Phân tích những ý thơ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

Chất thơ trong một tác phẩm văn xuôi không chỉ tăng sức biểu cảm cho nội dung tư tưởng tác phẩm mà còn thể hiện được tâm hồn tinh tế, sự gắn bó và thấu hiểu của tác giả của tác giả với đối tượng miêu tả. Bài Phân tích những ý thơ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ không chỉ giúp các em cảm nhận được tấm lòng của Tô Hoài đối với con người và vùng đất Tây Bắc và còn cung cấp những gợi ý cho các em khi viết bài phân tích truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài.

Đề bài: Vận dụng những kiến thức đã học và những hiểu biết về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, anh/chị hãy  Phân tích những ý thơ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài

Mục Lục bài viết:
I. Dàn ý
II. Bài văn mẫu

phan tich nhung y tho trong tac pham vo chong a phu cua to hoai

Phân tích những ý thơ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
 

I. Dàn ý Phân tích những ý thơ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài


1. Mở bài

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần phân tích.


2. Thân bài

a. Ý thơ khi nói về thiên nhiên và cuộc sống của con người Tây Bắc:

Tô Hoài viết về khung cảnh sinh hoạt vùng Tây Bắc, viết về những thói quen của con người nơi đây:
- Cuộc đời bế tắc và tuyệt vọng của Mị với hình ảnh ô cửa sổ bé bằng bàn tay mà trông ra "lúc nào cũng thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng".
- Cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài náo nhiệt, vui nhộn và đặc sắc.
- Song song với việc miêu tả cuộc đời Mị, dễ dàng nhận thấy những nếp sống, phong cách sinh hoạt của người dân tộc H'Mông ở miền núi phía Bắc.

b. Ý thơ trong cách tác giả miêu tả mùa xuân ở Hồng Ngài, mùa xuân ở miền cao:
- Mùa xuân đến dựa vào vụ mùa canh tác, ăn tết không kể ngày tháng, cứ kết thúc một mùa thu hoạch ngô lúa, là họ lại ăn Tết vừa mừng xuân đến, vừa mừng việc mùa màng được no đủ.
- Âm hưởng và phong vị mùa xuân Tây Bắc đến từ cảnh trai gái mùa xuân tìm nhau để tỏ tình, đi chơi theo từng đoàn, lập hội ném pao, thổi sáo, đàn môi, uống rượu,...
- Ngày Tết được đặc tả bằng những hình ảnh giàu tính nhạc và màu sắc, mang đến một không khí rộn ràng, náo nức.

c. Ý thơ trong tiếng sáo đêm tình mùa xuân:
- Có thể xem là âm thanh sự sống đã thức tỉnh khao khát tự do, khao khát hạnh phúc ở nhân vật Mị.
- Tiếng sáo ấy gợi Mị nhớ đến những câu hát: "Mày có con trai con gái rồi ... Em không yêu quả pao rơi rồi", thể hiện lối sống phóng khoáng, tự do của đồng bào dân tộc miền núi.
- Mị uống rượu, uống ừng ực từng bát, nó không chỉ là thể hiện những nỗi uất ức, đau đớn chất chứa trong lòng Mị bấy lâu nay, mà còn là biểu hiện của sức sống tiềm tàng mãnh liệt, của ngọn lửa đang bùng cháy trong lòng, nhiều chất thơ và ý vị.
- Mị lại cảm thấy yêu đời, lại nhớ về những ký ức thật tươi đẹp khi xưa.
=> Sự thức tỉnh của Mị gắn liền với nét văn hóa đặc sắc của người miền núi phía Bắc, đem đến cho độc giả những ấn tượng sâu sắc về cuộc đời một người phụ nữ H'Mông ở Hồng Ngài khi xưa.

d. Những ý thơ bộc lộ sự ngang trái bất công ở vùng núi Tây Bắc:
- Hủ tục bắt vợ: Cuộc đời Mị đã phải bước vào cảnh đớn đau khi bị bắt về nhà thống lý Pá Tra làm con dâu gán nợ.
- Nhân vật A Phủ:
+ Chất thơ ở nhân vật này hiện lên với vẻ đẹp của một người đàn ông khỏe mạnh, khôi ngô, không sợ cường quyền.
+ Sự nghèo khó, thân cô thế cô đã đẩy anh vào bi kịch, với cảnh xử kiện sặc mùi khói thuốc phiện.
=> Có bất công đến cùng cực, mới có sự vùng dậy mạnh mẽ, cả Mị và A Phủ đều là những con người phải chịu áp bức đến tột cùng, thế nhưng chưa khi nào cái tâm hồn khao khát được sống, được tự do, được hạnh phúc hoàn toàn bị chôn vùi, dập tắt, mà nó chỉ chờ đợi cơ hội là bùng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
- Cảnh Mị và A Phủ dắt tay nhau chạy xuống triền đồi, mang đến cho người đọc những xúc cảm sâu sắc, trước hết là đến từ sự tự giải phóng, vùng dậy mạnh mẽ của hai nhân vật chính, sau đó là những hy vọng về một tương lai tươi sáng cho tất cả những con người nơi đây.


3. Kết bài

Nêu cảm nhận chung.


II. Bài văn mẫu Phân tích những ý thơ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

Tô Hoài là một trong những cây bút nổi bật của nền văn học Việt Nam hiện đại, với số lượng tác phẩm đồ sộ viết về nhiều đề tài, thể loại, hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Đặc biệt trong quãng thời gian 9 năm tham gia kháng chiến chống Pháp tạo vùng núi Tây Bắc nước ta đã để lại cho Tô Hoài nhiều những xúc cảm cũng như những dấu ấn sâu sắc với con người và thiên nhiên nơi đây. Trong quá trình kháng chiến, cùng ăn ở, sinh hoạt với đồng bào dân tộc thiểu số, tác giả đã có cái nhìn thấu hiểu và thông cảm sâu sắc với những con người phải chịu sự áp bức từ cả cường quyền lẫn thần quyền. Chính vì thế mà các tác phẩm hiện thực đã ra đời tiêu biểu nhất là Vợ chồng A Phủ không chỉ có nội dung, ý nghĩa sâu sắc, phản ánh chân thực cuộc sống của đồng bào miền núi những năm kháng chiến, mà nó còn là tất cả những gì tinh túy về mảnh đất Tây Bắc mà Tô Hoài đã khám phá, góp nhặt được. Sự hiểu biết, gắn bó và trân trọng của tác giả được thể hiện một cách rất tinh tế nhẹ nhàng thông qua các ý thơ trong tác phẩm, khiến độc giả càng có ấn tượng sâu sắc về cuộc đời, số phận của từng nhân vật, cũng như những nét độc đáo từ mảnh đất xa xôi ngút ngàn mây phủ.

Khi nói về Truyện Tây Bắc mà tiêu biểu nhất là Vợ chồng A Phủ Tô Hoài đã nói rằng "Ở mỗi nhân vật và trùm lên tất cả miền Tây, tôi đã đưa vào một không khí vời vợi, làm cho đất nước và con người bay bổng lên hơn, rời bỏ được cái ám ảnh tủn mủn, lặt vặt thường làm co quắp nhân vật, nhỏ bé vấn đề và khung cảnh đi". Rõ ràng rằng cuộc đời của nhân vật Mị hay A Phủ đều là cuộc đời bao trùm bởi những bi kịch và đau khổ đến mức tuyệt vọng, thế nhưng dưới ngòi bút của Tô Hoài, dưới cái nhìn thấm thía và sâu sắc vào nội tâm của nhân vật, ông không quá nhấn mạnh những nỗi đau ấy, mà thay vào đó To Hoài để người đọc tự cảm nhận thông qua những suy nghĩ, cử chỉ của nhân vật. Và cả cái cách khi ông viết về khung cảnh sinh hoạt vùng Tây Bắc, viết về những thói quen, những công việc, những đặc nhưng mà chỉ nơi này mới có được, khiến độc giả dễ dàng cảm nhận được tâm hồn cũng như số phận và nỗi đau của từng nhân vật. Tô Hoài muốn diễn tả cái cuộc đời bế tắc và tuyệt vọng của Mị thông qua một hình ảnh rất đặc sắc, ấy là căn buồng Mị ở chỉ có một ô cửa sổ bé bằng bàn tay mà trông ra "lúc nào cũng thấy trăng trắng không biết là sương hay là nắng". Đó chính là một ý thơ rất đẹp, người đọc dễ dàng liên tưởng đến một vùng đất bốn bề mây phủ sương giăng, bay bổng và thơ mộng, ban ngày thì mây hòa với nắng, ban đêm thì sương quyện với trăng. Ấy thế nhưng một vùng đất đẹp, đầy chất thơ như thế lại có những cuộc đời đớn đau giống Mị, cô thấy trăng trắng ấy nhưng lại không phân biệt được đêm với ngày, không nhận thấy được sự huyền diệu tươi đẹp của thiên nhiên, thể hiện một cuộc đời cầm tù và bế tắc đến khôn cùng. Có thể nói rằng chất thơ trong văn xuôi của Tô Hoài lại càng tô đậm thêm số phận của nhân vật.

Một dẫn chứng khác về chất thơ, chất nhạc trong văn của Tô Hoài phải kể đến cảnh mùa xuân ở Hồng Ngài có biết bao nhiêu náo nhiệt, vui nhộn và đặc sắc "Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho", "trẻ con đốt những lều canh nương", "gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy hoa đã đem phơi trên những mỏm đá xoè như con bướm sặc sỡ, gió và rét rất dữ dội". Đọc những câu văn ấy người ta thấy một cái không khí thật dễ chịu, dường như còn cảm nhận được cả cái gió se se lạnh của mùa xuân, cái nắng ấm áp những ngày giáp Tết, đến cả cái không khí rộn ràng, vui tươi trong những ngày xuân vừa tới. Như vậy chỉ bằng vài câu văn tả cảnh, nhưng đã gợi ra một không gian Tây Bắc rộng lớn, sống động, và có lẽ gợi ra nhiều nhất ấy là cảm giác tự do, phóng khoáng. Ấy thế nhưng khi quay lại với cuộc đời của Mị, Mị lại càng bất hạnh hơn khi bản thân ở tại một vùng đất tươi đẹp như thế, nhưng đời Mị lại toàn là những bi kịch đen tối và đớn đau nhất ấy là sự mất tự do, bị cầm tù bằng một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Song song với việc miêu tả cuộc đời Mị, với những diễn biến tâm trạng, ý thơ của Tô Hoài cũng len lỏi khắp trong từng câu văn. Khi kể về cuộc đời của Mị tại nhà thống lý Pá Tra, người ta dễ dàng nhận thấy những nếp sống, phong cách sinh hoạt của người dân tộc H'Mông ở miền núi phía Bắc, như đi làm nương ngô, nương lúa, quay sợi gai, dệt vải, cõng nước, thái cỏ ngựa, chẻ củi, giặt đay, xe đay,... Rồi những cảnh bếp lửa bập bùng, không tắt hòn than vào những đêm đông giá rét,... Hoặc trong cách ăn mặc phục sức thì phụ nữ mặc váy hoa, vấn tóc chít khăn, đàn ông đeo vòng bạc, đội khăn trắng. Và đáng chú ý nhất khi nói về chất thơ trong Vợ chồng A Phủ có lẽ phải kể đến cái cách mà Tô Hoài đã miêu tả về mùa xuân ở Hồng Ngài, mùa xuân ở miền cao. Ở đây người ta đoán mùa xuân đến dựa vào vụ mùa canh tác, ăn tết không kể ngày tháng, cứ kết thúc một mùa thu hoạch ngô lúa, là họ lại ăn Tết vừa mừng xuân đến, vừa mừng việc mùa màng được no đủ. Và trong mùa xuân ấy Tô Hoài cũng rất tinh tế khi đưa vào những cảnh trai gái mùa xuân tìm nhau để tỏ tình, họ khoác lên mình những bộ áo đẹp nhất, đi chơi theo từng đoàn, lập hội ném pao, thổi sáo, đàn môi, uống rượu,... đầy náo nức và mê say, mang đậm phong vị núi rừng Tây Bắc, tự do và bay bổng. Trong đó ngày Tết được Tô Hoài đặc tả bằng những hình ảnh giàu tính nhạc và màu sắc, mang đến một không khí rộn ràng, náo nức "Trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên những mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ [...] Đám trẻ đợi tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà". Hay cái cách ăn vận ngày Tết của người phụ nữ miền núi, mỗi một dân tộc lại có những nét đặc sắc riêng biệt "Các chị Mèo đỏ, váy thêu, áo khoác, khăn hoa chùm rực rỡ. Các chị Mèo trắng chít khăn xếp phẳng lì, tóc mai cạo xanh nhẵn". Có thể nói rằng thông qua đôi mắt nhạy bén, giàu tình cảm của Tô Hoài, mùa xuân vùng Tây Bắc đã hiện lên một cách thật chân thực và nhiều ấn tượng.

Một điểm nhấn đặc biệt, có thể xem là âm thanh sự sống đã thức tỉnh khao khát tự do, khao khát hạnh phúc ở nhân vật Mị ấy là tiếng sáo, tiếng sáo gọi bạn vào những đêm tình mùa xuân "Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi", "Tiếng sáo réo rắt suốt đêm ngoài đầu núi tranh". Tiếng sáo ấy gợi Mị nhớ đến những câu hát:

"Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Tao không có con trai con gái
Tao đi tìm người yêu
...
Anh ném pao em không bắt
Em không yêu quả pao rơi rồi"

Đó là những câu hát thể hiện lối sống phóng khoáng, tự do của đồng bào dân tộc miền núi, mà khi đến với Mị nó lại dường như đánh động vào tâm hồn, Mị vẫn còn trẻ, Mị khao khát được tự do, hạnh phúc, khao khát tình yêu, thứ mà chồng Mị không cho Mị được. Nỗi đau đớn dần trỗi dậy trong tâm hồn cô gái, cũng là lúc Mị thức tỉnh sau nhiều năm câm lặng, chịu đựng. Mị uống rượu, uống ừng ực từng bát, nó không chỉ là thể hiện những nỗi uất ức, đau đớn chất chứa trong lòng Mị bấy lâu nay, mà còn là biểu hiện của sức sống tiềm tàng mãnh liệt, của ngọn lửa đang bùng cháy trong lòng, nhiều chất thơ và ý vị. Mị lại cảm thấy yêu đời, lại nhớ về những ký ức thật tươi đẹp khi xưa: "Ngày trước, Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị". Rồi sau tất cả, dưới tác động của tiếng sáo gọi bạn, dưới men say của rượu "Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi...". Có thể nói rằng sự thức tỉnh của Mị gắn liền với nét văn hóa đặc sắc của người miền núi phía Bắc, đem đến cho độc giả những ấn tượng sâu sắc về cuộc đời một người phụ nữ H'Mông ở Hồng Ngài khi xưa. Tính nhân văn trong tác phẩm đã được Tô Hoài khéo léo đưa vào trong tác phẩm bằng những ý thơ thật tinh tế, những cảm nhận và lòng thông cảm sâu sắc, mà không phải bất cứ một cây bút nào cũng có được.

Bên cạnh những nét phong tục tập quán tốt đẹp, thì Tô Hoài cũng chỉ ra những ngang trái và bất công đang diễn ra ở vùng miền núi phía Bắc, khi mà người dân tộc nơi đây luôn phải chịu sự áp bức của cả cường quyền và thần quyền. Đầu tiên phải kể đến hủ tục bắt vợ, cuộc đời Mị đã phải bước vào cảnh đớn đau khi bị bắt về nhà thống lý Pá Tra làm con dâu gán nợ, sống một cuộc đời nhiều đớn đau, khổ cực, đến độ chai lỳ. Mà căn nguyên của bi kịch ấy cũng là đến từ sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn, và sự ngang ngược tàn ác của giai cấp thống trị. Xoay quanh nhân vật A Phủ, cũng là một nhân vật nhiều bi kịch, chất thơ ở nhân vật này hiện lên với vẻ đẹp của một người đàn ông khỏe mạnh, khôi ngô, không sợ cường quyền, sẵn sàng lao vào đánh kẻ đã phá tan cuộc chơi của mình, mặc kệ hắn là con nhà thống lý. Tuy nhiên sự nghèo khó, thân cô thế cô đã đẩy anh vào bi kịch, với cảnh xử kiện sặc mùi khói thuốc phiện, ăn uống của bè lũ cầm quyền, còn bản thân A Phủ thì bị đánh bầm dập, bắt trói, bắt quỳ, cuối cùng phải chấp nhận món nợ mà có lẽ cả đời anh, đời con cháu anh cũng chưa trả hết, trở thành nô lệ cho nhà thống lý Pá Tra. Có bất công đến cùng cực, mới có sự vùng dậy mạnh mẽ, giống như Tô Hoài nói "Ở nơi rừng núi mơ màng ấy, các dân tộc đã không lặng lẽ chịu đựng", cả Mị và A Phủ đều là những con người phải chịu áp bức đến tột cùng, thế nhưng chưa khi nào cái tâm hồn khao khát được sống, được tự do, được hạnh phúc hoàn toàn bị chôn vùi, dập tắt, mà nó chỉ chờ đợi cơ hội là bùng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cảnh Mị và A Phủ dắt tay nhau chạy xuống triền đồi, mang đến cho người đọc những xúc cảm sâu sắc, trước hết là đến từ sự tự giải phóng, vùng dậy mạnh mẽ của hai nhân vật chính, sau đó là những hy vọng về một tương lai tươi sáng cho tất cả những con người nơi đây, có lẽ vào một ngày không xa tất cả những con người bị áp bức cũng sẽ đều tìm được cho mình một lối thoát riêng.

Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là một trong những tác phẩm hiện thực tiêu biểu nhất khi viết về đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Cái hay của tác phẩm không chỉ đến từ nội dung mang giá trị hiện thực và nhân văn sâu sắc mà còn xuất phát từ những ý thơ trong văn xuôi, đem đến cho người đọc những cái nhìn, những cảm nhận thật sâu sắc về thiên nhiên và con người miền núi phía Bắc. Có thế mới thấy được tấm lòng chân thành, gắn bó sâu nặng với mảnh đất Tây Bắc cũng như tài năng của tác giả trong lĩnh vực văn học hiện thực giai đoạn sau cách mạng.

-----------------HẾT----------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/phan-tich-nhung-y-tho-trong-tac-pham-vo-chong-a-phu-cua-to-hoai-59784n.aspx
Cùng với bài Phân tích những ý thơ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, khi học về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, các em không nên bỏ qua những bài học quan trọng khác như: Cảm nhận truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Phân tích hành động cởi trói của Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Phân tích Giá trị hiện thực truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài. để củng cố kiến thức tác phẩm cho bản thân.

Tác giả: Ngọc Link     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Tóm tắt Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài ngắn gọn, đầy đủ
Phân tích Giá trị nhân văn trong Vợ chồng A Phủ
Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ
Phân tích hành động cởi trói của Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
Dàn ý phân tích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
Từ khoá liên quan:

phan tich nhung y tho trong tac pham vo chong a phu cua to hoai

, chat tho trong tac pham vo chong a phu cua to hoai, dan y chat tho trong truyen ngan vo chong a phu,

SOFT LIÊN QUAN
  • Phân tích nhân vật A Phủ

    Bài phân tích nhân vật trong truyện vợ chồng A Phủ

    Để hỗ trợ các em học sinh chuẩn bị tốt kiến thức môn Văn cho kì thi THPT sắp tới thì tài liệu ôn tập phân tích nhân vật A Phủ trong tác phẩm vợ chồng a Phủ của nhà văn Tô Hoài sẽ rất cần thiết cho các em học sinh. Đây là ...

Tin Mới