Cảm nhận âm thanh sự sống trong Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ

Nếu em chưa có ý tưởng nào độc đáo cho bài viết cảm nhận âm thanh sự sống trong Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ , vậy em có thể tham khảo một số bài viết mẫu dưới đây của chúng tôi, từ đó học hỏi thêm cách viết và chủ động hoàn thiện bài làm của mình.

Đề bài: Cảm nhận của anh/chị về chi tiết "Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!" mà nhân vật Chí Phèo cảm nhận được sau đêm gặp Thị Nở (Chí Phèo - Nam Cao, Ngữ văn 11) và chi tiết "Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bồi hồi" mà nhân vật Mị nghe được trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12).

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý chi tiết
  1. Mở bài
  2. Thân bài
  3. Kết bài
II. Bài văn mẫu

cam nhan am thanh su song trong chi pheo va vo chong a phu

Cảm nhận âm thanh sự sống trong Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ

 

I. Dàn ý Cảm nhận âm thanh sự sống trong Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ
 

1. Mở bài

- Sơ lược về Chí Phèo và Vợ chồng A phủ.
- Dẫn vào vấn đề cần cảm nhận: m thanh sự sống trong hai tác phẩm.
 

2. Thân bài

a. Tiếng chim hót trong tác phẩm Chí Phèo:
- Là âm thanh báo hiệu cuộc đời bước sang trang mới của hắn, khơi dậy cõi lòng tưởng đã chết của Chí những âm thanh sinh động của cuộc sống, khiến hắn bừng tỉnh.
=> Thấy đau đớn, xót xa cho cuộc đời mình .
- Khởi đầu cho sự thức tỉnh của một con người vốn bị cho là quỷ dữ, bởi quỷ dữ thì làm gì biết buồn, chỉ có con người mới có những cảm xúc rung động với âm thanh rất đỗi bình dị như thế.
- Sống dậy những ước mơ đã bị chôn vùi hơn hai mươi năm, ước mơ chồng cày cuốc vợ dệt vải, ước mơ về một mái ấm gia đình hạnh phúc, nuôi lợn, mua đất,... Rồi cũng từ chính tiếng chim vui vẻ ấy Chí Phèo mới nhận ra rằng mình đã bước sang đến bên kia con dốc của cuộc đời.
- Hiển hiện nỗi sợ cô độc, biểu hiện rõ nét nhất của Chí Phèo về ước muốn trở lại làm người, khao khát được hòa nhập với cộng đồng của hắn.
- Những âm thanh tuyệt vời bình dị như tiếng chim líu lo vui vầy đã đánh thức niềm khao khát mãnh liệt về cuộc sống được làm người lương thiện, cuộc sống giản đơn hạnh phúc, ấm êm.
→ Tiếng chim ấy như khúc nhạc thiên lương, đánh động tâm hồn của Chí phèo, xua tan đi những mây mù, những u ám vẫn chất đầy 20 năm trong lòng Chí, khiến hắn yêu cuộc đời này hơn, khao khát được sống đàng hoàng bên Thị Nở.

b. Tiếng sáo thổi trong Vợ chồng A Phủ:
- Sơ lược về cuộc đời Mị.
- Tiếng sáo ai thổi gọi bạn văng vẳng bên tai làm Mị sống dậy những ký ức xa xăm về một thời con gái tươi đẹp, tiếng sáo đã từng là niềm tự hào của Mị vì Mị thổi sáo rất hay
- Dẫn Mị về những ký ức thật tươi đẹp, khiến Mị ứa nước mắt, xót xa cho thân phận lầm lũi, khốn khổ của mình, nước mắt của Mị chính là minh chứng cho cái tâm hồn vốn tưởng đã chết hẳn nay lại sống dậy.
- "tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường" đã đem đến trong tâm hồn Mị những biến đổi lớn. Nó đánh thức tâm hồn son trẻ, yêu đời, khát khao tự do, vui sống mãnh liệt của Mị như một liều thuốc tiên đến từ trời.
- Và cũng như tiếng chim, tiếng sáo đối với Mị là liều thuốc tâm hồn, thức dậy lòng ham sống, sự phản kháng mạnh mẽ của Mị dẫn đến những hành động sau này của Mị để tự giải thoát cuộc đời mình, từ việc cứu A Phủ đến việc bỏ trốn, có lẽ cũng khởi nguồn từ tiếng sáo đêm tình mùa xuân ấy.
 

3. Kết bài

- Nêu cảm nhận cá nhân.
 

II. Bài văn mẫu Cảm nhận âm thanh sự sống trong Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ

Trước cách mạng tháng tám người nông dân là lớp người cùng khổ nhất trong xã hội và phải gánh chịu nhiều những bi kịch mà có lẽ chúng ta chẳng thể nào tưởng tượng được. Chỉ qua ngòi bút của Nam Cao ta mới thấy một Chí Phèo tội nghiệp bị tha hóa thành lưu manh, thành quỷ dữ rồi cuối cùng là phải đắng cay, vật vã khi hứng chịu cả bi kịch bị từ chối quyền làm người. Rõ ràng Chí Phèo đã bị cả làng Vũ Đại cả cái xã hội ngày ấy coi là "con vật lạ", là loài ghê gớm chứ tuyệt không phải con người nữa. Còn với Mị, có lẽ Mị giống với Chí Phèo ở chỗ là không có quyền làm người Mị giống một cỗ máy biết nói, thậm chí còn chẳng bằng con trâu con ngựa. Nam Cao viết về số phận người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ dưới ách thống trị tàn ác của chế độ phong kiến - thực dân tàn ác, còn Tô Hoài viết về thân phận người phụ nữ dân tộc dưới sự áp bức của thần quyền và cường quyền ở miền Tây Bắc xa xôi. Dẫu đề tài khác nhau nhưng ở cả hai tác giả ta vẫn thấy những điểm chung nhất ấy là tinh thần nhân đạo, lòng thương cảm cho những số phận con người bất hạnh, đặc biệt là khả năng đi sâu khám phá khát vọng sống mãnh liệt, khao khát tự do của những số kiếp bi kịch. Mà qua hai tác phẩm trên dấu hiệu của nỗi khát khao, niềm hy vọng tốt đẹp ấy đều bắt nguồn từ âm thanh của sự sống, thứ âm thanh nguyên thủy, không bị vấy bẩn bởi xã hội thối nát lúc bấy giờ.

Hai tác giả mang đến hai thứ âm thanh khác nhau, là một chi tiết rất nhỏ trong bài tựa như một hạt cát giữa sa mạc mênh mông, như một giọt nước đại dương muôn trùng sóng biển. Thế nhưng sức và giá trị của nó thì lại không bao giờ có thể xem thường. Cái tài của nhà văn là ở chỗ ấy, không chỉ có kể, tả, biểu cảm mà còn phải biết cách gợi ra một tư tưởng, một khởi đầu cho sự thay đổi của nhân vật, chứ không thể ào ào vào thẳng vấn đề, bởi nếu vậy thì ai mà chẳng thành nghệ sĩ. m thanh của Tô Hoài và Nam Cao vốn chỉ là những âm thanh rất quen thuộc trong cuộc sống, là biểu hiện của cuộc sống đang diễn ra xung quanh nhân vật đó là tiếng sáo thổi du dương, tiếng chim hót líu lo. Chính vì thế nên khi len lỏi vào tâm hồn của nhân vật nó mới có khả năng thức tỉnh mạnh mẽ cái khao khát, niềm đam mê với sự sống một cách mãnh liệt, bởi chính lúc đó nhân vật mới nhận ra rằng mình phải sống và có quyền sống, bầu trời ngoài kia vẫn tươi đẹp lắm, chỉ có riêng mình vẫn sống trong bóng tối mà thôi. Còn nếu như nhân vật nghe thấy một tiếng gì đó quá đỗi xa lạ, ví như Chí Phèo nghe thấy tiếng sáo hay mị nghe thấy một tiếng gì khác, tôi nghĩ rằng chưa chắc nhân vật đã thức tỉnh mạnh mẽ như thế, bởi chỉ có những gì thân thuộc và gần gũi nhất mới đem lại cho những rung cảm mãnh liệt từ tận sâu thẳm tâm hồn, tựa như một luồng sinh khí mạnh mẽ, có khả năng khai thông mọi giác quan và nhận thức của con người.

Đối với riêng Chí Phèo, tiếng chim hót gần như là âm thanh báo hiệu cuộc đời bước sang trang mới của hắn, mặc dù lần sang trang này có lẽ cũng là một bi kịch lớn của cuộc đời Chí. Đó là lần đầu tiên Chí Phèo biết đến trời sáng sau hơn 15 năm triền miên trong những cơn say cả ngày lẫn đêm, đánh dấu lần đầu tỉnh khỏi cơn say bí tỉ, điên cuồng của hắn. Chí Phèo có lẽ đến hôm nay mới được nghe lại tiếng chim hót sau hơn hai mươi năm đằng đẵng chìm đắm trong rượu chè, đánh đấm, chửi bới của một kẻ lưu manh tha hóa. "Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!", đã khơi dậy cõi lòng tưởng đã chết của Chí những âm thanh sinh động của cuộc sống, tiếng chim líu lo khiến Chí lắng tai nghe, rồi từ đó Chí nghe thấy cả "tiếng cười nói của những người đi chợ. Anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá". Và Chí Phèo bừng tỉnh, hắn ta thấy đau đớn, xót xa cho cuộc đời mình "Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy... Chao ôi là buồn!". Đó chính là khởi đầu cho sự thức tỉnh của một con người vốn bị cho là quỷ dữ, bởi quỷ dữ thì làm gì biết buồn, chỉ có con người mới có những cảm xúc rung động với âm thanh rất đỗi bình dị như thế. Đổi lại, nếu những âm thanh bất thường như tiếng đánh nhau, chửi bới, hay tiếng đổ vỡ thì có lẽ chẳng bao giờ Chí Phèo thèm để ý, bởi cuộc đời hắn vốn dĩ đã chìm ngập trong mớ âm thanh hỗn độn ấy rồi. Chỉ có những cái bình dị, thân thuộc như tiếng chim, tiếng người đi chợ, tiếng người chài lưới mới khiến Chí sống dậy tuổi hai mươi. Sống dậy những ước mơ đã bị chôn vùi hơn hai mươi năm, ước mơ chồng cày cuốc vợ dệt vải, ước mơ về một mái ấm gia đình hạnh phúc, nuôi lợn, mua đất,... Rồi cũng từ chính tiếng chim vui vẻ ấy Chí Phèo mới nhận ra rằng mình đã bước sang đến bên kia con dốc của cuộc đời, hắn đã lãng phí hơn 20 năm trời cho cuộc sống bê tha, tàn tệ. Chỉ lúc này đây Chí Phèo mới có dịp tỉnh táo để nghĩ lại những gì mình đã trải qua, hắn nhận ra cái thân xác của hắn đã tàn tạ lắm rồi. Hẳn Chí thấy khổ sở lắm, những âm thanh của cuộc sống ngoài kia khiến hắn thấy sao nuối tiếc, sao buồn bã, và cũng chính vì nhận thức về cuộc đời đã quay lại nên Chí Phèo "hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau". Một kẻ liều lĩnh như Chí Phèo, sẵn sàng rạch mặt ăn vạ, đánh đấm không ngớt tay thế mà giờ lại biết sợ. Cái nỗi sợ cô độc này chính là biểu hiện rõ nét nhất của Chí Phèo về ước muốn trở lại làm người, khao khát được hòa nhập với cộng đồng của hắn. Và Thị Nở chính là cây cầu nối dẫn hắn về với cuộc sống lương thiện mà hắn khao khát, chính thị đã chìa đôi bàn tay ấm áp, ân ái kép hắn ra khỏi vũng bùn lầy tăm tối, khiến hắn nghe được những âm thanh tươi đẹp của cuộc đời, khiến hắn lần đầu tỉnh rượu sau hơn hai mươi năm đằng đẵng. Có thể nói rằng Thị Nở chính là cơn mưa mùa hạ đã reo rắc vào cuộc đời khô cằn của Chí những mầm sống tươi đẹp, và những âm thanh tuyệt vời bình dị như tiếng chim líu lo vui vầy đã đánh thức niềm khao khát mãnh liệt về cuộc sống được làm người lương thiện, cuộc sống giản đơn hạnh phúc, ấm êm. Tiếng chim ấy như khúc nhạc thiên lương, đánh động tâm hồn của Chí phèo, xua tan đi những mây mù, những u ám vẫn chất đầy 20 năm trong lòng Chí, khiến hắn yêu cuộc đời này hơn, khao khát được sống đàng hoàng bên Thị Nở.

Còn với Mị, Tô Hoài đã dùng tiếng sáo để thức tỉnh khao khát sống, sự phản kháng trong cái tâm hồn vốn đã chết lặng bởi cái khổ, cái nhục của một người con dâu gán nợ nhà thống lý Pá Tra. Tại sao lại là tiếng sáo mà không phải là tiếng chim hót, hay tiếng nói chuyện giống Chí Phèo của Nam Cao? Ta phải lần tìm về gốc gác hoàn cảnh của Mị, Mị là một người con gái đẹp, là bông hoa ngàn của núi rừng Tây Bắc, Mị có tài thổi sáo rất hay, thế nên thuở còn chưa lấy chồng Mị được vô số trai bản theo đuổi và bản thân Mị cũng đã đem lòng yêu một anh trai làng. Thế nhưng đời Mị khổ, cha mẹ Mị nợ tiền nhà thống lý Pá Tra nên giờ Mị phải gánh nợ thay, Mị bị bắt về làm con dâu gán nợ, nhưng thực tế thì là về làm nô lệ suốt kiếp. Mị có phản kháng không? Có chứ, Mị đã chạy về nhà bố mẹ, đã từng muốn ăn lá ngón để chết quách đi cho đỡ khổ, nhưng món nợ của cha Mị không cho Mị chết, Mị không thể chết được. Và Mị cứ sống một cuộc đời lầm lũi, lao động quần quật, không nghỉ ngơi từ ngày này qua tháng nọ, không kể lễ tết, bất kể sáng tối. Và riết rồi cũng quen, mà thực tế phải nói là Mị đã chai lì, tâm hồn Mị gần như đã chết hẳn, thế nên Mị cũng chẳng buồn tự tử nữa, Mị sống như một cái xác không hồn, một cỗ máy lao động biết nói. Đớn đau đến mức Mị không còn nghĩ mình là con người nữa, "ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi. Bây giờ Mỵ tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa. Con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi". Thậm chí "Con ngựa, con trâu làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân, nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày". Mị sống kiếp của một con rùa lùi lũi trong xó cửa, không tiếng nói, tự bọc bản thân mình trong tấm mai dày và chắc, trơ lì như gỗ đá. Rồi mùa xuân đến, những đêm tình mùa xuân đã tới. Tiếng ai thổi gọi bạn văng vẳng bên tai làm Mị sống dậy những ký ức xa xăm về một thời con gái tươi đẹp, tiếng sáo đã từng là niềm tự hào của Mị vì Mị thổi sáo rất hay "Có biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mỵ hết núi này sang núi khác". Tiếng sáo đã dẫn Mị về những ký ức thật tươi đẹp, khiến Mị ứa nước mắt, xót xa cho thân phận lầm lũi, khốn khổ của mình, nước mắt của Mị chính là minh chứng cho cái tâm hồn vốn tưởng đã chết hẳn nay lại sống dậy. Biết đau lòng, biết tức giận, biết uất ức, rồi dẫn đường cho Mị nổi loạn, phản kháng. Mị uống rượu, Mị thổi lá để thỏa cái khao khát được sống như một con người, nhưng bấy nhiêu thì sao đủ cho một người phụ nữ còn xuân sắc, còn ham sống đến mãnh liệt như Mị. Mị muốn đi chơi, Mị soạn sửa áo quần, "Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ, Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết". Và Mị lại lần nữa muốn chết, muốn kết thúc tất cả chứ không muốn cái cuộc sống chai lì như đã chết này, phải nói rằng "tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường" đã đem đến trong tâm hồn Mị những biến đổi lớn. Nó đánh thức tâm hồn son trẻ, yêu đời, khát khao tự do, vui sống mãnh liệt của Mị như một liều thuốc tiên đến từ trời. Sự khao khát được sống ấy thể hiện mãnh liệt và rõ nhất ở chi tiết Mị bị A Sử trói vào cột nhà, Mị nghĩ đến nhà này đã từng bị trói đến chết, nên Mị thấy sợ hãi bắt đầu cựa quậy coi mình còn sống không. Chi tiết ấy cũng tương tự chi tiết Chí Phèo thấy sợ cô độc hơn cả đói rét cả. Mị muốn sống thế nên Mị sợ chết, còn Chí Phèo muốn hòa nhập với cộng đồng thế nên hắn sợ cái sự cô độc, đó là sự tinh tế trong việc xây dựng tâm lý nhân vật của Tô Hoài và Nam Cao. Và cũng như tiếng chim, tiếng sao đối với Mị là liều thuốc tâm hồn, thức dậy lòng ham sống, sự phản kháng mạnh mẽ của Mị dẫn đến những hành động sau này của Mị để tự giải thoát cuộc đời mình, từ việc cứu A Phủ đến việc bỏ trốn, có lẽ cũng khởi nguồn từ tiếng sáo đêm tình mùa xuân ấy.

Mỗi một âm thanh mà các tác giả đưa vào tác phẩm của mình đều có một ý nghĩa thật sâu sắc, âm thanh ấy không to tát, cũng không phải là phép màu, thế nhưng đối với những thân phận con người cùng khổ nó lại là thứ âm thanh kỳ diệu nhất của tạo hóa. Nó đánh thức và đả thông tư tưởng của con người, giúp Chí Phèo nhìn nhận lại cuộc đời, ước mơ và khao khát được làm người lương thiện của hắn dù sống hay chết, còn với Mị tiếng sáo đã làm sống lại tuổi thanh xuân, ý chí phản kháng, lòng ham sống mãnh liệt, là động lực để Mị tự giải thoát cuộc đời mình. Có thể nói rằng việc tạo lập một tư tưởng nhân văn trong tác phẩm không chỉ đi sâu vào nội tâm nhân vật mà còn phụ thuộc rất nhiều vào các chi tiết nghệ thuật mà tác giả khám phá ra xung quanh cuộc đời của nhân vật, có mối liên hệ mật thiết với tâm hồn họ.

--------------------HẾT--------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/cam-nhan-am-thanh-su-song-trong-chi-pheo-va-vo-chong-a-phu-53915n.aspx
Âm thanh tiếng chim hót, tiếng gõ mái chèo hay tiếng sáo gọi bạn tình vang lên đã đánh thức khát khao sống trong tâm hồn của Chí Phèo và Mị. Bên cạnh bài Cảm nhận âm thanh sự sống trong Chí Phèo và Vợ chồng A Phủ, các em học sinh có thể tham khảo thêm một số Bài văn hay lớp 12 cùng chủ đề khác như: Phân tích con đường tha hoá của Chí Phèo, Phân tích nhân vật Chí Phèo để làm nổi bật bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, Phân tích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài, bài văn mẫu tóm tắt Vợ chồng A Phủ, hướng dẫn viết mở bài Vợ chồng A Phủ

Tác giả: Phạm Nhất Vương     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài hay
Cảm nhận về hình ảnh bát cháo hành trong truyện Chí Phèo và hình ảnh bát cháo cám trong Vợ nhặt
Cảm nhận của anh chị về hành động Mị chạy theo A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ
Phân tích những ý thơ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
Cảm nhận về những nét đặc sắc của từng tác giả trong việc thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ ở hai truyện ngắn Vợ chồng A Phủ và Vợ nhặt
Từ khoá liên quan:

Cam nhan am thanh su song trong Chi Pheo va Vo chong A Phu

, lien he giua truyen ngan chi pheo va vo chong a phu,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới

  • Dàn ý và bài văn mẫu Phân tích Tràng giang của nhà thơ Huy Cận

    Những bài văn mẫu phân tích Tràng giang trong chương trình Ngữ văn lớp 11 do Taimienphi biên soạn sẽ giúp các em cảm nhận được những suy tư sâu sắc mà tác giả gửi gắm.

  • Cảm nhận bài thơ Từ ấy của Tố Hữu hay nhất, ngắn gọn

    Bài thơ “Từ ấy” là một tác phẩm vô cùng nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu, thể hiện được niềm hân hoan và xúc động khi bắt gặp lí tưởng cách mạng. Cảm nhận bài thơ Từ ấy bao gồm dàn bài chi tiết và bài văn dưới đây sẽ giúp các em cảm nhận sâu sắc hơn về lí tưởng cách mạng cùng tiếng thơ trữ tình – chính trị của nhà thơ. Từ đó, các em sẽ dễ dàng viết được bài văn cảm nhận này.

  • Phân tích Chí Phèo của Nam Cao

    Chí Phèo là truyện ngắn xuất sắc và nổi bật nhất của nhà văn Nam Cao khi viết về chủ đề người nông dân trong xã hội thời xưa. Bài văn mẫu Phân tích Chí Phèo dưới đây sẽ giúp các em thấy được sự cùng cực, khốn khổ của người nông dân xưa dưới sự áp bức của giai cấp thống trị qua cuộc đời và số phận của nhân vật Chí Phèo.

  • Link Spin Coin Master, Code Coin Master 21/11/2024

    Cập nhật Code Coin Master và spin link miễn phí mới nhất hàng ngày cho người chơi, đảm bảo bạn có thể bắn phá kiếm Vàng nâng công trình, hoàn thành