Chất thơ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài hay nhất

"Vợ chồng A Phủ" là tác phẩm rất đặc biệt trong kho tàng văn học Việt Nam. Hãy cùng tìm hiểu thêm về truyện ngắn đặc sắc này qua bài phân tích Chất thơ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, học kì II trên Taimienphi.vn nhé!

Đề bài: Phân tích chất thơ trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài.

Nội dung bài viết:
I. Dàn ý.
II. Văn mẫu.
  1. Bài mẫu số 1.
  2. Bài mẫu số 2.

chat tho trong truyen ngan vo chong a phu

Dàn ý, Bài văn mẫu phân tích chất thơ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ


I. Dàn ý Chất thơ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ


1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Tô Hoài và truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" với chất thơ độc đáo


2. Thân bài

a. Chất thơ trong hình ảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc
- Tây Bắc hiện lên với núi rừng trùng điệp quanh năm ẩn hiện trong mây và sương mù.
- Chất thơ được thể hiện rõ nét khi Tô Hoài miêu tả khung cảnh mùa xuân nơi rẻo cao Tây Bắc.
- Những trang văn viết về thiên nhiên rẻo cao và mùa xuân ấy hài hòa, đẹp như bài thơ trữ tình viết bằng văn xuôi.

b. Chất thơ qua đời sống sinh hoạt và phong tục tập quán của con người
- Xây dựng những hình ảnh quen thuộc trong đời sống thường nhật của người Tây Bắc như ngôi nhà gỗ với bếp lửa bập bùng suốt mùa đông không, công việc cõng nước, quay sợi...
- Ngày Tết: Không giống như người miền xuôi, người vùng cao ăn tết khi ngô lúa đã gặt xong.
+ Không khí ngày Tết của Hồng Ngài mang đậm hơi thở, hương vị của núi rừng Tây Bắc khi "trai gái tìm nhau để tỏ tình", chơi ném còn, chơi quay, thổi sáo, đàn môi, uống rượu...
+ Đặc biệt, tác giả dành nhiều tình cảm và câu chữ cho việc miêu tả tiếng sáo - cầu nói truyền tải ngôn ngữ của người H'Mông, thay họ cất lên tiếng lòng sâu thẳm, vượt qua dòng chảy thời gian, trở thành dòng chảy tâm hồn của biết bao đôi trai gái miền sơn cước.

c. Chất thơ trong con người - Mị
- Mị là cô gái trẻ, nết na xinh đẹp như một bông hoa ban trên rẻo cao Tây Bắc, vì món nợ truyền kiếp của bố mẹ, Mị bị thống lý Pá Tra bắt về làm dâu trừ nợ và rơi vào cảnh tăm tối. Những tưởng Mị có lẽ sẽ héo hắt, sống mòn mỏi lầm lũi hết cuộc đời song ẩn sau tâm hồn ấy vẫn le lói những ánh lửa của khát vọng tự do và tình yêu cuộc sống mãnh liệt.
- Vẻ ngoài của Mị đều toát lên vẻ âm thầm nhẫn nhịn, chịu đựng nhưng kỳ thực bên trong đó lại tiềm tàng 1 sức sống vô cùng mãnh liệt.
- Âm thanh tiếng sáo quen thuộc của núi rừng Tây Bắc ấy đã chạm vào sâu thẳm tâm hồn Mị, làm rạo rực tâm hồn người con gái trẻ đẹp
=> Chính sức sống tiềm tàng, rạo rực âm thầm cháy tựa như ánh sáng nâng đỡ, ngăn cản sự lụi tàn của tâm hồn. Khi bùng cháy lên lại biến thành sức mạnh có thể xua tan tất cả.

d. Chất thơ thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật
- Tô Hoài sử dụng hàng loạt âm thanh cùng nhiều hình ảnh gợi cảm vừa rực rỡ màu sắc vừa rất đỗi nên thơ.
- Ngôn ngữ văn xuôi vừa cụ thể rõ ràng vừa trừu tượng vô hình.
- Âm điệu và tiết tấu cũng như giọng kể nhẹ nhàng theo mạch cảm xúc êm đềm chảy trôi trong tâm trạng
- Đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn khí sắc lãng mạn với bút pháp trữ tình cùng sự mượt mà của văn phong điêu luyện.

3. Kết bài

- Đánh giá lại giá trị tác phẩm với nền văn học


II. Bài văn mẫu Chất thơ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ hay nhất

 

1. Chất thơ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài hay ngắn gọn - Mẫu 1

1.1. Dàn ý Phân tích chất thơ trong truyện Vợ chồng A Phủ chọn lọc hay nhất:
1.1.1. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Khái quát về chất thơ trong tác phẩm.
1.1.2. Thân bài: 
1.1.2.1. Giải thích:
- Chất thơ: 
+ Là một khía cạnh cảm xúc, thẩm mĩ, gắn với cái đẹp và nghệ thuật. 
+ Chất thơ có thể xuất hiện qua cảnh sắc thiên nhiên hoặc cả trong tâm trạng con người.
- Chất thơ trong văn xuôi: 
+ Những ý văn, câu văn tạo nên được sự rung cảm, xúc động trước cái đẹp, truyền được những cảm xúc đó đến với độc giả. 
+ Có thể xuất hiện trên nhiều cấp độ: từ ngữ, câu văn, hình ảnh thiên nhiên và con người, hình tượng nhân vật,...
1.1.2.2. Phân tích chất thơ trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ": 
a, Chất thơ thể hiện qua hình ảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc: 
- Hình ảnh đặc trưng của vùng núi non Tây Bắc: rừng núi quanh năm ẩn hiện trong sương mù. 
- Khung cảnh mùa xuân thơ mộng, hài hòa. 
=> Tác phẩm như một bài thơ trữ tình viết bằng văn xuôi. 
b, Chất thơ thể hiện qua đời sống sinh hoạt và phong tục tập quán của con người:
- Công việc thường ngày của bà con nhân dân Tây Bắc: 
+ "Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện [...] gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi".
+ Hình ảnh những ngôi nhà gỗ, bếp lửa bập bùng.
=> Cuộc sống đời thường quen thuộc.
- Hình ảnh ngày Tết vui tươi, nhộn nhịp: 
+ "Tết thì vui chơi, trai gái đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi".
+ "Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo cung quanh vách".
+ "Hồng ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi [...] đã có tiếng ai đó thổi sáo rủ bạn đi chơi".
-> Tiếng sáo trở thành cầu nối tình yêu.
=> Những nét riêng của ngày Tết ở Hồng Ngài. 
c, Chất thơ thể hiện qua vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Mị: 
- Mị là cô gái trẻ trung, xinh đẹp, có tài thổi sáo khiến bao người mê mẩn. 
- Tuy phải chịu cuộc sống cực khổ trong nhà thống lí Pá Tra nhưng tâm hồn Mị vẫn le lói khát vọng tình yêu, khát vọng tự do và hạnh phúc. 
- Sức sống mãnh liệt của Mị được khơi gợi lên bởi tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân. 
=> Sức sống như ngọn lửa cháy âm ỉ trong lòng người, xua tan bóng đêm đau khổ. 
d, Chất thơ thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật: 
- Tô Hoài chú trọng miêu tả khung cảnh và con người ở cả hình ảnh, âm thanh, màu sắc. 
- Ngôn ngữ vừa cụ thể, vừa trừu tượng, khơi gợi nhiều liên tưởng. 
- Giọng kể như có âm điệu, tiết tấu êm đềm, chảy trôi. 
- Văn phong điêu luyện, bút pháp trữ tình, lãng mạn được kết hợp nhuần nhuyễn. 
1.1.3. Kết bài:
- Khẳng định lại giá trị của chất thơ trong tác phẩm.
- Liên hệ mở rộng.

1.2. Bài văn mẫu Phân tích chất thơ trong Vợ chồng A Phủ - Văn 12:

Trong các thể loại của văn học, truyện và thơ tuy là hai thể loại riêng biệt nhưng lại có sự gắn kết chặt chẽ. Rất nhiều tác phẩm văn xuôi được nhận xét là có chất thơ, trong đó tiêu biểu là "Vợ chồng A Phủ". Bằng ngòi bút tài hoa của mình, Tô Hoài đã đan xen chất thơ vào truyện, tạo nên bức tranh hài hòa về thiên nhiên và con người trên vùng núi Tây Bắc. 

Có thể hiểu, chất thơ chính là một khía cạnh cảm xúc, thẩm mĩ của con người, gắn liền với cái đẹp và nghệ thuật. Khi được lồng ghép vào trong văn xuôi, nó sẽ giúp những ý văn, câu văn trở nên đầy rung cảm và rồi truyền tải chúng đến với độc giả. Chất thơ xuất hiện chủ yếu qua cảnh sắc thiên nhiên hay tâm trạng, cảm xúc con người. Và yếu tố này trong "Vợ chồng A Phủ" cũng không ngoại lệ. 

Trước tiên, độc giả có thể thấy "chất thơ" xuất hiện qua khung cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc. Núi non, nương rẫy nơi đây lúc nào cũng được bao phủ bởi làn sương dày, tạo nên nét đặc trưng mà ít địa danh nào có thể trùng lặp. Đặc biệt, khung cảnh mùa xuân đã được Tô Hoài miêu tả vô cùng chi tiết. Người dân nơi đây đón tết khi vụ mùa đã xong. Lúc đó, "trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho", "Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét dữ dội". Khung cảnh thiên nhiên thơ mộng còn được tô điểm với "những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xèo như con bướm sặc sỡ". Từng chi tiết như những vần thơ nhịp nhàng, uyển chuyển đem cái hơi thở thiên nhiên Tây Bắc tìm đến và ở lại tâm hồn độc giả. 

Tiếp đó, cuộc sống sinh hoạt đời thường của bà con nhân dân Tây Bắc cũng được ngòi bút Tô Hoài tô đậm chất thơ. Hình ảnh những ngôi nhà gỗ, những đốm lửa bập bùng quen thuộc cứ vậy in sâu trong tâm trí người đọc. Ngày ngày, bà con dân tộc vùng cao chăm chỉ, cần mẫn làm lụng, cõng nước, quay sợi,... Không khí cuộc sống cứ vậy yên bình mà trôi qua. Tô Hoài đã khéo léo đưa phong tục, tập quán của con người nơi đây vào tác phẩm của mình. Nào là "trai gái đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi", "đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân trước nhà". Đặc biệt, tác giả nhấn mạnh âm thanh của tiếng sáo. Đã không ít lần tiếng sáo xuất hiện kèm với tiếng hát, báo hiệu cho sức sống mãnh liệt tràn về với thiên nhiên, với con người. Nó như chiếc cầu nối tình yêu, trở thành nét riêng mà chỉ ngày Tết ở Hồng Ngài mới có. 

Không chỉ vậy, chất thơ trong tác phẩm còn xuất hiện qua vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật chính - Mị. Mị là một cô gái xinh đẹp, trẻ trung, tràn đầy sức sống. Cô như bông hoa ban thanh khiết của chốn núi rừng Tây Bắc, xứng đáng được nâng niu, trân trọng. Ấy vậy nhưng vì trả nợ cho cha, Mị buộc phải sang nhà thống lí Pá Tra làm dâu để gạt nợ. Chịu biết bao cực khổ, hành hạ, người con gái ấy vẫn sáng lên rất nhiều những phẩm chất tốt đẹp. Đặc biệt, ở cô ẩn chứa sức sống và sức mạnh phản kháng tiềm tàng. Trong đêm tình mùa xuân, chính tiếng sáo đã gọi Mị thức tỉnh. Cô ý thức về bản thân, về sự tồn tại của chính mình: "Mị rất trẻ. Mị còn trẻ. Mị muốn đi chơi". Âm thanh của tiếng sáo, của cuộc sống bên ngoài đã làm bùng lên ngọn lửa trong lòng Mị. Từ đó, dẫn đến bao hành động phản kháng sau này để chống lại cường quyền, áp bức. Ngay cả khi con người tưởng như đến đường cùng, phải chấp nhận số phận đau khổ thì Tô Hoài vẫn đưa cho họ hi vọng, niềm tin về một tương lai tự do, tươi sáng. 

Bên cạnh đó, chất thơ còn được tác giả thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật đầy tinh tế. Bức tranh Tây Bắc không chỉ được gợi lên qua những hình ảnh, màu sắc rực rỡ mà còn qua âm thanh. Cách vận dụng ngôn từ của nhà văn vừa cụ thể, vừa trừu tượng, mang đến bao liên tưởng độc đáo cho người đọc. Bằng văn phong điêu luyện kết hợp nhuần nhuyễn với bút pháp trữ tình, lãng mạn, Tô Hoài đã đem âm điệu, tiết tấu gửi vào từng lời văn. Từ đó, khiến cho tác phẩm như một bài thơ trữ tình được viết bằng văn xuôi. 

Có thể nói, truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" là sự kết hợp hoàn hảo giữa các yếu tố hội họa, âm nhạc, văn, thơ. Chất thơ len lỏi vào từng câu chữ không chỉ không bị lạc quẻ mà còn giúp nâng tầm giá trị tác phẩm, lưu lại dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc. Điểm đặc biệt này một lần nữa đã khẳng định vị trí của truyện cũng như của nhà văn Tô Hoài trong dòng chảy văn học suốt bao thế kỉ. 

 - - - - - - - - - - - - - - - - - - -  HẾT - - - - - - - - - - - - - - - - - - -

Chất thơ trong các tác phẩm văn xuôi luôn được đan cài vô cùng khéo léo, tinh tế. Để tìm hiểu sâu hơn về văn bản "Vợ chồng A Phủ", mời em tham khảo thêm các bài viết liên quan trên Taimienphi.vn nhé: Từ truyện ngắn Vợ chồng A Phủ liên hệ với tác phẩm Hai đứa trẻ; Cảm nhận về nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ; Giá trị hiện thực, nhân đạo và nghệ thuật trong Vợ chồng A Phủ.

 

2. Chất thơ trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài hay ngắn gọn - Mẫu 2

Tô Hoài là cây bút nổi tiếng ở thể loại truyện ngắn của văn học Việt Nam. Ông được mệnh danh là nhà văn của núi rừng Tây Bắc. Nhắc đến truyện ngắn của ông không thể không nhắc đến tác phẩm "Vợ chồng A Phủ". Trong thiên truyện ngày, người đọc không chỉ ấn tượng bởi những giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc mà còn dễ dàng rung động trước chất thơ thấm đượm qua từng câu chữ.

Chất thơ trong tác phẩm văn học chính là vẻ đẹp lãng mạn. Nó tương phản với đời sống hiện thực nhưng thoát lên từ đời sống hiện thực. Hiện thực là những cái vốn có, chân thật thì chất thơ là ước mơ, lý tưởng nâng đỡ con người. Trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ", chất thơ bàng bạc bao phủ khắp mọi ngóc ngách, lan tỏa những giá trị vô cùng đẹp đẽ.

Chất thơ trước hết hiện lên qua hình ảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc với núi non, nương rẫy, sương mù... đặc trưng, không trộn lẫn với bất kỳ địa danh nào. Khung cảnh nên thơ nên họa được Tô Hoài miêu tả một cách đầy cá tính và sáng tạo. Tây Bắc hiện lên với núi rừng trùng điệp quanh năm ẩn hiện trong mây và sương mù. Ban ngày, dù nắng lên cao cũng không thể xua tan làn sương giăng trắng. Đêm xuống, ánh trăng hòa quyện càng khiến không gian trở nên huyền ảo như chốn vô thực.

Đặc biệt, chất thơ được thể hiện rõ nét khi Tô Hoài lia bút miêu tả khung cảnh mùa xuân nơi rẻo cao Tây Bắc. "Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho", "gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy hoa đã đem phơi trên những mỏm đá xoè như con bướm sặc sỡ, gió và rét rất dữ dội". Cái hồn cốt của thiên nhiên Tây Bắc đã được lột tả qua những câu văn mang đầy "ý thơ". Những trang văn viết về thiên nhiên rẻo cao và mùa xuân ấy hài hòa, đẹp như bài thơ trữ tình viết bằng văn xuôi.

Bên cạnh đó, chất thơ còn được bộc lộ qua đời sống sinh hoạt và phong tục tập quán của con người nơi đây. Tô Hoài đã xây dựng những hình ảnh quen thuộc trong đời sống thường nhật của người Tây Bắc như ngôi nhà gỗ với bếp lửa bập bùng suốt mùa đông không, công việc cõng nước, quay sợi... lặp đi lặp lại của họ hay những chiếc váy xòe sặc sỡ, vòng bạc lấp lánh - trang phục dân tộc của người phụ nữ H'mông vùng cao.

Mỗi phong tục, mỗi thói quen của con người bước vào trang văn của Tô Hoài đều rất đẹp, rất thơ. Song ấn tượng nhất có lẽ là lễ hội Tết. Không giống như người miền xuôi, người vùng cao ăn tết khi ngô lúa đã gặt xong. Dù cho Tết năm ấy đến "giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội" cũng không dập tắt được niềm vui đang len lỏi trong tâm hồn. Không khí ngày Tết của Hồng Ngài mang đậm hơi thở, hương vị của núi rừng Tây Bắc khi "trai gái tìm nhau để tỏ tình", chơi ném còn, chơi quay, thổi sáo, đàn môi, uống rượu...

Đặc biệt, tác giả dành nhiều tình cảm và câu chữ cho việc miêu tả tiếng sáo - cầu nói truyền tải ngôn ngữ của người H'Mông, thay họ cất lên tiếng lòng sâu thẳm: "Anh ném pao, em không bắt. Em không yêu, quả pao rơi rồi". Năm tháng trôi qua, tiếng sáo đã trở thành nét độc đáo không thể thiếu của mảnh đất này: "Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách". Tiếng sáo gọi bạn tình vượt qua dòng chảy thời gian, trở thành dòng chảy tâm hồn của biết bao đôi trai gái miền sơn cước.

Thiên nhiên trong "Vợ chồng A Phủ" mang đầy chất thơ, thiên nhiên lại là cái nôi nuôi dưỡng con người trưởng thành. Đi từ cội nguồn ấy, Tô Hoài bắt đầu hành trình khám phá chất thơ trong con người mà nét đặc sắc nhất được biểu hiện ở tâm hồn nhân vật chính - Mị.

Mị là cô gái trẻ, nết na xinh đẹp như một bông hoa ban trên rẻo cao Tây Bắc, vì món nợ truyền kiếp của bố mẹ, Mị bị thống lý Pá Tra bắt về làm dâu trừ nợ và rơi vào cảnh tăm tối. Những tưởng ở nơi hang hùm nọc rắn với ựu lăm le hủy diệt bản tính tốt đẹp của cái ác, Mị có lẽ sẽ héo hắt, sống mòn mỏi lầm lũi hết cuộc đời "đến bao giờ chết thì thôi". Song ẩn sau tâm hồn ấy vẫn le lói những ánh lửa của khát vọng tự do và tình yêu cuộc sống mãnh liệt.

Ở nhà thống lí Pá Tra, từng hành động, cử chỉ, vẻ ngoài của Mị đều toát lên vẻ âm thầm nhẫn nhịn, chịu đựng nhưng kỳ thực bên trong đó lại tiềm tàng một sức sống vô cùng mãnh liệt. Đúng như nhà văn Tô Hoài từng nhận định: "Ở nơi rừng núi mơ màng ấy, các dân tộc đã không lặng lẽ chịu đựng". Vẻ đẹp nội tâm đáng trân trọng đó chính là tính nhân văn sâu sắc, là chất thơ đặc biệt được tác giả sáng tạo. Khi nghe tiếng sáo gọi bạn trong những đêm tình mùa xuân, lòng Mị "thiết tha bổi hổi", âm thanh quen thuộc của núi rừng Tây Bắc ấy đã chạm vào sâu thẳm tâm hồn Mị, làm rạo rực tâm hồn người con gái trẻ đẹp ngỡ như đã chết đi khi về làm dâu trừ nợ nhà thống lí Pá Tra. Tiếng sáo giao duyên gợi mở trong tâm trí Mị những hồi ức của ngày xưa cũ, tự do, vui vẻ, ngày mà "Mị thổi sáo giỏi" "Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị".

Cũng tiếng sáo ấy đã thức tỉnh tâm hồn Mị, khiến "Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước." Lần đầu tiên sau bước ngoặt làm dâu nhà thống lí, Mị ý thức được bản thân "Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi...". Từ tình trạng bi kịch sống không bằng chết, sống mà như cái xác không hồn, Mị nay đã sống lại thực sự, sinh động trong tâm hồn và suy nghĩ. Chính sức sống tiềm tàng, rạo rực âm thầm cháy tựa như ánh sáng nâng đỡ, ngăn cản sự lụi tàn của tâm hồn. Khi bùng cháy lên lại biến thành sức mạnh có thể xua tan tất cả. Để rồi từ đó, Tô Hoài đã khéo léo tái hiện nét "thơ" rất đẹp và giàu giá trị nhân văn trong quá trình xây dựng nhân vật. Ngay cả khi cuộc sống bế tắc trong bi kịch thì ông vẫn gửi gắm nỗi khát khao mãnh liệt về một tương lai tốt đẹp, tươi sáng cho mỗi con người.

Không những thế, chất thơ trong "Vợ chồng A Phủ" còn được thể hiện qua ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo. Tô Hoài sử dụng hàng loạt âm thanh cùng nhiều hình ảnh gợi cảm vừa rực rỡ màu sắc vừa rất đỗi nên thơ. Ngôn ngữ văn xuôi vừa cụ thể rõ ràng vừa trừu tượng vô hình. m điệu và tiết tấu cũng như giọng kể nhẹ nhàng theo mạch cảm xúc êm đềm chảy trôi trong tâm trạng, tình cảm của người cầm bút. Trong thế giới đa cung bậc và nhiều màu sắc tình cảm, Tô Hoài còn có khả năng diễn đạt rung động, cảm xúc tinh tế một cách tài tình. Đặc biệt là sự kết hợp nhuần nhuyễn khí sắc lãng mạn với bút pháp trữ tình cùng sự mượt mà của văn phong điêu luyện. Hội họa, âm nhạc được khéo léo lồng ghép trong văn học tạo sự hài hòa cộng hưởng thơ ca và văn xuôi.

"Vợ chồng A Phủ" với chất thơ bàng bạc len lỏi thực sự là tác phẩm văn học chân chính với nhiều giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Với những giá trị ý nghĩa về nội dung và sáng tạo mang dấu ấn riêng về nghệ thuật, truyện ngắn xứng đáng là tác phẩm tiêu biểu nổi bật cho hồn thơ Tô Hoài.

--------------------------HẾT----------------------------

https://thuthuat.taimienphi.vn/chat-tho-trong-truyen-ngan-vo-chong-a-phu-59402n.aspx
Trên đây Thuthuat.Taimienphi.vn đã cùng các em tìm hiểu về Chất thơ trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ". Để hiểu rõ hơn về giá trị nghệ thuật cùng nội dung đặc sắc của tác phẩm tiêu biểu cho phong cách Tô Hoài, các em có thể tham khảo thêm bài: Phân tích Giá trị nhân văn trong Vợ chồng A Phủ, Phân tích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Phân tích hành động cởi trói của Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Diễn biến tâm trạng của Mị trong "đêm tình mùa xuân" trong Vợ chồng A Phủ.

Tác giả: Duy Tâm     (4.0★- 3 đánh giá)  ĐG của bạn?

  

Bài viết liên quan

Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài
Giá trị hiện thực, nhân đạo và nghệ thuật trong Vợ chồng A phủ của Tô Hoài
Cảm nhận về nhân vật Mị trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ hay nhất
Diễn biến tâm trạng của Mị trong "đêm tình mùa xuân" trong Vợ chồng A Phủ siêu hay của học sinh giỏi
Phân tích những ý thơ trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài
Từ khoá liên quan:

Chat tho trong truyen ngan Vo chong A Phu

, dan y Chat tho trong truyen ngan Vo chong A Phu, chat tho trong tac pham vo chong a phu,

SOFT LIÊN QUAN

Tin Mới