành toàn bộ tâm huyết để tạo ra. Với Nguyễn Tuân cũng vậy, ông luôn tìm tòi, chinh phục những vẻ đẹp bí ẩn của thiên nhiên và con người để có được những sáng tác vô cùng độc đáo và mới lạ. Đem lòng yêu thiên nhiên Tây Bắc, khung cảnh nơi đây chính là nguồn cảm hứng để nhà văn khám phá ra vẻ đẹp trữ tình của sông Đà trong đoạn trích "Người lái đò sông Đà".
"Yêu cái đẹp là thưởng thức. Tạo ra cái đẹp là nghệ thuật". Nguyễn Tuân không chỉ yêu cái đẹp mà còn biết tạo ra cái đẹp nên được mệnh danh là "Người suốt đời đi tìm cái đẹp". Sau Cách mạng tháng Tám, ông tìm thấy cái đẹp ở cả quá khứ, hiện tại, tương lai, tài hoa có ở nhân dân đại chúng. Ông đã trở thành người có công đưa thể kí của Việt Nam phát triển lên đến đỉnh cao. "Người lái đò sông Đà" được trích trong tùy bút "Sông Đà" xuất bản năm 1960, là kết quả chuyến đi thực tế mà Nguyễn Tuân thu hoạch được khi đến với Tây Bắc rộng lớn, xa xôi. Trong đoạn trích này, nhà văn đã lột tả vẻ đẹp hung bạo và trữ tình của dòng sông theo một lối riêng.
Hình ảnh dòng sông đã trở thành ngọn nguồn cho cảm hứng thi ca của nhiều nhà văn, nhà thơ. Dưới ngòi bút điêu luyện của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên trong tâm trí người đọc với dáng vẻ thơ mộng, "mềm mại như một áng tóc trữ tình". Phải chăng, yếu tố trữ tình đã làm mềm đi văn bản để phù hợp với tình cảm, trạng thái của con người Việt Nam hơn. Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông Đà mềm mại, mang đậm hơi thở của núi rừng Tây Bắc: "Con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân". Nhà văn đã so sánh dòng sông mang vẻ đẹp nữ tính như một người con gái. Đây là một liên tưởng đầy bất ngờ và thú vị, sông Đà đã mất đi vẻ ngạo nghễ vốn có của một thác nước mà khoác lên mình một vẻ đẹp mềm mại, dịu êm.
Nước sông Đà đa dạng, thay đổi theo thời gian: "Mùa xuân dòng xanh ngọc bích" còn mùa thu thì nước sông Đà "lừ lừ chín đỏ" nhưng chưa bao giờ "đen như thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra mà đổ mực Tây vào". Có lẽ, tác giả phải yêu thiên nhiên rất nhiều thì mới có thể nhận ra sự thay đổi rõ rệt của nước sông Đà theo từng mùa. Sông Đà có linh hồn "như là một cố nhân", như những đứa trẻ con tinh nghịch và ánh lên vẻ đẹp mang màu sắc Đường thi. Dòng sông giống như một người bạn cố tri để nhà văn bắt bặt được một mảnh tâm hồn mình "Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng". Tản Đà đã từng viết: "Dải sông Đà, bọt nước lênh đênh/ Bao nhiêu cảnh, bấy nhiêu tình". Phải chăng non nước sông Đà hữu tình quá đã khiến cho Nguyễn Tuân có nhiều liên tưởng độc đáo, dòng sông vốn vô tri vô giác bỗng trở nên có linh hồn. Gặp lại dòng sông khiến tác giả vui mừng khôn xiết như được gặp lại người bạn cũ mà xa lâu thì lại nhớ thương, ngậm ngùi.
Không ồn ào, dữ dội như quãng mặt ghềnh Hát Loóng hay quãng Tà Mường Vát, sông Đà lại trầm lặng, tĩnh mịch, yên ả và mang đậm chất thơ đến lạ thường. Khung cảnh hai bên bờ sông yên ả, "lặng tờ", không có dấu hiệu của con người. "Cảnh ven sông ở đây lặng tờ", thuyền của tác giả trôi qua cả một nương ngô mà "tịnh không một bóng người". Sông Đà mang vẻ đẹp hoang sơ, hồn nhiên, dòng chảy của sông Đà là dòng chảy của lịch sử, của văn hóa Việt Nam. Nhà văn đã đặt sông Đà trong mối quan hệ lịch sử để bàn luận "Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi". Dòng sông đã thôi đi cái tính ào ạt, dữ dội để trở về với những thanh lặng giữa đời thường: "Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa". Hình ảnh sông Đà mang đậm chất thơ, Đà giang e ấp qua những lá non nhú lên trên một nương ngô và những nõn búp cỏ gianh của đồi núi, "con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương", "dòng sông lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi". Thêm vào đó là những âm thanh của "đàn cá dầm xanh quẫy vọt", "tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu" khiến cho dòng sông trở nên hiền hòa và vô cùng đời thường. Đi trên sông Đà những quãng sông không có thác khiến tác giả hoài niệm nhiều hơn khi được sống hòa mình vào thiên nhiên thật ung dung, thanh thản.
Khúc vĩ thanh của dòng sông Đà đã in đậm dấu ấn cái "tôi" Nguyễn Tuân. Tác giả đã làm nổi bật vẻ đẹp độc đáo của sông Đà dưới nhiều góc nhìn khác nhau, qua đó thể hiện sự tài hoa, uyên bác của tác giả trong sự nghiệp văn chương. Nhà văn đã vận dụng kiến thức của nhiều ngành nghệ thuật để khắc họa về một dòng sông mạnh mẽ, dữ dội nhưng rất đỗi thơ mộng, trữ tình. Khi miêu tả về đối tượng, Nguyễn Tuân đã sử dụng tinh hoa trong ngòi bút của mình với hàng loạt biện pháp tu từ như liệt kê, so sánh, nhân hóa kết hợp với miêu tả tỉ mỉ, sinh động để làm nổi bật vẻ đẹp trữ tình của sông Đà.
"Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn" (Chế Lan Viên). Có lẽ khi đem lòng yêu một dòng sông, Nguyễn Tuân đã nhìn thấy vẻ đẹp của nó ở nhiều khía cạnh khác nhau. Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà trong "Người lái đò sông Đà" quả là "thứ vàng mười đã qua thử lửa" mà người cầm bút tài hoa Nguyễn Tuân đã khắc họa thành công.
----------------HẾT------------------
https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-ve-dep-tru-tinh-cua-song-da-trong-nguoi-lai-do-song-da-66101n.aspx
Trên đây là dàn ý chi tiết và bài văn mẫu Cảm nhận vẻ đẹp trữ tình của sông Đà mà các em không nên bỏ qua. Để giúp các em có một nền tảng kiến thức vững chắc hơn về bài Người lái đò sông Đà trước khi bước vào kì thi Trung học phổ thông quốc gia thì mời các em tham khảo thêm những bài viết sau đây: Cảm nhận tính cách hung bạo của sông Đà trong Người lái đò sông Đà, Phân tích hình ảnh thiên nhiên và con người trong đoạn trích người lái đò sông Đà, phân tích hình tượng con sông Đà, Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân qua hình tượng con sông Đà, phân tích người lái đò sông đà.